Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Tuyển tập Truyện ngắn

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7213 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuyển tập Truyện ngắn
Thanh Châu

nhớ quê
Có dễ đã lâu lắm tôi không có dịp nhìn lại quê hương cũ. Mà cả xưa kia nữa, cũng rất ít khi tôi được về quê. Về quê! Hai tiếng đó, trong gia đình tôi, người ta chỉ nói vào lúc cuối năm, gần Tết. Bởi vậy ngày nay nếu có những phút nào mà tôi động lòng quê nhất, tức là vào những buổi tàn năm.
Gia đình tôi là một gia đình viên chức. Cái sống ở thành thị đã chôn chân mọi người vào một chỗ, làm cho dễ nhãng quên những nỗi nhớ thương vơ vẩn trong đời, do đó cái nơi mà người ta không yêu mến, không thấy có gì là thiêng liêng ràng buộc cả, thì lại hóa ra quê hương chính thức. Tôi còn nhớ, xưa kia, cứ mỗi lần nghe nói đến "về quê" mẹ tôi lại gắt lên: "Về làm gì cho thêm tốn kém? Thôi, ăn Tết ở đâu mà chả được". Nhưng, tuy nói thế mà tôi biết mẹ tôi, cũng như tất cả nhà, rất muốn được ăn Tết ở quê. Than ôi, người đàn bà đáng thương kia giữ lấy một mình trên vai tất cả gánh nặng của gia đình, lúc nào cũng nghĩ rằng nếu trong nhà túng thiếu là do lỗi ở nơi mình chẳng khéo tính toán mọi chuyện. Vì thế, những lần mà cái gia đình ấy thu xếp về quê ăn Tết là những lần được đứa trẻ là tôi ngày đó coi như những việc hệ trọng, thay đổi lớn trong đời. Thực là những dịp rất hay để làm náo động cả mọi cảnh nhà vốn buồn bã vì phẳng lặng.
Thường thường thì chúng tôi khởi hành vào buổi sáng ngày ba mươi Tết. Từ cái thị xã tỉnh Thanh nơi bố tôi làm việc đến cái làng hẻo lánh ở bên một con sông kia chỉ xa nhau độ hơn ba mươi cây số là cùng. Nhưng mà đường đi thực là vất vả. Vì đó là những con đường đất nhỏ, có những đoạn dốc rất dài, có những quãng men sườn núi, những chỗ phải qua đò; nhưng về mùa mưa gió thì bánh xe ngập xuống bùn lầy nhiều lúc phải nhờ đến cả người đi đường giúp tay vào đẩy hộ. Thực có đúng như câu: Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh. Con đường ấy bây giờ đã rộng ra nhiều, đã được sửa sang luôn và buồn thay, cũng đã có ô tô chạy qua rồi, nhưng tôi vẫn nhớ cái thời mà tôi được ngồi trên chiếc xe bánh sắt để được kéo qua đấy với tâm hồn một đứa trẻ thấy gì cũng bỡ ngỡ lạ lùng.
Vì hành lý đem theo lủng củng, vì nhiều người cùng đi một chuyến, nên thường chúng tôi phải đi thuyền cho đỡ tiền xe.
ồ, những chuyến đi thuyền! Tất cả thi vị của những chuyến đi kia còn sống ở lòng tôi cho đến tận bây giờ. Tôi còn nhớ cả tiếng nước reo khi thuyền đi ngược dòng với một chiếc buồm nâu căng gió trên sông Mã (vì đó là con sông Mã). Sông Mã nước xuôi tựa ngựa phi.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Ngày nay, nếu có một buổi chiều mà tôi trở về làng cũ trên một chiếc thuyền như thế nữa, thì có lẽ tôi đã ngâm hai câu thơ của thi sĩ Tản Đà, rất hợp với cảnh kia rồi. Nhưng hồi đó, cái trí não ngây thơ của tôi chỉ biết thu nhận tất cả những hình ảnh huy hoàng trên sông, để rồi giữ lấy, tưởng không bao giờ mờ nhạt được.
