Bất luận một công cuộc làm ăn nào, xét theo nghĩa chung cũng phải đi đến chỗ tranh chấp về quyền lợi, dù là một cuộc mua bán, việc ký kết một tờ hợp đồng, một bản thỏa hiệp hay việc thành lập một hội buôn. Kinh doanh là một cuộc tranh đấu mà chúng ta phải chiến thắng nhưng không đè bẹp đối phương vì trong những công cuộc làm ăn phải cố làm thế nào cho đối phương trở nên một đồng minh, một người bạn với mình, đó mới là thượng sách. Trong cuộc tranh đấu ấy, biết rõ đối thủ là một điểm lợi không nhỏ. Lẽ đương nhiên, trong những công cuộc làm ăn to, trước khi xuất trận ai cũng biết dò dẫm đường đất trước hoặc lo thu thập những tài liệu, những điều cần biết về công cuộc ấy. Chúng ta cũng hay dò xét về bề thế, về dĩ vãng, về địa vị xã hội của những người mình định hợp tác, song về cá tính của họ thì chúng ta không mấy rõ bởi chúng ta chỉ gặp gỡ họ trong công việc làm ăn, không có dịp đi sâu vào đời tư của họ. Những tay doanh nghiệp cừ mà người ta khâm phục và quen gọi họ là những “con cáo già” trong thương trường là những người rất hoạt động, đầu óc lại tinh nhuệ, phụ vào đó, họ rất giàu kinh nghiệm về người và việc. Nói rằng sự thấu hiểu những định luật tâm lý có thể thay thế hẳn cái kinh nghiệm quý báu ấy có khi hơi quá đáng, song điều chắc chắn là nó có thể giúp chúng ta thâu thập kinh nghiệm ấy một cách dễ dàng, nhanh chóng hơn và biết sử dụng nó một cách kiến hiệu hơn. Trong đời sống, chúng ta thường gặp phải bài toán này: chúng ta mưu tính một công cuộc làm ăn, chúng ta nghiên cứu nó; trong giai đoạn nghiên cứu ấy chúng ta có dịp tiếp xúc với một người nào đó mà thường khi chúng ta chỉ biết về địa vị xã hội của họ. Như vậy làm thế nào để nhận định rõ cá tính của họ? Làm cách nào để vạch ra cái phương trình cá tính của người ấy? Những phương pháp để dò xét cá tính con người mà chúng tôi vừa chỉ ở chương trước không thể áp dụng trong trường hợp này. Chỉ có lối dò xét trực tiếp và những cuộc quan sát tinh xác mới có thể giải quyết phần nào bài toán khó giải ấy. Trước hết phải nhận xét về cái “mặt tiền” của người: Việc quan sát đầu tiên mà chúng ta có thể làm là quan sát cá tính tập thành, cái phần cá tính dễ nhận xét nhất. Trước khi giao dịch làm ăn với ai, lẽ dĩ nhiên chúng ta phải dò xét về người đó. Chẳng những dò xét về cái “chân đứng” của họ trên thương trường, dựa theo những tài liệu do các ngân hàng hoặc các cơ quan chuyên môn cung cấp; ngoài ra chúng ta còn phải dò xét những thị hiếu, những thói quen, xét về tư tưởng, về trình độ văn hóa của họ. Nội một việc phân tách cái cá tính tập thành như chúng tôi đã có chỉ ở một phần trước, cũng có thể giúp chúng ta “hiểu” đôi chút về một người nào đó. Một nhà thể thao (nên hiểu là người thích tập thể thao chứ không phải người thích xem những cuộc thịnh diễn thể thao), một người hay đi du lịch, năng xê dịch, quen dậy sớm, có thể kể là người hoạt động. Một người thích “chơi bời”, thích “ăn nhậu” ắt có ít nhiều tham muốn. Người có óc thẩm mỹ, thích âm nhạc, thích chơi tranh, viết văn hoặc ngâm thơ ắt phải có nhiều cảm xúc tính, nhiều trí tưởng tượng. Cứ trông vào nhà một người, nếu chúng ta thấy nơi ấy thường có những cuộc tiếp tân, tiệc tùng, chúng ta có thể đoán chủ gia là người có nhiều óc hợp đoàn, nhưng cũng đừng quên ảnh hưởng của người đàn bà; lắm gia đình có bộ mặt rất niềm nở, nhưng