Tiếng Nổ
Thái San
Tôi van anh lần sau tắt máy xe từ ngoài ngõ chịu khó dắt vào.
Tiếng máy xe của anh làm tôi khó chịu, bệnh trạng tôi chập chờn…..…..
Đám biểu tình tuần hành suốt trên con đường rộng lớn khu phố người ở đông đúc. Đoàn người không biểu ngữ không vũ khí. Họ im lìm trong khóe mắt lóe lên những tia hận thù. Nhà cửa hai bên đóng cửa lại rầm rập, trèo lên bao lơn hoặc qua những khe cửa nhìn đoàn người trên đường dài dằng dặc trong những bộ quần áo đủ mọi màu. Đến ngã ba đoàn người biểu tình cứ vượt qua băng qua không cần biết có ai. Những chiếc xe gầm ghì dữ tợn cũng phải dừng lại không di chuyển thêm một chút nào, họ bực tức khi phải chờ đoàn người di chuyển qua hết.
Khu phố này không lạ gì những cuộc phô trương người hay đi tìm nguyện vọng. Tôi nghĩ thầm trên một phương diện nào con người cũng đều phải đòi hỏi bằng những phương cách này hay sao? Một con phố thường ngày giờ này linh hoạt nay đã biến đổi âm thầm nhu một con phố ma. Đoàn người như những con quỷ hiền lành nhất trong địa ngục được tập tành trước điều thiện. Dù vẫy cũng không tắt được tia mắt quỷ ngay lúc thoáng nhìn. Tiếng cãi nhau của những mấy đứa trẻ cãi nhau đang đánh bi ngay đầu ngõ hẻm:
- Tao nhất, mày nhì thằng Lũy ba đi đi…
- Của mày rồi đó, chỉ hầm thôi con ơi - Lũy bị hầm rồi
- Tao trước.
- Tao trước chứ…..
Bây giờ tôi mới thấy rõ trái bi tròn trĩnh lăn trên đất chỉ có hai màu đỏ vàng làm tôi phải thắc mắc nhiều nhất. Tôi hoa mắt lên: khốn nạn thằng nào cho màu đỏ vàng vào đây, mày biết màu đỏ là màu gì không?
Thằng bé nhất đám cầm chặt viên bi bị hầm vỡ đứng khóc.
- Mày thường tao đi.
- Ơ, mày bị hầm, bị vỡ ráng chịu chứ ai mà kêu ca gì.
Tôi thấy thằng bé ráp hai mảnh bi vỡ vào nhau đứng nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Rồi chợt quay vụt chạy nói với theo lũ trẻ:
- Hẹn chúng mày khi khác kiếm tiền mua bi…
Thượng đế ơi…đoàn người…màu da ai vàng…dân việt đau thương…thằng bé đứng khóc…đoàn người đang đi…hai mảnh vỡ của viên bi.
- Tôi đã nói, đã van xin anh, anh có xe…
- Tôi xin lỗi, xin lỗi nhé, quên.
Đoàn người hôm ấy đã khuất không để lại cho dân thành phố điểm gì vui tươi. Những nhật báo, từng nhóm người bàn bạc thế sự, từng câu hỏi được nêu ra: “nước Việt sẽ đi về đâu? Đầu óc nhức mỏi nên tôi bước xuống đường ra khỏi ngõ tiến dần vào chợ một lúc để quên khuấy những chuyện đã rồi. Lặng lẽ bước vào gian hàng vải, cố mua vải hai mảnh khăn xô trắng rồi về, bước vào nhà nghe mẹ chửi Tỵ:
- Tại sao mày để em đi chợ? Con này thật đáng đánh đòn. Đưa khăn trắng đây cho mẹ, sao không để em nó đi chợ cho, đi nghỉ đi, lên trên gác mà nằm nhé, mẹ chuyển phòng con qua phía kia rồi, con nhớ đừng ngồi đấy nữa, chỗ cửa cũ của con đó, tiếng xe quỷ làm con khổ thêm, con gái mẹ sẽ khỏi bệnh:
- Vâng con nghe mẹ.
Trên đường phố hôm nay lại một đoàn người khác có vẻ dữ tợn hơn đoàn người trước. Có lẽ là loại vừa vừa dưới địa ngục. Trên tay gậy gộc lăm le như ngaỳ xưa chú tôi đi bắt gà nuôi vườn giữa ban ngày khi có khách mà lỡ thả ra buổi sáng. Tôi lại cũng gặp tụi trẻ bắn bi như hôm nào và lần này lại bị đánh vì thắng hai thằng kia. Tiếng còi hú xe cảnh sát nghễu nghện tiến đến đằng đằng sát khí, làm tôi ngẩng lên trong lúc tiếng hô cháy vang trời, khổ thân đoàn người, khi có người bị cháy, trùng hợp sự thương hại của tôi với thằng bé bị hai thằng lớn đánh:
- Tụi mày ỷ hai đánh tao phải không? Mày nhớ món nợ máu này, sẽ phải trả con ạ, hôm trước tao thua tao có than thân không đồ khốn nạn?.
