Thế rồi một buổi chiều
Nhất Linh
I
Dũng bước trên con đường làng. Ban trưa, đường vắng, tiếng gió thổi kẽo kẹt trong những rặng tre già lẫn với một vài tiếng gà gáy xa xa đưa lại và tiếng trong trẻo của mấy đứa trẻ nô đùa dưới ánh nắng ấm áp. Dũng cứ cắm đầu bước, tuy chàng vẫn biết rằng lần này khó lòng thoát được; từ nửa đêm đến giờ, chàng đã chồn chân, đi hết làng này sang làng khác, nhưng không có một nơi nào để chàng tạm ẩn.
Bên đường, cạnh vài gốc thông già, mấy người con gái xúm quanh một cái giếng khơi đương kéo gầu lấy nước. Dũng khát ráo cổ, nhưng vẫn không dám dừng lại xin nước uống, sợ người ta nhận biết mặt mình. Chàng cắm đầu đi, văng vẳng nghe sau lưng tiếng gió reo trong rặng thông, tiếng cười nói của mấy cô con gái và tiếng nước chảy từ gầu xuống giếng sâu.
Đi gần hết làng, Dũng trông xa ra: ở giữa tận chân trời, thấp thoáng có mấy nóc nhà gạch. Chàng biết đó là dãy phố huyện V.D., chàng biết rằng chàng đã cùng đường, tiến không được nữa, lùi tất gặp người đuổi mình. Chàng rẽ liều vào một cái ngõ con, đi hết một quãng, gặp một cái cổng chùa, nửa khép nửa mở. Dũng chép miệng:
- Cứ liều.
Liều, vì chàng biết rằng vào đây chỉ là đợi người ta đến bắt. Dẫu sao, khi đã khép cổng lại rồi, Dũng thở dài, người như nhẹ hẳn. Một dãy hồng nở hoa, thoang thoảng đưa hương thơm. Dũng đi qua một cái vườn rộng, vừa vào đến gần chùa, thì một vị sư bà chạy ra nói:
- ấy chết mời thầy ra ngay cho, chùa này là chùa sư nữ ở.
Dũng ngần ngừ nhìn sư bà, rồi trả lời ngớ ngẩn:
- Nhưng tôi đã trót vào rồi thì để tôi vãn cảnh chùa đã.
Rồi Dũng nhìn ngang ngửa như một nhà khảo cổ, ngắm nghía vẻ đẹp của nếp chùa. Thật ra chàng đương loay hoay tìm cách ẩn thân, ngắm nghía mãi rồi sư bà cũng đến mời ra thôi.
Mười lăm phút sau, khi đã xem khắp các nơi để tìm chỗ trốn, Dũng đứng vờ đọc những chữ mà chàng không hiểu trên một tấm bia cổ. Bỗng có tiếng người đẩy cổng chùa. Chàng giật mình, lắng tai nghe, nhưng lại yên tâm ngay vì thấy có tiếng cài then cửa lại. Chắc là có người nào ở trong chùa vừa đi đâu về. Dũng thấy động sau lưng, quay lại: đôi mắt hoa đương đăm đăm nhìn chàng, đôi mắt ngạc nhiên của một cô sư trẻ tuổi.
Dũng như không để ý đến người sư nữ, lại vờ nhìn bia.
Một lát sau, sư bà lên cùng với sư cô trẻ tuổi, vừa cất tiếng mời Dũng ra, thì ngoài cổng có tiếng đập mạnh. Ba người cùng lặng yên, lắng tai. Dũng tiến đến gần sư bà, van lơn:
- Bạch sư bà, tôi sống chết bây giờ là ở tay sư bà, xin sư bà thương mà cứu tôi. Họ sắp vào bắt tôi, tôi... một người...
Tiếng sau cùng chàng nói thật khẽ, nhưng hai nhà sư cùng nghe rõ, và thấu ngay tình cảnh nguy cấp của người khách lạ thăm chùa.
Sư bà đưa mắt nhìn sư cô, còn sư cô vẫn đăm đăm nhìn Dũng không chớp. Tiếng gõ cổng ngoài một lúc một mạnh.
Dũng nói:
- Sư bà cho phép tôi đi trốn... Nhưng ẩn đâu. ẩn đâu bây giờ?
Trong lúc sư bà còn đương lưỡng lự chưa biết xử trí ra sao, thì sư cô điềm nhiên, nói một cách bình tĩnh như không:
- Được, ông vào buồng tôi mà ẩn.
Rồi cô lấy tay chỉ về phía nhà trái, bảo Dũng:
- Ông xuống ngay đi!
Tuy đương lo sợ, hốt hoảng mà Dũng cũng phải lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ của cô sư. Chàng thoáng thấy một vẻ đẹp oanh liệt, lạ lùng hiện trên nét mặt dịu dàng của người sư nữ đã điềm tĩnh tìm cách cứu chàng, che chở chàng như một người chị.