chúng ta đừng vội đoán rằng chủ gia là người thích giao du, vì thực ra đó chỉ là sở thích riêng của bà vợ, còn ông chồng thì tính vốn thích cô độc, kém xã giao. Thấy một người tham gia nhiều hội hè, hoặc có chân trong hội thể thao, hội phước thiện, chúng ta có thể tạm đoán: lòng nhân người ấy khá cao. Ngoài ra nhận xét này cũng có thể là chứng chỉ của lòng tham muốn, của óc hợp đoàn bởi có người tham gia vào những công cuộc ấy chỉ vì háo danh, ham chức. Chúng ta há chẳng thường thấy những tấm danh thiếp trên đó có ghi hàng loạt chức vị nào là chủ tịch hội này, tổng thư ký hội kia, hội trưởng danh dự phong trào nọ, lại có những người bất luận ở đám nào người ta cũng thấy họ chường mặt đến. Những tham vọng về chính trị cũng là điềm chỉ về lòng tham muốn và óc hợp đoàn. Trái lại, người nhận lãnh chức tổng thư ký của một hội ái hữu, một chức vụ ở trong bóng tối nhưng đòi hỏi nhiều hy sinh, bởi viên tổng thư ký của một hội trường phải cáng đáng hầu hết công việc của hội, ắt phải là người biết hy sinh tức là giàu lòng nhân. Trong một vài cuộc gặp gỡ khó mà nhận xét óc phán đoán của một người, họa chăng chúng ta biết dựa vào một vài câu chuyện người khác nói về họ rồi suy diễn ra để dò biết. Sức khỏe: Đã có những tài liệu đầu tiên ấy bây giờ chúng ta sẽ trực tiếp dò xét người ấy để tìm hiểu họ rõ hơn. Công việc phải làm trước tiên là thử đoán về sức khỏe của họ. (Trong quyển tiểu thuyết “Những Con Người” của Pierre Hamp, một bác thợ cạo nói: “Khi đôi tay tôi nắm giữ lấy cái đầu của một người khách, tôi tự hỏi ông ta mắc chứng bệnh gì?”). Ở một phần trước chúng tôi đã nói qua về ảnh hưởng của toàn thân cảm giác đối với hành động và thái độ của con người. Chúng ta có ích lợi mà nhận xét về sức khỏe của những người chúng ta định hợp tác. Sức khỏe của họ dồi dào, tinh thần họ vui vẻ, bãi bôi, họ yêu đời. Thiếu sức khỏe hoặc mắc bệnh hoạn, họ sẽ là người lạnh lạt, cau có, vả lại đối với người bệnh chúng ta phải dè dặt khi mưu sinh với họ những công cuộc làm ăn dài hạn, họ có thể nằm trên giường bệnh hàng năm, để chúng ta gánh lấy tất cả công việc, hoặc giả họ dám bỏ rới chúng ta dọc đường để bước sang thế giới khác. Chúng ta sẽ không xin hội kiến với người đau dạ dày sau buổi ăn, vì lúc ấy họ bị dạ dày hành và họ đâm ra cáu kỉnh. Trái lại, người sung huyết rất vui vẻ sau khi ăn uống no đủ. Đối với người thuộc thần kinh chất nên tiếp xúc với họ vào buổi sáng hơn buổi tối. Hình dáng thể chất của một người cũng có thể là những điềm chỉ về các chứng bệnh thuộc tạng phủ. Đành rằng những dấu hiệu bên ngoài ấy chưa đủ để quyết đoán về căn bệnh, một người gầy yếu lại thường ho khúc khắc chưa hẳn là người bị lao, một người mập mạp, hồng hào có thể mang chứng bệnh ung thư, nhất là thời kỳ bệnh này mới phát triển. Những triệu chứng chỉ về bệnh tật mà chúng tôi vạch ra dưới đây chỉ là những phỏng đoán, những tài liệu đầu tay, tuy thế tưởng cũng nên biết qua. Những gân máu ở hai mang tang nổi gồ ra là điềm chỉ người sung huyết. Ở những người có tuổi, đó là triệu chứng bệnh mạch cứng. Cái bướu thịt ở cổ (trái cấm) và mắt lồi (mắt ốc bưu) là dấu hiệu tim yếu. Người gầy đét, nét mặt nhăn thường đau quặn ở dạ dày, sau bữa ăn bị bức rứt, hay cáu kỉnh, là điềm chỉ bệnh ăn khó tiêu kinh niên, hoặc cuống dạ dày sưng, nổi bướu, nếu không phải do gốc ung thư, có thể chữa