Xem qua những chương trước, chúng ta đã biết trong sự diễn tiến của chu kỳ tâm lý, trước hết là việc tri giác sau đó là sự biểu hiện một cảm xúc đi đôi với một phản ứng sinh lý.
Suốt đời sống chúng ta, luôn luôn chúng ta có những cảm xúc hoặc mạnh hoặc yếu, thường khi là những cảm xúc rất nhẹ. Vì thế xưa nay các nhà tâm lý học thường để tâm nghiên cứu về những cảm xúc.
Vả lại cách đây không mấy lâu, danh từ cảm xúc vẫn chưa đặng định nghĩa rõ rệt. Cách phân chia các loại cảm xúc cũng chưa nhất định. Người ta thường lầm lộn cảm xúc với khuynh hướng đam mê, tình cảm, trạng thái khí sắc. Chúng ta đã biết, những khuynh hướng, những đam mê là thuộc về cá tính tập thành tức là thuộc cái phần tĩnh trong chúng ta. Còn những tình cảm mà chúng tôi sẽ định nghĩa rõ ở sau đây, và những trạng thái khí sắc là một hình thức của xảm xúc đã đặng cố định.
Chính ông Ernest Dupré, một nhà tâm lý học có tiếng đã định nghĩa những cảm xúc một cách minh bạch trong những công trình khảo cứu của ông về những bệnh thái các cảm xúc.
Trước hết, cần phân biệt cảm xúc với ngạc nhiên. Sự ngạc nhiên cũng là một tri giác song những yếu tố của tri giác ấy đều hoàn toàn mới lạ. Trước một sự kiện bất ngờ, chưa bao giờ xảy ra, cá tính chúng ta hình như “lơ lửng”. Không có sự biểu lộ nào trên địa hạt cảm tính cũng không có một phản ứng nào cả, cho đến khi biến cố ấy đặng giải thích một cách mà chúng ta có thể thừa nhận.
Cá tính tập thành là toàn thể những sự trạng mà chúng ta đã đặng chứng kiến, vì thế lẽ đương nhiên một người mà cá tính tập thành ít phát triển rất dễ bị ngạc nhiên. Cũng vì lẽ đó những trẻ nhỏ, những người bán khai và những người học kém cũng thường dễ bị ngạc nhiên.
Bốn loại cảm xúc căn bản:
Có bốn loại cảm xúc. Hai loại thuộc hạng kích thích: vui và giận. Hai loại thuộc hạng suy nhược: khổ và sợ.
Cũng nên để ý: hai loại cảm xúc vui và khổ là kết quả của một tình trạng. Nó chỉ biểu lộ khi biến cố ấy đã xảy ra rồi. Trái lại hai cảm xúc sợ và giận là môi giới giữa hai tình trạng. Nó xảy ra trước khi sự trạng phát sinh ra nó đã kết thúc.
Mỗi cảm xúc nói trên đều có nhiều cấp độ mà ngôn ngữ thường đã biết phân biệt.
Thỏa thích, thú vị, mỹ cảm, xúc động đều là những sắc thái của vui sướng.
Rầu buồn, đau khổ tinh thần, khó chịu, bất mãn, lo âu và trong ngôn ngữ bình dân, những tiếng “khốn chửa”, “nguy quá” đều là những cấp độ khác nhau của đau khổ.
Cáu tiết, bực dọc, thịnh nộ đều là những cấp độ của giận dữ. Còn sợ hãi, kinh khủng, kinh khiếp là những biểu hiện của khiếp sợ.
Bảng kê dưới đây tóm luận cách phân chia các loại cảm xúc.
Những phản ứng:
Chúng ta đã biết, khi một cảm xúc biểu hiện thì luôn luôn có kèm theo đó một phản ứng tức là có một ảnh hưởng hoặc ít hoặc nhiều trên địa hạt sinh lý. Ở trường hợp đó, y học cho rằng có một sự biến đổi của “sức căng của các bắp thịt”.
Bình thường dù đang lúc chúng ta không cử động những bắp thịt, chúng ta cũng không đặng hoàn toàn nghỉ xả. Chúng thường co rút hoặc căng thẳng ít nhiều. Sự co rút ấy, y học gọi là sức căng.