Trong lúc Dũng ở trong buồng tối, nép mình sau mấy bức hoành phi và câu đối, thì sư cô lên tiếng hỏi người gõ cổng:
Một lát sau, Dũng thấy có tiếng người đàn ông nói:
- Lạ thật! Có người bảo đi vào ngõ này mà tìm đâu cũng không thấy.
Và tiếng người sư nữ đáp lại:
- Chùa này lúc nào cũng đóng cửa, ai vào được đây.
- Họ trèo tường vào.
- Các ông thử đi xem.
Tiếng sư cô trả lời bình tĩnh như không, im một lát, rồi Dũng thấy tiếng chân đi về phía cổng và tiếng cài then. Chàng vững tâm lại gần cửa nhìn qua khe ra ngoài, thấy hai sư đương đứng ở sân bàn chuyện.
Sư bà nói với sư cô:
- A Di Đà Phật! Bây giờ làm thế nào?
- Bạch sư bà con nghĩ nên để cho người ta ẩn đến chiều.
- Thế ngộ làng nước...
- Bạch sư bà... ai biết được.
Thoát nạn, Dũng bước ra, đến gần hai nhà sư ân cần tạ ơn và xin đi ngay để khỏi phiền lòng hai nhà sư.
- Không sao, ông cứ lánh ở nhà chùa, đợi đến xâm xẩm tối hãy đi. Bây giờ ra ngay thế nào được. Họ biết thì lôi thôi đến cả nhà chùa nữa.
Sư bà gật đầu cho là phải và khi thấy Dũng có vẻ mệt, liền ân cần hỏi:
- Thầy chắc đói lắm.
Rồi quay lại bảo sư cô:
- Sư cô lên lấy ít oản chuối xuống đây để thầy ăn cho đỡ đói.
Sư cô lên chùa rồi đem xuống một đĩa đầy oản chuối, đặt trên bàn, mời:
- Có ít lộc Phật, ông vào xơi nước.
Bây giờ Dũng mới để ý đến giọng thanh tao của vị sư nữ, đến đôi bàn tay xinh xắn, trắng trẻo đương nhẹ nhàng xếp lại mấy phẩm oản, và đôi bàn chân nhỏ nhắn trong dép da mộc mạc.
Chàng đói bụng, nên ăn có dáng ngon lành. Rồi trong khi uống nước, chàng nói chuyện với hai nhà sư về cuộc đi trốn của chàng trước khi đến chùa; thấy hai nhà sư ân cần hỏi han, chàng đem đời mình ra kể qua loa bằng một giọng thành thực và tự nhiên. Chàng sẵn có tài nói, nên dễ cảm động người nghe. Sư bà chốc chốc lại điểm hai tiếng: tội nghiệp. Dần dần, Dũng biết rằng ông cụ thân sinh ra sư bà trước kia cũng đã gặp cảnh ngộ giống như cảnh ngộ của chàng. Bấy giờ chàng mới hiểu vì cớ sao sư bà không sợ gì tội lỗi, hiềm nghi, để cho chàng ẩn vào buồng sư cô. Còn sư cô từ nãy đến giờ vẫn ngồi yên, không nói nửa lời, mắt nhìn ra sân vẻ mặt lạnh lùng, bí mật, có dáng nghĩ ngợi.
II
Trời đã xâm xẩm tối. Gió lạnh nổi lên vù vù lọt qua khe dại. Lấm tấm có vài hạt mưa. Dũng biết là đã đến lúc từ biệt hai nhà sư: tuy ra ngoài chưa chắc thoát khỏi những nơi canh phòng, nhưng Dũng biết rằng không thể nào đêm hôm ở lại trong chùa, chỉ có một mình mình với hai sư nữ. Sư bà chắc cũng nghĩ vậy, nên khi Dũng tạ ơn xin đi, không giữ lại, thương hại bảo Dũng:
- Thầy cầm vài phẩm oản để đêm có đói thì ăn.
Sư cô vội can:
- Bạch sư bà,... ông ấy chả dám nhận. Của nhà chùa không nên để ông ấy mang theo mình. Thôi, để con đưa ông ấy ra cổng.
Trời đã tối, lúc ra không dám đem đèn mà Dũng lại không quen đường, nên phải lần từng bước, theo bóng sư cô.
Khi thoang thoảng ngửi có hương hoa hồng, chàng mới biết là đã ra gần đến cổng chùa. Gió lạnh thổi mạnh hơn, mưa đã bắt đầu rơi nặng hạt. Dũng rùng mình: nửa vì lạnh, nửa vì nghĩ đến những sự nguy hiểm đợi chàng trên những con đường làng chàng không thuộc lối, đêm hôm canh phòng nghiêm ngặt. Hai người cùng đứng dừng lại dưới mái cổng. Sư cô hình như trù trừ chưa muốn mở then cửa, quay lại phía Dũng. Trong bóng tối mờ mờ, Dũng đoán thấy hai con mắt nhà sư đương nhìn chàng. Một lát sau, sư cô nói rất khẽ:
- Này ông...
