Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> Hải trình ven bờ

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 3288 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hải trình ven bờ
Jorge Amado

Phần 1

Nhà văn Brazil nổi tiếng Jorge Amado (1912-2001) không có ý định viết hồi ký. Tác phẩm “Hải trình ven bờ” (Navigation de cabotage, 1992) chỉ là những mảnh vụn hồi ức qua nhiều năm được ông ghi lại và quyết định cho công bố với hy vọng đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi thế nàovì saovề những sự kiện và con người thế kỷ XX mà ông có dịp chứng kiến và trải qua. Với ông, đó là những điều vui buồn ông đã trải trên hải trình đi sát bờ của chuyến tàu có tên gọi là Cuộc Sống. Ông viếtTôi vốn không phải sinh ra để thành người nổi tiếng, đừng đo tôi bằng những thước đo cỡ lớn - cỡ nhỏ” - lạy Chúa, tôi không bao giờ cảm thấy mình là một nhà văn nổi tiếng, một cá nhân xuất sắc cả. Tôi chỉ đơn giản là một nhà văn, đơn giản là một cá nhân? Như thế còn ít sao? Thời gian và địa điểm ở đây là lúc và nơi diễn ra sự việc, chứ không phải chỗ khi ông ghi chép lại. Bản dịch được thực hiện theo bản tiếng Nga của A. Bordanovski đăng trên tạp chí Văn học nước ngoài của Nga số 7 năm 1998.
Moskva, 1952
Tháng giêng. Nhiệt độ khoảng hai mươi độ âm, ngoài sân bão tuyết lồng lộn. Tôi và Ilya Ehrenburg [1] vừa được các quan chức cấp cao tiếp tại điện Kremlin và có một cuộc trò chuyện hết sức khó chịu với họ. Khỏi cần dài dòng, tôi chỉ xin nói rằng đây là chuyện về nhà văn Tiệp Khắc Zavis Kalandra [2] - vì việc của ông này mà tôi đi từ Praha đến Moskva, tiện thể cũng nói là tôi đến đây còn để nhận giải thưởng quốc tế Stalin vì sự củng cố hoà bình giữa các dân tộc.
Chúng tôi quay trở về nhà trong cảnh im lặng ảm đạm, đi vào căn hộ của Ehrenburg nằm trên phố Gorki, uống vodka, và đột nhiên Ilya bảo tôi:
- Jorge, tôi và anh đừng bao giờ viết hồi ký cả. Chúng ta biết quá nhiều điều.
Tôi nhớ lại cuộc nói chuyện vừa xảy ra với các đồng chí có trách nhiệm và gật đầu đồng ý.
Thế nhưng sự quả quyết ấy không ngăn tác giả Thời hửng ấm mấy năm sau đó, khi bức tường chính sách ngu dân Xô-viết có những kẽ nứt đầu tiên và trong ngục tối ánh lên tia sáng hy vọng mong manh, đã cho xuất bản mấy tập hồi ký của mình, trong đó ở những trang cuối vợ chồng Amado có được xuất hiện với những dòng đầy thiện cảm.
Tuy nhiên không phải mọi điều đã được đưa hết vào sách: năm 1988 con gái Ehrenburg kể với tôi rằng khi sắp xếp lại kho lưu trữ của bố, cô nhận thấy còn tài liệu cho mấy tập nữa. Nhưng Ilya không thể in chúng ra được, ngay cả vào thời tự do của Khrushchev - ông quả thật biết quá nhiều!
Còn tôi suốt cả cuộc đời dài của mình cũng đã biết không ít chuyện mà tôi đã thề là sẽ mang theo xuống mồ. Tôi biết những nguyên nhân và hậu quả của các vụ việc và sự kiện mà tôi không hé răng nửa lời. Sở dĩ tôi biết được chúng bởi vì tôi là đảng viên cốt cán của một đảng chính trị tổ chức theo kiểu quân sự, hoạt động hết sức bí mật và không từ các hành động phá hoại. Từ bấy đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã thôi là cốt cán từ lâu, bao nhiêu chuyện kinh thiên động địa đã xảy ra cho một học thuyết, một hệ thống, nhưng cho đến nay tôi vẫn coi mình bị ràng buộc bởi lời hứa giữ kín những gì tôi biết được nhờ vị trí của mình trong đảng. Ngay dù cho nếu tôi vi phạm cũng không gây hại cho ai, còn các bí mật không có chút ý nghĩa nào, tôi vẫn không cho phép mình quyền được phá hủy một lời đã hứa để nói ra... Nói ra công khai những điều tôi phải giữ kín. Rõ ràng, những bí mật đó sẽ cùng theo tôi chết đi.


