Mùa xuân năm 1935 khi tôi đi vẽ ở miền núi về, người nhà nói anh T. đến chơi, đã ở lại hai tuần. Rồi chừng đợi tôi nóng ruột anh lại ra đi, cũng không hẹn ngày trở lại. Hình như anh có đi thăm ngôi tháp cổ gần vùng, định vẽ, nhưng chắc không thấy có gì vừa ý, nên chỉ ở nhà đọc sách và thường viết lách rất khuya trong buồng ngủ.
Tôi mở hết cửa cho mùi thuốc lá của anh sót lại bay đi hết. Vốn không ưa mùi tàn thuốc vương vất trong nhà, nhưng lần này lại thấy dễ chịu. Trong lúc đi vắng, một bạn thân cùng nghề đã đến ở đây, hắn ta đã nghĩ ngợi gì, đã làm gì trong phòng mình, có đọc những sách tôi ưa đọc, có ưa những đồ vật tôi dùng, tôi chọn? Vài vệt nến còn đóng lại trên bàn viết. Tôi lấy móng tay sẽ cạo, tần ngần. Mỗi lần nghĩ tới T., tôi thường hình dung ra một nghệ sĩ đi hàng dặm đường hăng hái một mình, áo quần sờn rách, đầy bụi. Người ngoài chỉ trông thấy vẻ luộm thuộm, có thể chế giễu, thương vay, còn anh, anh biết rằng mình mang một tấm lòng chứa đựng biết bao sôi nổi, khác chi mặt biển tràn đầy, ào ạt lúc trăng lên.
Bỗng nhiên, tôi có cảm giác anh T. có thể để lại một vật gì trước khi đi, một mảnh giấy, một cuốn sách đọc dở, một cái quà gì. Tôi lục lọi, khắp nơi, và sau cùng thấy trong ngăn kéo bàn giấy của tôi một tập bản thảo, như người ta viết cho báo chí. Tôi kéo chiếc ghế mây lại gần cửa sổ - lúc bấy giờ trời đã về chiều, mấy hạt mưa xuân bay xuống ngọn cây mơ dưới vườn nhà - tôi mải miết đọc cho đến khi trời tối hẳn mới chịu thắp đèn.
Đây là lần đầu, anh bạn đã hé lộ cho tôi một chuyện lòng, một chuyện đã qua trong cuộc đời sâu kín của anh, mà tôi chỉ mong manh biết. Đọc xong tập giấy viết tay này, tôi mới càng hiểu thêm T., người họa sĩ mà anh em cùng giới vẫn mến tài, mến đức. Cái giá trị của người ta không chỉ ở chỗ tài hoa, phong cách... mà chính ở sức yêu đương, ở tấm lòng ân hận của mình.
Từ đây, là lời của anh T.
*
* *
"... Trong đời, thường có những cuộc gặp gỡ bất ngờ và kết cục toàn ân hận. Chúng ta như bị lôi cuốn vào một cơn gió lốc từ đâu đến không lường trước. Và khi cơn gió qua rồi, mảnh vườn của chúng ta đã thành hoang dại, tơi bời.
"Năm tôi sắp tốt nghiệp ở trường mỹ thuật là năm tôi gặp Đ. lần thứ nhất. Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi thầm, nếu ngày hôm đó tôi vắng mặt, thì cuộc đời chúng tôi biến đổi ra sao? Cuộc gặp gỡ khoảnh khắc đó, như đã định đâu từ kiếp trước.
"Hồi đó, tôi thuê chung với anh C. một gian gác phố H.B., vừa đi học vừa vẽ cho một tờ tuần báo ở ngay trong phố đó. Mỗi tuần tôi phải cung cấp cho họ một ít tranh để khắc vào bản gỗ. Cái công việc nhỏ mọn kia, bất cứ người thợ vẽ tầm thường nào cũng làm được, vậy mà cũng có nhiều người nhớ đến cái tên ký cộc lốc trong tranh. Vinh dự đó đáng lẽ phải thuộc về những nhà văn sáng tác ra truyện viết mà tôi chỉ góp phần minh họa. Nhưng lâu lâu tôi lại nhận được một lá thư khen ngợi, hoặc có muốn gặp để làm quen. Tôi đã gặp Đ. vào chính lúc này.
