Hôm sau Naôê lại đến muộn: quá mười giờ mới thấy ông vào bệnh viện. Thời gian gần đây ông luôn luôn đến chậm, chỉ có một hai lần là đến trước mười giờ.
Tình hình này không làm cho các nữ y tá hài lòng chút nào, buổi đi thăm các phòng bệnh nhân bị chậm lại, rất nhiều việc phải hõan sang buổi chiều. Hơn nữa trong khi Naôê vắng mặt Kôbasi rất vất vả bao nhiêu công việc đều trút lên vai anh hết.
Đã mấy lần các nữ y tá thử nói chuyện với Naôê, nhưng ông chỉ gật đầu đồng ý, và mọi việc vẫn y như cũ. Rồi càng về sau ông càng đến muộn hơn. Khiếu nại với bác sĩ trưởng chăng? Dù có làm như vậy cũng không ăn thua gì. Bác sĩ trưởng thường xuyên đọc nhật ký của bệnh viện và không thể không biết Naôê thường đến bệnh viện lúc mấy giờ, nhưng hình như ông làm ngơ trước sự chậm trễ của Naôê, và Naôê vẫn tiếp tục đến muộn.
Mỗi lần đến bệnh viện, Naôê hối hả mặc áo blouse chạy xuống phòng khám tiếp các bệnh nhân đã đợi ông hàng giờ, mà cũng chẳng buồn hỏi các nữ y tá xem tình hình ở cách phòng bệnh nhân ra sao; ông không còn thì giờ đâu để làm việc ấy nữa.
Khi được Kôbasi và Akikô thông báo về sự cố đêm qua, bà y tá trưởng ngay từ sáng sớm đã sốt ruột muốn nói chuyện này với Naôê. Nhưng bệnh nhân quá đông nên mãi sau giờ nghỉ trưa ông mới khám xong. Mà nói chuyện này trước mặt các bệnh nhân thì quá bất tiện... Sêkiguchi đành kiên nhẫn đợi.
Sau giờ nghỉ trưa, đợi khi Naôê, vẫn thong thả như thường lệ, bước vào phòng y tá, Sêkiguchi mới trút hết bầu tâm sự, kết thúc phiên độc thọai của mình bằng một câu hỏi thốt thiết:
- Biết làm thế nào bây giờ ?
- Thật đấy, biết làm thế nào bây giờ ? - Naôê lặp lại câu hỏi của bà ta.
- Chẳng lẽ lại cho qua một chuyện bê bối như vậy sao?
- Chẳng lẽ không cho qua được sao? - Naôê ngáp dài một cách cố ý và với tay lấy mấy tờ ghi nhiệt độ.
- Tiên sinh!
- Có việc gì thế?
- Xin tiên sinh nghe kỹ tôi nói.
- Tôi nghe rồi.
- Cô ta đã đưa một người đàn ông vào phòng. Ban đêm! Họ làm gì ở trong ấy?! Tiên sinh thử tưởng tượng xem cái gì sẽ xảy ra nếu các bệnh nhân biết được việc này?!
- Họ không biết đâu, - Naôê cười nhạt.
- Nhưng... - Bà y tá trưởng nhìn ông với một nỗi công phẫn thầm lặng. - Xét cho cùng thì vấn đề cũng chẳng phải ở sự việc vừa qua. Nhưng không biết cô ta còn bày những trò gì nếu ta không trừng trị cô ta lần này.
- Tôi xin dành cho bà cái quyền răn bảo cô ta.
- Không được ạ. Chính tiên sinh phải nói với cô ta. Ngòai ra tôi muốn biết ý kiến tiên sinh, ý kiến của bác sĩ điều trị: chỉ cần quở trách cô ta thôi hay cần thi hành những biện pháp nghiêm khắc hơn?
- Vấn đề này tôi không có ý kiến.
- "Không có ý kiến" là thế nào ạ? - Sêkiguchi ngơ ngác.
- Không có nghĩa la không có. - Nói xong Naôê lại chúi mũi vào các giấy tờ.
- Nói một cách khác, tiên sinh cho rằng không nên làm gì hết phải không ạ?
- Phải.
Đôi mắt nhỏ, có một màn lưới đường nhăn li ti bao quanh, quắc lên. Bà y tá trưởng giương vuốt:
- À, nếu tiên sinh giữ một lập trường... độc đáo như vậy thì tôi đành phải thưa với bác sĩ trưởng.
Naôê im lặng.
- Bác sĩ Kôbasi, người trực đêm qua, hết sức công phẫn... Tiên sinh cho phép tôi thưa chuyện với bác sĩ trưởng chứ?
- Mời bà.
Bà y tá trưởng kinh ngạc trước thái đội thờ ơ của Naôê. Thậm chí bà còn nghẹn ngào không nói được nữa. Mãi một lúc sau bà mới mở miệng:
- Thôi vậy. Nói chung ... những nguyên tắc của bệnh viện ta không cho phép...
- Bà sao thế, không có việc gì làm à ?- Naôê ngắt lời bà.
- Sao ? Tôi ... tôi mà không có việc gì làm ??
Nghe tiếng hét the thé của Sêkiguchi mấy cô y tá bỏ việc chạy lại. Cái cổ gầy guộc của bà y tá trưởng đỏ tía lên.
- Ông sẽ chị trách nhiệm về hành vi của cái con mẹ trơ trẽn ấy! - Sêkiguchi chĩa ngón tay vào Naôê.
Naôê im lặng.
- Các ngài cứ khen mãi, nào là "nữ nghệ sĩ ưu tú" "nào là cô bé đáng yêu"... Thì đấy, các ngài xem nó "đáng yêu", nó "trong sáng" như thế nào!
- Điều đó chỉ xác nhận thêm rằng cô ta quả là một nghệ sĩ giỏi. Biểu diễn là nghề nghiệp của cô ta. Cô ta phải nắm vững cái nghệ thuật ấy đến mức điêu luyện. Nếu không làm sao cô ta có thể lên sân khấu được.
Bà y tá trưởng nhìn Naôê, không hiểu ông ta muốn đi đến đâu.
- Cô ấy hư hỏng nhưng chính nhờ đó mà cô ấy đóng vai ngây thơ một cách tuyệt diệu. Mà nói chung chưa xảy ra chuyện gì ghê gớm cả. Thử hỏi cô ấy có làm phiền ai đâu?
- Tiên sinh nói gì thế? Cách đây mới bốn ngày chính tiên sinh mổ cho cô ta. Chẳng lẻ với tư cách là thầy thuốc tiên sinh không quan tâm đến hành vi của cô ta sao?
- Không quan tâm. Vì hai cái không có quan hệ gì với nhau hết. - Naôê cười phì lên. - Vả lại người ta ai mà chẳng có cố sao đừng làm cho mình đau. Nếu cái đó làm cho cô ta vui thì nên để mặc.
Bà y tá trưởng kinh hãi nhìn Naôê.
- Thôi, - Naôê kết luận, giọng giãn hòa, - bà không nên bận tâm nhiều quá. - Rồi quay sang Nôrikô đang lo sợ lắng nghe cuộc đối thọai, ông nói: - Ta bắt đầu đi thăm các phòng bệnh nhân.
Naôê thường bắt đầu cuộc đi thăm bệnh nhân từ tần thứ ba, tức là từ hai phòng rộng nhất và rẻ tiền nhất. Mỗi phòng có sáu người nằm. Các tủ chìm chất đầu những quần áo chén đĩa; và bênh cạnh các giường nằm ngổn ngang những tấm thảm, những tấm đệm của những người nhà bệnh nhân trải ra để nghỉ đêm. Bốn bức tường trước kia vốn màu kem, đã lâu không được sơn lại nên có những chổ tróc hẳn vửa ra. Năm ngóai bệnh viện có tu sửa lại, nhưng cuộc tu sử này không động đến tầng thứ ba. Cạnh các giường nằm của đàn ông, tường dán chi chít những tờ áp-phích, những bức ảnh của các nữ diễn viên, trong góc có để một cây đàn ghi-ta. So với hai phòng này thì căn phòng thượng hạng của Đzyunkô Hanađzyô thật là một cung điện của vua chúa. Nhưng, để bù lại, trong các phòng rẻ tiền không bao giờ buồn tẻ: mọi người đều đối xử với nhau như bà con thân thuộc, ai cũng có người để tâm sự.
Cạnh một cửa sổ là giường của Kôkichi Uênô. Sau mấy lần tiếp máu, ông già bắt đầu thấy đỡ và đã ngồi dậy được trên giường, tự xúc lấy thức ăn. Quả ông chưa đi được hai: hai chân không chịu tuân theo ý muốn của ông.
Naôê bước vào phòng vừa đúng lúc mấy cô y tá đang tiếp máu. Máu đang nhỏ từng giọt chuyển vào đường tỉnh mạch căng phồng. Làn da trước đây xanh xao, khô héo như tờ giấy bổi, nay đã trở nên sinh động và mềm dẻo; ngay cả đôi má cũng hồng hào lên.
Vợ của bệnh nhân là bà Chiyô, người mảnh khảnh nhưng hãy còn khá linh lợi, ngay từ đầu không rời chồng một bước.
Khi Naôê đã thăm hết các bệnh nhân trong phòng và đi về phía cửa, bà già lúp xúp chạy theo ông.
- Thưa bác sĩ, có thể làm phiền bác sĩ một chút được không ạ ?
Naôê ngạc nhiên đứng lại. Các cô y tá thường nói rằng xưa nay bà cụ Chiyô như người câm, ai nói gì cũng chỉ gật đầu, thế mà nay bỗng dưng lại lên tiếng.
- Có việc gì thế ạ?
- Tôi... tôi muốn hỏi... - bà cụ ngập ngừng, mắt nhìn xuống sàn.
- Tôi đi thăm bệnh nhân xong rồi ta nói chuyện nhe, được không ạ? Độ hai mươi phút nữa bà cụ cứ sang phòng các cô y tá gặp tôi.
Bà cụ gật đầu và biết ơn.
Naôê đi qua các phòng bệnh nhân ở tầng ba, tần tư và tầng năm rất nhanh. Còn lại tần thứ sáu, nơi chỉ có một mình Hanađzyô nằm. Cô đang ngồi trên giường chải tóc, mình mặc chiếc áo choàng màu hồng.
- Bác sĩ khám à ? - Đzyunkô đặt cái bàn chải xuống chiếc bàn ngủ rồi không đợi ai yêu cầu, cô ta nằm xuống giường. Cô đã thông thuộc những gì người ta đòi hỏi ở cô.
Mọi việc đều được tiến hành rất nhanh, Đzyunkô chưa kịp ngỏanh đi ngỏanh lại thì đã xong hết rồi.
Nôrikô đưa cái khăn mặt. Naôê lau cẩn thận từng ngóng tay một rồi hỏi:
- Cô còn cảm thấy đau không?
- Cò-òn, ít thôi...
- Đó là kết quả của buổi tối hôm qua.
- Bác sĩ định nói gì? - Đzyunkô mở tròn xoe đôi mắt đã to sâu. Trong cô ta hết sức thật thà và hiền lành.
- Cô không hiểu à ?
- Không. - Đzyunkô ngạc nhiên lắc đầu. - Việc gì thế?
- Tôi cũng không biết nên trừng phạt cô như thế nào đây.
- Thôi bác sĩ đừng dọa. - Đzyunkô bỡn cợt đánh vào bàn tay Naôê một cái - chỉ tổ-ổ-ổ bịp.
- Chính cô bịp thì có.
- Tô-ô-ôi ấy à ?!
- Cô nên nhớ rằng nếu chỉ khâu bị đứt và các mạch máu lại mở ra thì phải làm lại phẫu thuật.
- Để làm gì?
- Phải làm sạch lại tất cả.
- Thà chết còn hơn!
- Nếu vậy cô đừng buông thả quá.
- Xì, cái ông bác sĩ này ! Người đâu mà đáng ghét tệ. - Đzyunkô kéo dài, giọng ngân nga và nũng niụ. Naôê ném cái khăn mặt cho Nôrikô rồi ra hành lang.
Bà cụ Chiyô đang đợi họ. Bà ngồi co ro trên chiếc đi-văng nhỏ ở phòng y tá.
- Bà cụ có việc gì thế? - Naôê rút cái stêto trogn túi ra đưa cho Nôrikô rồi cũng ngồi xuống đi-văng bênh cạnh bà cụ.
- Tôi không biết... Có nên làm phiền bác sĩ vì những chuyện không đâu.
- Nhưng việc gì ạ ? Bà cụ cứ nói đi.
- Hôm trước tôi có nhận được cái này ... của bệnh viện đưa - Bà cụ rút trong bầu bao ra mấy tờ giấy. Trong giấy có viết là tôi phải trả một món tiền gì đấy...
Naôê nhìn qua mấy tờ giấy.
- Đó là giấy thanh toán.
- Thanh toán gì ạ?
- Đầu đuôi là thế này bà cụ ạ. Tiền viện phí ở các bệnh viện mỗi nơi mỗi khác. Thường thường thì số tiền bảo hiểm bệnh tật đủ để trả viện phí. Nhưng ở bệnh viện chúng tôi, trừ hai phòng chung ở tầng ba, các phòng khác còn phải bù thêm. Tuần thứ nhất ông cụ nằm ở phòng hai giường, cho nên phải bù thêm một ngàn yên. Có tiền bảo hiểm rồi vẫn phải trả thêm mới đủ.
- À ra thế...
- Bây giờ thì ông cụ nằm ở một phòng không phải trả thêm tiền. Thế sao ạ, hai cụ có khó khăn về chuyện tiền nong ạ?