*

Milan, 1949
Tại chính trung tâm Milan, trong khu bán hàng, Zélia (vợ của J.Amado - ND) đột nhiên kêu lên mừng rỡ, tay chỉ cho tôi vào tủ kính quầy sách:
- Anh nhìn kìa!
Tôi đưa mắt nhìn và thấy bản in cuốn Miền đất bao la của tôi với bìa sặc sỡ theo phiên bản đồ gốm của Picasso. Ðây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi dịch sang tiếng Italia.
- Lại cả biểu ngữ nữa! - Zélia hân hoan.
Nói chung đó không phải là biểu ngữ mà là một tấm bìa các-tông hình chữ nhật đề dòng chữ về tác giả: “Il piu noto scrittore Braziliano” (tiếng Italia: Nhà văn Brazil nổi tiếng nhất). Zélia đọc to lên dòng chữ đó và chúng tôi hơi ưỡn người, bước đi tiếp.
Lúc sau chúng tôi đứng trước một tủ kính quầy sách khác và đưa mắt tìm xem có cuốn Miền đất không. Nhưng lần này bày ở đấy là cuốn tiểu thuyết của Erico Verissimo Hãy nhìn những cánh đồng hoa huệ, nếu tôi nhớ không nhầm. Và cũng có một tấm bìa viết rằng tác giả “Il piu noto scrittore Braziliano”.
Tôi và Zélia phá lên cười và không đi ưỡn người nữa. Ghé vào một kiốt ở góc phố, tôi mua một tấm bưu thiếp cùng tem và viết mấy chữ sau đây gửi về Porto Alegr cho Erico Verissimo: “Chỉ trong khoảng năm phút và hai mươi mét tôi là “il piu noto”, sau đó tôi trao toàn quyền lại cho anh”.

*

Rio-de-Janeiro, 1947

Tôi không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại rằng trí nhớ của tôi rất tồi, nhất là về mặt ngày tháng. Làm sao anh nhớ được chúng? Mỗi tình tiết tôi viết ra đều nhất thiết phải hỏi người nhà - các người có nhớ không? Họ nhớ, họ nhớ hết cả, nhưng mỗi người nhớ theo cách của mình. Còn ngày tháng năm thì không ai có thể nhớ chính xác được cả, và họ càng trả lời chắc chắn - khi đó, khi đó - thì tôi càng biết chắc là họ đã nhầm.
Nhưng tôi chưa thấm gì với Nicolás Guillén [3] - trong các hồi ký của mình ông nhầm lẫn lung tung hết mọi chuyện: ông quên địa điểm và thời gian, sự kiện và chi tiết. Chẳng hạn ông viết là chúng tôi quen biết nhau ở Paris năm 1949, trong khi cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi diễn ra hai năm trước đó ở Rio. Ông quên cuộc đọc thơ của mình tại Hiệp hội báo chí Brazil và tôi đã giới thiệu ông với công chúng như thế nào - đó là đúng vào cái ngày và cái giờ khi đứa con đầu của tôi Joan Jorge ra đời. Chính nhà thơ Cuba ấy là người đầu tiên tới thăm người mẹ trẻ và đứa bé mới ra đời. Ông vừa mới đọc xong bài thơ “Tổ quốc tôi là cây mía...”, thính giả đang còn vỗ tay, chúng tôi đã lao ra taxi chạy tới bệnh viện.
Nicolás đến Brazil mấy lần - cả trước và sau cuộc cách mạng của Fidel - và lần nào cũng đều đáng nhớ: ông rất biết cách thu hút mọi người. Thơ ông chinh phục mọi thính giả, còn con người ông, tươi cười có bộ râu quai nón chải chuốt thì hút hồn các thính giả nữ. Maria-Nimfomanka giới thiệu ông với các cô bạn: này các cô, cái ông Cuba này là một con thú thực sự đấy, ông ta không bỏ lỡ cơ hội của mình đâu. Quảng cáo, như ai cũng biết, là động cơ của thương mại, thế là đám cử toạ qua các cuộc đọc thơ của ông ngày càng đông hơn, Nicolás đi đến đâu cũng nhận được tiếng reo hò của những người hâm mộ. Vốn là người hiếu danh, ông coi mỗi cuộc tình dan díu, dù chỉ là thoáng qua, đều như một đam mê số phận.
- Maria-Blondinka hoàn toàn điên lên vì tớ, cậu ạ. Cô ta yêu tớ một cách cuồng nhiệt! - ông nói với tôi đầy vẻ tự hào chính đáng, cho đó là việc không thể nào khác được, nhưng lập tức ông lại hoài nghi. - Cậu nghĩ sao: đó là cô ta yêu tớ, gã đàn ông Nicolás, hay là yêu nhà thơ Guillén và danh vọng của ông ta? Cậu thấy thế nào? - nỗi hoài nghi giày vò ông và ông đòi tôi cho biết sự thật.
Khắp nơi - Rio, Praha, Paris, La Havana - đâu đâu tôi cũng gặp ông đi với hết cô tóc vàng này đến cô tóc vàng khác (rõ ràng ông thích “típ” này, coi đó là mối tình chủ yếu nếu không nói là duy nhất, chỉ trừ ngoại lệ với vợ mình là Rosa, cô gái lai của quần đảo Antille), và tôi đều trả lời ông một câu giống nhau:
- Họ yêu cả anh và thơ anh, cả người đàn ông và cả hiện tượng có tên là Nicolás Guillén.
Ông mỉm cười ra dấu đồng ý, hài lòng xoa xoa bộ râu quai nón - rõ là bản thân ông cũng chia sẻ ý kiến đó. Nhưng lập tức một mối nghi ngờ mới lại trỗi dậy trong tâm hồn chất phác của ông:
- Thế ngộ nhỡ không có thơ tớ thì sao, cậu thấy thế nào, họ có yêu tớ không? Cậu nghĩ sao? Nếu như tớ không phải là nhà thơ thì họ có yêu không? Hả?

