Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Lý Trần Tình Hận

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 19854 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lý Trần Tình Hận
Ngô Viết Trọng

Chương 8

 
     Vua Thái Tôn khi lên ngôi tuy còn quá trẻ nhưng có nhiều triển vọng trở thành một đấng anh quân. Ngài tỏ ra có đầy đủ đức độ nhân ái, thông minh, lại rất chịu khó học hỏi. Tuy thế, quyền lớn lại nằm trong tay Thái sư Thủ Độ nên Thái Tôn chưa thi thố được gì.
 Càng trưởng thành ngài càng cảm thấy áy náy về những điều quá đáng mà người chú mình đã làm đối với họ Lý. Do đó, ngài càng thương cảm hoàng hậu thêm. Mặc dầu có sự thúc giục của vợ chồng Thái sư và triều đình nhưng ngài không chịu tuyển thứ phi. Tình nghĩa vợ chồng giữa Thái Tôn và Chiêu Thánh vô cùng đậm đà thắm thiết. Đến năm Quý Tị* thì hoàng hậu chính thức báo tin mừng cho vua Thái Tôn. Vua và hoàng hậu đã sống những ngày hi vọng, đợi chờ tràn ngập hạnh phúc.
 Thế rồi hoàng tử  Trịnh ra đời. Một nguồn vui tột đỉnh lan toả khắp hoàng cung rồi khắp cả nước. Triều đình đã ban lệnh cho khắp dân gian, ai có con sinh cùng ngày với hoàng tử được thưởng một lượng bạc. Ai có con sinh cùng năm với hoàng tử được thưởng một tiền gọi là lộc vua. Người ta còn xôn xao bàn tán vua sẽ xuống chiếu tha thuế một năm nữa.
 Nhưng không ngờ niềm vui đó quá chóng tàn. Hoàng tử Trịnh mới sống hơn một tháng thì lìa trần kéo theo sự tan nát của cuộc đời Chiêu Thánh hoàng hậu. Năm năm liền tiếp theo nhà vua cũng như hoàng hậu lại khắc khoải an ủi nhau mà chờ đợi...
 Sau ngày Thái sư Trần Thủ Độ lên tiếng cảnh báo về Chiêu Thánh hoàng hậu, vua Thái Tôn luôn cảm thấy lo ngại trong lòng. Ngài biết trước sau thế nào Thái sư cũng có một hành động gây bất lợi cho hoàng hậu. Thế nhưng ngài không dám báo động cho hoàng hậu biết. Ngài thừa hiểu hoàng hậu dù có biết, nàng cũng không không cách nào cưỡng lại được số mệnh mà chỉ rước thêm nỗi lo sợ, đau khổ mà thôi.
 Vào năm Đinh Dậu*, một hôm Thái sư Trần Thủ Độ cho mời hai người em họ thân tín là Hải Dương hầu Trần Phong, Sơn Nam hầu Trần Tú đến nhà riêng bàn chuyện với sự có mặt của Linh Từ quốc mẫu. Trần Thủ Độ trình bày:
 - Hôm nay ta mời quí hầu đến đây cũng chỉ vì mục đích bảo vệ cơ nghiệp nhà Trần của chúng ta. Hoàng thượng lập hoàng hậu đã hơn mười hai năm mà vẫn không con nối dõi, như thế hoàng hậu đã phạm vào tội "thất xuất". Không con là tội đầu trong bảy tội: thứ nhất không con, thứ hai dâm dật, thứ ba không thờ cha mẹ chồng, thứ tư lắm điều, thứ năm trộm cắp, thứ sáu ghen tuông, cuối cùng là có ác tật. Người vợ phạm một trong bảy điều ấy thì gia đình người chồng có quyền đuổi trả về với gia đình cũ. Đó là luật lệ đã định sẵn xưa nay. Ta muốn quí hầu cùng ta thỉnh cầu Hoàng thượng phải truất ngôi Chiêu Thánh để lập một vị hoàng hậu mới. Quí hầu nghĩ sao?
