Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trung Hoa >> Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 31822 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân
Phan Hồng Trung

Giấc mộng hèn sang

Vào năm Thiệu Hưng đời Tống, tại Lâm An, kinh đô hoa lệ của Đông phương, tuy là hàohoa tráng lệ, song những kẻ hành khất rất đông.
Trong bọn hành khất có bầu ra một “Đầu nậu”, có nhiệm vụ cai quản, xét xử lấy họ. Cứ hàng ngày, bọn ăn xin đi xin được bao nhiêu tiền bạc lại phải về trình với Đầu nậu một số ít. Vì vậy mà người Đầu nậu tuy không đi xin vất vả như bọn hành khất, song có rất nhiều tiền bạc.
Bọn hành khất lại kính trọng người Đầu nậu lắm. Người Đầu nậu nói gì chúng cũng phải nghe theo. Thường thường người Đầu nậu qua một thời gian trở nên giàu có vô cùng.
Thuở ấy, một người họ Kim, tên Lão Đại, đã ba đời lĩnh chức Đầu nậu từ tổ tiên truyền lại. Ông ta giàu có lắm. Tuy không phải là bậc phú gia địch quốc song cũng đứng vào hạng nhì hạng ba trong thành phố.
Kim Lão Đại già nua, xét mình không thể giữ nhiệm vụ ấy mãi nên truyền lại cho người em họ là Kim Lại Tử.
Gia đình sung túc, Lão Đại lại có một người con gái tên Ngọc Nô. Ông ta cưng đứa con gái ông lắm.
Nàng Ngọc Nô tuổi mới trăng tròn, mà nhan sắc hoa nhường nguyệt thẹn. Nàng lại thông minh, học hành rất giỏi.
Lão Đại muốn kén cho con một người chồng xứng đáng, song vì tăm tiếng xưa nay, nên những bậc văn nho, thế phiệt không ai buồn để ý đến.
Lão Đại buồn lắm, ngày đêm ngẫm nghĩ :
— Nếu tổ tiên ta không làm cái nghề Đầu nậu thì chắc với tài năng, nhan sắc đứa con gái ta, ít ra cũng kén được người khoa mục. Tiếc thay !
Một hôm, Lão Đại đem ý ấy tỏ với người hàng xóm. Ông lão hàng xóm thương tình, tỏ à:
— Dưới cầu Thái Bình có một anh chàng rất nghèo khổ, họ Mặc tên Tư, đã đậu tú tài, nhưng tuổi mới đôi mươi cha mẹ mất sớm, nếu ngài không chê nghèo khổ thì tôi có thể làm mai cho ái nữ được.
Lão Đại nghe nói rất vui mừng, tỏ ý ưng thuận. Ông già hàng xóm vội vã đến cầu Thái Bình nói với Mặc Tư.
Mặc Tư lâu nay sống trong cảnh túng thiếu cơ cực, nay được người giàu có để ý đến thì còn gì mừng rỡ hơn.
Thế là cuộc hôn nhân tác thành. Lão Đại chọn ngày lành để làm lễ thành hôn.
Mặc Tư vì nghèo khổ, trăm việc đều nhờ Lão Đại lo liệu cả. Ngày tiệc lễ quan khách đến dự rất đông. Ai nấy thấy Mặc Tư dung nhan tuấn tú, ra vẻ hào hoa, trong lòng rất phục, cho Lão Đại là một kẻ có phúc.
Mặc Tư thấy nàng Ngọc Nô mười phần xinh đẹp, trong lòng rất cảm khoái.
Tuy nhiên, vì sợ mang tiếng với người rể, nên hôm ấy Lão Đai không mời Lại Tử, người chú họ mà hiện đang giữ chức Đầu nậu trong bọn hành khất.
Không được mời, Lại Tử hậm hực trong lòng, thầm trách Lão Đại đã khinh mình, bèn xúi bọn hành khất đến nhà làm nhục để trả đũa.
Vốn kính nể người Đầu nậu, Lại Tử nói gì mà bọn hành khất không nghe. Vì vậy trong lúc quan khách đang ăn uống thì có vài chục người hành khất xông vào, áo quần dơ dáy, mình mẩy hôi thúi, kéo ghế ngồi, rót rượu uống, làm huyên náo cả nhà.
Lại Tử ngồi giữa bàn, lớn tiếng nói :
— Mau gọi cháu rể ra chào chú vợ chớ.