Cảm xúc làm thay đổi sức căng ấy hoặc bằng cách tăng gia hoặc giảm bớt.
Trong thân thể chúng ta có ba thứ bắp thịt:
Những bắp thịt có rạch: nó điều khiển tiếp ngoại sinh hoạt chúng ta. Thí dụ những bắp thịt ở cánh tay, ở chân, ở cổ v.v… Đó là những bắp thịt giúp chúng ta đi đứng, cử động, làm việc v.v…
Những bắp thịt trơn: nó điều khiển sự sinh dưỡng sinh hoạt chúng ta. Thí dụ những bắp thịt điều khiện sự vận động của bộ máy hô hấp.
Những bắp thịt động quản: nó điều khiển sự tuần hoàn của máu huyết trong các quản huyết.
Những cảm xúc khuếch tán khắp các bắp thịt ấy và cũng khuếch tán đến những tuyến trạng trong thân thể và nó có thể ảnh hưởng đến sự bài tiết.
Những phản ứng – kết quả của sự khuếch tán của cảm xúc trên địa hạt sinh lý – rất biến thiên. Mỗi cảm xúc không phải chỉ có những phản ứng riêng thuộc của nó. Người ta có thể thét lên vì quá vui hoặc quá đau đớn, người ta có thể run rẩy vì giận dữ cũng như vì khiếp sợ, người ta có thể cuống chân vì quá vui hoặc quá buồn, người ta có thể đỏ mặt vì giận dữ cũng như quá vui v.v…
Có thể xếp những phản ứng thành loại như sau đây:
Những phản ứng của các bắp thịt thuộc tiếp ngoại sinh vật: Tất cả những gì có vận dụng đến những bắp thịt vận động, tiếng la hét, tiếng than thở, tiếng nấc, tiếng nói lắp, sự run rẩy, sự rùng mình, những cử chỉ không đâu, sự đi đứng hối hả, sự vung tay, dậm chân đều thuộc loại này.
Những phản ứng thuộc dinh dưỡng sinh hoạt: Đó là những phản ứng kích thích các cơ quan ở bên trong cơ thể. Những chứng giật của dạ dày (nôn, mửa), của cuống họng (sợ nói qua không ra tiếng), mất thở, hoặc thở hổn hển, những chứng giật của bộ ruột (đau thắt ruột vì buồn rầu, sợ hãi) của bàng quan, tim bị đập mạnh v.v…
Những phản ứng thuộc về sự bài tiết: Nhiều tuyến trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng của phản ứng như: tuyến lệ (buồn hoặc vui thì sa nước mắt), những tuyến nước bọt (khi lo âu, áy náy thì miệng khô), những tuyến thuộc về da nó bài tiết mồ hôi (khiếp sợ thì trong người rỉ mồ hôi lạnh).
Những phản ứng thuộc về động quản: Khi bị một cảm xúc người ta nhận thấy máu tựu lại ở lớp mặt ngoài của da (mặt mày ửng đỏ), hoặc máu me ngưng lưu chuyển (mặt mày tái nhợt).
Có một độ người ta bàn cãi nhau khá lâu để biết chính những mối cảm xúc gây ra những phản ứng hay ngược lại chính những phản ứng này đã gây ra mối cảm xúc.(Vấn đề này những triết gia Herbard, de Lange, William James có những lý thuyết ngược nhau). Nhưng tranh biện như thế tưởng không ích lợi gì. Cảm xúc và phản ứng cũng đều là ảnh hưởng của một hiện tượng: việc trí thức một hoài tưởng, như chúng tôi đã giải thích ở chương trước.
Thuyết minh vừa qua giúp chúng ta hiểu về những hiện tượng “bất lực về tình dục” mà một số đàn ông đa cảm xúc (và một số đàn bà cũng thế) thường mắc phải.
Có những đàn ông đa tình mà thời thường họ vẫn làm tròn vai tuồng của người đàn ông nhưng đôi khi họ lại đâm ra “bất lực” trước một người đàn bà mà họ say mê, vì lẽ họ vốn đa cảm xúc nên khi đối diện với người yêu, họ cảm xúc quá mạnh do đó cái phản ứng sinh lý lại ảnh hưởng đến những bắp thịt thuộc quả quyết.
