Làng lở
Lê văn thảo
Trời trưa nắng gắt. Tôi ngồi ở bến xe chợ tỉnh đón xe về Sài Gòn. Ngồi chung với tôi dưới tàn cây trứng cá có bóng mát không lớn hơn tấm đệm là một ông trung tá - tôi không chắc lắm vì tôi không rành mấy kí hiệu quân hàm - trạc năm lăm năm sáu, tóc bạc hoa râm, người ốm, hai vai nhô cao lên, mặt đăm chiêu, nhăn nhó một cách khắc khổ. Ông ôm chiếc cặp vào lòng, còn chiếc túi xách không hiểu sao lại bỏ lăn lóc dưới chân. Bộ quân phục ông bận hơi rộng khổ đã sờn rách nhưng nút cổ, nút tay áo được gài kỹ càng. Cả hai chúng tôi đều ướt đẫm mồ hôi. Chiếc xe đò chúng tôi đã mua vé nổ máy rì rì nhưng chắc còn lâu mới chạy, tôi quá rành chuyện đó cứ thản nhiên ngồi đợi. Nhiều người khác trên chuyến xe cũng thản nhiên đọc báo, hút thuốc, trẻ con chạy giỡn hoặc ăn quà, đàn bà con gái tụm lại nhỏ to chuyện vãn. Riêng ông trung tá không ăn uống cũng không đọc báo, cứ chắc lưỡi hết coi đồng hồ lại ngó dáo dác như đang nóng ruột tìm kiếm cái gì. Nắng cứ gắt thêm mãi đổ sao lốm đốm trên mặt đường. Bến xe vào giờ trưa nắng vậy mà vẫn tấp nập, hành khách chen lấn xô đẩy nhau, dân bán hàng rong, bán vé số chào mời inh ỏi, đám lơ xe la thét cười giỡn, công an thổi còi, xe lôi quát tháo dọn đường đi, cả một mớ âm thanh loạn xạ, hỗn tạp quyện với không khí nghẹt thở vì nắng, vì bụi, vì mùi hôi thúi từ các cống rãnh bốc lên...
- ồn ào quá trời đất ! - Ông trung tá nói.
- Bến xe thì như vậy thôi. - Tôi đáp.
Có một đoàn khách mới tới chen đi vào, trông rõ là những người dân quê mùa ở vùng quê hẻo lánh, đủ già trẻ lớn bé mang vác đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh của con nhà nông. Đi đầu là một ông già đầu quấn khăn mỏ rìu, chắc cũng đến bảy mươi, tóc bạc trắng, mặt khô quắt lại nhưng tay chân rắn rỏi. Ông già rảo bước đi tới trước ngó bến xe, ngắm nghía hàng xe đậu trước mặt, rồi quay lại dặn dò chỉ bảo đám người đi theo sau. Ông trung tá thờ ơ nhìn đoàn người, coi đồng hồ rồi lại ngó chừng chiếc xe đang nổ máy rì rì. Bỗng ông như sực nhớ ra điều gì, quay phắt lại ngó đăm đăm vào ông già quấn khăn mỏ rìu, trán nhăn lại rồi đứng dậy ôm sát chiếc cặp da vào lòng đi bươn tới, bỏ quên chiếc túi xách dưới chân tôi. Đoàn người nông dân lục tục đi vào gian nhà đợi xe, chia thành từng cụm ngồi quây lại với nhau, đồ đạc để chính giữa, ai nấy đều lấy khăn lau mồ hôi, nói với nhau những câu chuyện rời rạc, đứt quãng. Ông già quấn khăn mỏ rìu đứng lại bên ngoài một chút quát tháo dặn dò thêm điều gì đó rồi cũng bước vào theo. Tôi thấy ông trung tá mất hút trong đoàn người nông dân rồi lại thấy ông xuất hiện bên cạnh ông già. Hai người nói gì với nhau, có vẻ to tiếng vì đám đông quá ồn. Tôi xách chiếc túi của ông trung tá đi lần tới, khi đã tới gần sát bên tôi mới nghe được loáng thoáng câu chuyện của họ.
- Có phải ông là ông Tám Đấu nhà ở làng T. không ?
Ông trung tá hỏi giọng như quát.
- Hả ? - Ông già quát trả lời.
