Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Gần mười bảy tuổi

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 9988 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Gần mười bảy tuổi
Mai Thảo

Vào truyện

Một thứ tiếng động dữ dội, mang trong nó ý nghĩa một réo gọi lay tỉnh thảng thốt, lẫn với tiếng mưa đêm trên mái rì rào, từ ngoài cửa trước vọng vào. Tôi giật mình, mở mắt. Và bàng hoàng thức giấc.
Cảm giác thứ nhất của tôi là lúc này, đêm đã khuya lắm, đêm đang nằm tròn trong cái đáy cùng mịt mùng sâu thẳm của đêm. Và tôi, tắt đèn, lên giường từ chập tối, tôi đã ngủ được một giấc thật ngon. Thành phố đang bằn bặt. Mưa đan lưới cùng khắp. Chung quanh chỗ tôi nằm, biển bóng tối dầy đặc. Ai đến vào giờ này? Cái tiếng động hối hả, gấp rút vừa nghe thấy có phải là của một người vừa gọi cửa? Tôi trở mình, nhắm mắt, toan ngủ lại, thì tiếng động, đúng là một tiếng đập cửa, lại nổi lên, cùng với một tiếng gọi:
"Hoan! Hoan có nhà không?"
Hoan là tôi. Nhưng người gọi là ai! Từ ngày đến ở căn nhà gỗ trong cái ngõ hẻm sau chợ Tân Định này, tôi đã đoạn tuyệt, gần như hoàn toàn, với cuộc sống ban đêm, đám bạn hữu chơi bời biết vậy, không còn ai tới kiếm vào giờ này nữa. Tôi bực bội xuống khỏi giường, lần bước trong bóng tối, vừa tìm đường đi ra phía cửa trước, vừa hỏi lớn:
"Ai đó?"
Tiếng của người bên ngoài, lè nhè, sặc sụa:
"Viễn đây, vào được không?"
Thì ra kẻ say rượu, chờ một đêm mưa lớn đến phá vỡ giấc ngủ của tôi là Viễn, một người bạn cũ, chẳng thân thiết gì lắm, đã lâu ngày không gặp. Tôi ngẩn người, không biết Viễn đến kiếm tôi để làm gì. Và tại sao cái tiếng đập cửa của y lại nóng nảy, hoảng hốt đến như vậy. Chắc là đang giữa cơn say, còn muốn say thêm nữa, tới sáng, Viễn rủ tôi tới một quầy rượu nào đó còn mở cửa vào giờ này. À, không được. Tôi đã ra khỏi cái thế giới ban đêm, cái thế giới mù sương chuếch choáng, cái thế giới của những cơn say không còn biết trời đấy là gì. Ra khỏi. Từ lâu rồi. Và không bao giờ trở lại.
Tôi hỏi, không mở cửa, giọng nói tỏ ra khó chịu ra mặt, cho Viễn biết là tôi bực mình:
"Ngủ rồi. Mai lại chơi đi".
Một giây im lặng, làm nổi bật tiếng mưa vẫn đều trên mái. Giọng Viễn dịu xuống:
"Thì mở cửa ra".
Tôi gắt:
"Anh đến phá giấc ngủ của tôi đấy nhé. Mà tôi sẽ ngủ tiếp. Ngay bây giờ. Xin lỗi, không đi đâu với anh giờ này được hết".
Một tiếng động khác. Như của một thân người đứng không vững đến độ vừa ngả nghiêng vào thành cửa. Rồi Viễn nói vọng vào, giọng sầu thẳm làm tôi kinh ngạc:
"Tôi không đến rủ anh đi chơi".
Tôi gắt, lớn hơn:
"Vậy đến làm gì?"
"Ngủ nhờ một đêm".
Trong cái thành phố đầy đặc những sự việc lạ lùng và những hiện tượng quái đản này, một thành phố từng giờ từng phút phơi bày những cảnh tượng mà một tâm thể bình thường không còn hiểu được, có những người đàn ông như thế. Như Viễn. Đêm mưa còn lang thang như một con chó đói ngoài đường. Say rượu. Ngã vào thành cửa. Đánh thức một người bạn không lấy gì làm thân thiết lắm vào khoảng một, hai giờ sáng. Đòi mở cửa, vào ngủ nhờ một đêm. Tôi thở dài, nghĩ đến ngày trước, mình cũng đã từng có những đêm lang thang buồn rầu như vậy. Lang thang dưới trời mưa. Một mình trong đêm tối. Đành là mất ngủ một lần.
Tôi mở cửa:
"Anh vào đi".
Tiếng nói, từ sầu thảm, chuyển thành ngạc nhiên mừng rỡ:
"Được không?"
Tôi gắt gỏng trở lại:
"Đã bảo anh vào mà! Mau lên cho tôi đóng cửa lại".
