Trong các nhơn vật sớm ra đời, cúc cung làm quan cho Pháp, đáng kể là: Tôn Thọ Tường, Cai tổng Du, Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, tri phủ Trần Bá Lộc, tri phủ Nguyễn Trung Trực, tri huyện Đỗ Hữu Phương, thống ngôn Joannès Liễu, Paul Lương và Loan (theo ông Khuông Việt, "Tôn Thọ Tường", trương 60).
Đời ông Tôn Thọ Tường và tâm sự của Tôn, nhà văn Khuông Việt đã viết thành sách. Những ông kia cũng thời thế đẩy đưa, thêm nói ra e "bứt dây động rừng". Tôi chỉ ghi lại đây những nhơn vật "nẩy lửa", nhưng tạm giấu tên…
1/- Ông thứ nhứt xuất thân "đội" rồi thăng tri huyện, tri phủ, rồi lại về hưu "hàm Tổng Đốc".
Mộ ông nay ở tỉnh Mỹ Tho, ai đi tàu gần tới xứ sản xuất cam ngon là thấy sừng sững trước đầu doi ngay khúc ngã ba sông hùng dũng.
Ông là người giữ đạo Thiên Chúa, vì căm thù vua Tự Đức bắt đạo, nên sớm ra giúp Pháp và lập rất nhiều công lớn, nhưng về già lại bị Pháp bỏ rơi. Ngoài Bắc Hà có Hoàng Cao Khải, trong Nam là có ông. Nhơn vật nầy đã từng cùng với một nhơn vật nữa là Nguyễn Thân, khét tiếng miền Trung, cả hai đồng thủ vai tuồng "đánh bạt Mai Xuân Thưởng" vùng Bình Định.
Lính Pháp và quan võ Pháp đánh cùng binh Văn Thân cù nhầy trót một năm trời mà bình không nổi giặc. Người Pháp muốn mua chuộc nhơn tâm, nửa cương nửa nhu, khi chùng khi thẳng và không nỡ xuống tay độc thủ. Pháp bắt được địch quân thì giam vào ngục thất là cùng. Giam mãi ngục thất dẫy đầy người yêu nước, cho nên thét quan Pháp phải viện đến ông. Ông ra quân chỉ có mấy tháng mà dẹp yên vùng Thuận Khánh (Khánh Hoà, Bình Thuận).
Ông là người khô ráo dong dảy, môi mỏng, cặp mắt có sát khí. Ông bắt được địch thủ, nhứt quyết không cầm tù và chỉ chặt đầu y quân lịnh: chém người như chém chuối, chém không chừa con đỏ. Các ông già bà cả, nay nghe nhắc tên ông, đều thảy lắc đầu. Chính toàn quyền Paul Doumer đã hạ một câu xác đáng: " Việc ấy đã biết dư, cố nhiên là phải vậy! Nếu muốn (nhơn nghĩa) và chớ chi còn kế hoạch nào khác, thì thà đừng sai hắn cầm binh…".
Ngày nay còn nghe nhắc đến những phương pháp quá bạo tàn:
Để đối phó với các địch binh không khứng ra quy thuận và thường ẩn mình nơi thâm sâu cùng cốc, có một cách tuyệt đối:
Sai bắt cha mẹ vợ con của người ấy, đóng gông cầm tù. Một mặt bố cáo trong ngoài kỳ hạn bao nhiêu ngày, phải ra nạp mạng. Bằng không thì:
- Cha, mẹ, và vợ, bêu đầu làm lịnh;
- Trẻ con thì bỏ vào lòng cối giã gạo, sai lính dùng chày lớn quết như quết nem!
- Đối với phạm nhơn tội không đáng chết, có khi cũng cho thân nhơn lãnh về. Mà đây là một đau lòng khác nữa.
Trò chơi ác độc là bỏ người đàn ông vào nóp lá nóp bàng, mỗi người một nóp may bít đầu đuôi, chỉ chừa một lỗ để lọt "bộ đồ kín" ra ngoài, đàn bà nào nhìn được "của riêng" thì lãnh được chồng về!