hết bằng cách mổ. Người bị lao thường gày còm, đôi mắt sáng một cách đặc biệt, hay ho khan, khó thở. Những khớp xương ngón tay nổi gồ hoặc méo mó là triệu chứng bệnh thống phong, bệnh phong thấp. Người đau gan, con mắt thường vàng như nghệ. Nước da người yếu gan cũng thường vàng và ngâm ngâm. Trí nhớ đột nhiên bị mất, nhất là trường hợp nó mất hẳn nhưng chỉ trong một chập là dấu hiệu bệnh kinh gián. Trí nhớ bị mất dần dần, nhất là ở người hơi có tuổi là điềm chỉ báo hiệu bệnh lẩm cẩm. Bệnh tim la ăn vào óc, bệnh nghiện rượu, nghiện thuốc phiện cũng có thể làm suy giảm trí nhớ. Những thương tích, tinh thần bị xúc động quá mạnh cũng có thể làm mất trí nhớ một phần nào hoặc mất hẳn. Môi da chì lại có những chấm nâu nâu là triệu chứng của bệnh addison tức là chứng bệnh thuộc về thượng thận. Người thiếu máu thì da mặt thường mét hoặc trắng bạch chản, môi trắng nhợt, mắt thiểu thần mất sắc. người thiếu máu không hẳn là người gầy nhưng luôn luôn họ cáu kỉnh và có vẻ uể oải, mệt nhọc. Có hai mẫu người nghiện rượu, một mẫu “bợm nhậu” cổ điển: sắc mặt láo liên, gương mặt đẫy đà luôn luôn nhuộm màu ớt, gân máu ở mặt nổi gồ, đầu chóp mũi đỏ au; một mẫu “bợm nhậu” khác da mặt lại tái mét, khuôn mặt gầy gò, da khô lùi xùi. Môi và lưỡi người nghiện rượu thường bị run nên họ hay nói lắp. Lúc chưa ăn, khi họ đặt bàn tay xuống bàn và xòe những ngón tay ra chúng ta để ý thấy một vài ngón run rẩy. Nên để ý điều này là người có thể vướng bệnh nghiện rượu mặc dầu chưa bao giờ bị say rượu. Đặc điểm của người nghiện thuốc phiện hoặc các chất ma túy như cocain và mọt-phin là khi đã no say với ả phù dung thì họ trải qua một giai đoạn khích thích, nói năng huyên thuyên, cử chỉ nhanh nhẹn, để rồi một thời gian sau đó, họ lại trải qua một giai đoạn suy nhược nằm không muốn cựa quậy, lo âu, rã rượi, nếu họ không kịp tiếp tế chất độc ấy vào người. Chứng run rẩy có nhiều nguyên do: run vì rét lạnh, vì sợ hãi, vì quá xúc động là nguyên do ở sinh lý. Song ngoài ra có những chứng run rẩy khi đều đều khi bất thường, đó là do sự suy nhược của thần kinh, cái run rẩy của những người đa cảm xúc. Môi và lưỡi những người bị chứng tê liệt toàn diện thường run rẩy. Do đó họ nuốt mất nhiều tiếng khi nói chuyện (nói đớt đát). Nên để ý điều này: trong giai đoạn đầu của chứng tê liệt toàn diện, người bệnh hay có những tật của trẻ con. Người cầm ly rượu đưa vào miệng uống mà tay run rẩy đã có triệu chứng ngạnh kết. Tiếng nói hơi run, bước đi chập chững cũng là triệu chứng của bệnh này. Tay của người bị lậm vì chất độc của thủy ngân, của thuốc lá, của thuốc phiện trắng cũng bị run rẩy như người nghiện rượu (khi bắt họ xòe các ngón tay ra). Lúc đi mà chân bị run hoặc bước đi cứng đơ như hình nộm là triệu chứng của bệnh ta bét (tabès), một chứng bệnh có nguyên nhân xa ở bệnh tim la. Chứng đái đường không có dấu hiệu bên ngoài, người mắc chứng bệnh ấy có khi mập mạp phốp pháp, có khi lại gầy đét. Tuy nhiên, xem cách ăn uống của họ: cữ các thức ăn có chất đường, có chất bột chúng ta có thể đoán biết. Những người bị sưng nhiếp hộ tuyến bị đau thận, bị bệnh trĩ không thể ngồi lâu một chỗ được. Những người bị chứng tĩnh mạnh trường, nổi gân xanh hoặc sung tĩnh mạch, đứng lâu không được. Hai chứng bệnh này do máu huyết lưu thông không đều. Riêng về bệnh sưng tĩnh mạch, nếu không khéo chữa có thể