Đời sống con người được đặc trưng bởi hai phần: con người và cái hoàn cảnh mà con người ấy sinh sống.
Con người được tiêu biểu bởi cá tính thiên nhiên mà chúng ta vừa xét qua đó, nó thọ bẩm cá tính thiên nhiên này từ lúc mới sinh ra đời. Hoàn cảnh do nhiều phản ứng khác nhau, sẽ tạo ra cho con người một cá tính thứ hai nó bao trùm cá tính trước đó. Đó là cá tính tập thành.
Ở đây, chúng ta thấy ngay sự lầm lạc của những triết gia ở thế kỷ XVIII như Jean Jacques Rousseau và Bernadin de Saint Pierre đã tin tưởng ở tính thiện của tạo vật và cho rằng sở dĩ con người bị hư hỏng là do những luật lệ không hay mà xã hội đã lập ra. Thực ra, nếu để con người sống riêng biệt khỏi vùng ảnh hưởng của xã hội, người ta sẽ thấy rằng cá tính của con người cũng sẽ khác nhau và không bị đúc khuôn theo một lý tưởng tốt đẹp nào. Cá tính của họ vẫn giữ nguyên hình ảnh của cá tính thiên nhiên.
Cái “tính thiện” cái “luân lý” của tạo vật, chỉ là những danh từ vô nghĩa. Tạo vật không tốt cũng không xấu, không luân lý cũng không vô lý. Nó chỉ theo đuổi một mục tiêu: làm cho sự sống được trường tồn và để đạt mục tiêu ấy, nó thường dùng nhiều phương tiện lạ lùng. (Và thường khi không phải là những phương tiện “tốt” đâu. Lắm triết gia đã từng nhấn mạnh về tính cách “thiếu hòa hợp” của tạo vật). Kỳ thực, đó chỉ là một cuộc sát sinh khổng lồ. Nhà tự nhiên học E. Fabre có thuật lại những tập tục vô cùng độc ác – lẽ dĩ nhiên là theo quan điểm của con người – của một vài loại sâu bọ. Nhưng đứng về quan điểm tạo vật, những thủ đoạn độc ác tinh tế ấy là điều cần thiết cho sự trường tồn của chủng loại.
Ảnh hưởng của hoàn cảnh: Nhưng chúng ta hãy để qua bên vấn đề của tạo vật tính vốn thiện hay không thiện, để xét về ảnh hưởng của hoàn cảnh đối với con người.
Cái hoàn cảnh mà chúng ta đang sống rất là phức tạp, nó thường biến đổi là luôn luôn tiến hóa. Hiện giờ rất hiếm người sinh trưởng, sống và chết ở một nơi. Sự phát triển của các phương tiện giao thông, sự thâu hẹp của quả địa cầu bởi cơ giới làm cho con người hiện giờ nhiều dịp sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Chúng ta còn nói đến quê hương, xứ sở nhưng hiện giờ có mấy ai còn nghĩ đến “lũy tre xanh” của làng mình. Vì chức nghiệp, vì sự xê dịch, vì sự du lịch, vì những bước thăng trầm của cơ nghiệp, hoàn cảnh sinh sống chúng ta có thể thay đổi luôn.
Vấn đề cá tính tập thành vì thế rất phức tạp. Chúng ta bao giờ cũng tránh nhọc nhằn, sợ đau khổ. Do bản năng, chúng ta tự nhiên biết tìm cách thích ứng với hoàn cảnh để sống một cách tiện nghi. Do đó nảy sinh cái tính tập thành nó luôn luôn thay đổi, suốt đời chúng ta tùy theo những biến cố chúng ta đã trải qua.Cá tính thiên nhiên chúng ta vẫn không thay đổi, song cá tính tập thành nó bao phủ trên cá tính thiên nhiên ấy có thể ngăn trở hoặc đốc xuất những biểu hiện của cá tính thiên nhiên tùy trường hợp.
