Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Sài Gòn năm xưa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 32665 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Sài Gòn năm xưa
Vương Hồng Sển

Phần 6 - 1


Đây phải đâu chỉ có bọn dọn bàn làm bá chủ tại Sài Gòn thưở giao thời, khi Tây mới qua. Tiếp theo còn những giới đặc sắc nhứt - (xin xem Thơ Nam Kỳ và Thơ Nam Kỳ tiếp, bản in Nhà Dòng Tân Định năm 1903).

1/ - Đây là bọn hầu cận các quan Tây

"Nực nồng những kẻ hoài thinh!

Tiếng Tây không biết, tưởng vinh trong đời,

Áo vân quần nhiễu dạo chơi,

Đồi mồi lược diễu, giắt phơi trên đầu,

Xa Tào (?) Soái phủ ở đâu,

Vườn hoang múa gậy, người hầu cậu quan…"


(Thơ Nam Kỳ, trương 15)

 

Áo quần bằng vân nho xuyến nhiễu, toàn những thứ đắt tiền, phải hạng ăn to xài lớn mới dám dùng. Lược giắt đầu tóc làm bằng vảy đồi mồi có diễu vàng là trang sức cực kỳ sang trọng thưở xưa, đến năm 1915 còn thấy dùng, nay đào mả cổ còn gặp.

Xa Tàođây chắc là xa giá hầu Tào Tháo (tiếng nói điệu hát bội).

Hoài thinh. Có phải chăng:"Hoài" là mang,"thinh" là thanh danh; hoài thinh là "mang danh"?

2/ - Và đây là mấy thầy thông ngôn ký lục

"Các ông tham biện đương đàng,

Tiếng Nam người biết, điếm đàng khó qua;

Ông nào chẳng biết tiếng ta,

Ở ngoa ủ bổ, nói ra nói vào,

Quê mùa làng xóm chú nào,

Tới dinh hầu việc đã nao hết hồn.

Nên hư nhờ tiếng thông ngôn,

Đưa lên cũng phải, lấp chôn bao nài".


(cùng trương 15)

 

Lúc ban sơ, trong Nam Kỳ, Tây đào tạo người giúp việc bằng cách tuyển lựa học trò lớp nhứt các trường tỉnh, đem về Sài Gòn dạy dỗ tại trường d Adran (chỗ trường Taberd bây giờ). Sinh viên được ăn ở tại trường, thêm lãnh phụ cấp mỗi tháng và xà bông giặt đồ, giày, y phục kiểu Tây mỗi năm mấy bộ: o bế như vậy, mà lúc đầu ít người dám xin học vì còn sợ triều đình ta trở lại nắm chánh quyền. Một cậu con nhà giàu tỉnh Gia Định, mướn người đi học thế cho mình, sau nầy cậu trở nên "tên bán quán cơm tại cầu tàu Sốc Trăng", còn anh học trò khó chễm chệ là ông chủ quận châu thành, Đốc phủ sứ. Sinh viên trường d Adran thi ra trường, ai đậu số cao được tự ý lựa: nếu ham ăn lương lớn (sáu đồng bạc con Ó) (piastres en argent décorées de l Aigle Mexicain) thì bổ làm thầy giáo dạy học, bằng như ham làm thông ngôn (tuy lương kém hơn, có bốn đồng bạc con Ó, nhưng còn trông cậy nơi tiền cửa sau, tiền "lì xì" và lễ lộc bưng mâm), còn lại những người không đậu nhưng hạnh kiểm tốt thì đều được thâu dụng vào các sở mới tạo lập: trường tiền, nhà dây thép, sở hoạ đồ, v.v…) Xưa thầy "thông ngôn" oai lắm: chức làm "interprète" khi "đứng bàn ông Chánh" (thông dịch viên của Tham biện chủ tỉnh) thét ra khói, khi "khi đứng bàn ông Phó ", làm tay sai và thông dịch viên cho Phó tham biện, hét ra lửa, ngày sau thầy thông ngôn đủ năm làm việc được thì một kỳ nữa rồi được bổ làm Huyện lên Phủ, rồi Đốc phủ sứ, làm chủ quận, đại diện cho quan Pháp trong một vùng, "oai như giặc", "oai thấu trời", oai hơn ông ghẹ"!