Mặc Tư và cả bạn bè của chàng được mời đến hổ thẹn bỏ đi hết. Lão Đại ngồi chết điếng, nhưng không biết phải làm sao đành năn nỉ người chú họ và bọn “quý khách” thương tình cho.
Người Đầu nậu và bọn hành khất chẳng nói gì cả, cứ ăn uống và chuyện trò mãi. Đến lúc quan khách bỏ đi hết, trong nhà vắng tanh mới chịu ra về.
Tối hôm ấy, Lão Đại buồn bã, ngồi đứng không yên...
Nàng Ngọc Nô trong lòng căm tức, thỉnh thoảng bước ra tìm đủ lời để an ủi cha nàng. Nàng nói :
— Cha đừng buồn làm gì. Dẫu sao số phận của con đã như vậy rồi. Nếu phải duyên nợ thì Mặc Tư sẽ không vì thế mà khinh nhà mình. Còn nếu như chàng khinh bỉ thì con đành cam số phận vậy.
Lão Đại thấy con tha thiết, trong lòng đau đớn vô ngần.
Mặc Tư sau khi bỏ đi, nghĩ mình đang cảnh khốn khổ, nay lại được vợ đẹp, giàu sang, bỏ đi thì tiếc, nên tối hôm ấy chàng trở lại...
Lão Đại mừng rỡ, tiếp đón ân cần.
Nàng Ngọc Nô khuyên chồng cố công đèn sách, ăn học để chuộc lại tiếng tăm cho gia đình. Mặc Tư nghe lời, ở đó học hành.
Thôi thì sách vở, chi phí mỗi mỗi đều sắm sửa cho Mặc Tư, không thiếu một món gì cả. Hễ Mặc Tư muốn gì thì có nấy.
Qua ba năm đèn sách, Mặc Tư thi đỗ giải nguyên, rồi đỗ luôn tiến sĩ.
áo gấm, hốt ngà. Mặc Tư vinh quy trở về nhà nhạc phụ. Khi đám rước về đến nơi, bọn hành khất xúm lại bàn tán :
— Kìa ! Rể người Đầu nậu đỗ tiến sĩ kia !
Câu nói ấy lọt vào tai Mặc Tư làm chàng ta áy náy, hổ thầm. Chàng tự nghĩ :
— Nếu biết số phần ta có ngày vinh hiển như hôm nay thì thiếu gì nơi trâm anh thế phiệt, tội gì lại chui vào cái nơi thô bỉ để suốt đời chịu lây tiếng xấu của người.
Vì ý nghĩ như vậy, từ khi được đỗ tiến sĩ, chàng về nhà lạt lẽo với nàng Ngọc Nô, và có ý khinh dễ gia đình nhạc phụ.
Một hôm, Mặc Tư được chiếu vua bổ đi nhậm chức Tư bộ trong trại quân Vi Vô. Kim Lão thấy rể mình bước lên đường danh vọng, mừng rỡ làm tiệc đãi đằng để tiễn biệt.
Dự tiệc xong, Mặc Tư đem nàng Ngọc Nô theo và từ giã nhạc phụ. Lão Đại thương con không nỡ rời, song nghĩ đến câu “xuất giá tùng phu” nên phải cam lòng, cắp cho bốn đứa a hườn và hai tên tùy tùng để theo phò tá Ngọc Nô.
Thuyền của Mặc Tư đi được mấy ngày thì đến ven sông Thái Thạnh. Mặc Tư lòng buồn, nghĩ đến tăm tiếng của mình, nên ra nơi đầu thuyền ngồi ngắm trăng than thở.
Bỗng chàng sanh ra một ác ý, gọi con a hườn mời nàng Ngọc Nô ra đầu thuyền thưởng nguyệt. Nàng Ngọc Nô bỗng nhiên thấy được chồng lưu luyến, lòng mừng khôn tả, vội sửa soạn xiêm y ra ngồi một bên chồng âu yếm.
Trăng khuya, gió lạnh, chờ cho bọn tùy tùng ngủ hết, Mặc Tư xô nàng Ngọc Nô xuống sông, rồi hô oán rằng nàng đã vô ý rơi xuống nước.
Bọn tùy tùng đâu biết được ác ý ấy, khi thức dậy thì Mặc Tư đã cho thuyền chạy cách đó năm mươi thước rồi cắm lại. Mặc Tư sai người lặn xuống sông tìm kiếm để tránh tiếng. Nhưng làm sao tìm được khi người rơi một nơi mà tìm một ngả.
Nàng Ngọc Nô khi rơi xuống nước tâm thần mê loạn, khi tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm trên một chiếc thuyền lạ. Chiếc thuyền này là chiếc thuyền của Hứa Công, quan tổng trấn tại Vi Vô.
Nguyên Hứa Công đi kinh là, đêm ấy cắm thuyền xem trăng, bỗng thấy xác một người đàn bà trôi tấp bên ven thuyền nên vội vàng rớt lên, và cùng vợ là Hứa phu nhân săn sóc.

