Cơn gió thổi...lá vàng rơi lác đác, Càng rơi theo loạt nước đọng trên cành, Những cây khô đã chết cả màu xanh, Trong giây phút lạnh lùng , tê tái ấy.
THẾ LỮ
“Ở đời tôi có hai người bạn thân nhất, mà đành phải lần lượt, hết xa người nọ đến người kia:xa anh là một và xa... Tôi không nói tên nhưng tôi chắc anh đã đoán được người ấy là ai rồi. Lạ thật, tôi đã ngỏ chuyện riêng của tôi với các bạn khác, nhưng còn anh,anh cùng sống với tôi bao nhiêu năm trời thì tôi không dám. Đối với người bạn thân nhất, tôi lại ngượng nhất khi nói đến chuyện một người bạn thân nhất khác. “Anh còn nhớ không? Đêm sáng trăng mơ, chúng mình đi chơi trên con đường Ngọc-Hà,tôi đã định nói với anh rồi lại thôi.Bao giờ cũng thế,nhưng mình không thể nói câu chuyện tâm sự gì hơi cảm động với nhau được ba phút.Anh thì lúc nào cũng nói đùa được,còn tôi cứ hay cự anh về cái tính đó,thànhh thử chúng mình chỉ đâm ra cãi nhau. “Lần nầy tôi viết thư, chắc là anh phải xem,dẫu anh muốn nói đùa cũng không biết nói với ai nữa. “Chưa nói, nhưng tôi chắc anh đã rõ chuyện tôi với Loan rồi,biết và hiểu hơn là tôi với Loan.Anh biết đã lâu và chắc anh vẫn thương chúng tôi lắm. “Đến bây giờ tôi mới dám ngỏ cho anh biết vì từ nay không bao giờ tôi và Loan còn gặp anh, đến thư, tôi cũng không thể viết cho ai được nữa.Còn anh,anh viết văn quen,nếu anh có nhớ đến tôi,không gì hơn là anh thử cố viết để kể đời tôi ra.Những nỗi đau khổ, băn khoăn của tôi hẳn là nỗi băn khoăn của anh,của các bạn chúng ta. Đời bọn ta,một bọn sống ở trong một xã hội đương thay đổi có những nỗi khổ chung,mà oái ăm thật,những nỡi đau khổ lại là những nỗi vui độc nhất của chúng ta bấy lâu. Anh xem, tôi viết câu nầy bí hiểm không kém gì anh: “Xa anh,nếu tôi còn sống, được đọc văn anh...” Đêm hôm nay,tôi đem bức thu của Dũng viết hai năm trước ra đọc lại,không biết là mấy lần.Hai năm trời,sau khi từ biệt Dũng,tôi đã viết được vài cuốn sách,nhưng tôi không dám nghĩ đến việc viết chuyện riêng của Dũng và Loan,hai người bạn thân nhất của tôi. Tôi biết là cần viết, muốn viết lắm,nhưng không sao có đủ can đãm để bắt đầu,mà bao giờ cũng vậy,chỉ có lúc bắt đầu là khó thôi, “Để lúc khác,có vội gì đâu. Đó là một cớ tôi đem ra để tha thứ cho mình.Thành ra tôi cứ đợi, hết năm ấy sang năm khác. Giá tôi có thể bắt đầu được,viết ngay xong câu chuyện đó,có lẽ tôi sẽ nhẹ nhàng sung sướng lắm.Không viết nhưng bao lâu nào có quên được:cả một thế giới rạo rực ở trong hồn tôi. Trong bức thư, Dũng kể cho tôi nghe hết cả những nỗi khổ của anh và cuộc tình duyên đau đớn của anh với Loan.Anh không kể tôi đã biết rõ rồi. Mấy ngày sau khi nhận được bức thư,tôi đương ngồi nói chuyện với vợ chồng anh M... và Loan thì đột nhiên anh vào chơi.Anh làm như nhân dịp đi qua ghé vào hỏi thăm anh M...Nhưng tôi, đã thừa hiểu rằng anh biết có Loan ở trong đó và đến từ biệt Loan lần cuối cùng.Tôi đưa mắt nhìn Loan thấy Loan vẫn không đổi sắc mặt, điềm nhiên Loan lấy ngón tay và một mẫu giấy con bỏ rơi xuống bàn,rồi lại nhặt lên bỏ xuống?Anh Dũng hỏi thăm vợ chồng anh M...mấy câu rồi đứng dậy xin đi ngay, hình như vội vàng lắm.Anh tỏ ý khó chịu,nhưng dáng cương quyết.Loan ngửng lên chào Dũng, vẻ mặt thờ ơ, xa xăm, rồi cuối xuống ngay,rồi lại bắt đầu nhặt viên giấy lên vê.Một lúc sau,trong khi ở ngoài có tiếng khóa cửa thì tôi thấy Loan bỏ viên giấy xuống bàn và lấy đầu ngón tay ấn thật mạnh cho đầu giấy bẹp hẳn lại.Rồi Loan ngửng lên vô cớ mĩm cười... Đọc bức thư, cái cảnh hôm ấy,hiện ra rõ rệt trước mắt tôi. Đêm ấy trời cũng lạnh như đêm nay, cũng về cuối thu.Tôi còn nghe thấy cả tiếng một chiếc lá bàng khô rơi,chạm vào tường rồi mới rớt xuống sân. Từ bấy đến nay, tôi không gặp anh, không được tin gì về anh cả.Tôi chắc Loan cũng vậy.Nhưng tôi có cái cảm tưởng rằng anh hãy còn sống.Tôi mong thế để viết truyện về anh đuợc dễ dàng hơn. Chiều hôm qua,tôi nhận được của một bạn đọc,một bức thư giấy màu xanh, đề:Sàigòn,ngày mồng 7 tháng 3 năm 193...,dưới ký tên:một người xa xăm,ở trọ nhà ông Trương Viễn,188 đường Albert 1er, Đakao. Chữ viết không phải chữ của Dũng, nhưng cái tên ký “người xa xăm” làm tôi nghĩ đến anh và như một lời xa xăm thúc dục tôi viết. Chuông đồng hồ điểm một giờ.Trời lạnh lắm.Tôi mặc áo vội vàng,quyết tâm lại buồng giấy bắt đầu viết. Đêm nay không bắt đầu được thì không bao giờ viết được nữa. Trời lạnh,tôi đi bộ cho ấm, đi thật mau,vện mạnh gót giầy và cúi nhìn đường,nghĩ trước đến cuốn truyện sắp bắt đầu viết.Một con chuột chạy ngang qua đường rồi lại vụt biến vào trong bóng tối.Biết bao nhiêu người bạn của Dũng tôi đã được gặp,gặp chỉ trong chốc lát rồi cũng lại vụt biến đi không để lại một vết tích gì.Cứ một quãng tôi lại thấy hiện ra những con chuột khác, đương kiếm mồi:có người đi tới,chúng chạy tán loạn,rồi tìm các lỗ cống chui xuống lánh thân.Nhờ có anh đèn,tôi thấy lông chúng ướt át, ướt những nước cống nước rãnh và tôi đoán thấy trên thân hình chúng sự bẩn thỉu,hôi hám của những nơi tối tăm mà chúng phải sống đày đọa.Anh Dũng đã có lần nói với tôi: -Tôi sinh ra đã phải chịu một sự bất công là sống trong một cảnh giàu sang không đích đáng,tôi không có quyền hưởng,tôi không muốn hưởng.Tôi đau khổ.Vậy nếu sống an nhàn sang trọng mà đau khổ ngấm ngầm mãi thì thà cực khổ tấm thân mà có được sự vui vẻ trong lòng. Tôi,tôi cho là anh đã tưởng lầm.Những cái vui khổ của anh không ở cảnh đời anh:sống sang trọng trong một tòa nhà lộng lẫy,hay sống nay đây mai đó trong cảnh nghèo nàn như hiện giờ,lúc nào anh cũng vẫn là anh,anh cũng vẫn có chừng ấy cái vui,cái khổ. Anh phải sống vượt ra ngoài xã hội bình thường,vượt ra ngoài hoàn cảnh gia đình của anh, đó là một sự không thể tránh được mà không thể tùy ý anh muốn. Cái vui khổ của đời anh chỉ là cái vui khổ của một người hay nghĩ ngợi,không lúc nào mãn nguyện,nên phải mãi mãi đi tìm một sự bình tĩnh cho tâm hồn,một sự bình tĩnh có mà lại không,gặp được nhưng lại mất ngay vì xã hội của anh sống là một xã hội đương thay đổi. Dầu anh sống theo cảnh đời nào mặc dầu lòng tôi yêu anh,thương