Ngày hôm đó vào dịp nghỉ lễ của nhà trường, một người bạn rủ tôi đi vẽ hai hôm ở quê anh. Chúng tôi ra ga lấy vé xong, đang đi bách bộ ở sân ga hút thuốc chờ giờ xe chạy, bỗng tôi nghe có người gọi đúng tên mình. Tôi quay lại mừng rỡ nhận ra chị H., một người chị họ lâu ngày không gặp. Chị H., đi cùng một thiếu nữ, thoạt trông tôi chưa thấy có gì cần chú ý. Hai người nói rằng vừa ở N. B. lên định đáp xe đi luôn H. P. để dự đám cưới một chị em bạn học cũ, nhưng vì xe lên chậm, nhỡ mất chuyến H. P., nên đành là phải ở Hà Nội một ngày. Vì chả quen biết một ai đang băn khoăn không biết trọ nơi nào cho tiện. Tôi chợt nghĩ đến cái phòng vẽ của tôi, cái phòng trọ của những "sinh viên nghệ sĩ" bừa bãi những tranh với thuốc vẽ, và áo quần, chăn gối... Tôi vừa ngỏ ý mời cả hai người về ở tạm nơi tôi, thì họ vui vẻ đi ngay. Người dân các tỉnh thường như vậy, họ bằng lòng ở chật hẹp với một bà con quen thuộc, còn hơn phải thuê buồng khách sạn. Đến lúc này tôi mới nhớ ra rằng đã hứa đi vẽ cùng người bạn. Tôi bỏ lại anh chàng đứng tức tối một mình ở sân ga.
Người chị họ từ một tỉnh xa thình lình tới, như đem lại cho tôi một chút phong vị nơi tôi sinh trưởng. Khi tôi từ biệt cái tỉnh N. B. thân mến, thì người chị họ cũng chỉ trạc tuổi tôi. Vậy mà lần này gặp lại, chị có vẻ già dặn hơn, trong mắt như vương một chút buồn, không thấy ánh lên cái tinh nghịch ngày son trẻ. Tôi không tiện hỏi chị kỹ càng trước mặt người thiếu nữ lạ, trong lòng bỗng bùi ngùi nhớ lại những ngày trong sáng thuở ấu niên cùng chia sẻ với chị. Người thiếu nữ lạ, ngồi im nghe chúng tôi hỏi han nhau một cách ân cần, ý tứ đứng lên lảng ra sân thượng. Cô làm như chăm chú ngắm con chim bạch yến tôi nuôi trong lồng treo, đang hứng khởi hót liên hồi. Cử chỉ lịch sự của cô gái đến lúc này mới khiến tôi để ý. Sau này nhớ lại tôi vẫn hình dung Đ. ra một người rất trẻ, áo màu xanh nhạt đứng ngửa mặt nhìn lên cái lồng trong đó có con chim màu vàng nhạt đang ngửa cổ lên cao mà hót say sưa. Cảnh đó gợi cho tôi cái đẹp giản dị và trong trẻo. Chưa một người đàn bà nào ở nơi đô hội khiến tôi có hứng vẽ ngay như vậy. Đ. không có gì lộng lẫy, chói lòa. Khắp người nàng là một sự chìm lặng, phải dần dà mới khám phá ra những nét tuyệt vời ở mặt, ở sống mũi, ở đường viền cổ, ở dáng đi... Với nhan sắc ấy, cũng như viên ngọc quý, thợ ngọc lành nghề mới đánh giá công bằng.
Tôi hỏi bà chị họ xem người đi với chị là ai, thì được biết đó là bạn rất thân của chị ở N. B. Sau đó, chị nói thêm: "Cô ta sắp lấy chồng, mà chồng là một gã con nhà giàu ít học, nổi tiếng chơi bời, người trong tỉnh coi thường...".
