Trong những tháng sống trên đất Pháp, điều gây ấn tượng lớn và sâu đối với tôi là người công dân, người lao động được hưởng biết bao nhiêu quyền lợi thiết thực. Phải đấu tranh quyết liệt mấy thế hệ công nhân và công dân mới giành được giờ lao động mỗi ngày là dưới 8 giờ (so với 10, 12 giờ hay hơn nữa thời chủ nghĩa tư bản sơ khai), mỗi tuần làm việc 42 giờ hoặc dưới 42 giờ (so với 60, 65 giờ hay hơn nữa), cũng như mỗi tuần làm việc 5 ngày (so với 6 hoặc 7 ngày hồi trước)- Trên báo Pháp đang bàn về việc tổ chức để người lao động, viên chức có thể nghỉ 3 ngày liền sau 4 ngày làm việc, mở ra một hướng đấu tranh mới mẻ ở một số ngành. Lương tối thiểu của công nhân viên chức được ấn định hàng năm. Hiện nay lương SMIC (tối thiểu cho các ngành nghề) hàng tháng là 5300 Francs (bằng gần 1000 dô la). Người về hưu được bảo đảm về cuộc sống. Tùy theo thâm niên, nghề nghiệp và mức lương mà nhận được lương hưu khá giả hay dư dật ít nhiều. Quỹ trợ cấp xã hội rất lớn, do nhiều nguồn đóng góp: của chính phủ, trích ra từ ngân sách, tiền trích từ lương của lao đông, viên chức, cũng như đóng góp của người chủ mướn lao động, mướn nhân công và viên chức, từ các hãng tư nhân phải trích lãi và nộp nhiều loại thuế...Người lao động, viên chức được bảo hiểm về sức khỏe, được chữa bệnh, nằm bệnh viện không mất tiền, hoặc chỉ phải đóng góp rất ít, nếu không làm việc được, neo đơn, thất nghiệp thì được các cơ quan cưú trợ xã hội xét và được những khoản phụ cấp thích đáng...Chính phủ làm ra những căn nhà HLM (nhà cho thuê giá thấp) cho những người thu nhập trung bình và thấp (những ngôi nhà làm riêng cho cán bộ cấp cao ở Hà Nội còn kém xa những HLM ở Pháp). Trẻ em, người già, người tàn tật, được chăm sóc rất đặc biệt, không phải chỉ cho một số ít, mà cho đại trà, nghĩa là mọi người trong diện ấy một cách bình đẳng.
Việc đi lại của công dân được nhà nước giải quyết từng bước theo nhu cầu. Hiện Paris có hệ thống tầu điện ngầm như mắc cửi, gồm hơn 10 đường trục chéo nhau với gần 600 ga. Có đến hơn 3 triệu lượt người đi Metro mỗi ngày- thêm vào đó có hệ thống 4 đường RER- xe điện tốc độ cao-trong thủ đô nối liền với hệ thống xe lửa trải ra khắp nước. Lại có hệ thống xe lửa nhanh TGV, mỗi giờ chạy được 240 km...Có chính sách bán vé chuyến, vé ngày, vé tháng có loại vé dành chung cho tầu điện ngầm, RER, và xe buýt, có loại vé cho công nhân, cho học sinh và sinh viên. Lại có loại vé cho người về hưu, người tàn tật, được bớt 50 %, hay hoàn toàn không mất tiền- Học sinh đi tập thể, đi du lịch được mua gíá hạ hơn nữa...
bên sông Loire, tôi ghé thăm một nhà dưỡng lão của hơn 40 cụ từ 76 đến 103 tuổi. Đây là lâu đài của môt quận công cũ ở trong vùng. Các cụ được phục vụ chu đáo, ăn ngủ, chơi bài, đọc sách báo, chơi thể thao, đi bách bộ, làm vườn...Mọi cụ già trong vùng có hoặc không có người thân chăm sóc, đều có thể đến đây sống trong niềm vui và được phục vụ chu đáo. Đã có sự ganh đua giữa các vị dân biểu, các quận trưởng, tỉnh trưởng, giữa đảng cộng sản, đảng xã hội, với các đảng phái hữu. Đại biểu nào cầm quyền một nhiệm kỳ đều cố để lại một dấu ấn về thành tựu của mình ở địa phương: đó là một, hai nhà trẻ, dăm bảy lớp mẫu giáo, là những vườn hoa và thảm cây xanh..., đó cũng có thể là 1, 2 trường trung học, một thư viện có vài nghìn cuốn sách, là sân vận động, là những phòng thể thao mùa đông. Đó có thể là ngôi nhà dưỡng lão, những đại lộ trồng cây, những cửa hàng thực phẩm, hoặc những nhà ở có kiến trúc đặc sắc cho nhân dân thuê với giá rẻ...Nhiệm kỳ của ông, bà, làm tốt, thực sự quan tâm đến nhân dân, thực hiện đầy đủ lời hứa tuyển cử, cử tri chúng tôi lại tín nhiệm ông, bà. Còn ông hoặc bà kia chỉ hứa hão, lại bê bối, chẳng có tích sự gì để đánh đấu nhiệm kỳ thì thôi, xin vái ngài, ô voa...xin ông bà về nghỉ cho dân khỏe...
Các vị đại biểu ra ứng cử đều có chương trình cụ thể, không có hứa hẹn chung chung. Phải am hiểu địa phương về tất cả các mặt (sản xuất, số lao động, số thất nghiệp, hệ thống y tế, giáo dục, các mặt xã hội và đời sống của các lớp dân cư...) từ đó đề ra kế hoạch cho cử tri xem xét.
Thị trường Paris cũng vậy. Ông Chirac ra tranh cử với một kế hoạch rất rõ ràng. Giải quyết những vấn đề lao động, xây dựng và điều hành các công việc của thủ đô, xây dựng những công trỉnh, giải quyết nạn thất nghiệp...Đã hứa hẹn là phải thực hiện đến nơi, đến chốn, hoặc vượt lời hứa. Việc xây dựng khu La Defense, một quần thể kiến trúc rất lớn ở phía Tây Paris-đặc sắc nhất ở châu Âu-đã căn bản hoàn thành. Khu La Villette, "thành phố khoa học và công nghiệp" ở phía đông bắc Paris, trong quận 19 đang được hoàn tất. Đây là nơi phổ biến những kiến thức, những thành tựu khoa học và công nghiệp của nước Pháp và thế giới, có phòng chiếu phim rộng lớn, diện tích màn chiếu hình vòm, rộng 1000 mét vuông. Những kiến thức về vật lý, hóa học, sinh học, tin học, quang học, địa lý, về du hành vũ trụ, về lò phản ứng hạt nhân, từ giản đơn đến phức tạp đều được trình bầy dưới dạng phổ cập và nâng cao, thu hút mỗi lứa tuổi, nhất là tuổi trẻ đến để tìm hiểu về khoa học hiện đại. Gần đây thị trưởng Paris lại phải xắn tay thúc đẩy việc mở rộng hệ thống tầu điện ngầm ra các hướng như ông từng hứa. Trong nhiệm kỳ này của ông, Paris sẽ có thêm gần một chục ga mêtrô nữa- Những ga tầu điện ngầm thật đặc sắc của Paris. Có ga như La Bastille, Montparnasse, Les Halles, Republique, ga Lyon...có 3, 4 đường chéo nhau, gối lên nhau. Nhà ga rộng mênh mông, ước bằng cả mặt hồ Hoàn Kiếm, có 3, 4 tầng dưới mặt đất...
Tổng thống Pháp Pompidou trong nhiệm kỳ của mình cũng để lại một dấu ấn giữa Paris. Một Trung tâm mang tên ông, còn gọi là Trung tâm Beaubourg (tên của phố này). Ngôi nhà cực lớn, 6 tầng cao và 3 tầng hầm được xây dựng về hình thức như một nhà máy với những ống vận chuyển xanh, cùng với những ống đuy ra lắp gương. Đây là một trung tâm văn hóa giáo dục công cộng, mỗi ngày tiếp đón chừng 80 ngàn đến 120 ngàn lượt người. Họ đến đọc báo, xem sách, xem phim, xem triển lãm khoa học, mỹ thuật, nghe nói chuyện, làm bài, học ngoại ngữ. Vào cửa không tốn một xu, chẳng cần giấy tờ gì hết, mà tha hồ lấy báo hàng ngày, báo hàng tuần của Pháp và thế giới ra mà đọc, Có "thư viện nhân dân" cực lớn đủ loại sách, được xếp đặt khoa học, có những thủ thư tận tình, có chỗ ngồi đọc sách thoáng rộng, đủ ánh sáng, có máy sao chụp tài liệu, có hệ thống nghe và nhìn để học hơn 20 thứ tiếng khác nhau, có những trung tâm máy tính điện tử ghi mọi dữ kiện chính trị, văn hóa, khoa học...giải đáp ngay tức khắc những câu hỏi của mọi người...Trên tầng cao nhất có sân đứng ngắm Paris và xung quanh, có nơi điểm tâm, giải khát tự phục vụ và những phòng triển lãm hội họa hiện đại. Tôi gặp những bạn trẻ Việt nam, Trung quốc, Angieri...đến đây để học thêm hàng tuần, hàng tháng liền, nâng cao trình độ tiếng Pháp và trình độ chuyên ngành của mình, chẳng tốn tiền. ở đây chỉ cần có thiện ý, ham học, còn điều kiện rõ ràng là có sẵn, không tốn kém gì cả, Trung tâm mang tên tổng thống Pompidou là dẫn chứng về một cơ sở cung cấp hiểu biết, trí tuệ cho toàn xã hội. Những người phụ trách trung tâm này cho biết: chúng tôi bỏ vốn vào đây không ít, nhưng bù lại là lợi, lợi không nhỏ. Vì sức mạnh của một dân tộc là kiến thức, quảng đại quần chúng thừa hướng một cách rộng rãi, kịp thời.