gây ra bệnh tắt huyết. Những tật giật gân cũng đáng cho chúng ta quan tâm. Nên phân biệt những tật giật gân với những tật giật thịt. Tật giật thịt thường diễn ra trên mặt và có tính cách bất thường, vô ý thức. Tật giật gân trái lại là mọt sự lệch lạc của vận động tinh thần. Thoạt tiên tật giật gân là một cử động có mục đích rõ rệt nhưng vì đặng lặp lại mãi về sau biến thành một cử động tự động. Những tật giật gân (như vuốt râu, gải tay, cạy mũi, cắn móng tay) thường đặng lập lại một cách vô ý thức, tự động. Như đã nói trước, tật giật gân thoạt tiên là một cử động ý thức (thí dụ nheo mắt, lối nhướng mắt của người cận thị). Phái nam hay phái nữ và ở tuổi nào cũng có thể vướng tật này, nhưng sớm nhất ít ra cũng phải từ độ lên năm lên sáu trở đi. Những người có tật giật gân luôn luôn là người đa cảm xúc. Những tật giật gân có tính cách hay biến đổi. Nó có thể diễn ra từng chập, từng quãng bất thường, không theo một nhịp điệu duy nhất nào cả. Nó thường diễn ra từng hồi, từng cơn. Có lúc tưởng như nó chấm dứt nhưng rồi nó lại nổi cơn lên còn mạnh hơn trước. Trong giấc ngủ nó mới dịu bớt và ngưng hẳn. Có những tật giật gân thuộc về mặt, nó làm giật môi, miệng, lưỡi, con mắt, có những tật giật gân thuộc về cổ (tật ngoáy cổ, lật lắc đầu), thuộc về thân vai (lật uốn mình) v.v… Lại có những tật giật gân thuộc về bộ hô hấp (ho hen, đằng hắng), thuộc về cách phát âm (thinh không lại phát ra những tiếng “a a”, “oa”), thuộc về lới nói (trong khi nói chuyện đệm vào những tiếng vô nghĩa). Nói lắp (nói cà lăm) không phải là một tật giật gân. Người nói lắp có thể là người thông minh. Người nói lắp là người nhiều cảm xúc vì muốn nói nhanh quá nên bị lắp. Nếu biết cách huấn luyện có thể chữa được tật nói lắp. Để chấm dứt đoạn nói về bệnh học, chúng tôi tưởng cũng nên nói qua một lối quan sát khác để đoán về sức khỏe của một người. Đó là cách xem họ đi chữa bệnh ở thành phố nào. (Bên Pháp có những thành phố để người ta đến đó chữa bệnh hoặc dưỡng bệnh. Phần nhiều mấy thành phố này có những mạch nước thiên nhiên mà trong nước có chất thuốc chuyên trị một vài chứng bệnh nào đó khi suối Vĩnh Hảo ở miệt Phan Thiết). Thấy một người thường đi nghỉ ở vichy, chúng ta có thể đoán họ yếu gan đau dạ dày hoặc bị đái đường. Người đi chữa bệnh ở Vittel, Evian chắc có đau khớp xương. Người đi dưỡng bệnh ở Aix-les-Bains chắc có bị phong thấp v.v… Quan sát về thể chất: Ngoài việc quan sát những bẩm chất thuộc về bệnh học mà chúng ta vừa duyệt qua trên, việc quan sát về thể chất của một người cũng có thể giúp chúng ta nhiều tài liệu để hiểu rõ về họ. Điều đáng chú ý trước tiên là giọng nói, cách ăn nói của họ. Mỗi giọng nói có bộ mặt riêng của nó. Điều này ai cũng phải nhìn nhận, vì chỉ nghe qua một giọng nói trong điện thoại chúng ta có thể nhận ra người đang nói ở đầu dây. Mỗi người đều có giọng nói khác nhau. Người nói quá nhanh, hoặc khi nhanh khi chậm, nói những câu không đứt đoạn thường là người đa cảm xúc. Nội việc quan sát một người nói nhiều hay ít cũng đủ cho chúng ta ước đoán về óc hợp đoàn của họ. Người nói nhiều, song chỉ nói những chuyện không đâu, những câu vô nghĩa lý hẳn là người có nhiều óc hợp đoàn, rất có thể là người nói dóc, nói khoác, hoặc giả đó là bị kích thích đến độ… Người ăn nói chậm rãi, từ tốn, nói từng câu một ngắn, nhưng rõ ràng, chứng chỉ một