Tôi mỉm cười, nghĩ đến những cảnh hôn nhân vị lợi nơi tỉnh nhỏ, cảnh ép duyên, và cuộc đời râm tối của các thiếu nữ đương xuân nấp dưới bóng những ngôi nhà cũ, như những cái cây mọc trong chỗ rợp. Tự nhiên tôi đem lòng thương ngay số phận người cùng đi với chị tôi. Từ đấy, đối với Đ. tôi ít tỏ ra cách biệt như khi mới gặp ở sân ga. Tôi còn năng gợi chuyện Đ. như muốn đi sâu tìm hiểu tâm hồn một người mình thấy có cảm tình.
Ngày hôm đó qua đi rất vui. Tôi dẫn hai người đi ăn cơm hiệu, đưa họ đi xem một phim ảnh hay nhất trong tuần. Chị họ tôi cũng như Đ. hình như đã trút bỏ trong phòng tôi cái vỏ ngoài của đàn bà tỉnh lẻ. Mắt họ sáng hơn lên, nụ cười có duyên hơn, nói nói cười cười hóm hỉnh chả khác các cô gái thủ đô. Tôi còn thấy Đ. là một thiếu nữ khá thông minh. Cô đối đáp, chế giễu tôi như một người em gái nhỏ. Đ. thấy bằng lòng nơi ăn ở bề bộn của tôi, và khi biết rằng tôi vẽ cho tờ báo mà cô vẫn đọc ngày thường trong tỉnh nhỏ của cô, thì tỏ ra rất ngạc nhiên. Cô nhìn tôi như là tôi vừa biến thành một người đàn ông khác. Đ. có vẻ thích thú vì cái người ký tên trong các bức vẽ mình thường thấy trên báo lại là tôi được. Những tranh có khung gỗ treo tường, tranh vẽ dở dang, những đồ vật liên quan đến nghề họa của tôi trong phòng vẽ bỗng hóa quan trọng đối với nàng. Trong người Đ. như mới có sự gì thay đổi. Nàng nói với tôi bằng một giọng vừa như âu yếm vừa kính phục:
- Từ giờ, cứ mỗi ngày nhận được báo xem, em đã biết những tranh vẽ trên đó là do ai rồi!
Đ. vui một cách hồn nhiên, nhưng rồi bỗng tư lự như chợt cảm thấy cái hiu quạnh của mình lúc trở về cái tỉnh của mình. Đ. nói với tôi ngày đi học nàng cũng ưa vẽ lắm và thường bỏ qua các môn khác để chỉ siêng năng trong giờ vẽ. Khi xem truyện, thấy bức vẽ nào tả đúng cái không khí của truyện do nhà văn sáng tác, có khi nàng còn cất giữ tờ báo, như đối với một kỷ niệm cần trân trọng. Đ. cho rằng ở đời không có nghề nào thú vị hơn nghề vẽ, một người được trời ban cho cái tài tô điểm, làm đẹp hơn lên cuộc sống, hẳn là một người hạnh phúc. Buồn thay, cái tẻ nhạt của đời nàng khiến nàng tưởng tượng ra những hào quang ở đời kẻ khác.
Tôi để yên cho Đ. nói, và mặc nàng trong sự lầm lẫn của mình. Tai hại thay lòng tự ái. Nghe Đ. nói tôi lại cũng thấy cái "thiên chức" của tôi ở đời là quan trọng. Tôi im lặng nhận sự kính phục của một người con gái đầy lòng tin, vô tư, lương thiện. Chẳng khác một pho tượng gỗ nhận sự hinh hương thờ phụng của những người mù quáng. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy tôi cách xa Đ. nhiều quá, tôi già cỗi hơn Đ. nhiều quá! Nàng cũng chỉ như phần đông những người chỉ để ý đến tôi vì cái bề ngoài. Mà cái bề ngoài của một họa sĩ thì đầy màu sắc đáng yêu, như những bức tranh màu trong phòng vẽ. Đột nhiên tôi cảm thấy cái chua chát của những kẻ được người ta quý yêu mình không phải đã đi sâu vào tâm hồn mình, mà chỉ vì bộ mặt ngoài lừa dối. Dưới mắt Đ. tôi là một kẻ đàn ông có cuộc đời rộng rãi, một kẻ tự do, phụng sự một nghề tự do. Người đang bị tù hãm trong một gian buồng tối, nhìn con chim nhảy nhót ngoài trời phải ao ước viển vông.