Ngày nay tôi còn ghi nhớ được những gì? Đó là những cồn cát trắng chạy dài theo dọc bờ sông, có hàng đàn chim ngốc đen đỗ phơi mình sưởi nắng. Đó là những bãi dâu thưa lá, những bãi rau hay thuốc lá tốt tươi, những cái bến nước làng có bực đá xanh mà đàn bà con gái ra gánh nước, đãi đậu, vo gạo thổi xôi, hay gội đầu tắm giặt nốt ngày trước Tết. Đó là những cây nêu ở hai bên bờ sông vọt lên trên những nóc nhà dân và những ngọn cây, những cây nêu mới cắm. Đó là những đám thuyền bè thấy dần dần trời tối, đã rủ nhau đậu lại ở một quãng sông quen nào đó, lên đèn hương cúng tổ tiên để đón ông vải. Những thuyền của dân thủy cư, cái dân trôi nổi quanh năm, từ nguồn ra bể, rồi lại từ bể về nguồn, họp thành tổng, thành làng trên mặt nước.
Nếu thuận gió chỉ trong nửa ngày là chúng tôi tới được bến làng. Nhưng thường thì cứ gần đến nửa đêm, mẹ tôi chừng nóng ruột cứ chốc chốc lại hỏi người nhà lái:
- Đã đến Ba Bông chưa ông lái?
- Thưa quá đã lâu rồi ạ. Dễ mà bây giờ đã đến Chè.
Chè... Nổ... Hang... Cung... Những cái tên làng, tên bến mà thuyền phải đi qua, tôi nghe như những tên thuộc về một cõi đời cổ lỗ nào, những tên tôi tưởng không thể nào còn có ở thời đại bây giờ nữa.
Trời tối hẳn. Những ngọn lửa trong các khoang thuyền đương thổi nấu, những ánh đèn đỏ tù mù chiếu nhấp nhoáng trên mặt nước đen, những tiếng gọi chào nhau vội vã của người trên sông khi nhận được thuyền nhau, những tiếng nước rào rào đổ xuống khi những tay sào cúi rạp người để đẩy thuyền đi băng băng rồi lại rút sào lên mà chạy rất đều trên mui lá, tất cả những cái đó làm cho tôi lo sợ hoang mang, làm cho con sông có một vẻ gì huyền bí thêm lên đối với tôi. Nhưng chính vào lúc đó mắt tôi thường díu lại. Và khi thuyền đến bến người ta phải đánh thức tôi dậy để vào làng.
Những phút đổ bộ ấy thực là rộn rịp. Suốt một ngày tù cẳng trong thuyền, bây giờ được đặt bước lên trên cát người nào cũng tỏ vẻ khoan khoái vui vẻ cả. Những tiếng lội nước bì bõm của những người đi đón chúng tôi, đã đứng chực sẵn ở bến với một cây đèn bão từ bao giờ không biết, những tiếng chào hỏi của các người trong họ đã biết tin chúng tôi về nên ra đón làm vang cả một khúc sông. Vì như trên tôi đã nói, những dịp chúng tôi về được như vậy là rất hiếm. Trong cơn ngái ngủ bàng hoàng bao giờ tôi cũng nghe thấy một vài người nhắc đến tên tôi. Đó là những bà cô, ông bác già nghèo đói. Họ có vẻ mừng rỡ thực tình vì lại được thấy chúng tôi, bởi, tội nghiệp, họ biết thế nào cũng sẽ được mẹ tôi giúp đỡ hoặc một món tiền nhỏ, hoặc cho họ một cái quà gì đó, một cái quần áo cũ nào mẹ tôi đã chịu khó vá víu lại, để chờ những dịp đó, trong khi nhàn rỗi. Thế là cả một đoàn người bỏ lại chiếc thuyền đã hạ buồm trên bến nước khuya vắng lạnh, chẳng mấy chốc vì không có ánh đèn soi sáng, nên trở lại tối đen. Chúng tôi đi theo người dẫn lộ cầm đèn đi trước, vì đường hẹp, đi băng qua một bãi ngô hay một bãi thầu dầu rồi mới tới được đầu làng. Đoàn bộ hành ấy thường gấp bước vì mong chóng tới nhà cũng có, mà còn vì sợ đêm đã khuya phải tới nhà vào lúc quá giao thừa chăng. Tới nhà không kịp giao thừa! Đó là một điều không may rất kỵ, mà bà tôi ở quê, tuy rất mong chúng tôi về cũng không thể nào tha thứ được. Còn tôi nửa thức, nửa ngủ từ lúc rời thuyền, bám cổ người đầy tớ cõng tôi đi. Tôi nghe những tiếng nói rì rầm, tiếng bước chân của đoàn người rầm rập trong bóng tối, trong im lặng của xứ quê lúc nửa đêm mà có cảm giác như chúng tôi đặt bước lần đầu tiên lên một chốn hoang vu, đầy bí mật.