Néron là bạo quân tàn nhẫn, Lê Ngoạ Triều cũng bạo chúa xú danh, còn chưa nghĩ ra việc này!
Có một hôm, ra đường nghe một đứa nhỏ lên năm, chưởi cha mắng mẹ. Sai bắt đứa trẻ, bỏ nhịn đói suốt ngày, xế chiều sai lính đưa cho trẻ một chén cơm canh và một đôi đũa thứ đời xưa, một đầu xanh một đầu đỏ. Đũa này thường dùng đầu đỏ và cơm, đầu xanh chỉ dùng khi có tang. Đứa nhỏ cầm đũa so ngay ngắn, để đầu đỏ xuống dưới, cẩn thận. Lên án: tuổi thơ mà đã có trí khôn. Phàm đã khôn thì không phép mắng chưởi người sanh đẻ ra mình: Quết! Quết cho tuyệt những thứ phản cha phản mẹ!
Chuyện không đích xác, không dám chắc có quả như vậy chăng, chép ra đây như một tài liệu buổi trà dư, không quên đánh dấu hỏi thật lớn (?)
Dẹp xong giặc, được thăng Tổng Đốc và được ban Đệ Tam Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh (Commandeur de la Légion d Honneur), nhưng chim dữ hết thì ná treo đầu tường, Pháp ngán nên không dùng nữa.
Năm 1899, toàn quyền Doumer thân hành từ Sài Gòn đỗ đường xuống nhà thăm, thì đã gần miền, chỉ mấy tháng sau là nhắm mắt. Lạ kỳ là trối trăng dạy "chôn đứng". Ma chay linh đình mấy chục ngày dài, mỗi bữa ngả bò vật heo thết trên ngàn miệng ăn. Quan tài đặt xuống huyệt có lính tập bồng súng chào, đủ mặt quan Lang Sa dự đám (Paul Doumer. -Souvenirs, trương 59-62).
Con trai ăn học bên Pháp, về làm quan ít lâu, cũng khét tiếng như cha, bây giờ chợ Sa Đéc nhà vuông làng Tân Quý Đông còn truyền tụng câu liễn:
" Tân thị Mỹ Thành, chánh bổ Lục Na công sáng tạo,
Quy dân lạc lợi, Huỳnh đường Trần Bá Thọ kinh dinh "
Có dịch tập"Nhị Thập Tứ Hiếu" ra Pháp văn và Quốc ngữ. Sau ra làm hội đồng quản hạt (conseiller colonial), dám ăn dám nói, Doumer nhìn nhận người Pháp cũng không bì. Buồn rầu việc tư, tự tử bằng súng lục.
2/ - Nhơn vật thứ hai của đất Sài Gòn, là một hàm Tổng Đốc có tên đặt một con đường thị tứ nhứt tại Chợ Lớn.
Có tiếng là "hiền" hơn ông kia. Người nẫm thấp, phốp pháp, râu bạc le the, râu mép để ngạnh trê vuốt sáp nhọn quớt như cặp sừng trâu. Về già ưa đón đưa tân khách Pháp đãi rượu sâm banh (champagne), cho ăn bánh Petit beurre thứ de Nantes chánh hiệu.
Nhà dọn nửa Tây nửa Ta, năm căn đố lương thành vọng gỗ quý chạm lọng khéo léo, trước nhà có sân rộng chưng toàn cây kiểng gốc (cây thế), ngó mặt ra một con kinh nay đã lấp. Doumer tả hình trạng đã viết một câu ngộ nghĩnh: "Người ông giống hệt nhà ông: ngoài bày y phục Pha Lang Sa, trong giữ phong tục bản xứ".