Bà cụ cúi đầu:
- Là vì tôi, từ ngày ông nó lâm bệnh, cứ phải ở bên cạnh ông ấy suốt...
Naôê rút trong túi ra một điếu thuốc lá. Nôrikô lúc bấy giờ đang xem các đơn thuốc, liền lấy cái gạt tàn đưa cho ông.
- Thôi, nếu bà cụ chưa trả được bây giờ thì trả sau cũng được.
- Nhưng...
- Chắc hai cụ hoàn toàn không có tiền phải không? - Naôê suy nghĩ một lát rồi hỏi.
Bà cụ buồn bã gật đầu.
- Thôi được rồi. Không có tiền thì không phải trả nữa.
Ba cụ ngạc nhiên nhìn ông.
- Không có tiền - chỉ có thế thôi. Chẳng biết làm thế nào được. Họ có đòi thì bà cụ cứ trả lời như thế. Đó là bằng chứng mạnh nhất.
Bà cụ ngơ ngác chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.
- Trước kia bà cụ có làm việc ở đâu không?
- Có, thỉnh thỏang có đi làm...
- Ở đâu?
- Trong một tiệm ăn nhỏ, tôi rửa chén đĩa.
- Họ trả cho bà cụ bao nhiêu?
- Tôi làm mỗi tháng mười ngày, họ trả cho được mười hai ngàn yên. Rồi đây ông nó khỏi bệnh, tôi lại kiếm việc mà làm. Có lẽ bấy giờ sẽ đỡ túng quẩn...
- Nhưng thật ra cụ không nên làm.
- Sao thế ạ?...
- Hai cụ được trợ cấp phải không? Tiền viện phí cũng do nhà nước trả. Thành thử chỉ kiếm được mười hai ngàn mà phải đi làm thì không bõ.
- Tại sao?
- Hiện nay người ta trả trợ cấp cho hai cụ lại cấp thêm tiền chữa bệnh. Cả thảy vị chi là được khỏang hai, ba mươi ngàn phải không?
- Chừng hai mươi lăm ngàn.
- Thì đấy. Vừa đúng số tiền tối thiểu do nhà nước qui định; đó là số tiền mà nhà nước có bổn phận phải trả cho những người không có sức lao động, không có nguồn thu nhập nào. Nhưng nếu họ biết là bà cụ thỉnh thỏang có kiếm được ít nhiều thì người ta sẽ trừ đúng số tiền mà bà cụ kiếm được ra khỏi món trợ cấp. Thành thử chẳng nên làm việc làm gì, bà cụ nên ở bên cạnh ông cụ thì hơn. Bà cụ đỡ vất vả, mà cụ ông cũng được vui hơn.
- Thế còn việc thanh toán thì sao ạ?
- Bà cụ cứ để đấy, và hãy quên đi.
- Ông bác sĩ trưởng sẽ quở tôi.
- Bệnh tình của cụ ông đòi hỏi phải nằm viện, bác sĩ trưởng không có quyền đòi cho cụ ông xuất viện đâu. Hơn nữa không ai có thể đòi tiền của những người không hề có tiền.
Bà cụ lại gật đầu, nhưng có thể thấy rõ ràng là bà ta tuyệt nhiên không hiểu được chút gì hết.
- Thời bây giờ khổ nhất là những người có ít tiền, - Naôê nói tiếp. - Một là phải có nhiều, hai là đừng có đồng nào. Phải, tốt hơn là đừng có gì hết. Mình đã trọc đầu thì còn sợ ai túm tóc.? Hai cụ không việc gì phải băn khoăn về cái nỗi lấy gì mà trả cho bệnh viện, quá trình điều trị tốn hết bao nhiêu...
Bà cụ Chiyô kính cẩn lắng nghe.
- Ở cái nước Nhật này nên làm người thật giàu hay là người cùng đinh thì tốt hơn...
- Thế... ông nhà tôi liệu có khỏi được không ạ?
Naôê rướn người, thở mạnh ra một làn khói thuốc lá.
- Không, cụ nhà không khỏi được.
- Vậy tức là ông nó sẽ chết ạ? - Bà cụ thẫn thờ ngước mắt lên nhìn Naôê.
- Họ chưa nói với bà cụ là bệnh cụ ông không chữa được à?
- Nói thì có nói... thế ra nằm bệnh viện cũng không khỏi ạ?
- Cụ ông bị bệnh máu. Trong thời gian tiếp máu thì có thể thấy đỡ ít nhiều, nhưng dù sao cụ ông sẽ càng ngày càng yếu đi. Ở đây y học bất lực. Tiếp máu tốn rất nhiều tiền, mỗi lần như vậy là mấy ngàn yên. Cho nên, tôi xin nhắc lại: nên để cụ ông nằm lại ở bệnh viện để điều trị bằng tiền trợ cấp. Bà cụ cứ tin chúng tôi và đừng nghĩ ngợi gì hết. Còn đối với cụ ông thì xin bà cụ chớ nói gì, nhớ là đừng nói gì hết.
- Vâng-vâng... - Bà cụ lại ngoan ngõan gật đầu mấy cái liền.
- Những bệnh nhân mắc chứng nan y cũng nhiều. Ở đây có một bệnh nhân bị ung thư dạ dày, người ấy sẽ không sống nổi đến hết năm. Chống hay chạy rồi chúng ta đây ai cũng sẽ đi tới đó. Chỉ có điều là có người biết thời hạn của mình, có người không. - Naôê nói lẩm bẩm như đang đàm thọai với bản thân.
Bà cụ Chiyô thút thít khóc thầm, rồi đưa ngón tay lên quệt mũi.
- Cám ơn bác sĩ. - Nước mắt lưng tròng, bà cúi chào rồi ra khỏi phòng.
Naôê nhìn theo cái bóng dáng còm cõi, bé nhỏ của bà cụ, rồi quay về phía Nôrikô.
- Kôbasi không nói với bà cụ là ông già không còn hy vọng gì à?
- Không, hình như ông ta không nói thẳng.
- Như thế không được. Kết quả chẩn đoán phải nói lại cho vợ bệnh nhân biết.
- Chắc ông ta chưa dám nói thôi. Hai ông bà cụ khốn khổ như vậy...
- Thế thì sao? Bệnh tật là bệnh tật.
- Hai ông bà không có con, cứ thế cui cút sống với nhau đến khi già. Đôi khi nhìn bà cụ lăng xăng săn sóc chồng mà thương đến ứa nước mắt.
- Tội nghiệp bà cụ thật...
- Đêm đêm bà cụ lên giường nằm sát cạnh chồng. - hai người gầy gò bé bỏng trông như hai đứa con nít.
- Các bệnh nhân khác không nói gì à?
- Nói gì bây giờ? Thì cũng có người thấy lạ lạ, nhưng không hề khó chịu. Ở trong phòng chung này họ đều quan tâm tới nhau cả.
- Nói chung bà cụ cừ thật, cư xử rất hay.
Nôrikô thở dài.
- Chẳng lẽ họ không có họ hàng thân thuộc thật sao? Không có lần nào thấy ai đến thăm cả.
- Thế cũng hay. Đỡ rắt rồi về chuyện trợ cấp. Tiền bạc không có, họ hàng cũng không: thế là không còn vấn đề gì nữa.
- Nhưng đối với họ thì sao? - Nôrikô ngờ vực.
- Thì cô cứ nghĩ mà xem: nếu ông già cứ phải tính xem tiền trợ cấp đủ được đến đâu và phải bù thêm bao nhiêu tiền mặt nữa thì ông sẽ khổ vô cùng.
- Cũng đúng... đến khi ông cụ chết bà ấy sẽ khổ sở lắm nhỉ?
- Biết làm thế nào được?
- Họ ăn ở với nhau thuật thảo như vậy... Cũng khó nói thật với họ.
- Người thân nhất định phải biết trước mới được.
- Nhưng biết trước như vậy cũng khủng khiếp quá.
- Dù sao thì cái chết vẫn là một cái gì khủng khiếp. Có phải không Tômôkô?
Lúc bấy giờ Tômôkô Kawaai đagn ngồi cạnh Nôrikô, cô quấn gạc làm tămbông. Cô thở dài:
- Nếu phải chết thì chi bằng cùng chết với người yêu.
- Tự tử tay đôi à?
- Ờ, dĩ nhiên là lãng mạn. Nhưng chứng kiến cái chết của một người thân chắc chắn là khủng khiếp.
Tômôkô bỏ tấm gạc sang một bên và ngước mắt lên. Cô mới hai mươi tuổi, khuôn mặt tròn trĩnh sáng ngời tuổi trẻ.
- Như hai ông bà già kia - hai người thật như một... Sống với nhau như cùng chung một hơi thở, tuyệt thật!
- Nhưng chết thì vẫn phải mỗi người một đàng. - Nôrikô đám. - Rồi cũng phải có người chết trước.
- Nghĩ đến chuyện ấy thật ghê rợn! - Tômôkô rùng mình.
Naôê không tham dự vào câu chuyện. Nghe đến đây ông đột nhiên đứng dậy, rồi hai tay đút vào túi áo blouse, ông bước ra hành lang.
Ngày mùng mười tháng mười hai, tức bốn ngày sau khi xảy ra cái "sự cố" đêm ấy, Đzyunkô Hanađzyô ra viện.
Sêkiguchi quả quyết với mọi người rằng Hanađzô đã bị buộc phải rời bệnh viện sau một cuộc nói chuyện không lấy gì làm thân thiện với bác sĩ trưởng: trước đó chính bà ta đã báo cáo sự việc đã xảy ra với bác sĩ trưởng. Tuy vậy không có ai tin lấy một chữ nào trong những lời bà nói.
Bà y tá trưởng quả nhiên đã không bỏ lỡ cơ hội báo cáo với bác sĩ trưởng, nhưng ông này, như ta có thể đoán trước, đã bỏ ngòai tai tất cả những điều bà ta nói. Ngày ra viện - mùng mười tháng mười hai - đã được ấn định từ trước.
- Khó lòng một con người hám lợi như bác sĩ trưởng lại có thể đuổi một bệnh nhân giàu có như vậy. Mà lại chỉ vì một chuyện không đâu như thế. Cô ta đã mời một anh bạn trai đến chơi: như thế thì có cái quái gì mà làm to chuyện! - Các nữ y tá kháo nhau như vậy.
Tuy nhiên sau buổi nói chuyện với bà y tá trưởng, ông bác sĩ trưởng cũng cho mời Naôê đến gặp.
- Có đúng thế không? Những chuyện bà y tá trưởng kể ấy mà?
- Tôi không biết, - Naôê nhún vai, - đêm ấy tôi không có mặt ở bệnh viện. Nhưng bác sĩ trực khẳng định rằng những chuyện ấy là có thực.
- Gớm cái cô bé!... Thế mới là khí phách đàn bà... Còn cái anh kia là ai thế? Kenđzi Tanimôtô à? Cái anh ca sĩ ấy à?
- Nghe nói chính anh ta.
- Chắc hai người đã dính với nhau từ lâu rồi.
- Không biết.
- Ừ... - Yutarô cười. - Bà y tá trưởng cứ lồng lên. Bà ấy bảo phải đuổi cô ta ra khỏi bệnh viện, để làm gương cho kẻ khác. - Tôi thì tôi cho rằng không việc gì phải nghiêm khắc đến thế, hả?
- Dù ssao thì câu chuyện này cũng không hề có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cô ta. Hoặc ít nhất cô ta cũng cảm thấy như thế.
- À-à... Thôi được rồi. - Ngay từ đầu Yutarô đã không hề có ý muốn làm to chuyện. - Thế thì thế này: ta hãy nói rằng bác sĩ trưởng đã mắng cô ta một trận.
- Tôi hiểu.
- Thế còn... thân hình của cô ta chắc đẹp lắm nhỉ... - Bác sĩ trưởng đột nhiên đổi đề tài và nhìn Naôê có ý chờ đợi. - Nước da trắng..
- Tái thì đúng hơn.
- Thế à?... - Yutarô mơ mộng nhìn lên trần. - Da tái và mịn...
- Không, da cô ta chẳng ra gì.
- Có thể là vì mệt? Cô ấy làm việc nhiều lắm.
- Tôi không nghĩ như thế. Có lẽ vì ma túy thì đúng hơn.
- Ô, thế à?! Tại sao anh lại kết luận như vậy?
- Có vết tiêm ở hai cánh tay, mà da thì khô.
- Ra thế-ế-ế đấy... - Yutarô đay giọng. - Nhưng để làm gì? Sao cô ta lại cần đến ma túy?
- Theo tôi, chủ yếu là để hưởng lạc.
- Nghe nói tiêm như thế thích lắm phải không?
- Tôi không biết. Chắc thế, - Naôê đáp xẵng.
Yutarô hạ giọng nói khẽ:
- Tôi nghe nói đó là một món thuốc dùng cho đàn ông rất tốt...
- Vâng. Trong tình trạng quá mệt mỏi về thể chất thì nó có tác dụng kích thích/.
Yutarô đang khá bận tâm với những phen thất bại của mình với Mayumi. Tán tỉnh thì còn đủ sức, nhưng hễ đi đến cái việc chủ yếu thì...
- Tôi vẫn không hiểu. - Ông ta xoay xoay cái đầu. - tại sao một cô gái ngây thơ kiều diễm như vậy lại cần đến ma túy?
- Cô ta chỉ có vẻ ngây thơ trên sân khấu mà thôi.
- Ờ-ờ... cứ nhìn trên ti-vi thì đúng là một người khác hẳn!