Sáng hôm sau, khi tôi tiễn hai người ra ga để kịp đáp xe đi H. P., thì tôi là người đàn ông ăn mặc lịch sự, chải chuốt hơn mọi ngày - Nhưng lúc xe gần chạy, bà chị họ bỗng vẫy tôi lại gần, nói nhỏ:
- Anh không thấy nét mặt của Đ. à? Anh làm thế nào mà hôm nay ra đi nó đâm ngơ ngác thế? Tôi bắt đền anh đấy!
Tôi vội gọi tên nàng mà vẫy chào lại một lần nữa trước khi về. Sắp đi hết sân ga. Không biết sao tôi còn quay lại nhìn chỗ khung cửa xe có Đ. ngồi. Nàng vẫn nhìn theo tôi với một nụ cười buồn rượi. Lần nữa lòng tự ái của tôi lại được thỏa mãn một cách tầm thường, tự nhủ thầm: "Từ đây lại có một người ở xa xa hằng nghĩ đến ta...".
Chính những ý nghĩ như vậy thường gây hệ lụy, nhưng người ta vẫn coi thường lúc ban đầu. Chính đó là đầu mối buộc mình vào những chuyện khiến mình đạp lên cuộc đời kẻ khác, làm cho dở dang, có khi tan nát mà vẫn cứ vô tình bước tới. Nửa tháng sau, tôi nhận được thư của người chị họ nhờ mua vài thứ hàng lặt vặt, và dặn tôi về N.B. chơi nếu có dịp nào được rảnh. Thư chị có kèm theo một mảnh thư của Đ. cám ơn tôi đã tiếp đãi... hai người ân cần. Nàng cũng tỏ ý mong tôi trở lại N.B. thăm quê cũ. Và, cũng không quên hỏi thăm cả con chim bạch yến nhỏ của tôi.
Tôi vội trả lời là: con chim bạch yến không hiểu sao từ lúc nàng đi khỏi hóa ra ủ rũ, không chịu "ca hát" như xưa nữa.
Lạ thay! Lúc đó là lúc tôi đang bận nhiều việc lắm, kỳ thi ra trường gần tới, công việc, bạn bè, đời sống tấp nập của thủ đô hầu như đã làm tôi không mấy khi nhớ đến hai người đàn bà tỉnh nhỏ. Không hiểu sao tôi lại trả lời Đ. như vậy? Không hiểu sao tôi lại cố tình quên rằng thiếu nữ này đã sắp thành vợ một người, chỉ còn chờ cưới? Chao ôi, một hàng chữ viết không đứng đắn, một lời nói vu vơ, bỡn cợt, biết đâu không gây ra đổ nát cho đời người? Cái bệnh của thiếu niên là vô tâm, là tàn nhẫn, là chơi đùa cả với những điều nghiêm trọng. Tại sao tôi lại tự cho mình cái quyền quấy rối cuộc sống yên ả của một thiếu nữ mới vừa quen? Một thiếu nữ sắp tới thời kỳ làm vợ? Sẽ xảy ra sự gì ở lòng nàng khi nhận được thư tôi? Tôi cũng chỉ như một người đàn bà làm dáng, chẳng bao giờ để ý đến cái kết quả do mình gieo rắc trên đường đi.