Ngôi nhà nầy nay đã dỡ, đất thì bán cho khách Tàu xây nhà chọc trời làm tửu quán, cao lầu và rạp ciné. Chỉ chừa một khuỷnh để làm nơi thờ phượng. Mấy chục năm về trước, cờ bạc còn thạnh hành, vua đổ bác, "Thầy Sáu Ngọ" nhiều tiền, mướn đấy làm chỗ hốt me ăn thua ức vạn. Nghĩ cho con cháu rân rát, đỗ đạt thành danh, mà từ đường chứa đầy tiếng thô tục, nước bọt và đờm xanh, có phải chăng là căn quả?
Tiếng rằng "hiền", là hiền hơn ông kia, chớ xét ra một đời mâu thuẫn: lấy một tỷ dụ là đối với Thủ Khoa Huân. Che chở cũng y, đem về nhà đảm bảo và cấp dưỡng cũng y, mà rồi bắt nạp cho Tây hành hình, cũng y nốt.
Xuất thân hộ trưởng, biết chữ Nho, sớm ra đầu và làm tay sai đắc lực cho Pháp.
Thưở ấy, nói tiếng Tây, ba xí ba tú, đâu có "ngon lành" như đời giờ. Sự ấy cố nhiên. Nhưng có một giai thoại như sau, tôi chép ra, nhưng xin cô bác đừng hỏi nhiều vì không bảo lãnh đúng sự thực.
Tương truyền vào một dịp đầu xuân, đem dâng cho một quan Lang Sa quà Tết: một con dê xồm bép mỡ kịp đút lò đêm giao thừa. Quan hỏi: "Con gì? Ông cho tôi con gì đó?"
Quýnh quá quên phứt, không nhớ rõ "bouc" hay "chèvre", thôi thì tả hình dạng nó cũng được: "Luỹ" "mêm xối xiên" "dà na bắp" "dà na cót" (même chose chien, il y a barbe, il y a corne). Câu này đúng nguyên văn hay chăng, tôi không dám chắc. Điều tôi dám chắc là quan đút lò "dê xồm" ăn ngon lành và từ đó câu kia đã để đời trở nên bất hủ. Gần đây trong Nam còn ưa nói với nhau thành ngữ "mêm xối xiên" để thế từ ngữ "đồng một thể như nhau".
Một giai thoại nữa:
Tết Nguyên Đán. Nhà ấy ra câu đối có treo giải thưởng. Câu đối ra như vầy:
"Đất Chợ Lớn có nhà họ Đỗ,
Đỗ một nhà: "ngũ phước tam đa"
Không biết quả thật chăng, về sau có người gởi đến câu đáp như vầy, nhưng không nhận thưởng:
"Cù Lao Rồng, có lũ thằng phung,
Phun một lũ: "Cửu trùng bát nhã".
Cố nhiên không ai dám nhận mình là tác giả câu này. Người chép ra đây càng cẩn thận hơn, không cam đoan câu ấy do ai đã học lại.
3/ - Nhơn vật thứ ba, kịch liệt nhứt thời, là Huỳnh Công Tấn.
Người tỉnh Gò Công, nay còn thạch trụ trước chợ bêu danh. Ban đầu chống Pháp, sau về làng, dâng lễ ra mắt bằng cách bắn gãy xương sống ông Lãnh binh Trương Công Định. Pháp ghi công cất nhắc lên Lãnh Binh tân trào.
Khi lâm chung, ông Tôn Thọ Tường điếu:
"Phúc qưới thị thảng lai, oanh liệt hùng tâm khinh nhứt trịch,
(Giàu sang ấy thoáng qua, lừng lẫy hùng tâm khinh một ném,
Tiếng tăm đành chẳng mục, chê khen công luận phú ngàn năm).
