Tiếng rít của gió thu lạnh vừa nổi lên lúc tờ mờ sáng đánh thức Nôrikô dậy. Vẫn nằm im trong chăn, cô đưa mắt nhìn quanh phòng. Cái nhìn của cô dần dần dừng lại ở cửa sổ: ngoài đường trời vần còn tốt mịt. Nôrikô bấm đèn ngủ nhìn đồng hồ: năm giờ rưỡi. Mùa hạ thì bây giờ mặt trời đã lên rồi, còn vào tiết cuối tháng chạp này thì bây giờ vẫn còn là ban đêm.
Gió gõ vào cửa kính. Bên cạnh giường có mộtt cuốn sách mở. Nôrikô thường đọc sách khuya để dễ ngủ, nhưng đêm qua không hiểu sao cô đã quá xúc động trong khi đọc - cuốn sách nói về tình yêu - và giờ lâu không sao chợp mắt được.
"Tình yêu có những dạng khác nhau, - trong sách có đoạn viết như vậy, - và sự xả thân cũng là tình yêu..." Hình ảnh Naôê không lúc nào rời tâm trí cô. Trong thời gian gần đây có một cái gì kỳ dị đã diễn ra với anh. Anh đã gầy đi và bây giờ trông càng cao và càng mảnh, cái nhìn của anh trở nên sắc nhọn. Nhưng không phải những sự thay đổi bên ngoài làm cho Nôriko lo lắng.
Trong tòan bộ cái bóng dáng của Naôê - trong đôi vai rũ xuống một cách mệt mỏi, trong cái lưng gầy hơi khom xuống - có thể cảm thấy một nỗi đau thầm kín và mộ tmối sầu vô vọng. Anh không bao giờ kể gì cho cô nghe, nhưng Nôrikô vần cảm biết được à có một cái gì đó đang giày vò anh khổ sở.
Anh vẫn lạnh lùng như trước, đôi khi còn tàn nhẫn nữa. Anh có thể mời Nôrikô đến rồi tới khi cô dọn dẹp xong, lại đuổi cô về. Cô đã quen với những sự thay đổi đột ngột, vô cớ của anh, nên không hề giận. Xưa nay đối với cô, anh vẫn như vậy. Khi nào anh gọi thì cô chạy đến, khi nào cô cảm thấy anh đã chán mình thì cô ra về. Dù đối với anh, cô chỉ là một thứ đồ chơi chăng nữa, thì cô cũng hài long với vai trò đó. Nôrikô không bao giờ suy nghĩ xem cái gì là tốt, cái gì là xấu; chẳng qua Naôê muốn gì thì cô chỉ biết làm đúng như vậy.
Từ trước kia, Nôrikô cũng cảm thấy trong tâm hồn Naôê không sao có được sự yên tĩng. Có lúc chưa nghe cô nói hết câu anh đã vớ lấy cuốn sách, mà cũng có lúc anh lại đột nhiên quan tâm đến một chuyện gì đấy, rồi hỏi đi hỏi lại: "Em định nói gì phải không? Nói đi !" Anh thường cau mày, mấy ngón tay gõ gõ trên bàn - như thế nghĩa là trong lòng anh thấy bứt rứt không yên. Vào những phút như vậy, Nôrikô giống như một con sóc sợ sệt; cô e dè cố sức đọc cho ra những gì đang được giấu kín trong tâm hồn anh. Và mỗi khi cô đoán sai, Naôê quay mặt đi hoặc bảo cô về.
Nhưng thời gian gần đây Naôê trong ủ rũ khác thường. Những chuyện bực mình trong công việc chăng? Hay là nguyên nhân nằm ngay trong bản thân anh. Giá Nôrikô có thể biết được cái gì đang diễn ra trong Naôê! Nhưng hỏi thì cô đã biết trước là không bao giờ anh trả lời. Naôê giữ một khoảng cách khá xa giữa bản thân với Nôrikô và đó là điều làm cho cô tủi thân nhất. Luôn luôn ở bên cạnh, mà không hề biết một chút gì... Một sinh vật không lời...
Nôrikô vẫn thỉnh thoảng phải nghe người ta nói về những mốiquan hệ giữa Naôê với phụ nữ. Vì hầu hết mọi người trong bệnh viện đều biết mối quan hệ giữa hai người, cho nên những chuyện này chỉ đến với cô dưới dạng những tiếng đồn mơ hồ, đứt đoạn. Nhưng cũng có những người nói chuyện lại với cô một cách chi tiết chỉ vì cái thú được thấy cô đau khổ - trong đám nữ y tá cũng có những người như vậy.
Chuyện Đzyunkô Hanađzyô ghé bệnh viện tìm Naôê tối hôm ấy thì ngay ságn hôm sau Nôrikô đã biết. Nói chung người ta đã bắt đầu xì xào ngay từ hồi Đzyunkô nằm bệnh viện Oriental. Họ lại còn nói rằng Naôê nhiều lần ngồi rất lâu với bà Ghyôđa trong phòng văn thư. Từ trước họ cũng xì xào rằng phu nhân muốn quyến rũ Naôê, mà ông ta nói chung cũng không phản đối. Nhưng đâu phải chỉ có thế... Nghe đâu người đã đã mấy lần gặp naôê ở ngoài phố với những cô gái bán bar phấn son lòe loẹt và áo quần sặc sỡ. Lại còn ...
Người ta lại còn khẳng định rằng con gái ông bác sĩ trưởng, cô Mikikô, mê Naôê như điếu đổ. Nghe đâu cô ta còn nói trắng rằng một người như bác sĩ Naôê mà đi hỏi cô thì cô sẽ nhắm mắt lấy ngay. Cô ta cố gắng dùng cái bệnh viện để cám dỗ o6ng ta, và hình như ông ta cũng đớp cái mồi này.
Nôrikô không tin những chuyện ngồi lê đôi mách, coi đó như những chuyện do những kẻ vô công rỗi nghề bịa đặt ra, nhưng dù sao ... Ai cũng biết là không có lửa làm sao có khói.