*
* *
Thế rồi, tôi dần dần bước tới cái quãng u ám, do một chuyến tàu về chậm kia gây nên không ngờ tới. Ngay cái lần trở lại N.B. theo lời hẹn cùng người chị họ, tôi và Đ. càng quyến luyến thân nhau hơn. Tôi như tìm thấy tuổi trẻ của mình, tiếng vang êm ái của ngày xanh dội lại. Những ngày ở N.B. thực là những ngày nghỉ ngơi dễ chịu. Chiếc áo khoác ngoài không còn bụi bậm kinh thành, giữa chị H. và Đ. tôi không phải nói những chuyện xã giao, nghệ thuật, tự thấy lòng mình dễ dàng cởi mở.
Còn Đ, thời gian này nàng như sống trong một nguồn vui mới, cuộc đời thật của nàng như bắt đầu từ đấy. Ngày nào nàng cũng tìm cách tới nhà chị H. để được thấy có tôi ở đó. Tôi lúc này có khác gì một người sức lực, đứng trên bờ sông nhìn cảnh chìm đắm của kẻ khác chơi vơi trong dòng nước. Đ. lúc này có khác chi một cây non đang lung lay trước gió. Tôi thoáng có cái tự phụ trẻ con rằng tình cảm của Đ. đem gửi nơi tôi không phải là nhầm chỗ. Tôi cố tình quên rằng về N. B. chuyến này chỉ để thăm bà chị họ, thăm lại nơi quê cũ. Tệ hại hơn, tôi cố quên rằng quả tim của tôi trước đó đã có lần rung chuyển vì một tình yêu bất hạnh. Tôi không khuyến khích, không làm cho Đ. hy vọng điều gì, nhưng cứ lặng hưởng cái thú được yêu thương bởi một thiếu nữ đầy tin cẩn. Đã vậy, ngày sắp từ biệt Đ, tôi lại tỏ ý muốn vẽ tặng nàng một bức chân dung. Đ. hớn hở thuận ngồi mấy buổi liền cho tôi vẽ, trong khu vườn cây rất đẹp của chị H. Cái chỗ góc vườn đó, bây giờ tôi cũng còn nhớ rõ. Đ. mặc áo trắng dài, ngồi cạnh một gốc cây có những lá bóng lên như mỡ. Khi bức tranh đã xong, trong buổi chiều chia tay, tôi bàng hoàng đi lại gần nàng bỗng nói:
- Tôi sẽ chẳng bao giờ quên buổi hôm nay...
Nói xong liền hoảng sợ thấy mình phạm tội, chợt hiểu ra cử chỉ rồ dại của mình. Một lời nói như vậy vô cùng quan trọng lúc này. Nó sẽ ăn rễ trong lòng người ở lại, tạo ra những chua cay, hay những ảo mộng trong thanh vắng. Một tiếng nức nở vang lên trong vườn. Tôi hoảng hốt nhìn Đ. gục đầu trên cánh tay, mặt đầy nước mắt. Nàng ra hiệu cho tôi vào nhà trước:
- Thôi anh vào đi... rồi đây ở nơi xa, có công việc của anh, cuộc sống rộn rịp của anh, danh vọng, bạn bè, những cuộc vui chơi... còn em ở đây, không còn gì nữa...
Thấy tôi vẫn đứng sững, nàng lau nước mắt:
- Tôi sẽ sống những ngày tiêu điều hơn trước, tuổi trẻ đi qua vô ích nơi này...
Đ. đi về nhà nàng lâu rồi, tôi vẫn còn đứng giữa vườn, như một người mất trí. Tôi đã định gọi nàng trở lại để thổ lộ cho nàng hiểu tôi đôi điều, nhưng lại tự nhủ thầm: "Liệu có nên để cho Đ. được biết cái "bí mật" của đời mình. Cái dĩ vãng của chuyện riêng. Có nên hé mở bức màn. Đó là một điều đau xót từ lâu mình mang nặng. Đ. liệu có cảm thông được sự hy sinh của tôi không?"