Còn tổng thống Mitterand? Nhiệm kỳ của đương kim tổng thống sẽ được để lại những dấu ấn lâu bền ở một số công trình đồ sộ- Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngay cách mạng Pháp 1789-1989 đã hoàn thành Kim tự tháp lớn bằng kính đặt ở sân trong của lâu đài Louvres, đã phục hồi toàn bộ cung điện Louvres sau khi tổng thống quyết định di chuyển Bộ Tài chính làm việc tại đây ra bờ sông Seine, đã xây dựng cung opera mới, nhà hát lớn của thủ đô, ngay trên nền nhà ngục Bastille cũ đã bị san bằng hồi ấy: một opera phủ kính, đặc sắc và độ sộ vào bậc nhất châu âu hiện nay- Đã hoàn thành một loạt công trình lớn bên bờ sông Seine, nổi nhất là trụ sở Bộ Tài chính mới, có sân máy bay lên thẳng, có bến, xuống tầu trên sông Seine, có cung thể thao tầm cỡ quốc tế ở cạnh.
phía đông, trên sông Marne, một công trình kỹ vĩ mang tên Euro-Disneyland đang được khẩn trương xây dựng trên một khu vực rộng hơn một ngàn héc-ta. Đây là một trung tâm giải trí cho thiếu niên, và cả cho thanh niên và người lớn tuổi. Một phác họa kiểu châu Âu của Disneyland ở châu Mỹ, để thế hệ trẻ tha hồ thưởng thức những bay bổng của tưởng tượng, sống trong những thần thoại và truyền thuyết: từ thế giới cuả Bạch tuyết và bảy chàng lùn, đến vô vàn chuyện thú vị về con chuột của Walt Disney, qua những câu chuyện hấp dẫn của dân gian Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Mỹ La Tinh...và tập trung vào văn học dân gian Pháp, một nền văn học mang nhiều tính nhân đạo sâu sắc...
Có nhiều người sẽ mắng mỏ tôi ăn phải bả của chủ nghĩa tư bản và đưa nó lên tận mây xanh! Không, tôi đã nói chuyện với khá nhiều nhà kinh tế và sử học Pháp, với những anh em Việt kiều sống hàng hai mươi, ba mươi năm ở Paris và trực tiếp quan sát bằng tai, bằng mắt mình cuộc sống các mặt. Phải khẳng định rõ rệt rằng cuộc sống của nhân dân, của lao động, viên chức đã có thay đổi lớn trong từng thời gian một- Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc sống rất gay gắt- phải mua hàng bằng tem phiếu- Thiếu điện, thiếu than sưởi mùa rét. Thiếu nhà vệ sinh, điện nước, thiếu thang máy...Sản xuất được khôi phục và phát triển là đời sống được cải thiện. Hiện nay Pháp là nước số tỷ lệ điện nguyên tử trong lưới điện quốc gia cao nhất châu Âu, điện cho sản xuất và tiêu dùng không thiếu Xưa kia điện thoại vài trăm người mới có một máy, nay cứ 1, 4 người một bộ máy- Hàng hóa rất nhiều vẻ. Bánh mì bán thừa thãi có đến 20 loại, tha hồ chọn: bánh tròn, bánh dẹt, bánh có tỷ lệ cám, bánh có trộn bột ngô, và trộn kê, bánh có đường, có mứt...Sữa bò cũng có hàng chục loại, với các chai đựng khác nhau...Đó trước hết là do việc tìm hiểu thị hiếu, nhu cầu của nhà sản xuất nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất. Không phải từ lòng tốt và thiện tâm của các nhà tư bản, mà từ cuộc chạy theo lợi nhuận phải chăng, chạy theo lợi ích của các công ty, các nhà sản xuất, xã hội chấp nhận điều đó một cách sòng phẳng. Thứ hai là những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, những sáng chế và phát minh được ứng dụng sớm nhất vào sản xuất, đưa năng xuất xã hội ngày càng lên cao. Tôi vừa xem một máy tính điện tử bỏ túi nhẹ bằng một bao thuốc lá, có thể dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh và ngược lại chứa 12 nghìn từ, giá chỉ bằng một phần hai mươi lương tối thiểu của một công nhân bậc thấp! Thật là kỳ diệu! Pháp là nơi phát minh ra tấm "thẻ" gọi điện thoại điện tử-từ tính mua một lần dùng hàng chục cho đến một trăm lần mọi máy điện thọai công cộng.
Ba là-điều này rất quan trọng: tất cả những kết quả ấy đều phải trải qua những cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài, có khi khá gay gắt về chính trị, kinh tế của các chính đảng dân chủ và tiến bộ, của các cộng đoàn, của hàng triệu công nhân, qua các cuộc thảo luận, tuần hành, bãi công bộ phận và toàn bộ, với những yếu sách cụ thể từ thấp lên cao. Sức lực, kinh nghiệm đấu tranh ấy đã dựa vào Hiến pháp, luật pháp, quyền công dân mà phát huy hàng ngày, được các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí, phát thanh, truyền hình hỗ trợ mạnh mẽ và rất có hiệu quả.
Điều thứ tư là do có Liên Xô, có hệ thống xã hội chủ nghĩa, tại đó nhân dân lao động được chăm sóc nhà ở với giá thuê rất thấp, chữa bệnh cho nhân dân không mất tiền, giáo dục từ thấp lên cao không mất tiền, phụ cấp xã hội và bảo hiểm xã hội ở một số nước khá cao (cho những đối tượng trẻ em, người già, gia đình đông con, người tàn tật, nuôi cao tuổi cô đơn), thời gian lao động công nhân viên chức giảm trong năm, trong tuần lễ và trong ngày...Những thành quả của các nước xã hội chủ nghĩa ấy thúc đẩy nội dung đấu tranh của lao động các nước tư bản. Chính giai cấp tư bản buộc phải chú trọng để không thua kém các nước xã hội chủ nghĩa về mặt này trong cuộc cạnh tranh giữa hai xã hội đối lập. Điều đáng buồn cho chủ nghĩa xã hội hiện thực là không thiếu những thiện ý về cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của những người lao động và đông đảo nhân dân nhưng đã thực hiện qúa tải, nôn nóng và vội vã với những chủ trương bao cấp tràn lan theo kiểu bình quân chủ nghĩa, trong khi chưa tạo nên được năng xuất lao động cao và sản phẩm dồi dào như ở chủ nghiã tư bản. Đi cùng với thiếu dân chủ, sự đổ vỡ là không tránh khỏi.
Có người chất vấn tôi về nạn thất nghiệp, nạn mãi dâm, nạn nghiện ma túy, tệ tham nhũng trong các nước tư bản? Trong vấn đề này cần có thái độ tỉnh táo, khách quan và công bằng- Trong một thời kỳ, nhất là thời kỳ chiến tranh, khi toàn bộ sinh lực xã hội được huy động cho cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù xâm lược, các nước xã hội chủ nghĩa đã từng giữ gìn tương đối trong sạch xã hội mình, từ lực lượng lãnh đạo đến nhân dân. Một thời gian nhất định, đạo đức, niềm tin, tính tự giác trong xã hội nhìn chung đã cao hơn cả pháp luật. Thế nhưng ở các nước ấy, một thời gian dài đã có thái độ không sòng phẳng theo kiểu lập trường cứng nhắc và gian lận: về phía ta thì đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại, về phía "địch" thì tha hồ nói thêm, tô vẽ cho xấu thêm, bẩn thêm. Ví dụ, các giáo sư và giáo trình xã hội chủ nghĩa không công nhận là trong các nước xã hội chủ nghĩa có thất nghiệp (mà chỉ có người chưa có việc làm!), cũng như tại đó không có khủng hoảng (chỉ có giá cuả đồng tiền chưa vững), cũng như không có cạnh tranh (chỉ có thi đua), còn trộm cắp, xì-ke, hối lộ, mãi dâm...chỉ là một số hiện tượng tiêu cực tạm thời. Các nước xã hội chủ nghĩa đều có nền dân chủ một triệu lần cao hơn các nước khác! Những chân lý ấy trước đây, khi chưa có được tin tức, trao đổi, khi chưa đọc báo nước ngòai, khi chưa được xem phim, khi người thân trực tiếp thăm viếng nhau còn hiếm, thì còn có người tin. Nhưng khi hàng rào ngăn cách biến mất, những thông tin về các nước được mở rộng, chuẩn xác, thì những sự thật không sao còn che dấu được nữa.
Trên các mặt: sản xuất ra nhiều của cải, đạt năng xuất lao động cao, ứng dụng nhanh các quy trình công nghệ mới, đáp ứng những yêu cầu phong phú của người tiêu dùng...thì chưa có một nước xã hội chủ nghĩa nào đạt, thậm chí còn kém và kém rất xa. Theo Mác và Lê-nin, đó là những mặt then chốt nhất, đem lại thế mạnh và thế ưu việt của một chế độ xã hội. Liên Xô là nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo và cũng lần đầu tiên đưa con người vào vũ trụ, nhưng đến nay lại sút kém về mặt này, khi Mỹ đã đưa người lên cung trăng đang phóng những con tầu vũ trụ cực lớn và thu hồi nó về, đồng thời đang đóng vai trò quyết định trong việc thám hiểm Sao Hỏa...