Con trai là Huỳnh Công Miêng, du học bên Pháp, về xứ lúc đầu theo Phủ Trần Bá Lộc, đánh với giặc "Văn Thân" ngoài Thuận Khánh. Sau này nghĩ sao không rõ mà không nhận chức gì, chỉ ngao du ăn xài theo bực công tử. Đi khắp Lục Tỉnh, đi đến đâu, ưa đánh lộn bênh vực người mắc nạn, hết tiền vô quan Tây "mượn xài". Quan nể tình cũ ông cha, hằng trợ giúp và dầu phạm pháp cũng không bắt tội. Khi chết được đời nhắc tên trong "vè Cậu Hai Miêng" với danh từ ngộ nghĩnh " lưu linh miễn tử". Chí ngày nay, ông già bà cả gặp ai hành động ngang tàng mà không bị tội, ưa nói: "bộ thằng đó làlưu linh miễn tử hay sao mà! "
Đó là những nhơn vật xuất thân võ biền. Còn sau đây là những nhơn vật biết thừa cơ hội trở nên cự phú, hoặc giữ chí thanh cao cam tâm làm học giả suốt đời, tuy nghèo nhưng trong sạch và được kính mến.
4/- TRẦN NGƯƠN VỊ
Người tỉnh Long Xuyên, Bát Phẩm cựu trào, tục danh "Ông Hạp". Sang triều Pháp, thăng lần Đốc phủ sứ. Sở dĩ ghi tên lại đây vì là thân sanh vị trạng sư đầu tiên nước Nam. Trần Ngươn Hanh, đã từng dạy Hán học Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des languages Orientales), và vì có nhà trên đường Trần Hưng Đạo cận nhà ông Tôn Thọ Tường ở mé sông đường Cầu Kho.
5/ TRƯƠNG VĨNH KÝ, tự SĨ TẢI
TRƯƠNG MINH KÝ, tự THẾ TẢI
HUỲNH TỊNH CỦA, tự TỊNH TRAI.
Đây là ba nhà học giả trong Nam, tiểu sử nhiều nơi đã ghi rõ ràng nên không chép lại.
Ông Sĩ Tảinhà ở chỗ nền nhà bà Đốc phủ Phải, đường Trần Hưng Đạo, nơi đây là xưởng dạy cắt may cắt y phục Âu Tây (trại Yên Thế).
Ông Thế Tải,dòng dõi ông Trương Minh Giảng, là người từng cầm binh oai trấn xứ Cao Miên, nhà ở đường Đoàn Thị Điểm, con cháu còn rân rát.
Ông Tịnh Trai,người Phước Tuy (Bà Rịa), xuất thân thông ngôn chữ La Tinh, có nhờ ông Tôn Thọ Tường chỉ biểu thêm chữ Nho, tác giả bộĐại Nam Quốc Âm Tự Vị , nay còn hữu dụng, nhà trên xóm Tân Định.
Ba ông minh triết bảo thân, gần bùn chẳng nhuốm mùi bùn, không ham "đục nước béo cò" như ai, chỉ say đạo lý và học hỏi, sống đất Tào mà lòng giữ Hán, thác không tiếng nhơ, thấy đó mà mừng thầm nước nhà những cơn ba đào sóng gió còn hiếm người xứng danh học trò cửa Khổng.
Nghĩ cho tay dao tay súng làm nên sự nghiệp như những nhà kia, nhưng khi nhắm mắt, sự nghiệp hoen ố lụn bại, sao bằng một ngòi bút, một nghiên mực, sự nghiệp văn chương trường cửu của ba ông tiền bối này mới thật quý và thơm.
6/- Sài Gòn có bốn nhà giàu gộc: nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Nhứt Sĩlà ông Lê Phát Đạt. Người Cầu Kho, thuở nhỏ tên Sĩ. Nhơn qua học La Tinh ở Cù Lao Pénang gặp thầy dạy trùng tên nên đổi lại là Đạt. Tuy vậy đời vẫn quen gọi theo tên cũ (Nhà Thờ Huyện Sĩ).
Xuất thân thông ngôn chữ La Tinh. (Thời ấy, đào tạo nhơn viên thông thạo chữ và tiếng Pháp chưa kịp, nên phải dùng người ở trường Nhà Dòng ra, học chữ La Tinh, chữ Hán, và chữ Quốc Ngữ do trường Pénang (có lưu gót cũ của Bá Đa Lộc) do các thầy tu dạy và điều khiển). Ông làm việc nhiều năm tại tỉnh Tân An. Tương truyền buổi đầu, Tây mới qua, dân cư tản mác, Pháp phát mãi ruộng đất vô thừa nhận, giá bán rẻ mạt mà vẫn không có người đấu giá. Thế rồi, ép nài ông, ông bất đắc dĩ phải chạy bạc mua liều, nào ngờ vận đỏ, ruộng trúng mùa liên tiếp mấy năm liền, ông trở nên giàu hú. Trong nhà, có treo câu đối dạy đời:
"Cần dữ kiệm, trị gia thượng sách,
"Nhẫn nhi hoà, xử thế lương đồ".
Khi từ trần, xác chôn giữa Thánh Đường Chợ Đũi, do ông xuất tiền - trên ba mươi muôn bạc, bạc thời ấy - và hiến đất xây nên.
Nhì Phương- Tức Đỗ Hữu Phương Chợ Lớn. Đã nói rồi nơi đoạn trước. Sự nghiệp trở nên đồ sộ nhứt nhì trong xứ, phần lớn do tay phu nhơn Trần thị gầy dựng. Bà giỏi tài đảm đang nội trợ, một tay quán xuyến trong ngoài, làm của đẻ thêm ra mãi, lại được trường thọ, mất sau chồng.
Tam Xường -Tục danh "Hộ Xường", tên thiệt là Tường Quan, tự "Phước Trai", gốc người Minh Hương. Thông ngôn xuất thân. Sớm sớm xin thôi, ra lãnh thầu cung cấp vật dụng thức ăn cho thị xã. Nhờ khéo tay thêm phùng thời, cự phú không mấy hồi. Còn nhà thấp năm căn nửa xưa nửa nay toạ lạc đường Khổng Tử. Vòng rào sắt trước ngõ chứng rằng mặt tiền ngó ra kinh có lẽ trước kia cao ráo, nay kinh đã lấp, thế vào đây là một con đường cái, thềm lộ bồi đất cao hơn sân nhà, thành thử sân như sâu xuống và vuông nhà đã thấp nay lại càng lụp xụp.
Chủ nhà mất đã lâu.gia tài kếch xù, con cái nhiều giòng, phần ăn chia chưa xong.
Tứ Định là Hộ Định -Làm Hộ trưởng, họ Trần (?) Nhà ở khoảng giữa đường Trần Thanh Cần, gần dốc cầu Palikao một đầu và chợ Quách Đàm một đầu. Ngôi nhà năm căn trệt chạm trổ thật khéo, cột cẩm lai bóng ngời ngó thấy mặt; trong nhà vật dụng từ khí từ cái bàn, cái ghế, cái đôn sành đều có vẻ cũ xưa. Mấy năm trước chính mắt tôi còn thấy làu làu vững chắc tuy khuỷnh vườn sân trước đã bị cắt xén sát mặt tiền nhường chỗ làm thềm và đường cái nay mở rộng nên lấp kinh. Gần đây, vì đất chợ cao giá nên tuy nhà lập làm phần hương hoả mà con cháu đã bán và dỡ đi. Thay vào đó là một dãy phố lầu tiệm buôn khách trú. Phần hoa lợi tuy có thêm, nhưng thiệt hại phần cổ tích từ đây và cứ theo đà nầy, đô thành Sài Gòn ngày một mất dần những dấu vết xưa.
Sau đây, tôi xin lựa và kể tiếp vài nhơn vật bản xứ có tánh cách thật điển hình, để rồi bắt qua khảo về nhơn vật ngoại quốc, chớ tự xét không đủ tài và cũng không tiện trong một tập nhỏ khảo về Sài Gòn, mà liệt kê cho đầy đủ những người cũ của bản xứ Sài Gòn xưa, một lẽ là như thế công việc sẽ rườm rà mất hứng thú, lẽ khác là làm lạc hướng tập khảo cứu này.
