Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Rước Xuân Vào

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 909 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Rước Xuân Vào
Thanh Châu

- Lại mưa được rồi giời ạ!
Hai Tích nghe vợ vừa rửa bát vừa kêu như thế, tức thì anh đạp thốc cái cửa phên bước ra hè. Anh giơ tay ra ngoài trời nghe ngóng. Những hạt mưa bụi nhẹ như tơ bông rơi xuống bàn tay. Anh cười ha hả:
- Tiết xuân không mưa còn ra cái cóc gì!
Ban chiều ăn cơm cúng có rượu, Hai Tích “làm hơn một cút”. Tích không hay thế, nhưng thỉnh thoảng đi về mệt, anh ta cũng xin vợ mấy chén. Có rượu vào dễ ngủ. Cả đời, Hai Tích lúc nào cũng chưa được ngủ đẫy giấc. Có khi cầm dao cạo mặt cho khách anh ta cũng ngủ. Nhưng thần tình một cái là chưa cắt đứt tai đứt mũi người nào. Cũng như tài xế thuộc đường nhiều khi ngủ gà xe cũng không đâm xuống ruộng.
Một buổi, ở chợ Bưởi về, bạn đồng nghiệp rủ Tích vào hàng cơm đầu ghế Cửa Nam. Ở đây thường thì có dồi chó rất ngon, và ngày nào cũng có tiết canh lòng lợn.
- Bác sẽ nếm một cốc cái rượu thuốc ở đây, cứ gọi là hơn thuốc bổ, tha hồ ngủ.
Rượu thuốc? Mụ hàng cơm chế đấy. Cho một ít cam thảo vào, thế là rượu có màu và có mùi thơm.
Bạn làm xe cả ngày khắp Hà Nội, chiều đến đều quen vào đấy uống cho giãn gân trước khi về. Hai Tích cho là được lắm! Anh ta biết “uống” từ chiều hôm đó.

Tuy khắp bãi bờ sông lúc bấy giờ các nhà đã đóng kín cửa, nhưng nhà nào cũng có tiếng nói rì rầm. Hai Tích nghe như có bước chân ai đi về phía đê cao, và xa xa có tiếng hai mụ đàn bà đòi nợ chửi nhau, tiếng người, tiếng chó sủa ran. Anh thợ cạo sực nhớ rằng cái tết nhà mình đã đủ. Có hoa giấy ở bàn thờ, bánh chưng, tranh gà lợn, lại còn ít tiền trong đáy hòm, thế là sung sướng. Không ai “tần phiền” Hai Tích mà anh cũng chẳng cầu lụy ai. Ý nghĩ đó làm người đàn ông có chén đâm kêu ngạo, anh ta cười khanh khách và bỗng ngâm: “Tối ba mươi mở cửa rước xuân vào”.
Chỉ nghĩ được một câu như thế anh lấy làm bực. Hai Tích cũng không hiểu sao câu thơ đó ở đâu ra. Nhưng lúc này chị Hai Tích lại sực nhớ: đứa bé đẻ sau cùng chưa có áo tết.
Chị Hai Tích bận nhiều việc quá, bao nhiêu là việc, từ sáng đến chiều, chị nhớ làm sao xuể? Đáng lý ra chồng chị phải nhặc chị từ chiều chứ! Thế là bao tội lỗi chị quy cả vào chồng. Anh chồng đoảng, anh chồng vô vị, anh chồng chè rượu, năm hết tết đến còn say bét. Chị hét lên:
- Mày điên ruột lắm rồi!
Thấy chồng im người đàn bà hạ giọng: - Có biết gì không? Con Thu chưa có áo.
Hai Tích nhìn lên cái phản gỗ có ba đứa trẻ nằm co quắp ôm nhau ngủ, hai đứa con trai, một đứa con gái nhỏ. Ánh sáng chiếc đèn dầu tây vàng đỏ treo vách trải lên người chùng. Chúng ngủ rất say.
Hai Tích vớ cái khăn quấn cổ, lườm vợ mặt hầm hầm: - Làm cái nỡm gì mà bây giờ mới nói? Bỏ tiền đây!

Ra khỏi nhà, Hai Tích mới biết rằng trời lạnh quá. Tuy vậy, mưa bay vào mặt rất dễ chịu. Anh ta nhìn tứ phía, thấy dân cư trên bãi nhà nào cũng có ánh đèn. Anh nghe được cả tiếng nước sông Nhị Hà óc ách. Nhìn về phía thành phố sáng rực điện, anh thấy bờ đê cao quá, đen quá. Bờ đê như một bức thành ngăn cách bọn người ở phố và người ở bãi. Tối, tối mênh mông quanh người Hai Tích. Anh thu tay vào bụng và bước về phía ánh đèn, đường đi thấm mưa từ chiều trơn và lội.
Hai Tích đi đến Hàng Đậu thì rẽ sang Hàng Giấy, để xuống Hàng Đào. Anh ta biết chỉ ở đấy mới có bán đủ thứ người ta cần đến.
Chưa bao giờ Hai Tích được ung dung chơi dạo như đêm ba mươi tết này. Ngày thường buông đũa đã lăn ra ngủ. Đi làm về mệt còn đi đâu nữa, mà có đi chắc vợ cũng chẳng bằng lòng. Hai Tích đến phố Hàng Gai lúc nào không biết. Cái gì cũng ngắm, cũng cho là lạ mắt. Chốc lại sờ qua tờ bạc giấy nằm đáy túi áo trong, “nó” vẫn nằm yên ở đấy. Nhưng, không có cái áo trẻ con nào vừa ý, mà giá bán lại bằng số tiền trong túi của anh. Tủ kính sáng choang, các cửa hàng chưng bày biết bao nhiêu hàng đẹp nhất, bao nhiêu thứ xa hoa, khách đi đường ai cũng phải thèm, ai cũng phải dừng chân lại. Từng này tiền? Từng này tiền thi mua cái nợ gì? Hai Tích nghĩ đến người vợ chi li, keo kiệt ở nhà, và thấy bực. Anh không dám vào một cửa hàng nào hỏi giá nữa. Anh sợ người ta chế nhạo. Anh không quen mua bán như thế bao giờ. Đó là phần việc của đàn bà, của chị Hai, sao lại để anh đi?
Đến phố Hàng Bông, một tiếng nói to về phía tay phải làm cho Hai Tích giật mình đứng lại. Trên bậc cửa một hiệu núi tối tân, một người thợ cạo áo choàng khoác trắng tinh đang tiễn khách ra về. Người thọ đang còn trẻ, đầu chải bóng, lại đi giày, cúi đầu rất lịch sự chào người khách cuối cùng của một năm sắp hết.
Hai Tích nhìn rất chăm chú người đồng nghiệp, và thấy hắn không phải là một tay thợ cạo. Hắn khác mình đến chừng nào!
Hai Tích bỗng thấy trong lòng rầu rĩ quá. Hình ảnh Hai Tích, người thợ cạo rong, áo quần tiều tụy, xách một hòm gỗ đựng vuông khăn bẩn, con dao cùn, một cái “tông đơ”, một cái gương Tàu… hiện ra, đi thất thiểu trên các vỉa hè thành phố, các vùng chợ ngoại ô lầm bụi. Hai Tích rầu rĩ quá. Đêm ba mươi tết, cái nhà húi tóc tân thời sạch sẽ và làm dáng quá chừng! Hai Tích nhìn vào đấy như người ta nhìn một cảnh thiên đường. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến
sẫm chiều, người thợ cạo rong cũng đã làm cho thiên hạ tất cả độ vài ba chục cái đầu hóa ra mới mẻ. Chao là những cái đầu! Những cái đầu mới sạch làm sao! Những cái đầu ở ngã ba, ngã bảy, hôi hám và đầy gàu. Những cái đầu của trẻ sài, lở, bôi phẩm xanh, để cho ruồi họp chợ. Những cái đầu tóc cứng như đanh, để rụng xuống vuông khăn quàng cổ những đám gàu, cả những con chấy nữa.
Hơn bù kém, mỗi ngày mười cái, như vậy một năm trời, hóa ra anh đã húi chừng ba ngàn sáu trăm năm mươi cái đầu người tứ chiếng rồi ư? Con số ấy làm cho Hai Tích nổi khùng. Chừng ấy cái đầu mà phải húi đứng, phải cạo, phải ráy tai, không một chút nào nghỉ cả. Có thể phát điên!
Hai Tích không dằn được nữa. Anh sinh ra đời có phải để đi ngoài đường như vậy mãi ư? Anh thấy mình có thể còn làm nhiều chuyện khác. Hai Tích thọc mạnh tay vào túi áo. Tờ bạc giấy của vợ đưa vẫn nằm yên trong đó. Từng ấy tiền ư? Đi uống rượu với anh em cũng không đủ dính môi, nữa là mua áo! Cả năm sao không mua áo, lại để đến ngày tận tháng cùng này? Con bé có thể mặc áo cũ ăn tết, can chi phải làm tội bố?
Hai Tích đâm ra thù tất cả. Anh thấy mình khốn nạn quá, không có một chút sinh thú gì trên đời. Người ta thở hết không khí của anh. Người ta sống hết cả phần anh. Hai Tích nhớ đến cái quán cơm của người phu xe ở Cửa Nam.