Về mặt thực hiện dân chủ thì chế độ độc đảng đã tỏ ra không ổn trên thực tế- Sự độc đóan, chuyên quyền, đặc quyền, đặc lợi, thói gia trưởng, quan liêu, xa rời nhân dân đã ngang nhiên dẫm đạp lên quyền dân chủ- Tất cả các nứơc xã hội chủ nghĩa cũ đều đã sớm muộn chấp nhận đa nguyên: Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức (trước khi thống nhất với CHLB Đức), Tiệp Khắc, Bungari, Hungari, Rumani, cho đến Mông cổ, Anbani, Nam Tư. Chỉ còn Trung Quốc, Triều Tiên, Cu Ba và Việt Nam còn cố cưỡng lại xu thế ấy, nhưng chắc chắn không thể cưỡng được lâu, vì trái với đạo lý, trái với quy luật tất yếu, trái với đòi hỏi mạnh mẽ của nhân dân mỗi nước-Viện lý do là địch sẽ lập tức lợi dụng là thái độ hoảng hốt, thiếu tự tin và thiếu tin ở nhân dân.
Mặt khác những tình hình thiếu dân chủ, vi phạm quyền làm chủ xã hội của nhân dân đã làm sản xuất rối loạn, bất công xã hội mở rộng, nạn tham nhũng hoành hành như bệnh dịch, xã hội băng hoại về mặt đạo đức và không ổn định- Sự không ổn định hiện nay hoàn toàn không phải do lực lượng nào bên ngoài gây nên mà do tình trạng thiếu dân chủ.
Cái gốc của vấn đề là ở xã hội nào cũng có người tốt và người xấu. Trong con người nào cũng có mặt tốt và mặt xấu- Trước kia, có người hiểu rằng những người lãnh tụ cộng sản là rất tốt, là hảo hạng, thậm chí gần như là tốt đẹp một cách thánh thiện, xứng đáng là mẫu mực cho toàn xã hội. Nhân dân quý trọng đến mức tôn thờ Staline, Mao Trạch Đông chính là vì thế. Sau này được biết Staline độc đóan ra sao, hung bạo thế nào, coi thừơng tính mạng nhân dân ra sao, thì nhân dân Liên Xô và thế giới đều căm giận và khinh bỉ. Mao cũng hết thiêng do độc đóan, tùy tiện trong cách mạng văn hóa vô sản, đàn áp những người dân chủ, nhân dân lương thiện...ở Việt nam, chủ tịch Hồ Chí Mnh được nhìn nhận như một con người tận tụy, có đạo đức, có tâm huyết, hiểu biết rộng, hành động kiên quyết...Về sau nhiều người cho rằng ông là lãnh tụ, có công, nhưng cũng có ưu, có khuyết, có sai lầm nữa, đó là một điều tự nhiên. Còn những người lãnh đạo sau chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ ra yếu kém tất cả các mặt: gìa ốm về thể chất, thiếu đức tính lắng nghe, thiếu am hiểu về thế giới mới, thiếu trách nhiệm, thiếu phục thiện, cố duy trì một chế độ không dân chủ về chính trị.
ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, hay tư bản chủ nghĩa, xem ra vấn đề cốt tử là nhân dân, trước hết là người lao động. Toàn thể công dân trong xã hội có được lựa chọn những người lãnh đạo của mình và kiểm tra công việc của họ hay không? ở các nước tư bản chủ nghĩa, họ đã đấu tranh và giữ được cách làm như thế, nhân dân được hưởng thụ chính đáng những quyền lợi thiết thực. ở các nước tư bản, cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục hàng ngày. ở Pháp gần đây các lực lựơng phái tả (vốn thuộc đảng cộng sản Pháp, đảng xã hội Pháp và một số người không đảng phái) vừa gặp nhau trên khẩu hiệu Refondations ("xây dựng lại" hay "đặt nền móng mới"), nhằm đấu tranh cho một chế độ xã hội có nhiều dân chủ, và công bằng xã hội hơn. Tôi đã dự những cuộc họp có nội dung phong phú ấy ở phòng họp quốc tế La Villette, nhằm tập hợp một lực lượng mới của cánh tả Pháp do thời cuộc đòi hỏi. Không có chế độ nào tuyệt mỹ cả - mọi xã hội đều phải vận động theo hướng hoàn thiện thêm. Dân chủ, công bằng xã hội và hạnh phúc của nhân dân luôn luôn và mãi mãi là mục đích ở phía trước, đây là một sự tiếp cận thường xuyên và không bao giờ kết thúc cả.
Vấn đề bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài tại mọi châu lục là một vấn đề cực lớn. Cần một công trình nghiên cứu chu đáo về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, pháp luật, tập quán, tâm lý...để cùng nhau giải quyết theo những lợi ích trước mắt và lâu dài của tổ quốc Việt nam.
Việc này càng cần thiết và cấp bách vì đã bị coi nhẹ, lại bị nhiễu loạn vì những tình cảm nhất thời chi phối ở cả hai bên chiến tuyến trước kia. Những tình cảm âm tính ấy đến nay vẫn còn tồn tại. Rất cần cùng nhau bàn bạc để giải quyết thấu tình đạt lý, trên tinh thần hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau.
Cộng sản và quốc gia, ai đúng, ai sai? Ai có công và ai có tội? Ai là chân chính, ai là không chân chính? Câu chuyện này có thể nói hoài không hết, thảo luận hoài không sao ngả ngũ và kết luận được. Bởi vì chỗ đứng khác nhau, cách nhìn nhận khác nhau, đối lập nhau.
Tôi đã gặp và hỏi chuyện khá nhiều bà con người Việt ở Pháp và ở Hoa Kỳ, ở úc và ở Thái Lan, ở Bỉ và ở Hà Lan...Có người là bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim (tháng 3. 1945), hoặc bộ trưởng trong chính phủ Hồ Chí Minh sau cách mạng tháng Tám. Họ là những trí thức, giáo sư, sinh viên, công chức. Họ là những nhà hoạ sĩ, điêu khắc, sáng tác âm nhạc, nhà báo...Họ là những bà nội trợ, nam nữ thanh niên...Họ là những người lính O. N. S (lính thợ) sang đây từ Đại chiến thế giới thứ nhất (số này chỉ còn lại rất ít người, đã trên dưới 80 tuổi), hoặc từ Đại chiến thế giới thư hai, có những người thông ngôn cho anh em lính thợ ONS. Có người đi tu học từ hồi 1950 đến 1954, hoặc từ những năm 1960 rồi ở lại. Có những người đi vào những năm 1973, 1974 và 1975 khi chiến tranh kết thúc. Có nhiều người ra đi hồi 1977, 1978 trong những chiến dịch ra đi của người Hoa.
Có người ra đi bằng con đường đoàn tụ gia đình của Cao ủy người tỵ nạn...Cũng có một số người là thuyền nhân, trôi đạt và chờ đợi mãi ở các trại tỵ nạn ở Hồng Kông hay ở Thái Lan, Malaixia hay Philipine, Singapor hay Indonesie, hoặc ở Australia rồi mới sang được đất Pháp. Có người đã vào quốc tịch Pháp, có người xin tỵ nạn chính trị, có người còn hộ chiếu Viêt Nam, quy chế của họ rất khác nhau. Có người lấy vợ hoặc lấy chồng Pháp, sinh con, đẻ cái. Có gia đình đã trải qua hai hay ba thế hệ người gốc Việt Nam trên đất Pháp. Động cơ rời quê hương của họ - chừng 200. 000 người hay hơn nữa, cũng rất khác nhau. Bị chính quyền hồi còn chính phủ bảo hộ (Bắc kỳ và Trung kỳ) hoặc thuộc địa (Nam Kỳ) tuyển mộ một cách cưỡng bức đi lính thợ. Gia đình khá giả cử đi du học rồi bị kẹt do chiến tranh. Nhiều anh em sang Pháp chỉ nghĩ sẽ học ở đây trong 4, 5 năm là cùng, vậy mà kẹt lại đến 20, 30, 40 năm! Cũng có người đi bằng đường chính thức, đoàn tụ gia đình...Quan điểm chính trị do đó hết sức nhiều vẻ, đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Có những bác công nhân tự nhận là trung kiên, vững vàng nhất, "trung thành, tận tụy nhất, " luôn giữ bàn thờ tổ quốc, cờ đỏ sao vàng và ảnh lớn chủ tịch Hồ Chí Minh giữa nhà, coi đại sứ quán cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như đại diện của tổ quốc Việt Nam và coi lời của đảng cộng sản, cũng như đại biểu của đảng, những căn dặn của cán bộ sứ quán như là lời dạy của cha mẹ mình, để một lòng tuân theo...ở cực kia là những người quyết không đội trời chung với cộng sản, coi cộng sản là nguồn gốc của mọi tai họa, khổ đau và nghèo hèn của dân tộc, họ thâm thù và khinh bỉ những người cộng sản, nhất là những người lãnh đạo của đảng và nhà nước. giữa hai cực đoan ấy là cả một gam mầu sắc rất phong phú, trong đó có cả một số người không có chính kiến chính trị rõ ràng, chỉ biết làm ăn, kinh doanh, kiếm lợi cho gia đình và riêng mình ở nơi xa quê hương này, hoặc chỉ lo đến việc xin visa về nước sao cho dễ dàng.
