Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Gần mười bảy tuổi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9978 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Gần mười bảy tuổi
Mai Thảo

Chương 9

Tôi không muốn tỏ lộ nỗi buồn của mình, sợ Hường buồn hay bị chạm tự ái. Nhưng tình cảm của tôi như thế nào, Hường đều như nhìn thấy, như con người tôi với Hường là một khối thuỷ tinh trong suốt không che giấu được điều gì.
"Anh lại buồn?"
Tôi mệt mỏi:
"Lúc nào anh cũng buồn".
"Không bao giờ có chuyện gì làm anh vui được?"
Tôi cười nhạt, nhớ lại một câu thơ. Đọc lại câu thơ đó cho Hường nghe:
"Vui đi mau, buồn ở lại lâu dài".
Hường ngẫm nghĩ rồi hỏi:
"Anh sẽ tìm gặp lại Thu Hà?"
"Không".
"Tại sao?"
"Tại anh không muốn gặp ai hết".
Hường cười:
"Kể cả em?"
"Em, anh cũng chỉ muốn gặp một lúc nào đó. Như lúc này. Cho anh đến một tiệm ăn. Sau đó, anh sẽ tìm thuê tạm một phòng khách sạn, ngủ một giấc. Anh cần ngủ một giấc thật dài".
Thấy tôi không thích nói chuyện nhiều, Hường cũng không hỏi gì thêm nữa. Hường rất được ở điểm này. Chừng nào thấy sự có mặt của nàng là thừa, không cần thiết, làm tôi khó chịu, nàng lặng lẽ rút lui ngay. Hường là một trong những người đàn bà duy nhất không thích làm phiền. Khi thấy mình là thừa, không bao giờ Hường tự chấp nhận cho mình là sự thừa thãi ấy. Chúng tôi đến một tiệm ăn sáng, vắng vẻ và có máy lạnh, Hường gọi đồ ăn, lặng lẽ nhìn tôi ăn uống. Tôi cắm đầu ăn thật nhanh. Xong, chúng tôi đến một khách sạn. Trong người tôi, không có một đồng xu nhỏ. Hường trả cho tôi một tháng tiền phòng, đưa tôi lên tận phòng.
Nàng nói:
"Bây giờ em về cho anh ngủ nhé".
"Ừ, để cho anh ngủ".
"Bao giờ em lại?"
"Lúc nào cũng được. Chiều, trưa, nếu em muốn".
Thấy tôi nói thế, Hường vui hẳn lên. Nàng hỏi:
"Anh cần tiền không?"
Tôi gật. Hường đưa tiền cho tôi. Nàng nói:
"Anh ở tạm đây thôi. Rồi về ở với em".
Hường phăng phăng nói đến chuyện cùng sống như vợ nói với chồng. Nói một cách thật tự nhiên, thật ngon lành như vấn đề đó mặc nhiên phải đến, dĩ nhiên phải xảy ra. Tôi thì đã có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn về cái mà người đời gọi là hôn nhân và gia đình. Tôi không đem lại may mắn và hạnh phúc cho một người đàn bà nào. Ngược lại, cũng vậy. Đàn bà không đem lại may mắn cho đời tôi. Marlène với tôi, sự khởi đầu tốt đẹp, hứa hẹn biết chừng nào. Đó là một cuộc hôn nhân có bởi tình yêu. Chúng tôi yêu nhau, tìm hiểu nhau suốt một thời gian dài, tới lúc đã tâm đầu ý hợp lắm rồi, mới trao vào tay nhau nhẫn cưới. Ấy thế mà cái trái hạnh phúc tưởng là hồng hào chín đỏ ấy đã rụng xuống. Và hôn nhân là một lỗi lầm tai hại. Đến Thu Hùa nữa, cái gì đã xẩy ra, lại tái diễn. Sự thảm thê còn phi lý hơn. Thu Hà. Thu Hà của mối tình đầu, Thu Hà của lần yêu thứ nhất. Thu Hà của một thứ hương thơm tâm hồn tưởng không bao giờ phai lạt, của một trùng phùng làm chảy nước mắt. Của một tái ngộ nghĩa là đời đời kiếp kiếp. Vậy mà sự tan vỡ đã mau chóng, hoàn toàn, như chuyện của tôi và Thu Hà chỉ là một ảo tưởng, một giấc mộng.
Hường và tôi làm sao tìm được một khởi đầu tốt đẹp như tôi đã có với Marlène và Thu Hà? Tôi có nên đi vào, cái ngõ cụt một lần nữa? Câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch. Câu trả lời là không.
Tôi nói:
"Em đừng nên ở gần một người như anh".
Hường cười:
"Anh làm sao mà không ai đến gần được? Anh có phải là một thằng hủi đâu?"
"Còn hơn một thằng hủi".
Hường ôm lấy tôi:
"Em thích sống với hủi. Không thích sống với bọn người lành mạnh".
Tôi nghiêm mặt:
"Đừng đùa. Đây không phải là trò đùa".
Hường không cười nữa.
"Anh để cho em chứng minh một điều".
"Điều gì?"
"Em muốn làm được cái mà chưa người đàn bà nào làm được cho anh. Ở chỗ Marlène của anh và Thu Hà của anh ngày trước đã thất bại em muốn thành công".
Tôi lắc đầu:
"Em cũng sẽ thất bại".
"Cũng chẳng sao. Anh cứ để cho em thử. Thất bại, em thôi ngay".
"Thất bại nào cũng phải trả một giá thật đắt".
"Em có mất gì đâu mà anh sợ? Hãy cứ coi như một canh bạc một trò đùa. Chừng nào anh muốn trò đùa ấy chấm dứt, nó sẽ được chấm dứt, đúng như ý anh muốn".
Hường về rồi, cánh cửa phòng vừa đóng lại, tôi đã rơi chìm thật sâu vào giấc ngủ. Tôi ngủ, ngủ vùi dập, ngủ mê man không biết trời đất là gì. Ngủ đến trưa, chỉ hơi thức dậy một chút, rồi lại ngủ tiếp đến tận chiều. Tôi gọi bồi đưa lên một ly cà phê đen, bưng ly cà phê ra ban công nhìn xuống đường. Lúc ra khỏi giường, tôi đã vào buồng tắm, dội nước lạnh ào ào. Nước lạnh, rồi ly cà phê nóng bỏng, đặc quánh, làm tôi tỉnh táo lại được phần nào. Đầu óc cũng bớt u uất, choáng váng. Vừa hút thuốc lá, vừa ngắm cảnh tượng xuôi chảy dưới lòng đường, tôi nghĩ đến những lời nói của Hường. Tại sao không?
Tại sao không chung sống với Hường một thời gian. Người đàn bà nào và bao giờ cũng vậy mà thôi, thì sống với Hường, với Thu Hà hay với Nguyệt có gì là khác biệt? Tôi chợt nghĩ đến Nguyệt. Đã lâu lắm rồi tôi không gặp người đàn bà này. Hình ảnh Nguyệt sau quầy hàng của phòng trà ban đêm, căn phòng nhỏ, đứa cho nhỏ của nàng, cùng là cái dáng dấp thanh thoát nhẹ nhõm của Nguyệt chợt hiện ra trong đầu óc. Tôi nhủ thầm với tôi là tôi sẽ tìm đến thăm Nguyệt một buổi tối trong tuần lễ này.
Sáu giờ chiều Hường tới. Nàng mang theo một gói đồ thật lớn. Đủ thứ. Từ cái khăn rửa mặt, đến hộp thuốc đánh răng, đến những quần áo lót. Lại có thêm một máy truyền hình nhỏ nữa.
Tôi hỏi:
"Ở đâu ra mà nhiều thế?"
Hường cười:
"Hàng hoá mà chúng mình vẫn buôn đó. Toàn đồ Mỹ không thuế. Anh dùng đi, hết em lại đưa đến. Cái gì chứ những thứ này thì không thiếu".