Nôrikô thở ra một tiếng dài. Có lẽ thà đừng biết còn hơn. Nhưng giá có thể hỏi chính Naôê thì hay biết mấy. Ngay các bạn gái cũng khuyên như vậy... Nhưng cũng khó tin họ lắm. Dưới cái mắt nạ của sự đồng cảm có thể là sự ganh tị.
Gần đến ba giờ đêm Nôrikô mới ngủ thiếp đi. Cô không tắt lò sưởi ga, nhưng vẫn bị lạnh cóng.
Căn buồng nhỏ của Nôrikô ở tầng thứ ba của nhà chung cư. Đó là một tòa nhà cũ kỹ, tường đã nứt nẻ nhiều nơi. Chỉ được cái sát cạnh bệnh viện. Người ta có hứa rằng khi đã sửa chữa xong trong bệnh viện thì sẽ bắt đầu tu sửa chung cư, nhưng dù sao cũng phải đợi ba bốn năm nữa, hay năm năm cũng chưa biết chừng. Mà năm năm nữa thì cô sẽ ra sao? Có còn làm ở bệnh viện nữa không? Vì lúc bấy giờ cô sẽ ba mươi tuổi...
Cái chính là đừng mất Naôê. Dĩ nhiên chắc anh ấy chẳng cưới mình đâu. Chỉ mong sao mọi sữ sẽ cứ như thế này. Nôrikô không dám ao ước gì hơn.
Có một cái lạ là Nôrikô không bao giờ thử tưởng tượng xem nếu lấy nhau thì cuộc sống gia đình của họ sẽ như thế nào. Chắc hẳn là vì cô thừa biết rằng Naôê không bao giờ muốn phải gánh vác một gia đình. Cô bắt mình tự chuyển đổi để trở thành một con người thật thích hợp với ý muốn của Naôê.
Cái gì thu hút cô, cô yêu cái gì ở Naôê? Nếu có đặt câu hỏi này ra thì Nôrikô cũng không thể nào trả lời được. Trong Naôê, cô yêu tất cả: cái tính lạnh lùng và lòng nhân hậu của anh - không phải một lòng nhân hậu ngây thơ và trừu tượng như ở Kôbasi, nhưng cũng không phải vụ lợi như ở bác sĩ trưởng; cô yêu ở Naôê một con người gồm có phần tốt và phần xấu, cũng như tất cả những con người bình thường ... Trong anh chỉ có một điều không bình thường: đó là nỗi buồn vô vọng, không thể cắt nghĩa được...
Căn buồng của Nôrikô không rộng: chỉ vừa trải tám chiếc tatami. Cô có cái may là được ở một mình, torng khi các cô khác đều hai người một phòng. Ngoài Nôrikô ra, trong chung cư chỉ có Akikô là nữ y tá. Các cô khác đều là tập sự, và còn rất ít tuổi. Nhưng Akikô chỉ ít lâu nữa sẽ đi nơi khác. Cô ta đã đính hôn với Kôbasi. Các nữ y tá khác thì hoặc ở với gia đình hoặc thuê những căn hộ riêng.
Nôrikô cũng đã từng nghĩ đến việc dọn đi ở nơi khác. Lúc bấy giờ cô sẽ có thể gặp Naôê một cách dễ dàng hơn, có thể mời anh về nhà, cho anh ăn những bữa cơi gia đình... Tòa nhà chung cư không bao giờ khóa, và không có ai kiểm soát lối ra vào; tuy vậy Nôrikô không bao giờ dám về khuya: cô thấy như vậy không hợp với mình là người lớn tuổi nhất trong các nữ nhân viên.
Có một lần Nôrikô nói chuyện với Naôê về những dự định thay đổi chỗ ở của cô. Đám lại anh chỉ nói vắn tắt: "Thế à?" - và không nói thêm một tiếng nào nữa. Rốt cục cô không thể hiểu anh tán thành hay phản đối. Vấp phải một thái độ thờ ơ như vậy. Nôrikô lại phân vân. Cô thấy hình như Naôê không muốn cho mình ở một căn hộ riêng. Tại sao thì không thể hiểu được. Tất cả những điều đó làm cho Nôrikô hoang mang: ở chung với những cô gái trẻ măng thì không hợp, nhưng vì thái độ của Naôê cô lại phải từ bỏ những ý định chuyển nhà.
...Tối qua cô thiếp đi vào lúc nào nhỉ? Nôrikô nhớ rằng lần cuối cùng cô nhìn lên đồng hồ là lúc hai giờ. Bây giờ là năm giờ rưỡi - vậy là cô ngủ được ba tiếng. Vả chăng đó không hẳn là một giấc ngủ mà là một trạng thái quên lãng nặng nề. Cứ mỗi cơn gió cô lại thức giấc.
Bốn ngày nữa là Tết. Một ngày lễ thường làm cho lòng người lắng xuống: vừa vui lại vừa buồn - thêm một năm nữa của cuộc đời đã trôi qua.
Khi Nôrikô đã qua tuổi hai mươi ba, cô thường buồn khi nghĩ đến mỗi năm đang trôi đi. Giá cái năm ấy được sống qua bên cạnh Naôê... Nhưng không, dù thế nào thì cũng vẫn buồn.
Ngoài cửa sổ trời đã sáng hẳn, Nôrikô tắt đèn. Cô nhìn ra cửa sổ, và những ý nghĩ lại trở về với Naôê.
Cô chợt muốn cảm thấy sức nặng của đôi tay anh! Dù anh ấy có lạnh lùng, thô lỗ nữa, dù anh ấy có làm khổ mình đi nữa cũng được, miễn sao được ở bên anh!
Từ ngày hai mươi chín tháng chạp là bắt đầu nghỉ. Cả thảy được năm ngày, cho đến mùng ba tháng giêng. Nôrikô định qua năm ngày đó ở Niigatta, trong ngôi nhà cô đã ra đời. Hơn nữa, vào những ngày này Naôê về thăm mẹ ở Sappôrô. Bà cụ ở đấy với gia đình của người con trai thứ. Ông con trai trưởng là Naôê được gia đình coi là hư hỏng: Naôê đã bỏ nhà của bố mẹ ra đi, trong khi lẽ ra người con cả, phải đảm đương tất cả những công việc lo toan của gia đình. Ông ta đã lên Tôkyô học rồi ở lại luôn đấy: đã không chịu cưới vợ, mà cũng không lo gì cho mẹ.