Càng ít chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, cá tính thiên nhiên chúng ta càng giữ lại được cái trạng thái nguyên khởi của nó. Những người sống trong đồng bái xa thị thành hoặc trên rừng núi ít khi chung đụng với xã hội mà được có một cá tính tập thành là do chính họ tạo nên (tự giáo dục) bởi thế nó gần giống với cá tính thiên nhiên. Do đó tính tình của họ thường có tính cách độc đoán (vì thế có một số nhà văn thích nghiên cứu về hạng người ở đồng bái ấy như Balzac, Zola, Pérochon, Jean Giono v.v…), như chúng ta sẽ thấy sau đây, bởi cá tính tập thành đóng một vai trò san bằng, nó bào gọt bớt những góc cạnh.
Ở tuổi thơ, cá tính tập thành dường như không có, trẻ con chịu ảnh hưởng của cá tính thiên nhiên. Vì thế trong tâm lý học, việc nghiên cứu tâm lý trẻ con rất quan trọng. Xét qua cái thái độ hoặc lối xử sự của một người lúc họ còn thơ ấu, chúng ta có thể đoán biết được thực chất cá tính của con người ấy, dù về sau cá tính của họ có bị che đậy bởi những gì họ đã thâu thập khi chung đụng với đời sống.
Các nhà giáo dục không nên xem thường những việc mà họ thường cho là có tính cách “trẻ con” vì thực ra đó là những dấu hiệu chắc chắn nhất có thể hướng dẫn họ trong việc giáo dục con người.
Có ba loại sự kiện có thể ảnh hưởng đến cá tính tập thành: Trước hết là những sự kiện thuộc thể chất. Một tuổi thơ đau khổ, sự thiếu tình thương của cha mẹ, một đời sống bần cùng, một cảm xúc quá mạnh có thể ảnh hưởng sâu xa đến cá tính tập thành. Qua các tác phẩm của hai văn hào J. J Rousseau và Jack London chúng ta thấy rõ suốt đời họ, đã giữ mãi dấu vết của những đau khổ mà họ đã trải qua lúc thiếu thời.
Nhiều quyết định của vua Louis XIV (nhất là việc dời đô về Versailles) có nguyên do ở cái kỷ niệm không hay của ông ta về cuộc nổi loạn La Fronde. Lúc còn bé, vua Louis XIV đã bị đau khổ về tinh thần lẫn vật chất vì cuộc bạo động này, ông bị xúc động quá mạnh nên suối đời vẫn giữ mãi cái ấn tượng ấy.
Sự đau khổ về thể chất của dân cư ở những vùng bị chiếm đóng lúc chiến tranh chắc chắn cũng có ảnh hưởng đến cá tính tập thành của họ.
Kế đó là những sự kiện thuộc sinh học. Một tật bệnh có ảnh hưởng đến cá tính tập thành. Bệnh cận thị chẳng hạn làm thay đổi thái độ và lối xử sự của một đứa trẻ.
Lúc thiếu thời, thi hào Byron tính tình nhút nhát hay lo sợ, hay ngờ vực, có lẽ vì ông bị tật ở chân. Về sau, mặc dù ông đã trở nên một nhân vật có tiếng tăm, ông cũng không thoát khỏi ảnh hưởng ấy. Sau hết là những sự kiện thuộc xã hội. Những sự kiện này vừa nhiều và cũng vừa quan trọng. Đó là ảnh hưởng của gia đình, của nhà trường, của bạn bè, của sách vở, của giáo dục, của những cuộc du lịch, của những cuộc thành công, thất bại…
Những sự kiện xảy ra hàng ngày có thể biến chuyển ra nhiều sự kiện mới rất phức tạp. Vì thế khó mà nghiên cứu một cách tinh tế từng sự kiện một. Lúc nào chúng ta cũng bị ảnh hưởng của chúng, không nhiều thì ít, chúng ta cũng thích nghi theo chúng.