"Phiền anh quá!"
Tôi chép miệng:
"Không sao. Lâu lâu mới có một lần. Nhưng đêm mai, anh còn đến phá nữa, tôi để mặc anh đứng ngoài đường suốt đêm".
Tôi bật đèn phòng khác. Từ ngoài vùng bóng tối dày đặc của con ngõ lầy lội, trên một nền mưa bay thoang thoáng, một bóng hình lảo đảo bước vào. Ánh sáng làm cho Viễn đứng lại, như ngỡ ngàng, với cơn say choáng váng bừng bừng trong da thịt.
Viễn khoác trên cái thân gầy guộc của Viễn chiếc áo mưa màu xám nhạt. Chiếc áo mưa đã cũ, hai cổ tay và gáy áo đã sờn rách. Chiếc áo ướt lướt thướt, nước từ đó chảy xuống ướt sũng nền đá hoa. Trong chiếc áo mưa tơi tả là một chiếc sơ mi để hở hết một hàng khuy trước ngực. Viễn không mang theo một cái gì, ngoài trừ cơn say điên loạn thần trí.
Tôi đứng ngây, nhìn Viễn, không thể nào tưởng tượng được người đang đứng trước mặt tôi lại là Viễn. Nhớ những lần gặp trước, ở ngoài phố, trước cửa một tiệm ăn, một rạp chiếu bóng, nếu trí nhớ tôi không lầm, Viễn không phải là gã say rượu tiều tuỵ, thiểu não này. Mà là một người đàn ông phong cách ung dung, phục sức diêm dúa, dáng điệu nhanh nhẹn, với một khuôn mặt sáng hồng và một nụ cười tưởng như không bao giờ tắt trên môi.
Viễn mà tôi vừa mở cửa cho vào, khác hẳn. Đó là Viễn của một mái tóc rũ rượi, một khuôn mặt hốc hác, hai gò má nhọn hoắt làm cho vực mắt đã sâu trũng càng sâu trũng hơn. Chừng như Viễn đã đội mưa đi lang thang hàng giờ trên những hè đường. Chừng như mưa trời, hơi lạnh, đêm tối, hết thảy đã thấm tới những chân tóc Viễn hơn. Tới máu huyết, tới da thịt Viễn. Và Viễn đứng đó, run rẩy, siêu đổ trước mặt tôi.
"Anh nhận ra tôi?"
Tôi đáp, gượng gạo, thiếu thành thật:
"Có. Có chứ. Nhưng anh cũng thay đổi nhiều. Đi đâu mà giờ này không về nhà. Mưa lạnh có thể làm cho ah đau được lắm".
Viễn trợn mắt nhìn tôi.
"Về đâu?"
Tôi đang bực mình cũng phải bật cười:
"Về nhà anh".
"Tôi không có nhà".
Viễn rũ rũ mái tóc, nói tiếp:
"Tôi biết có nhiều người trẻ tuổi, lãng mạn, điên cuồng, thích bịa đặt ra cho mình những tình huống trầm trọng, để có được cái ảo tưởng đang sống một cuộc đời ly kỳ như tiểu thuyết. Nhưng Viễn không phải là một người trẻ tuổi. Với Viễn, cái thuở điên cuồng, cái thời lãng mạn đã qua. Đêm mưa gió đầy trời, Viễn vất vưởng, Viễn cùng đường, "không một nơi nào để về" thật sao? Mà thôi băn khoăn làm gì về lời nói thiếu tỉnh táo của một người say. Chuyện riêng của Viễn! Mặc Viễn. Y lỡ độ, đến nhà ngủ nhờ một đêm thì cho y ngủ nhờ một đêm, sáng mai y về sớm.
Nghĩ vậy, tôi vẫy tay cho Viễn đi theo vào buồng ngủ.
"Vào đây. Tôi lấy quần áo cho anh thay. Sau đó, sẽ thu xếp chỗ cho anh ngủ. Sáng mai, anh có thể tự nhiên về bất cứ lúc nào".
Viễn lắc đầu. Mưa đổ lớn hơn. Nhạc mưa dữ dội, rào rào trên mái:
"Tôi chưa buồn ngủ".
Tôi nhìn đồng hồ, ôn tồn:
"Gần hai giờ sáng rồi".
Viễn vẫn đứng đó, với chiếc áo tơi mưa thùng thình trên cái thân hình gầy guộc và mái tóc rũ rượi ướt sũng:
"Nhưng tôi chưa buồn ngủ. Tôi chưa muốn ngủ".
Tôi sẵn giọng:
"Tôi buồn ngủ".
Viễn chỉ tay vào buồng trong.
