Vua Tự Đức không có con nên tự mình viết văn bia cho mình. Qua văn bia ở Khiêm Lăng
( Khiêm Cung Ký ) nhà vua muốn thố lộ tâm sự . Một ông vua ở trên ngai vàng khá lâu, trong hoàn cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, thay đổi, cho nên " Không khỏi tiếng thị phỉ ; Đây là một phương cách nhìn lại bản thân và tự đánh giá những việc làm của vua Tự Đức trong thời gian trị vì.
. . .
... Tính ta lại ít nói, cho nên không phải bạn chí thân, dù là thân cận đại thần gặp nhau khi vào triều thì cũng ít khi bàn việc quan hay lên mặt như kẻ khác, do đó hầu như ta có ít người để giao thiệp nhưng ta vẫn cứ yên vui sống trong lặng lẽ và vụng về ấy.
Khí huyết, ta vốn yếu đuối , thân thể thường gầy gò, trong lúc tuổi trẻ đang yên ổn này mà việc nối dõi còn khó có thể an ủi được lòng mong chờ của cha mẹ, thật quá hổ thẹn, nhưng đang buổi đầu ta chưa quan tâm lắm.
Gần đến tuổi trưởng thành, vào tháng sáu bỗng mắc bệnh đậu mùa rất nguy kịch, nhờ cha mẹ hết sức thuốc thang cầu đảo, tháng tám mới khỏi. ( 1)
( .......)
Còn như việc giặc cướp trong , ngoài có lúc làm mê loạn lòng người nhưng rồi cũng yên, ấy là nhờ vào sức mọi người chứ mình ta thì chẳng làm gì được.
Ôi! Dốt nát mà quen sống yên ổn, mông muội mà ở chốn nhà cao cửa rộng chẳng biết phòng bị, tôi tài tướng giỏi cũng đã tàn tạ hơn phân nữa, mấy ai có thể khôi phục lời di huấn về việc canh giữ biên cương của cha ta để giúp ta bước khỏi vòng tội lỗi? Trời cao lại trừng phạt nặng nề để răn dạy vua tôi ta. Người Âu Châu xa cách ngàn trùng dương vạn dặm, phong tục chẳng giống nhau, mà nước lại là nơi quen biết cũ, bỗng đưa quân lính thuyền bè đến, bỏ tình hoà hiếu mà tìm cách xâm lược bờ cõi, chúng cậy tàu bền, súng tốt giày xéo để hòng nuốt chửng đất Quảng Nam, phá phách đất Gia Định. Đất Bắc vốn ưa làm loạn nhân thể cũng nỗi lên. Hưởng thái bình đã lâu ngày, dân không biết chiến đấu, canh thành giữ chốt nào được mấy người?
Khiến đất nước đầy trộm cướp , trong gian ngoài giặc, chúng cấu kết với nhau ngày càng tràn lan, chúng đến đâu thì tàn hại như gió bão, thử hỏi biết cùng ai để bảo vệ bờ cõi của ta huống chi là việc bảo vệ dân ta? Bất đắc dĩ phải đánh qua loa cho xong chuyện nhưng dân thì ngày càng quấy nhiễu. Để thôi mệt nhọc, nhân giặc cầu hoà ta đành phải sai sứ cùng chúng bội ước, những nhà nho lão thành, những đại thần uy vọng đều lấy làm bùi ngùi và xin đi, rồi chẳng hiểu sao lại quá dễ dãi trong việc thương thuyết mà trở về. Các triều đã dày công khó nhọc mở mang đất đai tụ họp dân chúng, bỗng nhiên một sớm thấy giao cho địch, họ đã chọn lấy cái họa nhỏ nên đã dùng cái chết để khỏi nhục mạng vua, quả như thế chăng? Khiến ta cùng với một bề tôi thân cận chẳng làm sao hơn, chỉ còn biết nhìn nhau mà nuốt nước mắt, đành đắc tội với tông miếu và thiên hạ. Kẻ mất chẳng hoàn thành được ý chí và sự nghiệp, người còn thì đằng đẵng xót thương lo lắng không sao khuây được. Đó là cái dẫn đến chỗ thảm khốc . Nếu cho rằng đành bỏ cái đã mất để lo xoay xở cái nguy mới hiện ra, thật không làm như thế thì làm sao giữ được việc đã qua ? Than ôi, nếu bỏ là có công tất mất là có tội, nếu mất mà chưa cho là tội thì sao bỏ gọi là công? Hai điều ấy chắc có thể phân biệt được. Kẻ kia làm mất nay ta thu lại được nên gọi là công, huống hồ kẻ kia làm mất , ta lại hùa theo mà n bỏ luôn, ôi công sao? Sao có thể đo lường trái đến vậy mà cho là trí, dối trá như vậy mà cho là công? Những kẻ bàn luận riêng tư còn cho như thế, nên họ chối bỏ chẳng đoái hoài gì đến nước nhà, thế nên chẳng lạ gì họ ngày càng uể oải ,trốn tránh do đó chính sự ngày càng phiền phức, không biết lòng người có từng thổn thức đau đớn hay không? Nhưng không sáng suốt trong việc biết người ấy là tội của ta, hằng trăm việc không làm được đều là tội của ta cả, bắt đắc dĩ phải thuận theo quyền mà hành động, những mong được một phút nghĩ ngơi nhưng thiên hạ từ đó bắt đầu sinh ra lắm chuyện ...."
( Trích Khiêm Cung Ký - Phan Hứa Thụy dịch)
( 1 ) Vì mắc bệnh này mà vua Tự Đức không có con nối ngôi.
Lăng miếu vua Tự Đức