Ngày nay nhắc lại thì toà Hành cung đã không còn duy cứ theo dấu tích để lại thì lọt giữa đường Thống Nhứt hiện tại. Địa điểm phủ tướng suý, tức là dinh Tả quân, truy ra thì ở gần nhà linh mục Bá Đa Lộc và gần bộ Ngoại giao hiện thời (đường Alexandre de Rhodes) chạy dài ra sau dinh Tổng thống (dinh Thống Nhất hiện giờ) - vì thế cho nên cái hoa viên Tao Đàn xưa tách ra còn mang tên riêng là "Vườn Ông Thượng". Còn tư dinh của Tả quân phu nhơn (tộc danh: bà Đỗ Thị Phẫn) thì lọt trong vòng rào dinh. Về vườn Tao Đàn, danh từ Pháp xưa gọi "vườn Bồ rô". Nội cái tên Tây này, thú thật tôi cũng không rõ điển tích rành rẽ. Có người cắt nghĩa chỗ ấy xưa có làm một cái "préau" (sân chơi trường học hay tu viện) hoặc "bureau" (văn phòng) gì đó, cho nên dân ta dựa theo bèn chế ra danh từ "Bờ Rô" để gọi làm vậy. Thiết tưởng thà tôi chịu dốt, mặc người cười, còn hơn lòe các học hữu và nhóm thanh niên bằng một cách giải nghĩa gượng ép và không căn cứ. Tiếc cho một di tích vừa hơn trăm năm mà đã phai mờ trong trí nhớ của người trong nước. Riêng theo tài liệu của ông giáo Trần Văn Xường, do ông Lê Ngọc Trụ thuật lại, thì "Bờ Rô" có lẽ do "Moreau" ta đọc trại đi, và cứ theo ông Xường "Moreau" là tên của người quản thủ Pháp đầu tiên được cắt chăm nom vườn này. Dẫu thế nào, theo tôi danh từ "Bờ Rô" chưa được diễn giải một cách ổn thoả. Nhưng dầu chi đi nữa, ta không nên cắt nghĩa càn bừa. Tiện đây tôi yêu cầu các học giả nên thận trọng lời diễn luận chẳng khá làm tàng bịa đặt tên "nhà thương Đầm Đất” (như trong một tờ tạp chí kia), trong lúc dưỡng đường Grall được cât xây trên một đồn đất thật sự, ai ai cũng rõ biết, và cũng không nên vì thấy gần Sài Gòn có những chợ: "Ông Lãnh", "Bà Chiểu", "Bà Điểm”, “Bà Hom", "Bà Rịa", "Bà Đen” rồi đề quyết Năm Bà vốn là thê thiếp của ông Lãnh binh nọ. Tội chết đa! Tuy người mất rồi không nói được, chớ còn người cố cựu nữa chi? Bạn thân tôi, ông Sơn Nam có kể cho tôi nghe gần Cái Bè, trên con đường đi về Hậu Giang, có một khúc quanh gọi “Khúc quanh ông Cọp”. Nhiều học giả chưa gì vội nói hớt, cắt nghĩa: "Xưa ở vùng ấy, cọp rất nhiều, nên dân bản xứ lấy đó đặt tên". Theo ông Sơn Nam chịu khó điều tra kỹ càng; rõ lại mấy chục năm về trước hãng bán tủ sắt hiệu "BAUCHE" có quảng cáo cho thứ tủ này bằng một bảng lớn dựng tại khúc quanh đó; trên bảng vẽ hình một con hổ to ngồi chồm hổm trên đầu tủ, một tay thò xuống cố cạy nắm tủ "BAUCHE" (nhãn hiệu "con cọp") cạy hoài mà không sao cạy được, đủ biết tủ sắt kiên cố bực nào. Dân quê trong vùng qua lại tháy bảng vẽ cọp nhan nhản tại khúc quanh, trong khi nói chuyện bèn gọi tắt chỗ ấy là "khúc quanh ông Cọp". Chuyện chỉ có bấy nhiêu, không nên lắm sự!