Không gì bằng đối thoại. Đối thoại ngay thẳng và thanh thật, không có định kiến trước. Tôi muốn lắng nghe nhiều hơn là nói. Cố hiểu cho rõ ý kiến và để biết hòan cảnh của mỗi người. Có người để cho tình cảm dẫn dắt, phát biểu rất sôi nổi. Có người nặng về lý trí, điềm tỉnh và tỉnh táo. Có người xa nước quá lâu, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Có người có những suy tư sâu sắc, những nghiền ngẫm kỹ lưỡng, những đắn đo chân thực. Cũng có nhiều người có biến chuyển trong nhận thức và kể lại những nhận thức đã thay đổi ra sao và vì đâu. Có những người ý kiến trái ngược nhau, chỉ cần mở đầu tranh luận là kéo dài bất tận những cuộc cãi vã. Chiến tranh và hận thù. Một bên thì lập luận: Ai theo Pháp, theo Mỹ để lôi kéo vào đất nước hàng triệu tên xâm lược, bắn phá hàng chục triệu tấn bom đạn trên cả hai miền Nam Bắc? Hàng triệu người chết, tàn phá nhà cửa, ruộng đồng, rừng quý. Mỹ Lai là thế nào? Chiến dịch tố cộng, diệt cộng tàn bạo để trụy lùng, bức haị những người yêu nước ra sao? Chiến dịch Phượng Hoàng, Bình định, Bình định cấp tốc, lùng ráp những người cộng sản, những người yêu nước ra sao? Các người là Việt gian chính cống. Không có các người, Pháp, Mỹ cũng bị bó tay. Các người đã thua trận nhục nhã, nay còn định quay lại à? Nhân dân không bao giờ quên tội ác của các người đâu. Những tiếng nói của phía bên kia vang lên: Những tiếng nói: Cộng sản là có tội, là tội phạm chính. Ai đã từ bỏ quyền lợi dân tộc để phục vụ cho nước ngoài, cho quốc tế Ba, cho Nga Xô, cho Trung cộng? Ai đã giết hại hàng chục ngàn người nông dân và công dân vô tội trong cải cách ruộng đất? Ai tàn phá sức sản xuất xã hội, làm cho xã hội hỗn loạn sa sút, đảo điên vì cải tạo nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp cưỡng bức, đề xướng học thuyết đấu tranh giai cấp và luận thuyết "ai thắng ai" gay gắt? Ai mù quáng theo lệnh của Staline, coi mọi người không cùng chính kiến là kẻ thù nguy hiểm, cần phải thủ tiêu để tàn sát những người quốc gia thuộc các tổ chức quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đồng chí hội (Việt quốc, Việt cách), Duy Dân, Phục quốc?...rồi tàn sát cả những người cộng sản, quốc tế chủ nghĩa như các nhóm Trotskit Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu...những trí thức vô sản cùng ở nhà tù Côn Đảo với những người cộng sản?...Ai đàn áp hàng trăm trí thức văn nghệ sĩ trong các vụ "chống đảng", "xét lại", "Nhân Văn-Giai phẩm. " Rồi ai đã xua đuổi hàng nửa triệu người Hoa, trong đó có cả những công nhân mỏ than, công nhân các xí nghiệp đánh cá, làm gốm, các thợ giỏi ở Chợ Lớn...Ai đã gây nên chuyện ra đi của hàng triệu người Việt, tổ chức các kế hoạch B để vơ vét cơ man nào là tiền của, vàng, đồ trang sức vào túi cá nhân, gây nên cái chết oan uổng và bị thảm của hàng chục ngàn người do tai nạn tầu thuyền, sóng gió, hải tặc? Và ai? Nếu không phải những người cầm quyền cộng sản phảỉ chịu trách nhiệm về tình hình sản xuất sa sút, đời sống nhân dân cực kỳ bi đát, nạn tham nhũng lan tràn, văn hóa suy đồi, nạn trộm cắp, đi điếm, cờ bạc tùm lum khắp cả nước?
Quả thật hai bên mà ngồi kể tội nhau, tội xưa và tội nay, tội gọi là bán nước, hại dân, tội về dùng bạo lực đối xử với nhau...thì không sao có thể giảng hòa thông cảm nổi. Và hình như bên nào cũng có cái lý của mình, có những sự thật của mình. Có người còn cho rằng chính sự lựa chọn của những người Cộng sản, đưa Việt nam vào qũy đạo của Liên Xô và Đế Tam Quốc tế đã làm cho Việt Nam trở thành mục tiêu của chiến lược kìm giữ phong trào Cộng sản của các nước Phương Tây. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của những cuộc chiến tranh liên miên trong hơn 40 năm qua. Họ đặt ra những chữ "nếu" - "Nếu" như Đảng Cộng sản không dành được sự lãnh đạo trong Cách mạng Việt Nam..."Nếu" như các Đảng mang tính chất quốc gia dành được quyền lãnh đạo Cách mạng..."Nếu" như Đảng Cộng sản sau khi dành được độc lập cho đất nước rồi mà không mù quáng lao vào xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu Staline, theo kiểu kế hoạch gò bó, thủ tiêu mọi quyền tự hữu về tư liệu sản xuất, ..."nếu như?" Ôi là cái chữ "nếu!" Châm ngôn Pháp có câu:
"Với cái chữ "Nếu, " có thể nhét cả Paris vào trong một cái chai!
Cho dù Paris này đã lớn rộng vô cùng rồi.
Ai đúng? Ai sai? Cần thấy rằng nhân dân ta bị đổ máu quá nhiều. Tài sản đất nước bị phung phí. Hiện tình đất nước thật bi đát: đứng thứ 158 trong số 166 quốc gia trên thế giới! Cả một năm, người Việt Nam lao động cật lực mà chỉ nhận được đồng lương vẻn vẹn chưa bằng số tiền người dân các nước đã phát triển làm ra trong bốn ngày!
Tôi đã có lần trình bầy với bạn bè gần xa có những quan điểm đối lập: Tôi xin nghe và ghi nhận ý kiến của các bạn. Xin tạm gác lại cuộc tranh luận có thể còn kéo dài lê thê vì khó ngả ngũ. Xin nhìn thẳng vào hiện tình khủng hoảng nghiêm trọng để cứu dân, cứu nước ta- Bạn có đồng ý không? Cứu dân, cưú nước trong cơn SOS cực kỳ khẩn cấp này đã, phải không bạn? rồi khi chung sức cứu dân, cứu nước khỏi thảm họa thì chúng ta có thể hiểu nhau hơn, gần nhau hơn, độ lượng và khoan dung với nhau hơn, bạn có đồng ý không?
Tôi hiểu rằng, nén những tình cảm sâu sắc, gác lại những nhận thức đã thành định kiến đâu phải dễ! Tôi đã từng căm thù sôi sục. Mẹ tôi, người mà tôi yêu quý nhất trên đời, nhân ái với hàng xóm và thương yêu những người chiến sĩ như con mình đã từng là nạn nhân của cuộc chiến tranh này. Có lần trong kháng chiến chống Pháp, tôi tạt về thăm mẹ sau hai năm đằng đẳng vắng nhà. Mẹ tôi ra đồng hái những nắm lá khúc về gĩa, làm bánh, hấp cho tôi ăn. Vài ngày sau đó, vào Tết Trung Thu năm 1948, trong trận càn của lính Pháp qua làng, một tên chỉ điểm đã dẫn lính lê dương xộc vào nhà tôi, bắn vào ngực mẹ tôi một tràng tiểu liên. Bà chết ngay trên sân nhà bếp. Từ đó tôi nuôi một ý chí căm thù khôn nguôi. Ra trận, trên chiến trường Trung Bộ, chiến trường Bắc Bộ hay Tây Nguyên, sau đầu ruồi của khẩu súng là tên địch đã giết mẹ tôi. Tôi có những người cháu ruột, con của các chị tôi tử trận ở chiến trường Huế, Quảng Ngãi và Tây Ninh. Và cháu Ngọc mới bốn tuổi, cháu ruột của vợ tôi bị bom Mỹ làm cho tan xác, chết chung cùng với các bạn của cháu ở làng Hưng Dũng (Nghệ An). Khi Mỹ thua trắng tay, tôi vui mừng vì những mối thù của riêng mình đã được trả sòng phẳng...
Và nay chính tôi lại đề xuất ý kiến với các bạn xa gần là xin nén tình cảm riêng lại đã. Quả là một yêu cầu không đơn giản. Tháng 3. 1991 tôi gặp một thuyền nhân quê ở Rạch Giá sang Pháp từ năm 1981. Vợ anh bị hải tặc Thái Lan hiếp, thành bệnh rồi chết. Anh mất hai con trên biển, một con trai 13 tuổi và một con gái lên hai. Anh sinh bệnh tâm thần sau khi đáp lên một hòn đảo ở Malaixia. Nay khỏi bệnh, anh làm công cho một tiệm ăn người Việt. Anh vẫn sống một mình với niềm oán hận cộng sản không đội trời chung. Với anh, tôi tôn trọng nỗi đau khổ của người cha, người chồng. Tôi thông cảm thảm cảnh của anh, khó có thể yêu cầu anh để sang một bên sự oán thù đã trở thành máu thịt, ít ra là lúc này.
Cộng đồng người Việt ở hải ngoại thật muôn vẻ. Chớ đơn giản và có định kiến. Tôi từng nghe ở Hà Nội các quan chức nhận định: họ đã bỏ Tổ quốc ra đi là táng tận lương tâm, là vong bản, mất gốc! Đó là những tên chống cộng, chống chế độ thâm căn cố để, quay lưng lại dân tộc, những kẻ ích kỷ, trốn chạy cho bản thân mình, tìm cho sung sướng, đi kiếm bơ sữa, mặc cho đồng bào nghèo khổ ở trong nước- Đối với họ ta không nên tiếc làm gì. Cứ coi như ta không có họ! Đây là cục thịt thừa trên cơ thể dân tộc, cắt bỏ đi thì cơ thể càng khỏe. Đó là cách nhìn độc đoán, mang tính áp đặt, suy diễn đơn giản, gộp chúng thành một gói cả một cộng đồng rất đa dạng. Và cách nhìn ấy vô lý, bất công, và nhất là có hại.