Tôi đứng lặng hằng giờ trong tiếng lao xao của cây lá lúc hoàng hôn, chưa bao giờ thấm thía sự cô đơn đến thế. ánh sáng càng ngày càng nhợt nhạt, đỉnh núi Thúy ở xa chỉ còn là một vệt tím mơ hồ, tôi bước vào nhà đã thấy sáng đèn. Chị H. nhìn tôi một cách băn khoăn, nhưng không hỏi. Một cơn gió mạnh thình lình ập tới, báo trước một cơn giông.
Đêm đó trời mưa tầm tã cho đến sáng. Tôi nằm mở mắt lắng nghe cái lạnh thấm người chờ sáng. Và khi trời đất vừa bừng giấc sau đêm phong vũ đó, tôi đã trên đường về Hà Nội.
*
* *
Cách đó chừng ba tháng, một đêm sắp đi ngủ tôi nghe có tiếng người gọi cửa. Vừa thoáng nghe cái giọng hoảng hốt và yếu ớt kia, tôi đã biết ngay có sự không thường. Tôi vừa mở cửa vừa hồi hộp. Một người tay xách chiếc "va ly" nhỏ, đầu trùm khăn lụa mỏng bước vào: người đó là Đ.
Cũng may mà lúc này, anh C. ở chung với tôi trước đó đã đi rồi, anh là sinh viên khóa trước tôi đã được bổ nhiệm đi Cao Miên dạy học.
Buổi gặp lại thật bất ngờ. Đ. vừa trông thấy tôi đã òa khóc:
- Anh hãy cứu em! Lúc này em chẳng còn biết chạy đi đâu nữa, ngày kia ở N. B. người ta đã cưới em về...
Đ. bỏ rơi chiếc va li rồi ngồi xuống chiếc ghế gần nhất, thờ thẫn như đã trải nhiều đêm không ngủ. Thấy trên người nàng chỉ có một chiếc áo mỏng, tôi đoán nàng đã bị lạnh, nên vội vàng khoác lên vai nàng một chiếc áo dạ. Trong lúc vội vàng ra đi, nàng cũng không kịp nghĩ nên mặc áo gì. Cử chỉ của tôi bấy giờ cố làm ra điềm tĩnh, nhưng sự thực trong lòng đã rối bời. Một người con gái lương thiện, đang đêm đến với mình trước ngày làm lễ cưới, việc đó không phải không đáng ngại. Nhưng cùng lúc lại thấy trong lòng có mối tự kiêu. Tôi vừa lo lắng vừa sung sướng khi thấy Đ. đã vượt qua hết để tìm mình, vì đã tin mình. Tôi ngắm nàng dưới đèn và thấy yên tâm đôi chút. Cởi bỏ chiếc khăn trùm đầu lúc đi đường, nàng đảo mắt nhìn lại gian buồng quen thuộc, lộ vẻ cảm tình như gặp lại người thân tín. Nhớ lại hình dáng người con gái hôm xưa đến ở buồng này, tôi không khỏi nhói lòng so sánh cái tâm trạng của người hôm đó với hôm nay. Đời người có lúc chỉ cần nhỡ một chuyến xe cũng đủ khiến số phận mình đổi khác.