Ngày ba mươi mốt tháng chạp Nôrikô và Naôê cùng trực đêm. Làm việc vào ngày nghỉ chẳng phải là một niềm vui gì lớn, nhưng Nôrikô sung sướng vì tối hôm ấy cô được ở bên cạnh Naôê. Vả ại cô cũng được đền bù vì mãi đến mồng bảy tháng giêng mới phải đi làm. Sau ngày mồng một các chuyến xe lửa sẽ rộng chỗ hơn. Nói chung tết năm nay mọi việc khá thuận lợi cho cô.
Ngủ thì không muốn ngủ nữa, mà dậy thì hãy còn sớm. Từ bây giờ đến tám giờ còn có thể nằm nghĩ ngợi liên miên...
Nôrikô trở mình nằm lại cho thoải mái, rồi mở mắt ra. Mới lúc nãy chỉ có khung cửa sổ sáng lên thành một hình chữ nhật trắng, mà bây giờ khắp gian phòng đã tràn đầy ánh sáng. Từ dưới phố đưa lên tiếng lách cách của những chai lọ bằng thủy tinh, tiếng tít phanh của một chiếc xe đạp - những tiếng động quen thuộc của những người đi làm sớm nhất: những người đi đưa sữa tươi, người đưa thư.
Naôê bây giờ đang làm gì? Dĩ nhiên là đang ngủ. Nhưng - Những ngày gần đây trí tưởng tượng của Nôrikô bao giờ cũng hình dung bên cạnh Naôê đang ngủ có một người đàn bà. Vì vậy Nôrikô bắt đầu thấy chóng mặt, khó thở; cô không làm được một việc gì, mọi thứ chỉ chực tuột ra khỏi tay. Nôrikô tự mắng nhiếc mình, nhưng vẫn không sao thoát được những ý nghĩ đau xót ấy.
Dưới cửa sổ có thể nghe rõ những bước chân của người đưa thư. Cố sức xua đuổi những ám ảnh, Nôrikô chạy ra khỏi giường để đón lấy hơi lạnh của buổi sáng.
Một ngày mới đã bắt đầu - một ngày bình thường với những lo toan bình thường: đi thăm các phòng bệnh nhân, ghi vào nhật ký bệnh viện những chỉ thị của bác sĩ trực, phân phát thuốc uống, tiêm thuốc cho bệnh nhân, lấy máu đem đi phân tích.
Hôm nay không có một phẫu thuật nào được dự tính. Nôrikô đi qua các phòng bệnh nhân một lần nữa, trở về phòng y tá và bắt tay vào quấn tăm-bông.
Bà y tá trưởng đang ngồi giở các bệnh án. Chọn ra mấy tập, bà đột nhiên gọi Nôrikô.
- Simura-san! Tôi muốn nói chuyện với cô một chút. Có lẽ ta sang phòng áo nhé?
"Bà ấy muốn gì thế nhỉ?" Lòng không khỏi băn khoăn, Nôrikô ra hành lang theo bà y tá trưởng.
Phòng mắc áo đặt ở tầng ba, bên cạnh kho dụng cụ. Dọc trường có đặt tủ áo, đối diện là một cái đi-văng và một tấm kính lớn, tre6m mấy cái móc có treo những đôi bít-tất trắng, những sợi thắt lưng áo blouse.
Bà y tá trưởng vào phòng trước. Sau khi đã biết chắc là trong phòng không có ai, bà khóa trái cửa lại. Đôi khiSêkiguchi cũng cho thấy rõ cái tài năng khác lỗi lạc của mộ tngười tổ chức âm mưu.
- Tôi xin nghe chi, - Nôrikô nói sau khi ngồi xuống cạnh bà y tá trưởng.
- Tôi muốn hỏi cô chuyện này. - Sêkiguchi đặt mấy tập bệnh án lên đùi, rồi giở tập có đề Yôsiđzyô Isikura. - Bệnh nhân Isikura được chỉ định tiêm ma túy phải không?
- Vâng ạ.
- Thế.. Bệnh nhân kêu đau dữ dội ở vùng thắt lưng... Tiêu bản nhóm "A". Cái này thì được rồi. - Bà y tá trưởng đặt tập bệnh án như thế nào cho Nôrikô cũng đọc được - Tuần này đã tiêm cho cụ hai lần: hôm qua và hôm thứ hai, tức cách một ngày tiêm một lần. Cụ Isikura đau dữ dội đến thế kia à?
- Nhất là ban đêm.
- Cái đó thì tôi biết. Nhưng tại sao lại phải ma túy mới được? Chẳng nhẽ không dùng được những thứ thuốc giảm đau thông thường hay sao? - Bà ta giở qua mấy trang. - Đây, hôm kia chẳng hạn có cho thuốc nobulon, còn trước kia thì cho unitamin: như thế nghĩa là vẫn có thể không dùng đến ma túy? Nhưng vì một lý do nào đấy trong phiên trực của cô lần nào cũng cho ma túy.
Nôrikô đã đóan được bà y tá trưởng ám chỉ cái gì.
- Bao giờ cũng và phiên trực của cô, - Sêkiguchi nói tiếp, - và bao giờ cũng theo chỉ thị của bác sĩ Naôê.
- Nhưng chị muốn nói gì với tôi?
- Nói chung thì không có gì. .. Chẳng qua tôi nghĩ, không biết cho ma túy như thế có nhiều quá chăng?
- Tôi không được biết việc đó. Chị hỏi bác sĩ Naôê thì hơn.
- Dĩ nhiên, dĩ nhiên. Cô hòan tòan đúng. Chẳng qua tôi muốn nói trước với cô thế thôi.