Quả thật ở Hoa Kỳ và úc có những lực lượng cực đoan, chống cộng một cách điên cuồng. . Họ lập binh đoàn, lập mặt trận với đủ thứ tên:
...Họ tuyển mộ những quân nhân cũ và thanh niên mới, đưa vào biên chế, huấn luyện quân sự. Họ làm lễ tuyên thệ, xuất phát. Họ ra thông báo về tình hình chiến sự, về những chiến khu trong quốc nội...Họ mở những đêm dạ hội, quyên góp, âm nhạc và diễn kịch, nhẩy múa lấy tiền để mua sắm vũ khí và nuôi quân...Tôi đã hỏi chuyện khá lâu Võ Đại Tôn, người chỉ huy lực lượng vũ trang phục quốc đã bị bắt sống trên đất Lào, gần biên giới Việt nam năm 1981. Võ Đại Tôn thú nhận đã bị lừa-Khi ra đi, Võ Đại Tôn và đồng sự những tưởng là ở miền Nam Việt nam đã có sẵn chiến khu, sẵn "vùng giải phóng", sẵn "có sở nhân dân chống cộng". Khi về đến gần thì chẳng thấy có gì hết trọi! Không ai liên lạc, đón rước, thông báo cho tình hình! Cả chuyện trở về sau này của đảng trưởng Hoàng Cơ Minh và tùy tùng cũng chỉ là những nhóm thiêu thân bị đánh chận, bị giết, bị bắt trước khi nhập được vào đất Việt Nam-Vì nhân dân không còn muốn chiến tranh. Lực lượng họ sao địch được nổi quân đội và an ninh tại chỗ? Tôi gặp một sĩ quan quân đội cấp cao Sài Gòn cũ ở Hoa kỳ, cuối năm 1988, ông ta nói:" Họ bày đặt đủ thứ, nhưng thiệt ra không có mấy thực lực. Tôi không bao giờ tin có chiến khu, có mật khu nào ở quốc nội cả. Họ tổ chức dữ dằn vậy chỉ để là quyên tiền, lập quỹ, và từ đó vô túi cá nhân cũng bộn đó, rồi lấy tiền đó kinh doanh, kiếm lãi để chia chác, nuôi nhau nữa...Làm vậy mấy ông lớn mới có lý do để giữ nguyên những chức tước cũ: ông quận trưởng, ngài bộ trưởng, ông đại tá, ông dân biểu, cho tới ngài thủ tướng, ngài tổng thống. Không còn quyền nhưng còn cái tiếng, cái xưng hô, để tự mình an ủi mình, an ủi lẫn nhau cho đỡ tủi thân mà. Cái thực chất là ở chỗ đó, ông ạ...". Gần đây tổ chức Mật trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt nam lâm vào khủng hoảng lớn, những nhân vật chóp bu còn bị tòa án Mỹ truy tố vì tội lậu thuế, trốn thuế và lấy tiền của Mặt trận chuyển vào trương mục cá nhân...Xu thế cực đoan dùng bạo lực đã xẹp dần, xẹp rất nhanh ở các bang Hoa Kỳ và ở úc, trong khi xu thế hòa hợp lan ra khá mạnh. Qua tiếp xúc với một số chính khách và nhà báo Hoa Kỳ, tôi nhận rõ một điều là các chính quyền Mỹ từ Carter, Ford, đến Rigan và Bush đều thực hiện một chính sách nhất quán: đưa vấn đề Việt Nam lùi nhanh vào quá khứ, xóa sạch hội chủng Việt Nam ở trong xã hội Mỹ, đặt quan hệ Mỹ- Việt trên cơ sở hoàn toàn mới. Các chính quyền ấy mong Viêt nam đổi mới, mau chóng giải quyết vấn đề Campuchia, thực hiện dân chủ và cởi mở cả về kinh tế và chính trị để ổn định tình hình- Gây bạo loạn và lật đổ không phải là chủ trương của Mỹ, của chính quyền Hoa Kỳ, cũng không phải là hành động của CIA hiện nay. Đây là một sự thật rất dễ nhận ra. Nhưng những người phụ trách cơ quan phản gián và an ninh ở Việt Nam vẫn cứ cố tình nhìn đời bằng con mắt lệch lạc về nghề nghiệp, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và âm mưu bạo loạn. Đến mức cán bộ chính trị, cán bộ tuyên huấn, cán bô ngoại giao am hiểu tình hình cũng không dám nói khác với cơ quan an ninh, luôn hô hào cảnh giác trên báo chí và đài phát thanh: "Việt nam đang là mục tiêu chính để gây bạo loạn và lật đổ của để quốc Mỹ, của Vatican, của tất cả các lực lựơng phản động trên toàn thế giới, chúng đang tập họp nhau lại để gây loạn ở Việt nam!" Những người hô hoán lên như thế cũng không tin đó là sự thật. Họ cần làm việc ấy với hai mục đích đã được tính toán: hạn chế trào lưu đòi đổi mới, đòi quyền tự do dân chủ ở trong nước và bắt buộc nhân dân phải cố hiểu rằng đế quốc và phản động là nguyên nhân chính gây ra mọi khó khăn và bế tắc trong xã hội hiện nay...
Tôi quen với một gia đình trước ở thành phố Hồ Chí Minh, đã mạo hiểm đi cả nhà, trên một chiếc thuyền gỗ ọp ẹp năm 1982. vợ chồng đều là giáo viên trung học. Con gái đầu, cháu Thủy vừa 30 tuổi, sau 1975 còn tham gia các cuộc diệt trừ gian thương, cải tạo tư sản ở miền Nam. Cháu đi kiểm kê tài sản còn được bằng khen. Cháu kể lại những công việc "cách mạng" hồi đó một cách tự nhiên, vui vẻ: "Các chú cách mạng, có chú thiệt tốt, chăm lo cho bọn cháu thiệt chu đáo, có chú rất quan cách, quan liêu. Và có cả mấy ông bự chỉ lo uống rựơu say và tham nhũng..." Ba má cháu không bị cách mạng, không bị các ông "30. 4" quấy nhiễu chi hết, vậy vì sao lại bỏ đi? Bố cháu kể: "Bọn tôi không cay đắng chi hết, cũng không căm thù chi hết! Chế độ Sài Gòn cũ coi khinh người trí thức. Bọn tôi hy vong cách mạng sẽ khác. Vậy mà cách mạng coi bộ còn tệ hơn! Bọn tui là giáo viên nên hiểu rất rõ. Học sinh do vậy hết chăm học. t thanh niên cầm cuốn sách trong tay. Thư viện vắng hoe à, vì không có sách báo, còn tiệm nước thì đầy nhóc thanh niên. Tui lo cho hai cháu trai, lo cho tương lai của chúng nó. Tính toán kỹ rồi liều ra đi chỉ vì vậy thôi...Hai cháu hiện đều học ngành điện toán, sắp thành tài cả rồi..."
€ ra vậy, tôi mở mắt. Vậy là có người ra đi không phải vì không chịu cực khổ được, không phải vì chống cộng cực đoan, cũng không phải vì cuộc sống bơ sữa.
ở một vùng ngoại ô phía Đông Paris, tôi gặp một nhà tư sản lớn Việt Nam. Ông quê Hải Hưng, từng có những cơ sở kinh doanh ở Hà Nội. Ông vào Nam hồi 1954 và sang Pháp tháng 4. 1975. Ông đã trên 70 tuổi, còn quắc thước, minh mẫn và rất năng động. Ông giầu, và có thể nói là rất giầu. Ông từng mở nhà máy dệt, cơ khí rồi làm nghề vận tải. Ông có cơ sở cưa gỗ ở Đà Lạt, cơ sở xay lúa gạo ở Cần Thơ, ở quận 5 Sài Gòn... Paris ông cũng có hàng dẫy nhà rộng lớn, đủ tiện nghi. Ông tâm sự: "Tôi có của, mất nhiều mà vẫn còn đủ. Giầu thêm để làm gì nữa? Ăn xài đâu có hết của. Nhưng tôi ham, ham gì ông biết không? Ham kinh doanh, như sở thích, như đam mê, như cái vận của đời mình vậy. Tôi chỉ mong ở bên nhà yên ổn, có trật tự, pháp luật, có không khí cởi mở để trở về bỏ vốn kinh doanh. Năm ngoái tôi trở về thăm nhà, có những công nhân sở tôi cũ còn quý tôi lắm. Họ còn giữ cái biển của nhà máy cũ và tặng lại tôi! Tôi cảm đông vô cùng. Bọn tư bản Pháp hỏi tôi hoài: Bao giờ trở về làm ăn? Tôi về thì tụi nó mới nhào vô. Nhưng ở nhà còn kẹt dữ quá. Nói đổi mà đâu có đổi. Chưa có luật thương mại. Luật đầu tư có rồi mà văn bản dưới luật chưa có. Muốn người ta bỏ vốn vô mà không đổi mới thì có ai muốn vô!..." Ông lắc đầu và nói thêm: "Về chính trị và pháp luật cho tới nay, Việt Nam chưa có luật về quyền công dân, còn chậm tiến quá chừng!"