Nhơn vật điển hình, theo tôi, tưởng nên kể sơ quý ông:
- Một nhơn vật đại diện nhóm trí thức, ông Diệp Văn Cương.
- Ba nhơn vật đại diện nhóm kinh doanh thương mãi và kỹ nghệ: Đinh Thái Sơn, Nguyễn Văn Của, Nguyễn Văn Viết.
- Các nhà văn và nhà báo đặc sắc.
- Một vài thân hào có tiếng tăm.
7/ - Đại diện điển hình nhóm trí thức là ông Diệp Văn Cương,tự Thọ Sơn, về sau thấy ký tên các sách xuất bản lấy hiệu "Yên Sa"" vì ông quê quán làng An Nhơn (Gia Định). Thưở nhỏ tân cần khổ sở, nhưng học hay. Sớm đỗ bằng trung học, chánh phủ Pháp cấp học bổng cho sang Pháp học tập thêm, đỗ tú tài đôi, trở về dạy trường Chasseloup-Laubat, tục danh "Trường Bổn quốc". Toàn quyền Paul Bert mến tài đưa ra giúp việc ngoài Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đức Đồng Khánh chọn làm thầy, dạy vua học. Một bà công chúa, con đức Thoại Thái Vương Hồng Y, để mắt xanh và hạ sanh ông Diệp Văn Kỳ. (Diệp Văn Kỳ là một nhà báo kỳ cựu trong Nam, đỗ cử nhơn Pháp, dám ăn dám nói, sau theo Nhựt và chết không tên tuổi, tiếc thay). Vua Thành Thái nối ngôi cho ông về Nam. Về đây ông làm Đầu Phòng Phiên Dịch nhiều năm vì ông có Pháp tịch, thêm làu thông Hán tự, văn pháp của ông khỏi nói, đời ấy là số một! Gần tuổi về hưu, ông trở lại dạy Sử học và Việt văn trường Chasseloup-Laubat như trước. Kẻ viết bài này khi còn học lớp dưới, đã từng đứng nghe lóm ngoài cửa và ân hận không được thọ giáo cùng ông. Khoảng năm 1919, dạy sử học, ông lấy Sử Diễn Ca Lê Ngọc Cát ra bình chú, dạy Việt Văn ông đã biết đem những đoạn xuất sắc trong Kiều, Lục Vân Tiên, và Chinh Phụ Ngâm ra giải thích cũng là mới lạ. Người ông nẫm thấp hùng vĩ, lịch duyệt Bắc Nam, ông ngâm thi sang sảng, nói tiếng Tây rất "giòn", bình sanh sở thích hát bội, roi chầu bóng bẩy rất mực phong lưu, tuồng hát nằm lòng, cô đào anh kép phục sát đất! Vãn hát ông rước luôn đào để cả y phục và áo mão về nhà hát lại ông thưởng thức riêng.
Tánh tình cứng cỏi, thẳng thắn, quen việc xưng hô chốn triều đô. Học trò rắc rắc phải gọi "Quan Lớn", nhưng thưở ấy không lấy đó làm chướng tai. Nực cười những sĩ tử trường T. qua dự thi bằng thành chung gặp ông giám khảo, chúng gọi Diệp tiên sanh bằng "ông", tiên sanh cười gằn: "Về hỏi Ch. mầy dám gọi tao bằng "ông" hay chăng, hà huống là mầy?" Tuy vậy ông không tiểu tâm và học trò trường lạ đáp trúng, ông cho điểm tộc bực. Được chỗ hay là thường thích kiếm chuyện gây gổ với người da trắng, lấy đó làm sung sướng, và luôn luôn cử xử địch thể với quan "mẫu quốc", không nhịn bước nào. Tây tà đều ngán và lánh ông vì sợ ông làm mất mặt.
