Moskva, 1953
Tại đây đang diễn ra kỳ họp - hay hội nghị toàn thể - nói chung là ban thường vụ Uỷ ban bảo vệ hoà bình họp và Ehrenburg nhân dịp này tổ chức tại nhà mình một bữa tiệc - hay bữa ăn tối - chiêu đãi Quách Mạt Nhược. Ðến dự có khoảng chục người - các nhà văn Xô-viết và nước ngoài.
Quách Mạt Nhược là một người có danh tiếng trên thế giới, một nhà thông thái và học giả, còn ở châu Á nói chung đó là một nhân vật truyền thuyết, một Khổng tử thứ hai: ông biết năm mươi nghìn chữ tượng hình (xin nói rằng để đọc được báo cần phải biết ba nghìn chữ; giáo viên đại học biết bảy nghìn, trí thức - mười nghìn), hai lần làm bộ trưởng khi đại diện cho đảng cộng sản trong chính phủ liên minh Tưởng Giới Thạch, còn bây giờ là uỷ viên Bộ chính trị ÐCS Trung Quốc, đảng này năm 1949 đã lên nắm quyền và tuyên bố thành lập nước CHND Trung Hoa mà ông là phó chủ tịch. Ngoài ra Quách Mạt Nhược còn là phó chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới và Uỷ ban giải thưởng quốc tế Stalin. Ðó là ba trong rất nhiều danh hiệu và tước vị mà ông có thể khoe ra... - có thể thôi, nhưng ông không khoe khoang, bởi vì ông là con người giản dị hiếm thấy, không hề cao ngạo, rất cần mẫn chăm chỉ, đặc biệt rất thích chuyện trò tiếp xúc. Tóm lại, đó là một nhân vật nổi bật trong phe xã hội chủ nghĩa, hay như người ta thường nói, một nhà hoạt động nổi tiếng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, v.v. Ông đã ngoài bảy mươi tuổi, nhưng nhìn mặt thì không đoán được - tôi cảm thấy người Trung Quốc như không có tuổi.
Vậy là trong căn hộ của Ilya quây quần quanh cái bàn dài thấp chất đầy các đồ ăn thức uống - thịt cá hồi, thịt cá chiên, các món trứng cá, vây cá nướng, vodka đủ loại, cognac, hoa quả, rượu vang Gruzia và Moldavi - có Konstantin Fedin, Konstantin Simonov, Vsevolod Pudovkin, nhà văn Pháp Vercos, nhà văn Rumani Mikhail Sadovyanu, nhà văn Italia Pietro Nenni và cặp vợ chồng Brazil chúng tôi. Simonov đến cùng với vợ, một phụ nữ rất gây ấn tượng, diễn viên sân khấu và điện ảnh nổi tiếng mà vẻ đẹp Slave điển hình của nàng đã được ông ca ngợi trong văn thơ: chiếc cổ áo hở vai hào phóng cho ngắm nhìn bộ ngực trắng lộng lẫy. Ngôi sao điện ảnh ấy tên là Valentina. Simonov đã viết tặng nàng cả một tập thơ trữ tình đầy dục cảm, nếu không nói là đầy nhục cảm, bị đích thân đồng chí Stalin quở trách: “Các nhà xuất bản tốn tiền in loại sách đó để làm gì, chỉ cần in hai bản cho ông ta và cô ta là đủ!” Valentina lộng lẫy, kiêu sa! Khi nàng mất, Simonov tuy đã chia tay nàng từ lâu vẫn có mặt tại đám tang và đặt lên mộ một nghìn bông hoa cẩm chướng đỏ thắm - một nghìn bông, không kém.
Quách Mạt Nhược ngồi đối diện với người đẹp và không tham gia vào cuộc trò chuyện vì nàng nói tiếng Pháp, còn ông nói được mười tám thứ tiếng châu Á nhưng lại không biết một thứ tiếng châu Âu nào, trong khi anh phiên dịch tên Lý thì ở ngoài hành lang. Ông chỉ ngồi im nhìn vào cổ áo của Valentina. Ngoài bộ ngực đồ sộ nhô lên như quả đồi kia ông không nhìn thấy gì hết nữa, và vốn là người có học thức ông uống cạn ly rượu vodka đặt trước mặt - uống liền một hơi để trấn an mình. Liuba, bà chủ nhà hiếu khách, lập tức rót cho ông một ly khác. Ông cũng lại uống cạn luôn.
