Về đời Đường, có một nhà ẩn giả họ Thôi tên Huyền Vĩ, là một người mộ đạo. Suốt đời ẩn náu một mình ở Lạc Đông Thôn xử sĩ không thèm biết dư vị phấn hương của mối tình kháng lệ. Trong mảnh vườn u tịch muôn sắc thắm tươi của đủ các giống hoa kỳ, cỏ lạ : nào tùng biếc, trúc xanh, mai trắng, đào hồng... đều tăng vẻ kiều diễm.
Bài thơ tiếc hoa sau nói lên được cái thú tiêu khiển thanh tao, nỗi buồn dịu vợi của con người tài hoa phong nhã, trọn đời chỉ biết tiêu khiển, chỉ biết bầu bạn với hoa lá, gió trăng. Một đêm mưa nghe lòng mình nằng nặng.
Liên tiêu phong vũ bế sài môn
Lục tận thâm hồng, chỉ liễu tồn
Dục tảo thương đài thả đình chửu
Giai tiền điểm điểm thị hoa ngân
Dịch :
Cửa sài đóng kín đêm mưa gió
Liễu rụng hồng rơi bóng nhạt phai
Niềm riêng phủ lớp rêu xanh biếc
Lốm đốm hoa in mấy bậc ngoài
Gặp lúc tiết xuân êm ả, trăng vườn hoa muôn cánh rạt rào, sắc hương chìm trong sương lạnh. Đêm thanh, bản nhạc thanh bình rít lên pha lẫn vào khóm dương đanh thánh thót những giọt sương đục màu sữa. Vừng trăng lơi lả giữa giấc ngủ im lìm của tạo vật, Huyền Vi thấy lòng mình lâng lâng, một mình đi lẫn thẫn từ khóm hoa này sang khóm hoa khác, bỗng thấy trong vườn có một mỹ nhân áo xanh non màu lá mạ thất thểu đi đến... chập chùng dưới ánh trăng màu vàng nhạt.
Huyền Vi lấy làm lạ, tự hỏi :
— Đêm khuya, canh tỉnh, tại sao lại có người con gái ở vườn hoa này ?
Huyền Vi còn ngơ ngác chưa rõ sự thế ra sao, thì mỹ nhân đã bước đến trước mặt thi lễ.
Huyền Vi bối rối ngước nhìn nét hoa, hỏi :
— Chẳng hay tiểu thư ở đâu, đêm khuya cảnh vắng lại vào nơi tệ viên, ắc hẳn có điều chi chỉ giáo ?
Cặp môi đào hé mở, vừng ngập chói ngời, như giọng oanh thánh thót, thiếu nữ đáp :
— Tiện nữ nhà ở gần đây. Nay cùng mấy người bạn đến đông môn để thăm người dì, tiện đây xin tá túc một đêm biết công tử có khứng cùng chăng.
Tuy trước cảnh bất ngờ, nhưng không lẽ từ chối lời nói của mỹ nhân, nên vui vẻ nhận lời. Mỹ nhân cúi đầu cảm tạ rồi bước ra lối cũ.
Một lát sau, thiếu nữ kia lại dẫn một đoàn mỹ nhân khác rẽ hoa bước vào. Dưới trăng mờ huyền ão, nét diễm kiều trong gió bụi vẫn không phai, mỗi người như một cánh hoa phù dung lắc lư trước gió.
Huyền Vi như hoa mắt, miệng không nói được lời nào, lặn đưa các thiếu nữ vào phòng khách, mời ngồi và hỏi :
— Thưa quý nương, chẳng hay quý nương phương danh liệt tánh là gì, mà vóc ngọc thân ngà lại lặn lội đến tệ xá làm vậy.
Một thiếu nữ mặc áo màu lục đứng dậy đáp :
— Chúng em sống nơi quê mùa, tên họ lại xấu xí, e nói ra làm rát tai công tử chăng !