8/- Ba đại diện thương mãi, ấn loát, khuếch trương kinh tế thì đặc sắc nhất là có:
- Đinh Thái Sơn:Ông gốc người Nghệ An vào Nam thuở nhỏ. Cha mẹ theo đạo Thiên Chúa đã nhiều đời. Ông xuất thân học nghề đóng sách tại nhà in Thánh đường họ Tân Định. Ông nhờ ông Trương Vĩnh Ký thương nên xin giùm cho lãnh đóng sách của Kho Sách chánh phủ. Vì ông Câu Toán gả con gái cho, về sau nhớ ơn, lập nhà in và bán sách, sửa xe "máy", sửa súng, sửa đèn manchon, lại cũng lãnh mua giùm những món hàng Sài Gòn cho thân chủ ở Lục Tỉnh, gởi hàng theo Nhà Dây Thép bằng cách lãnh hoá giao ngân mới mẻ dân ta chưa mấy người biết sử dụng. Nhà sách "Phát Toán" ở đường d Ormay, về sau ông nhường cho bạn là ông Joseph Nguyễn Văn Viết, ngày nay còn phát đạt và ở y chỗ cũ. Đinh Thái Sơn tách ra hùn vốn với ông Lê Phát An, có ông Lê Văn Nghi làm đại diện, mở ba căn "Ấn Thơ Cuộc" tại đường Catinat số 157 và dịch hai chữ "Đồng Hiệp" ra tiếng Pháp lấy hiệu "Imprimerie de l Union".
Về sau, nhà in "de l Union" sang tên cho ông Nguyễn Văn Của, từng dưới làm nhà sách, trên lầu cho mướn phòng ngủ. Sau rốt nhà in "de l Union" từ 157 đường Catinat, dời qua nhà mới tạo ở gần trường học Taberd, ngó mặt qua hông Sở Bưu Điện Chánh. Nay đã đổi làm nhà buôn ngoại quốc.
- Nguyễn Văn Viết- Ông Jh. Viết bước vào thương trường công nghệ từ năm 1900. Kế đó ông nối nghiệp ông Đinh Thái Sơn, in truyện đóng sách, cần cù nhiều năm gầy dựng sự nghiệp lớn để lại cho con cháu tiếp tục cho đến ngày rày.
- Nguyễn Văn Của -Thưở nhỏ kiệm cần khổ sở. Từng nghe nói lại rằng lúc ấu thơ, ông không ngần ngại xách đèn lồng theo chị đi bán rong đêm khuya mới đủ sống, cơ cực vô ngần. Thế mà mấy chục năm sau ai ai cũng biết danh ông. Một đặc sắc nữa là cho đến ngày tỵ trần ông chỉ làm "Ông Huyện Của" (tước Hàm) và đào tạo rất nhiều Phủ và Đốc Phủ danh dự. Ông là thân sinh tướng Nguyễn Văn Xuân (trào Bảo Đại).
9/ - Nay kể qua các nhà văn, nhà báo kỳ cựu nhứt trong Nam,nhớ vị nào thì viết ra đây, không nhứt định sắp theo thâm niên cùng thứ tự, thì đại khái thưở ấy có:
- Gia Định Báolà xưa hơn cả. Ra đời 1 tháng 4 năm 1865 dưới sự điều khiển của ông Ernest Potteaux, qua đến 16 tháng 9 năm 1869 giao về ông Trương Vĩnh Ký, ông là tổ nghề báo quốc văn ta vậy. Ngộ hơn hết là trong cái ô chừa đợi chữ ký của người quản lý, thưở ấy không dịch"gérant" là"quản lý" mà viết là"kẻ làm nhựt trình".
- Phan Yên Báodo Diệp Văn Cương biên tập.
- Nông Cổ Mín Đàm, ra đời năm 1901. Lương Khắc Ninh tự Dũ Thúc làm chủ bút, rồi lần lượt đến Gilbert Trần Chánh Chiếu, Tân Châu Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Viên Kiều bút tự Lão Ngạc, Nguyễn Đồng Trụ, Lê Văn Trung, Nguyễn Thành Phương phụ bút, v. v…
- Nữ Giới Chungcủa bà Sương Nguyệt Anh, con gái Đồ Chiểu, sau về tay Nguyễn Thành Út làm chủ bút.