 Linh Từ quốc mẫu, mẹ của Chiêu Thánh, nghe chồng nói như thế thì chân tay rụng rời. Bà giận lắm, bao lâu nay tuy là vợ chồng, Thái sư chẳng hề hé môi với bà một tiếng về chuyện đó. Tức giận nhưng bà vẫn cố dằn vì biết nếu phản ứng chỉ gây thêm sự bất lợi cho Chiêu Thánh. Số phận đứa con gái của bà hẩm hiu đến thế sao? Đang ở ngôi vị thiên tử bỗng xuống làm hoàng hậu. Bây giờ lại rớt xuống tới đâu nữa đây? Bà hết sức sợ hãi cho nàng. Đã một thời ở ngôi nguyên phi, hoàng hậu rồi Thái hậu, bà có phương tiện để đọc sách vở nói về các triều trước. Một ông vua bị hạ bệ thường không bị chết vì cách này cũng chết vì cách khác. Một hoàng hậu đã bị giáng truất thì hầu hết phải chết đau khổ tại lãnh cung. Nếu không bị nhà vua rắp lòng giết hại cũng bị tân hoàng hậu ra tay trừ khử để dứt đường trở lại của đấng quân vương. Và thói thường, theo quan niệm của người đương thời, một người đàn bà bị đuổi vì phạm tội thất xuất là một vết nhục lớn cho tổ tiên, ông bà. Bà đã quá biết tính chồng mình. Ông đã nghĩ ra điều gì là nhất quyết làm cho kỳ được. Bà lặng người cau mày suy nghĩ một hồi rồi đề nghị cầu may:
 - Theo thiếp nghĩ, nếu Hoàng thượng không con, ta có thể chọn trong số con cháu hoàng gia một hai người để làm con nuôi cũng được. Hoàng thượng và hoàng hậu đều còn quá trẻ, xin hoãn một thời gian nếu hoàng hậu quả thật vẫn không sinh đẻ được nữa, ta sẽ lập người khác cũng chưa muộn!
 Hải Dương hầu Trần Phong thưa:
 - Bẩm Thái sư, quốc mẫu nói có lý đấy. Tạm thời ta cứ lập một vài người trong số con cháu hoàng tộc làm con nuôi cho Hoàng thượng như ý quốc mẫu cũng được. Vua và hoàng hậu đều còn quá trẻ lo gì không con!
 Sơn Nam hầu Trần Tú cũng lên tiếng phụ họa:
 - Bẩm Thái sư, nói như vậy phải đấy, tạm thời mình nên chọn con nuôi cho Hoàng thượng đã. Ngu đệ xin tán thành ý kiến của quốc mẫu và Hải Dương hầu.
 Thái sư Thủ Độ nghiêm giọng nói:
 - Ta đã có chủ ý cả rồi! Hôm nay ta mời các người đến để bàn kế hoạch tiến hành công việc chứ không phải để bàn nên làm hay không! Chiêu Thánh nhất định phải ra khỏi hoàng cung!
 Linh Từ quốc mẫu nghe chồng nói quả quyết như vậy hết sức lo sợ, bà năn nỉ:
 - Phu quân từng nói thiếp là người mà phu quân thương yêu nhất trên đời này, lại thương yêu ngay từ thuở còn thơ ấu, có phải vậy không? Phu quân cũng từng nói phu quân diệt nhà Lý vì thiếp hơn là vì cái ngai vàng có phải vậy không? Nếu quả như vậy, xin phu quân vì mối tình to lớn sâu dày đó, chiều ý thiếp một lần, chỉ một lần thôi! Thiếp xin phu quân cho Chiêu Thánh ở nguyên vị một thời gian nữa!
 Thái sư Thủ Độ lắc đầu:
 - Lòng ta đối với quốc mẫu quả như thế thật, nhưng đây là đại sự liên can đến chuyện tồn vong của cả giòng họ Trần chúng ta, ta không thể nhượng bộ được!
 Quốc mẫu nói:
 - Ngôi vua đang ở trong tay Hoàng thượng, quyền lớn đang ở cả trong tay phu quân, vậy việc đi hay ở của Chiêu Thánh nhỏ nhoi nào có gì ảnh hưởng đến sự tồn vong của giòng họ Trần ta?