- Sư cô dạy?
- Tôi ngại cho ông lắm. Đêm hôm...
- Sư cô không ngại, tôi đi được, tôi đã quen đi đêm, đã quen lạnh rồi.
- Thưa ông, tôi không ngại gì đêm lạnh nhưng tôi sợ...
Sư cô ngừng một lúc rồi nói tiếp: - Tôi sợ... ông không thoát được.
Dũng chép miệng:
- Đành liều vậy? Thôi, xin chào sư cô ở lại. Thật không biết lấy gì tạ ơn sư cô. Suốt đời tôi, còn sống được ngày nào, tôi không dám quên...
Sư cô chừng như cũng hiểu thấu sự cảm động của Dũng:
- Ông tạ ơn giời, Phật. Còn đi... thì bây giờ ông chưa đi được. Vâng, ông không thể nào đi được. Ông nghe tôi... Tôi chắc thế nào ra, họ cũng bắt được ông...
Dũng cứ yên lặng để sư cô nói, chàng cũng chưa hiểu sư cô định ý ra sao.
- Ông...
- Dạ.
- Ông đi theo tôi.
Ngoan ngoãn như đứa trẻ dễ bảo, Dũng lẳng lặng theo sư cô.
Hai người qua một cái vườn rộng, đi vòng ra sau chùa. Dũng chỉ thấy cái bóng trắng lờ mờ của bức tường và nghe tiếng sột soạt của lá khô dưới gót chân hai người. Sư cô đứng dừng lại sẽ bảo Dũng:
- Ông cẩn thận, có mấy bục gạch.
Rồi hai người trèo lên mười bực thang gạch vào một cái buồng nhỏ: Dũng đoán là một cái gác chuông hay gác khánh bỏ hoang. Sư cô bảo Dũng:
- Ông đứng yên ở đây để tôi về qua chùa, kẻo sư bà thấy tôi đi lâu người quở.
- Thưa cô... thưa sư cô, sư cô cho biết...
- Ông cứ ở đây, ông hãy tạm lánh ở đây một vài hôm. Ông chớ để sư bà tôi biết. Rồi chúng ta sẽ liệu...
Dũng ở lại một mình trong gác tối, còn lấy làm ngạc nhiên về cử chỉ lạ lùng của cô sư. Trên ngọn mấy cây thông gần đấy, gió vẫn thổi rì rào, Dũng giơ tay ra ngoài cửa sổ hoa thì thấy mưa chưa tạnh. Chàng định tâm lại mới biết mình đòi đi ngay đêm nay là dại dột không biết ngần nào.
Đương suy nghĩ bối rối, Dũng thấy có bóng lửa lập loè dưới chân thang. Sư cô bước lên, tay cầm một cây đèn con, đặt ở bực gỗ rồi lại xuống ngay. Một lát sau lại lên, lễ mễ cắp một bó chiếu nặng.
Dũng vội vàng chạy ra đỡ giúp:
- Sư cô tử tế quá.
Sư cô nhìn bó chiếu:
- Đêm nay mưa lạnh lắm. Thế này chưa chắc đã đủ ấm. Nhưng mà ở chùa chỉ có chiếu thôi.
- Thưa sư cô, xin đủ lắm rồi. Cảm ơn sư cô...
Dũng cảm động. Dưới ánh đèn, nét mặt sư cô nhiễm một vẻ đẹp thần tiên: hai con mắt từ bi dịu dàng nhìn Dũng thương hại, như an ủi chàng.
- Ông có khát không?
Sư cô bước xuống thang còn quay lại đưa cho Dũng một bao diêm:
- Thôi, ông đi nghỉ ngay kẻo mệt.
- Ông nên tắt đèn đi, nhỡ có người trông thấy.
Dũng cầm đèn chiếu xuống cầu thang. Sư cô vội can:
- Thôi, ông nên tắt đèn ngay đi thì hơn. Tối tôi đi cũng được.
III
Sáng hôm sau, khi Dũng thức dậy, ánh nắng đã xiên qua cửa sổ, chiếu vào sân, ngoài gác khánh, tiếng chim buổi sáng ca hót hòa với tiếng lá thông rì rào. Dũng ngồi vào chỗ có ánh nắng để sưởi, vì trong người thấy lạnh buốt.
Qua cửa sổ, chàng trông ra một cái vườn rậm rạp trồng toàn ổi và chuối. Dũng toan đứng dậy xuống gác xem xét, bỗng có tiếng chân người bước lên bực thang. Sư cô tay cầm tích nước và cái chén bước lên, thấy Dũng có vẻ mặt sợ hãi thì mỉm cười nói:
- Ông tha lỗi, tôi làm ông sợ. Nhưng ông cứ yên tâm, sư bà tôi không ra vườn sau này bao giờ. Mời ông xơi chén nước chè nóng. Đêm qua ông nghỉ yên?