Có những đàn bà đâm ra “lanh lợi” vì lúc “gần gũi” lần đầu tiên với người đàn ông họ gặp phải một người không khéo léo, đối đãi với họ bạo tợn nên họ đâm ra sợ sệt, chán ghét sự giao hợp.
Một thí dụ khác về ảnh hưởng của phản ứng sinh lý: anh chàng nọ đau răng, răng hành nhức nhối chịu không thấu nên mò đến nhà một nha sĩ để chữa, nhưng khi hắn bước qua ngưỡng cửa phòng bệnh, tự nhiên hắn bỗng thấy hết nhức răng bởi chàng ta cảm xúc quá mạnh.
II. TÌNH CẢM VÀ KHÍ SẮC
Theo dõi sự diễn tiến của một chu kỳ tâm lý chúng ta nhận thấy: sau cái cảm xúc – phản ứng, nó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc, thì tiếp theo sau đó là sự truy tưởng, con đẻ của trí tưởng tượng. Sự truy tưởng biểu hiện trên hai phương diện, trên phương diện cảm tính nó phát sinh một tình cảm, trên phương diện thể chất nó phát sinh một khí sắc.
Danh từ tình cảm là một danh từ mà trong môn tâm lý học người ta thường dùng một cách mù mờ không định nghĩa rõ. Thường khi người ta dùng danh từ tình cảm để chỉ về tình thương, tình bạn, lòng nhiệt huyết, lòng ái quốc v.v… Nhưng chúng tôi đã có dịp định nghĩa những trạng huống ấy và cho rằng đó là những khuynh hướng. Đó là những trạng huống vững chãi, lâu bền.
Ở đây chúng tôi dùng danh từ tình cảm để chỉ về những rạng thái tạm bợ, ngắn ngủi như: ham thích, sợ sệt, thỏa thích v.v…
Tình cảm là một biểu hiện của cảm tính trong một thời gian tương đối ngắn nếu so sánh với cá tính chúng ta.
Tựu trung, đó là sự tiến triển hoặc sự cố định tạm bợ của cảm xúc, bị sự truy tưởng thay đổi ít nhiều. Cảm xúc xâm chiếm chúng ta một cách đột ngột nhưng không tồn tại lâu dài, tình cảm trái lại len lỏi vào chúng ta và tồn tại lâu bền hơn.
Vì thế chúng ta sẽ không ngạc nhiên nhận thấy có bốn thứ tình cảm tiêu chuẩn, tương xứng với bốn loại cảm xúc:
- Sự vui sướng gợi ra tình cảm thỏa thích.
- Sự giận dữ gợi ra tình cảm ham thích.
- Sự đau khổ gợi ra tình cảm chán nản.
- Sự khiếp sợ gợi ra tình cảm sợ sệt.
Bốn trạng thái của khí sắc:
Ở phần sau chúng ta sẽ nghiên cứu thêm về những tình cảm, nhưng ngay ở đây chúng ta hãy xét qua về trạng thái khí sắc.
Như chúng ta đã biết, việc truy tưởng có gây ra trên địa hạt thể chất một trạng thái khí sắc nào đó. Vì thế chúng ta nhận thấy có bốn trạng thái khí chất tương xứng với bộn loại cảm xúc và tình cảm.
Sự vui vẻ đi đôi với thỏa thích, sự bực dọc đi kèm với tình cảm ham thích, buồn bã đi đôi với chán nản, lo âu đi đôi với sợ sệt.
Bảng kê sau đây tóm luận cách xếp loại những tình cảm và những trạng thái khí sắc.
Như thế, chúng ta rất dễ nhận thấy rằng các trạng thái khí sắc thực ra chỉ là những hình thức của những phản ứng – cảm xúc đã đặng cố định ít ra trong một thời gian nào đó.
Cái sức căng của gân thịt bị cảm xúc làm xáo trộn nên chưa kịp quay về trạng thái bình thường. Nó vẫn biến đổi, thay đổi một cách trường tồn cho đến khi trạng thái khí sắc tiêu tan.