Cần phải nói rằng ở Trung Quốc bộ ngực phụ nữ, vùng kích thích tình dục chủ yếu, là một cái gì khép kín, bí ẩn và thiêng liêng, nếu không nói là “bất khả xâm phạm” - người ta luôn luôn cố giấu nó đi, thắt buộc nó lại không cho phát triển, tóm lại, đó là một chỗ tuyệt đối kiêng kị. Cho nên không lấy làm lạ là hai nửa quả cầu để hở gần như đến chỏm nằm trong khuôn ngực của chiếc áo nhung đen, do đó mà càng trở nên trắng ngời lộng lẫy, đã hút chặt cái nhìn của nhà thông thái và nhà hoạt động nổi tiếng người Trung Quốc.
Các vị khách khác không ngờ một tai hoạ sắp xảy ra, vẫn tiếp tục trò chuyện bình thản sôi nổi về văn học nghệ thuật và sực nhớ ra khi đã muộn - cái điều phải đến đã đến. Quách Mạt Nhược, vẫn điềm tĩnh thản nhiên như mọi lúc, dù đã uống nhiều, vẫn không rời mắt khỏi “báu vật Nga” này, đứng lên đi vòng quanh bàn rồi dừng lại sau ghế của Valentina, giơ hai tay ra ôm chặt lấy bộ ngực phơi trần như trình diễn của nàng, chặt đến mức như không bao giờ rời chúng ra nữa.
Tất cả sững người. Quách Mạt Nhược, vị phó chủ tịch của rất nhiều tổ chức, một nhân vật lịch sử, một người nổi tiếng, đứng đó với hai bàn tay lùa vào khoảng hở trên chiếc áo dài của Valentina bóp chặt đôi vú của nàng - tay trái vú trái, tay phải vú phải - và trên khuôn mặt bất động của ông chậm rãi hiện lên vẻ khoái lạc thần tiên. Những người có mặt lúc đó hầu như hoàn toàn bị tê liệt: chúng tôi chết lặng, mất cả khả năng ăn nói - sự câm lặng như thế kể từ thời khai thiên lập địa chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có lại nữa.
Nhưng vào khoảnh khắc đầy cao trào kịch tính đó anh phiên dịch tên Lý, suốt nãy giờ không rời mắt khỏi ông chủ, đã từ hành lang chạy vào nắm lấy khuỷu tay ông, kéo ra xa Valentina một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết - nói thế được chăng? - rồi đưa ông ra khỏi phòng và căn hộ. Ilya và Liuba khi đó mới sực tỉnh, vội theo sau để tiễn khách. Cuộc bàn luận văn học nghệ thuật lại tiếp tục từ cái chỗ bị ngắt quãng trước đó một phút, dường như không ai thấy có chuyện gì xảy ra.
Từ cái buổi tối chấn động đó niềm kính trọng của tôi đối với Quách Mạt Nhược càng lớn hơn, tăng lên vô hạn.
*Moskva, 1957 -
Paris, 1990 Tôi không biết tại sao - có thể đó là sự phản ứng gay gắt đối với lối đọc thơ quảng trường đã lan khắp Brazil như một đại dịch vào những năm 30 - tôi thích đọc thơ bằng mắt, đọc cho riêng mình, và điều lớn nhất tôi có thể tán thành - đó là giọng đọc khẽ khàng, chỉ như hơi thì thầm, của người yêu đọc thơ cho mình nghe. Khoái cảm đó thật không thể gì so sánh được. Tôi rất thích thấy ở Moskva, trong công viên Gorki, các đôi thanh niên nam nữ ngồi kề vai sát má bên nhau, tay đan vào nhau đặt trên những trang thơ của Pushkin và Essenin. Còn việc đọc thơ to tiếng kiểu diễn thuyết thì tôi tránh xa như tránh bệnh sốt vàng. Tuy nhiên tôi phải thú nhận là có hai lần việc đọc thơ thành tiếng đã làm tôi chấn động mạnh.