Lúc người thợ cạo rong về đến bờ đê, đến chỗ rẽ xuống bãi thì trời đã
khuya lắm, mưa bụi vẫn bay xuống như chập tối. Đầu anh nặng như chì, anh đi xiêu vẹo từ bờ đường trái sang phải, mồm vẫn hát huyên thuyên. Tuy vậy có lúc nhớ đến vợ, và áo tết của con, cũng thoáng lo, nhưng chỉ lát sau anh lại thấy mình có quyền làm bất cứ sự gì. Đường đi trước mặt vắng tanh, nếu không anh có thể gây sự vớ bất cứ ai lúc đó. Nhưng, có tiếng người nào rên ghê gớm thế kia? Người hay quỷ mà giờ này còn lù lù một đống cạnh cái xe bò ai quẳng ở chân đê vậy? Tiếng rên như một con vật bị chọc tiết, một con chim lạ. Hai Tích phát rùng mình, trố mắt cố nhìn qua đêm tối. Anh đoán, đêm ba mươi hẳn đó là một tên gian phục đấy để “rình mồi”. Hay đây là một kẻ ăn mày vô gia cư, một thằng điên? Gần như tỉnh rượu, Hai Tích đánh bạo bước đến mấy bước, và tự hỏi:
- Mày sợ à? Sợ cái gì mới được, tiền thì uống rượu hết rồi, còn gì để cho ai ăn cướp? Không khéo ở đây có người sắp chết, sao mình lại bỏ đi?
Hai Tích nghe như ai nói trong đầu mình vậy, nào để xem ai… Anh đi từng bước thận trọng về phía xe bò. Ồ, đó chỉ là một người đang gục đầu vào càng xe mà nôn thốc nôn tháo. Một người say rượu nữa? Anh đặt tay run run lên vai người lạ. Bỗng người đó thấy động kêu lên:
- Các ông các bà mặc xác tôi, tôi ngủ ở đây, tôi thích thế đấy! Hai Tích bật cười, nhưng lại thấy mủi lòng:
- Hẳn lão ta có gì phẫn đấy!
Anh đập vào vai người lạ:
- Này, để tôi đưa về nhà nhé?
Người say cười rinh rích:
- Đưa tôi về thật chứ? Xin thề với ông là tôi chưa từng có một cái nhà… cả đêm nay nữa, tôi đếch có cần!
Hai Tích vốn là người có sức, mặc dù đang chếng choáng anh cũng cứ xốc nách người đó đứng lên. Hai cái bòng dìu nhau chập choạng trong đêm mưa ướt. Hai Tích nghĩ: “Không thể để lão này ngộ cảm chết như một con chó hoang ở bãi này… Ta đưa hắn về nhà, chắc chắn vợ ta không thích”.

Chị Hai Tích thu vén trong nhà xong ngồi ăn một miếng trầu. Nhưng chị nghỉ không lâu, chị không quen ngồi rỗi bao giờ. Chị đứng lên tìm mấy cái áo rách của chồng con, đó là thói quen của tất cả đàn bà suốt đời vá víu.
Gió lồng lộng từ phía sông lên, mưa rỗ trên mái lều càng nặng hạt. Chị Hai Tích thương chồng. Chị lo người ta bán đắt cho chồng, lo không đủ tiền mua nổi áo cho con, khéo mặc cả thì mua được chiếc áo len, con bé sẽ ấm hơn, nó sẽ mừng biết mấy!
Chị lại nghĩ: hắn thật thà quá, một đứa trẻ cũng đánh lừa hắn được.
Người vợ phó cạo đang tính vậy thì nghe có tiếng chân người bước vào nhà. Chị lắng tai và nhận ra tiếng Hai Tích đang hát như người hóa dại.
Cánh cửa mở ra, một mùi men ghê gớm bay vào mũi người đàn bà vất vả.
Chị Hai Tích run lên, chị hiểu rồi, chị hiểu rồi: người ta đem tiền của chị đi uống rượu với quân vô lại, uống mất áo của con rồi! Để cho hai người đàn ông vào nhà, chị chưa muốn nói gì vội. Chị nén giận xuống như người ta nén thuốc pháo. Chị dò xét người lạ, chị thấy hắn đứng sững như trời trồng giữa nhà và không cử động, đầu cúi gục. Chị nghĩ: nó không dám nhìn ta, nó sợ, ta sẽ đuổi nó đi ngay bây giờ.
Bỗng Hai Tích giơ tay ra mời người lạ:
- Bác ngồi xuống đây bác ạ, rồi chúng ta ăn một miếng gì cho ấm bụng… bác có uống nữa không… sẽ còn rượu cho bác uống, yên tâm, bác sẽ ngủ lại đây ăn tết với tôi…
Nói vậy, người thợ cạo nghển cổ nhìn lên bàn thờ, nhận ra lờ mờ một chồng bốn cái bánh chưng, một quả bòng, một đĩa cam ngô, vài đĩa bánh thờ, và rượu…
Người lạ mặt vẫn im, gục đầu xuống nữa và nôn ọe.
Chị Hai Tích nhảy chồm lên dữ tợn như một con muông đang có chữa, chỉ một bước chị đã tới gần chồng, chị hét vào tai người thợ cạo:
- Tiền đâu hả? Tiền đâu?
Hai Tích không thèm nói lại, anh kéo người “bạn mới” lại giường anh, cố ấn người lão ta nằm xuống chiếu. Làm xong việc ấy anh mới thọc tay vào túi áo, và quẳng ra mấy đồng xu còn sót lại.
Chị Hai Tích bò ngay ra đất và la trời. Chị kêu khóc, lu loa như trong nhà vừa có kẻ từ trần. Chị kể lể những chuyện mười năm trước, chị oán mẹ đã gã mình cho một kẻ thất phu, chị phân bua với hàng xóm rằng mình quả là một người đàn bà nhục quá, rằng gầm trời không có ai khổ hơn mình. Chị chạy băng ra bãi, tìm đến những chị em cùng cảnh.