Sự phản ứng của các bẩm chất thuộc cảm tính: Một người mà có bẩm chất tham muốn quá nhiều sẽ có nhiều tham vọng vọng đặt quá cao, trên địa vị xã hội của họ và tự nhiên họ sẽ bị nhiều thất vọng ê chề, lòng tự ái họ bị va chạm. Nhưng họ sẽ rút được mớ kinh nghiệm hay nếu họ biết phán đoán, mớ kinh nghiệm ấy có thể giúp họ đề phòng lòng tham vọng của họ, về sau họ sẽ biết “liệu cơm gắp mắm” không còn mộng ảo những việc quá xa vời. (bẩm chất tham muốn). Một người vì quá tốt bụng mà bị kẻ khác lợi dụng, hoặc lấy ơn làm oán. Về sau, một khi họ định thi ân cho ai điều gì, họ không còn khinh xuất, họ sẽ biết dè dặt hơn. Luôn luôn họ vẫn muốn mở rộng lòng của họ, song những mối thất vọng vừa qua sẽ giảm bớt lại, hoặc ngưng hẳn cái nguồn nhân ái của họ. (bẩm chất lòng nhân). Một đứa trẻ tinh nghịch, miệng hay bép xép, ăn nói trống trải, không biết nể nang hoặc đếm xỉa đến người khác sẽ bị cha mẹ quở mắng. Cha mẹ nó giải thích cho nó hiểu, nếu vì thiện ý mà nói thì nó sẽ làm buồn người ta, còn nếu vì muốn đề cao mình thì nó sẽ bị người ta xem rẻ v.v… (bẩm chất óc hợp đoàn). Khi bẩm chất hoạt động tính phát triển quá độ nó có thể chuyển hướng vào những cuộc hoạt động hữu ích như chơi thể thao chẳng hạn. (bẩm chất hoạt động tính) Có thể cải thiện một người tính nóng nảy hoặc đa cảm do bẩm sinh bằng cách khích động một bẩm chất khác như lòng nhân, lòng tham muốn hoặc óc hợp đoàn. (bẩm chất cảm xúc tính). Sự giáo dục đã dự phần rất lớn trong việc tạo nên cá tính tập thành, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của một bẩm chất quyết định bằng cách dùng những bẩm chất khác để diệt bớt ảnh hưởng của nó. Nó đóng một vai tuồng san bằng, điều hòa. Song giáo dục sẽ không ảnh hưởng nổi những bẩm chất đã phát triển đến một mức độ quá cao để không còn có thể làm giảm bớt, hoặc khi nó không thể cậy nhờ những bẩm chất khác can thiệp. Vì thế có những thứ tính tình “bất trị”. Kết quả sự thích nghi của cá tính chúng ta được gọi là kinh nghiệm, nói về đời sống tình cảm và sự thành thục, già dặn nói về tinh thần.
Ký ức, ý kiến và tín ngưỡng: Lẽ đương nhiên, trí nhớ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo thành cá tính tập thành. Nó ghi nhớ và lưu trữ tất cả những việc, những sự kiện đã ảnh hưởng chúng ta, nó thâu thập tất cả những kinh nghiệm của chúng ta đã trải qua. Khi cần xử sự, chúng ta sẽ chọn lấy trong mớ ký ức ấy những tài liệu để cân xét. Trí nhớ có thể kém, nhưng không mấy khi đến nỗi quá tệ để chúng ta không còn biết thâu rút những kinh nghiệm. Kinh nghệm được có là do chúng ta biết áp dụng óc phán đoán. Những người mà chúng ta bảo rằng “họ không học được gì với đời sống cả” là những người có nhiều tham muốn song óc phán đoán kém hoặc giả óc phán đoán của họ bị ngăn trở bởi một bẩm chất phát triển quá độ như bệnh “khoác lác” chẳng hạn. Về phương diện tinh thần, cá tính tập thành gồm có những ký ức chúng ta đã rút tỉa trong khi nói chuyện hoặc xem sách báo, những kinh nghiệm chúng ta đã trải qua, những cảm giác chúng ta đã xúc cảm. Dưới ảnh hưởng của óc phán đoán, một vài ký ức này sẽ kết thành hệ thống biến những phương thức tư tưởng thông thường. Óc phán đoán sẽ quyết định rằng một điều gì đó đáng tin là thực, ở một trường hợp nào đó phải có một hành động gì. Lúc bấy giờ những quyết đoán chúng ta đã chắc như “rựa chém đất” không thay đổi nữa cho đến khi một biến cố nào khác vạch cho chúng ta thấy rằng anh đã lầm lạc. Những một khi đã quyết đoán chúng ta không còn phán đoán, suy xét nữa. Những ký ức ấy đã biến thành những tín ngưỡng nếu đó là thuộc cảm tính, hoặc thành những ý kiến, những trí thức nếu phần trí thức chiếm ưu thế. Tất cả những tri thức chúng ta đã thâu thập trong đời sống sẽ hợp thành cái ý thức của chúng ta. Nhưng đừng nhầm lẫn cái ý thức này với cái lương tâm của luân lý học nó chỉ là một sắc thái đặc biệt của cái ý thức tổng quá.