Tôi bắt đầu cảm thấy hối hận để cho Viễn vào nhà. Người say nào cũng vậy. Lần khân, rắc rối, quái gở. Sự lằng nhằng của một người say rượu là một sự lằng nhằng kéo dài không biết đến bao giờ.
Tôi nghiêm mặt:
"Anh muốn gì?"
Viễn nhếch mép, cay đắng:
"Muốn chết".
Tôi phì cười:
"Cũng được. Tùy anh. Nếu anh muốn chết. Nhưng xin ở nơi khác, đừng ở nhà tôi".
Viễn ném cho tôi một cái nhìn trách móc. Như sự đau khổ, tuyệt vọng đến độ thê thảm của Viễn không nên là một đầu đề cho tôi châm biếm riễu cợt. Đoạn, cởi cái áo tơi mưa, Viễn lảo đảo ngã ngồi xuống cái ghế bành gần đó. Và, đầu ngã trên thành ghế, mặt ngửa lên nhìn trần, hai tay buông thõng, hai chân duỗi thẳng, Viễn nhắm nghiền mắt lại.
Tôi đứng lặng, ngắm nhìn người đàn ông say, nhớ lại những lần gặp Viễn ở ngoài đường. Sao Viễn có thể xuống dốc một cách thảm hại mau chóng như thế được? Đời sống là một phá huỷ, tiêu diệt người. Đã đành. Nhưng ở Viễn, sao sự huỷ diệt đó ghê gớm đến như thế được? Nhớ lại, những lần gặp trước, tôi chỉ nhớ được một người đàn ông hào hoa, phong nhã, di chuyển bằng xe Mercedes, lúc nào cũng có những người đàn bà xinh đẹp vây quanh.
Nhớ là Viễn mới ở ngoại quốc về được ba bốn năm nay. Phải, chỉ mới thế, không hơn. Người ta nói Viễn có một biệt thự lớn trên đường Công Lý, có văn phòng làm việc ở đường Nguyễn Huệ, lấy vợ đầm, về Sài Gòn, sống rất đế vương và làm ăn phấn chấn. Tôi đã nhìn thấy người đàn bà tây phương ấy một lần. Tóc vàng, mắt xanh, khêu gợi, cao lớn. Tôi còn nhìn thấy những người đàn bà khác nữa, lộng lẫy, diễm lệ, khoác tay, sánh vai với Viễn như tình nhân, như vợ chồng. Họ đâu hết? Và sao Viễn chỉ còn là một hình hài tiều tuỵ, khổ sở như thế kia?
Bỗng, Viễn mở choàng mắt:
"Nhà anh có rượu không?"
Tôi lắc đầu chán nản:
"Anh uống chưa đủ sao?"
Viễn thều thào:
"Tôi cần say. Chưa bao giờ tôi cần say như đêm nay".
Tôi mở tủ, lấy chai rượu. May là tôi đã cử rượu từ mấy tháng. Còn nguyên một chai Martell của một người bạn cho, chưa động đến. Tôi lấy ly, mở nút chai đặt nó trước mặt Viễn. Thấy rượu, Viễn ngồi thẳng lại, mắt sáng lên mừng rỡ:
"Anh không uống?"
Tôi lắc đầu:
"Không. Anh cứ tự nhiên".
Bằng những ngón tay run rẩy Viễn rót một ly rượu đầy, ngửa cổ tu thẳng một hơi, lại rót luôn một ly khác. Có rượu vào, Viễn như hồi tỉnh lại. Viễn đang tuyệt vọng, đang chán đời thật. Và men rượu, với Viễn, quả là một cần thiết.
Uống một hơi mấy ly rượu, rồi Viễn ngã đầu vào thành ghế, nhìn quanh quất.
"Anh ở một mình?"
"Phải!"
Viễn buông một tiếng, cộc lốc:
"Sướng".
Nói tiếp:
"Sống một mình như anh là nhất".
Tôi cười:
"Anh tưởng thế. Ai cũng sống như nhau mà thôi. Điệu này, anh định thức đến sáng?"
Viễn khẩn khoản:
"Anh thức với tôi một đêm được không?"
"Để làm gì?"
"Uống với tôi cho đời đỡ buồn. Mà nếu anh không uống, thì chịu cho đời đỡ buồn, chịu khó nghe tôi nói chuyện".
Tôi cười, bắt đầu bị kích thích bởi sự tò mò:
"Chuyện gì?"
Viễn vung tay, làm một cử chỉ rộng rãi:
"Tất cả. Đời tôi. Những người đàn bà tôi đã gặp, đã yêu, đã làm cho tôi điêu đứng".