Cách đây chưa lâu ở Paris, tại Sorbonne, tôi cùng Zélia đã nghe Maria de Jesus Barroso, nữ diễn viên Bồ Ðào Nha nổi tiếng (cũng xin nói thêm bà là vợ của tổng thống Bồ Ðào Nha Mario Soares), trình diễn đọc thơ của các nhà thơ vĩ đại nước mình - Mario de Sa-Carneiro, José Régio, Fernando Pessoa. Không hề có sự uốn éo lên giọng, nức nở lâm li, thống thiết - bà sống theo từng khổ thơ, gây xúc động cho thính giả bằng chính thơ ca, bằng tình cảm thuần khiết và chân thành của mình. Và tiếng Bồ Ðào Nha từ miệng bà cất lên có một âm điệu vĩnh hằng - thơ thấm vào người tôi, tràn ngập người tôi, tan hoà theo máu chảy khắp huyết quản.
Một trường hợp khác, cũng đã lâu rồi, diễn ra tại Moskva. Bên ngoài đang là thời hửng ấm của Khrushchev, còn trong Nhà hát châm biếm đang trình diễn vở kịch về Mayakovski, các diễn viên kể về cuộc sống nhà thơ theo những vần thơ của ông, kịch bản được dựng theo một số bài thơ và bài viết mà đương thời nhà thơ sáng tác để chống lại những sự phỉ báng bất công của giới phê bình đối với mình. Trên sân khấu bốn diễn viên đóng bốn Mayakovski - nhà cách mạng, chàng tình nhân, nhà siêu thực... Còn nhân vật thứ tư? Tôi không nhớ nữa. Có thể chỉ là ba chăng?
Tôi không nói và không hiểu được tiếng Nga, nhưng sức mạnh sâu thẳm của thơ ca đã thấm vào lục phủ ngũ tạng tôi như người ta hay nói, khiến tôi xúc động đến chảy nước mắt. Tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh Mayakovski - kẻ tự sát - bước ra sân khấu và đọc những vần thơ viết về cái chết của Essenin, những vần thơ ông làm trách móc người bạn thơ đã yếu đuối, đã buông tay đầu hàng. Nghe đọc mà sởn da gà.
*Moskva, 1954 Bữa trưa tại nhà Ehrenburg. Lida, cô giúp việc ở nhà ông, hết sức ngưỡng mộ tôi: cô tìm hết cách trổ tài nghệ để thết đãi tác giả mình yêu thích, do đó bữa ăn rất ngon. Còn vị chủ nhà ở trong phòng làm việc đang nhận chỉ thị của đảng từ tổng biên tập báo “Pravda”: cần phải viết một loạt bài về các đề tài quốc tế, việc này phi Ilya ra không ai làm tốt hơn được. Trong khi chờ
công vụ kết thúc, mấy người chúng tôi cùng nhau uống rượu lấy từ hầm chứa của tiến sĩ Goebbels (bộ trưởng thông tin tuyên truyền dưới thời Hitler - ND).
Một thời gian trước đây chủ tịch Viện hàn lâm khoa học, một người có quan hệ mật thiết với giới chính trị cấp cao, gọi điện cho Ilya và tin cậy thông báo cho ông một tin chấn động - cái tin sốt dẻo mà chỉ rất ít người có đặc quyền được biết... Một thông tin khiến sững người.
- Berya bị kết án tử hình à? - Ilya hỏi; đây chính là lúc đang xử án vị cựu lãnh đạo cơ quan an ninh xô viết.
- Berya gì ở đây?! - ông viện sĩ bực bội - Berya, Berya... Việc hết sức nghiêm trọng mà anh thì cứ nói đâu đâu...Tôi được một nguồn tin đáng tin cậy cho biết sáng ngày mai tại một trong các cửa hàng thực phẩm trung tâm sẽ có bán những thứ rượu sưu tập để trong hầm chứa của Goebbels. Tôi khuyên anh nên dậy sớm và đến lúc cửa hàng mới mở cửa, như thế sẽ mua được nhiều hơn.