Tiếng xe chợt nổ lớn, xói xang. Mẹ tôi đã đứng cạnh bao giờ nói:
- Mẹ đã bảo con không được ra đứng chỗ đó nữa, sao con không nghe , bây giờ nghe mẹ đi.
- Mẹ ơi con nhìn thấy nhiều lũ quỷ quá.
Mẹ tôi chỉ tay vào người thanh niên đi xe rồi nói:
- Nó đi xe lúc con đang bệnh làm con bệnh thêm, thế con nghe mẹ qua đây ở ngay đi con, nếu không mẹ phải khắt khe với con đấy.
Tôi nhìn vào đôi mắt mẹ vâng lời bước qua cánh cửa. Tự dưng mâu thuẫn đến với mình. Tôi không muốn thấy thiếu tiếng xe xói xang ấy mỗi chiều, nhưng có mặt lại muốn chửi cho anh ta biết mặt.
Đặt mình xuống giường thì tôi phỏng định bọn người biểu tình đã bị quét sạch. Hình như từ lúc đám người biểu tình này mới đến, con đường ảnh hưởng đến bệnh trạng của tôi. Tôi biết thằng bé cũng từ con ngõ đó mà tới. Thắc mắc thật nhiều từ khi tiếng còi hụ vang, đoàn người có người bị thương, có người tự thiêu có kẻ bi bắt, thằng đánh, thắng lại bị đánh, đời nào kiếp nào giải quyết cho, ổn thỏa.
Tôi tiếc không còn ở lại phía cũ, không còn được nhìn đoàn người, tôi tiếc không còn thấy thằng bé đánh bi trở lại chơi với những đứa khác. Cánh cửa đó niêm phong hạn chế từ đó. Mẹ tôi đã hiện ta từ lúc nàovà giọng ôn tồn:
- Con gắng nghe mẹ nhá, mẹ đi đền khấn cầu cho con, cho đất Việt. Cần gì hỏi và gọi Tỵ nó lên. Mẹ vuốt tóc tôi rồi đi ra. Tôi làm bạo ra song cửa vẫy tay.
Mẹ tôi vừa đi khỏi chợt nghe tiếng xe máy đầu ngõ, ngừng lại và dắt xe vào. Tôi nhìn anh và tim đập nhanh hơn lúc thường, nó len lỏi vào tâm hồn dâng cao đến một độ nào đó rồi thất vọng như bao lần xe anh vượt qua lối rồi hạ xuống, nhưng lần này anh chống xe ngay cửa sổ thẳng chỗ tôi, và vào thẳng nhà cho đến nỗi tôi không đề phòng kịp. Tiếng em tôi mừng rỡ:
- Anh Linh anh vẫn khỏe đấy chứ?
- Mạnh, nhưng buồn.
Tiếng anh nói sang sảng đến nỗi sau này còn vang mãi trong tôi.
Bấy nhiêu thôi tim tôi se thắt lại. Bỗng dưng tôi dời bỏ ngay chỗ ngồi đi thẳng vào giường đặt mình xuống.
Đã lâu lắm tôi không thấy đoàn người đến trên con đường này nữa. Sự khác thay thế vào đó, những chiếc xe nhà binh, xe Nhật nhảy múa trên con lộ lanh lẹ từ hai thời kỳ: Những xe Nhật chở hai người được chở bên một phía hay hai phía cũng chẳng làm tôi thỏa mãn hơn. Nhiều tiếng nổ đêm khuya phá giấc ngủ. Quỷ thật, đánh nhau trong thành phố này sao? Mấy thằng đánh bi cũng vậy, tất cả diễn qua như một vở kịch diễn qua một lần không lập lại.
Phía này hỏa châu nhiều, họ đốt đèn trời có ý gì?…..
- Má ơi! Má. Họ đốt đèn trời có ý gì hở má? Để đánh nhau với ai? Việt minh à, sao kỳ vậy?…Việt nam…Việt cộng …Việt nam cả mà?
Người mẹ đến tự bao giờ:
- Thôi con nằm xuống đi bệnh lại lên rồi đó.
Người mẹ lại đi giấc mơ hãi hùng lại đến….