 

Vì kiêng nể nên dân tặng vợ các vị ấy chức "cô thông", "cô huyện". Chức ký lục ban sơ gọi làm vậy, nhưng sau đổi lại là "thơ ký" tức "secrétaire". Lúc đầu thơ ký chuyển trong hàng học trò lớp nhứt, chưa đỗ đạt, không cấp bằng, nhưng học lực khá, viết chữ thật đẹp và ít lỗi lầm. Vì kém vế hơn thông ngôn, nên dân ban chức "thím ký S". hoặc "thím S". cho bà vợ, đồng một hạng với mấy thím vợ các chủ tiệm Tàu trong Chợ Lớn. Đến khi chức thông ngôn đặc biệt chỉ dùng để gọi các thông dịch viên bên Toà Án (interprète des tribunaux), các thầy thông bên Toà Bố đều liệt vào sổ "secrétaire" (thơ ký), nhưng phân biệt ra "thơ ký chánh ngạch, ngạch soái phủ" (secrétaire du Gouvernement), lãnh lương quản hạt và "thơ ký địa hạt" (thầy ký tỉnh, lãnh lương làng) (secrétaire régional). Khi ấy, các thím vận động và đồng hè lên chức "cô ký" rắp rắp!

 

Dân đời trước, đi hầu quan Tây, bên Toà Án thì chưa có trạng sư, bên Toà Bố ít có tham biện sành sỏi tiếng Việt, và mỗi mỗi đều trông cậy nơi thầy thông ngôn, cho nên dân sợ "thầy" hơn sợ "ông râu ria"! Thông ngôn tiếng mất tiếng còn, lợi hại vô cùng. Có lễ vật thì việc vạy hoá ngay, không lễ không tiền thì dân thấy thua kiện trước mắt. Có khi vì bất tài, mấy thầy thông ngôn đời trước giết người không cần dao bén. Câu toà hỏi: "Demandez au condamné s il préfère les travaux forcésou la peine de mort?" Dịch không suy nghĩ câu ấy hoá ra: "Toà hỏi anh muốn Toà kêu án khổ sairồi chết chém hay không?" vì thầy nghe lầm "…et la peine de mort".Ở ngoa ủ bổ - Tôi không hiểu trọn câu. Duy biết "ủ" là "hữu", "bổ" là "vô" (tiếng Tiều). Còn "ở ngoa" có phải "au revoir" chăng?

3/ - Và đây là các "vợ Tây", "me Tây" thời ấy

" Lâm cơn nhờ có "Chị Hai"

Đưa vào liệu việc, bẩm ngài mới an

Xem qua chẳng có, hứ ngang (vì chẳng có tiền kèm theo)

Làm lơ chẳng bẩm cho làng làm ơn

Đáng vì thúc bá làm cơn

Mầy tao, quát nạt, quăng đơn vội vàng.


(chương 15)

(Nhơn tâm đời nào cũng vậy).

 

4/ - Còn đây là về mấy chú dọn bàn đã kể trên

"Đáng thương mấy chú dọn bàn,

Nhiễu điều, giày vớ, xinh xang với đời,

Đứa nghèo bắt chước làm hơi,

Tuy người quân tử sánh chơi không bằng.

Ra vào làm bộ hung hăng,

Xét ra mới biết là thằng dọn cơm!

Kìa bầy thúi địt còn thơm!!!


(trương 15 -16)

 

5/ - Đây là bọn gái buôn hương

bán phấn thời ấy

"Một đêm chẳng biết mấy chồng,

Chà Và, Ma Ní cũng đồng "lội" qua!

Ngày thì hớn hở vào ra,

Ai ra xem thấy: Chị Ba ngoắt vào.

Đẹp lòng tạm bạn liễu đào,

Cửa quyền thong thả chú nào bẩm thưa.

Coi ai thất thế thơ mơ,

Thấy không cung kính vào thưa vội vàng:

Để tao nói với ông quan,

May ra kẻ nghịch, khám đàng chung thân,

Ai mà chẳng nghĩ thiệt hơn,

Muốn chi đặng nấy, chẳng đơn từ gì!