Thí dụ: sự vui sướng gây ra những phản ứng như tiếng la hét, nhảy nhót, hoặc quơ tay, múa chân, sức căng của bắp thịt bị “cảm xúc vui sướng” kích thích mạnh. Theo sau “cảm xúc vui sướng” là cái “khí sắc vui vẻ”, sức căng của gân thịt vẫn còn bị kích thích nhưng không còn mạnh như trước. Người ta cảm thấy đặng khỏe thêm, thấy cần tiêu dùng bớt nghị lực, cần làm nhẹ người đi. Người ta biểu lộ rất dễ dàng: nói nói, cười cười v.v..
Những phản ứng của giận dữ thường mãnh liệt. Chúng cũng kích thích sức căng rất mạnh. Khí sắc bực dọc là một sự cố định của những phản ứng ấy; sự kích thích quá độ ấy có thể gây ra một cảm giác đau đớn (nhăn mặt, nhíu mày, quơ tay, quập chân) hoặc giả nó có thể khiến chúng ta có những hành vi thiếu suy nghĩ (đánh người, đập phá đồ vật), để rồi sau đó sức căng của gân thịt liền trở lại trạng thái bình thường.
Trong khí sắc buồn bã thì trái lại, những bắp thịt dãn ra, thân thể như xui xị, con người như suy nhược, thiếu nghị lực, đi đứng một cách uể oải, cử động một cách chậm chạp, nặng nề. Sự sút kém của sức căng này có thể truyền sang những bắp thịt trơn (ăn mất ngon, yếu tim) và ảnh hưởng đến những tuyến (rơi lệ). Trong những hình thức cấp phát, khí sắc buồn bã có thể đi đến sự liệt nhược toàn thân. Khi bị thất vọng người ta đâm ra bải hoải, biếng ăn, biếng nói.
Trong khi sắc lo âu nhất là ở những hình thức cấp phát của nó như sự ưu tư, sức căng của gân thịt biến đổi nhiều cách. Khi thì nó kích thích người ưu tư (đi đứng không ngớt, tay chân cử động luôn), khi thì nó khiến cho họ đâm ra bải hoải. Cũng có khi hai hiện tượng cùng diễn ra trong một lúc (phập phòng, trống ngực đánh và chân bước đi không nổi).
Chúng ta đã phân biệt điểm khác nhau giữa một phản ứng và một trạng thái khí sắc. Phản ứng là một sự gián đoạn bất thình lình của sức căng gân thịt, trạng thái khí sắc là một trạng thái mới mẻ.
Những trạng thái khí sắc thường có nguyên do ở bên trong, hoặc do toàn thân cảm giác tốt hay xấu, như chúng tôi đã giải thích ở một phần trước. Thực ra không có một nỗi vui hoặc mối buồn nào mà không có lý do. Nếu đó không phải vì một nguyên do tâm lý thì cũng có một nguyên do sinh lý. Những nguyên do sinh lý không mấy rõ rệt này dẫn dắt chúng ta đến một sự truy tưởng buồn bã để rồi phát sịnh một trạng thái khí sắc.
Vì thế, sự vận động như tập thể dục, chơi thể thao hoặc một công việc làm đầy hứng thú có thể cải thiện những trạng thái khí sắc vì nó làm cho toàn thân cảm giác chúng ta thêm tốt.
Trong đời sống thường ngày, những trạng thái khí sắc này tiếp diễn nhau nhanh hoặc chậm và nhất là nó thường nối tiếp nhau hoặc có chập chồng lên nhau. Mới vừa khóc đó, người ta lại có thể cười nất nẻ. Người ta có thể vừa vui vẻ lại vừa bực dọc nếu đột người người ta gặp phải một biến cố may mắn mà từ lâu người ta mong đợi.
Cái khí sắc vui vẻ chồng lên cái khí sắc bực dọc nó chỉ tồn tại ít lâu. Cũng vì lẽ đó người ta có thể vừ bị bực dọc lại vừa bị lo âu v.v…
Những xung động:
Những xung động do những trạng thái khí sắc mà ra. Đừng lầm lộn xung động với phản ứng. Những phản ứng có tính cách tự phát, ngẫu nhiên, vô tình, khó lòng mà ta kềm chế chúng. Chúng bắt nguồn ở cá tính thiên nhiên. Những cảm xúc bị ảnh hưởng của di truyền, chúng ta không làm chủ đặng chúng.