- Tao đánh mày sao?…
- Tại sao mày lại yêu?…không được mình quấy rồi… dân Việt. Chị em, khó xử quá…anh…em cũng yêu anh rồi đó. Tỵ nữa…..
Tôi mơ thấy anh chắp cánh bay ra khỏi tiền đồn hẻo lánh xa rừng thẳm về với đô thị nhan nhản những bộ mặt già dặn, không chịu hy sinh nhập cuộc để đoạt dứt tiếng kêu trầm thống của vũng lầy hiện tại.
Đại gia định Việt tang thương. Những người phụ nữ đang sa xuống hố bùn (bán trôn nuôi miệng). Những đứa trẻ nhỏ tí đã ngậm trên miệng điếu thuốc Salem hoặc đi bắt mối cho những khách làng chơi ngoại quốc. Những gì đó của xã hội này. Bản thể nước nhà còn gì. Những đứa trẻ con chấp nhận hay kẻ đàn anh khốn nạn đã lùa chúng vào con đường hủy diệt. Tất cả luân lý tiền nhân để lại đã bị tiêu diệt trong khoảng thời chiến tranh lúng túng trong tiêu cực. Ảo ảnh là khối mồ xa lắc, hay tất cả võng mô của dân tộc đã bị đục khoét nên không nhìn thấy tương lai, thấu cuộc chung toàn diện. Cũng như anh không thể thấu đáo nội tâm của tôi, của Tỵ. Tỵ yêu tôi một người chị không điên hẳn, khùng hẳn. Còn tôi, với Tỵ, một người em yêu mến. Đàn ông là gì mà có thể gạt bỏ tình chị em.
Những đêm đông đặc trong thành phố. Tôi bơ vơ, em tôi bơ vơ trong niềm lo của bất cứ cuộc sống người con gái nào. Trong lúc thiếu thốn, dục vọng thức dậy, niềm lo âu tiềm ẩn nhất trong tâm não của cả nơi loài mềm yếu. Người đàn bà thụ động trong chờ đợi. Đoàn biểu tình cũng vậy. Một số động bằng gần số thụ động có tính như đàn bà, họ chẳng biết tí gì về công việc họ làm, họ chỉ a dua theo con đầu đàn… cũng kệ họ.
Em tôi nó nói anh lên đây phải không? Anh nghe tôi, anh xuống, anh có thể như viên bi của thằng bé, rồi cũng sẽ bị bể hai, vì vậy anh được gì. Anh là một kẻ tồi đến không đúng lúc với hai chúng tôi, khi trái bi vỡ ra đau đớn lắm, da vàng cả mà anh, ai đang tâm lót đường. Anh là kẻ đào hoa đúng lúc đối với thiên hạ, khi chúng tôi những phần thụ động vương vào vòng tầm thường lẩm cẩm. Anh là một loài gì bây giờ anh hãy bước ra, anh là anh, không là một loài gì khác, loài ong chẳng hạn, hay loài bướm, cũng chẳng phải vì vậy ve vãn cả hai. Bây giờ tôi mới thấy sát nghĩa tồi, hay anh thương hại, khỏi cần, anh để tôi yên, anh hãy bước ra nghe không anh. Bây giờ, ngay lúc này tôi cô lập hoá tình cảm tôi lại, xin lỗi tôi tự tôn, mà phải đúng nghĩa. Anh bước ra rồi tôi kể chuyện này cho anh nghe.
Chuyện ngày nay chuyện đất nước lâm nguy, anh là trai, tôi không nói khéo anh đâu tôi nhìn thấy khoảnh của anh trên lãnh vực đó tôi nói rõ cái đó còn cái khác xin chịu, và anh là anh không phải là tôi. Anh nên nhớ, bao giờ cho người dưới đường không còn, tất cả mọi người sẽ hiểu. Nếu anh thương Tỵ, thương tôi thì chúng tôi cũng chẳng muốn nghe tiếng xe xỉa xói này nhiều, chỉ muốn nghe đôi lúc, tiếng xe lúc đó kêu khác, có nghĩa như tiếng kẻ trở về thành phố, tiếng kèn kênh kiệu trong mầu áo chiến kiêu xa. Nhưng tôi tầm bậy quá rồi phải không anh. Anh bước ra rồi tôi nói chuyện với ai, anh ngồi lại tôi kể chuyện cho anh nghe rồi ra đi mới phải. Nghe tôi kể chuyện đó anh chấp nhận không, nói đi? Thôi khỏi cần ý kiến của anh. Rồi đây tôi cũng không thể ngồi không, cũng sẽ làm một cái gì khi anh ra đi rồi.