Không khí có một ý nghĩa thiêng liêng, ghê lạnh thêm vì tiếng chó sủa ran mỗi lúc chúng tôi đi qua một túp lều nào đã kín liếp, và câm tiếng như một cái mồ.
Nhưng cứ đến đầu một xóm nào, chúng tôi cũng gặp vài người tuần tráng cầm gậy dài ở tay, đứng ngồi xúm xít chung quanh một ngọn lửa.
- Đây là tuần canh ngõ Thẳng.
Một người trong bọn nói lên như vậy.
- Đây là tuần canh ngõ Chửa (hay ngõ Đình, ngõ Hát).
Thôi, chúng tôi đã đến nơi rồi! Tôi chẳng còn sợ sệt như ban đầu nữa. Cứ nghe những tên ngõ làng ngộ nghĩnh kia tôi cũng đủ nhận ra là nơi này chính thị "của mình" rồi. Những kẻ tuần tráng ấy mỗi lần nhận ra chúng tôi đều đứng lên chào rất lễ phép. Tôi thấy mẹ tôi thường hỏi họ:
- Anh em đốt đình liệu cho làng đó à?
Đốt đình liệu? Đó là cái tục của làng. Đêm ba mươi năm nào người ta cũng phải đốt lửa từ chập tối cho đến giao thừa từ đầu làng đến cuối làng, và trong mỗi ngõ thuộc về mỗi xóm. Không hiểu cái tục kia có tự bao giờ và đốt lửa như vậy để làm gì? Sao lại không đốt quanh năm mà chỉ đốt trong cái đêm ba mươi đầy vẻ hãi hùng này? Cái trí não đầy mê tín của tôi ngày ấy cho rằng đêm ba mươi trời tối quá, những vong hồn của người chết ở xa xôi nơi góc núi, bờ sông không thấy đường nẻo nào rõ cả, phải "trông" theo ngọn lửa mà tìm về. Đó là một cách mời người đã khuất trở về làng ăn Tết với gia quyến, với người thân.
Đình liệu! Bây giờ chỉ nhắc lại hai tiếng ấy, tôi cũng đủ thấy lại cả một thời xưa cổ, với những ngọn lửa sáng rực rỡ, thấp thoáng bóng người lố nhố chung quanh để nuôi giữ cho ngọn lửa khỏi tàn. Đó là một cánh lính canh trại trong thời loạn cũ, hay là cảnh nơi địa ngục: quỷ sứ tay cầm khí giới nhảy quanh ngọn lửa nướng người. Cái óc tưởng tượng trong hồi thơ dại của chúng ta thực có dồi dào lắm vậy.
Lúc tiếng trống chùa làng nổi lên tế giao thừa dễ thường tôi đã buồn ngủ rũ ra rồi. Mắt tôi chỉ kịp nhìn qua cái cảnh lộng lẫy ở nhà thờ một lát thôi. Nhưng trong giấc ngủ, vẫn mơ màng đến đèn nến, lư trầm, những mâm ngũ quả đầy những thứ tôi ưa thích và nhất là cái ngai thờ của ông tôi mà năm nào tôi cũng thấy khoác một chiếc áo trào thêu rồng phượng, thủy ba, với đủ cả cân đai bố tử uy nghi như là người thật giữa bàn thờ. Ôi cái áo trào của ông tôi, cái vật "bất khả xâm phạm" của một gia đình đã lâu không còn có người hiển hách nữa. Tôi đã được nhiều dịp nhìn thấy nó mà không dám lại gần, bởi vì không ai cho lũ trẻ lại gần những vật ấy bao giờ. Những hôm trời nắng ráo người ta đem phơi nó ra giữa sân chốc lát cho khỏi ẩm và khỏi mốc. Đó là những dịp cho cả nhà bàn nhắc lại cái thời vinh hạnh của người đã từng được triều đình ban cho cái áo, cùng với cái hốt ngà, cái mũ cánh chuồn, cái đôi hia, tất cả trông rất "tuồng" kia. Những người đàn bà thì vừa bổ cau, chẻ dưa, vừa nghe những kẻ có tuổi trong họ kể lại bằng một vẻ rất kính phục. Một vài ông khách đến chơi nhằm vào lúc đó, mân mê cái áo dệt bằng thứ gấm Tàu rất tốt đời xưa mà khen ngợi mãi. Thực là cảm động! Thực là buồn, cái cảnh một bọn người hèn kém bám vào cái huy hoàng cũ của một người đã khuất để mà kiêu hãnh, và thèm thuồng, giữa một cảnh đã suy vi, nhưng vẫn cố giữ lấy nếp thế gia. Hồi đó, hẳn cũng đã có lúc tôi đã mơ tưởng đến một ngày có được cái sự nghiệp lừng lẫy, to lớn gì ở trên đời để được mặc vào người cái áo trào sặc sỡ, cái áo mà tất cả người trong họ đều kính sợ, đều say mê mà chẳng một ai dám ao ước mơ tưởng kia.