Tôi bật cười theo:
"Coi chừng lại vào tù một lần nữa".
Hường gật:
"Càng hay. Lần này hai chúng mình cùng vào tù với nhau. Thôi bây giờ, anh mặc quần áo đi. Chúng mình đi ăn cơm tiệm. Rồi đi chơi mừng ngày anh được trả tự do".

Suốt một tháng trời ở khách sạn, gần như tôi không làm gì hết. Đúng là một tình trạng thất nghiệp hoàn toàn. Chỉ ăn rồi ngủ. Ăn chán lại ngủ. Đi chơi rồi lại về nhà làm tình với Hường. Đầu óc mụ mẫm, thần trí trì trệ. Tôi cũng không muốn nghĩ, không muốn tính toán chuyện này chuyện nọ. Thành ra, tiếng là vẫn sống một đời sống độc thân nhưng tôi đã trở thành vật sở hữu của Hường.
"Anh tính thế nào?"
"Anh chưa có dự định gì hết".
"Càng hay. Vậy em có sang căn nhà đã nói chuyện với anh hay không?"
"Cũng được. Tùy em".
Tôi về với Hường. Chỗ ở mới của tôi và Hường là một căn lầu có hai phòng, phía sau là nhà vệ sinh và nhà bếp cách biệt với phòng trên bằng một hành lang đẹp. Khi hai chúng tôi dời khách sạn tới đó, hai căn phòng trống trơn không có đồ đạc. Phía sau cũng vậy, bếp nước lạnh ngắt.
Người chủ cũ dọn đi, đã mang hết chổi cùn dế rách theo, không để lại một cái gì. Mấy ngày đầu tiên chúng tôi phải trải chiếu nằm dưới sàn, ngày hai buổi, phải đi ăn cơm tiệm. Nhưng chỉ hơn một tuần sau, hai phòng đã là một nơi chốn ở được, nhờ bàn tay tháo vát của Hường. Tuần lễ đó, Hường đi suốt ngày. Mỗi lần về lại tha về một lô đồ đạc và đồ dùng mới.
Căn lầu được quét vôi lại. Những tấm rèm được mắc vào những thành cửa. Lửa bếp được đốt lên khi Hường đưa từ chợ Bến Thành về một người u già.
Điều buồn cười trong suốt mấy tuần dọn dẹp chỗ ở này là Hường không chịu cho tôi mó tay vào một công việc gì. Nàng làm hết. Khi tôi tỏ ý muốn giúp nàng một tay, Hường gạt đi:
"Đó là việc của đàn bà".
"Đàn ông làm cũng được chứ?"
"Thứ đàn ông khác kia. Anh thì không. Em không muốn anh phải mó tay vào một việc gì hết".
Tôi chép miệng:
"Lâu dần rồi em biến anh thành một thứ đàn ông ăn bám đàn bà. Một thứ tầm gửi, một thứ sống nhờ".
Hường xua tay:
"Anh sẽ làm những công việc khác, xứng đáng hơn".
Tôi hỏi:
"Những công việc gì vậy?"
"Rồi anh sẽ biết".
Điều nữa là Hường không muốn cho tôi đi đâu. Nàng thích tôi ngủ thật nhiều, sáng nào cũng ngủ, nằm trên giường chán chê đến tận trưa mới dậy. Ăn cơm xong, nàng lại chỉ thích tôi nằm dài và nàng nằm bên cạnh tôi. Thành ra hai căn phòng chỉ là phụ. Cái giường là chính. Cuộc sống riêng tư, cách biệt mà Hường cố gắng tạo dựng cho tôi với nàng thu nhỏ lại như thế, đúng trong những kích thước của một cái giường. Chăn đệm, những giấc ngủ, lúc thức dậy, lúc nằm xuống, hết thảy đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống mà Hường muốn có với tôi. Ở một người đàn bà như Hường, hiện tượng này rất kỳ lạ. Nàng không thể là một người nội trợ. Vậy mà nàng đã trở thành một người đàn bà nội trợ. Nàng không thể là một người đàn bà chung tình. Vậy mà nàng chung tình hơn tất cả những người đàn bà tôi đã gặp trong đời. Dần dần, tôi mắc vào cái lưới bao vây êm ái. Thoạt đầu, phải thú thật là tôi rất khó chịu, bực bội. Ra khỏi một khám đường, tôi có cảm tưởng mình lại rơi ngã vào một nhà giam khác. Chẳng thay đổi được gì hết. Nhưng tất cả rồi đều trở thành thói quen.
Và Hường đã là cái thói quen mới của tôi.
Sống với Hường được chừng một tháng tôi đã bắt đầu khám phá thấy nhiều hiện tượng kỳ lạ đặc biệt ở người đàn bà này. Tôi đã là nguyên nhân tạo thành ở Hường một thay đổi rất lớn lao. So với Thu Hà, sự thay đổi ở Hường đi ngược chiều trở lại. Lạ lắm. Rất bất ngờ. Không thể nào nghĩ được là có nữa. Ngày chưa lấy tôi, Thu Hà sống khép kín, thu mình thật nhỏ trong cái vỏ cách ngăn hoàn toàn với đời sống bên ngoài.
Tối đến, thường là cửa nhà nàng đóng chặt. Gõ cửa, thấy nàng ra mở ngay. Nàng ở nhà một mình. Buổi sáng cũng như buổi chiều. Nàng sống với mối tình âm thầm, qua một đợi chờ kéo dài trong cô đơn lạnh buốt. Như thế không chỉ một vài tháng. Như thế suốt mấy năm, nghĩa là suốt thời kỳ tôi đi xa, tôi gặp Marlène ở Âu Châu. Đến khi lấy "được" tôi rồi, Thu Hà thay đổi ngay nếp sống. Tôi là một mục đích của nàng. Nàng chờ rình cơ hội, chiếm đoạt lại tôi bằng được. Khi đã chiếm đoạt rồi tôi không còn là một giá trị gì nữa. Thu Hà đã hướng đời sống của nàng đến những cái đích mới. Đó là những chuỗi hột xoàn, những viên kim cương. Đó là đám bạn gái mà Thu Hà sống với họ, như những tình nhân mới.
Tóm lại, từ khi có tôi Thu Hà mở rộng mọi tiếp xúc với đời.
Trường hợp của Hường trái ngược hẳn. Sống với tôi, Hường đoạn tuyệt hẳn với chung quanh, không còn biết gì đến xã hội bên ngoài. Mọi công việc buôn bán, làm ăn đều nhất loạt đình chỉ. Hường không đi đâu nữa. Đà Nẵng cũng thôi. Cam Ranh cũng bỏ. Nhiều mối hàng đưa đến tận nhà, lúc trước là Hường đi theo ngay. Có tôi, nàng từ chối, thoái thác bằng hết cớ này đến cớ nọ.
Tôi ngạc nhiên:
"Anh đã không kiếm được đồng nào, em cũng thôi luôn?"
Hường cười:
"Em tự cho phép nghỉ một thời gian".
"Lấy tiền đâu mà tiêu?"
"Còn. Còn được một thời gian nữa. Chừng nào sắp hết, sẽ tính".
Tôi hỏi:
"Em hết thích công việc em vẫn làm từ trước đến nay?"
"Hết rồi".
"Sao vậy?"
"Bây giờ em có những cái thích khác thích hơn những cái thích cũ".
Nàng chỉ tay vào tôi, cười:
"Anh đó".