Việc tôi làm sẽ không cùng khuôn khổ như anh nhưng cùng một tiêu chuẩn đại chúng. Mặc anh không thuận nhưng tôi thuận, cái điều muốn của kẻ này không là của kẻ khác. Đấy là suy nghĩ theo một chiều. Sự này tôi muốn cho anh, đừng ngồi không và hỏi người ta làm gì nưã, thừa thãi lắm đó anh.
Tôi nằm im trong những ý tưởng. Anh đi lúc nào không hay. Tỵ không hiểu có dưới nhà không, nhà im lìm thế này. Tiếng má tôi vọng dưới nhà:
- Sao con khóc hở Tỵ? Con gì buồn gì vậy?
Mẹ tới hỏi rồi bước chân cầu thang từng nấc thang thấy gần tôi hơn. Mẹ tôi hỏi:
- Bớt chưa con gái ?
- Dạ bớt rồi, mẹ lo cho con quá.
Mẹ tôi kêu Tỵ lên đĩnh đạc ngồi trên chiếc ghế, báo cho chúng tôi sắp bán nhà này di chuyển về Đà Lạt hợp với thời tiết hơn, nhất là có lợi cho căn bệnh tôi.
Lên đó má tôi sẽ trồng rau, trồng dâu hay trồng hoa, bất cứ việc nào có thể sống được. Tôi và Tỵ nghe nói chợt nhìn nhau. Tôi thấy Tỵ buồn nhiều. Tôi không thể chối cãi sự man mác dâng lên trong lòng. Cả hai chị em cúi xuống suy tư cho xa cách này.
Chắc chẳng còn được nhìn những đám người biểu tình và có người cháy hay không còn phải nghe tiếng xe nổ nhói tai, tiếng xe nổ mâu thuẫn không nói được trong lòng tôi phải nên ghét hay nên buồn. Tất cả một đoạn sống qua đi rơi lại phía sau như chuyện tàu lửa chỉ còn sự trống rỗng của cuộc sống gia đình toàn đàn bà.
Má tôi cũng cho biết sẽ dọn nhà vào cuối tháng. Tôi không lo âu một chút nào nhưng vài ý nghĩ viển vông dại dột xen vào khơi lên cho tôi biết một lần ra đi có sự gì trùng hợp đau buồn. Tôi cúi xuống nhìn tấm drap trải trên nệm mầu hoa cà đan khít bằng những cánh hoa không tên rồi ngã mình không đợi má tôi nói thêm gì.
Má và Tỵ xuống hẳn mới dành cho tâm hồn phần trống rỗng. Tôi lo cho ngày mai, phải đối phó với cuộc tiễn đưa bằng xác thân, bằng linh hồn trộn trạo như đống vữa, rồi cát sẽ nhuốm màu xanh của xi-măng, hay thời tiết miền lạnh lẽo càng nung nấu sôi bỏng hoa niên. Tôi nhìn thấy tương lai trong má tôi, trong tôi cơn bệnh hiện hữu, trong đất nước khói lửa điêu tàn, trong anh tạm gọi là hèn nhát không vươn dậy.
Bác sĩ chữa bệnh cho tôi cũng là những con người đóng khung cho cho sự dốt chung của nhân loại. Một hiện hữu đáng trách khi nhìn thấy thảm cảnh, không thể thừa nếu anh đứng dậy, và vẫn thiếu từng bàn tay.
Tôi chép miệng cúi mặt lũng sâu vào chiếc nệm cao su êm đềm. Tôi có thể giầu tưởng tượng hơn lên như nằm trong vòng tay một người tình , trong hạnh phúc. Giây phút này tôi không hiểu rõ tôi ở khoảng trời nào, cạnh con đường cũ để xem đám người hay đồi thông gió lạnh vi vút nức nở buồn.
Má và em, ăn cơm xong mới đánh thức tôi. Uể oải nghe đau ran từng khúc xương vì thời gian bệnh khá lâu không được hoạt động . Như một cuộc ngưng chạy của một chiếc máy ngày này qua ngày khác làm hao tổn tinh thần, đúng ba tháng kỳ hè tôi đã nằm đó mãi, cho đến ngày hôm nay mới được sự chấm dứt. Còn mấy ngày nữa thì hết tháng và bốn tuần nữa thì hết hè. Nghiễm nhiên được trả lại trên ghế nhà trường tiếp tục học.
Tôi đoán chừng sách vở nhàm chán tôi phải quay vòng tròn, má tôi phải giải quyết cho tôi bằng phương trời khác, bằng lớp học, bàn ghế, con đường, nhưng luân lý có khác không hở? Các người dạy ta tất cả rồi phản lại tất cả, trò đời bẩn thỉu như một sân khấu.