Trong các chiến lợi phẩm Hồng Quân thu được sau khi Berlin sụp đổ có cả một bộ sưu tập khổng lồ các loại rượu quý ngon, đắt tiền do quân đội Ðức cướp bóc trên khắp châu Âu, trước hết là ở Pháp, mang về. Gần mười năm qua chúng được cất giữ ở đâu không ai biết, bây giờ chúng được rót vào chai, dán độc cái nhãn cộc lốc “Rượu” rồi đưa ra bán với cái giá rẻ như bèo - rẻ hơn giá các loại rượu khai vị bình thường của Gruzia và Moldavi sản xuất. Ilya và Liuba dậy từ sáng sớm, huy động cả Lida, mẹ Lida, anh tài xế, hai cô thư ký, mẹ của hai cô, con gái Irina, con rể, tóm lại là làm một cuộc tổng động viên, cả cái tiểu đoàn hỗn hợp đó đã hành quân ra cửa hàng lúc mới mở cửa và đã khuân về được tám chục chai rượu. Chẳng mấy chốc đã có cả một hàng người xếp dài trước cửa hàng thực phẩm: mọi người tranh nhau mua và trả tiền, không cần hỏi mua gì, trả tiền cái gì, họ hành động như câu thành ngữ đã nói “Cho gì lấy nấy” đúng theo tinh thần thời bấy giờ.
Tiếp đó là cuộc xác định rượu theo kiểu Nga - rút nút chai và nếm thử các loại rượu không có tên: căn cứ vào hương vị chúng tôi cố đoán xem năm và nước sản xuất, kiểu và chủng loại, tuổi rượu, thời gian cất giữ. Hoá ra tất cả đều là rượu hạng cao, thứ thiệt, do đó việc đưa chúng ra bán công khai là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại không kém cái chết của Stalin, đại hội XX ÐCS Liên Xô. Anh nên nhớ là việc vạch trần Berya không được đưa vào hàng lớn lao này, đó chỉ là chuyện vặt, một tiểu tiết không đáng chú ý... Vậy là, chúng tôi ngồi đợi chủ nhà, nhấm rượu với trứng cá, thịt cá chiên và một thứ cá lạ mà ông chủ tuy vội chưa kịp nếm nhưng đã hết lời giới thiệu.
Lúc sau Ilya và ông tổng biên tập “Pravda” từ phòng làm việc đi ra, ông khách cũng được mời nếm thử các thứ rượu ngon của Goebbels. Nhưng ông ta thích vodka hơn - ông uống cạn ly và chào ra về. Ehrenburg cầm lấy một chai màu đỏ rót ra và nhấp nhấp rồi cho biết đó là rượu Bordeaux, ông khoan khoái uống từng ngụm nhỏ và kể vanh vách thứ nho này trồng ở đâu, được cất giữ ở hầm rượu nào và đã được bao nhiêu năm. Hiểu biết của ông trong lĩnh vực này thật tuyệt vời. Khi người nhà trải khăn bàn và bày bữa ăn lên, ông kể lại câu chuyện về vị khách vừa mới ra về.
Trong phòng làm việc của Ehrenburg, bốn mặt tường treo kín các bức hoạ và bản khắc của các bậc thầy hội hoạ Pháp - bộ sưu tập tranh này không thua kém gì bộ sưu tập rượu của Goebbels và đáng giá hàng triệu rúp. Trên bàn làm việc của ông đặt bức tranh khắc “Con cóc” của Picasso với lời tác giả đề tặng. Khi thấy con vật hình thù bị xé lẻ ra nhiều mảnh, vị nhà báo Sự Thật, nhà tư tưởng, tín đồ của chủ nghĩa xã hội, sững người lại và đỏ mặt lên:
- Thứ này mà các nhà tư bản gọi là nghệ thuật à? Ilya Grigorevich, sao anh lại có thể để trong phòng làm việc của mình cái đồ thối rữa ghê tởm này được nhỉ? Làm sao cái ông Picasso sơn trát ấy lại dám gọi mình là người cộng sản được?
Ilya ngắt dòng thác buộc tội của ông ta:
- Anh có biết bức tranh khắc này tên là gì và vẽ gì không?
- Tôi không biết và không muốn biết! Ðó là...
- Ðó là chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Nhà tư tưởng dần dần dịu lại, lại ngắm nghía con cóc, lắc đầu, cái gáy gồ lên của ông ta trở lại sắc màu bình thường.
- Vậy hả? Thế mà tôi không nhận ra ngay, - ông ta nói vẻ tự phê. - Picasso hình như là đảng viên ÐCS Pháp phải không? Một đồng chí đúng đắn và một tài năng lớn.