Huyền Vi mỉm cười, nói :
— Xin quý nương đừng quá khiêm tốn.
Cô thiếu nữ mặc áo nguyệt bạch đứng dậy đáp :
— Em đây vốn họ Dương, còn chị mặc áo xanh đây là họ Là, còn chị mặc áo hồng kia là họ Đào...
Mỗi thiếu nữ đều đứng dậy tự giới thiệu tên mình. Cuối cùng đến người mỹ nhân nhỏ tuổi nhất. Dương mỹ nhân đứng dậy vỗ vai nói :
— Đây là em út của chúng tôi, họ Thập tên A Thác. Tuy có khác họ thật, song từ lúc nhỏ đến giờ mối tình tha thiết và gắn bó với nhau lắm.
Đêm nay chúng em hẹn đến Thập Bát Di Nương để chào người, tiện đây chúng em vào yết kiến công tử, để cảm ơn công tử cho chúng em mượn vườn hoa này làm nơi gặp gỡ.
Nghe các thiếu nữ ăn nói lưu loát, Huyền Vi toan tìm lời văn hoa và cử chỉ nhã nhặn để đối đáp, nhưng chàng chưa biết nói lời nào thì các thiếu nữ đã đứng dậy nhìn ra vườn hoa, reo to :
— A ! Thập Bát Di đã đến kìa !!!
Dứt lời, mọi người đều chạy ra vườn để đón. Huyền Vi vội lãng tránh sang một phòng bên để lánh mặt.
Bọn thiếu nữ thi lễ xong đồng nói :
— Chúng tôi đến đây để đón Di Nương, nhưng được chủ nhân mời vào hỏi chuyện nên tiếp đón có hơi chậm trễ, xin Di Nương miễn thứ cho.
Di Nương có tên là Phong Di, một thiếu nữ oai vị, tuy vẻ đẹp phong nhã, nhưng có hơi đanh ác, bước tới nhìn các thiếu nữ kia, mỉm cười nói :
— Đã mấy lần định đến thăm các em nhưng vì bận việc không đi được, hôm nay mới có dịp, để các em phải nóng lòng mong đợi, thực chị có lỗi lắm.
Các thiếu nữ đồng thanh đáp :
— Được quý nương chiếu cố đến thăm các em, các em có gì mừng hơn. Vậy đêm nay trăng sáng, hoa tươi, xin quý nương vào tạm nơi đây để chúng em được dâng ly rượu thọ.
Phong Di nhìn vào căn phòng trống, hỏi :
— Hội họp ở đây có gì bất tiện không ?
Dương mỹ nhân đáp :
— Chủ nhân ở đây là một bậc quân tử, thanh tao và nho nhã, vả lại khu vườn này cũng khá u tịch, không có gì đáng để cho Di Nương ái ngại cả.
Phong Di hỏi :
— Thế thì chủ nhân hiện giờ ở đâu ?
Huyền Vi đang ở phòng kế cận, nghe Phong Di hỏi đến mình, liệu khó bề trốn tránh nên vội bước ra thi lễ.
Các cô thiếu nữ vội vàng nhắc ghế mời Phong Di ngồi trên rồi lần lượt nắm tay nhau ngồi chung quanh. Huyền Vi kéo ghế ngồi bên ngoài để giữ lễ.
Chẳng bao lâu, bên ngoài có một cô tỳ nữ bưng vào một mâm đầy những thứ món ngon vật lạ, tỏa trong phòng một mùi thơm ngát. Trong đó đủ các thứ bánh, Huyền Vi không biết thứ bánh gì mà gọi. Lại còn có những thứ rượu gì bay hơi ngọt ngào như mật ong vậy.
Các thiếu nữ rót rượu, mời Phong Di uống trước.
Phong Di cầm ly rượu, tỏ lời mời các thiếu nữ đồng nhau đối ẩm.
Các thiếu nữ tiếp lời mời Huyền Vi.