 - Ta biết quốc mẫu cũng như nhị hầu đều vì Chiêu Thánh mà nói thế chứ không phải vì nhà Trần. Bây giờ ta còn đây thì nhà Trần tạm vững đấy. Nhưng nếu ta nằm xuống, Hoàng thượng sẽ nể thằng Liễu, để cho nó tự do thao túng trong triều. Mầm loạn sẽ có cơ dấy lên và cơ nghiệp nhà ta có thể tiêu tan. Khi đó chắc chắn cả giòng họ ta lớn nhỏ chẳng ai còn có một tấc đất để chôn thây đâu! Cho nên ta phải lo tính trước. Ý ta đã quyết, phải giáng truất Chiêu Thánh rồi sẽ lập Thuận Thiên làm hoàng hậu, như vậy thằng Liễu vì quá thương yêu Thuận Thiên sẽ đâm ra oán hận Hoàng thượng. Anh  em đã bất hòa thì thằng Liễu sẽ không còn cơ hội để gần nhà vua mà chi phối được nữa. Như thế ta mới thật an tâm. Vậy, các ngươi phải vì quyền lợi tối thượng của nhà Trần mà tiến hành kế hoạch đó!
 Linh Từ quốc mẫu hoảng hốt quì xuống khóc:
 - Nếu thế thì số phận Chiêu Thánh sẽ ra sao? Phu quân phải hiểu cho nỗi đau lòng của một người mẹ khi chứng kiến con mình đang rơi xuống vực thẳm! Đây là lời cầu xin của người đàn bà mà phu quân từng nói phu quân đã yêu thương nhất trên đời. Xin phu quân vì thiếp mà hoãn chuyện ấy lại đã. Hơn nữa, hiện tại Thuận Thiên đã có thai nghén ba tháng. Đưa Thuận Thiên về làm hoàng hậu sao tiện?
 Thái sư trả lời cương quyết:
 - Ta đã nói một là một, hai là hai! Tình riêng và nghĩa công hai đường riêng biệt! Cả giòng họ Lý ta diệt hết còn được thì sá gì một con đàn bà của họ Lý? Lại nữa, quốc mẫu và nhị hầu không đề nghị để Hoàng thượng nuôi con nuôi đó sao? Lỡ Hoàng thượng không có con nữa thật thì sao? Thuận Thiên trở thành hoàng hậu thì đứa con đang thai nghén của Thuận Thiên muốn nói là con nuôi hay con đẻ của nhà vua đều được cả như vậy không tiện sao? Bây giờ ta chỉ muốn các ngươi ngày mai cùng ta yêu cầu Hoàng thượng thực hiện kế hoạch ấy! Tuy nhiên, kế hoạch phải đi từng bước một. Buổi chầu đầu, chúng ta chỉ nêu vấn đề truất phế hoàng hậu Chiêu Thánh và thi hành cho xong việc ấy đã. Như vậy mới giảm bớt được phản ứng của Hoàng thượng. Đợi chuyện ấy ổn định xong ta sẽ tiến hành bước kế tiếp, tức là đưa Thuận Thiên lên ngôi vị hoàng hậu, có thể phải đợi vài ba ngày sau. Giờ đây thằng Liễu đang đi tuần thú chưa về không làm thì còn đợi khi nào nữa? Ngày mai vào chầu, Sơn Nam hầu nhớ coi như mình là người chủ động nêu ra vấn đề. Tiếp đó, Hải Dương hầu có nhiệm vụ lên tiếng tán thành và bổ túc thêm. Ta sẽ là người vì triều đình khen ý kiến nhị hầu là đúng và đề nghị tất cả triều thần đưa ý kiến biểu quyết. Ta tin chắc triều đình sẽ không ai dám phản đối. Công việc trôi chảy tất nhiên quí hầu sẽ được trọng thưởng. Quí hầu phải hiểu rằng đây là một mệnh lệnh phải thi hành!
 Linh Từ quốc mẫu sững sờ trong khi Hải Dương hầu, Sơn Nam hầu răm rắp nói:
 - Tuân mệnh! Tuân mệnh!