Thì ra có những người ra đi chỉ vì không được thi thố tài năng. Nay mong muốn trở về để trổ tài kinh doanh.
Tôi có một kỷ niệm khó quên ở nhà anh bạn mở quán "Chiều Sài Gòn" quận 16 của Paris. Chúng tôi đều quê Hà Nội, gắn với những kỷ niệm xa xưa ở trường Thăng Long, trường Bưởi, trường Albert Saraut, với những người thầy dạy tâm huyết và có trình độ...Cùng nhau ôn lại những ngày đấu kháng chiến, những hoạt động của tư vệ sao vuông thành Hoàng Diệu, thế rồi cả gần một chục người trong bưã ăn bỗng hòa giọng hát đồng ca những bài:
"Diệt phát xít", "Nhớ chiến khu", "Tiến quân ca", "Nào ta đi hùng binh"...Lúc ấy những khác biệt chính trị lùu đi đâu thật xa. Người thuộc vài câu này, người nhớ vài câu khác, chấp nối nhau hồi tưởng được hết cả gần chục bài đã in dấu một thời trai trẻ dấn thân cho kháng chiến...
Tôi đã tìm thấy nhịp đập chung qua những tiếp xúc với bà con người Việt, dù thành phần. Ai cũng khắc khoải một nối niềm nhớ về quê hương. Người lớn tuổi, kẻ trung niên, cho đến lớp thanh niên vừa rời nước vài năm đều thế. Ai cũng ước vọng quê hương mình được thanh bình, vươn lên mở mắt với thế giới. Theo cách nói chính trị, ai cũng có một tình cảm yêu nước trong tâm. Yêu nhớ nước mình, nghĩa là vẫn còn day dứt với xóm làng, mảnh đất nuôi mình khôn lớn, mái trường có thầy cô giáo buổi thiếu thời, những đường phố, mái nhà ôm ấp những kỷ niệm vui buồn trong một quãng đời và những bạn bè, thân quyến còn ở lại...Tình cảm ấy có nét gì rất chung, mà cũng rất riêng, rất cụ thể. Bài hát "Quê hương" với cây khế, chiếc cầu tre, con diều, mùi hương hoa bưởi...có sức truyền cảm sâu đậm đặc biệt đối với bà con xa xứ.
Có những chị ở bên này đã 20, 30 năm tâm sự với tôi:
"Chúng tôi hầu hết vô dân Tây. Vô để dễ làm ăn, để được những quyền lợi xã hội. Nhưng nói thật với anh chỉ là tây giấy, đầm giấy thôi. Tây, đầm trên giấy tờ mà. Chúng tôi còn nhớ, còn thích ăn mắm tôm, cà cuống, cốm Vòng, ăn phở, còn thèm riêu cua...là còn nhớ đất nước mình dữ lắm. Tâm hồn Việt không mất được đâu anh..." Và nhiều anh chị vẫn dạy con nói tiếng Việt. Tôi về thăm gia đình anh Liêm ở gần Tonlouse. Hai cháu nhỏ, Hương 12 tuổi và Vinh 7 tuổi đều nói tiếng Việt. ở trường các cháu toàn nghe và nói tiếng Pháp với bạn bè và thầy cô giaó. ở nhà, anh chị nói chuyện với nhau và với hai con đều bằng tiếng Việt để các cháu không quên tiếng của quê hương...Rõ ràng là các cháu thuộc thế hệ hai và thế hệ ba vẫn còn một gốc gác văn hóa dân tộc khá là sâu. Có phải từ cái cội nguồn ấy mà Luce, một bác sĩ nay đã 27 tuổi, cha Pháp, mẹ Việt, ra đời ở bên này, không biết tiếng Việt, vậy mà khi cùng bố mẹ về thăm Việt Nam, đã trào nước mắt khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất? Niềm xúc động thiêng liêng đối với quê hương thứ hai, chị từng được nghe kể, và nay mới "trở về" thăm...
Khi còn ở trong nước, tôi đã viết những bài báo đánh động về tiềm năng to lớn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài và những chính sách cần có để khỏi dậy những tiềm năng có ý nghĩa chiến lược này. Qua tiếp sức với khá nhiều bà con Việt kiều, tôi thấy thiếu sót ở trong nước thật lớn. Còn tồn tại biết bao nhiêu định kiến. Không thiếu những cách nhìn chính xác thấu tình, đạt lý, nhưng chưa biểu hiện thành chính sách, còn bị ngăn trở bởi lối nhìn gò bó hạn hẹp, suy diễn chủ quan.
Đã vậy các cơ quan ngọai giao, các đại sứ quán ta còn có quá nhiều thiếu sót và sai lầm. Theo những công thức rất cũ, họ phân loại Việt kiều: Người này tốt, người kia xấu, ngừơi này yêu nước, người kia phản đông! Do đó họ xếp tất cả hơn 700 người ký bức Tâm thư tháng 1. 1990 là phản động cả! Vì bức tâm thư "dám" nhắc đến những sự kiện ở Rumani, "dám" đề ra yêu cầu tách Đảng khỏi Nhà nước...Tháng 7. 1990 tôi đã gặp thứ trưởng Bộ Nội Vụ Tâm Long để góp ý rằng việc không cho Việt kiều từng ký tâm thư về nước là một chủ trương rất vô lý và dại dột, rằng cơ quan ngoại giao và quản lý kinh tế mời ông giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, tiến sĩ kinh tế ở Canada về giảng ở Hà Nội, đến sân bay Nội Bài rồi mà công an không cho nhập cảnh là hành động thô bạo, vừa vô văn hóa vừa vô chính trị, an ninh quốc gia không mãy may được tăng thêm, mà tác dụng trái ngược lại. Do phản ứng khá quyết liệt của một số cơ quan ở trong nước và của kiều bào, sau đó có nới lỏng hơn trước một chút, nhưng cơ bản vẫn chưa có gì thay đổi. Kỹ sư Nguyễn Thành Long, người có phát minh tại Pháp về tận dụng vỏ xe hơi để gia cố đường xá và đê đập, được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời về nước làm việc cùng với một số kỹ sư Pháp. Anh mang hộ chiếu Việt nam mà cũng không được về! Bà cụ thân sinh ốm ở bên nhà, anh xin về cũng không được! Thì ra chỉ vì anh đã cho mượn địa chỉ của mình để liên lạc, tiếp nhận chữ ký của bức Tâm thư và thanh toán những chi phí bưu điện. Anh lập tức được cơ quan an ninh coi là nguy hiểm, " là một người "đề xướng, " có thể là một kẻ "chủ mưu(!)" nữa? Các bạn Việt kiều và một số người Pháp biết việc này cho rằng đây là một trường hợp kỳ lạ nhất thế giới: Công dân một nước mang hộ chiếu nước mình mà lại không xin được visa về nước mình! Người trí thức có trình độ học vấn cao, luôn tìm tòi phát minh và có lòng yêu nước ấy đã chuyện trò với tôi nhiều lần. Anh mời tôi về thăm nhà anh, dản dị, đơn sơ chỉ có sách vở và sách vở, cuối cùng đã thốt lên: "Tôi nản quá chừng anh ơi, đành phải xin vô quốc tịnh Pháp thôi. Nhưng lòng yêu nước của tôi luôn nguyên vẹn anh ạ!"
Đó là chưa nói đến những chuyện đau lòng khác. Một số cán bộ sứ quán cố làm ra vẻ lập trường, lôi kéo số người này để bày vẽ họ chống lại một số người khác, gây nên những quan hệ nội bộ căng thẳng. Họ còn cố tình tâng bốc một số Việt kiều lính thợ cũ, được coi là công nhân, là bản chất cách mạng thuần túy vững vàng hơn trí thức, để đối lập giả tạo với một số anh chị em trí thức. Họ đạo điễn những cuộc đấu tranh, những cuộc đấu đá kỳ quặc, can thiệp một cách thô bạo đến tình hình nội bộ của hội người Việt Nam tại Pháp. Có một vài bác thợ lớn tuổi rất đáng kính bị họ giật dây lên án bài báo của nhà sử học Lê Thành Khôi là xúc phạm Hồ Chủ Tịch, khi ông Khôi nhận xét việc xây dựng Lăng là làm trái với mong muốn thiêng liêng của Chủ tịch trong Di chúc đã bị cắt xén hồi ấy...Cuối cùng các bác công nhân đã phải nhận là mình không có lý, đã bị xui giục một cách thô bạo. Tháng 3. 1991, Ban chấp hành hội người Việt ở Lyon mời tôi xuống gặp anh chị em Việt kiều. Một cán bộ sứ quán liền dở trò phá đám, gọi điện thoại xuống cho vài bác công nhân già, thúc giục ra tuyên bố: Bùi Tín đã xin cư trú chính trị tại Pháp (điều đài Pháp đã đưa tin sai, tôi đã chính thức cải chính), Bùi Tín là kẻ phản bội, Hội không được mời Bùi Tín xuống...Anh chị em ở Hội vẫn mời tôi xuống, tổ chức hai cuộc nói chuyện ở Lyon và trong một cuộc họp rộng rãi, các bạn Việt kiều trung thực đã nói rõ: "Anh Bùi Tín không hề xin tỵ nạn chính trị như mấy ông sứ quán nói. Anh Nguyễn Khắc Viện đã từng phụ trách Hội chúng ta vừa nhận xét rằng anh Bùi Tín là người có tâm huyết, lãnh đạo ở nhà cần nghiêm chỉnh xem xét đến bản kiến nghị của anh Bùi Tín..." Cuối cùng chính các bác công nhân đã bị cán bộ sứ quán kia tác động đứng dậy nói: "Tôi tin lời anh Viện, tôi xin đồng ý với việc hội ta mời anh Bùi Tín xuống đây nói chuyện...