Đêm thanh trăng tỏ, bên ngoài gió hiu hiu thổi, tiếng trúc rạc rào như muôn nhạc điệu lắng chìm trong cảnh tịch mịch u huyền.
Cạn nửa tuần rượu, thiếu nữ mặc áo hồng đứng lên, rót thêm đầy chén ngọc tử hà, dâng cho Phong Di và nói :
— Tiện nữ có mấy câu hát này xin dâng cho Di Nương giải muộn.
Nói xong nàng cất tiếng hát lâng lâng :
Phi y, phi phất lộ doanh doanh
Đạm nhiễm yên chi, nhất đóa khinh
Tự hận hồng nhan lưu bất tục
Mạc cán xuân phong đạo bạc tình.
Dịch :
áo xiêm phất phới giữa sương lam
Một đóa hương hoa phận yếu mềm
Nghĩ trách hồng nhan thường mệnh bạc
Trách chi ngọn gió chẳng thương tình
Tiếng ca lảnh lót, lâng lâng một mối buồn nhè nhẹ... hòa nhịp theo khúc nhạc trúc êm đềm, tưởng như vũ trụ đang quay cuồng giữa cảnh bồng lai.
Dứt tiếng hát, thiếu nữ mặc áo màu nguyệt bạch lại đứng dậy dâng rượu cho Phong Di rồi ca tiếp một bài khác :
Hạo thiết ngọc nhan trăng bạch tuyết
Huống mãi đương niên đối phương nguyệt
Trầm ngâm bất cảm oán đông phong
Tự thán dung hoa ám tiêu yết
Dịch :
Tấm thân trong tợ tuyết sương pha
Bát ngát hơi hương dưới nguyệt tà
Nhìn ngọn gió đông không dám trách
Chỉ than cho một kiếp đời hoa
Tiếng hát rít lên như muôn cung đàn rào rạc trong gió lộng u hoài.
Phong Di lúc đó đã say, lòng vẫn có tánh khinh bạc mọi người, nên lòng trắc ẩn nỗi lên, chưa nghe hết câu đã vội trách mắng :
— Đêm thanh trăng tỏ, cuộc hội ngộ này đáng lẽ tìm những lời vui vẻ hát ca, sao các cô lại tấu lên những khúc nhạc nghe bi thảm làm vậy ? Vả lại trong lời hát, ta cảm thấy như có một cái gì hống hách, ngạo mạn, ta phạt cho mỗi cô phải uống thêm một chén lớn nữa để rồi mỗi người phải hát lên một khúc hát vui vẻ xem nào ?
Nói xong, Phong Di lại nâng chén uống một hơi.
Lúc bấy giờ hơi rượu đã thắm vào tâm não, Phong Di say liểng niểng, bưng ly rượu ngất ngưởng ngã xiêu vẹo đổ vào chiếc áo hồng của nàng A Thác, một thiếu nữ ngồi gần bên cạnh.
Nàng A Thác vốn tánh điềm tĩnh, bị rượu đổ vào áo, nàng phật ý, nét mặt cau lại trong hơi men đã chếnh choán, nàng vụt đứng dậy nói :
— Tại sao lại có những cử chỉ thô lỗ như vầy ? Bữa tiệc hôm nay là bữa liên hoan, phải đâu để dùng quyền thế mình mà khinh bạc kẻ khác. Các chị ai muốn cầu cạnh thì ở đó, phần tôi, tôi không cần gì đến ai cả.
Nói xong, A Thác đứng dậy rũ áo bước ra khỏi phòng.
Phong Di tái mặt, chỉ tay ra cửa nói :
— Khốn nạn, nó dám mượn hơi rượu để mà miệt hạ ta như thế sao ? Ta quyết cho một trận để cho nó biết phận mình.
Nói xong, Phong Di cũng đứng dậy rũ áo bỏ ra ngoài.