Hường sống cái tâm trạng tuy không đúng hẳn, nhưng có nhiều điểm khá giống với một người gái chơi muốn hoàn lương, muốn đoạn tuyệt với phần đời quá khứ. Nàng đã được hưởng nhiều lạc thú muôn mặt của cuộc đời. Nhưng tình yêu thì chưa, và với tôi, Hường muốn tận hưởng, đến giọt mật cuối cùng, tình yêu muộn màng, tình yêu cuối cùng, mà nàng vừa khám phá thấy. Thật khôi hài. Nhưng cũng thật cảm động, sự thay đổi này. Ai có thể ngờ một người đàn bà nạ dòng, tay chơi, lăn lóc phóng đãng như Hường lại có một trái tim còn biết rung động vì tình yêu chân thực.
Điều không ai ngờ, chính Hường nói với tôi là nàng cũng không ngờ, đã xẩy đến cho nàng. Tháng đầu tiên ở với tôi, Hường gọi đó là tuần trăng mật của nàng. Cuộc sống, qua sự thay đổi này, có một cái gì thật mầu nhiệm.
Nó sẽ trôi chảy êm đềm như vậy, nếu tôi là một con người đơn giản, đầu óc không lộn xộn, tâm tính không phiền phức. Điều đáng buồn cho cả Hường và tôi là đầu óc tôi lại không đơn giàn chút nào. Thêm một vài tháng nữa sống suốt ngày trên căn lầu đóng kín, không đi đâu, không biết ngoài đường dưới ngõ có những chuyện gì xảy ra, tôi đâm ra cuồng cẳng không tìm thấy được sự bình yên cho tâm hồn mình như mấy tháng đầu nữa. Cuộc chung sống bắt đầu đè nặng. Sức đè nặng của nó mỗi ngày một gia tăng. Tôi như con chim bị nhốt trong lồng, dần dần cảm thấy cần thiết một hành động phá vỡ để bay bổng ra những khoảng đất trời cao rộng. Những khoảng đất trời cao rộng ấy là những đất trời nào? Thật tình là tôi cũng không biết. Tôi không thể có một ý niệm cụ thể đời tôi sẽ như thế nào nữa. Tôi chỉ linh cảm thấy là cuộc sống của tôi với Hường không thể bền vững, lâu dài như nàng muốn.
Tôi không vui nữa. Tôi buồn. Tôi lầm lì suốt ngày. Hường nhận thấy sự thay đổi này. Nàng hỏi:
"Anh làm sao thế?"
Tôi chối:
"Có làm sao đâu".
"Có. Anh giấu em".
Tôi đành nói:
"Nằm mãi một mình trên căn gác này, anh có cảm tưởng anh sắp muốn đau".
"Làm thế nào cho anh vui được?"
Tôi thở dài:
"Chính anh cũng không biết".
Hường đề nghị:
"Hay em gọi người đến đánh bạc cho anh vui nhé?"
Tôi lắc đầu:
"Anh không thích đánh bạc".
Hường lại đưa ra một đề nghị khác:
"Bạn hữu của anh đâu hết. Sao anh không mời họ lại đây chơi?"
Tôi chán nản:
"Anh chẳng còn thằng bạn nào. Người bạn duy nhất của anh bây giờ là Bằng. Bằng còn ở trong khám".
Hương kinh ngạc:
"Anh nhiều bạn lắm cơ mà!"
"Trước như thế. Bây giờ, không như thế nữa".
Trước kia, tôi nhiều bạn thật. Phải nói là trước kia, tôi sống giữa một cánh rừng bằng hữu bát ngát. Cây bằng hữu nhiều không đếm hết. Bằng hữu lúc nào cũng có mặt. Trước mắt, sau lưng. Nhưng từ ngày về nước, bộ mặt thực của đám bạn bè đã lộ rõ chân tướng. Đó là một thứ chân tướng giống hệt như mọi thứ chân tướng khác ở đời. Nghĩa là xấu xa không tốt đẹp gì. Như thời kỳ thất nghiệp, tôi đã đến gõ cửa mấy thằng bạn. Chúng giàu có, chúng là tỷ phú, chúng làm giám đốc những cơ xưởng, những hãng kinh doanh lớn, nhưng chúng đã không giúp đỡ gì tôi, mà còn tỏ vẻ khó chịu vì tôi đã đến làm phiền chúng. Bạn bè như thế còn gọi là bạn bè để làm gì nữa.
Một hôm, tôi mặc quần áo xuống phố. Có cảm tưởng như mình là một đạo sĩ ở ẩn trên núi cao từ bao nhiêu năm bỗng một buổi lìa núi cao đi xuống đồng bằng. Lúc tôi dời khỏi căn lầu, buổi chiều đang xuống. Chiều thành phố có một vẻ gì âm u phiền muộn. Từ lâu tôi đã thấy mến yêu sự phiền muộn này của buổi chiều vì nó thích hợp với tâm hồn tôi. Đời tôi cũng xế chiều rồi, cũng âm u phiền muộn như một chiều buồn. Hường không có nhà. Tôi dặn chị người làm nói cho Hường biết tôi đi dạo một lát rồi xuống thang. Tôi bước những bước chậm chạp trên hè đường, đầu cúi xuống, khép kín trong tâm trạng riêng tư. Tôi đi thật lâu, hết phố này tới phố khác, càng đi càng thấy đầu óc tối đen và u uất hơn.
Cuối cùng, tôi chợt nghĩ đến Nguyệt.
Tôi đã định đến thăm Nguyệt từ lâu, tôi vẫn nhớ và vẫn muốn gặp Nguyệt. Lúc buồn, có Nguyệt để nói chuyện cũng là một cái thú khó lòng tìm thấy với bất cứ một người đàn bà khác. Tôi còn nhớ mấy lần đến hộp đêm nơi Nguyệt làm, trò chuyện suốt mấy tiếng đồng hồ với nàng.
Tôi gọi taxi, trèo lên, tự nhiên thấy vui vui hơn trước.
Phòng trà nơi Nguyệt làm chưa có một người khách nào. Tôi vào một giờ còn quá sớm cho âm nhạc cho khiêu vũ. Dàn nhạc im lìm ngó xuống một sàn nhẩy trống trơn. Tôi đến ngồi ở chỗ cũ, trên cái ghế cao lênh khênh ở đầu quầy rượu.
Một người bồi rượu từ trong quầy tiến đến.
"Ông đến sớm quá!"
"Không sao. Tôi thừa thì giờ".
Người bồi rượu hỏi:
"Ông dùng gì?"
"Một ly Martell".
Ly rượu được đưa ra. Màu rượu vàng ánh. Tôi nhìn ly rượu bằng cái nhìn bỡ ngỡ. Mấy tháng nay ở với Hường, tôi đã chừa rượu tuy không hẳn là bỏ rượu hoàn toàn. Nhưng tôi uống thật ít. Và thỉnh thoảng mới uống một lần.
Con người uống rượu trong tôi từ từ sống lại. Sống lại nữa trong trí nhớ, những đêm say choáng váng, trong Chợ Lớn, với Bằng. Tất cả là một nấm mồ vĩ đại".
Tôi nhấp một ngụm rượu, nhìn quanh quất. Phòng trà vắng khách có một vẻ gì thê lương buồn bã. Sự im lặng của nó đè nặng.
Tôi hất hàm hỏi người bồi rượu:
"Cô Nguyệt đâu?"
"Ông tìm cô Nguyệt?"
"Cô ta vẫn làm đây đấy chứ?"
"Phải, nhưng cô ấy đến đây thất thường lắm, ngày đến ngày không. Chẳng chắc gì đến đâu".
"Không sao. Tôi đợi được".
Người bồi rượu lặng lẽ nhìn tôi. Chừng như y đang muốn nhớ lại xem tôi có phải là một khách quen của nhà hàng này không. Tôi để mặc cho y quan sát, nghĩ đến những thằng đàn ông lang thang, cô độc như mình, những đêm buồn tênh thân thế, chán ngán sự đời, chắc cũng đã đến tìm lãng quên trong men rượu, ở đầu quầy rượu này. Làm sao y nhớ được tôi là ai. Bao nhiêu khuôn mặt đã hiện hình trước mắt y, trong cái ánh sáng mờ mờ, tỏ tỏ của căn phòng đóng kín. Tôi chỉ là một người đàn ông trong cái số trăm nghìn không đếm hết của những thằng đàn ông buồn bã lang thang mỗi đêm tới ngồi một mình trước một quầy rượu.