Thói quan và tập tục: Trên phương diện phát động, cá tính tập thành được kết thành bởi những thói quen. Thói quen khởi đầu bằng một hành động có suy nghĩ. Hành động ấy được lập lại mãi sẽ không còn nhờ đến óc suy nghĩ và biến thành thói quen. Những thói quen có thể có tính cách cá nhân hoặc tập thể. Những thói quen cá nhân rất nhiều và thay đổi tùy người, thí dụ lúc ra đường quen cầm cây gậy trên tay, đi mãi theo một con đường, quen đọc một thứ báo, hút một thứ thuốc v.v… Chúng ta nhận thấy trong cách áp dụng tâm lý học, mục đích của quảng cáo là gây một thói quen của khách hàng. Những thói quen có tính cách tập thể là phong tục, tập quán. Những thói quen ấy cũng có thể tạo ra lắm thói quen có tính cách xã hội khác.
Những thị hiếu và những khuynh hướng: Về phương diện cảm tính, cá tính tập thành được kết thành bởi những thị hiếu, những khuynh hướng. Những thị hiếu liên quan với tất cả những bẩm chất, những khuynh hướng trái lại chỉ do bẩm chất lòng nhân sinh ra. Những thị hiếu, những khuynh hướng luôn luôn phát sinh ở một cảm xúc mà người ta cho là thú vị, êm ái, bởi thích hợp với một khuynh hướng thiên nhiên. Người cũng bắt đầu tìm cách để hưởng trở lại những cảm xúc ấy. Song những cảm xúc ấy nếu được lập lại mãi sê sinh ra sự chán chê, nên để ý sự chán chê này chỉ có tính cách nhất thời, khi sự lập lại cách khoảng thưa thớt hơn thì người ta lại hết chán. Lòng tham muốn gây ra những thị hiếu thuộc thú vui vật chất, nhục dục, thói mê ăn, thói giữ trật tự thuộc về vật chất. (Thói giữ trật tự về vật chất là thói quen sắp xếp các đồ vật cho ngăn nắp và sau khi dùng đồ vật ấy rồi thì đâu để lại đó không hề sai siển. Cái trật tự này thuộc về thị hiếu, nhưng muốn tập cho có, cần phải có đôi chút “tham muốn” và “trí nhớ”. Những người không ham thích gì cả thường không biết trật tự, ngăn nắp). Hoạt động tính có quan hệ với thú chơi thể thao, tập thể dục, làm việc bằng tay chân, đi bộ, đi du lịch, khêu vũ hoặc tất cả những thứ gì có thể thỏa mãn bẩm chất hoạt động của con người. Sự suy nhược sẽ gây ra thói ăn không ngồi rồi, thích ấm áp. Người hoạt động chịu rét rất giỏi, người nhu nhược luôn đắp chăn bông, mặc ấm. Cảm xúc nảy sinh ra những thị hiếu thuộc thẩm mỹ mà nền tảng là cảm xúc âm nhạc, hội họa, điêu khắc, văn chương, kịch. Thú thích chạy nhanh là do cảm xúc tính. Thú đánh bạc, thú mạo hiểm cũng do cảm xúc tính mà ra. Nếu phải kể tất cả những thị hiếu thì rất dài dòng, vả lại, nếu muốn xếp nó thành loại tùy theo những bẩm chất đã ảnh hưởng đến nó cũng