Các thiếu nữ đều một mặt khuyên giải :
— A Thác tuổi trẻ, lại bị say quá nên xúc phạm đến Di Nương, xin Di Nương để đến hôm khác, chúng tôi sẽ dẫn A Thác đến mà tạ tội.
Phong Di chẳng cần nghe lời can gián của các thiếu nữ kia, mặt hầm hầm bước xuống thềm.
Các thiếu nữ sợ sệt, từ giã Huyền Vi rồi bước theo, vạch hoa đi tản ra tứ phía.
Huyền Vi lấy cớ tiễn khách, bước ra thềm để xem tông tích cá thiếu nữ ở nơi đâu. Nhưng khi Huyền Vi vừa bước ra đến thềm thì bóng các cô thiếu nữ kia không còn thấy đâu nữa.
Lấy làm lạ, Huyền Vi nghĩ bụng :
— Những con người áo xiêm ủy mỵ, ăn nói lưu loát như thế chẳng lẽ lại mà ma quái gì hiện đến sao ? Mà cũng không lẽ ta đã nằm mộng ?
Nỗi thắc mắc tràn ngập trong lòng Huyền Vi. Chàng lảo đảo bước vào phòng thì mâm chén cùng các đồ ăn lúc nãy cũng đã biến đi đâu mất, chẳng còn lưu lại một vết tích gì; duy chỉ có mùi hương còn phảng phất chưa phai.
Huyền Vi càng kinh ngạc, nghĩ bụng :
— Đây hẳn là một điều quái gỡ, tuy nhiên dù sao cũng không đến nỗi tai hại gì.
Nghĩ như thế, chàng an tâm, và cố tìm hiểu xem các cô nàng kia thuộc vào giống gì cho biết.
Chiều hôm sau, Huyền Vi đang thơ thẩn trong vườn. Vừng trăng bắt đầu buông những tia sáng yếu ớt rải trên các khóm cây cao, chàng thoáng thấy xa xa có bóng đoàn mỹ nhân hôm trước đang quây quần quanh một thiếu nữ.
Chàng rón rén bước đến. Thì ra các cô kia đang khuyên nàng A Thác nên đến tạ tội với Phong Di.
A Thác vùng vằng nói :
— Các chị cứ đầu phục mãi cái con mẹ độc ác ấy sao ? Người ta đã không có lòng thương chúng mình thì dù chúng mình có cầu khẩn đến đâu cũng không ích gì. Tốt hơn chúng ta nên cầu công tử Huyền Vi đây, có tốt hơn không ?
Vừa nói, A Thác vừa quay lại. Các thiếu nữ đưa mắt nhìn theo. Thấy bóng Huyền Vi, mọi người đều reo lên. Huyền Vi cực chẳng đã phải ra mặt bước đến.
A Thác bước đến trước mặt Huyền Vi kính cẩn chào và nói :
— Chị em chúng em đều trú ngụ trong vườn của công tử. Nhưng phận liễu yếu đào tơ không nơi nương tựa. Hàng năm thường có trận gió đông thổi đến bắt chúng em phải dập liễu vùi hoa. Vì vậy mà chúng em phải cầu khẩn nàng Thập Bát Phong Di che chở. Tuy nhiên, tánh Phong Di ác nghiệt, thường hay giận hờn, vì thế tìm đủ lời sách hạch làm chúng em khổ sở vô cùng. Mới đây Phong Di lên mặt giận dữ em, chúng em đoán chắc thế nào rồi đây chúng em cũng bị một trận trừng phạt. Nếu công tử đoái lòng thương chúng em, che chở cho chút phận yếu mềm của kiếp đời hoa thì chúng em nguyện ghi ơn muôn thưở.
Huyền Vi hỏi :
— Tôi làm sao mà che chở cho các cô được ?
A Thác nhanh nhẩu đáp :
— Cứ mỗi năm vào ngày nguyên đán, chúng em cầu xin công tử làm cho một lá phan màu đỏ, trong đó vẻ một tấm bùa bát quái trấn ngũ lôi, dựng ở phía đông hoa viên, như thế chúng em sẽ được bình yên ngay.