Lẽ đương nhiên là Nôrikô nhớ rằng trong những buổi trực đêm với Naôê đã nhiều lần phải ghi vào nhật ký trực những mũi tiêm ma túy. Theo chỉ thị của Naôê thì ban ngày những liều thuốc này do cô tiêm, nhưng vào buổi tối hay ban đêm, hòan tòan không hiểu tại sao, Naôê nói rằng ông sẽ tự tay mình tiêm lấy. Điều đó hoàn toàn không thể hiểu được, vì xưa nay ông vẫn tránh quan hệ tiêng tư với bệnh nhân.
Lần đầu tiên Nôrikô lưu ý đến việc này là cách đây khỏang hai tháng. Khi nghe nói phải tiêm cô toan chạy đi, nhưng Naôê ngăn cô lại: "Ma túy phải do chính bác sĩ tiêm." Tuy vậy Nôrikô vẫn cứ đi theo, vì Naôê đã nói một cách thô lổ: "Sao, tôi không có quyền tiêm à? Không việc gì phải theo tôi sát nút như vậy".
Cách đây không lâu, Nôrikô chợt có một ý nghĩ khủng khiếp: hay là Naôê lấy ma túy tiêm cho mình - những liều ma túy mà ông kê cho bệnh nhân? Cái ống thuốc mà cô đã tìm thấy trong phòng ông xác nhận sự phỏng đoán này: nếu không, tại sao chỉ cảm lạnh thường mà phải dùng đến những phương thuốc mạnh như vậy? Có lẽ ngay cả ống thuôc; ấy, Naôê cũng lấy ở bệnh viện chăng?
- Đây cô xem, với bệnh nhân này cũng thấy kê tiêm ma túy. - Bà y tá trưởng giở một tập bệnh án khác ra: Kôkichi Uênô. - Quả có ít hơn Isikura, nhưng vẫn lại do Naôê chỉ định.
Nôrikô sực nhớ rằng với Uênô, Naôê cũng tự tay đến tiêm trong khi trực đêm.
- Tôi đã hỏi bác sĩ Kôbasi. Ông ta nói rằng bệnh nhân này không mấy khi kêu đau.
"Phải chăng câu chuyện này đã bắt đầu từ Kôbasi? Nếu vậy thì gay lắm. Khó lòng có thể đánh lạc hướng Sêkiguchi."
Nôrikô cảm thấy một vòng vây đang khép lại xugn quanh Naôê.
- Tại sao bác sĩ Naôê thích chỉ định tiêm ma túy như vậy? - Sêkiguchi hỏi thẳng vào mặt Nôrikô. Đôi mắt hạt chanh soi mói của bà chăm chú theo dõi cô.
"Bà ta đã đánh hơi được cái gì hay chỉ giả vờ như thế? - Nôrikô cố hết sức hiểu cho ra. - Chỉ cần một lời lẽ thiếu thận trọgn là Naôê sẽ bị hại."
- Chị thấy có sự vi phạm ở chổ nào?
- Gần đây, ủy ban có truyền đạt cho tôi lời nhận xét của họ. Ở bệnh viện ta sử dụng quá nhiều các phương thuốc ma túy. Vì vậy tôi quyết định tự mình theo dõi việc sử dụng các phương thuốc đó.
"Ra thế đấy! phải báo ngay cho Naôê biết!"
- Còn tôi muốn nói chuyện với cô là để thấy rõ thêm tình hình, - Sêkiguchi nói thêm.
- Tôi không biết gì cả...
Dĩ nhiên Nôrikô không nói thật. Cô đã nhận thấy khoảng hai tháng trở về đây Naôê hay chỉ định cho tiêm ma túy, và cũng đã hơi nghi rằng bản thân ông bắt đầu nghiện. Tuy không thể nói rằng ông đã trở thành một người nghiện hoàn toàn: suốt những buổi tối dài đằng đẳng cùng trực với nhau, Nôrikô chưa có lần nào nhận thấy có gì khả nghi. Nhưng đó là một niềm an ủi quá vô nghĩa.
- Có thể sinh ra những chuyện rầy ra gì không? - Cô hỏi bà y tá trưởng.
- Hiện nay thì đang yên ổn cả. Nhưng phải cố gắng dùng thật ít. Vì như cụ Isikura chẳng hạn, yếu đến thế mà dùng nhiều ma túy thì cầm chắc cái chết.
Chính Nôrikô cũng nghĩ như vậy. Vậy ra Sêkiguchi không hề ngờ những liều ma túy ấy biến đi đâu?
- Dù sao, - bà y tá trưởng kết thúc câu chuyện, - tôi cũng mong cô lưu ý đến việc này.
- Được ạ...
- Còn một điều này nữa. Cô hãy giữ kín về chuyện này, chớ kể cho ai nghe.
- Dĩ nhiên, - Nôrikô gật đầu.
Bà y tá trưởng ném vào Nôrikô một cái nhìn soi mói và ra khỏi phòng.
Nôrikô đi xuống tần dưới với hy vọng tìm được Naôê trong phòng ngọai trú hay phòng điều hành. Thường thường buổi chiều số bệnh nhân đến khám không đông, chỉ cần một bác sĩ tiếp họ, và thời gian gần đây, đó thường là Kôbasi.
Nôrikô ghé mắt vào phòng điều hành. Naôê không có ở đấy. Thế thì ông đang ở phòng ngoại trú chăng? Nôrikô liền đến đấy.
Nói chuyện riêng với Naôê trogn bệnh viện không phải là việc đơn giản. Cứ mỗi lần như thế đều phải tìm ra một cái cớ. Cái cớ mà Nôrikô viện ra lúc này là có một bệnh nhân mới nhập viện đang kêu đau đầu.
Quả nhiên Naôê đang ở phòng khám ngoại trú. Ông đang ngồi gác đôi chân dài lên cái ghế đẩu dành cho bệnh nhân, và đang đọc sách. Akikô Hakanisi lơ đãng nhìn ra cửa sổ, tay chải món tóc dài. Rõ ràng là không có việc làm.
Khi Nôrikô bước vào ngưỡng cửa, Naôê ngừng đọc sách ngước mặt lên nhìn cô.