*Petropolis - Paris, 1984
Nhốt mình cách biệt với thế giới bên ngoài, như người ta thường nói, trong căn nhà ấm cúng và tiện nghi của hai người bạn Gloria và Alfredo Machado, tôi như anh tù khổ sai bị buộc chặt vào cỗ xe, tập trung viết cuốn
Tocaia Grande. Không tiếp xúc với ai cả. Nhưng có chuông điện thoại, Zélia nhấc ống nghe và vẫy tôi:
- Anh nghe đi... Ðại sứ Pháp gọi.
Thế là tôi, một người Pháp về tâm hồn, bước lại chỗ điện thoại. Vị đại sứ thông báo cho tôi cái tin vừa nhận được: chính phủ Pháp thông qua tổng thống Mitterand trao tặng tôi huân chương Bắc Ðẩu Bội Tinh - hạng comando, tức là ngôi sao. Cùng được nhận phần thưởng này với tôi còn có những người hết sức xứng đáng - Federico Fellini, Joris Ivens, Norman Mailer, Alberto Moravia, Yashar Kemal; cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Italia đều là bạn bè từ lâu của tôi, cũng như nhà điện ảnh Hà Lan. Tôi cám ơn vì vinh dự, nói là tôi rất tự hào và xúc động. Tất cả chỉ vậy.
Ðại sứ báo cho tôi biết ngày giờ trao thưởng. Tôi hết sức không muốn ngắt quãng việc viết cuốn tiểu thuyết, cho nên khi biết vị đại sứ tuần sau sẽ bay đến Baya để trao huân chương cho Pierre Bergé tôi tỏ ý muốn được cùng đi với ông ta. Buổi sáng tôi sẽ có mặt ở Baya, buổi chiều tôi sẽ quay lại Petropolis, còn đi Paris thì mất đứt cả một tuần.
Nghe tôi tính toán thế, vị đại sứ ngớ ra một lúc.
- Thật không thể ngờ được! - ông ta thốt lên không phải không bực dọc - Bergé được Bắc Ðẩu Bội Tinh loại thường nên tôi có quyền cài chữ thập cho ông ta. Còn ngài được thưởng huân chương hạng comando, do đó chỉ đích thân tổng thống mới có thể trao nó cho ngài được.
Ôi cái sự đơn giản nông cạn của tôi! Tôi cuống quýt xin lỗi, hỏi lại ngày giờ, và chúng tôi bay đến Paris. Tổng thống Mitterand sau khi choàng lên cổ tôi dải băng huân chương đã không tiếc lời tán dương lao động nghề văn của tôi. Trong gian phòng của điện Elysée tôi trông thấy những bạn bè Pháp thân thiết của mình, tôi xúc động đến nổi gai ốc và rơi nước mắt... Còn đối với Zélia buổi lễ trọng thể này dường như là một lời xin lỗi: tại đây, trong điện Elysée, chúng tôi kỷ niệm một sự kiện - đúng hai mươi lăm năm kể từ cái ngày người ta trục xuất chúng tôi khỏi nước Pháp.
*Canne, 1985 Jose Aparecido de Oliveira được bổ làm thống đốc bang thủ đô của Brazil và để lại chức vụ bộ trưởng văn hoá. Jose Sarney, tổng thống mới đắc cử của đất nước, quyết định mở rộng thành phần nội các và trao cái chức còn bỏ trống đó cho một quý bà. Ðấy là một hành động khôn ngoan, một cử chỉ rộng rãi.
Ông mời Fernando Montenegro giữ chức bộ trưởng - diễn viên này từ chối. Khi đó Sarney tìm kiếm ở Liên hoan phim Canne bà Zélia Gattai, vợ của một ông Jorge Amado nào đó, và đưa ra đề nghị với bà. Từ chối. Sarnei vẫn kiên trì. Zélia bối rối, không hiểu nguyên nhân của việc khăng khăng lời mời đó. Nguyên nhân rõ quá rồi còn gì, tôi giải thích cho vợ. Một nữ nhà văn nổi tiếng, một người am hiểu văn học nghệ thuật, một người nghiêm túc, có tài, và cuối cùng là một người dễ mến. Ðó là sự lựa chọn đúng đắn - phát đạn bắn trúng điểm đen. Em không phải bộ trưởng là gì?