*

Vrotslav, 1948

Tôi không biết Maria-Bayanka đã phải trổ tài thế nào để được lọt vào số các phóng viên nước ngoài bay tới thành phố Ba Lan này “đưa tin” về Hội nghị các nhà hoạt động văn hoá bảo vệ hoà bình. Tôi vốn biết cô gái lai năng động, uyển chuyển và thanh mảnh này, một nhân vật rất nổi tiếng cả ở khoa luật, nơi cô ta học, cả trong số các cốt cán của đảng. Theo các quan điểm thanh giáo của Maria-Piramidon, một trong những nữ lãnh đạo của đảng chúng tôi, thì cô ta không đáng được gọi là cốt cán. Mario Shenberg, một nhà lãnh đạo khác có cách nhìn thoáng hơn, không tán thành ý kiến đó. Trả lời câu hỏi của tôi vì sao Bayanka được đưa vào thành phần đoàn đại biểu, ông đáp một cách đơn giản và hồn hậu:
- Eo cô ta nhỏ đến kỳ lạ, chỉ hai ngón tay là ôm vừa.
Nhưng Maria-Bayanka không thèm ngó ngàng gì đến tôi - chẳng gì tôi cũng là một trong những phó chủ tịch hội nghị - cũng như các nghệ sĩ khác trong đoàn đại biểu Brazil. Cô ta lập tức yêu cầu tôi giới thiệu với Picasso và Ehrenburg để làm bài cho báo.
Ngay tại phòng họp hội nghị, Pablo Picasso đã dành cho cô ta một cuộc phỏng vấn ngắn, ông tuyên bố đến Vrotslav trước hết là để từ diễn đàn hội nghị đòi Videla, tên độc tài Chile, chấm dứt sự truy nã nhà thơ Pablo Neruda, người đã bị tước quyền nghị sĩ, quyền bất khả xâm phạm thân thể và bị cảnh sát theo dõi. Chẳng hiểu Maria đã xoay ra được anh chàng nhiếp ảnh người Indu khi nào và ở đâu để anh này chụp được một bức ảnh lịch sử: nhà nghệ sĩ vĩ đại của thời hiện đại đứng bên cạnh cô phóng viên nhỏ bé của chúng tôi.
Ehrenburg dù bận ngập đầu ngập cổ, cũng đồng ý trò chuyện với cô ta, phân tích ý nghĩa của Hội nghị Vrotslav, các vấn đề của thế giới và trách nhiệm của các nhà hoạt động văn hoá:
- Bảy giờ sáng mai tôi đợi cô ở... - và ông cho biết khách sạn và số phòng của mình.
Ngày hôm sau Maria kể tôi nghe về cuộc phỏng vấn này:
- Tôi gõ cửa. Khi có tiếng đáp, tôi bước vào và thấy Ehrenburg đang nằm trên giường như bà đẻ. Ông ấy bảo: “Cởi quần áo nhanh lên. Tôi chỉ còn nửa giờ thôi. Ðến tám giờ tôi phải đi ăn sáng với Fedoseyev”. (Fedoseyev lúc đó là tổng biên tập báo “Pravda”, uỷ viên trung ương ÐCSLX, một trong những người tổ chức cuộc hội nghị của chúng tôi). Ông ấy mỉm cười và nằm dịch ra nhường chỗ cho tôi...
- Cô làm thế nào?
Maria-Bayanka nở nụ cười thiên thần, hạ mi mắt:
- Làm thế nào ư? Tôi phục tùng - cô ngẩng lên, đưa tay vuốt mái tóc đen mềm - Lời nói của đồng chí Xô-viết là đạo luật... Sau đó ông ấy nói: về hội nghị thì cô cứ hỏi Jorge, còn đưa lên báo thì cứ việc hỏi tôi... Nào ta bắt đầu - thế là cô rút giấy bút ra.
Ehrenburg mới từ địa ngục cuộc thế chiến II trở về, ông đã trải qua và chịu đựng nhiều điều trong thế kỷ mình, cho nên tuổi mới ngoài năm mươi mà trông già hơn nhiều - trong giới chúng tôi thường gọi ông là “ông già”. Nếu như Maria ngủ với Enrique Amorim (1900-1960, nhà văn Uruguay-ND) tôi còn hiểu được, nhưng với Ilya... Cô ta làm thế để làm gì?
- Sao cô lại hành động thế, Maria-Bayanka? Sao hả?
Môi cô ta lại hiện ra nụ cười ngượng ngập, và với vẻ mặt hồn nhiên mơ mộng cô trả lời:
- Làm thế để ghi hồi ký.
Nhưng cô ta đã không kịp viết những chuyện đó ra - hai năm sau, trên đường trở về Brazil, cô đã bị chết trong một tai nạn ôtô. Nhưng cuộc phỏng vấn Ehrenburg “do đặc phái viên của chúng tôi thực hiện ở Vrotslav” đã có tiếng vang rộng rãi và gây nên cuộc bút chiến sôi nổi.