Chính những việc làm thiếu suy nghĩ, thô bạo như thế đã làm mất uy tín của sứ quán, trong khi quả thật uy tín âý chẳng còn gì nhiều lắm. Vì không tranh thủ được tình cảm, niềm tin của bà con Việt kiều nên một số cán bộ sứ quán nghĩ ra một điều kế - thật ra là một "đại kế" - đó là lấy cái quyền cấp "visa" để lôi kéo bà con! Họ đe dọa thẳng thừng: Nếu tỏ ra không biết điều, nếu cứ ngang bướng, nểu không còn coi sứ quán là cha là mẹ, không biết vâng lời, nếu cứ phê phán chính quyền, bác bỏ chủ nghĩa xã hội...thì việc xin "visa" sẽ còn cứ là chờ dài dài...Và quả nhiên đây là một ngón võ hiểm. Nhiều người đâm ra e ngại và kẹt. Làm nẩy sinh ra một số người "biết điều" một cách giả tạo, hoặc vâng vâng, dạ dạ cho xong chuyện, một số người cơ hội. Vì về nước thăm cha mẹ, anh em, về nước để tìm hiểu tình hình, để làm ăn, ích nước lợi nhà dù sao cũng là một nhu cầu tình cảm, chính trị và kinh tế chính đáng. Chưa nói đến một số rất ít những ông chủ hãng cần về nước để móc ngoặc với lớp "tư bản đỏ" ở nhà kiếm những món lãi kếch xù thấm đượm máu và nước mắt của nhân dân lao động...Họ phất lên rất nhanh qua các dịch vụ chuyển tiền, chuyển hàng, chuyển thuốc men...tận dụng các kẽ hở do lạm phát và tỷ giá hối đoái thay đổi thất thường, cũng như hối lộ để làm những áp phe bất chính.
Sứ quán Việt nam ớ nước ngòai là hình ảnh thu nhỏ của tình trạng xã hội Việt nam hiện nay. Lương bổng thấp, thiếu thốn thì phải tính. Không thể trách tất cả anh chị em cán bộ và nhân viên các sứ quán. Tôi đã ghé qua hàng loạt sứ quán Việt nam, ở Bangkok và ở New Delhi (Ấn Độ), ở Manila (Philipin) và ở Jakarta (Indonexia), ở Kuala Lampua (Malaxia) và ở Tokyo (Nhật bản), ở Moscow và ở Bắc Kinh, ở Berlin và Praha, rồi cơ quan đại diện Việt nam ở Liên Hợp Quốc tại New York nữa. Anh em phải lo chạy vay, buôn bán, cứu nhà. Có lợi thì ham. Có người phất lên rất lớn. Từng công-tê-nơ chở về-sẵn giấy tờ ngoại giáo mà...Đã cớ lần valise ngoại giáo từ Ba Lan, Tiệp Khắc sang Moscow bị khui ra, có đến 800 quần bò và 2000 đồng hồ điện tử của môt quan chức ngoại giao, trớ trêu lại là một đảng ủy viên nữa! Và còn có bao nhiêu chuyện trót lọt, mỗi chuyện áp phe như thế có hộ chiếu đỏ "che chở" đều được định giá...
ấy là chưa nói đến đường dây buôn bán của cán bộ ngành ngoại giao, của công đoàn ngành ngoại giao xuyên qua các lực địa, móc nối qua các sứ quán ở các nước. Nhà nước trả lương không đủ ăn, thì làm việc vừa vừa thôi, làm cho phải đạo. Còn thì mánh mung, kiếm nguồn hàng, lo chạy giấy tờ, toan tính các chuyến hàng về, hàng đi, hết chuyến này đến chuyến khác...Tôi đã hỏi chuyện, đã ghi lại được vô vàn thủ thuật. Nhưng không thể trách anh chị em ở các sứ quán. Tại đó vẫn còn có những con người có lương tâm, biết suy nghĩ, hiểu biết những đúng sai, đau lòng về đất nước, nhân dân, ưu tư trước thảm họa dân tộc, so sánh với không khí tự do và sự phồn vinh của nước người. Quỹ chi phí của sứ quán quá ít, không đủ để cho một bí thư hay tham tán mời bạn một bữa cơm nhằm mở rộng quan hệ khi cần thiết...thì công tác đối ngoại còn kẹt cứng, chỉ lo thúc thủ, đóng cửa chặt và giữ mình, thế thôi!
Cái nguy hiểm nhất là sự đối xử thiếu nghĩa tình của sứ quán cơ quan đại diện của đất nước-đối với đồng bào. Có những người gắn bó chí cốt với đất nước, với hai cuộc kháng chiến, với các phái đoàn sang hội họp, tận tình phục vụ cho các đoàn đại biểu bên nước sang, còn tổ chức những cuộc biểu tình, mít tinh lớn, may hàng mấy trăm lá cờ, đấu tranh chống lại lực lượng phía bên kia. Vậy mà chỉ do có một vài ý kiến khang khác, cơ bản là có thiện chí, là bị xếp ngay vào loại nguy hiểm, có tư tưởng phản động và chống đối! Trong khi đó chính anh em này bị phía bên kia lên án là cộng sản! Có ngứời phàn nàn "Khi khó khăn thì kêu gọi anh em giúp đỡ, ủng hộ. Đến khi thành công rồi thì quay ngoắt laị chụp mũ một cách dễ dàng, làm cho những người có lương tâm và thiện chí đối với đất nước cũng phải nản lòng và ngao ngán..."
Đánh giá đầy đủ tiềm năng của cộng đồng người Việt là cả một công trình lớn đòi hỏi nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu, thống kê và kết luận. Chỉ biết rằng con số hai triệu là không nhỏ. Số người Việt nói chung lại thành đạt khá và nhanh chóng ở các nước. Thu nhập chung của họ trong một năm có thể lên đến 10 tỷ đô la, vượt xa một nửa thu nhập của hơn 66 triệu đồng bào trong nước (ước gần 20 tỷ đô la). Chỉ cần huy động một phần của cải ấy để đầu tư hay giúp đỡ bà con ở quê nhà cùng tạo nên một lực lượng vật chất không nhỏ. Tất cả vấn đề là có nhìn thấy và có biện pháp thích đáng hay không? Điều lớn nhất là tiềm năng chất xám của bà con. Một số khá đông là trí thức, thành đạt, có trình độ cao, rất đa dạng về lứa tuổi. Chất xám của khối người Việt này nếu phát huy được về mọi mặt khoa học kỹ thuật, sáng chễ, phát minh, quản lý kinh doanh...thì có lợi cho đất nước. Cần tính đến thế hệ trước, thế hệ này và thế hệ sau. Các nhà giáo dục Mỹ đều cho rằng, trẻ em người Việt ở nước ngoài thuộc loại học giỏi (cùng với người Nhật, người Trung Quốc, người Do Thái), tiếp thu nhanh, rất thành công ở các ngành mũi nhọn, nhất là các ngành điện tử, thông tin học...Gần đây báo Mỹ đưa tin Eugene H. Trịnh, 40 tuổi, người gốc Việt nam, sinh ở Sài Gòn, học ở Paris rồi sang Hoa Kỳ học ở trường Đại học Columbia và Yale có luận án về vật lý và động lực học, đã được chọn để bay trên phi thuyền con thoi Columbia vào năm 1992 tới. Mọi người Việt đều cảm thấy tự hào. Cái nút vấn đề là cách nhìn dúng, cởi mở, hòa hợp, coi trọng những tài năng ấy và có chính sách để tranh thủ chất xám Việt nam ở nước ngoài. Làm khôn khéo, thông minh, thì sẽ đạt được một hiệu quả có tính chất chiến lược: biến một niềm đau, một nỗi bất hạnh lớn là hai triệu người tha hương thành một lợi thế cho đất nứơc. Dễ gì một nước có thể cử ra nước ngoài, tỏa ra mọi hướng một số lượng đồng đảo đến như vậy? Khi trở về đánh thức tiềm năng của đất nước mình, với tất cả hiểu biết thu nhặt, sàng lọc được từ bốn phương trời. Biến họa thành phúc lớn là như thế. Biến một cuộc chảy máu lớn về người, về chất xám...thành một cuộc tiếp máu lớn về trí thức, kỹ thuật, về vốn liếng, về kinh nghiệm làm ăn, quản lý, kinh doanh...là thế.