anh không vì thế mà khác.Lắm lúc tôi muốn tìm cách khuyên anh về với gia đình,với cảnh đời cũ,nhưng đã chậm quá rồi.Không thể được mà có lẽ vô ích nữa.Không thể thay đổi được hồn anh,trí anh,thì cảnh đời anh sống có quan hệ gì.Thà cứ để anh trong cảnh đời ấy, để anh đi tìm kiếm mãi,sự tìm kiếm không bao giờ ngưng ấy có lẽ là sự an ủi độc nhất của anh.Vả lại,nếu anh có được điều anh muốn,anh có được sự yên ổn hoàn toàn,anh có được Loan thì câu chuyện anh bảo tôi viết,tôi đã không cần viết nữa. Những ý nghĩ ấy làm tôi quên bẵng đường dài,tôi đến của buồng viết lúc nào không biết. Buồng làm việc của tôi đêm nay có phần sáng hơn mọi khi.Gió rét đã làm rụng bớt lá ở những cành bàng vẫn che khuất ánh đèn điện ngoaì phố chiếu vào.Trong cái khung sáng của cửa sổ chấn song in lên tường,bóng một chiếc lá vừa rụng. Tôi bật đèn điện.Lúc ngồi vào bàn,giở sách và cầm đến bút,tôi thấy một sự yên lặng như tràn vào óc tôi,hai trang giấy đối với tôi lúc đó sao trắng thế,trắng một cách ngao ngán. Để qua khỏi cái phút trống rỗng không tránh được lúc bắt đầu viết,theo thói quen tôi viết liều một câu,bất cứ câu gì vụt hiện ra trong trí: -Trời muốn trở rét... Rồi tôi ngồi yên lặng tự bắt buộc phải nhớ lại,gần như sống hẳn lại,cái thời kỳ còn gần gụi hai người,cái thời quá vãng nặng nề mà tôi muốn quên hẳn đi.Gió lọt vào phòng:tôi lật cổ áo cho khỏi lạnh.Nhìn đồng hồ lúc đó kim chỉ đúng ba giờ.Trời đã rét,tôi lại ngồi nhà để đón một cơn gió lạnh ở xa hiu hắt thổi lại,một cơn gió rất nhẹ,như dần dần làm tôi giá buốt cả tâm can... Bao nhiêu nỗi băn khoăn mà anh Dũng đã phải chịu bấy lâu,tât cả những nổi đau khổ của một đời anh như thấm lọt vào hồn tôi. Tôi chán lần tự hỏi: -Nhắc lại như thế làm gì? Nghĩ vậy,nhưng tôi vẫn cố lắng đợi những cơn rung động mà gió lạnh thời gian đem tới và nay tôi vẫn không rời bóng ngòi bút chạy trên tờ giấy trắng... Ở ngoài có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đưòng mau hơn. -Gió lên..gío nữa lên. Tiếng nói của một đứa bé và tiếng cười và tiếng cười giòn tiếp theo luôn làm tôi ngạc nhiên.Tôi viết nốt một đoạn rồi chạy ra cửa sổ nhìn xuống,nhưng không nom rõ,chỉ thấy bóng chấn song và bóng người tôi in trên đường nhựa. Tôi vội tắt đèn trong phòng đi. Trên đường khô ráo tôi ngạc nhiên không thấy một chiếc lá rụng nào.Tôi vẫn biết có những người đi nhặt lá khô đem về bán lấy tiền:họ chờ đợi rồi hôm nào lá đã chín,lại có gió to,họ đem rổ, đem thúng,lũ bảy lũ ba chia nhau các phố tới tấp quét lượm.Ban ngày tôi đã nhiều lần ngắm cảnh tượng đó.Nhưng tôi không ngờ đâu, đêm khuya lạnh,họ ngồi ở ngoài gió để chờ nhặt từng cái lá một.Tôi cũng đứng yên lặng ở cửa sổ đợi cơn gió đến. Lại có tiếng lúc nãy nói: -Ngồi sau gốc cây nầy khuất gió đỡ lạnh. Một tiếng khác trả lời: -Lạnh chả làm gió,làm gì có gió lúc nầy. -Khi nào có gió thì lạnh ghê. -Chuyện!Không có gió thì lá đã không rụng... Yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng tức bực. -Mãi không có gió. Ở phía sau một gốc bàng, một cái bóng chạy.Tôi nhìn kỹ mới biết đó là một đứa bé,vào trạc mười tuổi, đầu nó chích một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má: áo nó rách để hở cả hai vai.Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại.Một con bé, ở sau gốc bàng khác cũng chạy, rồi hai chị em - tôi đoán là hai chị em - chạy lăng quăng đuổi những lá bàng mà gió thổi lăn trên đường. Một cơn gió mạnh nổi lên.Lá rụng ồn ào, một lát đã đầy đường: -Mau lên chị ơi...Nhặt cả hai tay chị ạ. -Tao bảo mầy đem chổi đi, mầy lại bỏ quên,thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Mầy chẳng nghe tao bao giờ, thằng nỡm. Tôi mĩm cười vì sao chị lại không mang chổi đi.Tôi mĩm cười vì thấy con bé mắng một cách thông thạo lắm : lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em,dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến tới chị nó,vừa nhặt vừa reo: -Gió lên...lại Trời gió lên nữa. Chúng vẫn nhặt không ngừng tay,lá vẫn rụng không ngớt;nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường,tôi không nom rõ người,chỉ thấy cái bóng đen lăng quăng.Chúng chạy vụt ra xa rồi,lại quay vòng trở lại,có khi đương chạy về một phía bỗng nhiên đứng dừng:một đám lá rơi lỏa toả trên người chúng,khiến chúng ngập ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào. -Lạnh quá! -Chạy mau lên cho ấm...thằng nỡm. Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm.Tôi mĩm cười đoán có lẽ đứa bé tên là thằng Nỡm chăng. Tôi tự nhiên cũng thấy vui với chúng,mặc dầu trời rét,tôi cũng như chúng mong mỏi gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá,là một lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực. Nhưng chỉ gió được có một lúc rồi lạnh hẳn.Thỉnh thoảng còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết. -Em được tám bó -Tao được năm bó.Tại mầy tranh hết của tao, thằng ranh con. Tôi lại mĩm cười vui vẻ vì thằng nỡm lại đặt ra thằng ranh con. Rồi chúng lại về ngồi chỗ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho “khuất gió”,khuất những cơn gió làm chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên. Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy viết tiếp,trong lòng tự nhiên thấy đỡ chán nản. Ở ngoài, thỉnh thoảng lại có tiếng đứa bé: -Gió lên...lạy Trời gió lên. Trời sáng rõ lúc nào tôi không để ý. Ánh nắng lấp lánh trên những lá bàng bóng như sơn son.Tôi nhìn xuống đường.Hai đứa bé còn đứng đó, đương buộc mấy gánh lá bàng nhặt được đêm qua.Chúng vui vẻ, nhưng tôi không thể dựa theo nét mặt chúng mà đoán được chừng ấy lá là nhiều hay ít. Một người đi qua nhìn gánh lá bàng nói: -Lá bàng nầy sưởi ấm lắm đấy. Tôi quay lại nhìn lên bàn: suốt đêm tôi viết được lèo tèo vài trang giấy,lại dập dập xoá xoá gần nửa.Tôi thất vọng. Đối với tôi ,những cơn gió tôi chờ đón đã có nổi lên, đã khiến tôi đêm qua lạnh cả tâm hồn, nhưng lá bàng nhặt được không là bao.Lại không biết có ấm được lòng ai ở xa không? Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, Nghìn năm chưa dễ đã ai quên...