Từ khi lên ngôi báu rồi trở thành vị hoàng hậu đầu tiên của Trần triều, Chiêu Thánh đã phải liên tiếp hứng chịu nhiều nỗi bất hạnh thật lớn lao phủ xuống đời nàng. Đầu tiên là vụ cha nàng - tức Lý Huệ Tôn - phải thắt cổ mà chết tại chùa Chân Giáo. Tiếp đến là vụ hoàng tử Trịnh, đứa con duy nhất của nàng với vua Trần Thái Tôn chết yểu đột ngột khi mới hơn một tháng tuổi. Kế nữa là vụ hàng trăm thân tộc then chốt của họ Lý bị Thái sư Trần Thủ Độ lập mưu chôn sống ở thôn Thái Đường (Bắc Ninh). Nỗi bất hạnh nào cũng để lại trong đầu óc nàng những ấn tượng ghê rợn, hãi hùng. Những ấn tượng đó đã không ngớt quấy động tâm tư nàng với biết bao nhiêu cơn ác mộng về sau... Qua mỗi lần biến động, Chiêu Thánh lại ngỡ như mình sẽ không cách nào chịu đựng nổi nữa. Nặng nhất là vụ Trần Thái sư chôn sống các tôn thất nhà Lý - một hành động diệt chủng mà nạn nhân chính là giòng họ nàng. Sau khi xảy ra việc này, nàng đã chuẩn bị một chén thuốc độc định kết thúc một kiếp phù sinh đầy bất hạnh. Nhưng có người biết được báo với vua Thái Tôn nên ngài đã ngăn cản kịp. Nàng từng khóc đến nỗi có lúc muốn hư mắt, tưởng phải mang bệnh mù. Nếu không gặp được vua Thái Tôn, một người chồng rất tốt, lúc nào cũng tận tình chăm sóc, bảo vệ, khuyên giải an ủi nàng, Chiêu Thánh thật khó mà vượt qua được những đau khổ lớn lao ấy. Tuy đã vượt được nhiều trở lực, Chiêu Thánh vẫn chưa cảm thấy đời mình sáng sủa hơn chút nào. Từ khi hoàng tử Trịnh mất, nàng đâm ra nghi ngờ, mất tin tưởng ngay cả ở chính mình. Những tai họa tày trời cứ liên tiếp giáng xuống giòng họ Lý khiến nàng nghĩ chính trời cao cũng muốn hại nàng. Nàng thừa biết nếu mình không có con, nàng khó mà giữ được những gì còn lại của mình. Nỗi lo ấy luôn canh cánh bên lòng. Nhưng nàng chẳng biết làm gì khác hơn ngoài việc luôn lo cầu nguyện ngay trong cung hoặc ở các chùa chiền. Nơi nàng hay đến lễ bái cầu nguyện nhất chính là chùa Chân Giáo - dù nơi này dễ gợi lại nỗi đau cũ trong lòng nàng. Đến chùa Chân Giáo, nàng thường được hòa thượng Pháp Chân an ủi và giải thích một cách sâu rộng về lẽ vô thường của cuộc đời. Ở bên cạnh vị hòa thượng này, tự nhiên Chiêu Thánh cảm thấy an tâm lạ lùng. Nàng tưởng chừng như được ngài che chở tựa hồi còn nhỏ khi nàng ở bên cạnh phụ vương. Có lúc Chiêu Thánh có cảm tưởng như chính hòa thượng là hiện thân của cha nàng. Nàng nghĩ vua Huệ Tôn dù ở bên kia thế giới, vẫn còn quanh quẩn tu học ở đâu đấy. Người sẽ sẵn sàng che chở, cứu vớt nàng thoát khỏi những hoạn nạn bằng một hình thức nào đó. Nhưng việc Chiêu Thánh hoàng hậu siêng năng đến chùa Chân Giáo nghe thuyết pháp đã làm Trần Thái sư bực mình. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Trần Thái sư quyết tâm loại trừ nàng. * Một hôm, trong lúc Chiêu Thánh hoàng hậu đang ngồi cầu nguyện trong cung thì một viên nội thị vào trình có quan khâm sai Trần Dục đến truyền thánh chỉ. Nghe đến tên viên khâm sai Trần Dục, Chiêu Thánh cảm thấy có một điều gì không ổn. Viên quan này là tay chân thân tín của Trần Thái sư, hắn đã đến hẳn phải có chuyện. Chiêu Thánh càng ngạc nhiên vì xưa nay vua Trần Thái Tôn chưa có truyền thánh chỉ đối với nàng như thế bao giờ. Nàng vội gấp quyển kinh lại để lo nghênh tiếp thánh lệnh. Chiêu Thánh thấy ngoài viên khâm sai Trần Dục còn có viên võ quan Hoàng Phụ chỉ huy một đội thừa sai đi theo nữa. Chuyện gì mà đem lính tráng theo nhiều vậy? Chiêu Thánh đang thắc mắc thì bọn nội thị quen việc đã khiêng một chiếc bàn đặt ngay trước thềm cung, thiết trí lư hương, thắp đèn và đốt trầm hương lên. Chiêu Thánh hoàng hậu bèn quì xuống để nghe thánh chỉ. Viên khâm sai Trần Dục mở tờ chiếu chỉ ra: "... Xét rằng, Lý Thị, tức Chiêu Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu đã mười hai năm. Thế nhưng Lý Thị không đủ sức cho trẫm một hài nhi để chuẩn bị kế tục gánh vác trọng trách trời giao phó cho trẫm. Như vậy tức Lý Thị đã không được trời thương và lại phụ lòng trông cậy của trẫm. Xét rằng, căn cứ vào phong tục nước Đại Việt ta, người đàn bà không thể sinh con để nối nghiệp cho gia đình chồng là phạm vào tội thứ nhất trong bảy tội gọi là "Thất Xuất"mà gia đình chồng có quyền trả lại cho cha mẹ người đàn bà ấy..." Trần Dục đọc tới đây thì Chiêu Thánh hoàng hậu ngất xỉu gục người xuống tại chỗ. Bọn thị nữ hoảng hốt định chạy lại đỡ nàng lên đưa vào cung để săn sóc thuốc men nhưng viên khâm sai cản lại: - Bây giờ bà ấy không còn là hoàng hậu nữa mà đã trở thành Chiêu Thánh công chúa, các người không được phép đưa công chúa trở về cung hoàng hậu nữa! Các người hãy giữ nguyên vị trí chờ nghe xong chiếu chỉ, không ai được vi lệnh! Các thị nữ không ai dám nhúc nhích. Trần Dục lại tiếp tục dõng dạc đọc thánh chỉ mặc cho Chiêu Thánh nằm sóng soãi trước thềm cung. Nghe xong thánh chỉ mọi người đều bàng hoàng thất sắc. Viên khâm sai ra lệnh: - Hãy đặt tạm công chúa vào chỗ kia để săn sóc! Viên khâm sai chỉ tay về phía cái sập đá đặt trước hiên cung thất, nơi hoàng hậu vẫn thường ngồi chơi ngắm cảnh vào buổi chiều. Bọn thị nữ có vẻ lấn cấn giây lát nhưng rồi họ cũng ý thức được đây chính là lệnh của Trần Thái sư nên răm rắp làm theo. Một lát sau thì Chiêu Thánh tỉnh lại, nàng rên rỉ: - Không ngờ chồng ta, người ta yêu thương, tin tưởng nhất đời - cái phao cuối cùng mà ta cố bám víu để sống - lại chính là người ra cái chiếu chỉ truất phế và đuổi ta khỏi hoàng cung! Cuộc đời bạc ác đến thế sao? Ta còn thiết sống làm gì nữa? Phụ vương ơi, sao không đem con đi theo để con ở lại chịu bao nỗi đắng cay như thế này? Rồi Chiêu Thánh vật mình khóc nức nở. Viên khâm sai thản nhiên truyền lệnh: - Bản chức thi hành mệnh lệnh của triều đình, xin công chúa tôn trọng phép nước! Triều đình cho phép công