Điều ngạc nhiên là y đã nhớ được.
Rót cho tôi ly rượu thứ hai, y hỏi, đột ngột:
"Phải ông là ông Viễn?"
Tôi nhún vai:
"Đúng. Chú có một trí nhớ tốt quá nhỉ? Cả năm nay tôi không tới đây. Làm sao chú nhớ được?"
"Cô Nguyệt nhắc tên ông luôn".
"Nhắc đến tôi?"
"Vâng. Hồi con cô ấy chết, cô ấy bị đau nặng. Hồi đó, cô Nguyệt có ý mong ông lắm. Những tối nào cô ấy gượng đi làm được vừa tới đây là hỏi có thấy ông đến không? Cô Nguyệt nói tên ông. Tả hình dáng ông. Thành ra, khi ông hỏi cô ta là tôi nhớ ngay".
Tôi nghĩ đến đứa nhỏ xanh xao, yếu đuối nằm trên tấm đệm mỏng trên sàn gác, đêm đầu tiên tôi đưa Nguyệt về nhà nàng. Thì ra đứa nhỏ ấy đã chết. Như con Elga của tôi đã chết. Cái chết của đứa nhỏ chắc làm cho Nguyệt đau đớn lắm. Nàng sống cô đơn lủi thủi với những đêm lạnh trở về nhà một mình thao thức tới sáng. Nàng chỉ có đứa nhỏ như liên hệ duy nhất với đời, như tình thương yêu cần thiết cho cuộc đời của nàng. Vậy mà liên hệ cuối cùng và duy nhất ấy cũng không còn nữa.
Nguyệt lại đau nặng sau đó. Chắc nàng không cười nữa. Chắc vậy. Tiếng cười tươi tắn ròn rã tôi đã được nghe thấy mấy đêm đến nói chuyện với nàng, tiếng cười ấy chắc không thể nào còn vang động, còn nguyên vẹn được như ngày xưa.
Tôi ngậm ngùi:
"Thế mà tôi không biết gì hết".
Người bồi rượu hỏi:
"Hơn một năm nay ông đi đâu?"
Tôi nhớ đến những ngày tháng nằm trong khám của mình. Nhớ đến Bằng, đến bữa rượu chia tay, chiều hôm đó, giữa những tiếng cười, giữa cơn say. Tôi đáp:
"Đi xa".
"Cô Nguyệt không biết sao?"
"Lẽ tất nhiên là không".
"Gặp ông chắc cô ta mừng lắm".
Tôi gật.
Dàn nhạc đã có người. Trên sàn nhẩy cũng vậy. Tiếng nhạc trầm buồn đưa dẫn bước chân của mấy cặp ôm nhau lướt nhẹ trên mặt sàn nhảy trơn nhẫy. Thêm mấy đám khách tới, nhưng bầu không khí chưa được hâm nóng. Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần mười giờ. Nguyệt vẫn chưa lại.
Tôi hỏi:
"Cô Nguyệt nghỉ sao?"
Người bồi rượu gật:
"Chắc thế. Giờ này mà chưa tới tức là không tới nữa".
Tôi gọi trả tiền. Người bồi rượu hỏi:
"Ông đi sao?"
"Tôi đến nhà cô Nguyệt thăm cô ấy một chút".
"Ông đừng đến chỗ cũ".
"Sao vậy?"
"Cô Nguyệt dọn nhà đi từ lâu rồi".
Tôi hỏi địa chỉ mới của Nguyệt. Người bồi rượu nói y không biết và mọi người cũng không biết vì Nguyệt đã dọn đến một nơi thật xa, đâu như ngoài thành phố, ở một vùng ngoại ô gần Chợ Lớn.
Ngôi nhà chắc tiều tuỵ, chỗ ở chắc tối tăm. Thành ra Nguyệt không muốn cho ai thấy. Tóm lại có thể hiểu Nguyệt đã xuống dốc, xuống dốc một cách thảm hại. Tội nghiệp cho Nguyệt, nàng có một điệu dáng thật phong lưu đài các, nàng xứng đáng được sống một cuộc sống an nhàn và đầy đủ hơn.
Không biết tìm Nguyệt ở đâu tôi đành ngồi nán lại uống thêm một ly nữa. Khoảng mười một giờ, thằng chủ tiệm xuất hiện. Nó vẫn béo quay với cái đầu hói nhẵn bóng, tiếng cười như lệnh vỡ. Nó thuộc về loại người không thay đổi bao giờ. Nó nhận ra tôi và chạy đến chìa tay ra:
"Trời, tưởng ai. Ông Viễn ông vẫn mạnh?"
Tôi miễn cưỡng bắt tay nó. Nhìn nó tôi nghĩ ngay đến Marlène. Ngày trước, khi Marlène tới hộp đêm này thằng chủ băm lăm đã tán tỉnh Marlène, cợt nhả với nàng công khai trước mặt tôi. Nếu tôi còn nguyên cái tâm trạng ngày trước, tôi đã đấm vào giữa cái bản mặt khả ố của nó. Nhưng tôi không còn là tôi ngày trước. Tôi đã hết yêu Marlène, do đó cũng không thấy thằng chủ nhà hàng đáng thù ghét nữa.
Trả lời:
"Cám ơn, tôi vẫn như thường".
Thằng chủ tiệm:
"Tôi ngồi uống với ông một chút được không?"
Tôi gật:
"Cứ tự nhiên".
Thằng chủ kéo ghế ngồi cạnh. Nó mời tôi uống với nó một ly. Tôi nhận mặc dầu đã say lắm.
Nó hỏi:
"Bà đâu?"
Tôi hiểu nó định hỏi thăm Marlène. Nó chưa biết tôi và Marlène đã thôi nhau từ lâu? Tôi điềm tĩnh trả lời:
"Chúng tôi đã ly dị nhau".
Thằng chủ ngạc nhiên, một ngạc nhiên thành thật.
"Xin lỗi, tôi không biết".
Tôi nhún vai:
"Chẳng sao. Marlène hiện ở Thái Lan".
Tiệm nhảy không có được cái không khí vui tươi như mấy năm về trước. Tất cả đều già nua, phiền muộn hơn. Từ những nhạc sĩ trên dàn nhạc, đến những đám khách ngồi chung quanh sàn nhảy. Những bản nhạc cũng như len trong âm điệu những thoáng mỏi mệt chán chường. Tất cả đều thay đổi, đều chịu đựng không ít thì nhiều sức tàn phá của thời gian.
Người bồi rượu cũng vậy, cũng già yếu hơn trước. Đến thằng chủ tiệm cũng thế, tiếng cười của nó tuy vang động cũng không còn cái hồn nhiên, cái yêu đời ngày nào. Tôi đi tìm giải khuây đã lạc đến giữa một vùng chán chường cùng khắp. Vui ở đây chỉ là vui gượng. Một thời trẻ trung, đùa nghịch, quấy phá tưng bừng đã chấm dứt, không riêng cho tôi mà cho tất cả mọi người.
Tôi thở dài, uống hết ly rượu cuối cùng, đẩy ghế đứng lên. Tôi chưa muốn về nhà. Nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Thôi thì về bên cạnh Hường, với Hường, lăn mình vào một giấc ngủ thiếp vùi tới sáng.
Thằng chủ nắm tay tôi, chèo kéo:
"Ở lại đã ông Viễn".
Tôi trừng mắt:
"Để làm gì?"
Thằng chủ chỉ tay lên mấy chai rượu trên cái giá rượu chạy dọc theo tường:
"Đánh ngã với tôi một chai nữa đã".
Tôi nhìn thằng chủ đăm đăm:
"Ông cũng muốn say?"
"Phải. Được đêm nào hay đêm ấy".
Y chỉ tay vào cái cảnh tượng khách hàng lác đác, tẻ nhạt:
"Vắng như thế này, đóng cửa đến nơi. Tôi giải nghệ, ở nhà hay làm nghề khác. Mời ông ở lại, chúng mình uống rượu và nói chuyện".
Tôi giằng tay ra:
"Khi khác".
Lúc tôi vừa đẩy cánh cửa định bước ra ngoài đường thì cũng là lúc Nguyệt tới, đang đẩy cửa bước vào.
Chúng tôi gần như đụng vào nhau. Tôi nhìn thấy Nguyệt thật rõ vậy mà tôi ngẩn người, tưởng là một người đàn bà nào khác, vì không nhận được ra nàng. Đến lúc biết người đàn bà mới đến là Nguyệt, trái tim tôi nhói lên, đau đớn. Nguyệt không còn là Nguyệt xinh đẹp, tươi tắn của mấy lần gặp trước. Nàng đã thay đổi, bằng một thay đổi hãi hùng ghê gớm. Sự thay đổi này, ở Nguyệt, phải gọi là một huỷ hoại, một tàn phá mới đúng. Tất cả những nét thanh xuân, những nét tươi cười đằm thắm đều biến mất. Phải, biến mất, không tăm tích. Nguyệt chỉ còn là một bà già. Khuôn mặt nàng quắt lại. Nước da nàng xanh xao dễ sợ. Hai tròng mắt trũng xuống, xâu hoắm. Dáng đi xiêu đổ. Với một cái áo len đã cũ phủ trên thân hình gầy guộc, nàng là sự tiều tuỵ thảm thương nhất đột ngột hiện hình trước mặt tôi. Tôi kêu lên, vừa vui mừng vừa kinh ngạc:
"Nguyệt".
Nguyệt nhíu mày:
"Ông là ai?"
Tôi nắm tay Nguyệt:
"Anh đây! Viễn đây. Không nhận ra anh sao?"
Chưa từng bao giờ tôi thấy Nguyệt lúng túng như thế. Lúng túng đến ngượng thẹn. Phản ứng đầu tiên của Nguyệt là quay trở ra. Tôi giữ nàng lại. Nguyệt đã nhận ra tôi rồi và nàng chớp mắt, cúi gầm mặt xuống. Tôi dịu dàng:
"Anh lại kiếm em".
Nguyệt hỏi, yếu ớt:
"Anh đến lâu chưa?"
Tôi gật:
"Anh buồn, bỏ nhà đi lang thang từ chiều. Không biết làm gì, nhớ đến em, anh lại đây tìm. Anh đến từ chín giờ tối".
Tôi cười:
"Uống bao nhiên ly rượu rồi mà Nguyệt vẫn chưa tới. Uống một mình không hay như những lần trước nữa, định đến nhà, nhưng người bồi rượu nói Nguyệt đã dọn đi. Đúng thế không?"
Nguyệt thở dài:
"Vâng, em không còn ở chỗ cũ. Từ năm ngoái".
Tôi hỏi:
"Bây giờ em ở đâu?"
Nguyệt ngập ngừng:
"Xa lắm".
"Anh biết được không? Anh đến được không?"
Nguyệt nhìn đi chỗ khác:
"Anh đừng đến".
Tôi ngạc nhiên:
"Sao vậy?"
"Không tiện".
Tôi cười:
"Lại thăm Nguyệt thì xét thấy chẳng có gì là không tiện. Nhưng em không muốn thì thôi. Em vẫn làm ở đây?"
"Thỉnh thoảng em mới tới".
"Thế là thế nào?"
Nguyệt nhìn về phía thằng chủ tiệm ngồi ở đầu quầy:
"Nó đang muốn cho em thôi".
Tôi cau mày tức tối:
"Thôi thì thôi, cần gì? Lại đây với anh một lát đã".
Nguyệt nói nhỏ:
"Anh chờ em một chút. Em cần gặp lão chủ có chuyện muốn nhờ y".
"Chuyện gì?"
Nguyệt cười như mếu:
"Em đến vay tiền. Em đang đau chưa có tiền mua thuốc".
Tôi ngồi xuống một cái bàn gần cửa ra vào nhìn theo Nguyệt đứng khúm núm trước mặt thằng chủ tiệm. Dáng điệu Nguyệt thật thiểu não thật quỵ luỵ.
Nguyệt nói với thằng chủ tiệm những gì tôi không rõ chỉ thấy nó xua tay, lắc đầu lia lịa.
Nguyệt nói xong, chừng không được việc, lủi thủi quay lại trước mặt tôi.
Tôi hỏi:
"Sao?"
"Y không cho vay".
Tôi kéo ghế cho Nguyệt ngồi. Hỏi nàng:
"Uống một ly rượu nhé!"
Nguyệt gật, mỏi mệt chán chường:
"Vâng".
Tôi hất hàm về phía thằng chủ:
"Nó không cho mượn tiền?"
Nguyệt lắc đầu:
"Không anh ạ!"
"Sao nó tàn nhẫn với em như thế được?"
"Em cần quá thành ra phải hỏi liều. Cũng đoán là không được. Em còn nợ tiền nó, chưa trả nợ cũ làm sao vay thêm".
Lúc đó tôi muốn tôi là tỷ phú, có tiền thật nhiều để đưa ngay cho Nguyệt tất cả những khoản tiền mà nàng muốn có. Tôi xót thương cho Nguyệt đến bàng hoàng thần trí. Tôi muốn làm cho Nguyệt một cái gì, giúp đỡ nàng, tiếp tay cho nàng, đưa nàng ra khỏi cái tình trạng túng quẫn hiện tại. Nguyệt lại là người đàn bà không bao giờ đến nỗi phải túng thiếu, điêu đứng về tiền bạc và những vấn đề vật chất.
Nhưng tôi có hơn gì Nguyệt. Đêm buồn rầu đó, tôi có một người đàn bà tên là Nguyệt cùng chung một cảnh ngộ cùng đường. Chúng tôi như nhau. Như nhau, trong sự thất bại điêu đứng, trong sự chán chường mệt mỏi.
Tôi muốn đưa tiền cho Nguyệt mà không được. Kiểm điểm khoản tiền đang có trong người khoản tiền đó chỉ vừa đủ để trả mấy ly rượu cho tôi và Nguyệt.
Tiền đó lại là tiền của Hường. Đã mấy tháng nay, tôi không có một đồng cắc nào, chẳng làm gì chẳng kiếm được một đồng xu nhỏ. Tôi thở dài:
"Em đang cần tiền mà đáng buồn là chẳng giúp đỡ em được gì hết".
Nguyệt nín thinh, nàng không nói ra nhưng nàng đang thất vọng ghê gớm, tôi hiểu như vậy. Nguyệt lảng sang chuyện khác.
"Mấy năm nay anh đi đâu gần như biệt tích vậy?"
Tôi cười:
"Vào tù".
Nguyệt tròn mắt:
"Thật không?"
Tôi gật:
"Lâu lắm mới gặp nhau, nói chuyện thật chứ nói chuyện không thật để làm gì. Anh làm ăn thất bại, vợ bỏ, con chết. Bất hạnh đến, hết lớp này đến lớp khác, cũng như Nguyệt bây giờ vậy. Cuối cùng anh đã làm những chuyện buôn bán phi pháp. Bị bắt quả tang. Bị kết án một năm tù ở. Anh vừa mãn hạn tù được mấy tháng vì thế mà suốt một năm trời, chúng mình không gặp nhau. Chuyện anh nói với em hoàn toàn là sự thật".
Nguyệt hỏi:
"Bây giờ anh ở với ai?"
"Với một người đàn bà".
Tôi hỏi lại:
"Nếu anh muốn gặp, tìm Nguyệt ở đâu?"