- Thông Loại Khoá Trình (Miscellanées)của ông Trương Vĩnh Ký (1888-1889), chuyên về sưu tập các áng văn Nôm xưa;(sau đổi tên lại là "Sự Loại Thông Khảo").
- Nhựt Báo Tỉnh.
- Nam Trung Nhực Báocủa Nguyễn Từ Thức, chủ bút; Lê Sum, phụ bút.
- Đông Pháp Thời Báo,trước chủ bút là Nguyễn Kim Đính, sau giao về Diệp Văn Kỳ, (con cụ Diệp Văn Cương), ít lâu đổi làm tờThần Chung, dưới sự cộng tác đắc lực của nhóm Nguyễn Văn Bá, giáo sư xuất thân trường Sư Phạm Hà Nội, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Đào Trinh Nhất, Trần Huy Liệu, Phan Khôi, v.v…
- Công Luận Báocủa Nguyễn Kim Đính.
- Phụ Nữ Tân Văncủa Nguyễn Đức Nhuận và nhóm Phan Khôi.
Rồi đến những nàoTrung Lập Báo (Phi Vân Trần Văn Chim);Nhật Tân Báo 1926 (Cao Hải Để);Sư Phạm Học Khoa (nhà in Nguyễn Văn Của);Trong Khuê Phòng (Lê Thành Tường 1934, chủ bút: Lương Đình Thiệu) v.v… Ngoài các tay viết báo, còn những ông túc nho ẩn sĩ, kẻ chuyên tâm dịch truyện Tàu, người soạn tiểu thuyết; Trần Phong Sắc tự Đằng Huy, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương (thân phụ Nguyễn An Ninh), Nguyễn An Cư (thúc phụ Nguyễn An Ninh, cũng một tay hốt thuốc có danh), Nguyễn Viên Kiều tự Lão Ngạc, Nguyễn Thành Phương (người Trà Vinh), Lê Hoằng Mưu tự Mộng Huê Lầu, Nguyễn Thành Úc, Lê Sum tựa Trường Mậu, v.v… Những người nầy ưa tựu góc đường Thủ Khoa Huân, tại nhà hàng Cửu Long Giang (Pháp gọi là Hôtel du Mékong) hoặc tại khách sạn Nam Hồng Phát trên con đường Lê Lợi. Cốc ắp xanh hai cắc bạc, bữa cơm Tây vì vèo bốn món tám cắc, rượu tính riêng (vin mousseaux hiệu Veuve Amiot chỉ có chín cắc một chai lớn). Nguyễn An Khương có nhà trên Hốc Môn, đứng lập tiệm Chiêu Nam Lầu, từng dưới Cô của Nguyễn An Ninh đứng cắt may áo dài, từng trên chứa khách đến tá túc, phần đông là hội viên kín của nhóm"Đông Kinh Nghĩa Thục" và phe Cường Để. Thưở chúng tôi mới chơn ướt chơn ráo lên Sài Gòn khoảng năm 1919, còn thấy mỗi chiều dạng một người đàn bà trọng tuổi, dong dảy dễ coi, đứng trong phố sai trẻ, hoặc ngồi trên sập ván cắt cắt may may. Hỏi ra mới biết được đây là cô ruột của Nguyễn An Ninh. Nay bà đã vui chơi tiên cảnh, nhà phố bà ở, nhớ mài mại thì một dãy với các tiệm Chà bán vải, lối rạp chớp bóng Nguyễn Huệ hiện thời. Tiếc thay chỗ nầy không được kỷ niệm lại bằng một tấm "lắc" cẩm thạch để đời, gương một tiết phụ biết ái quốc thương nòi, tấm "lắc" không cần dài dòng, miễn viết,"Đây là chỗ cũ tiệm Chiêu Nam Lầu từng chứa nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục" (19…19), tưởng như vậy cũng đủ!