không khó. Có những thị hiếu bị chi phối bởi nhiều bẩm chất. Thí dụ sưu tầm là do lòng tham muốn và cảm xúc tính gây ra. Sở thích muốn có nhà cửa ấm cúng là do lòng nhân (yêu gia đình) do óc hợp đoàn (phô trương sự xa hoa) do cảm xúc tính (thích những đồ vật đẹp). Lẽ đương nhiên, giáo dục cũng có thể tạo nên hoặc phát triển những thị hiếu song ít ra đương nhân phải sẵn có những bẩm chất thiên nhiên tương xứng và ở một mực độ kha khá. Những khuynh hướng đều do bẩm chất lòng nhân mà ra. Nó bắt nguồn ở một hiện cảm thiên nhiên đối với một người, một vật, một chế độ, một công cuộc, một thực thể, cũng có khi là đối với một người đã quá vãng (thôi tôn sùng những ký ức). Cũng như đối với những thị hiếu, cái thiện cảm ấy nảy nở do sự đổi mới, nó phát triển và sau cùng sẽ được kiên cố. Ở trạng thái sau này khuynh hướng có cả một đời sống riêng biệt. Nó có thể thay đổi, nảy nở, ổn định hoặc biến mất. Những khuynh hướng kể ra thì thật nhiều, sau đây là một vài thứ: tình thương, tình bằng hữu, lòng quý chuộng, tình yêu dưới mọi hình thức, lòng hâm mộ, sự kính nể, lòng biết ân, lòng ái quốc, lòng mộ đạo, lòng từ thiện, lòng yêu súc vật. (Danh từ tình cảm là một trong số những danh từ mù mờ không rõ nghĩa mà khi đề cập về tâm lý học người ta thường dùng đến. Ở đây tưởng cũng nên định nghĩa nó lại cho minh bạch. Thường khi người ta dùng danh từ tình cảm để ám chỉ cái mà ở đây chúng tôi gọi là khuynh hướng tức là những trạng thái đặc biệt. Nhưng chúng tôi đồng ý với Marcel Boll là nên dành danh từ tình cảm để chỉ về những trạng thái tạm bợ, chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn ngủi như sự thèm muốn, sự sợ sệt, sự bằng lòng, sự chán nản). Một khuynh hướng có thể hành động ngược lại lòng nhân, thí dụ: tính khó thương, sự hiềm khích, thù oán… Cần phân biệt rõ những khuynh hướng, những thị hiếu và những hình thức của tâm tính. Thị hiếu, khuynh hướng là những áp dụng đặc biệt của các bẩm chất thiên nhiên chúng ta, còn những hình thức của tâm tính mà sau đây chúng tôi sẽ có dịp nói đến, là những lối phối hợp thông thường ở con người. Tình bằng hữu chẳng hạn là một khuynh hướng, một thiện cảm chúng ta có đối với một người. Vả lại, một người hiền từ và có óc hợp đoàn bao giờ cũng là người thuần hậu. Tính thuần hậu là một trạng thái tổng quát đối với mọi người. Chúng ta có tình cảm riêng đối với một người nhưng chúng ta tỏ ra thuần hậu với mọi người. Một người rất có thể có cảm tình riêng đối với một người nào đó và tỏ ra khó thương đối với một người khác.