Nguyệt ngập ngừng và tôi nói tiếp:
"Anh thành thực muốn tìm cách giúp đỡ Nguyệt. Anh sẽ tìm tiền đưa cho Nguyệt. Cho anh biết chúng mình có thể gặp nhau như thế nào".
Nguyệt nói nàng muốn tôi đến nhà nàng. Rất muốn tuy chỗ ở tiều tuỵ của nàng ở một vùng ngoại ô Chợ Lớn không đáng cho tôi lui tới chút nào và sẽ làm cho nàng ngượng thẹn. Nhưng Nguyệt ngập ngừng một giây rồi thú thật:
"Lý do chính không phải như vậy, mà là…"
Tôi ngắt ngang lời Nguyệt:
"Mà là em đang ở với một người?"
Nguyệt gật:
"Thằng ấy ghen tuông ghê gớm. Anh đến chơi, dù chỉ là bạn, nó cũng gây chuyện. Em không muốn nó gây chuyện với anh".
Tôi hỏi:
"Nó là chồng em?"
Nguyệt cười buồn:
"Anh muốn nghĩ cho em như thế cũng được".
Tôi cau mày:
"Chồng con gì mà để cho vợ như thế này, đêm hôm còn phải đi chạy tiền chạy bạc một cách quá ư khổ sở như thế này. Nó không nuôi em sao?"
Nguyệt chép miệng:
"Sự thật ngược lại".
"Em phải nuôi nó?"
"Vâng. Nghiện hút mà anh. Chẳng làm ăn gì. Như thế đã cả năm nay rồi".
Sự ngạc nhiên của tôi gia tăng thành một kinh ngạc khó hiểu.
Nguyệt kể:
"Hồi đó em đau nặng. Phải nghỉ việc nằm nhà. Rồi con em chết. Em chán đời đến độ đã tự tử hụt đó, anh biết không, chung quanh không còn ai, chỉ có nó thỉnh thoảng chạy đi chạy lại. Đến lúc nó đề nghị chung sống, em gật đầu liền. Cũng là cái số em như vậy".
Tôi hỏi lại điều tôi muốn biết:
"Không tiện đến nhà thì gặp em ở đâu?"
Nguyệt suy nghĩ rồi cho tôi địa chỉ một người bạn gái nơi thỉnh thoảng Nguyệt vẫn lui tới. Trường hợp muốn gặp, tôi chỉ cần liên lạc với người bạn gái đó. Sau đó, Nguyệt đứng lên.
Tôi đưa Nguyệt ra hè đường gọi taxi cho nàng.
Tôi dặn:
"Chịu khó chờ anh chừng vài tuần, có tiền, thế nào anh cũng kiếm em ngay".
Trước khi lên xe, Nguyệt nắm lấy tay tôi, ngước mắt nhìn tôi. Trời lạnh. Đêm đã về khuya. Ánh đèn đường chiếu xuống khuôn mặt héo hon của Nguyệt, khuôn mặt tôi không còn tìm được những nét tươi vui xinh đẹp ngày nào, mà chỉ còn là một vùng tàn phá.
Tôi cũng vậy. Hai chúng tôi đứng lặng nhìn nhau, không biết nói với nhau thế nào nữa. Lời nói nào cũng thừa dư và vô ích.
Rồi tôi trở về nhà. Con ngõ ban ngày đầy đặc những bầy trẻ nhỏ la thét, đùa nghịch chỉ còn là một vùng yên lặng hun hút. Bóng tối làm hoa mắt từng quãng. Tôi bước những bước hững hờ như một vực thẳm lúc nào cũng có thể mở dưới chân. Hình ảnh Nguyệt, rét mướt, bé nhỏ, cô đơn trong đêm, cô đơn giữa đời, trên chiếc taxi đưa nàng trở về với cuộc đời lầm than ở một vùng ngoại ô âm thầm, ám ảnh thần trí tôi.
Lúc người ta đi lên, bao giờ cũng như thế. Khó nhọc từng bước. Hệt như từ dưới chân một ngọn núi dốc ngược leo lên tới một đỉnh cao. Lúc người ta rớt xuống bao giờ cũng như thế, rớt một lèo, như cây diều đứt dây, rớt là rớt từ đỉnh cao xuống đến đáy cùng vực thẳm. Không có sự xa đoạ nào lưng chừng. Mà tận cùng. Đã ngã là không gượng dậy được. Là tan tành. Là ngã hẳn.
Tôi làm được gì cho Nguyệt? Tôi đã hứa giúp đỡ nàng. Tôi phải giữ lời hứa. Nhưng tôi đang trắng tay. Một đồng chẳng có. Phải ăn nhờ một người đàn bà. Tôi làm được gì cho Nguyệt?
Những bước chân tôi càng rã rời càng mỏi mệt hơn. Đầu tôi rũ xuống, hai vai nhô lên. Tôi bước buồn rầu, tôi bước thất thểu cho đến khi tới chân cầu thang. Đèn trên lầu còn sáng. Tôi vịn vào tay thang, bước lên. Những bực thang rung lên, cót két.
Hường nằm trên giường. Nàng còn thức. Thấy tôi về, nàng nhỏm dậy:
"Anh đi đâu?"
Tôi trả lời cho xong:
"Lăng nhăng".
"Anh uống rượu phải không?"
Tôi gật:
"Uống. Không bằng lòng?"
Hường dịu dàng:
"Sao em không bằng lòng? Thỉnh thoảng anh đi chơi, em cũng bằng lòng như thỉnh thoảng anh uống rượu. Nhưng uống say tức là anh có chuyện buồn".
Thấy tôi nín thinh, Hường hỏi:
"Anh buồn chuyện gì?"
"Nhiều chuyện".
Tôi đến gần giường, để nguyên quần áo nằm vật xuống giường. Hường ôm lấy tôi.
"Em làm gì anh buồn không?"
Tôi lắc:
"Không, anh buồn vì anh thôi, anh không thể sống vô dụng, anh không ngồi rồi như thế này mãi được. Anh phải làm một việc gì".
Hường nói:
"Em chưa hết tiền".
Tôi bực tức bất chợt:
"Anh không thể ăn bám em thế này mãi. Anh không muốn".
Chúng tôi cùng nín thinh trong khoảng khắc, mỗi người theo đuổi một ý nghĩa riêng, một ý nghĩ đen tối như đêm ngõ hẻm đang vây bọc quanh mình. Đêm hôm đó, Hường biết cuộc sống mà nàng đề nghị với tôi, đã không còn được tôi chấp nhận nữa. Cuộc sống ấy là một giấc ngủ dài miệt mài, đằng đẵng. Buổi sáng nối liền với buổi chiều, buổi chiều hoà nhập và ban đêm.
Giấc ngủ cũng có còn cái thú thần tiên của nó như một buông thả lãng quên đời. Có điều là tôi đã thức giấc, ra khỏi giấc ngủ dài, có muốn nhắm mắt ngủ lại cũng không được nữa. Hường bỗng nói:
"Em có một người anh ngoài Quy Nhơn".
Tôi ngơ ngác:
"Chuyện gì vậy".
"Em nói chuyện Quy Nhơn vì chợt nghĩ đến một căn nhà của một người bạn quen ở ngoài đó. Một lần em hỏi, người bạn hứa nhượng lại cho bất cứ lúc nào em muốn. Nhà hơi cổ một chút. Nhưng rộng lắm, mênh mông bát ngát, chung quanh lại có vườn cây. Anh thích tĩnh, thích đọc sách, chắc là anh thích lắm".
Tôi gắt:
"Sao em lại nói đến chuyện ấy?"
"Chúng mình đưa nhau ra ngoài ấy".
"Để làm gì?"
"Cho anh thay đổi không khí. Cho chúng mình xa lánh cái thành phố này một thời gian. Nếu được, chúng mình sẽ làm ăn, lập nghiệp ở ngoài ấy không về nữa".