Những xung động trái lại, là do sự trầm trọng hóa của một trạng thái khí sắc. Nó tùy thuộc ý chí chúng ta phần nào, chúng ta co thể kềm chế nó ít nhiều nhờ cá tính tập thành. Thường khi, cái hoàn cảnh xung quanh có ảnh hưởng đến trạng thái khí sắc chúng ta và có thể gây ra những xung động.
Bị một cảm xúc đau khổ, nước mắt chúng ta tự nhiên trào ra. Nhưng khi chúng ta bị một khí sắc buồn bã xâm chiếm, chúng ta có thể cố gắng cầm nước mắt lại. Chúng ta thấy rõ những ảnh hưởng của hoàn cảnh xung quanh đối với xung động, ở trường hợp này: khi một người đang buồn bã nếu chúng ta tỏ vẻ thảm não như muốn chia sớt nỗi buồn của họ, tự nhiên nước mắt họ ràn rụa… Hình như cái vẻ mặt buồn thảm của chúng ta gia tăng cường độ cái khí sắc buồn bã của họ. Trái lại, nếu chúng ta tỏ vẻ vui tươi lên thì họ sẽ bớt buồn một phần nào, nói theo ngôn ngữ thông thường đó là chúng ta làm cho tinh thần người ấy lên.
Bị khiếp sợ tự nhiên chúng ta hét lên, đó là một phản ứng không thể ức chế, nhưng bị ai làm cho mình tức dội mà mình dằn lòng không thốt lên một tiếng “chửi thề” đó là mình đã kềm chế đặng một xung động nhờ sự giáo dục, tức là cá tính tập thành.
Những tình cảm phức tạp:
Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu trở lại về những tình cảm nó đi kèm với trạng thái khí sắc. Chúng ta đã biết có bốn loại tình cảm tiêu biểu: thỏa thích, ham thích, chán nản, sợ sệt: nhưng bốn loại tình cảm đặc trưng ấy lại có thể pha trộn với nhau để nảy sinh nhiều thứ tình cảm phức tạp khác.
Chúng ta có nhiều cách để xếp thành loại những thứ tình cảm phức tạp ấy.
1) Xếp theo cái tình cảm nào đã đóng vai trò chính trong tình cảm phức tạp ấy.
2) Xếp theo số lượng và bản chất của những tình cảm tiêu biểu nào đã hợp thành tình cảm phức tạp ấy.
3) Xếp theo bản chất của cái tình cảm nào vừa mới diễn ra trước cái tình cảm mới ấy.
Loại thứ nhất:
a) Tình cảm thỏa thích sanh ra nhiều thứ tình cảm khác trong đó nó là mấu chốt: khâm phục, tin tưởng, cảm ơn, thiện cảm, triều mến, tình yêu đều là những biến thể của tình cảm thỏa thích.
Cái cảm xúc tiên khởi trong những mối tình cảm này là sự vui sướng và cái trạng thái khí sắc tương xứng là khí sắc vui vẻ. Cấp độ của tình cảm khí sắc đó là có thể biến đổi và hình thức của nó tùy thuộc mối tương quan của bẩm chất lòng nhân và đối tượng của nó.
b) Tình cảm ham thích đẻ ra những tình cảm phức tạp như: ác cảm, căm hờn, phẫn uất, uất ức, khinh rẻ, ngờ vực.
Cảm xúc tiên khởi của các mối cảm ấy là sự giận dữ, cái trạng thái khí sắc tương xứng là sự bực dọc và cái bẩm chất đặng vận dụng là bẩm chất tham muốn.
c) Tình cảm chán nản biến sanh những tình cảm như: tiếc hận, hổ thẹn, thương hại, hối hận.
Cảm xúc tiên khởi là đau khổ, trạng thái khí sắc tương xứng là buồn bã và trong những mối cảm này bẩm chất lòng nhân đã đặng vận dụng.
c) Sau hết là cái tình cảm sợ sệt sanh ra một tình cảm mới: tính dè dặt.