chúa lựa lấy năm tên thị nữ tiếp tục theo hầu hạ như cũ! Chiêu Thánh vẫn khóc nức nở - không trả lời. Viên khâm sai nói tiếp: - Nếu công chúa không tự lựa lấy, bản chức xin năm thị nữ tình nguyện đi theo công chúa. Ai tình nguyện đây? Bọn thị nữ quá xúc động khóc lóc bàn tán xôn xao một hồi rồi cũng có đủ năm người tình nguyện theo hầu công chúa. - Đem võng lại ngay! Viên khâm sai lớn tiếng ra lệnh. Hai viên nội thị lật đật khiêng cây đòn tre sơn đỏ có mắc sẵn một chiếc võng có căng màn buông phủ đến. Trần Dục tiếp: - Các thị nữ mau đỡ công chúa lên võng để đưa công chúa đến nơi cư ngụ mới! Những đồ đạc của công chúa chúng ta sẽ cho mang đến sau. Chiêu Thánh di chuyển khỏi cung hoàng hậu trông chẳng khác gì một cuộc áp giải tù nhân. Tiếng bọn thị nữ kêu khóc át hẳn tiếng của Chiêu Thánh, họ xúm nhau đỡ Chiêu Thánh lên võng. Bọn nội thị và đội thừa sai cũng nhiều người phải ngó lơ đi trước cảnh tượng đó. Chiêu Thánh thân xác rũ rượi để mặc bọn thị nữ làm sao thì làm. Hình như lúc ấy nàng chẳng còn khóc nổi nữa... * Công chúa Chiêu Thánh được đưa đến ở tại một ngôi biệt thự nằm trong một khu vườn rộng bao bọc bởi một hàng rào khá vững chắc. Nàng chỉ được cấp năm nữ tì để sai khiến tất cả mọi việc. Ngay trước cổng ra vào biệt thự có một ngôi nhà dành cho một toán quân sĩ có nhiệm vụ canh gác bảo vệ ngôi biệt thự ở. Toán quân sĩ này do một võ tướng thân tín của Trần Thái sư chỉ huy. Không muốn vua Trần Thái Tôn và Chiêu Thánh công chúa còn cơ hội liên lạc với nhau, Trần Thái sư ra lệnh Chiêu Thánh công chúa không được ra khỏi biệt thự. Đồng thời, ông cũng cấm các viên chức triều đình hoặc thân nhân của công chúa vào biệt thự để thăm viếng nàng. Ngay cả Linh Từ quốc mẫu là mẹ của công chúa cũng không nằm ngoài lệnh ấy. Lương thực, quần áo và mọi nhu yếu cần thiết cho công chúa và toán người hầu đều do triều đình cung cấp theo định kỳ. Trước kia, mỗi lần có chuyện bất hạnh xảy ra, dù chuyện bất hạnh lớn lao đến mức nào, bên cạnh nàng ít ra vẫn còn có người chồng thân yêu tận tình chia sẻ. Ngoài ra, lại còn có Linh Từ quốc mẫu cũng thường an ủi nàng... Nhưng giờ đây thì nàng lâm vào cái thế hoàn toàn chơ vơ, trơ trọi... Đau đớn nhất là khi Chiêu Thánh nghĩ rằng nỗi bất hạnh lớn lao này lại do chính người bạn đời của nàng tạo ra. Trong cơn tuyệt vọng, một hôm nhân lúc bọn người hầu bận lo công việc, Chiêu Thánh lấy một dải thắt lưng định tìm cách tự tử. Nhưng nàng đang loay hoay thì thị nữ Tuyết Hoa thấy được hô hoán lên. Bọn thị nữ bèn xúm lại khuyên giải. Chiêu Thánh than: - Trời ơi, lâu nay ta cứ tưởng Trần Cảnh thương yêu ta thật tình, nào ngờ chàng cũng chỉ vì cái ngai vàng mà đánh lừa ta! Cả mẹ ta nữa, bà cũng chỉ biết lo cho họ Trần chứ có hề yêu thương gì ta đâu? Như vậy ta biết sống với ai, sống làm gì nữa? Thế rồi Chiêu Thánh lại khóc nức nở. Thị nữ Tuyết