Tôi lay vai Hường:
"Chuyện này là đùa hay thực?"
Hường trang nghiêm:
"Không phải chuyện đùa".
"Em có ý định này từ bao giờ?"
"Từ cái phút đầu tiên em thấy anh buồn bã, phiền muộn với chỗ ở này. Ban nãy lúc anh đi chơi, em nằm nhà một mình, em nghĩ nhiều điều lắm. Dăm bảy tháng nữa, Bằng được tự do, anh và Bằng và chúng mình lại gặp nhau. Rồi lại sống như cũ, chơi bời, thức khuya, uống rượu tiêu tiền đánh bạc và đi buôn bán hàng lậu thuế. Cuối cùng là chẳng ai thay đổi hết. Em không muốn trở về đời sống cũ một chút nào. Thà chết thì thôi, em không bao giờ muốn em là con Hường ngày trước nữa. Em muốn chúng mình đi xa, xa hẳn Sài Gòn. Nếu anh bằng lòng, em chỉ cần đánh điện ra cho người quen là chúng mình sẽ ra thôi. Em sang căn nhà này. Bây giờ giá nhà cao hơn trước cũng có được một khoản tiền làm vốn. Ra tới đó, liệu sau".
Tôi ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:
"Anh không thích đi xa".
"Tại sao?"
"Em hơi lầm khi tưởng đi xa là thay đổi được. Theo anh thì đi xa chẳng thay đổi được gì, ở đâu cũng thế mà thôi. Sự thật này đúng cho cả anh, đúng cho cả em nữa".
Hường thở dài:
"Em lo lắm".
"Lo gì?"
Nàng đáp gọn:
"Lo mất anh".
Việc ra Quy Nhơn ở, sống ở ngoài đó, đào một cái hố sâu ngăn chia lâu dài và vĩnh viễn với Sài Gòn, được Hường coi là giải pháp tốt đẹp nhất cho cuộc chung sống của nàng và tôi. Giải pháp đó, với Hường cũng là giải pháp đúng nhất. Nó ám ảnh Hường từ lâu rồi, nàng đã nghiền ngẫm với giải pháp ấy tự bao giờ, tự lúc nào, tôi cũng không biết nữa.
Hường đeo bám tuyệt vọng vào giải pháp ấy. Tôi từ chối quyết liệt khiến cho Hường buồn thảm vô cùng. Hôm đó, nàng bàn đi bàn lại với tôi, đến độ làm cho tôi phải bực mình lớn tiếng. Ngày hôm sau, cũng trước khi đi ngủ, Hường lại đem chuyện ra ở Quy Nhơn nói lại một lần nữa.
Tôi thở dài:
"Anh đã nói anh không bằng lòng".
Hường cố gắng tìm một đề nghị thoả hiệp.
"Hay là thế này".
Tôi gắt lớn:
"Chẳng thế này thế nọ gì hết".
Hường ôn tồn:
"Thì anh cũng để cho em được đưa ra một đề nghị mới. Đề nghị này không được chấp thuận thì thôi".
Tôi đành gật:
"Đề nghị thế nào?"
Đề nghị mới của Hường vẫn là Quy Nhơn. Vẫn là cái thành phố miền Trung xa xôi mà vì đã quá lâu, không đặt chân tới, tôi không có một ý niệm nào, một kỷ niệm nào. Hường thay đổi đề nghị lập nghiệp vĩnh viễn ở Quy Nhơn bằng một thời gian lưu trú tạm thời ở đó. Một vài tháng. Dăm bảy tháng. Thích thì ở hẳn. Không thích thì về.
Thấy tôi nín thinh, Hường tưởng nàng đã làm tôi xiêu lòng phần nào. Nàng thao thao tán dương tất cả những cái hay, đẹp của một cuộc sống tay đôi ở ngoài đó. Buổi sáng chúng tôi sẽ thức giấc trong sự yên tĩnh hoàn toàn. Chúng tôi có thừa thì giờ. Để làm tất cả những gì chúng tôi muốn và thích. Tôi sẽ có một hàng hiên thật rộng, thật thoáng mát, để đọc sách, nghĩ ngợi và mơ mộng. Chung quanh nhà có rất nhiều con đường nhỏ, bóng mát trên đầu, gió thổi trong lá, để tôi có thể đi dạo hàng giờ trên những con đường đó. Hường sẽ buôn bán lăng nhăng một chút. Kiếm đủ tiền cho hai đứa chúng tôi sống một đời sống đơn giản nhưng hoàn toàn thảnh thơi. Nếu muốn, tôi có thể đi dạy học thêm. Ngoài đó, theo Hường có nhiều trường mới mở.
Tôi bắt đầu ngạc nhiên:
"Sao em mê Quy Nhơn đến thế được?"
"Em chỉ biết có một chỗ ở em nghĩ là thuận tiện cho cả hai chúng mình".
Tôi giễu cợt:
"Đó là Quy Nhơn?"
Hường sốt sắng:
"Vâng, Quy Nhơn".
Tôi đành nói:
"Thôi được. Để anh nghĩ lại xem sao".
Tôi hỏi lại:
"Em lo mất anh".
Hường lăn vào gần tôi:
"Em nói thế rồi mà!"
Tôi cũng không hiểu nổi tôi có thể bỏ Hường dễ dàng như lúc tôi đến với nàng không, nhưng để nàng yên tâm, tôi trấn an:
"Không thể mất được, em cứ yên tâm".
Nhìn ngắm và quan sát Hường thêm nữa, tôi khám phá được ở Hường ở một hiện tượng có thể nói là khác thường nhất trong những hiện tượng khác thường của đàn bà. Nó đại khái như thế này. Người đàn bà nào cũng có một tuổi trẻ, một tình yêu thứ nhất, và nhiều người tuổi trẻ lại không có, và tình yêu thứ nhất ở rất nhiều trường hợp, không xảy ra.
Hường đã sống trọn nửa phần đời. Nàng đinh ninh đã đánh mất tuổi trẻ ở một quãng đường nào đó trong quá khứ. Phong trần từ sớm, nàng nghĩ rằng mối tình đầu đời, nàng đã bỏ qua. Sự thật đã chứng minh ngược lại. Hường vẫn có một tuổi trẻ, Hường vẫn sống với cái ngây ngất kỳ diệu của tình yêu thứ nhất. Điều khác biệt là cái đến với những đời người khác ở tuổi mười bảy mười tám, lại chỉ đến với Hường thật muộn, khi nàng đã gần bốn mươi. Thế là trong con người đàn bà đã quá lứa của Hường bất chợt có một người con gái dậy thì thức dậy. Thức và sống. Sống và phá phách, rời thoát khỏi cái người đàn bà quá lứa là một nhà ngục vô hình giam cầm nó.
Sự hồi sinh của tuổi trẻ, của mối tình thứ nhất này ở Hường là cuộc phục sinh rực rỡ, kỳ diệu. Đồng thời, nó cũng giết chết Hường. Tôi muốn nói rõ hơn: cuộc phục sinh bàng hoàng và muộn màng của tuổi trẻ, của tình cảm ở Hường là một ngọn lửa bùng cháy. Ngọn lửa cháy trên một miền băng giá hoang vu, làm sống lại một mùa xuân lộng lẫy. Ngọn lửa cháy trong một đêm dài sầu thảm, đuổi đi bóng tối gọi về mặt trời. Nhưng ngọn lửa cũng thiêu đốt luôn thân thế Hường. Nàng nhờ lửa mà sống lại. Cũng trong lửa, nàng bị thiêu cháy.