Cảm xúc tiên khởi là sự khiếp sợ, trạng thái khí sắc tương xứng là sự lo âu và bẩm chất lòng nhân là đầu dây mối nhợ của những mối cảm này.
Như chúng ta thấy, bẩm chất lòng nhân thường dự phần nhiều mối cảm. Những danh từ tình cảm, cảm tình, hiểu theo nghĩa thông thường đã diễn tả ý đó, khi người ta nói đến tình cảm, cảm tình, mặc nhiên ai cũng hiểu trong đó có nghĩa “thương yêu”.
Loại thứ hai:
Có thể kể một vài tình cảm phức tạp:
Lo ngại do tình cảm sợ sệt và chán nản hợp thành. Chúng ta lo sợ về một điều gì đó và chúng ta đâm ra chán nản trước.
Bất mãn là sự hòa trộn cảu hai tình cảm ham thích và chán nản. Khi chúng ta bất mãn về một việc gì hoặc về một người nào thì chúng ta chán nản và đồng thời chúng ta lại muốn cho việc ấy xảy ra théo ý chúng ta hoặc người ấy đối với chúng ta một cách khác hơn.
Hy vọng là một tình cảm mới, do hai tình cảm ham thích và thỏa thích hợp thành. Chúng ta mong mỏi, ước muốn một điều gì đó và bởi chúng ta tin rằng điều đó sẽ đặng thực hiện nên chúng ta thỏa thích trước. Đó cũng là một hình thức khác của tình cảm ham thích trong khí sắc vui vẻ nó tùy thuộc toàn thân cảm giác (tức là tùy thuộc sức khỏe) rất nhiều. Vì thế những người khỏe mạnh thường vui vẻ, yêu đời và những người suy nhược thường buồn bực, bi quan. Sự tổng hợp ba tình cảm ham thích, thỏa thích và sợ sệt này sanh ra một tình cảm phức tạp mới mà chúng ta chưa tìm ra một danh từ nào để chỉ về nó. Đó là một thứ tình cảm khiến chúng ta quyến luyến về một vật hay một người nào đó mà chúng ta rất thèm muốn nhưng đồng thời lại cũng vừa e sợ, cái tình cảm nó khiến một số đàn bà vừa sợ bị ngã mà cũng vừa thích ngã vào tay một gã Sở Khanh.
Loại thứ ba:
Tức là các thứ tình cảm phức tạp đặng xếp theo bản chất của cái tình nào vừa diễn ra liền trước đó.
Sự an ủi là tình cảm thỏa thích nối tiếp theo sự chán nản.
Tình cảm thỏa thích nối tiếp tình cảm sợ sệt nảy sinh ra khuây khỏa.
Chán nản nối tiếp một ham thích sẽ gây ra một thất vọng.
Chán nản nối tiếp theo một hy vọng (chúng ta đã biết hy vọng là do hai tình cảm thỏa thích và ham thích hợp thành để tạo nên sự mất mộng).
Chúng ta thất vọng vì người ham thích những dục vọng chúng ta không đạt thành. Chúng ta mất mộng vì những hy vọng chúng ta đã thành ra mây khói.
Sự chán nản kế tiếp theo sự sệt để sanh ra một tình cảm mới mà cũng chưa biết phải dùng danh từ gì để chỉ về nó. Đó là một thứ tình cảm nó làm cho một người đắc ý một cách trầm uất mà nhận thấy rằng họ tiên đoán đúng, song những tiên đoán của họ thường thuộc về những tại họa, những hoạn nạn, những điều không may. Những người mà chúng ta cho rằng “miệng ăn mắm ăn muối” thường có thứ tình cảm này. Trước một biến cố không may, họ xoa tay nói “đấy, tôi nói trước mà”, “tôi đã biết trước mà”, “việc gì phải đến đã đến” v.v…
Những trạng thái đam mê:
Khi những tình cảm khí sắc tiến đến mức cấp phát nó sẽ biến thành những trạng thái đam mê.
Cái dịp nghiên cứu qua về những đam mê chúng ta đã biết: đó là những thị hiếu, những khuynh hướng đã nảy nở đến một cấp độ thái quá.