Những đam mê: Khi những thị hiếu, những khuynh hướng tiến đến một mực độ quá cao, sẽ biến thành những đam mê. Khi một thị hiếu trở nên khẩn khiết nó có thể lôi cuốn, bắt buộc một người phải thỏa mãn nó đến cùng, nếu người ấy không có một óc phán đoán chắc chắn để vạch cho họ thấy những tai hại của thị hiếu ấy. Quá thích đánh bạc sẽ gây ra sự mê đánh bạc. Một khuynh hướng quá mạnh thiên về một người sẽ gây ra thứ tình yêu say đắm. Sự đam mê ít khi được phát hiện ra một cách đột ngột. Luôn luôn đam mê bắt đầu ở một thị hiếu hoặc ở một khuynh hướng nó nảy nở hoặc nhanh hoặc chậm. Cái “tình yêu sét đánh” mà người ta thường nói đến, dù sao cũng rất hiếm. Người ta thường gặp nó ở những người đa cảm xúc. (Và thường khi người này rất dễ lầm lạc, trước một cảm xúc quá mạnh, óc phán đoán của họ đâm ra bất lực). Lắm tiểu thuyết gia và kịch gia đã từng nghiên cứu về sự phát triển của những mối tình si. Stendhai (văn sĩ Pháp, tác giả quyển “De I’amour”) đã từng vạch rõ sự tiến triển từ một khuynh hướng đến mối tình si khi ông nói về sự “kết tinh của tình ái”. Ông đã làm nổi bật cái điểm then chốt mà từ đó một khuynh hướng biến thành đam mê. Sự “kết tinh” ấy chẳng qua là cái ý thức đam mê về một biến cố nó vạch rõ cho một người thấy rằng khuynh hướng của mình nó nồng nhiệt là bao, khi mà trước đó họ không bao giờ ngờ. Một khuynh hướng nồng nhiệt đối với những việc có tính cách xã hội: quê hương, tôn giáo, chính trị cũng có thể gây ra những đam mê. Lòng ái quốc có thể tiến đến mức bài ngoại, lòng mộ đạo có thể đi đến sự cuồn tín v.v… Các nhà tâm lý học đều nhận thấy điều này: càng gặp trở ngại bao nhiêu, những đam mê càng phát triển mạnh bấy nhiêu. Hình như sự khó khăn là điều kiện cần thiết để những đam mê này nảy nở. Và cũng như nước triều dâng lên, phá vỡ các bờ đê để rồi sau đó tràn lan một cách dễ dàng khắp đồng nội, những đam mê chỉ phô trương lực lượng của nó khi nó gặp phải trở lực, nếu được thỏa mãn một cách quá dễ dàng, tự nó sẽ dập tắt nó. Sự phát triển của mọi đam mê nhất là của tình si đều có dính dáng đến giá trị của một vài bẩm chất. Tất cả những đam mê đều là những người nhiều tham muốn, lại đa cảm xúc. Sự ham thích là hệ luận của đam mê. Một người bất vụ lợi tự nhiên sẽ không ham thích gì cả. Cũng như một người điềm nhiên không hề bị lôi cuốn bởi một đam mê nào, bởi lúc nào họ cũng tự chủ được hoặc chỉ xúc động nhẹ thôi. Óc phán đoán ở một mực độ cao có thể tiết chế những đam mê. Những mối tình si chỉ có thể phát sinh ở những người nhạy “xúc cảm”, giàu “lòng nhân” và có khá nhiều “tham muốn”. Tóm lại đam mê là một trạng thái cảm tính của cá tính do một vài thị hiếu hoặc khuynh hướng bị cản ngăn sự phát triển sinh ra.