- Kawasaki ở phòng bốn lẽ ba kêu la đau đầu quá. - Nôrikô nói.
- Thế... - Naôê nghĩ một giây rồi hỏi thêm: - Có sốt không?
- Nhiệt độ bình thường.
- Cho sáu viên ôpairin, và cho chụp X-quanh vùng thắt lưng. Đến mai có phim tôi sẽ xem.
- Sáu viên ôpairin ạ? - Nôrikô lấy một tờ đơn thuốc ở trên bàn, ghi tên thuốc và liều lượng. Thật ra không cần ghi cũng được, nhưng cô cần nhân một lúc nào đấy hỏi Naôê xem tối nay ông có rỗi không.
Akikô Hakanisi quay ra cửa sổ và làm ra vẻ như câu chuyện giữa Naôê và Nôrikô hoàn toàn không có gì là thú vị đối với cô.
Ở ma9.t trái đơn thuốc Nôrikô viết: "Tối nay có thể gặp được không?" - và đẩy tờ giấy về phía Naôê. Naôê liếc qua rất nhanh, vò tờ giấy lại và ném và sọt.
- Không, - ông nói.
Akikô quay lại và tò mò nhìn hai người.
Không còn có dịp nào nói chuyện với Naôê nữa, Nôrikô đành trở lại đề tài trước đó.
- Vậy em đi đưa thuốc nhé, - cô nói đoạn đi ra cửa.
Cô chưa kịp cầm lấy quả đấm cửa thì có tiếng cười the thé, cánh cửa vụt mở ra, và bà Ritsukô lao vào phòng. Chạm trán với Nôrikô, bà ta hơi sững lại, nhưng lập tức tự chủ được ngay.
- Xong rồi bác sĩ ạ! - Bà vừa cười vừa thông báo, theo sau bà là Sawađa cầm mấy tấm phim mới rửa hãy còn ướt.
- Tôi ngượng quá! - Ritsukô cúi mặt xuống một cách rất kịch.- Bây giờ thì bác sĩ nhìn thấu ruột gan của tôi như người ta thường nói.
Sawađa vẫy vẫy mấy tấm phim cho ráo nước và đính nó vào tấm kính sáng. Mọi người xúm lại xem.
- Thế nào? Bác sĩ thấy thế nào? - Ritsukô liếng thoắng. Bà cúi người trên tấm kính, má gần như áp vào Naôê.
Nôrikô thấy mặt nóng bừng lên. Cô muốn tống cổ cái bà này ra khỏi phòng quá!
Naôê chăm chú xem xét mấy tấm phim.
Hai bên khung chậu đều có những vệt gì trắng trắng trông rất lại mắt.
- Những vệt ấy là thế nào? - Ritsukô sợ hãi kêu lên.
- Móc cooc-xê. Bà quên cởi cooc-xê khi chụp.
- Ôi-ôi-ôi! Tôi đã nói mà: bây giờ thì ông biết hết bí mật của tôi rồi! - Ritsukô vui vẻ cười hô hố. - Thế sao hở bác sĩ? Tôi bị bệnh gì?
"Hôm nay bà ta đĩ quá, - Nôrikô thầm nghĩ. - Sao lại có cái giọng ấy nhỉ? Lạ thật. Hôm qua đã xảy ra chuyện gì chăng?" - Tim Nôrikô thắt lại đau buốt. Cô liếc mắt nhìn Naôê, nhưng gương mặt ông vẫn lạnh lùng như thường lệ.
- Bà hoàn toàn khỏe mạnh, - ông nói.
- Thật không?
- Tối ưu!
- Tôi mừng quá! - Như đứa con nít, Ritsukô vỗ hai lòng bàn tay lên ngực một cách nghịch ngợm và đưa mắt nhìn quanh một cách đắc thắng.
- Với một cột xương sống như cu/a bà thì tha hồ mà sống. - Naôê vẫn nhìn mấy tấm phim không rời mắt.
Đột nhiên Nôrikô nhớ lại những chiếc phong bì lớn đựng trong tủ ở nhà Naôê.
Mấy ngày qua.
Nhiệt độ cụ Yôsiđzô Isikura lại tăng. Họng không đau, không có chứng sổ mũi, cho nên tình trạng sốt chỉ có thể có một ý nghĩa duy nhất: bệnh đã bước vào giai đoạn cuối cùng.
Trong lần đi thăm bệnh nhân vào buổi sáng, Nôrikô đưa mắt chỉ tờ ghi nhiệt độ, nói khẽ:
- Lại sốt.
Naôê im lặng nhìn tờ giấy, rời giường bệnh nhân đứng dậy và quay về phía người con dâu:
- Sao, lại sốt à?
- Vâng. Cụ tôi rên suốt đêm. Bác sĩ trực có đến tiêm hai lần.
Mặt cụ Isikura đỏ bừng, hơi thở không đều, trong ngực có tiếng khò khè và lục bục như trong bệnh viêm phổi.
- Cụ mệt lắm phải không? - Naôê hỏi một cách dịu dàng. - Phải chịu khó một chút.
Cụ Isikura khẽ nhúc nhích.
- Tiêm mêtilon và co ôxy, - Naôê ra lệnh cho Nôrikô và lại cúi mình trên giường bệnh: - Cố chịu đựng một chút nữa, sẽ đỡ ngay.
Quả nhiên một lát sau nhiệt độ giảm, và cụ Isikura bắt đầu thiêm thiếp ngủ. Nhưng sự thuyên giảm chỉ là nhất thời, và đến chiều cột thủy ngân lại lên ngang nấc "ba mươi tám".
Nôrikô tìm thấy Naôê trong phòng điều hành - ông đang nghỉ sau một phẩu thuật, chiếc blouse mặc khi mổ cũng chưa kịp cởi. Nôrikô báo cho ông biết là cụ Isikura lại sốt.
- Dễ hiểu. - Naôê đưa mắt nhìn theo làn khói thuốc lá đang tan dần trong không khí. - Hơi thở thế nào?
- Thở hơi gấp.