Dũng thấy sư cô hỏi han ân cần, có vẻ thân mật hơn hôm trước, nên cũng mỉm cười, đáp lại:
- Đa tạ sư cô, tôi vừa mới dậy được một lát thì sư cô lên. Tôi chưa kịp định liệu việc gì.
- Ông chớ vội vàng, ông cứ tĩnh dưỡng cho khỏe, vì rồi ông còn phải đi nhiều. Để tôi ra ngoài xem tình hình thế nào đã.
Khi nhà sư đi rồi, Dũng ngồi yên một chỗ, chờ đợi tin tức. Đợi lâu, chàng đoán lúc đó vào quãng mười giờ cũng chưa thấy sư cô về. Bụng chàng đã thấy đói, mà ở nhà chùa phải đúng giờ ngọ mới được ăn cơm. Chàng cũng không hiểu sư cô dọn cơm cho chàng ăn ra làm sao, bằng cách nào. Rồi chàng mỉm cười một mình, lẩm bẩm:
- Chắc là cơm nắm, muối vừng. Ăn cơm nắm và ngồi bó gối trong cái gác nhỏ hẹp này! Có trốn đi để khỏi ở tù thì mình cũng không khác gì ngồi tù.
Rồi mệt quá, chàng dựa lưng vào tường, ngủ thiếp đi. Có tiếng đập vào vai. Dũng thức giấc lơ mơ tưởng thấy một người tiên nữ đương cúi nhìn mình. Chàng mơ màng giơ hai tay lên mỉm cười... bỗng có tiếng:
- Tôi đây mà, mời ông dậy dùng cơm.
Dũng giật mình tỉnh hẳn, hơi thẹn, nói chữa:
- Tôi ngủ mê quá... xin sư cô tha lỗi cho.
Nhà sư hai má đỏ ửng, không trả lời, đặt xuống sàn một cái khay trong có một liễn cơm, một cái bát và một đĩa vừng rang.
Hai người cùng đứng yên một lúc. Dũng nhìn xuống khay cơm, nói pha trò để che sự ngượng nghịu của hai người:
- Khổ, tôi chẳng khác gì đứa trẻ ốm liệt giường, liệt chiếu.
Rồi chàng nghiêm nét mặt hỏi:
- Thưa sư cô, tin tức ở ngoài ra sao, xin sư cô cho biết.
- Ông chưa thể đi được, mà có lẽ còn lâu ông mới có thể đi được.
Rồi sư cô kể cho Dũng nghe rành mạch vì cớ gì. Dũng lo lắng:
- Làm thế nào bây giờ?
- Làm thế nào? Thì ông hãy cứ lánh thân đã. Ông hay nóng ruột vô ích. Ông có việc gì vội không?
- Tôi thì lúc nào cũng có việc vội. Nhưng bây giờ chỉ có một việc cần nhất: đi trốn.
- ở đây không là trốn sao?
Dũng cũng vẫn đã nghĩ như vậy rồi, nhưng chàng cho là ở đây không phải nơi trốn. Ngập ngừng, chàng trả lời:
- Thưa sư cô... nhưng...
Không thấy Dũng nói hết câu, sư cô hỏi:
- Ông bảo sao?
- Thưa cô... sư cô tha lỗi cho, tôi mang ơn sư cô, nhưng đời tôi, tôi có kể làm gì, tôi rất ngại cho sư cô. Tôi biết rằng tôi ở đây được yên thân không sợ gì, nhưng tôi vẫn ngại. Sư cô là người tu hành, tôi là một người... một người trần tục...
Chàng không dám nói hết câu. Sư cô ôn tồn đáp lại:
- Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó, nhưng đã là kẻ tu hành, thì cốt có lòng thương người, xin ông đừng quan tâm gì cả. Việc này chỉ có trời, Phật và ông với tôi biết mà thôi, can gì ông phải nghĩ ngợi. Vậy xin ông cứ an tâm và xin ông dùng tạm bữa cơm chay.
Hai người nhìn nhau; sư cô vội vàng quay mặt đi, và lật đật bước xuống thang về chùa.
IV
Đã ba hôm ròng rã, Dũng ở luôn trong gác khánh, chưa đi được mà cũng không dám bước xuống vườn. Hết đứng lại ngồi, và mỗi ngày mấy lần sư cô vào thăm chàng đưa cơm nước.