*

Tirana, 1950

Tại cuộc chiêu đãi của tổng thống Pháp Mitterand chào mừng bốn mươi nhà văn nước ngoài đến dự lễ khai mạc chương trình “Fureur du Livre” (Ngày hội đọc sách) - sáng kiến này là của bộ trưởng văn hoá Jacques Lange - nhà văn Albani Ismail Kadaré [4] đến bên tôi. Ông nghe nói tôi đã từng đến nước ông, nhưng không biết vào thời gian nào.
- Ðó là vào năm 1950, hơn bốn mươi năm trước, Ismail thân mến ạ, khi đó chắc anh đang bò dưới bàn.
Tôi đến Albani dự Hội nghị bảo vệ hoà bình. Ðất nước này đã chinh phục tôi: những cánh rừng ôliu, hải cảng trên bờ biển Adriatic -nó không lớn hơn xứ sở Ileus quê tôi, - một dân tộc tự hào vì những chiến công mới đây của mình chống lại Hitler và Mussolini. Bần cùng và hy vọng. Thủ đô nhỏ bé, tôi và Vanda Jakubovskaia đi bộ từ đầu này tới đầu kia chưa hết hai tiếng. Lúc ấy tôi đã viết được mấy đoạn trữ tình về Albani để cho dịu bớt niềm phấn chấn trong người. Tôi còn được giới thiệu với Enver Hoxha (Bí thư thứ nhất ÐCS Albani - ND), nói chuyện với ông ta...
- Không thể thế được! Chẳng lẽ ông ta lại tiếp ông? - Ismail ngờ vực thốt lên, chắc anh nhớ là kẻ độc tài ấy rất khó gần ai.
- Tôi đại diện cho Hội đồng hoà bình thế giới mà...
Hoxha không chỉ tiếp tôi mà còn mời dùng trà, cuộc nói chuyện của chúng tôi kéo dài hơn tiếng đồng hồ - ông ta khoe khoang những thành tựu trong quá khứ, chia sẻ những kế hoạch to lớn về tương lai, ca tụng Stalin, nhưng cũng hạ cố để nhớ lại Fuad Saad, bác sĩ ở San-Paolo, đã ở cùng một phòng với ông ta thời sinh viên trong khu quán trọ rẻ tiền tại Marseill (hay Lion?). Khi chia tay, Enver Hoxha lại trở nên cứng rắn và bảo tôi chuyển đến Prestes (1898 -1987, nhà hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân của Brazil và quốc tế-ND) những lời sau:
- Hãy nói với đồng chí Luis Prestes để luôn nhớ và không bao giờ được quên rằng: đừng sợ đổ máu. Không đổ nhiều máu thì sẽ không làm được cách mạng, không làm được cái gì cả.



[1]Ilya Grigorevich Ehrenburg (1891-1967): nhà văn Nga nổi tiếng.
[2]Zavis Kalandra (1902-1950): nhà thơ siêu thực Czech, bị kết án phản cách mạng và tử hình.
[3]Nicolás Guillén (1904-1989): nhà thơ Cuba nổi tiếng.
[4]Ismail Kadaré (sinh 1936): nhà văn Albani nổi tiếng.

Phần 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 349

Return to top