Một tình cảm khí sắc có thể biến thành một đam mê khi nó trở nên mãnh liệt hoặc giải khi nó trùng hợp với một đam mê khác kích thích nó.
Hai thí dụ sau đây sẽ vạch rõ then máy của hai lối biến đổi ấy:
Một anh nọ cập tay một người bạn gái đi dạo phố. Cô bạn ấy bị người ta sỉ nhục. Tức khắc sau khi biết đặng điều ấy (tri giác anh ta nổi xung thiên lên – cảm xúc giận dữ) và đồng thời mặt anh tái nhợt, tay chân run rẩy, nói không nên lời hoặc cà lấp là lưởng (phản ứng). Cũng trong nháy mắt sau đó, bao nhiêu cảnh tưởng diễn ra trong trí óc anh: việc không hay này rồi sẽ gây ra bao nhiêu tai tiếng, báo chí sẽ nói đến thói vũ phu của người đã gây ra việc không hay ấy, sự sỉ nhcụ mà cô bạn gái anh phải hứng lấy; cô bạn gái mà do được giáo dục anh cho rằng phải đáng kính nể (truy tưởng). Sự truy tưởng này lại gây ra một tình cảm khi sắc: bất bình, sanh bất bình và sự bất bình này có thể tiến đến một cấp độ mãnh liệt làm cho anh ta sôi tiết lên, anh có thể đánh đá, hoặc chửi mắng kể thất phu kia.
Trường hợp này chúng ta thấy rằng cái tình cảm khí sắc bất bình biến thành một tình trạng đam mê là do tính cách mãnh liệt của nó chứ không phải do một đam mê khác, chúng ta hẳn thí dụ rằng cô gái đó đối với anh ta chỉ là một người bạn chứ không phải là một người tình, tức là anh ấy không phải vì một đam mê mà đâm ra có trạng thái đam mê.
Đây là một thí dụ khác: một người có tinh thần quốc gia rất mạnh khi người một người ngoại quốc nói xấu về xứ sở của mình, tự nhiên cũng giận dữ nổi xung thiên lên (tình cảm khí sắc) như anh chàng đã chứng kiến việc người bạn gái bị sỉ nhục. Song ở trường hợp này sự nộ khí của nhà ái quốc chân chính ia bắt nguồn ngay ở một sự đam mê mà họ sẵn có: lòng ái quốc cuồng nhiệt.
Tất cả những tình cảm khí sắc đều có thể biến hành những trạng thái đam mê.
Thí dụ, tình cảm thỏa thích, vui vẻ có thể gây ra trạng thái yêu say đắm.
Nhưng trong đời sống thường ngày, chính những hình thức của tình cảm khí sắc ham thích bực dọc mà cảm xúc giận dữ là cơ sở, thường gây ra nhiều trạng thái đam mê quan trọng và mãnh liệt nhất.
Có thể nào chúng ta ức chế một trạng thái đam mê hoặc kềm hãm nó chăng? Rất có thể, nhưng chỉ trong một phạm vi nào đó thôi. Nguồn gốc cảu đam mê là ở một cảm xúc. Mà cảm xúc có mạnh liệt hay chăng la do cấp độc của bẩm chất cảm xúc tính chúng ta. Ở một đoạn trước chúng tôi có nói: bằng sự giáo dục chúng ta tuy không thể làm giảm bớt cấp độ của bẩm chất cảm xúc nhưng chúng ta rất có thể tiết chế cách biểu lộ của nó, tiết chế những phát hiện của nó ra ngoài. Lẽ dĩ nhiên, ở người có nhiều óc phán đoán sự giáo dục dễ có hiệu nghiệm hơn. Người thiếu suy nghĩ dễ nói gian dối hơn người biết phán đoán. Trước khi sa vào một trạng thái đam mê, người có óc phán đoán biết ước lượng là biết đánh giá, biến nhận định một biến cố đúng giá, đúng mức của nó. Người kém phán đoán trái lại có thể “nổi xung thiên” trước một việc cỏn con không đâu. Như chúng ta thấy và điều này chúng tôi đã có nhận mạnh: biết phán đoán đúng đắn có ảnh hưởng rất lớn trong lề lối hành động của chúng ta.