- Tôi muốn hỏi thăm... Hồi xưa tôi có ghé qua đó ...
- Cái gì ? Nói lớn lên, tôi bị lãng tai.
- Tôi nói hồi xưa có lần tôi đã ghé qua làng T. của ông, lâu lắm rồi, đã hơn hai mươi năm rồi...
- Làm gì còn làng T. nữa, nó ở dưới sông hết rồi.
- Sao ? Chuyện gì kỳ vậy ?
- Nó bị lở chớ sao, đâu có chuyện gì kỳ. Nó ở ven sông, nhằm khúc sông lở, chuyện thường thôi mà.
- Lở hết sao, không còn nhà nào sao ?
- Lở hết, không còn nhà nào hết - Ông già nói với giọng khoái trá - Tụi tôi là những người có nhà cuối cùng bị lở đây. Cái gì ? Nó lở làm sao hả ? Thì nó lở ầm ầm suốt ngày đêm vậy thôi, chuyện của đất trời mà.
Có một tốp khách du lịch ăn bận sang trọng, máy ảnh đeo trước ngực nói tiếng nước trong nước ngoài vang rần khiến tôi không nghe được câu chuyện của hai người nữa. Tôi quay sang nhìn đoàn người nông dân, và thấy hết vẻ nghèo nàn của họ : ai nấy đều ốm yếu, xanh xao, quần áo rách bươm, vá chằng vá đụp, đám con nít không thể gọi chúng bận quần áo nữa mà như mang giẻ rách trên người. Có một chị phụ nữ bận chiếc áo rách hở cả ngực và chị cứ thế cho con bú. Có một bà già bận chiếc áo vải kaki của bộ đội và một người đàn ông thì bận chiếc áo cánh của phụ nữ. Ông trung tá đã ngồi sát vào ông già và giọng hai người đã dịu bớt.
- Thật kỳ quá ! Ông trung tá chắc lưỡi.
- Cái gì kỳ ? Ông già hỏi.
- Chuyện làng lở tôi thấy kỳ quá. Hồi đó tôi cũng có thấy nhiều nhà bị lở rồi nhưng tôi không ngờ nó lở mau như vậy. Xin bác lể lại từ đầu coi !
- Từ đầu nào ? - Ông già cười hề hề, có vẻ khoái trí vì được kể chuyện - Đã nói rồi không có đầu đuôi gì hết, nó cứ lở ầm ầm vậy thôi. Coi vui lắm chú em ơi ! Nhứt là về mùa mưa nước chảy xiết, đêm đến cứ nghe nhà này nhà kia kêu cứu, đốt đuốc chạy tới thì thấy nhà con Hai Nọn bị sụt mất cái bếp, cái chuồng heo cũng bị sụt luôn trôi mất con heo nái. Rồi lại thấy nhà ông Năm Mừng nghiêng đổ xuống nước, ông ta cứ ở trong nhà chổng mông la mà không làm sao ra được. Một bữa có đám thanh niên tụ tập lại một nhà nhậu nhẹt, căn nhà đã nghiêng sụt một nửa rồi mà chúng cứ nhậu thả cửa, vậy rồi nghe ầm một tiếng, chạy tới thấy căn nhà trôi lình bình giữa sông, chung quanh đám thanh niên lội loạn xạ như bầy chuột.
Ông trung tá hỏi, giọng âm thầm :
- Nhưng không ai bị sao chớ ?
- Hả ?
- Tôi muốn hỏi có ai bị chết đuối không ?
- Chết thì cũng có - Ông già đáp - Đó là nhà thiếm Hai Sương góa chồng, con cái chết hết trong chiến tranh, thiếm ở với đứa cháu nuôi mười hai tuổi, căn nhà thiếm đã nằm cheo meo từ lâu rồi nhưng thiếm lo tảo tần mần ăn, bữa thì đi mót lúa, bữa khác đi hôi đìa, vừa lo bữa ăn sáng xong phải lo tới bữa ăn chiều còn đâu thì giờ lo chuyện nhà cửa. Cho tới một hôm nghe ầm một tiếng tụi này đốt đuốc chạy đến không thấy nhà đâu nữa, người cũng không, mấy ngày sau cũng không thấy có gì nổi lên. Vậy là hai bà cháu đã chết mất xác rồi, thiệt thấy thương quá chừng - Ông già quay sang hỏi người đàn ông ngồi bên cạnh - Nè Chín Mân, mày có nhớ lần nhà thiếm Hai Sương bị lở không, thấy thương quá không ?