Hoa nói với các bạn: - Thôi, các chị hãy đi lo công việc để công chúa được yên tĩnh một lát. Một mình tôi ở lại chăm sóc công chúa được rồi! Sau khi các thị nữ đi lo công việc, Tuyết Hoa nói nhỏ với công chúa: - Xin công chúa đừng bi lụy nữa. Trời có lúc nắng lúc mưa, đời người hết bỉ lại thái. Con nghĩ thánh thượng không phụ lòng công chúa đâu, quốc mẫu cũng chẳng ghét bỏ công chúa đâu! Chắc mọi chuyện là do ý Thái sư cả thôi! Thái sư nay đã già, ông ấy cũng chẳng còn sống bao lâu nữa. Con nghĩ sẽ có ngày thánh thượng sẽ cho rước công chúa hồi cung. Công chúa phải giữ gìn sức khỏe, giữ gìn nhan sắc chứ nếu việc ấy xảy ra lại đâm hối hận không kịp! Chiêu Thánh ngẫm nghĩ giây lát rồi nói: - Em nói cũng có lý, chẳng lẽ cả mẹ ta lẫn chồng ta đều quay lưng với ta! Nhưng biết khi nào Trần Thái sư qua đời? Ta thật chẳng còn mong muốn gì nữa. Ta chỉ muốn vào chùa xuống tóc cho xong nhưng nghĩ tới cái gương của Phụ hoàng dẫu có vào chùa cũng vô ích thôi! Tuyết Hoa lại thưa: - Công chúa cứ tin con đi! Ông ấy gây tội ác quá nhiều trời không cho thọ đâu! Con nghĩ chẳng bao lâu nữa ông ấy cũng phải đi thôi! Công chúa còn quá trẻ, phải dằn lòng gắng giữ gìn sức khỏe để chờ ngày hồi cung! Chiêu Thánh thở dài: - Em thương ta mà nói vậy chứ ta nghĩ đời ta như thế này cũng như chết rồi! Ta có mong thì cũng chỉ mong chàng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của lão ấy thôi. Nỗi đau khổ dâng lên tột cùng khiến những cảm tính trong nàng như bị chai sượng mất. Nàng trở nên như người mất trí, không còn chủ động được bản thân, cũng không còn thiết tha đến bất cứ một điều gì nữa... Nhưng Chiêu Thánh vẫn còn được một điều may: nàng có mấy nữ tì hết sức trung thành lúc nào cũng tận tình săn sóc, an ủi nàng. Sau khi bị truất ngôi hoàng hậu, cuộc sống của công chúa Chiêu Thánh như bị thu gọn trong một cái vỏ ốc. Nàng không được đi đâu cả. Cũng không ai được đến với nàng. Hằng ngày, nàng chỉ biết dùng thời gian để đọc kinh cầu nguyện. Lâu lâu, nàng lại thẫn thờ đi dạo trong khu vườn của biệt thự. Dạo thì cứ dạo nhưng gần như công chúa cũng chẳng để ý đến một thứ gì, nàng cũng chẳng bao giờ thốt ra một lời khen hay một lời chê. Cứ dạo mỏi chân thì tìm chỗ ngồi nghỉ, nhiều lúc nàng ngồi gục đầu một chỗ thật lâu. Từ ngày đến biệt thự này, chưa ai thấy một nụ cười trên môi công chúa. Về đêm, nhiều lần đang ngủ, thình lình công chúa lại kêu thét hoặc khóc lóc, hoặc rên rỉ thảm thiết. Lúc các thị nữ kêu dậy, công chúa mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, có khi vẫn còn run lẩy bẩy. Những cơn ác mộng cứ thay nhau hành hạ nàng như thế. Có khi sau cơn ác mộng, công chúa lại sinh ốm đau vài ba ngày. Các thị nữ cố trấn an, cố tìm mọi cách để nàng vui mà quên bớt dĩ vãng đau buồn nhưng gần như chẳng hiệu nghiệm lắm. Tình trạng như thế kéo dài một thời gian khá lâu...