 Thế rồi buổi chầu hôm sau trước mặt đông đủ bá quan, Sơn Nam hầu Trần Tú với nét mặt hết sức trịnh trọng tâu với vua Thái Tôn:
 - Tâu bệ hạ, hôm nay hạ thần xin nêu ra một vấn đề hết sức trọng đại mà triều đình cần phải giải quyết. Xưa nay bất cứ ở quốc gia nào, vị hoàng đế quốc gia đó luôn phải chuẩn bị sẵn một ngôi trừ nhị để phòng khi xảy ra chuyện bất thường. Thứ nhất để tránh chuyện tranh giành đổ máu sau các biến cố. Thứ hai để người giữ ngôi trừ nhị ấy chuẩn bị sẵn tư thế gánh vác đại sự quốc gia, tránh tình trạng người khác mon men dòm ngó. Nay bệ hạ ở ngôi đã lâu mà vẫn chưa lập ngôi trừ nhị, thần thiết tưởng đó là một điều không hay cho quốc gia. Cúi xin bệ hạ sớm có quyết định về việc đó!
 Vua Thái Tôn hơi bất ngờ trước những lời tâu đó. Ngài đang phân vân chưa biết nói sao thì một vị đại thần khác bước ra tâu tiếp:
 - Tâu bệ hạ, hạ thần là Hải Dương hầu Trần Phong cũng xin tiếp lời về vấn đề này. Quả thật việc không chuẩn bị ngôi trừ nhị trong một quốc gia là một sự thiếu sót quá lớn. Nó rất quan trọng đối với uy tín của bệ hạ, của triều đình. Cúi xin bệ hạ cho bá quan thảo luận rộng rãi vấn đề để giải quyết chứ không nên diên trì nữa!
 Hải Dương hầu vừa dứt lời thì Thái sư Trần Thủ Độ dõng dạc lên tiếng:
 - Tâu bệ hạ, thần thiết nghĩ lời tâu của nhị hầu vừa qua quả thật chí lý. Từ xưa tổ tiên chúng ta đã vấp phải những sự bế tắc như thế này, do đó các ngài mới rút kinh nghiệm định ra luật lệ để giải quyết. Thần trông bệ hạ dáng vẻ cường tráng, sung mãn, không hiểu tại sao lại không thể sinh con? Đây chắc chắn là do ở phía hoàng hậu vậy! Luật xưa có định sẵn, người đàn bà không con là mắc vào một trong bảy tội mà gia đình chồng được quyền trục xuất trả về nhà gái. Sách vở ghi rành rành ra đấy! Bệ hạ là đấng chí tôn, tưởng cũng nên thực hành nghiêm chỉnh để bá tính noi theo!
 Thế rồi Thái sư cho vị quan hình luật dâng vua Thái Tôn cuốn hình thư trong đó có mục nói về tội "thất xuất". Vua Thái Tôn biết ngay đây là một cuộc tập kích do Trần Thái sư dàn dựng. Nhưng ngài không có lý do gì để bảo thủ được. Bất đắc dĩ vua Thái Tôn phải cho đưa vấn đề ra để triều đình bàn cãi. Tất nhiên, dưới áp lực của Thái sư và triều đình, căn cứ vào điển lệ, vua Thái Tôn đành phải chấp thuận việc giáng truất Chiêu Thánh hoàng hậu làm Chiêu Thánh công chúa và buộc bà phải xa rời nhà vua vĩnh viễn. Ngài chỉ ra được một điều kiện tiên quyết: "Ai xâm phạm, làm hại, làm nhục Chiêu Thánh hoàng hậu sau khi bà đã bị trục xuất, người đó sẽ bị xử tử ba họ".
 Vua Thái Tôn không thể ngờ sau khi ngài và các quan vừa thỏa thuận với nhau việc đó, Thái sư Trần Thủ Độ lập tức cho người mang tờ chiếu chỉ đã soạn sẵn trình lên. Sự việc xảy ra quá đột ngột làm nhà vua sững sờ. Mọi chuyện đã được sắp đặt cả rồi, biết làm sao! Ngài thẫn thờ đọc tờ chiếu chỉ. Như kẻ vô hồn, ngài hờ hững cầm bút phê vào tờ chiếu rồi trao cho viên quan giữ ấn. Sau đó, chiếu chỉ được quan Hành Khiển tuyên đọc trước bá quan:
  "Thừa thiên hưng vận, hoàng đế chiếu viết,
 Trẫm nghe thánh đạo dạy rằng: "Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại". Đối với một người dân thường còn thế, huống trẫm lại mang trọng trách chăn dắt muôn dân, nắm giữ vận mệnh một nước! Nếu trẫm không có con kế tự thì lại càng đắc tội với trời, đắc tội với  đấng tiên vương.