- Bao giờ chả thế: bên ngòai là một đằng, bên trong là một nẻo.
Yutarô sượng sùng nháy nháy cặp mắt: ông ta sợ rằng Naôê nói như vậy là có ý ám chỉ mối liên hệ của ông với Mayumi. Nhưng ông chỉ thấy Naôê trầm ngâm mân mê cái chén trà trên tay.
- Thế anh chưa nói gì với cô ta chứ?
- Chưa, vả lại có phải tôi bắt gặp cô ta trong cái vụ ấy đâu. Mà không có chứng cớ gì thì nói sao được...
- Như tôi đây, thử nhào vô xem sao có được không nhỉ - Yutarô thở dài.
- Theo tôi thì không. Dĩ nhiên, nếu ông đang chuẩn bị chết thì đó lại là chuyện khác.
- Ồ không, hiện nay thì xem chừng tôi chưa muốn chết. - Yutarô cười xòa.
Gương mặt Naôê vẫn kín như bưng.
Ngày ra viện, Naôê ghé vào phòng Đzyunkô. Trong phòng đã thấy ông chủ tịch công ty truyền hình, ông bầu và người lái xe ngồi sẵn đấy.
- Xin các vị làm ơn sang phòng bên một chút, - Naôê yêu cầu.
Trên cơ thể của Đzyunkô mọi thứ đã gần như bình thường, cho nên cuộc khám nghiệm kết thúc rất nhanh.
Vừa mặc xong áo quần, Đzyunkô đã hỏi:
- Bao giờ tôi phải đến khám lại?
- Tuần sau. Rồi sau đó cứ mỗi tháng lại đến một lần.
- Nếu có thể, cho tôi đến vào buổi tối thì tiện hơn...
- Có thể được, nhưng chỉ vào những phiên trực của tôi.
- Bây giờ đã có thể biết tiên sinh trực vào những tối nào chưa?
Nôrikô, không che giấu nỗi bất bình, quay sang phía Naôê.
- Nhưng như thế không đúng qui chế!
- Cái gì không đúng qui chế? - Naôê không hiểu.
- Các bệnh nhân ngọai trú đều phải đến khám ban ngày.
- Ta có thể coi đây là một ngọai lệ, - Naôê nói. Đọan vứt chiếc khăn mặt lên cái khay của Nôrikô, ông đi ra phía cửa/.
- Không đã ! Tiên sinh! - Đzyunkô gọi giật.
Naôê quay lại.
- Tiên sinh ạ, thế có thể cho phép tôi thỉnh thỏang đến nằm viện, chẳng hạn mỗi tháng một lần, được không ạ? Đôi khi cũng muốn nghỉ ngơi chút ít...
- Xin mời.
- Và tiên sinh sẽ cho giấy nhập viện chứ?
- Tôi sẽ cho.
- Dù tôi không ốm cũng cho chứ?
- Tôi đã nói rồi.
- Thế thì cảm ơn tiên sinh quá.
Đzyunkô mừng rỡ mỉm cười. - Tiên sinh ạ, xin hỏi tiên sinh thích cái gì nhất? Ấy, ví dụ như trong các thức ăn uống ấy?
- Cái gì? À, có lẽ không riêng một thứ gì...
- Thế thì khi nào ta cùng đi tiệm đi. Tôi sẽ chiêu đãi. Tôi biết là bác sĩ rất bận, mà tôi cũng bận chả kém gì đâu... Nhưng tôi rất muốn trả ơn tiên sinh.
- Điều đó hoàn toàn không cần thiết.
- Ô kìa, tiên sinh ! Tôi chịu ơn tiên sinh nhiều quá mà!
- Ông bầu của cô đã đút lót cho tôi rồi.
- Không không, đó là quà của hãng, có dính dáng gì đến tôi đâu. Chúng ta nhất định phải ngồi với nhau ở một nơi nào đó để nói chuyện. - Trong giọng nói của Đzyunkô điểm những âm thanh lẳng lơ. - Bác sĩ làm ơn đi, cho tôi một buổi tối.
- Bác sĩ rất bận. Hơn nữa bị trĩ như cô mà uống rượu là rất có hại, - Nôrikô nhận xét một cách lạnh lùng.
- Thế à? Thế còn bia gừng thì sao? Hay là nước quả? Được chứ?
- Tiên sinh, - Nôrikô nắm lấy khủyu tay Naôê, - họ đang đợi ngòai kia.
- Bác sĩ đừng quên đấy nhé! - Đzyunkô đá lông nheo với Naôê.
Một lát sau, Đzyunkô trong chiếc quần ống hẹp và chiếc áo măng-tô nhẹ màu đỏ nhanh nhẹn bước ra khỏi bệnh viện, ngồi lên xe hơi và phóng đi.
Cũng như thường lệ vào tiết cuối năm, trong các bệnh viện số bệnh nhân ngót hẳn đi. Ai nấy đều bận bịu với những công chuyện sửa sọan ăn tết, chẳng mấy ai còn nghĩ đến bệnh tật. Vào thời gian này ít có người đi tìm bác sĩ.
Ở bệnh viện Oriental cũng đã vào thời kỳ vắng khách. Quả tình các bệnh nhân ngọai trú vẫn còn đến, nhưng các phòng bệnh nhân đều vắng tanh - mặc dầu hãy còn hai tuần nữa mới đến tết.
Các bệnh nhân nằm ở các phòng thượng hạng sang trọng cũng đã xuất viện. Cả cái tầng sáu này chỉ còn lại một mình Đzyunkô Hanađzyô.
Bây giờ, sau cuộc phẫu thuật, cô cứ mỗi ngày hai lần thực hiện đúng thủ tục ngồi vào chậu nước ấm. Một thủ tục dễ chịu làm cho bệnh nhân đỡ đau hẳn, tuy cái cảnh tượng này dĩ nhiên không hẳn là một mỹ quan. Dù sao trong thời gian nằm bệnh viện, Đzyunkô cũng đã quen được nhiều thứ.
Ngòai Đzyunkô ra, bệnh nhân đã đem lại cho Naôê nhiều nỗi lo âu là Yôsiđzô Isikura. Vào những ngày gần đây ông già lại bắt đầu kêu đau và thấy nặng trong dạ dày.
- Bác sĩ ạ, tôi không sao ăn được, - ông cụ nói như muốn khóc. Nước da cụ xanh xao, hai má hóp hẳn lại. - Mà hôm qua lại sốt nữa. Bị cảm lạnh hay sao ấy?
- Ban đêm ở đây tắt lò sưởi điện, cụ nên mặc ấm hơn, - Naôê đáp trong khi xem xét tờ ghi nhiệt độ.