Đêm hôm đó, thật là một đêm sảng sốt, lạ lùng của hai kẻ không phải vợ chồng mà bỗng cùng nhau chung một mái nhà ấm cúng. Cửa buồng đóng lại, gió lạnh không lọt vào. Kẻ nào thóc mách thấy đôi lứa trẻ trung ngồi bên nhau chuyện trò tâm sự, hẳn phải nghĩ đến những điều xằng bậy. Vậy mà không, cái đau thương, cảnh ngộ của hai người lúc đó, khiến họ lòng trong, ý tịnh, chỉ còn một mối cảm thông chung, với ý thức gần như hạnh phúc được gần nhau trong hoạn nạn. Một hồi chuông nhà thờ thành phố ngân nga trong vắng lặng. Nửa đêm, giờ tội lỗi. Tôi đã thắng mình trong thời khắc dễ lung lay nhất, bên cạnh một thiếu nữ, từ lâu biết rõ nhân thể mình đã trĩu nặng như quả chín trên cây. Tôi nhấc ghế ngồi cạnh giường nằm của Đ. Trước vẻ thơ ngây tin tưởng, đẹp lồ lộ đó, tự thấy mình như ngồi nấp trong cái già cả của tuổi tác - mặc dù đang độ thanh xuân - nấp trong phiền muộn của đời mình, nhìn ra mà kinh sợ. Nhưng, đồng thời tôi cũng thấy chưa bao giờ tôi yêu nàng như vậy. Ta chân thực yêu ai, đó là một sự thiêng liêng, những tư tưởng nhỏ nhen, phàm tục không còn đất nảy mầm. Chốn cao thanh không có lối vào cho tình dục, cho sự điên rồ hèn hạ. Trong cảnh đêm thanh, hai người trẻ tuổi ngồi sát bên nhau mà tấm lòng sạch sẽ như những bậc tinh anh thoát tục. Đó không phải là sự kỳ diệu của ái tình sao? Đẹp thay quả tim niên thiếu mà lửa yêu đương đã làm cho trong sáng. Và cũng chỉ cái tuổi thiếu niên cao quý chưa vẩn đục mới vượt qua được bến mê kia!
Tôi để cho Đ. nói hết những điều mong ước, những lo toan thầm lặng bấy nay, như trút bỏ gánh nặng giữa đường. Cuối cùng, nét mặt rạng rỡ, đầy hy vọng, nàng nắm chặt tay tôi.
- Anh hứa đi, anh nói với em đi, là anh sẽ cho em theo anh suốt một đời, suốt một đời em sẽ là người bạn nhỏ của anh, người giúp việc, người giúp việc, người chịu ơn chung thủy. Chỉ có anh là người đàn ông em tin cậy, yên tâm nương tựa, để không bao giờ còn thấy mình trơ trọi nữa...
Tôi lắc đầu, ngao ngán và tuyệt vọng:
- Trời ơi! Chị H. không nói cho em biết chút gì sao? Nếu em hiểu, không thể nào anh nhận được... nếu em biết rõ...
Đ. vùng ngồi lên sửng sốt:
- Làm sao? Làm sao anh lại hắt hủi cái tình chân thật của em? Em không xấu, em biết lắm. Anh sống một mình không vướng víu. Anh là người có tài...
- Em chớ lầm tưởng như vậy. Anh chưa có vợ thật, nhưng đời anh đã buộc vào một người rồi... anh không có quyền vương thêm một...
Câu nói chưa nói hết cũng đủ là một nhát búa cắt đứt mớ hy vọng đang bồng bột của Đ. Tôi không dám ngẩng nhìn nàng để xem nét mặt nàng đau khổ đến chừng nào. Thế rồi tôi kể hết cho nàng câu chuyện đã qua, về tôi trước khi được gặp nàng cùng đi với chị họ tôi.
- Em đã lầm tưởng rằng đời anh không mắc míu điều gì, điều đó tại anh, hãy tha lỗi cho anh, nhưng nếu em biết rằng anh đã biết, đã yêu một người cũng dịu dàng, xinh đẹp như em... hiện giờ còn sống mà cũng như đã chết...
Tôi vẫn cúi đầu nói, không dám nhìn Đ. như một kẻ hèn nhát, có tội trước một kẻ quang minh chính đại. Đ. nôn nóng giục tôi, giọng lạc đi, cổ nghẹn ngào. Im lặng một lát, tôi kể tiếp:
- Trước đây năng đi lại gia đình một bạn thân anh đã hứa hôn với một người con gái của gia đình đó. Mọi việc đang tốt lành, hứa hẹn, thì xảy ra việc không hay: bà mẹ của gia đình lâm bệnh qua đời. Mọi người yên trí cuộc hôn nhân đó sắp thành, nhưng người con gái, vì quá thương tiếc mẹ, khóc lóc ngày đêm, được ít ngày bỗng phát... chứng điên. Vậy là mọi việc đều ngừng lại. Trong họ nhà này, cứ cách một hai đời, lại có người mắc qua chứng ấy. Nhưng cũng có trường hợp không lâu sau đó người bệnh trở lại bình thường. Anh không muốn là người bất nghĩa, nên cố đợi, hy vọng người thiếu nữ sắp thành bạn trăm năm kia, nhờ một sự may, một phép lạ nào đó sẽ tai qua nạn khỏi...