  Xét rằng, Lý thị, tức Chiêu Thánh công chúa được lập làm hoàng hậu nay đã mười hai năm. Thế nhưng Lý thị không đủ sức cho trẫm được một hài nhi để chuẩn bị kế tục gánh vác trọng trách trời đã giao phó cho trẫm. Như vậy tức Lý thị đã không được trời thương và lại phụ lòng tin cậy của trẫm.
 Xét rằng, căn cứ vào phong tục nước Đại Việt ta, người đàn bà không sinh con để nối nghiệp cho gia đình chồng là phạm tội đầu tiên trong bảy tội gọi là "Thất Xuất" mà gia đình chồng có quyền trả  về cho cha mẹ người đàn bà ấy.
 Vậy, nay truất Lý thị Chiêu Thánh là đương triều hoàng hậu xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Sau khi nghe chiếu chỉ này, Chiêu Thánh công chúa phải lập tức rời cung hoàng hậu và đến chỗ ở mới theo sự bố trí của triều đình. Từ đây, nếu không có thánh chỉ triệu thì không được tự tiện vào cung.
 Bộ Lễ, bộ Hộ cùng Chiêu Thánh công chúa phải triệt để thi hành thánh chỉ này!
                                                                         Khâm thử!"

 Vua Thái Tôn rất thương yêu Chiêu Thánh. Ngài đâu có muốn phải xa lìa Chiêu Thánh! Mười hai năm chung sống cùng Chiêu Thánh tâm đầu ý hiệp với bao nhiêu kỷ niệm đẹp, thế nhưng chỉ vì thói tục xã hội mà ngài đành phải chia tay! Chiêu Thánh đâu phải vô sinh! Bằng chứng là Chiêu Thánh đã sinh một lần nhưng không may hoàng tử lại đoản mệnh! Ngài cảm thấy thẹn khi nghĩ tới bất cứ một người dân tầm thường nào cũng có thể làm chủ gia đình họ, bảo bọc được vợ con họ. Còn ngài, mang danh nghĩa một đấng quân vương mà không có một chút thực quyền. Ngài đã hai mươi tuổi mà mỗi việc làm của ngài đều do người khác giựt dây. Muốn bảo bọc cho người mình từng chung sống với bao nhiêu thương yêu mà ngài cũng không thể nào bảo bọc nổi. Cái ý nghĩ từ bỏ ngai vàng bắt đầu nhen nhúm trong óc ngài. Ngài đâu muốn làm kẻ bù nhìn chìm đắm trong hư danh!  Lúc này, mắt nhìn những công văn trình tấu của các quan mà đầu óc ngài cứ để tận đâu đâu. Rốt cục, ngài phải cho xếp lại để lúc khác phê duyệt. Ngài thẫn thờ truyền kiệu phu đưa mình thẳng đến cung hoàng hậu với ý định hàn huyên với Chiêu Thánh một lần chót trước khi chia tay.
 Nhưng hỡi ôi, đã muộn mất! Thái sư Trần Thủ Độ đã cho thi hành án lệnh quá nhanh chóng. Khi vua Thái Tôn tới cung hoàng hậu thì Chiêu Thánh công chúa đã bị cưỡng bách thi hành thánh chỉ đâu từ lâu rồi. Vua Thái Tôn thất vọng than:
 - Ta muốn phân trần an ủi Chiêu Thánh vài lời trước khi từ biệt nhau cũng không được nữa! Thế này thì Chiêu Thánh có thể hiểu lầm ta suốt đời! Đau lòng thay!
 Thế rồi ngài buồn bã hồi cung.
 Suốt đêm hôm ấy, vua Thái Tôn không thể nào chợp mắt được. Hình ảnh Chiêu Thánh cứ vòng vòng sống lại trong óc ngài. Nào những cảnh chơi trốn tìm, tạt nước, ném khăn trầu thời thơ ấu! Nào những ngày sống êm đềm bên nhau, những ngày đau khổ khi đứa con đầu lòng mất, những ngày lên chùa cầu tự v.v... Thế là hết, tất cả chỉ còn là những kỷ niệm đau xót! 




Chú thích:
 * Quí Tị: 1233, Đinh Dậu: 1237.

<< Chương 7 | Chương 9 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 761

Return to top