Người đàn ông đang bận ràng lại cái giỏ đồ, đáp cụt ngủn :
- ờ thương lắm, thương lắm !
Ông trung tá hỏi tiếp :
- Vậy làng xóm không có kế hoạch gì sao ?
- Hả ?
- Tôi muốn hỏi chánh quyền không có kế hoạch gì giúp đã bà con dời đi hay sao ?
- Dời đi đâu ? Chú em không biết chớ làng tụi này nghèo lắm, mần ăn đầu tắt mặt tối chỉ đủ ăn, nhà cửa có từ bao đời cứ thế mà ở, đôi năm một lần có dư dả lắm cũng chỉ thay được mái lá tấm phên. "Một lần dời nhà ba năm chết đói", dời đi đâu, tiền đâu mà dời ? Rồi lại còn vườn tược ở đó, mồ mả ở đó, thôi thì chuyện trời đất tới đâu tính tới đó thôi.
Ông trung tá cúi đầu trầm ngâm. Ông già bèn quay sang tôi bắt chuyện :
- Phải không chú em, chuyện trời đất biết đâu mà lường. Mà chú em biết rành chuyện sông nước này không cái đã?
Tôi đáp là tôi không rành nhưng cũng có biết chút đỉnh, riêng chuyện làng lở cũng có nghe nói nhưng bây giờ mới được nghe người trong cuộc kể chuyện. Tôi hỏi :
- Còn nhà bác như thế nào, nó bị lở ra làm sao ?
Ông già được dịp hào hứng kể :
- Nhà qua hả ? Qua có gì đâu phải lo, con cái đi tứ tán hết rồi, chỉ còn cái nhà nhỏ xíu như cái chòi giữ vịt cứ chờ cho nó sụt thôi. Đêm đó qua ngồi hút thuốc tới nửa đêm, chợt nghe có tiếng nước chảy ào ào dưới sàn nhà, qua đốt thêm một điếu thuốc nữa chờ cho tới khi cái nhà rung rinh, rồi từ từ trôi đi, nó trôi nhẹ tênh như giề lục bình vậy, qua cứ ngồi hút thuốc rung đùi chờ nó trôi tới đoạn sông có nhà người quen, qua tháo chiếc xuồng cột sẵn sau sàn nước bơi vô bờ, dễ ợt như người ta đi đò dọc vậy.
Chắc ông già có thêm thắt chút đỉnh nhưng tôi nghe thấy cũng vui. Ông trung tá thì mặt càng sa sầm. Ông già thấy vậy bèn quay sang gợi chuyện :
- Chú em nói có ghé qua làng tụi này, vậy chú em ở nhà ai vậy ?
- Tôi tình cờ ghé qua thôi. Tôi đi công tác bị giặc bắn chìm ghe lội tấp vô được một nhà, gặp một người... Bác có biết nhà cô Huệ không ?
- Là con gái hả ?
- Dà, nhưng bây giờ cũng già rồi, đã hơn hai mươi năm rồi còn gì. Bác ráng nhớ giùm coi, nhà cô ấy ở đầu làng, phía trước có cây gừa lớn lắm.
- ừ, để qua ráng nhớ lại coi - Ông quay sang người đàn ông đang ràng cái giỏ - Mày có nhớ con Huệ không hả Chín Mân ? Con Huệ hồi xưa là con gái nhưng bây giờ già rồi. Không nhớ hả ? Chà, lâu quá rồi, nhà cửa sụt lở lung tung làm sao nhớ hết được - Ông quay sang đám nông dân - Nè bà con có ai còn nhớ nhà con Huệ nào đó không ? Ráng nhớ coi, có người muốn tìm nó đây nè.
Một chị phụ nữ lên tiếng :
- Phải cô Huệ bán quán không ? Nhà đó thường cho bộ đội ở nhờ lắm.
Người đàn ông ràng cái giỏ nói :
- Nhà nào cũng có cho bộ đội ở nhờ hết.
Ông trung tá nói :
- Không phải bán quán, cô ấy làm nghề dệt chiếu.