Vẫn biết rằng ngồi một mình buồn bã, ắt là mong có người vào thăm, nhất là khi nào người đến thăm đó lại là một người sư nữ vừa dịu dàng, xinh đẹp, lại vừa lanh lẹ, vui tính. Đó là một sự thường lắm. Nhưng dần dần Dũng thấy sự mong mỏi của mình vượt ra ngoài sự thường đó; chàng tha thiết được gặp mặt sư cô như người khát mong được uống nước suối trong. Mỗi lần sư cô bước lên thang gác, chàng ngồi đếm từng bước chân, và khi trông thấy mặt sư cô, Dũng cảm thấy trong lòng êm ả, quên hẳn cái thân trốn tránh, tưởng tượng như người đương đi nắng thấy thoang thoảng có hương sen theo ngọn gió mát ở đâu đưa lại.
Khi Dũng nhìn sư cô và thấy vẻ mặt sư cô nhìn lại mình, Dũng biết rằng sư cô cũng có một cảm tưởng như chàng. Dần dần hai người trông thấy nhau có vẻ thẹn thùng, ngượng nghịu như kẻ lẩn lút làm một việc gì không chính đáng. Có lần Dũng buột miệng, nói:
- Nhỡ sư bà biết!
Dũng lấy làm lạ sao mình chỉ nghĩ đến việc sợ sư bà biết mà không nghĩ đến việc trốn. Dũng lại lấy làm lạ rằng mỗi lần chàng ngỏ ý với sư cô muốn đi khỏi chùa thì sư cô tìm được những chứng cớ chắc chắn, rõ rệt để khuyên chàng không nên đi vội. Mà lần nào chàng nghe sư cô nói cũng thuận tai, cho là phải. Chàng chép miệng như người thất vọng:
- Biết bao giờ mới được đi!
Nhưng nói xong Dũng lại ngượng với mình, vì chàng thấy sư cô nhìn chàng như đã hiểu rằng chàng vừa nói một câu không đúng với ý nghĩ.
Thế rồi một buổi chiều...
Một buổi chiều yên tĩnh. Sư cô một mình thơ thẩn đợi giờ thỉnh chuông. Gió bắc nhẹ nhàng thổi như đem theo với cái lạnh lẽo của buổi chiều đông những nỗi buồn xa xôi, không duyên cớ. Tiếng rì rào của mấy cây thông già lọt vào chùa nghe phiêu diêu như tiếng than vãn của không trung.
Sư cô thấy tâm hồn mình lạnh lẽo với gió hiu hiu, rung động với lá thông reo rì rào. Hương thơm từ trên Phật tòa theo gió đưa xuống phảng phất, bao bọc lấy người sư cô, chiều hôm ấy, đem lại cho sư cô những cảm giác mới lạ, gợi trí sư cô nghĩ tới những nỗi ái ân, yêu thương của quãng đời mà sư cô tưởng đã xóa mờ trong trí nhớ. Nàng quên cả những nỗi đau đớn về sự thất vọng nó đã bắt nàng, giục nàng lánh đời ba năm nay, mà chỉ nhớ tới những ngày đầm ấm của tuổi xuân như còn để trong tâm hồn, trong da thịt nàng cái dư vị không bao giờ phai của những sự yêu thương cũ.
Sư cô vùng người thở dài một cái như để xua đuổi những ý nghĩ nó đến ám ảnh, rồi vội vàng lên gác thỉnh chuông.
Tuy miệng đọc chú, tay đánh chuông nhưng trí nghĩ của sư cô chập chờn theo tiếng chuông ngân nga, lăn xa ra mãi...
Thỉnh chuông xong, sư cô lặng yên một lát rồi uể oải bước xuống thang gác. Nàng lững thững lần theo dẫy hành lang qua cửa vườn sau, không để ý đến những hạt mưa rơi lấm tấm, rồi như người không ý nghĩ đi lần về phía gác khánh bỏ hoang. Thấy trên gác có ánh sáng, nàng bước lên hỏi:
- Ông còn thức sao?
Dũng vui vẻ hỏi lại:
- Sư cô phải không? Vâng tôi còn thức đây, có việc gì thế, sư cô?
- Không.
Rồi hai người yên lặng. Một lát có tiếng sư cô:
- Người ta mới biếu nhà chùa bao chè ngon, để mời ông xơi nước.
Dũng giơ đèn soi đường cho sư cô:
- Vâng, tôi đương khát, xin mời sư cô lên.
Dưới ánh đèn, Dũng thấy hai con mắt sư cô long lanh sáng như hai ngôi sao. Sư cô mỉm cười, nói một cách thân mật:
- Nhưng ông hãy thong thả, để tôi về đun nước đã.
- Vậy tôi xin đợi. Sư bà bây giờ...
Sư cô vội đáp:
- Sư bà hôm nay mệt, đã đi nghỉ...
Hai người đều có một cảm tưởng như nhau: lẩn lút hẹn hò một cuộc gặp gỡ.
Nửa giờ sau, sư cô đem khay chè và siêu nước lên.
Trong căn gác nhỏ ấm áp, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn con, hai người ngồi đối diện bên mấy chén trà nóng, hơi lên nghi ngút. Bên ngoài bắt đầu mưa to. Dũng cất tiếng nói trước:
- Đã mười hôm nay mới được uống chén nước ngon! Lúc này thật quên những nỗi khó nhọc, vất vả vừa qua.