người trầm tĩnh, điềm nhiên, kém cảm xúc tính. Người hoạt động cũng nói nhanh song rõ ràng. Người tự cao luôn luôn bắt đầu một câu nói bằng tiếng “Tôi”. “Tôi như thế này…”, “Tôi sẽ làm thế kia…”. Người khiêm tốn trái lại không thích đưa cái “tôi” của họ ra trước và ít hay nói về họ. Trái lại người kiêu hãnh hoặc vênh váo dù là khi họ tự quán sát về họ. Cấp điệu của giọng nói cũng có nhiều ý nghĩa. Có những giọng nói gò bó, sửa giọng, chứng chỉ một tâm hồn giả dối. Có những giọng nói êm dịu, giàu âm điệu chứng chỉ người giàu tưởng tượng, cảm xúc tính và óc hợp đoàn điều hòa. Lại có những giọng nói chát chúa chứng chỉ một người ích kỷ, thiếu óc hợp đoàn. Câu nói: Mỗi câu nói, xét trong toàn thể câu chuyện, có thể giúp chúng ta nhận định về trình độ văn hóa hoặc tình độ giáo dục của một người. Người văn hóa khá cao trong khi nói chuyện dùng lối văn không mấy khác văn viết. Tự nhiên họ biết tránh câu văn tầm thường, những danh từ không rõ nghĩa những câu khách sáo, hoặc những câu lặp đi lặp lại mãi. Biết dùng những danh từ sát nghĩa, dùng những câu ngắn nhưng vẫn đầy đủ ý, bỏ bớt những lời lẽ vô ích, là chứng chỉ một người vừa có văn hóa khá cao vừa có nhiều óc phán đoán. Tuy thế, trong khi nói chuyện chúng ta không bắt buộc phải hoàn toàn áp dụng lối văn viết, trong văn nói, chúng ta có thể dùng lối láy đi láy lại nó làm cho câu văn thêm mạnh, hoặc nuốt bớt những âm cuối cùng để có thể nói nhanh. Những người lúc nói chuyện quen gò bó, uốn nắn câu văn y theo lối văn viết chứng tỏ hai điều: hoặc giả đó là người kiểu cách, hoặc là người bị ảnh hưởng của chức nghiệp. Những giáo sư, trạng sư, thẩm phán, có thói quen mang dùng lối hành văn nhà nghề trong câu chuyện hằng ngày. Người thiếu giáo dục quen dùng những danh từ thô tục, những tiếng “lóng”, những câu văn khách sáo. Người kém phán đoán nói chuyện nhạt phèo, vô vị. Những bác nhà quê, thiếu học thường dùng sai danh từ, nói trật cú pháp, nhưng nếu họ không thiếu óc phán đoán, họ vẫn biết nói chuyện một cách có ý nhị. Cái cách mà một người nghe người khác nói chuyện cũng là điềm chỉ đáng quan tâm. Người có giáo dục bao giờ cũng biết nhẫn nại nghe người khác nói, không bao giờ ngắt lời của ké đối thoại. Người kém sức chú ý hay tỏ vẻ xao lãng trong lúc nghe người khác nói. Đừng lầm lộn với cái vẻ xao lãng của một người trầm tĩnh, họ làm tuồng như không nghe song họ vẫn ghi rõ trong trí nhớ những lời nói của người khác. Một lối xếp loại đã lỗi thời: Từ ngàn xưa, người ta đã biết xếp loại con người thành bốn hạng tùy theo khí chất của họ: hạng đa huyết chất; hạng thần kinh chất; hạng lâm ba chất; hạng đảm trấp chất. Lối xếp loại ấy cổ thật, nhưng cổ kính chưa ắt đã có giá trị. Đứng về mặt tâm lý học mà xét, những danh từ: thần kinh chất; đa huyết chất; v.v… không thể chỉ định rõ ràng về một hạng người nào cả. Nếu có thể xếp những con người thành bốn loại, dù là chỉ xếp loại một cách đại khái đi nữa thì thực cũng quá giản dị. Hẳn thí dụ rằng có thể phân chia con người thành bốn hạng tùy theo khí chất của họ, và có thể phân làm bốn loại khí chất thật là thuần túy nghĩa là không bị pha trộn thì với hàng hà sa số con người đã sinh sống trên quả địa cầu này từ xưa đến giờ, chúng ta phải nghĩ rằng khí chất của những con người ấy đã từng bị pha trộn hằng bao nhiêu lượt. Tướng học, một khoa học giả hiệu: