Dưới ánh đèn lờ mờ Loan đương ngồi cặm cụi thái mực. Lúc bấy giờ vào quãng một giờ đêm. Mai là ngày giỗ to nhất trong năm. Loan là con dâu trưởng, hôm đó phải cáng đáng mọi công việc, tuy nàng vẫn nghĩ rằng nếu có quyền thì nàng sẽ bỏ hết cả cỗ bàn. Nghĩ vậy nhưng bây giờ nàng hãy biết phải nai lưng ra làm cho trọn công việc một cô nàng dâu đã.
Quay lại, thấy con sen đương ngồi vừa thái su hào, vừa ngủ gật, Loan hỏi:
- Bình, từ tối đến giờ, mày đã ngủ chưa?
- Thưa cô, chưa, bà con dặn phải xong chỗ này mới được đi ngủ.
Loan nhìn rổ rau nói:
- Còn chừng kia mà mày vừa ngủ vừa thái thì đời nào xong. Để tao làm hộ. Cho mày đi ngủ kẻo mệt.
Khi con sen đi ra rồi, Loan lấy su hào ngồi cặm cụi thái. Bốn bề yên lặng, Loan thở dài, ôn lại trong trí những việc mới xảy ra trong vòng mấy tháng, trong khi tay nàng nhấc dao lên, ấn dao xuống như cái máy, Loan không biết trong mấy tháng nay có phải nàng đã sống thật hay là liên miên ở trong một giấc mộng dài. Nàng thấy ngày nào cũng giống ngày nào, nối tiếp nhau một cách nặng nề buồn tẻ. Nếu đời nàng cứ như thế mà kéo mãi thì có lẽ nàng đến hóa điên mất. Những nỗi đau khổ nàng phải chịu, những người chung sống với nàng, bấy lâu đã làm cho nàng hầu thành ra một người khác, tính nết cay chua và tâm hồn cằn cỗi.
Chính Loan cũng lấy làm lo sợ về sự thay đổi đó. Như hồi mới cưới Tuất về, mỗi lần Tuất bị bà Phán mắng - có khi bị đánh nữa - thì Loan tự nhiên thấy sung sướng trong lòng. Nghĩ lại, Loan tự mắng mình là khốn nạn, vì Loan thấy Loan cũng như những người kia lấy cái khổ của người khác làm cái sướng của mình, không biết tìm cách che chở cho một người hèn yếu. Hay đâu cái lòng thương người đó làm cho nàng đã khổ lại khổ thêm. Tuất mới đầu còn cảm động về tấm lòng tử tế của Loan, nhưng dần dần lầm sự tử tế với sự hiền lành, tìm cách lấn vợ cả, và được thể mẹ chồng cũng ghét Loan nên về bè với mẹ chồng. Đến khi đẻ được đứa con trai, thì Tuất nghiễm nhiên là người có công với gia đình nhà chồng; bà Phán Lợi cũng bắt đầu bênh vực Tuất ra mặt, nhất là khi Tuất có việc lôi thôi với Loan.
Loan còn nhớ rõ ràng vẻ mặt kiêu hãnh của Tuất, mấy hôm vì có việc bất bình, bà Phán nhắc đến chuyện nàng không biết đường dạy vợ lẽ. Tuất lúc ấy đương bế con, vênh mặt ngước mắt nhìn trần nhà, rồi lên giọng thẽo thợt, nói:
- Ở nhà này chỉ có mẹ tôi dạy tôi... chồng tôi dạy được tôi!
Bà Phán và Thân ngồi im như cho lời Tuất nói là phải. Loan toan mắng lại, nhưng cố nuốt giận và tự nhủ:
- Chấp làm gì một đứa vô giáo dục, không hiểu được lời mình nói. Thân phận đã tủi nhục như thế mà không biết, lại còn hợm mình làm cao.
Loan ngừng tay cắt, ngẫm nghĩ:
- Phiền nhất là mình cứ mãi mãi sống với những người vô học đó để họ quấy rầy mình.
Loan không bao giờ yêu Thân, ở với Thân không mong gì sinh con đẻ cái, nhưng bây giờ cũng như trước kia, nàng cũng là một vật sở hữu của Thân. Từ ngày có Tuất, nàng thấy Thân hững hờ với nàng... chỉ trừ ra độ Tuất có chửa sắp ở cữ thì nàng mới thấy Thân nhớ đến nàng là vợ mình, một người vợ tuy không yêu nhưng vì thói quen phải cần đến.
Loan cau mày, thương cho thân nàng, cái tuổi xanh của nàng đã phải phí đi để hiến cho một người không yêu nàng và không đáng có quyền được yêu nàng. Nghĩ đến đấy, Loan cắm đầu chăm chú đưa dao cắt thật mau, rồi muốn cho khỏi nghĩ ngợi, nàng vừa cắt vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Miếng su hào này chưa được vuông vắn... Ừ mà phải cắt mỏng ít nữa. Cắt nốt chỗ su hào này phải tỉa cho hết bát củ cải kia...
Loan đã bắt đầu thấy mỏi lưng. Nàng ngồi dựa vào tường cho đỡ mệt và thấy thiu thiu buồn ngủ. Ngọn đèn gần hết dầu mờ mờ dần... chuông đồng hồ nhà trên thong thả gõ năm tiếng.
Tiếng bà Phán quát tháo bên tai làm Loan sực thức dậy. Con sen lúc đó đương đứng nép vào góc bếp, trên má còn in lằn mấy ngón tay. Loan vội nói:
- Thưa mẹ, con cho nó đi ngủ ấy ạ. Con thấy nó vừa thái vừa ngủ gật.
Bà Phán quay lại:
- Ngủ gật thì đập vào xác nó ấy.
- Thưa mẹ, con thái hộ nó, vì từ tối nó chưa được ngủ.
Bà Phán gắt:
- Tôi nói câu gì mợ cũng cãi lại xa xả... thế này làm sao đủ dùng cho người ta nấu nướng... Mợ lại bắt tôi phải hầu nó à...? Ừ, phải rồi, đã có gái già này!
Bích đi theo sau bà Phán, đưa mắt nhìn mấy rổ rau còn cắt dở, nói:
- Biết thế này thì mình cố thức cho xong. Cứ chắc ở nó... chẳng được tích sự gì, lỡ cả việc.
Bà Phán hỏi:
- Chị hai đã dậy chưa?
- Thưa mẹ chưa. Đêm qua, cháu nó quấy nên cô ấy phải thức.
- Thôi được, để nó ngủ.
Loan nghĩ bụng:
- Đứa bế quấy mà cả đêm không thấy tiếng khóc. Phải để cho cô hai nghỉ. để cô hai tốt sữa, nuôi cậu quý tử.
Dần dần, mọi người trong họ xuống đông đủ và bắt đầu làm việc.
Loan ngồi riêng ra một nơi cúi đầu yên lặng, không dự vào câu chuyện của các chị em họ. Nàng biết trước rằng hễ có dịp gặp nhau là họ nói cạnh nói khóe nhau, và đem những chuyện tư, chuyện riêng nói cho hả dạ. Ngoài những chuyện ấy ra, họ cũng không biết chuyện gì, cũng như sống ở trên đời, ngoài những cỗ bàn bếp núc, họ cũng không còn công việc khác nữa. Loan tính ra trong một họ Thân mỗi năm gần ba mươi cái giỗ. Một đời chỉ sống để lo công việc kỵ giỗ cũng là một đời đầy đủ, bận rộn lắm rồi.
- Gớm, chị trưởng hôm nay sao mà nghiêm trang thế?
Loan phải vội ngửng lên mỉm cười vì nàng biết là họ bắt đầu muốn sinh sự. Một cô nữa vừa cười vừa nói tiếp:
- Nghiêm trang không đúng. Phải nói là khinh khỉnh. Người ta là nữ văn sĩ kia mà, ai thèm nói chuyện với bọn quê mùa như các chị.
Bỗng có tiếng trẻ khóc ở nhà trên, bà Phán bảo Loan:
- Mợ trông hộ con hai nồi hải sâm để nó lên cho con bú.
Ngồi được một lúc thấy trong nồi thiếu nước, Loan cầm bát ra bể để lấy nước mưa.
Ngoài vườn trời nắng rực rỡ, một cơn gió thổi mạnh làm rung rinh những bông hoa cải màu vàng tươi. Vài con bướm trắng bị gió thổi bay tỏa ra trên luống cải, rồi chập chờn lượn quanh chỗ Loan đứng. Trên trời xanh trong vắt từng đám mây trắng bay thật nhanh như rủ rê nhau đi tìm những quãng không rộng rãi hơn.
Loan nghiêng mình toan múc nước bỗng ngừng lại, đăm đăm nhìn xuống đáy bể. Cũng như nước mưa in bóng những đám mây trắng bay qua, làn nước thu của đôi mắt Loan lúc đó long lanh thoáng in hình ảnh một giấc mộng xa xăm. Nhìn bóng mây, Loan thờ thẫn nhìn đến Dũng, bây giờ không biết trôi dạt tận nơi nào. Bấy lâu mê mải với cuộc đời phiêu lưu, không biết có khi nào chàng dừng chân tưởng nhớ tới người bạn gái xưa lẩn quất trong nơi tù hãm, và năm tháng vẫn mòn mỏi trông chàng; tuy biết rằng không còn ngày tụ họp nữa.
Loan thở dài, lẩm bẩm:
- Thế mà thấm thoát đã bốn năm rồi!
Lúc trở vào bếp thấy mọi người nhìn ra mà mình thì rơm rớm nước mắt, Loan cười gượng:
- Gớm, vào đây khói cay cả mắt.
Nghĩ đến nồi hải sâm, Loan giật mình nói:
- Thôi chết tôi rồi!
Bà Phán đến mở vung coi, rồi kêu:
- Khê mẹ nó rồi còn gì nữa!
Loan bảo khẽ Bích ngồi gần ấy:
- Sao cô không trông hộ tôi một tí.
- Tôi biết đâu. Mẹ bảo chị, chị không cẩn thận, chị lại sắp đổ lỗi cho tôi ấy phải không?
Mọi người đều ngửng lên nhìn. Bà huyện Tịch nói:
- Bà trưởng ơi là bà trưởng ơi! Khéo sao mà khéo thế.
Tuất cũng vừa dỗ con xong chạy xuống. Bà Phán nói:
- Nó dở bận con một tí mà cũng tìm cách làm hỏng của nó.
Thấy Tuất đến mở vung xem lại, bà Phán nói:
- Còn ăn gì được mà xem. Đem của khê ra không sợ người ta nói cho mục mả.
- Thế bây giờ làm thế nào?
- Làm thế nào? Đổ nó đi chứ còn thế nào nữa. Thế là cô hai có mỗi một món khéo hỏng be bét cả.
Tuất vùng vằng nhắc nồi hải sâm ra hiên đổ cả xuống rãnh.
- Thế này là xong!
Rồi nàng ngồi xuống bực cửa, ôm mặt khóc sụt sịt. Bà Phán hầm hầm chạy lại chỗ Loan đứng, nhiếc:
- Sao mà mợ ác, mợ xấu bụng lắm thế!
Tuy rất căm tức về cử chỉ của Tuất, Loan cũng cố nén lòng, ôn tồn đáp lại bà Phán:
- Thưa mẹ, con trót lỡ tay. Con làm hỏng thì con nhận chứ nếu muốn làm hại thì thiếu gì cách khác.
Bà Phán nói:
- Lỡ tay! Mợ bỏ đấy, đi đến nửa giờ đồng hồ, mợ định tâm làm khê của nó, mợ lại còn cãi. Điêu ngoa vừa vừa chứ.
Loan cũng không biết phân trần ra sao, đành cúi đầu nhận lỗi. Nàng toan nói với bà Phán nhận mua đền, nhưng nghĩ trong người không có lấy một xu, nên lại thôi.
Bà Phán quát:
- Mợ muốn sống thì mợ cầm ngay cái nồi kia đem ra ao rửa sạch đi. Mợ còn muốn đợi ai hầu nữa. Tôi, chứ người mẹ chồng khác thì người ta hết cả nồi hải sâm vào mặt ấy!
Rồi như nói thế cũng chưa đủ hả giận, bà Phán dí ngón tay vào trán Loan, quệt mạnh một cái và mai mỉa:
- Ác như thế... không trách được tuyệt đường sinh đẻ!