Sự quan trọng của cá tính thiên nhiên: Vai trò của cá tính tập thành rất quan trọng nhưng không phải là cốt yếu. Chính cá tính thiên nhiên mới thực là người dìu dắt chúng ta, nó chi phối chúng ta một cách vô thức. Thường khi chúng ta hành động theo mệnh lệnh của nó mà chúng ta không ngờ tới. Óc khôn ngoan của dân chúng đã nói rõ sự thực này trong những câu tục ngữ: “Đuổi cái bản tính đi, nó sẽ chạy sải trở lại”, “Người tính thế nào sẽ ra thế ấy”, “Không thể đổi thay tính người” v.v… Bởi chúng ta không làm chủ được cá tính thiên nhiên và lắm khi còn bị ảnh hưởng của nó mà chúng ta không dè, cho nên trong lối xử sự và hành động, chúng ta có một phần nào có cá tính thiên nhiên chỉ định, xin nói rõ “chỉ định” chứ không phải là “tất nhiên”. Chúng ta bị cá tính thiên nhiên thúc đẩy phải hành động theo một hướng lối nào đó vị tất chúng ta đã phải bắt buộc hành động theo hướng đó. Cá tính tập thành có thể can thiệp để sửa đổi lối xử sự và hành động chúng ta và nhất là để tránh những hành vi không hay về mặt xã hội. Óc phán đoán chúng ta dựa vào những tri thức đã có, sẽ vạch rõ đường lối nên theo, do đó chúng ta có cảm tưởng rằng mình được có “tự do ý chí” phần nào, song thực ra có lẽ đó chỉ là một ảo tưởng. Nhưng, chúng ta có thể xét về trách nhiệm của một hành vi dưới một góc cạnh khác. Về phượng diện xã hội một hành vi có thể bị trừng trị khi mà nó làm hại cho đoàn thể và khi người đã có hành vi ấy có ý thức rõ rệt là nó có phương hại. Và sự trừng phạt, theo quan niệm ấy không có nghĩa là trừng trị một hành vi nghịch với luân lý xã hội hoặc luân lý của Thượng Đế mà là một lối phản ứng để bảo vệ xã hội. Thuyết này càng ngày càng chiếm ưu thắng trong việc pháp chế. Và lịch sử của trừng phạt như người ta nói, chỉ là những bãi miễn liên tiếp. Dù sao sự phân định giới hạn trách nhiệm vẫn còn là một bài toán khó giải cho các quan tòa nhất là cho những y sĩ giám định luôn luôn phải giải quyết những vụ án. Sự quan trọng của cá tính thiên nhiên là ở tính cách ổn định, vững chãi của nó và cũng bởi nó đã bắt nguồn từ huyết thống tổ tiên chúng ta, trước khi chúng ta sinh ra từ lâu. Nó được kết thành bởi một sự phát triển chậm chạp mà chúng ta chưa biết rõ, còn cá tính tập thành thì mới thành lập sau khi chúng ta ra đời và luôn luôn thay đổi. Khi một người nào đó nói “tôi thay đổi rất nhiều”, chúng ta chớ nên tin họ bằng lời. Vì thực ra chỉ có cá tính tập thành của họ bị đổi thay do những biến cố, còn cá tính thiên nhiên của họ vẫn không thay đổi. Sự thay đổi của cá tính tập thành là việc thường xảy ra trong đời người, từ lúc xuân xanh đến tuổi già. Một vài biến cố phi phường có thể làm nổi bật sự biến đổi của cá tính. Sự sụp đổ một cơ nghiệp, một cái tang đau đớn, việc lập nên cơ đồ một cách nhanh chóng v.v… thường khi là những yếu tố sâu xa có thể thay đổi cá tính. Nạn chiến tranh, mà bao nhiêu người bị lôi kéo ra khỏi cái hoàn cảnh sinh sống của họ để bị đặt vào những cảnh sống rất quái đản, cũng đã làm cho cá tính tập thành của nhiều người biến chuyển rất nhiều.