Suốt tuần vừa qua, nhiệt độ của cụ Isikura hằng ngày lên đến 38, đôi khi còn cao hơn. Các thứ thuốc giảm nhiệt hầu như không có tác dụng, chỉ được ít lâu cái cột thủy ngân lại bắt đầu trườn lên phía trên một cách nhẫn tâm. Đó là một dấu hiệu chắc chắn của sự cáo chung đã đến gần. Giai đọan cuối cùng của cơn bệnh. Mọi biện phái điều trị đều hoàn toàn vô ích...
- Có lẽ mới xuất hiện một chỗ loét khác ? - Cụ Isikura thở dài.
- Chắc không phải, - Naôê nói, giọng không vui.
- Thế đến tết bác sĩ cho tôi ra viện chứ ?
Naôê trao tờ ghi nhiệt độ cho Nôrikô và quay ra cửa sổ, phía mặt trời mùa đông đang tỏa một ánh sáng trắng trong làn sương sớm.
- Lão muốn ăn tết ở nhà, - ông già nói tiếp, giọng run run, và lòng Nôrikô se lại một cách đau đớn.
- Lưng có đau không ?
- Cám ơn bác sĩ, cũng đỡ rồi. Chỉ có điều là tôi không còn chút sực nào nữa bác sĩ ạ..... Bệnh họan đã làm cho tôi kiệt lực rồi.
- Cụ đừng xúc động, có hại đấy. Cụ cứ nằm nghỉ đi.
- Bây giờ trong đầu tôi nó cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh. - Cụ Isikura đưa mắt liếc sang cô con dâu. - Chắc tôi sống chẳng còn bao lâu nữa...
- Cụ nên nghĩ đến chuyện đi câu đi.
- Chà ! - Ông già mừng rỡ chộp lấy cái đề tài ưa thích ấy. - Đã hơn một năm nay tôi không được đi câu ! Đến khi nào khỏi, tôi sẽ đi câu hằng ngày. Tôi sẽ bù lại thời gian đã mất.
- Phải đấy, cụ cố lên cho chóng khỏi ... - Naôê cáo từ và ra khỏi phòng. Cụ Isikura lặng lẽ nhìn theo.
Ngay hôm ấy Naôê mời hai vợ chồng anh con cả của cụ Isikura đến gặp.
Khi họ bước vào, ông nói với họ bằng cái giọng bình thản nhất:
- Cụ thân sinh của ông chỉ còn sống được không đầy một tháng nữa. Lâu nhất là đến giữa tháng giêng.
- Sao ?! Chỉ có thế thôi ạ ?...
- Trước đây tôi tưởng cụ sẽ kéo thêm được ít lâu, nhưng hôm nay tôi hiểu ra rằng mình nhầm. Cụ yếu quá. Hết cách rồi.
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.
- Bác sĩ biết chắc như vậy à ?
- Phải. Xin hỏi cụ nhà có nói gì với ông bà về cuộc phẫu thuật hôm trước không?
- Có. Ông cụ tôi lấy làm lạ sao không thấy đỡ, - Isikura - con gật đầu.
- Cụ không đoán ra được điều gì à?
- Ấy, hôm kia cụ tôi bỗng thốt ra: hay đây là bệnh ung thư?
- Tôi hy vọng là ông bà không nói gì với cụ chứ?
- Không-không, đời nào ! Chúng tôi đã trả lời đúng lời bác sĩ dạy.
- Thế thì tốt. Dù có thế nào cũng tuyệt nhiên không được nói sự thật với cụ. Lóat dạ dày, trước sau cũng chỉ có loét dạ dày mà thôi. Ông bà hiểu chưa? Nếu chính cụ bắt đầu nói đến ung thư thì ông bà phải cười xòa và nói lảng sang chuyện khác.
- Nhưng hình như cụ đã đoán được rằng bệnh mình không còn cứu chữa được nữa.
"Con trai giống bố quá, - Naôê chợt nhận thấy thế, - Nhất là đôi mắt và cái mũi..."
- Không sao, cụ muốn nghĩ gì thì cứ để mặc cụ. Còn ông bà, - giọng Naôê cương quyết, - phải làm đúng như tôi nói. Đối với ông đó là cách duy nhất để làm tròn đạo hiếu. - Nói đọan Naôê đứng dậy, cho khách hiểu rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc.
Kôbasi đang ở trong một tâm trạng u tối. Và nguyên nhân của tâm trạng đó là Đziêrô Tôda, đã ra viện vào cuối tháng mười một.
Hắn ra đi hoàn toàn khỏe mạnh. Cái sẹo trên trán không còn mưng mủ nữa, cảm giác đau và chóng mặt cũng không còn. Quả tình cũng có những chỗ sẹo lồi, cần có phẫu thuật thẩm mỹ mới hết được. Nhưng Kôbasi thấy không cần vội. Rất có thể nó sẽ tự nó lặn đi. Khi Tôđa ra viện, Kôbasi đã cho hắn một hộp thuốc mỡ khá đắt tiền, dặn phải thường xuyên bôi lên những chỗ sẹo, và cứ hai ngày một lần, đến bệnh viện để xem lại.
Nhưng đã gần qua một tuần rồi mà Tôđa chẳng thấy đâu. Kôbasi đâm lo, anh lấy thùng phích tìm số điện thọai của Tôđa rồi bắt đầu quay đĩa số. Môt giọng đàn ông lạ hoắc trả lời rằng đã hơn nửa năm nay Tôđa không ở chổ đó nữa.
"Thế thì hắn biến đi đằng nào, cái thằng chết tiệt ấy ?..."
Có lần Kôbasi bực bội nói với Akikô:
- Ảnh phim chụp não của hắn có những dấu hiệu không tốt. Tôi đã bảo hắn là nhất định phải đến khám lại.
Akikô cau mặt.
- Em không ưa hắn ngay từ đầu. Một gã bợm rượu ăn không ngồi rồi. Đến một chỗ ở thường xuyên hắn cũng không có thì cũng chă"ng có gì là lạ.
- Thì cách đâu nửa năm hắn có ở chỗ đó thật, thành thử dù sao hắn cũng chẳng nói dối gì nhiều, - Kôbasi làu bàu.
Cứ hễ Akikô chê bai Tôđa thì y như rằng Kôbasi lập tức bênh vực hắn ta.
- Nhưng mà hắn là một thằng nói dối bẩm sinh. Cứ nghe hắn nói thì tưởng hắn khổ sở lắm ! Hắn biết làm cho người ta mủi lòng. Em không tin lấy một chữ trong những chuyện hắn nói!
- Hắn không có lỗi. Chính cuộc đời làm cho người ta trở thành kẻ nói dối.
- Anh lại còn bênh hắn nữa à ? ! - Akikô nổi khùng - Chính hắn đã lừa anh kia mà!
- Sao lại lừa ? Chẳng qua hắn có vay một ít tiền.
- Đấy-đấy. Chính vì thế mà hắn không thèm ló mặt ra. Hắn không hề có ý định trả lại số tiền mặt ấy!
- Không đâu, không thể như thế được.
- Có thể lắm chứ!