(trương 17)

(Hạng gái nầy đời nay vãn còn)

 

6/ - Lại đây là bọn hạ cấp khiêng gánh

xách đồ cho bà đầm,cho ông sơn đá, hay ông đầu bếp

được Tây cưng, tục danh

"ba nhe" = panier

"ban bù" = bambou

"Khiến nên con đĩ phải vì,

Ba nhe lũ ấy có gì lung lăng,

Theo Tây đội thúng mua ăn,

Trả nhiều bớt ít, chưởi ngang không vì;


(trương 17)

 

7/ - Thêm bọn lính gọi "lính tập" thời ấy (tirailleur).

" Nhiều bề khó nói long đong,

Ở gần lính tập hết trông ăn làm,

Đi đâu có lũ có đoàn,

Rượt gà, bắt vịt, phá hoang bí bầu,

Bán buôn chúng đã lắc đầu,

Mười tiền trả bảy, ai hầu dám kêu!


(trương 17)

 

8/ - Sau rốt là lính ma tà, ma ní, và mà tà tét

"Đời ôi nhiều nỗi bợn nhơ;

Ma tà có chú hay quơ hay quào,

Giận ai gươm súng phao vào,

Báo quan nhà nghịch, vây rào xét coi.

Quan bèn tưởng thật dấu noi,

Phú sai đi bắt xét lòi súng ra.

Đặng tang rồi mặc ý ra,

Quơ đồ ráo cạo đoạn già dẫn đi…


(trương 18)

 

Nhân vật tuy đổi chớ nhơn tâm ấy vẫn còn, cổ kim không khác mấy.

Đoạn già… Đoạn= rồi thì; Già = gông.

Đoạn già dẫn đi nghĩa là: rồi thì đóng gông dẫn đi.

***

Cái "mốt" ăn mặc hồi Tây mới qua cho đến trận Âu Châu đại chiến 1914-1918 thì: thầy thông thầy ký, những người còn thủ cựu, gọi "phe theo Nho", thì áo dài xuyến đen, khăn đóng "Suối đờn", giày Hạ Châu đế lót lông ngựa, gọi theo Quảng Đông là "giày mạ mị" (mã vĩ), hoặc giày "hàm ếch thêu cườm chữ ngẫu" đặt tại Gò Công. Mấy thầy tân tiến gọi "phe theo Tây", thì bận áo bố trắng cổ đứng, nút tra chuỗi hổ phách, đầu đội nón "casque Secrétaire" của hiệu Paul Canavaggio sản xuất, là bảnh tẻn nhứt hạng rồi, chân đi thêm giày "ăn phón" (en France), tay xách dù lục soạn đen, cán sừng trâu, thì lại "bảnh quà xa quá xá". Khi nào được chụp hình đứng bên Quan lớn Chánh thì cổ thắt "cà ra oách" (cravate), diện áo "u hoe" (veston ouvert), tay lo le điếu xì gà tàn, thì duy có mấy cô mấy ỷ đời ấy biết cho.

Các tay dọn bàn, nấu bếp hầu cận "Ông To" thì nịt dây nịt nỉ chống một gang tay, tám nút đen phơi trước bụng, quần lục soạn trắng không vận, thời ấy chưa có dây lưng rút, lưng quần xổ ra kéo phủ lên dây nịt, gọi "vận quần theo kiểu quần bàn", đó là tay tổ, khuyên ai đừng ngó lâu mà ăn thoi bất tử.

Nấu bếp, dọn bàn thì đầu chít khăn nhiễu trắng, giắt lược đồi mồi, còn như mấy ông mấy thầy tự ví như bậc nho sĩ, thì chít khăn thanh (lụa xanh), chớ cũng không ai dám vượt bực chít khăn nhiễu điều, trừ phi mấy ông già bà cả gần xuống lỗ thì dùng khăn đỏ mà vẫn được châm chế, không ai nói gì.

Các ỷ, các ý trong Chợ Lớn thì đầu bới tóc thả bánh lái "ba vòng một ngọn", ăn trầu tích toát, để móng tay dài và mỗi lần xỉa thuốc thường vảnh ngón tay cho người ngoài thấy mình có cà rá hột xoàn bự hay bộ nhẫn vàng quấn kiểu "cửu khúc liên hườn". Trên vai mấy ỷ thường giắt vào một khăn vằn Nam Vang dùng để lau trầu, khác với mấy cô vợ Tây thì quấn chuỗi hột vàng gần gãy cổ, tay đeo kiềng vàng kiểu "nhứt thi nhức hoạ" thêm mặc áo mớ ba mớ bảy, tóc xức dầu thơm chánh hiệu "Cô Ba".