Naôê nói rất khẽ, như thể tự nói thì thầm với mình:
- Xong... Thế là hết.
- Không thể làm gì được nữa ạ?
- Có thể sẽ kéo được hai ba ngày nữa.
- Thế thì vừa đúng ngày tết...
- Phải, đúng thế... - Naôê thở ra một hơi khói. - Tiêm thêm cho ông cụ một ống mêtilon.
- À, anh ạ...
- Cái gì?
- Không ạ, không có gì.
Nôrikô định nói đến cuộc nói chuyện hôm qua với bà y tá trưởng, nhưng rồi nghĩ sao lại thôi. Cô không đủ can đảm. Cô im lặng ra khỏi phòng điều hành, đi chuẩn bị tiêm thuốc mêtilon như Naôê đã ra lệnh.
Đến đêm nhiệt độ của cụ Isikura lên đến bốn mươi, cụ bắt đầu ngạt thở.
Bác sĩ trực hôm ấy là Kôbasi. Sau khi đi thăm qua các phòng bệnh nhân, anh gọi người con trai của cụ Isikura ra ngoài và nói rằng ông cụ bắt đầu có chứng phù phổi và tình hình rất nguy kịch. Cần phải báo cho những người thân biết.
Nôrikô đổi phiên với Kawai và ở lại trực.
Đến tảng sáng cụ Isikura bắt đầu hôn mê: họ tiếp tục tiêm cho cụ, đặt bình tiếp huyết thanh, nhưng đến tám giờ sáng cụ tắt nghỉ một cách êm lặng. Ông cụ chỉ đau đớn khoảng hai ba mươi phút, rồi sau đó dường như thiếp dần đi và chết mà không cảm biết những phút cuối cùng của mình.
Naôê đến bệnh viện sau mười giờ như thường lệ. Ông được bà y tá trưởng báo cho biết cụ Isikura đã mất.
- Tôi đã cho rửa ráy thi hài và đưa xuống nhà xác. Trong mấy ngày tết lò thiêu không làm việc, cho nên lễ vĩnh biết với người quá cố sẽ tiến hành hôm nay. Ngày mai sẽ làm lể an táng - hình như vào lúc chín giờ sáng.
Naôê thản nhiên nghe Sêkiguchi nói, rồi cầm lấy tập bệnh án của bệnh nhân Yôsiđzô Isikura, mở nó ra và ở mục "biến diễn bệnh" ông viết bằng bút dạ đỏ: "Đã chết".
Ngày 31 tháng mười hai tuyết rơi từ sáng sớm, rồi đến trưa trời ấm lên và bắt đầu đổ mưa.
Ở phòng ngoại trú hôm nay không khám bệnh, nhưng xe cấp cứu có chở đến năm người. Ba bệnh nhân bị cảm lạnh, bệnh nhân thứ tư bị thương trong một tai nạn giao thông - người này bị giập đầu gối, còn người thứ năm bị bong gân nhẹ. Nói chung không có gì nghiêm trọng. Họ đều khám, được tiêm những thuốc cần thiết, được chỉ định cách điều trị và cho về nhà.
Đến tám giờ tối khi bắt đầu buổi đi thăm các bệnh nhân, trời tạnh mưa và quang hẳn mây, trăng sáng. Tôkyô ở giữa một vùng khí áp cao, những khối không khí từ lục địa tràn ra thành những đợt gió lạnh làm cho nhiệt độ trên thành phố hạ xuống.
Bệnh viện rất vắng: đa số bệnh nhân đều về nhà ăn Tết với gia đình, chỉ còn lại độ một phần ba.
Tết giao thừa, bệnh nhân tụ tập thành những nhóm nhỏ trong các phòng nằm ăn sôba và các món ăn ngày tết.
Đến chín giờ tối Nôrikô đi tắt các đèn trong bệnh viện. Nhiều phòng bệnh nhân không có lấy một bóng người. Trong căn phòng của cụ Isikura trước đây cũng tối om. Trong ngực Nôrikô có một cảm giác ớn lạnh khi cô ghé nhìn vào khung cửa hé mở của căn phòng này.
Ánh trăng chiếu lên cái giường của cụ Isikura nằm trước đâu. Tử thi đã đưa xuống nhà xác, chăn trải giường đã tháo hết, và trên cái đệm trần đây đó hay còn lại những chỗ lồi lõm.
Nôrikô vội vã đi qua thật nhanh, gần như chạy, quanh xuống cầu thang đến tầng thứ ba, và bước vào phòng y tá. Trong phòng điều hành có ánh đèn - như vậy tức là Naôê vẫn còn ở đấy. Cô rất mừng vì có thể yên tâm đến gặp anh. Huống hồ cô y tá trực hôm nay là Unô, một cô gái hơi khờ khạo, và nếu nói với cô ta rằng mình cần gặp bác sĩ có việc cần thì cô ta sẽ không nghi ngờ gì.
Trước cửa phòng, Nôrikô phân vân đứng lại, rồi lấy hết can đảm, cô gõ cửa khe khẽ.
- Mời vào.
Nôrikô thở phào nhẹ nhõm: "May quá, giọng của Naôê".
Cô bước vào phòng điều hành và đóng cửa lại cẩn thận.
- Em vừa đi tắt hết đèn ở các phòng bệnh nhân.
- Tốt.
Naôê đặt cuốn sách xuống, thọc tay vào túi lấy ra một bao thuốc lá.
- Anh uống trà nhé?
- Cám ơn. Không cần.
Trên chiếc bàn trước mặt Nao6ê có một chai sakê đặt cạnh một cái ly đã uống cạn một nửa.
- Lúc đi ngang căn phòng cụ Isurika nằm trước đây, em thấy rợn quá...
Naôê châm thuốc lá hút, vươn vai rồi nhìn Nôrikô nói.
- Em ngồi xuống cạnh anh đi.
- Sao ạ? - Nôrikô không dám tin ở tai mình nữa. Ở bệnh viện đây là lần đầu có nghe Naôê nói với mình như vậy.