Chị phụ nữ nói :
- Vậy thì không biết. Làng tụi tui có nhiều nhà cho bộ đội ghé ở nhờ lắm. Ông già an ủi :
- Chú em ráng tìm đi rồi thế nào cũng gặp thôi.
Ông trung tá nói như phân trần :
- Tôi đã định về từ lâu rồi nhưng bận việc quá, với lại tôi đâu ngờ làng bị lở mau như vậy.
- Đâu có ai ngờ, chuyện của trời đất mà - Ông già vừa nói vừa theo dõi hàng xe đậu trước mặt - Chỉ có điều nó lại nhằm cái làng nghèo của tụi này. Thôi số trời đã định phải chịu vậy thôi, không ở được chỗ này thì ở chỗ khác - Ông chỉ hàng xe trước mặt - Tụi này đang đi xuống Miệt Thứ, ở dưới đó người ta đang khẩn hoang, đất rộng người thưa nên có lòng kêu tụi này xuống. Chà, nhưng không biết rồi sẽ sống như thế nào đây, đương ở bên bờ sông ầm ầm nước chảy giờ lại tới xứ đồng khô cỏ cháy.
Người đàn ông ràng giỏ càu nhàu :
- Đâu cũng là đất nước mình, chẳng ai bỏ mình chết đói đâu.
Đám con nít bu lại nghe chuyện thấy không có gì hay bèn quay sang trầm trồ chiếc quân hàm của ông trung tá:
- Bằng vàng thật phải không bác ? Bác đi bộ đội lâu lắm phải không ? Ôi bác già quá !
Ông trung tá gượng cười, mặt càng thêm có nhiều vết nhăn :
- ừ bác già rồi, nhưng có thời bác cũng còn trẻ. Hồi đó bác lội được qua cả con sông rộng để đến làng của các cháu.
Có người báo là xe sắp chạy. Tức thì mọi người chộn rộn lên, trẻ con kêu réo nhau, người lớn thu vén lấy đồ đạc, phụ nữ ôm con vào lòng. Ông già chạy tới lui đôn đốc, quát tháo :
- Coi đừng bỏ quên cái gì nghe không. Đếm kỹ lại cuốc xẻng, tới nơi là phải dùng liền đó. Ai bỏ quên mấy tay lưới đây, không muốn ăn cá hả ?
Ông quay sang ông trung tá :
- Thôi chào chú em nghen. Chú em đã ghé qua làng của tụi này rồi thì coi như người nhà, mai mốt mời chú tới làng mới của tụi này chơi.
- Nhưng bác với bà con ở đâu ? Xã nào ? Huyện nào ?
- Đâu biết, cứ xuống dưới đó rồi tính. ở đâu cũng là bà con thôi mà.
Đoàn người bắt đầu đi, kéo thành một hàng dài, những món đồ nặng phải kéo lê dưới đất. Ông trung tá đứng lại ngơ ngác rồi vội chạy bám theo ông già :
- Vậy làng T. không còn nhà nào hả ? Bị lở hết rồi hả ? Ôi rủi cho tôi quá ! Tôi tính về thăm lại bao nhiêu lần rồi mà chưa kịp về. Cũng tại tôi cứ lần chần hoài...
- Ai cũng vậy thôi, trời bắt cứ phải lu bu hoài cho tới chết thôi.
- Nhưng tôi biết tìm cô Huệ ở đâu ?
- Hả ?
- Hồi đó tôi quen cô Huệ chỉ có mấy ngày rồi ra đi không kịp nói gì cả, đến nay đã hơn hai mươi năm rồi tôi cũng không được tin tức gì.
- Chuyện trời đất mà, hợp tan là lẽ thường.
- Tôi biết làm sao đây ?
- Đâu biết làm sao, thôi chào chú em nghen !
Xe bắt đầu chạy, ông già bám lên cửa chiếc xe sau cùng, đưa tay vẫy ông trung tá. Ông trung tá cũng đưa tay vẫy lại. Bụi tung mù mịt, khi tan bụi thì đoàn xe mất hút. Ông trung tá đứng tần ngần một lúc rồi quay trở lại giành lấy chiếc túi xách trong tay tôi. Từ đó cho tới lúc về tới Sài Gòn ông trung tá không nói gì, cứ ngồi yên nhìn thẳng ra phía trước.
3 - 1991