Tôi nghe một tiếng thở dài não nuột, một tiếng nấc cố nén, nhìn lại Đ. mặt đã chan hòa nước mắt.
Nàng kêu lên:
- Khốn khổ cho anh! Em tin anh, anh kể tiếp đi.
- Vậy là hết... bây giờ mỗi năm vài bận, anh vẫn đi lại thăm viếng người bạn gái bất hạnh đó, như thăm một cái mồ người ta không có quyền quên lãng và phụ bạc. Đôi khi anh cũng gặp bóng hạnh phúc thoáng qua cái đời hiu quạnh của mình, nhưng không có quyền giữ lại, như kẻ khác.
Thời khắc nghiêm trọng lúc đó khiến tôi càng nói càng hóa ra chua chát:
- Thôi, thế là hết, anh bây giờ là kẻ đàn ông đi cạnh cuộc đời người khác, anh không làm gì được cho em cả.
*
* *
Cái đêm hôm đó, chắc rằng Đ. đã già đi, đã sống nhiều hơn cái tuổi của nàng. Nhưng rồi nàng sẽ thông cảm hơn với nỗi bất hạnh của nhiều người khác, ở những nỗi đau khác còn to lớn gấp nhiều lần nỗi khổ của mình.
Thế rồi trời sáng bạch ngoài cửa sổ lúc nào không rõ. Một vài tiếng rao quà dưới đường phố mở đầu cho cuộc xôn xao của kinh thành đang tỉnh giấc.
Tôi đứng lên lao đao vì một đêm trắng có nhiều lần xúc động. Rồi tôi mở tung cửa sổ cho ánh sáng lọt vào buồng. ánh sáng chảy vào đem theo một lần gió lạnh. Giữa ban mai xám lạnh đó, chúng tôi bỗng rụt lại như con ốc bị kéo lên bờ. Cái huyền ảo đêm khuya đã mất. Bây giờ là sự thật rõ nét và tàn nhẫn. Có lẽ Đ. đã thấy mình đi xa quá rồi chăng? Sau đây có lẽ nàng sẽ ngượng ngùng vì đã sống một đêm ân ái lạ lùng bên cạnh một người đàn ông mà nàng tưởng có thể "trao xương gửi thịt". Và cái luân lý tầm thường của tỉnh nhỏ đã hiện ra khắc nghiệt rồi chăng?
Lúc tôi tiễn Đ. ra ga - vẫn cái nhà ga gặp gỡ lần đầu - và lấy vé cho nàng trở lại N. B., nàng vẫn nói:
- Em rất tiếc anh không làm gì để giữ em lại, vì lúc nào em cũng sẵn sàng bỏ hết để theo anh, cho dẫu là phạm tội. Những ngày sống gần anh, và cả cái đêm thất vọng vừa qua, đêm cuối cùng của chúng ta, đó là tất cả những tốt đẹp nhất đời em vậy.
Khi trở lại căn buồng Đ. vừa đi khỏi, tôi chợt thấy cái khăn hoa của nàng còn lại trên giường. Nhặt khăn tay lên, một mùi hương nhẹ còn vương vất. Vô tình hay hữu ý. Đ. đã để lại một di vật của nàng?
Gập chiếc khăn bỏ vào ngăn tủ áo, tôi lặng ngắm nơi in dáng hình thanh tú của người đã nằm đó đêm qua, bây giờ còn để lại một chỗ trũng trên chiếc giường xa lạ..."
Tiểu thuyết thứ bảy, số 452
ra ngày 13 - 3 – 1943.