Naôê dẹp mấy tờ báo lại để lấy chỗ cho Nôrikô ngồi. Nôrikô hối hả đi rửa cái gạt tàn và lau bàn xong rồi mới ngồi xuống cạnh Naôê.
- Em uống sakê nhé? - Naôê hỏi.
- Không, em đang làm việc...
- Thôi, hôm nay là ngày lễ. Năm hết tết đến rồi.
Naôê đưa ly rượu của mình đang uống cho Nôrikô. Nôrikô nhấp môi một chút rồi đặt lại trên bàn.
- Mai anh đi Sappôrô ạ?
- Ừ.
- Thế bao giờ anh về?
- Sẽ ở đấy hai ba ngày.
- Chỉ thế thôi à? - Norikô quyết định ngay lập tức là nếu vậy tôi sẽ rời Niigata về đây sớm hơn.
- Sappôrô chắc bây giờ tuyết phủa trắng xóa...
Naôê im lặng cầm ly lên uống.
Nôrikô tưởng tượng anh đang bước trên những đường phố phủ tuyết của thành phố Sappôrô.
- Chúng mình cùng đi!- Đột nhiên Naôê đề nghị.
- Hả? - Nôrikô bàng hoàng cả người: lời đề nghị này đối với cô quá bất ngờ.
- Em có muốn đi Sappôrô, đến đảo Hôkkaiđô không? - Anh... nói thật đấy chứ? - Nôrikô sửng sốt nhìn Naôê. - Anh muốn em cùng đi với anh ư?
- Nhưng bây giờ ở đấy lạnh lắm.
"Có sao đâu. Dù tuyết rơi, dù băng igá cũng mặc, miễn là được ở bên cạnh anh!" - Nôrikô nghĩ thầm.
- Nhưng em định mai đi Niigata kia mà?
- Em không đi nữa cũng được.
- Mẹ em đợi em ở quê phải không?
- Em sẽ gặp mẹ em lúc khác: lúc nào mà chả được.
Naôê lại uống một ngụm sakê.
Nôrikô lấy làm lạ về những lời lẽ vừa rồi của mình. "Em gặp mẹ em lúc nào mà chả được"... Làm như thể mình sẽ không bao giờ còn gặp lại Naôê nữa.
- Vậy thì mai chúng ta đi.
- Mai ư? - Nôrikô lại ngạc nhiên.
"Cái gì thế này? Một ý thích thoáng qua trong chốc lát chăng? Dù sao cũng không thể nào bỏ lỡ một cơ hội như vậy được!"
- Thế còn... Anh cũng về thăm mẹ kia mà?
- Anh sẽ ở khách sạn.
- Sao lại thế? Anh có nhà ở Sappôrô...
- Anh sẽ ở nhà với mẹ một ngày thôi.
- Em không làm phiền anh chứ?
- Không. Chỉ có điều là trong khi anh về nhà thăm mẹ, em ở lại khách sạn.
Nôrikô chưa bao giờ đến Hôkkaiđô và chưa bao giờ được đi cùng với Naôê. Niềm vui bất ngờ làm cho cô đỏ bừng mặt lên.
- Mấy giờ ta sẽ đi?
- Máy bay cất cánh lúc ba giờ. Vé của em anh sẽ gọi điện đặt ngay hôm nay.
- Thế còn phòng khách sạn?
- Gần tết chắc khách vãng lai cũng nhiều, nhưng không sao, đấy không phải là một thành phố nhỏ, thế nào cũng còn.
Nôrikô vẫn chưa dám tin vào hạnh phúc của mình.
- Anh cho em đi thật đấy à?
- Thì tôi đã nói rồi.
- Em mừng quá...
Nôrikô nhìn ra cửa sổ. Cô có cảm giác hạnh phúc đang chạy đến đón mình. Chỉ cần lắng tai một chút là có thể nghe thấy tiếng bước của nó đang lại gần. Cô không dám động đậy, sợ làm cho nó kinh động, cô sợ phải nghe một câu gì như: " Không phải, cô hiểu lầm tôi rồi..."
- Em nghĩ gì thế?
- À không... có gì đâu... - Nôrikô cười và nép vào vai Naôê.
- Đừng quên mang măng-tô nhé.
- Thế còn ủng?
- Không nhất thiết, đi bốt-tin cũng được.
Nôrikô có mỗi một chiếc áo măng-tô mỏng, chỉ thích hợp với khí hậu ở Tôkyô. Bốt-tin thì có thể mua ở Sappôrô cũng được. Cái va-li nhỏ quả hơi sờn, nhưng cũng không sao. Đáng tiếc là rốt cục cô vẫn không may bộ đồ mà cô mơ ước từ lâu. Cô định về Niigata thăm mẹ, mà về đấy thì chẳng phải diện làm gì. Nhưng Hôkkaiđô là dĩ nhiên là chuyện khác... Đáng tiếc là cô không biết trước, chứ không thì đã có thì giờ chuẩn bị cho chu đáo. Bây giờ thì dĩ nhiên là không còn kịp chuẩn bị gì nữa... Anh ấy không nói sớm hơn thì cũng đành vậy. Anh ấy xưa nay vẫn thế. Rất có thể là cái ý mời mình nẩy ra ngay lúc ấy, thế là anh mời luôn.
- Chắc ở Sappôrô mùa đông đẹp lắm nhỉ? Nhà cửa đường sá, mọi vật đều phủ tuyết...
Nôrikô hình dung những dãy phố nhỏ yên tĩnh, những bông tuyết quay cuồng trên không; những nếp nhà, những hàng cây, những vỉa hè, những mặt đường, tất cả đều trắng xóa. Và hai người sẽ sánh vai nhau đi... Xung quanh là sự tĩnh mịch và là màu trắng lấp lánh. Nôrikô thấy chóng mặt vì hạnh phúc.
- Thế là năm đã sắp hết... - Naôê nói khe khẽ và uống nốt ly sakê.
- Kể cũng lạ...
Đâu đây có tiếng hát vọng lại. Chắc các bệnh nhân đang xem chương trình Tết trên ti-vi.
- Phải, một năm đang kết thúc... cũng như mọi sự trên thế gian đều có lúc kết thúc...