- Chẳng qua hắn không biết lấy đâu ra. Hiện giờ...
- Anh ngốc quá đi mất, - Akikô không chịu được nữa. - Sao, anh tin hắn thật à ?
- Dù sao thì tôi cũng không có cơ sở gì để nghĩ xấu về hắn đến mức như vậy.
- Phả-ả-ải... - Akikô bật cười chua chát. - Quả nhiên, làm gì co cơ sở nào ?
Kôbasi cúi đầu. Thật tình mà nói, bản thân anh cũng thấy ngờ vực. Nhưng dù sao chăng nữa thì phải nghe một cô y tá ăn nói với mình như vậy...
- Tôi là thầy thuốc, và tôi không thể để cho một con người đi đến chổ chết được.
- "Đi đến chỗ chết" ! Làm gì đến nỗi ?
- Thôi đủ rồi ! Còn tiền thì... dù hắn không trả, tôi cũng chẳng đến nỗi nào đâu.
- Ái chà ! Nhịn ăn nhịn tiêu để trả năm mươi ngàn yên cho một thằng vô lại ăn bám ? ...
- Tôi đưa tiền cho hắn là do tự nguyện, - Kôbasi nói, mỗi lúc một cáu kỉnh thêm.
- Việc bố thí không phải là một bổn phận. Một bác sĩ lại càng không có bổn phận làm cái việc ấy.
- Không, đó là một bổn phận. Và chính là bổn phận của người thầy thuốc! Bổn phận của nguời thầy thuốc là làm điều thiện, trong đó có cả việc bố thí. Chỉ có điều là trong giới bác sĩ có không ít những kẻ ti tiện như kiểu ngài bác sĩ trưởng, chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Còn về Tôđa thì xin cô chớ cho rằng tôi không muốn nghĩ xấu về hắn.
- À! Anh lại nói đến hắn !
- Đó là vì cô nói bậy bạ.
- Em nói gì nào ? - Akikô vặn lại, nhưng đến đây Kaôru, da dẻ hồng hào sau khi tắm, tay cắp khăn mặt và hộp xà phòng, bộ tóc ướt xỡn trên lưng, bước vào phòng. Trông thấy Kôbasi và Akikô cô ta luống cuống.
- Thế nào, tắm ra sao ? - Akikô nói để phá tan sự im lặng nặng nề.
- Thích lắm, cảm ơn. Tắm một mình, không phải vội... - Kaôru cúi đầu đi qua mặt Kôbasi và treo đôi bít tất trắng đồng phục lên móc cho khô.
- Các phòng bệnh thế nào. Yên tĩnh chứ?
- Vâng. Chỉ có ...
- "Chỉ có" gì ?
Kaôru đưa mắt nhìn trộm Kôbasi, không dám nói.
- Nào, nói đi. - Akikô sốt ruột nhìn Kaôru.
- À không, em...
- Nói cho rõ ràng đi, đừng có lúng búng!
- Ban nãy em lên tầng sáu định xem thử đèn đã tắt hết chưa...
- Rồi sao ?
- Rồi em thấy... hình như ở phòng sáu trăm lẻ một...
- Phòng của Hanađzyê. Thế thì sao ?
- ... Trong phòng hình như có ai ấy.
- Cô hầu chứ gì ?
- Không... - Kaôru ngượng ngùng cụp mắt xuống.
- Thế thì ai ?
Hai má Kaôru đỏ tía lên.
- Một người đàn ông à ?!
Kaôru cúi đầu như người có lỗi.
Akikô thở dài và nhìn Kôbasi đang ngồi khoanh tay trước ngực, mắt nhìn sang một bên ra điều không chú ý.
- Em có nói gì với cô ta không?
Kaôru lắc đầu.
- Ai thế nhỉ ? - Akikô ngẫm nghĩ. - Ông bầu chăng ?
- Không. Cứ đến chiều cô ấy lại cho ông ta về. Sau đó ông phải lo tổ chức biểu diễn. Hôm nay ông ta chỉ ngồi một lát rồi đi.
- Thế thì một người lạ ư ? - Kôbasi hỏi. - Kaôru, tối nay cô không trông thấy ai đi qua phòng ngòai à ?
- Em không thấy. Em có gác lối ra vào đâu...
- Dĩ nhiên... - Akikô tán đồng.
- Hôm nay đóng cửa lúc mấy giờ ?
- Lúc chín giờ rưỡi.
- Như thế nghĩa là người kia đến sớm hơn.
Akikô nhìn ra dãy hành lang tranh tối tranh sáng. Lúc bấy giờ đã quá mười giờ, và trong các phòng bệnh nhân mọi người đều đã ngủ.
- Cô ấy hình như mới mổ được ba ngày phải không ? - Kôbasi hỏi.
- Vấn đề chính là ở chổ ấy...- Akikô đáp giọng bực bội. - Ấy, chúng ta sẽ làm gì đây?
- Có lẽ hai cô đến xem lại lần nữa đi, - Kôbasi đề nghị.
- Đi vào phòng cô ấy một lần nữa ư? - Bây giờ đến lượt Akikô đỏ bừng mặt lên. - Tiên sinh ạ, chúng ta cùng đi đi. Em sợ... Nếu ở đấy có một người đàn ông thật thì sao?
- Ừ thì sao ? Cô sẽ đưa ông ấy đến đây.
- Thôi anh cùng đi với em một chút! - Akikô nắm ống tay áo Kôbasi. Kôbasi miễn cưỡng đứng dậy.
- Nếu vậy thì cô ở lại đây, - Akikô bảo Kaôru.
Trong khi bấm nút thang máy lên tầng sáu, Kôbasi phì cười.
- Kaôru hình như ngượng lắm. Chắc cô ta trông thấy họ vào một lúc bất tiện.
- Xì, anh không biết xấu hổ à! - Akikô giận dỗi phát một cái vào lưng Kôbasi.
Thang máy dừng lại. Trong dãy hành lang im phăng phắc, một ngọn đèn nhỏ chong leo lét.
Kôbasi và Akikô đi lom khom như hai tên gian phi, cố bước thật nhẹ. Ngòai phòng 6 M ra, tất cả các phòng trên tần này đều bỏ không. Akikô thậm chí còn thấy tiếc khi nghĩ rằng trong những căn phòng tuyệt vời như vậy - có buồng tắm, toa-lét và tủ lạnh - lại chẳng có ai nằm. Họ rón rén bước đến cạnh cửa và dừng lại. Sau cánh cửa là buồng của người nuôi bệnh nhân, kế đến là phòng đệm, sau đó là phòng của Đzyunkô.
Cửa phòng đóng kín, nhưng trong khung cửa sổ con che rèm trông ra hành lang thấy có ánh sáng lọt ra. Đzyunkô vốn thích tiện nghi nên khi vào nằm bệnh viện đã sai đưa đến đây một cây đèn ngủ chao đỏ để đặt ở đầu giường.