Đêm đã khuya, nhưng chị Hai Tích không sao ngủ được. Chị vẫn lắng nghe tiếng ngáy của chồng nằm ngủ phục trên giường và càng thấy giận. Người lạ mặt nằm cứng đờ như một xác chết. Người đàn ông nằm không đắp chiếu. Chị Hai Tích thấy lo, nhỡ có thế nào… chị rón rén đứng dậy đi tìm đèn, rón rén đến gần người lạ nghe ngóng. Thấy lão ta còn thở, chị thấy mừng trở lại chỗ nằm.
Chị Hai Tích vẫn không ngủ được, nằm với một lũ con ba đứa tỏa hơi ấm trong đêm về sáng, chị nhớ lại những ngày hàn vi cực nhục của đời mình… Hai vợ chồng lấy nhau cùng xơ xác, vợ đi bán quà rong, chồng đi cạo… cái túp lều đầu tiên trên bãi… những ngày nhịn đói, những ngày thai nghén ốm đau, những ngày bồng con chạy lụt trên đê… nước sông Nhị Hà như máu đuổi dân cư ở bãi lên đê mỗi năm một bận, cái lều của chị tan tành… những người mất con, mất của than khóc chung quanh, ai cũng khổ cũng rách, cũng kêu trời… Chị Hai Tích ôm con ngồi đợi nước rút, đói khát, không còn sữa cho con… Hai đứa trẻ đầu lòng ngày nay đã lớn, một đứa đi đánh giày mũ thuê trong thành phố, một đứa theo trẻ làm xiếc trên xe điện, hai đứa đã kiếm được tiền… còn con bé út, lớn lên nó sẽ đi khâu hay đi bán hạt dẻ, hạt bí rang, nó cũng sẽ giúp được chị phần nào… trời sinh voi sinh cỏ… Con người cứ đắp đổi lần hồi, trời không để chết ai…
Hai Tích cựa mình nói mê lảm nhảm. Nhìn sang chỗ chồng nằm, chị bỗng thấy mình quá đáng: hắn làm ăn suốt cả năm… Chị lại đứng lên đi tìm chiếu đắp cho chồng, và cũng nhẹ tay đắp một chiếc khác cho người lạ mặt.
Người lạ mặt, hình như hơi tỉnh, lão ta cựa quậy như một con sâu, tự nhiên bật nói:
- Tôi xin phép hai bác, tôi đi ngay bây giờ không dám phiền hai bác…
Về bên phía giường Hai Tích, cũng có tiếng người thợ cạo cất lên, như đang nói với một khách quen vẫn cạo mặt thường ngày:
- Không dám, cụ lại nhà… cháu xin cụ thế thôi…
Chị Hai Tích suýt bật cười, chị mím môi cố nén, như thấy tiêu tán hết thảy giận hờn trong bụng. Chị đi nhóm bếp, đốt củi lên cho ấm cả nhà. Ngoài bãi, gió sông thổi vào các khe hở những túp lều trên bãi vi vu như sáo.



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 542

Return to top