Niềm mơ tưởng có một mái nhà riêng, trong một thế giới riêng, cách biệt và lánh khuất với cõi đời, như tôi đã nói, trở thành một ám ảnh mà Hường không rũ thoát được. Nó ở trong Hường thường xuyên, nó ám ảnh Hường đêm ngày. Và từ một người đàn bà chơi bời, phóng đãng, Hường đã hoá thân. Nàng trở lại thời con gái. Nàng mơ mộng lãng mạn hệt như một đứa con gái mơ mộng, lãng mạn vừa tuổi lớn. Sự thoát xác thật khó khăn. Bất ngờ. Nhưng nó lại là sự thật.
Một thí dụ, ngày trước, Hường đâu có biết gì đến cái đẹp huyền ảo của một ánh trăng. Bây giờ, Hường biết. Nhớ một đêm, tôi đang ngủ thật say, bỗng giật mình thức dậy. Nhìn sang, không thấy Hường nằm cạnh. Đêm đã khuya lắm, khiến sự vắng mặt của Hường làm tôi lo lắng. Tôi cất tiếng gọi:
"Hường!"
Một tiếng trả lời ở cuối phòng bên cạnh cửa sổ.
"Em đây".
Tôi ngạc nhiên:
"Không ngủ, thức làm gì thế?"
Hường cười:
"Em không buồn ngủ".
Tôi nhỏm dậy, nhìn cái cảnh tượng khó hiểu:
"Ngồi ở cửa sổ làm gì vậy?"
"Đêm nay trăng đẹp quá. Em chưa từng nhìn thấy trăng đêm nào đẹp như trăng của đêm nay".
Tôi vừa bực mình vừa tức cười. Đang đêm thức dậy ra ngoài cửa sổ, ngắm trăng ở ngoài trời, lạ lùng và kỳ quặc thật. Ở một đứa con gái, hành động lãng mạn này đã là một khác thường. Ở Hường, thì cái sự khác thường có thể gọi là quái gở.
Tôi bò dậy, bước xuống khỏi giường, đến đứng sau lưng Hường. Hường tựa đầu vào ngực tôi, mắt vẫn nhìn ra ngoài trời bằng một cái nhìn ngây ngất. Hường nói tôi hãy nhìn để thấy rằng nàng nói đúng. Trăng đêm ấy quả có thật đẹp. Vầng trăng treo lơ lửng giữa nền trời như một cái dĩa bằng ngọc. Trời trăng vàng rực, xanh biếc, sáng láng, trong vắt, mênh mông cùng khắp.
Hường cứ ngồi lặng nhìn trăng như thế, như nàng bị ánh trăng xanh huyền hoặc đến độ ngây dại, mê đắm.
Tôi phải đóng cửa sổ lại, bắt Hường đi ngủ, nàng mới chịu trở vào giường. Còn hàng trăm thí dụ khác về cái hiện tượng trở lại với một tuổi trẻ đã mất, lột xác trong sự trở lại đó, nơi Hường, mà tôi không thấy, ở bất cứ một người đàn bà nào khác. Một chuyện khá ngộ nghĩnh khác. Hường đột nhiên mê đọc tiểu thuyết.
Nàng nói với tôi:
"Anh quen ai có tiểu thuyết mượn về cho em coi".
Tôi bật cười:
"Em thích đọc tiểu thuyết thật sao?"
"Thật".
Tôi hỏi đùa:
"Loại nào?"
Hường chẳng hiểu loại nào là loại gì khiến tôi phải giải thích vẫn bằng một giọng trêu ghẹo, đùa cợt:
"Phiêu lưu hay trinh thám hay tình cảm xã hội".
Hường trả lời ngon lành:
"Chuyện tình".
Cái lối Hường đến với tiểu thuyết có một vẻ gì vừa thật thà vừa ngớ ngẩn khiến tôi cười lớn thành tiếng. Cũng nghĩ là Hường nói thế thôi rồi quên đi. Và nói chỉ để nói.
Ngờ đâu, chờ mấy hôm không thấy tôi đi mượn sách về, một buổi trưa, Hường bỏ giấc ngủ, ra phố, trở về với một chồng sách trên tay. Nàng xếp chồng sách ở gần đầu giường, cạnh chỗ nàng nằm, ánh mắt long lanh, khuôn mặt hiện đầy vẻ xúc động. Tôi la lên:
"Lấy sách ở đâu về thế?"
Hường nhoẻn miệng cười:
"Ngay ngoài đầu phố".
Hường giải thích:
"Bên cạnh tiệm bánh ngọt ngoài đầu phố có một cái hẻm. Đầu hẻm có một cái quán cho thuê truyện, sách nhiều vô kể".
Thấy tôi nín thinh, Hường hỏi:
"Anh không thích đọc sách?"
"Ngày trước thích. Bây giờ không".
Hường ngạc nhiên:
"Tại sao vậy?"
Tôi chỉ mấy cuốn truyện Hường vừa thuê về:
"Những điều nói trong sách không bao giờ đúng với những sự việc xẩy ra ở ngoài đời. Sách là một lừa dối. Em sắp bị sách lừa dối".
Hường trả lời, thản nhiên:
"Em không cần biết sách lừa dối hay không. Em chỉ thích đọc những chuyện tình. Mấy cuốn này, người thuê sách chọn giùm cho em. Họ nói mấy cuốn này mê ly nhất".
Thế là, những lúc tôi ngủ hay xuống phố Hường nằm nhà, mê mải với những trang tiểu thuyết như lạc vào một khám phá mới lạ. Từ chối sự thật, theo con đường dẫn tới của tình yêu, Hường đi vào cái thế giới ngây ngất đó của ảo tưởng. Đọc hết cuốn này, Hường thuê tiếp cuốn khác. Chỉ một tháng sau, nàng đã đọc hết mấy chục cuốn truyện và trở thành người khách hàng quen thuộc nhất của chú Tầu lai cho thuê truyện ở ngoài đầu ngõ.
Sự thay đổi của Hường thật ra không có gì đáng buồn, đáng lo ngại hết. Nó là một thay đổi đẹp. Một sống lại. Một trẻ ra. Như Hường đã đánh lạc, đã để mất nàng từ bao nhiêu năm, nàng vừa gặp lại cái con người đích thực của nàng và sống với nó. Trước kia Hường chỉ là một con đàn bà nạ dòng với tất cả những cái hư hỏng xấu xa thường thấy ở một người đàn bà nạ dòng.
Nàng đã phóng đãng, đã truỵ lạc, như những người đàn ông truỵ lạc và phóng đãng nhất. Bây giờ, thay vì làm tình với bất cứ người đàn ông nào, thay vì uống rượu, thức đêm, đánh bạc, nàng đã biết ngắm nhìn mê mải hàng giờ, một ánh trăng, vùi đầu hàng giờ trong những trang tiểu thuyết nói đến mơ mộng nói đến tình yêu. Kể như thế thì phải mừng cho Hường mới đúng.
Riêng tôi, tôi lo cho nàng. Lo thành thực. Bởi cái lẽ giản dị là tôi không thay đổi. Cuộc khởi hành mới của Hường đã có mà ở tôi thì chẳng có một sự lên đường mới, một khởi hành mới nào. Làm sao tôi cùng lên đường với Hường được. Nàng như buổi sáng. Tôi như buổi chiều, gần nhau chẳng được. Hường trẻ ở lại phía Hường. Nàng sống với một tâm hồn và những rung động mới. Phía tôi, mỗi ngày làm tôi tàn tạ, một già nua thêm. Tôi đã mệt, đã nhọc. Đã hoài nghi, đã chán chường, Hường yêu tôi bằng tất cả sự nồng nàn của tình yêu thứ nhất. Tôi không thể đáp lại. Tôi sống với một nỗi chết càng ngày càng rộng lớn. Nói tóm lại, tôi không còn đủ điều kiện tham dự cuộc tình cuối cùng cũng là cuộc tình đầu tiên của đời Hường. Còn chung sống với nhau mà trên một ý nghĩa nào, tôi đã chạy trốn đã bỏ cuộc.

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 872

Return to top