Cô Kiều nhìn theo sau lưng chị Ba, kề tai tôi, nói nhỏ: "Em còn lạ gì con đĩ ngựa này. Nó đỏng đảnh với mấy thằng xe be ngoài chợ, Ai chẳng biết,"
"Thôi. Chuyện người tạ Mắc mớ gì em."
"Hứ! Cái thứ rượn đực, còn làm ra vẻ khinh người. Khó ưa."
Cô nguýt dài. Đuôi mắt đã có dấu hiệu xếp nếp thời gian.
Tầm Lanh chỉ có một quán tạp hoá duy nhất của Ba Canh, nằm kế Bến Củi. Bên hông quán, che thêm cái chái dùng làm nơi bán thịt rừng, và nước đá giải khát buổi trưa cho những người sinh hoạt nơi Bến Củi. Ba Canh giao quán cho vợ con trông coi. Còn anh, lo chạy vòng ngoài. Vào rừng mua lại thịt tươi từ các tay săn bẫy thú, hoặc theo xe be ra chợ bổ thêm hàng hóa về cho vợ. Nhiều khi công việc bề bộn, vợ anh phải thay thế ra chợ bổ hàng. Việc này cũng mất khá nhiều thời gian, phải ở lại qua đêm, hôm sau mới có chuyến xe vào lại Tầm Lanh. Vì phải ở lại qua đêm, nên chị Ba mang nhiều tai tiếng lăng nhăng với dân xe be và lái gổ. Người ta xầm xì về chuyện này, nhưng Ba Canh không hề hay biết. Trời sanh ra anh để nhìn đời theo con đường thẳng, chứ không phải để nghi ngờ dò xét ở những khúc quanh.
Trời nắng loá. Trông ra Bến Củi, mặt đất dường bốc hơi thành gợn sóng. Những xe be đã bắt đầu rục rịch, chuẩn bị rời bãi.
Cô Kiều nói: "Em phải về. Anh có muốn em ở lại không?"
"Anh không có tiền."
"Miễn phí cho anh."
"Anh trú miễu ở đình. Làm bậy Quỷ Thần vật chết. Thôi, em về đị"
"Về lần này, có lẽ em không trở vô nữa. Em muốn đổi nghề, kiếm chuyện khác làm ăn."
"Ừ, được đấy. Em cũng lớn tuồi rồi. Phải nghĩ tới tương lai."
Cô than thở: "Em muốn về quê cũ, làm lại cuộc đời. Nhưng em hư quá, vô phương quay về."
"Thì đi nơi khác. Buôn gánh bán bưng gì cũng được."
"Phải có một căn bản gia đình, mà em thì cô đơn, anh ạ." Cô thở dài.
Tôi an ủi: "Từ từ, em cũng sẽ kiếm được người thương em."
Ngoài bãi, có tiếng kêu ơi ới. Xe sắp rời Bến Củi.
Cô đứng dậy: "Em đi nhẹ Chắc mình không gặp nhau nữa đâu."
Cô bước đi xa, còn ngoảnh đầu ngó lại. Bỗng cô trở gót, quay vào cầm tay tôi: "Coi... kìa... , cái mặt buồn buồn, dễ ghét. Bộ thương em hả?"
"Thôi mà, đừng có đùa. Bao nhiêu người dòm ngó."
"Dòm, kệ họ. Mai mốt có ra chợ, nhớ tìm em nhẻ"
Tôi hối: "Được rồi. Em đi đi. Trễ chuyến xe bây giờ."
Cô lầm lũi đi nhanh ra Bến Củi, lên xe, đưa tay vẫy vẫy. Tôi trông theo, cảm thấy nao nao. Không biết lòng mình ra sao nữa.
Tôi ngồi lại với nỗi trống không, buồn vô cớ.
Chị Ba bước ra hiên, dọn những ly tách trên bàn, nói: "Cặp kè với loại người ấy, chỉ mất mặt."
"Nói chuyện thôi. Đã có gì đâu?"
"Còn muốn có gì nữa hả? Anh Ba Canh giúp anh có cơm để sống, chứ không phải để anh đem tiền bao gái."
"Chị thấy tôi có lạng quạng với ai không?"
"Chuyện khuất lấp ban đêm, chỉ có trời biết. Còn chuyện ban ngày, đã rõ trắng đen. Bạ ai cũng tán tỉnh, thượng vàng hạ cám không chừa thứ nào."