Zélia hỏi - đấy là tôi nói nghiêm túc hay quen thói nhạo báng như thường lệ? Nghiêm túc chứ, chưa bao giờ anh nghiêm túc như vậy, còn chuyện nhạo báng thì em quên đi. Lúc đó nàng mới bảo tôi trả lời thật công khai, nếu mọi chuyện đúng là như tôi nói, vậy nếu nàng đồng ý nhận lời thì sao. Câu trả lời đã có sẵn:
- Sarnei muốn có một phụ nữ phụ trách văn hoá - điều ấy là đúng. Ðồng ý - ông ta sẽ được một nữ bộ trưởng xinh đẹp, thông minh, tài năng và...
- Và sao? Anh nói đi!
-... và bị chồng bỏ.
*New Dehli, 1957 Pablo Neruda với dáng vẻ nạn nhân của sự trùng hợp ác độc của các hoàn cảnh xuất hiện tại phòng khách sạn của tôi, chỉ ngón tay vào một bài báo tiếng Anh:
- Vô nghĩa! Không thể được! Những người Xô-viết này thật là không nghiêm túc! Cậu sẽ làm gì với họ đây, Jorge?
Trong bức ảnh đặt phía trên bài báo, Khrushchev ôm hôn Tito tại sân bay Belgrad.
Sau thành công vang dội của
Bài ca cho toàn thể mọi người, tác phẩm chính của Neruda đưa ông lên hàng đầu các nhà thơ hiện đại, ông cho ra
Chùm nho và ngọn gió - tập thơ chính trị vạch trần chủ nghĩa đế quốc Mỹ mang lại cho các dân tộc trên thế giới chiến tranh và nghèo đói, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Xô-viết và các nước dân chủ nhân dân mới ra đời nhờ thắng lợi của Hồng Quân. Trong tập có bài hay bài kém, tuy không thể so được với tập trước, nhưng không có bài nào gọi là bất tài: mỗi bài đều có ít nhất một dòng thực là tài năng - Pablo bao giờ và ở đâu cũng vẫn là nhà thơ. Và trong tập đó bài nổi bật nhất là bài ca ngợi Josiv Broz Tito, lãnh tụ của các dân tộc Nam Tư, người cha của tổ quốc, sự vĩ đại của ông che mờ cả sự vĩ đại của người trùng tên với mình trong điện Kremli (ý nói Josiv Stalin - ND). Bài thơ nhanh chóng được dịch ra tất cả các thứ tiếng của Liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư.
Nhà xuất bản Arhentina “Losada” đã thông báo việc tái bản tập
Chùm nho và ngọn gió, đùng một cái loan đi cái tin hai Josiv bất hoà chí tử với nhau. Neruda, lòng đầy căm giận tên nhượng bộ và phản bội Tito, lập tức thay ngay bài tụng ca cũ đã lên khuôn bằng một bài mới viết trước sự hân hoan của những người Xô-viết - và tất cả chúng tôi - lột mặt nạ người anh hùng nhân dân khỏi con chó bị xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Từ đó đã bao nhiêu nước chảy qua cầu - đại hội XX của ÐCS Liên Xô vạch trần tệ sùng bái cá nhân, nêu lên những tội ác của Stalin, phục hồi cho Tito, Khrushchev mang cành cọ bay sang Belgrad, còn nhà xuất bản Chilê “Nasimento”chuẩn bị đưa in
Chùm nho... Còn giờ đây Pablo đang chỉ cho tôi thấy bài phát biểu của Khrushchev khi ông ta vừa ra khỏi máy bay và ngã vào vòng tay ôm của nguyên soái Nam Tư -
đồng chí Tito thân mến. - Không, cậu đừng nghe, - nhà thơ tội nghiệp sôi lên, ông đã bị mắc vào cái mê cung chính trị không biết đường nào mà lần, chùm nho thơ của ông đã bị tan tác trước cơn gió thay chiều đổi hướng không tài nào đoán trước được. -
Ðồng chí Tito thân mến! Cậu khuyên tôi nên in bài nào vào tập bây giờ? Bài ca ngợi hay bài chửi rủa? Tất nhiên, tôi là một người dấn thân, nhập cuộc, nhưng như thế này thì quá lắm! Chẳng lẽ lại có thể như thế được?
Tôi khuyên Pablo nói chung, một lần và mãi mãi, đưa Tito ra khỏi tập để không bị phụ thuộc vào những dao động của đường lối chung nữa. Còn cái chính - chớ vội sáng tác bài tụng ca Khrushchev: sự việc còn vần xoay chưa biết đâu mà lần!