Trí khôn của loài vật: Tất cả những nhận xét trên đây giúp chúng ta rọi một ít ánh sáng vào vấn đề hơi phụ thuộc: vấn đề trí khôn của loài vật. Đã biết rằng, cá tính chúng ta là do những điều kiện nguyên thủy của sự sống tạo thành, chúng ta có thể suy ra và cho rằng loại vật cũng có một cá thể, lẽ dĩ nhiên cá thể ấy ít phức tạp và không được tiến bộ như con người. Descartes đã lầm lạc khi ông cho rằng loài vật chỉ là những “bộ máy” và có lẽ Gassendi, người đã chống lại Descartes, có lý hơn. Thực ra, trong đẳng cấp sinh vật, từ loài vật không xương sống đến loài người, đã từng có bao nhiêu thứ cá thể, từ thứ đơn sơ nhất cho đến thứ phức tạp. Song chỉ ở những loài vật cao cấp, gần giống loài người, chúng ta mới nhận thấy những sơ bộ của cá tính. Loài vật gần giống chúng ta ở những bẩm chất thuộc cảm tính. Thí dụ, chúng ta nhận thấy loài chó cũng có lòng “tham muốn”, lẽ dĩ nhiên lòng “tham muốn” này chỉ tựu trung ở việc kiếm ăn. Có những con chó tham ăn đến phải ốm, lại có những con khác rất có tiết độ. Có những con chó tự nhiên tính vốn hiền lành và có những con chó hung dữ. Có những con chó rất dễ giao du, thích người ta nâng niu, có những con lại không thích.Cũng có con lười biếng và những con rất siêng năng. Các tay đi săn đều biết rằng có những con chó bẩm sinh vốn đa cảm và có những con tính lại rất điềm nhiên. Sau hết, loài chó cũng biết ghen tuông như ai kia… Đối với giống mèo, ngựa và đến loài chim người ta cũng có những nhận xét tương tự. Trên địa hạt tinh thần, những bẩm chất của loài vật càng kém cỏi. Trí tuệ của chúng thường chỉ gồm có trí nhớ, thường khi được nảy nở rất khá, nhất là loài ngựa và chó. Đôi khi người ta cũng nhận thấy ở một vài loài vật có dấu vết của trí tưởng tượng, nhưng óc phán đoán thì tuyệt nhiên không có. Thỉnh thoảng người ta cũng nhận thấy ở loài vật một vài hành vi có thể làm cho chúng ta nghĩ rằng chúng biết phán đoán ít nhiều, nhưng đồng thời chúng ta cũng đã chứng kiến bao nhiêu hành vi phi lý khác của chúng. Có thể kết luận rằng cái mà chúng ta cho là “trí khôn” ở loài vật chỉ là những biểu hiện gây ra bởi những bẩm chất thuộc cảm tính của chúng và cái “trí khôn” thực sự của chúng gần như không có. Mà như thế kể cũng hay, sở dĩ chúng ta yêu loài vật là vì chúng sống bằng tình cảm chứ không phải bằng lý trí. Nếu loài vật có “trí khôn” thực sự thì đó cũng là sự mô phỏng rất xấu xí, rất nhố nhăng của con người. Bởi chúng bị chỉ huy bởi những bẩm chất thuộc cảm tính, cho nên chúng ta có dịp thấy đôi khi chúng biết tỏ ra một lòng tin tưởng rất cảm động, một tình thương không bờ bến, không toan tính đối với chúng ta, nếu những bẩm chất ấy tốt và nhất là chúng ta tỏ ra hiểu biết chúng. (Những văn sĩ biết tả rất khéo loài vật là những người thuộc hạng “linh tính” và văn nghiệp của họ thường chịu ảnh hưởng rất nhiều của những bẩm chất thuộc cảm tính của họ. Nữ văn sĩ Colette đã làm cho chúng ta hiểu nhiều về loài vật là một gương sáng).
Tóm luận: Với bảng kê dưới đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn toàn diện về cá tính con người.
Khí chất: Là tổng số những bẩm chất thiên nhiên thuộc cảm tính. Tâm tính: Là khí chất thêm vào những thị hiếu, khuynh hướng, thói quen, đam mê của chúng ta. Trí tuệ: Là tổng số những bẩm chất thiên nhiên thuộc tinh thần. Tâm trí: Là trí tuệ hợp với những gì mà đời sống mang lại cho chúng ta: giáo dục, ý kiến, tín ngưỡng v.v… Cá tính trọng vẹn: Là tổng hợp của tâm tính và tâm trí.