Nhưng, hình như tôi vẳng nghe có tiếng pháo rồi, có lẽ trong nhà đã cúng xong. Bây giờ tôi lại mơ màng đến những bạn nhỏ của tôi, phần nhiều là những đứa trẻ thiếu ăn thiếu mặc, bẩn thỉu, con cái của các người bà con lân cận. Tôi nghĩ đến những cái pháo chia cho chúng nó, đến những trò chơi rất lạ mà trẻ con ở nhà trường, ở thành thị chẳng bao giờ nghĩ được ra. Thực là những người bạn rất phục tòng. Than ôi, chúng đã biết phục tòng từ bé, vì chúng trông thấy ở quần áo tôi một dấu hiệu gì hơn chúng nó rồi. Chỉ vì chúng hiểu rằng phần nhiều quần áo của tôi mặc cũ là đến phần chúng nó, do tay mẹ tôi "hoạn" lại và "bố thí" cho. Tôi không hiểu những con người bé nhỏ ấy nghĩ ra sao lúc mặc lại những quần áo của tôi thải đó, nhưng tôi thì lại nhớ rõ ràng, tôi đã ngạc nhiên hết sức. Tôi nghĩ rằng những ngón tay của mẹ tôi là những ngón tay của một bà tiên. Tôi không thể ngờ được những quần áo cũ, rách của mình mặc cho người khác lại có thể ăn sát, và "dễ coi" được thế.
*
* *
Cái thời dễ tin, dễ yêu của tuổi ấu niên kia qua đã lâu rồi. Sự từng trải của cuộc đời và sách vở đã luyện cho tôi trở nên một kẻ khác. Ngày nay tôi có trở về làng cũ thì biết còn chăng những cảm tưởng trong trẻo và đẹp đẽ như xưa kia? Tôi đã đi đây đi đó, tôi đã dừng chân trước bao nhiêu cảnh non sông diễm lệ ở đời, biết có còn giữ được những hứng thú, những cảm giác như lúc này nhớ lại quê hương?
Hôm qua đi thơ thẩn trên một hè phố đông thiên hạ đi sắm Tết, có một kẻ nào đó vỗ vai tôi và hỏi:
- Tết này đi đâu? Về quê chứ?
Về quê!
Hai tiếng đó bỗng gợi cho tôi cả một thế giới thần tiên đã mất. Than ôi, tôi đã làm gì tuổi trẻ của tôi rồi? Và cả những người bạn nhỏ của tôi nữa? Có dễ họ đã hóa ra một lũ "nửa người nửa ngợm", một lũ ngây ngô ở nhà quê rồi. Có lẽ trông thấy tôi bây giờ họ sẽ nhìn bằng những con mắt sợ sệt, như con mắt của những con vật rút rát. Có lẽ họ đã đói khổ, thất học, hôi hám, càng nhớn lên càng ngu độn, càng rách rưới, nhất là càng rách rưới, vì đã lâu không có ai "hoạn" lại những chiếc áo cũ của tôi cho họ mặc nữa.
Về quê!
Hai tiếng đó ngày nay chỉ gợi cho tôi một cảnh tối tăm, một cảnh thương tâm, một cảnh nghèo nàn với tất cả sự đầy đọa của một lớp người sống mà không biết rằng mình sống, một lớp người cùng với mình cách biệt vô cùng, cách biệt về vật chất, cách biệt về tinh thần, cách biệt như hai thái cực.
Tiểu thuyết thứ bảy, số 295,
Tết Canh Thìn, ra ngày 3-2-1940.

<< bó hoa quá đẹp | hoa "ti gôn" >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 871

Return to top