Huyền Vi nói :
— Năm nay nguyên đán đã qua rồi, thì còn làm thế nào được.
— Ngày hăm mốt tháng hai là ngày tết. Nếu buổi bình minh hôm ấy mà có gió thổi nhiều thì nhờ công tử giúp cho.
Huyền vi mỉm cười nói :
— Việc đó đâu có khó gì, chỉ sợ công việc giúp ích của tôi không đem lại cho các cô một kết quả nào thì lòng tôi không an đó thôi.
— Nếu được công tử nhận lời thì chúng tôi không còn lo gì nữa cả.
Nói xong, các thiếu nữ đều từ giã Huyền Vi, rẽ hoa, thoăn thoắt bước đi. Chẳng mấy chốc bóng các thiếu nữ đã biến đi đâu mất. Trong vườn chỉ còn mùi hương thoang thoảng, cái thứ mùi hương quen thuộc thường ngày.
Muốn chiêm nghiệm thử xem những lời nói của các thiếu nữ kia có đúng không, ngày hôm sau Huyền Vi làm một cành phan màu đỏ, vẽ bùa ngũ lôi chực sẵn ở đó.
Đúng vào ngày hai mươi mốt tháng hai, trời chưa rạng sáng, Huyền Vi đã thức dậy ra vườn.
Giữa lúc ấy quả có luồn gió lốc từ xa thổi đến; ban đầu còn yếu ớt, nhưng mỗi lúc một mạnh dần, sau thành một trận cuồng phong rất dữ dội.
Huyền Vi lập tức đem cành phan vẽ bùa ngũ lội, dựng về hướng đông theo lời dặn của các thiếu nữ. Bốn bề cây cối xao động, các cây cao đổ lá tơi bời, bay phất phới như cánh chuồng. Tuy nhiên, trong vườn các cây hoa vẫn đứng nguyên vẹn và tươi tốt, khoe màu khoe sắc muôn vẻ.
Huyền Vi nghĩ ra một kế, các thiếu nữ kia là kết tinh của các giống hoa. A Thác là tinh hoa Thạch Lựu, còn Phong Di là nàng gió...
à ! té ra lại có những nàng hoa sống chung trong vườn thưởng thức, nhưng chàng đâu có hiểu.
Chiều hôm ấy, các thiếu nữ, với vẻ diễm kiều, bước đến tạ Ơn :
— Được nhờ ơn công tử đoái lòng thương, giúp đỡ cho các em thoát khỏi tai nạn, chúng em không có gì để đền ơn cho xứng đáng. Chúng em có chất Anh hoa đây là kết tinh của muôn hoa, xin dâng cho công tử. Xin công tử cứ che chở cho các em mãi như thế thì các em có thể trường sinh mà đạt đến địa vị hoa tiên.
Huyền Vi không nỡ từ chối, tiếp nhận tặng phẩm của mấy cô nàng.
Chất Anh hoa ấy quả nhiên quà hóa vô cùng. Mỗi sáng, Huyền Vi dùng một chút với nước trà, tự nhiên thấy trong người khoan khoái và vui vẻ suốt ngày. Chẳng bao lâu, dung nhan của Huyền Vi bỗng trẻ lại như người trai trên tuổi đôi mươi.
Sau đó, chẳng ai hiểu rõ chàng ta đi đâu, chỉ thấy trong truyện còn lưu lại một bài thơ như vầy :
Lạc Trung, Xử Sĩ ái tài ba
Tuế tuế chu phan hội thái hòa
Học đắc xan anh kham bất lão
Hà tu canh mịnh táo vi qua !
Dịch :
Xử Sĩ yêu hoa chốn Lạc Trung
Năm năm dựng một cánh phan hồng
Anh hoa đã nếm mùi bất lão
Dưa, táo cần gì đợi suốt canh !