Thú phong lưu thuở ấy là chiều chiều ngồi xe song mã đánh một vòng "Lăng Tô" (Láng Thọ nói giọng Tây), hoặc ngồi xe kéo bánh cao su đặc, ra bến tàu hóng mát. Nếu không bài bạc thì xem hát bội.

Vả lại kép hát chầu đó cũng là một nhơn vật đáng kể, nhờ mấy ỷ, mấy thím bao bọc nên không thua người thợ bạc có tiếng là dám ăn dám xài, không kém mấy chú dọn bàn đầu bếp ông Tây.

Miệng thế gian ăn mắm ăn muối mà độc địa, đã ghi hạng tầng lớp xã hội như sau:

"Mười giờ Ông Chánh về Tây,

Cô Ba ở lại, lấy thầy Thông ngôn"


(Biết đâu mặc dầu Ông Chánh còn tại vị, họ đã cảm nhau trước rồi).

Nhưng kết duyên cùng dân thầy là để cầu sang, sao bì:

"Thông ngôn, ký lục, bạc chục không màng,

Lấy chồng thợ bạc, đeo vàng đỏ tay!"


Dọn bàn, kép hát, thợ bạc, người nào cũng đua nhau lược đồi mồi, ống đót nanh heo, nhưng người chủ lò khéo tay làm gì cũng gác trên một bực: lược diễu vàng, hoặc sợi dây chuyền đồng hồ quả quít cũng vàng, hấp dẫn khác nào có ngải mê bùa lú.

Thỉnh thoảng anh kép hát bảnh trai, nhờ giọng tốt, mắt liếc đưa tình, đã chiếm trái tim cô gái nửa mùa. Bằng cớ là còn lại bài thi như sau:

Vịnh Kép Hát Bội

Nhỏ mà không học lớn làm ngang

Trống đánh ba hồi đã thấy quan!

Ra rạp ngồi trên ba đứa hiệu,

Vô buồng đứng dưới mấy ông Làng.

Mượm màu son phấn ông kia nọ,

Cổi lớp cân đai chú điếm đàng.

Tuy chẳng ra chi nhưng cũng sướng:

Đã từng trợn mắt lại phùng mang!!

Tú Quỳ


(Chương Dân Thi Thoại, 1936, Huế, tr. 12)

Trong tập thi thoại kể trên, Phan Khôi tiên sinh nói rõ rằng bài thơ này là tác giả làm ra cốt ý để chỉ trích ông Nguyễn Duy Hiệu khởi binh Cần Vương ở Quảng Nam, nhưng ông thường "ỷ chức quan mà lung lạc bạn đồng sự ". Biết Tú Quỳ thì ắt Phan Khôi (Chương Dân) biết rõ hơn tôi rồi, việc ấy khỏi phải nói. Việc đáng nói là trong bài thơ "Kép Hát Bội", tôi nhận kỹ rất có thể Tú Quỳ mượn cớ trách mát ông bạn Nguyễn Duy Hiệu, nghĩa hiệp có thừa, nhưng còn kém đức độ, quân tử, luôn thể Tú Quỳ lấy cớ vịnh kép hát mà móc lò bọn quan "nhảy dù" thưở ấy, thơ làm được như vậy mới đắc thể cho!
Câu nào câu nấy ăn sát đề tài "Kép Hát Bội", nhưng kỳ trung người bàng quan hiểu ngầm biết Tú Quỳ muốn nói ai nữa kìa. Nào! "Nhỏ ăn học không ra gì, lớn theo Tây tà rồi Tây phong chức cũng "ông kia ông nọ". Những buổi tiệc tùng đình đám thì ngồi vếch đốc trên ba anh hương chức quèn, sướng thật, nhưng sao bì khi chầu hầu các ông bụng bự, khúm núm dưới bệ khó coi làm sao! Đành rằng "ông kia nọ" là bề ngoài, chớ bề trong khó che đậy cái dốt của chú điếm đàng vẫn phơi rành rành trước mắt mọi người. Hỏi thử con nít lên ba nó cũng biết bao nhiêu đó là Tú Quỳ mô tả hình dạng bọn "nhảy dù" chứ gì. Câu "Đã từng trợn mắt lại phùng mang" mới là chưởi thiên hạ! Sướng con ráy quá!

<< Phần 5 | Phần 6 - 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 956

Return to top