Bài toán này ắt phải giải một cách tốt đẹp. Nhưng phải thay đổi tất cả nhân thức và các biện pháp hiện hành. Pháp đại sứ quán Việt nam chỉ còn quan hệ với chừng 200 người trong tổng số 200. 000 người gốc Việt! Mười sáu năm trước con số đó là 6000! Hoa Kỳ cơ quan đại diện Việt nam chỉ có quan hệ tốt đẹp với vài chục người gốc Việt trên tổng số gần một triệu! Đó là hậu quả của chiến tranh, của đối kháng lâu dài, của những hận thù. Đó cũng là hệ quả của cách nhìn, của quan niệm xơ cứng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi và tôi gặp nhạc sĩ Phạm Duy ở Paris hồi cuối tháng 10. 1990. Đó là những cuộc nói chuyện bổ ích giữa những đồng đội cũ ham mê văn nghệ. Chúng tôi nhắc đến chuyện Phạm Duy sáng tác bài hát "Bà mẹ Gio linh", khi chúng tôi ở cùng một chiến trường Trị Thiên năm 1948. 1949...Anh bị cuốn nhập vào một chế độ, một guồng máy khác. Để nay nhìn lại, trông chờ mong mỏi một cuộc đại hội ngộ anh em trên tinh thần hòa hợp. Anh nói về những tập bài hát "Bầy chim bỏ xứ" và đang chuẩn bị cho những tập hát "Bầy chim đoàn tụ"- ở Hà Nội hiện nay một số người trong cơ quan an ninh vẫn coi Phạm Duy là một tên "trùm văn nghệ phản động, chống cộng điên cuồng". Và chống cộng thì tất yếu là quan hệ lăng nhăng, mất tư cách, là nghiện thuốc phiện và bợm rượu. Thật là oan cho nghệ sĩ Phạm Duy. Anh không hề hút một điếu thuốc lá và đến bia anh cũng xin miễn. Anh không hút thuốc và uống rượu, trước kia và hiện nay là như thế. Anh hỏi thăm chúng tôi về các bạn bè cũ, hỏi thăm anh Lưu Trọng Lư, anh Đỗ Nhuận, anh Hoàng Cầm...và các chỉ huy bộ đội cũ, với tất cả kỷ niệm xưa êm đẹp của một thời trẻ trung. Và rất lo rằng, những cuộc tiếp xúc thế này và nguyện vọng hòa hợp để trở về thăm đất nước sẽ bị những kẻ cực đoan ở nước ngoài trừng phạt, cho ăn đạn chưa biết chừng.
Con người là một thực tế sống động và thay đổi theo bản chất, tư chất riêng, điều kiện và môi trường. Tôi sợ những con người cứng đờ, bất động, nằm trên giấy trong nhận định của những quan chức ngành tổ chức và an ninh. Chỉ cần họ tiếp xúc, đối thoại, quan hệ với nhau như những con người có lý trí và tình cảm, thì đỡ biết bao nhiêu thiên kiến hẹp hòi, những sự chụp mũ thô bạo và oan ức...
Gần đây, trong tình hình các nước xã hội chủ nghĩa lâm vào khủng hoảng nặng nề, có nước chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ, đã nảy sinh biết bao kinh nghiệm mới, hàng trăm tập chí kinh tế và chính trị viết về Liên Xô, các nước Đông âu, Cu Ba, Trung Quốc, Triều Tiên...Rất đáng tiếc ở Hà Nội có quá ít sách báo thuộc loại này. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong 8, 9 năm nữa, khi bước vào thế kỷ 21 sẽ ra sao? Cuộc cách mạng tin học, sinh học, năng lượng, vật liệu mới được dự báo như thế nào? Nên quan niệm gía trị của chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Lê Nin ra sao? Như chân lý có tính chất tuyệt đối hay là một trong những học thuyết có giá trị để vận dụng và tham khảo? Chủ nghĩa xã hội là thế nào? Tiền đề của chủ nghĩa xã hội phải chăng là phải có sức sản xuất phát triển đến mực độ cao nhất định, nếu không chỉ là ảo tưởng và nói suông.
Các nhà chính trị và kinh tế Việt nam hãy tìm đọc những tác phẩm của nhà kinh tế Paul Samuelson, để ít ra là hiểu rằng kinh tế tư bản chủ nghĩa trong thời kỳ phát triển mới đâu có hoàn toàn mù quáng, vô chính phủ. Các Nhà nước và các nhà kinh tế Nhật, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp...có những dự báo gần và xa khá sát đúng: ba tháng tới, các chỉ số kinh tế, tài chính ở từng khu vực, từng nước sẽ ra sao? Trong 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm, họ dự báo về từng khu vực, từng ngành để làm cơ sở cho chính sách kinh tế, tài chính, đầu tư rất cụ thể, qua vô vàn dữ kiện nạp vào máy tính điện tử, với phần cứng của cơ khí và phần mềm của trí tuệ, của quy luật, của phương phép tư duy và so sánh không kém phần biện chứng. Chúng ta cần hiểu những cuộc tranh luận nẩy lửa ở Liên Xô trong tình hình khủng hoảng hiện nay, không phải để bắt chước, mà để làm giầu thêm suy tư và tưởng tượng. Quan điểm của nhà kinh tế Agalbegian nổi tiếng về phóng khoáng, chống công thức cứng đờ, ra sao? Quan điểm của nhà kinh tế Leonid Abalkin từng là phó thủ tướng Liên Xô được thủ tướng Rujkov tín nhiệm ra sao nhưng đã bị gạt bỏ thế nào? (Cần chú ý Abalkin đã vài lần sang Việt Nam giới thiệu kinh nghiệm Liên Xô cho cán bộ ta, rất được tin cậy, đến mức như là sùng bái. Tôi thấy nội dung của những văn kiện đại hội VII vừa được thông qua ở Hà Nội mang rất đậm quan điểm của Abalkin: Chuyển sang kinh tế thị trường một cách thận trọng, dưới sự kiểm soát, tác động chặt chẽ của nhà nước.) Cũng cần tìm hiểu kỹ những quan điểm kinh tế và chính trị của nhà kinh tế học Xô viết Oleg Bogomolov, đặc biệt là những chính kiến mới mẻ hơn của Nicolai Petrakov và Stanislav Chataline, hai nhà kinh tế trẻ có tầm nhìn khá rộng, tác giả của "Kế hoạch 500 ngày" tiến mạnh hơn vào nền kinh tế thị trường. Kế hoạch nay bị gạt bỏ bởi những lực lượng bảo thủ còn tồn tại khá dai dẳng trong nhà nước Liên Xô - Chataline, là ủy viên trung ương đảng cộng sản Liên Xô, đã trả lại thẻ đảng viên của mình ngay sau đó. Gần đây các nhà kinh tế học thế giới rất chú ý đến Grigori Yaplinski, nhà kinh tế xuất sắc từng là phó thủ tướng nước Cộng hòa Xô viết Nga. G. Yaplinski đã sang trường Đại học Haward ở Hoa Kỳ để thảo luận cùng nhà kinh tế học nổi tiếng của Hoa Kỳ là Graham Allison. Họ cùng nhau phác họa một kế hoạch tổng hợp, đưa nền kinh tế tài chính Liên Xô ra khỏi khủng hoảng gay gắt và đánh giá nhu cầu về sự giúp dỡ của các nước phương Tây đối với Liên Xô trong bối cảnh đặc biệt hiện nay Kế hoạch này được thảo luận tại cuộc gặp gỡ giữa những người cầm đầu 7 nước phương Tây với tổng thống Gorbachev ở Luân Dôn tháng 7 năm 1991 vừa qua. Công trình nghiên cứu của nhà kinh tế Pháp Maurice Allais-giải thưởng Nobel- về nền kinh tế Hungari hiện nay! Công trình nghiên cứu của giáo sư Hoa Kỳ Jeffrey Sacha và của nhà kinh tế Hongrie Janos Kornai (tác giả của "Chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế của sự thiếu thốn hàng hóa") rất bổ ích cho các nhà chính trị-kinh tế Việt Nam ta.
Những nhà lãnh đạo kinh tế, chính trị, tài chính của đất nước cũng cần đọc, tìm hiểu và tham khảo những công trình nghiên cứu của các nhà kinh tế học Tiệp Khắc, Ba Lan, Đức...để rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích: từ bỏ nếp quan liêu bao cấp, kế hoạch hóa nặng nề nhưng vô hiệu quả ra sao, về kinh tế thị trường có những thuận lợi và những cạm bẫy thế nào..., về khắc phục nạn thất nghiệp, thực hiện tư nhân hóa một số cơ sở quốc doanh, thực hiện các chính sách xã hội trong thời buổi giao thời, cải thiện hệ thống giáo dục, dạy nghề và hệ thống y tế...
Qua những gì đã diễn ra ở các đại hội đảng trước đây và đại hội VII vừa qua, qua các cuộc họp của quốc hội, cách làm việc của Nhà nước và của đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn rất quan liêu và đại khái. Thiếu những tài liệu, con số, phụ lục cụ thể, không có "địa chỉ" rõ ràng cho những vấn đề bàn luận, nghị quyết quá là chung chung, thiếu những biện pháp rạch ròi, thiếu những giải pháp thiết thực. Nhìn chung chỉ là những phương hướng những mong muốn chủ quan đại khái, những ước vọng tốt đẹp chỉ có thể tồn tại trên giấy và trên báo chí. Hãy xem tài liệu họp đại hội đảng và quốc hội của các nước, nó chứa dựng những tư liệu, thống kê, so sánh, tỷ lệ, những phương án giải đáp cho từng thời kỳ, những biện pháp chi tiết, giải pháp khoa học với những giá trị cân đong, đo, đếm chuẩn xác...Báo Le Monde bình luận rất đúng là trong thời đại này, một nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, tài chính, cho đến văn hóa, văn nghệ đều phải biết sử dụng máy vi tính hiện đại (không phải để làm toán cộng trừ, nhân, chia) mà là máy ghi lại những dữ kiện và xử lý những dữ kiện ấy theo "chỉ thị" của người sử dụng. ở Việt Nam, máy tính điện tử đã bắt đầu sử dụng khá nhiều, nhưng nó vẫn còn hết sức xa lạ với cán bộ chính trị. Họ vẫn còn ngủ yên với cách suy nghĩ trừu tượng, đại khái rất chung chung, mang mầu sắc quan liêu và duy tâm...
Cả đất nước ta cần mở rộng tầm mắt, nhìn ra thế giới quanh ta để mà hội nhập, và thu về những kiến thức rất cần thiết.