Thái độ và lời lẽ của chị Ba làm tôi ngạc nhiên. Chị đâu có quyền nói những lời gay gắt như thế với tôi. Nghĩ tới tình nghĩa anh Ba Canh lâu nay, tôi không nỡ phản ứng làm mất lòng người vợ của anh.
Tôi nói: "Chị hơi nặng lời đấy." Và bỏ đi ra bãi.
Bến Củi không còn ai. Tôi một mình vác củi chất vào từng thước khối theo những cây cọc, Ba Canh đã đóng sẵn từ trước. Hôm nay, anh theo xe ra chợ lấy hàng.
Tôi làm mãi đến xế chiều. Khô cổ, khát nước, mồ hôi đầm lưng áo. Trời đứng gió, oi nồng. Muốn vào quán để uống ly nước đá, nhưng nghĩ lại thái độ khó chịu của chị Ba, tôi ngại. Tôi đi chếch về phía tây Bến Củi, nơi có ngôi đình, lâu ngày không được trùng tu.
Hồi mới tới đây, trông thấy một bên hiên đình quằn xuống sắp đổ. Hình ảnh hư hao tàn tạ cuốn hút lòng tôi. Tìm ở đâu cho xạ Một nơi chốn mà người đời quên lãng, sẽ là nơi trú ngụ an toàn cho con chim tơi tả trước cơn dông thời cuộc. Mái đình xưa, lợp ngói âm dương, phủ màu rêu xám. Cuối nóc đình, chỗ giáp với đầu hồi, có gắn con hạc bằng đồng thau, xoãi cánh như đang cố sức một cách tuyệt vọng, chấp chới bay lên để thoát khỏi sự sụp đổ của thời gian, nhưng đôi chân tội nghiệp cứ dính chặc với ngôi đình. Phía sau con hạc, cỏ dại và những cây con mọc đầy trên mái. Lớp lớp rêu cỏ, âm thầm nói lên biết bao điều ý nghĩa. Những ai hăm hỡ xẻ gỗ dựng đình từ thế kỷ trước, đều khuất bóng cả rồi. Thần linh phiêu hốt nơi đâu, mà tượng gỗ xiêu xó nơi này. Dù không được trùng tu, nhưng số phận ngôi đình vẫn còn may mắn. Nhờ vào vị thế địa dư hẻo lánh, và không có tiếng tăm linh hiển vang xa, nên ngôi đình thoát được cái hoa. san bằng, bởi chiến dịch triệt hạ những đình chùa lăng miếu, quét sạch nền văn hoá cũ của bao đời cha ông để lại.
Đã bao nhiêu đêm, tôi nằm trăn trở dưới mái hậu liêu, sau đình. Nghe chim đớp muỗi vỗ cánh chạm xạc xào trong khóm lá ngoài kia. Nghe tiếng dơi chí choé cắn nhau giành chỗ đậu, dưới mái ngói bên hàng hiên sắp đổ. Thấm thía nhứt là tiếng vạc kêu sương, rớt xuống tự trên lưng chừng trời. Dường như trong tịch mịch lặng im, tiếng vạc lẻ loi, làm tôi thấy rõ hơn về nỗi quạnh hiu của lòng mình. Những đêm trăng tỏ, tôi thường đứng trông ra Bến Củi. Những khối củi mập mờ nhìn từ xa, giống như những chiếc xe tăng đang lổn nhổn tiến về phía bìa rừng. Bồi hồi nhớ lại thời còn chiến tranh. Một binh lực hùng mạnh là thế, bỗng một ngày tán loạn rã tan. Chuyện vô lý, tưởng chừng như cơn mợ Đến khi lủ khủ dắt nhau vào tù, mới bừng ra sự thật. Từ ấy trở đi, lý lịch tôi mang một dấu ấn lớn, không mong gì xoá được để làm lại cuộc đời. Tôi về Tầm Lanh như người xưa bất đắc chí, quay về sằn dã. Ẩn nhẫn mà sống. Nhưng, sao bất cứ nơi nào, tôi cũng thấy bi đát. Hoàn cảnh một cô Kiều trưa nay, cũng làm tôi suy nghĩ. Tôi có hơn gì cô đâu. Đời đã lâm vào thế bí. Trở lui không được, tiến tới không xong...