Viễn ngửa cổ uống một ngụm rượu thật lớn. Cái yết hầu nhọn hoắt lộ ra dưới ánh đèn. Rượu trào khỏi mép, chảy thành một dòng vàng ánh xuống cổ. Cơn say biến đổi trạng thái. Nó không còn bê bết rũ liệt như lúc Viễn mới, đội mưa và mang theo đêm tối vào nhà. Cơn say bây giờ bừng bừng quẫy động. Rượu vào lời ra, đúng là lúc này, tôi nghĩ thầm. Quả nhiên:
"Anh cho hai chân lên ghế đi. Ngồi thoải mái. Nghe thằng Viễn kể chuyện những thăng trầm, những nổi chìm, những điêu linh, những lên voi xuống chó của nó".
Viễn vung tay:
"Căn phòng anh từ phút này nếu sáng sẽ đầy đặc những hình ảnh đàn bà. Những con vợ đê tiện, khốn nạn, ác đức của thằng Viễn, thằng đàn ông chết vì đàn bà".
Rồi Viễn cất tiếng cười. Một tiếng cười chua chát cay đắng, nửa như bất cần đời, lại nửa như của một tên đang bị cuộc đời điên đảo rượt đuổi, hành hạ. Rượt đuổi đến cùng đường. Hành hạ đến mê loạn. Lần lượt theo những tên đàn bà được gọi đến:
"Marlène. Nguyệt. Thu Hà. Cái bộ ba yêu tinh thần nữ. Những con vợ xinh đẹp giết người của thằng Viễn".
Viễn nói không phân biệt ai là người yêu, ai là nhân tình. Tất cả đều là vợ. Tôi cười, sau khi đã làm theo lời Viễn, là thu cả hai chân lên ghế:
"Là vợ hết?"
Viễn đập mạnh lòng bàn tay xuống mặt bàn, khiến cái ly rung rinh muốn đổ:
"Hết".
"Anh hơi nhiều vợ đấy".
"Con đàn bà ở với tôi dù chỉ một ngày cũng là vợ tôi. Cũng là bà Viễn hết".
Câu nói trang nghiêm mà khôi hài đến cực điểm. Những người say có hai loại. Một buồn thê thảm, tê liệt, mất hồn. Một vui điên cuồng, đập phá và làm ồn. Ngắm Viễn, tôi phân vân không biết nên xếp y vào loại tửu đồ nào. Có lẽ Viễn không có một chỗ nào hết, để về. Không có một người đàn bà nào. Chỉ có cơn say làm vợ. Tôi phát biểu ý kiến thứ nhất vào câu chuyện đang ở khúc dạo đầu dây hứng thú của người say:
"Cho nên anh mới lắm mối tối nằm không?"
Viễn gật lia lịa:
"Đúng. Anh biết Marlène không đã?"
Tôi nhớ lại người đàn bà cao lớn có một thân hình khêu gợi, dữ dội, như của một minh tinh màn bạc, người đàn bà tóc vàng ánh như một cánh đồng lúa chín, mắt xanh biếc màu đại dương, mà nghe đâu Viễn đã đem từ ngoại quốc về. Phải, tôi nhớ đã gặp người đàn bà đó, một vài lần với Viễn, trên một sàn nhảy, trước một dàn nhạc. Dư luận nghe đồn đã một thời kỳ xôn xao vì người đàn bà tây phương Viễn mang về bên kia biển rộng. Tôi gật:
"Thấy lâu rồi. Không nhớ lắm. Sao?"
"Một trong mấy vợ tôi".
Tôi hỏi:
"Sao nữa?"
"Anh biết Nguyệt, biết Thu Hà?"
Tôi xua tay:
"Làm gì biết nhiều thế được. Hồi này tôi ở nhà, không đi đâu, ít gặp ai, càng ít gặp đàn bà".
"Cũng là vợ tôi nữa".
"Anh đã nói tôi".
Ly rượu cầm trên tay, mái tóc xoã trên đài trán, Viễn ngã người trên thành ghế. Và Viễn bắt đầu kể. Tiếng mưa rào rào trên mái nhà như một điệu nhạc làm nền. Ánh đèn chiếu xuống khuôn mặt Viễn làm nổi bật những khoảng trũng, khuôn mặt đó là một vùng tàn phá, như một nửa vườn trống sau một trận bão cuồng nộ thổi qua. Giọng Viễn lúc nhanh, lúc chậm lúc buồn bã, lúc sôi nổi. Chai rượu vơi đầy. Viễn kể tới sáng. Chưa từng một lần nào trong đời tôi phải chịu trận ngồi nghe một người say kể chuyện đời y nhiều và lâu như thế. Nghe suốt một đêm không dứt. Nghe tới khi mưa ngớt, và ngoài đầu ngõ, những tiếng xe cộ thứ nhất nổi lên trong ban mai mờ mờ. Nghe tới khi Viễn ngừng lời, buông ly rượu trên tay xuống. Và gục xuống thành ghế, thiếp đi.

Chương 1 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 336

Return to top