Khi nàng Ngọc Nô tỉnh dậy, vợ chồng Hứa Công gạn hỏi, nàng đem đầu đuôi công việc kể lại cho vợ chồng Hứa Công nghe.
Hứa Công nói :
— Con đừng buồn, con cứ ở với ta, làm nghĩa nữ, một ngày nào đó ta sẽ tác thành con một nơi xứng đáng.
Từ đó, nàng Ngọc Nô là con gái của Hứa Công.
Hứa Công lại làm quan Tổng trấn ở Vi Vô, nên chức tư bộ của Mặc Tư vẫn là chức trong thuộc hạ của ông ta.
Một hôm, thấy Mặc Tư, Hứa Công đau đớn thầm trách :
— Đáng tiếc con người thanh niên tuấn tú như vậy mà lòng dạ lại bạc bẽo vô luân.
Rồi cách đó vài tháng, Hứa Công tỏ ý cho mọi người biết là ông đang tìm cho con gái ông một người rể.
Mặc Tư lúc đó mang tiếng là góa vợ, nay thấy quan Tổng trấn có ý kén chọn khách đông sàn, lòng mừng khắp khởi, gắm ghé tỏ ý muốn cầu hôn.
Hứa Công thấy vậy vào hỏi nàng Ngọc Nô :
— Nay cha đã lựa cho con được một người chồng xứng đáng, tuổi trẻ, học giỏi, vậy ý con như thế nào ?
Nàng Ngọc Nô khóc sướt mướt nói :
— Tuy Mặc Tư bạc bẽo, nhưng thân con gái chỉ lấy một lần chồng thôi, con xin nguyện thủ tiết trọn đời, không màn đến chồng con nữa.
Thấy Ngọc Nô có lòng trung nghĩa, Hứa Công thương tình, đem câu chuyện chàng Mặc Tư cầu thân tỏ bày với con gái nuôi mình.
Nàng Ngọc Nô cảm thấy tấm lòng tham của Mặc Tư đáng khinh bỉ, tuy nhiên, muốn được trọn vẹn câu “bất sự nhị phu”, nàng buộc lòng ưng thuận. Ngày lễ thành hôn đến, Mặc Tư trong lòng rất vui đẹp. Chàng nghĩ thầm :
— Nếu trước kia ta không tàn nhẫn như thế thì làm sao hôm nay có được một nơi danh giá như vầy.
Tối hôm ấy cửa phòng hương hé mở, Mặc Tư bước vào làm lễ hoa chúc, vừa bước vào liếc thấy dung nhan của vị hôn thê hoa nhường nguyệt thẹn, trong lòng chàng rộn lên một niềm hoan lạc, nhưng khi bước đến gần, nhìn tận mặt thì bỗng chàng ré lên :
— Ma ! ma !
Mặc Tư kinh ngạc là phải, vì chàng có ngờ đâu trước măt chàng người vợ mới cưới của mình lại là nàng Ngọc Nô thuở nọ.
Nàng Ngọc Nô mỉm cười nói :
— Tôi là người thật, đâu phải là ma. Có gì mà sợ thiếp như thế ! Chàng nỡ đang tâm giết vợ để lấy một người vợ danh giá hơn.
Mặc Tư ấp úng :
— Tại sao nàng lại còn sống được ?
Nàng Ngọc Nô đem đầu đuôi câu chuyện chết đuối của mình kể lại cho Mặc Tư nghe. Mặc Tư cảm động, biết lỗi mình, ân hận vô cùng. Chàng quỳ xuống đất tạ tội, rồi gục đầu vào chiếc gối khóc rả rít.
Thấy chồng đã hối ngộ, dù có mắng nhiếc đến đâu cũng bằng thừa, nàng Ngọc Nô vội đỡ Mặc Tư dậy.
Từ đó hai vợ chồng rất quý nhau, coi Hứa Công như cha nuôi, lại rước Lão Đại về ở chung với mình, phụng thờ như cha đẻ vậy, không bao giờ còn có ý nghĩ sang hèn nữa.

<< Say hoa | Những kẻ chết đói >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 226

Return to top