Chàng khoan khoái không muốn nghĩ đến những sự nguy hiểm đương đợi chàng ngoài kia, giam mình chốc lát trong một cảnh đời như thực như hư.
Dũng thấy sư cô ngồi yên lặng, nhìn chàng đăm đăm như nghĩ ngợi điều gì, chàng hơi ngượng phải cúi mặt xuống. Một lát Dũng thờ thẫn hỏi:
- Sư cô vì sao lại đi tu?
Câu hỏi tình cờ, đột ngột, thốt nhiên nói ra làm cho sư cô luống cuống, ngửng nhìn Dũng:
- Tôi cũng không biết.
- Sư cô không biết... nhưng tôi, tôi trông người sư cô tôi biết không phải vô cớ, không phải tự nhiên mà sư cô đi tu.
Dũng thấy đôi mắt sư cô luôn luôn chớp như cảm động, chàng nói tiếp:
- Chắc là sư cô có một nỗi khổ ngấm ngầm, một điều gì thất vọng.
Câu nói của Dũng nhắc sư cô nhớ lại những ngày đau đớn của quãng đời tục lụy ba năm về trước đây, hồi còn là một thiếu nữ mười chín, hai mươi tuổi. Một sự thất vọng về tình ái đã làm cho sư cô chán nản đến tuyệt vọng, đành đem thân nương cửa Phật để quên... Nhưng nào có quên được. Ba năm ròng rã, tiếng chuông chiều với mùi nhang thơm chỉ như gợi cho nàng nghĩ đến sự lạnh lẽo của một đời cô độc, khô khan, gợi cho nàng mơ ước những sự yêu thương vơ vẩn, những tình ái bâng khuâng.
Quên đời, nàng vẫn biết là không sao quên được, nàng càng muốn lánh xa sự đau khổ thì sự đau khổ lại càng như ác nghiệt đuổi theo. Trong lúc tâm hồn như vậy, thì sự tình cờ đã run rủi cho nàng gặp Dũng, một thiếu niên có chí khí mà ngay lúc buổi đầu khi tìm cách che chở, nàng đã đem lòng ái mộ. Xúi giục Dũng ở lại chùa, tìm cách giúp đỡ cho Dũng trốn tránh, đó không phải là lòng thương mà chính vì lòng yêu, yêu người mình đã cứu giúp. Nàng lấy làm sung sướng đã mười hôm nay, lần này là lần đầu, Dũng hỏi đến chuyện đời riêng của nàng. Nàng cảm động, thở dài sẽ nói:
- Đó là chuyện cũ, chuyện ngày xưa. Tôi không muốn nhớ tới nữa, không muốn nhắc đến nữa, tôi ao ước được quên hẳn...
- Thế nghĩa là bây giờ sư cô chưa quên...
Tiếng rì rào trong rặng cây thông như âm thầm hòa nhịp với tiếng thở dài của hai người. Dũng nói tiếp:
- Tôi thì tôi cho là khó lòng quên được, đi tu không phải là để quên, nhất là để quên những thất vọng về đường tình ái. Tôi nghiệm như tôi, bận bịu nhiều việc, lòng tôi như đã khô héo, không bao giờ nghĩ đến những sự yêu , sự thương, thế mà mới đến chùa này ít lâu, những khi ngồi một mình, nghe tiếng chuông, tiếng mõ... tôi thấy...
Nói đến đây, chàng đưa mắt nhìn sư cô:
- Xin sư cô tha lỗi cho.. tôi thấy... tôi thành ra khát khao yêu đương, tôi thấy tôi dễ yêu vơ vẩn. Nếu sư cô muốn lánh xa tình ái mà vào đây thì thực là nhầm. Sư cô tưởng tìm được con đường đi tới sự quên, con đường ấy chỉ đưa người ta đến sự nhớ mà thôi.
Dũng bỗng ngừng bặt, chàng nghiệm ra rằng chàng vừa nói nhiều quá, nói những câu mà có lẽ sư cô không sao hiểu được. Chàng có biết đâu sư cô đang đăm đăm ngồi nghe như người khát được uống nước. Những câu của Dũng nói ra, sư cô cho là rất phải, rất hợp với tâm hồn sư cô. Nàng thật đã cảm thấy như vậy, nhưng cảm thấy một cách lờ mờ, nay lấy làm lạ rằng Dũng đã tìm được lời để diễn những ý nghĩ ngấm ngầm của mình đúng được đến thế. Nàng nói:
- Ông nói rất phải. Trước, tôi cũng tưởng rằng tôi sẽ quên đi.
Nàng chép miệng:
- Tuy vậy cũng còn hay, vì khi người ta gặp sự đau khổ quá thì chỉ có hai cách: một là quyên sinh, hai là nương thân cửa Phật, hai cách khác nhau nhưng chỉ là một. Cửa Phật tuy không an ủi hẳn được tôi, nhưng đã giúp tôi không đến nỗi quá liều mà đến hủy thân mình đi. Tôi nghĩ không còn cách nào nữa.
Dũng đáp:
- Sư cô tưởng vậy... nhưng hình như cũng còn nhiều cách khác để mình quên được. Tôi thiết nghĩ không những chỉ có hai cách như sư cô tưởng, sư cô nghĩ xem.
Dũng biết chàng định nói gì rồi, nhưng chưa vội nói ra. Sư cô thì trong lòng sung sướng, không muốn nghĩ ngợi gì, ngồi lặng yên chờ đợi. Nàng tưởng rằng lời Dũng nói ra sẽ là lời mà nàng khao khát muốn nghe. Nàng gợi trước:
- Người ta ở đời không gì khổ bằng muốn quên mà không sao quên được, không có gì có thể giúp cho mình quên...
Dũng đáp lại:
- Thưa sư cô, sư cô muốn quên... như ý tôi nghĩ...
Lúc đó, Dũng thấy sư cô nhìn mình một cách nồng nàn, chàng ngập ngừng nói tiếp:
- Sư cô là người tu hành. Tôi nói ra sợ làm ngăn trở sự tu hành của sư cô. Nhưng tôi cần nói rõ để tùy ý sư cô suy nghĩ. Theo ý tôi tưởng, người ta muốn quên.. không gì hơn là quên mình trong sự hành động. Vâng, chỉ có sự hành động làm cho người ta quên hẳn những nỗi khổ riêng. Cái đời yên tĩnh ở chùa không sao giúp mình quên được, muốn quên phải dấn thân vào một cuộc đời náo động...
Rồi Dũng đem đời riêng của mình kể cho sư cô nghe, chàng kể lại những sự đau khổ của đời chàng. Trước kia, chàng cũng tưởng những vết thương đó không bao giờ mất được, nhưng từ ngày chàng dấn thân vào một cuộc đời hoạt động, một cuộc đời sống vì người khác, chàng đã quên hẳn được những vết thương cũ, đời chàng tuy vất vả nhưng tâm hồn chàng lúc nào cũng thư thái.
- Thưa sư cô, tôi vì chán đời mà hành động, ngờ đâu chính sự hành động đó đã đem lại cho tôi cái vui vẻ, cái hăng hái sống ở đời... cho đến bây giờ... cũng vì thế mới được cái vui mừng gặp sư cô ở đây...
Trời đã bắt đầu đổ mưa to, gió nổi lên thổi mạnh ào ào, ngọn đèn lập loè muốn tắt. Sư cô không để ý đến ngoại vật, lẳng lặng ngồi nghe; lời Dũng nói như đưa tâm hồn nàng đến một mảnh đời khác hẳn cảnh đời lạnh lẽo ở nơi am vắng này, một cảnh đời tươi tốt mà tiếng đàn, tiếng sáo thay vào tiếng chuông tiếng mõ mà hương thơm nồng nàn của trăm thức hoa thay vào hương trầm, hương nhang thanh đạm. Ngoài tiếng nói du dương của Dũng, tiếng gió rì rào trong vườn rậm, nàng mơ màng nghe thấy một tiếng khác thiết tha hơn: đó là tiếng gọi của tình thương yêu không thể dập tắt trong lòng, tiếng gọi của đời tục lụy, đời ái ân mà trước kia nàng muốn lánh xa.
Nhớ tới mối tình thất vọng thuở trước, nhớ tới những ngày buồn nản, quạnh hiu, liên tiếp nhau đã ba năm nay, lại nghĩ đến cuộc đời mới sắp đem lại cho nàng biết bao hy vọng, nàng thấy trong người êm ái, bâng khuâng, nàng cảm động quá; hai giọt nước mắt long lanh từ từ rơi trên má, hai giọt nước mắt sung sướng của một người đã trở lại với đời, đã trở lại với tình yêu.
Dũng vội nói:
- Tôi làm phiền lòng sư cô...
Nhưng chàng ngừng bặt ngay vì chàng vừa nhận thấy một cách rõ ràng rằng người ngồi trước mặt chàng lúc đó không phải là một người tu hành nữa, mà chỉ là một cô thiếu nữ nồng nàn tình yêu. Chàng vừa sung sướng vừa lo sợ.
Một cơn gió mạnh thổi tạt vào gác khánh làm ngọn đèn suýt tắt; sau một tiếng chớp lóe, một tiếng sét dữ dội làm vang trời đất. Mưa đổ như trút, qua cửa sổ nước mưa hắt cả vào hai người. Sư cô đứng dậy toan bước xuống gác, Dũng can:
- Sư cô...
Nhưng sư cô không quay lại, vội vã bước xuống bực thang.
Dũng cầm đèn bước theo xuống:
- Mưa ướt hết.. sư cô nghe tôi ... sư cô điên hay sao...?
Sư cô luống cuống chưa biết mình lùi hay tiến; nàng thấy Dũng xuống theo mình, vội đứng né ra một bên, ép lưng vào tường và hai bàn tay bám chặt lấy tường. Dũng vừa xuống tới nơi.
Nàng ngửng mặt lên nhìn Dũng: hai con mắt sáng quắc, đôi má đỏ bừng và cặp môi hé mở. Se sẽ nàng nói như van lơn:
- Ông để mặc tôi... về chùa... Tôi van ông...
Thốt nhiên Dũng hiểu, Dũng biết rằng người con gái đắm đuối đứng trước mặt chàng lúc đó chỉ còn đợi chàng tiến lên một bước, nói lên một câu... Nhưng câu ấy chàng không dám nói.
Trong khi chàng lùi lại sau thì sư cô đâm đầu bước vội xuống như người đi trốn, rồi vụt biến vào trong bóng tối đen.
Dũng tay còn cầm cái đèn đứng yên như bức tượng... ngoài vườn tối, tiếng chân dẵm trên lá khô mỗi lúc một xa.
V
Dũng đi đi lại lại trên gác khánh không biết bao nhiêu lần. Lúc ấy vào quãng bốn giờ chiều; Dũng chỉ định xâm xẩm tối là đi khỏi chùa, từ biệt nơi yên tĩnh, nơi mà chàng tạm dừng bước nghỉ đã hơn mười hôm nay, để lại dấn thân vào cuộc đời hoạt động, cuộc đời mà chàng đã chịu nhận sống cho đến hai tay buông xuôi. Bỗng chàng chép miệng thở dài... chàng chợt nghĩ đến sư cô, đến cái đêm mưa gió mấy hôm trước. Chàng lẩm bẩm:
- Làm thế nào bây giờ?
Chàng chưa biết xử trí ra sao. Đã lâu lắm, chàng luyện cho lòng chàng khô khan và tránh xa những sự tình ái, yêu thương, những sự mà giữa lúc non sông mờ cát bụi, chàng đâu dám nghĩ đến. Nhưng lần này... chàng thấy tâm tính chàng đối với sư nữ không phải chỉ là một thứ tình có thể theo thời gian mà phai lạt được.
Chàng chép miệng nhắc lại:
- Làm thế nào bây giờ?
Không tìm được câu trả lời, chàng lại tự nhủ chàng rằng dầu sao cũng đã cứu được một tâm hồn chán nản mà đạo Phật không thể yên uỷ được. Rồi sau này, câu chuyện xoay ra làm sao, chàng không nghĩ tới, mà cũng không muốn nghĩ tới. Chàng cho rằng sư cô vì chán sự sống mà đi tu nghĩa là đã muốn đi tìm cái chết trong đạo Phật thì còn sợ gì những sự xẩy ra sau này.
Chàng có cảm tưởng rằng chốc nữa không phải chỉ là một mình trốn khỏi chùa, vì sau đêm ấy, chàng thấy sư cô không những không tìm cách giữ chàng ở lại mà còn xúi giục chàng trốn đi như ngầm bảo: "Hai ta cùng trốn".
Cùng trốn! Hai tiếng đó đối với chàng có một âm hưởng réo rắt lạ lùng. Chàng không nghĩ ngợi gì nữa. Chàng mê man như người liều. Chàng thoáng thấy hiện ra trước mắt chàng một con đường đầy gió bụi, xa lắc xa lơ, mà trên con đường đó có hai bóng người ra bước cùng đi, hai người mà trước kia sự chán nản ở đời đã làm cho tâm hồn khô héo, rỗng không, nhưng nay lại trở về với cái đời đầy đủ, cùng đem theo hai tấm tình yêu và hai tấm lòng hăng hái ham sống và ưa hành động.
+
+ +
Chiều hôm ấy, sư bà không thấy sư cô đâu, cặm cụi lên gác thỉnh chuông. Mỗi tiếng chuông nổi lên rung động văng vẳng như ở cõi hư vô đưa lại, rền rĩ, tha thiết như tiếng gọi...
Nhưng ngoài cánh đồng làng, trên con đường lờ mờ trắng, hai bóng người ra bước cùng đi như không nghe thấy tiếng chuông gọi. Họ đi... đi xa chốn hư không tịch mịch, không đoái nhìn lại, đăm đăm như theo một tiếng gọi khác réo rắt hơn ở tận phía trước xa xa đưa đến: tiếng gọi của đời tục lụy, đời ân ái.
Sau lưng hai người, tiếng chuông chùa liên tiếp nhau mỗi lúc một nhỏ, rồi như đua nhau, theo nhau dần dần tan vào quãng hư vô...
Rút từ tập truyện ngắn Tối tăm,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1936