Hai tiếng sau cùng Naôê nói vơi một giọng đặc biết gay gắt. Nôrikô sợ hãi ngẩng mặt lêng.
Trong đôi mắt Naôê thoáng hiện một nụ cười. Nôrikô chưa bao giờ được trông thấy ở Naôê một nụ cười hiền dịu như vậy. Vừa ấy yếm nhìn nụ cười của Naôê, Nôrikô vừa đứng dậy.
- Thôi em đi nhé? Đem trái cây đến nhé?
- Không cần. Anh nằm ngủ một chút.
- Chúc anh ngủ ngon.
Ngày mồng một tháng giêng trời rất đẹp. Trên các đường phố tấp nập những đám người qua lại. Những người phụ nữ mặc kimômô lễ phục. Ai nấy đều rảo bước đến các đền thờ. Mọi vật đầu thắm đượm cái không khí tưng bừng của ngày hội.
Ngày thường trong bệnh viện Oriental nhân viên làm việc thành hai ca, nhưng vào ngày lễ thì theo đề nghị của các y tá, họ chỉ làm một ca; tuy phải làm việc lâu, nhưng công việc lại ít, và sau đó có thể nghỉ lâu hơn.
Những người phải trực vào ngày mùng một là Kôbasi và hai nữ y ta - Takaghi và Hakanisi.
Sau khi giao ban, Nôrikô đã toan về nhà thì Kôbasi chạy đến gặp cô.
- Naôê tiên sinh đây? - Anh hỏi, giọng xúc động.
- Chắc đang ở trong phòng của tiên sinh. Hôm nay tôi chưa gặp tiên sinh.
- Ông ấy dậy chưa?
- Tôi không biết, tiên sinh thường dậy muộn.
- Tiên sinh sắp đi nghỉ phải không?
- Hình như thế.
- Vậy thì làm thế nào đây?!
- Có việc gì thế?
- Đã ba ngày tôi không đến bệnh viện; hôm nay vừa đến thì đây, cô xem, tôi nhận được cái này...
- Cái gì thế?
- Một bức thư. Người ta khước từ việc thanh toán tiền tiếp máu cho Uênô.
- Kôkichi Uênô? Bệnh nhân bị thiếu máu ấy à?
- Vâng! Mà bà vợ già cũng không làm việc được...
- Họ khước từ kể từ sang năm ạ? - Nôrikô hỏi.
- Mà hôm nay chính là ngày bắt đầu cái "sang năm" ấy đây.
- Nhưng chúng tôi tiếp máu rồi. Lúc sáng sớm.
- Họ không chịu chi trợ cấp. Họ bảo là bệnh nhân phải trả lấy.
- Trả lấy là thế nào? Hai ông bà già làm gì có tiền?
- Dĩ nhiên. Làm sao họ có thể trả gần một trăm ngày yên mỗi tháng? - Kôbasi giận dữ khua khua cái phong bì.
- Tại sao bỗng dưng họ lại khước từ?
- Tôi cũng chịu!
- Có thể là một sự nhầm lẫn gì đây chăng?
- Nhầm gì mà nhầm... mọi sự đều trình bày rất rõ trong thư. Nôrikô đọc qua bức thư. Đúng thật: "...cho nên chúng tôi đề nghị kể từ ngày đầu năm chấm dứt việc truyền máu cho bệnh nhân Kôkichi Uênô".
- Họ bảo là họ không đủ phương tiện.
- Phương tiện gì thế không biết? - Nôrikô cũng phẫn. - Không truyền máu thì ông cụ chết ngay!
- Vấn đề chính là ở chỗ ấy...
- Vậy bây giờ làm thế nào?
- Tôi không biết. Tôi khôgn hiểu mấy thằng cha công chức ấy nghĩ gì.
- Phải hỏi lại cho thật chính xác.
- Nhưng hôm nay là mồng một tháng giêng rồi còn gì?
- Ôi, hôm nay dĩ nhiên là chẳng có ai làm việc.
- Đành phải đợi đến mồng bốn, - Kôbasi nói.
- Thế từ đây đến đấy thì làm gì?
- Tiếp tục truyền máu. Chính tôi sẽ trả tiền. - Kôbasi kiêu hãnh ưỡn ngực ra.
Tính cách trẻ trung và cương trực của Kôbasi không hiểu sao làm cho Nôrikô có một cảm giác bực bội âm ỉ.
- Có lẽ nên hỏi ý kiến bác sĩ Naôê - Cô đề nghị.
- Dĩ nhiên là phải hỏi chứ... - Hình như Kôbasi muốn nhờ Nôrikô đánh thức Naôê.
- Tôi chắc tiên sinh đã dậy rồi. Có thể gọi điện.
- Tôi sẽ gọi thử, - Kôbasi đáp.
Nôrikô chạy xuống cầu thang.
Chừng mười phút sau Naôê bước vào phòng y tá. Ông mặc săng-đai và vét-tông; mái tóc rối bù, gương mặt thiếu ngủ. Có thể thấy rằng ông nằm mãi không ngủ được, tuy tối qua ông đi ngủ sớm, vào khoảng mười giờ.
- Xin chúc năm mới, - Kôbasi, Akikô và Hubanisi nói.
Naôê đáp lại lời chúc tết: hình như đến bây giờ ông ta mới nhận ra rằng năm mới đã đến. Chắc hẳn đối với ông cũng thế thôi: năm mới thì mới nhưng công việc thì cũ.
- Xin lỗi tiên sinh vì đã phải đánh thức...
- Không sao, đằng nào thì cũng đã đến lúc phải dậy.
- Tiên sinh sắp đi Hôkkaiđô ạ?
- Vâng. - Naôê gật đầu và thọc tay vào túi lấy thuốc lá. - Anh có việc gì cần nói với tôi phải không?
- Vâng. Có một việc... Đây, có bức thư này vừa nhận được.
- Naôê mở bức thư ra và bắt đầu đọc. Dưới ánh nắng từ cửa sổ chiếu vào, những ngón tay dài và mảnh của ông trông như trong suốt.