Kôbasi và Akikô ghé tai vào cánh cửa. Họ nghe ngóng một lát. Từ trong phòng bệnh nhân không có tiếng người đưa ra, mà chỉ có tiếng nhạc khe khẽ: đó là chiếc máy stereo đặt cạnh giường Đzyunkô. Có lẽ họ đã là cho "đôi chim non" hỏang sợ chăng ? Chắc không phải, vì họ đi rất khẽ. Kôbasi chợt nhận ra cái tình thết kỳ quặc của hai người đi rình và bất giác phì cười, nếu chẳng may có ai tình cờ trông thấy họ, chắc người ấy sẽ tha hồ mà cười.
- Thôi ta đi đi, - anh thì thầm nói với Akikô.
Vừa lúc ấy một giọng nói hơi khàn vẳng ra: chắc chắn là giọng của Đzyunkô.
- Đồ cù lần ở đâu ấy! - Theo thói quen, cô ta kéo dài các từ ngữ ra một cách lẳng lơ.
Kôbasi và Akikô đưa mắt nhìn nhau.
Có tiếng cười khúc khích. Lại giọng Đzyunkô. Giọng nói của người kia vẫn chưa nghe thấy. Sau đó có tiếng bước khe khẽ. Cánh cửa ra phòng đệm mở ra.
Hai "trinh sát viên" đưa mắt nhìn nhau ngụ nhiều ý nghĩa.
Kôbasi khẽ chạm vào khủyu tay Akikô. Người vẫn lom khom, họ rời cánh cửa đi về phía thang máy và mãi đến cuối hành lang mới đứng thẳng người lên.
Trong buồn thang máy Akikô thở phào nhẹ nhõm.
- Có một người nào đấy ở trong phòng cô ấy thật ...
- Bạn trai cô ta chứ còn người nào nữa.
- Thế cô hầu đâu ?
- Tôi biết đâu đấy. Có lẽ đang ngủ trong phòng.
- Không, như thế kia thì ai mà ngủ được ... - Akikô thở dài. - Phải ... Lại là sau một phẫu thuật. Trong khi đó thì mỗi lần bác sĩ đến khám lại kêu đau om sòm.
- Chứ còn sao nữa, - Kôbasi nói qua kẽ răng. - Phải kêu để cho người ta còn thương xót chứ.
- Không biết sau chuyện hôm nay cô ấy sẽ ra sao ?
- Có gì đâu mà "ra sao"?
Hai người im bặt: biết làm gì đây? Xông vào phòng đuổi người khách bất hợp pháp ấy ra chăng ? Nhưng nếu vậy người ta sẽ thấy rõ ngay rằng họ đã rình mò, nghe trộm ngòai cửa. Hơn nữa, nhỡ đó không phải là một người đàn ông thì sao? Ngọn đèn trần đã tắt, chỉ còn mỗi ngọn đèn ngủ và máy cassette mở rất khẽ. Vả lại dù họ có mở to hơi thì cũng chẳng làm phiền ai. Cả tầng lầu chỉ có một mình Đzyunkô. Không, đó không phải là một lý do để xông vào phòng cô ta. Còn nếu đó chính là cô hầu thì sao?
- Không sao, ta sẽ biết ngay, - Kôbasi làu bàu.
Dự tính của anh rất đơn giản: khôn ngoan hơn nhiều là tìm cách bắt "tội nhân" vào lúc hắn tìm cách chuồn đi.
- Đằng nào thì hắn cũng sẽ đi qua cửa chính. Quá lắm, nếu hắn ở lại đêm, ta sẽ chộp con chim bồ câu nhỏ vào lúc sáng sớm, khi các cô đi đo nhiệt độ của bệnh nhân.
Kôbasi và Akikô trở về phòng các nữ y tá. Kaôru đang ngồi trên đi-văng đợi họ.
- Em nói đúng đấy Kaôru, - Akikô nói.
- Đã đuổi hắn ra chưa?
- Chưa.
- Tại sao?
- Sáng mai ta sẽ bắt quả tang. Còn cô ta thì sẽ mời ra khỏi bệnh viện, - Kôbasi đáp.
- Mời ai ? Mời cô Hanađzyô ư? - Akikô ngơ ngác nhìn anh. - Chỉ vì một chuyện vặt vãnh như vậy?...
- Vặt vãnh à? Đưa đàn ông vào phòng mà là chuyện vặt vãnh à? Tôi nhổ tọet vào cái danh tiếng "minh tinh" của cô ta, tôi không dung thứ được những chuyện bê bối như vậy đâu.
- Nhưng ta làm gì có bằng chứng?
- Sẽ có. Chỉ riêng cái việc có một người lạ ngủ lại đêm trong phòng cô ta cũng đủ rồi.
- Nhưng bác sĩ Naôê...
- Ông ấy là bác sĩ điều trị cô ta, nhưng chịu trách nhiệm xảy ra ban đêm lại là bác sĩ trực. Và với tư cách bác sĩ trực, tôi cho rằng cách xử sự của cô ta không thể nào dung thứ được.
- Không biết Naôê có đồng ý như vậy không?
- Nói chung ông ta nương nhẹ cô ấy quá. Nữ nghệ sĩ mà lại! Cũng rất có thể ông ta có ý đồ gì với cô ấy. Nói thế chứ chắc là không phải... Bây giờ thì ông ta biết rõ người cô ấy như lòng bàn tay mình rồi còn gì.
- Sao anh thô bỉ thế? - Akikô nhăn mặt.
- Cái bọn nghệ sĩ ấy ... là tôi chúa ghét, Kôbasi kết luận một cách hằn học, và ngay lúc ấy ngòai cửa xuất hiện một người đàn ông. Người lạ mặt rất cao lớn - đầu hắn gần chạm đến đà ngang - và để tóc dài theo thời trang.
Trông thấy hắn đầu tiên là Akikô. Vì bất ngờ, cô ta còn giật nẩy lên nữa là khác.
- Ông là ai ? - Cô ngạc nhiên hỏi, đồng thời bất giác nhận thấy người lạ mặt rất đẹp trai.
- Tôi muốn ra khỏi đây, nhưng cửa trước đóng mất rồi. - Người đàn ông có một gịong trầm êm như nhung và một cách phát âm rất chuẩn xác.
- Ra khỏi đây? ... - Akikô thảng tốt quay lại nhìn Kôbasi; Kôbasi và Kaôru đứng yên ngơ ngác nhìn người khác. Cuối cùng ai mới nói:
- Ông là ai?
- Kenzi Tanimôtô.
Mấy cô gái đưa mắt nhìn nhau: cái tên này rất quen thuộc đối với họ.
- Cái gì, cái gì? - Kôbasi hỏi lại, và Akikô khẽ thì thầm bên tai anh:
- Ca sĩ hát nhạc nhẹ, ăn khách nhất đấy.
Kôbasi nhìn người lạ mặt từ đầu đến chân.
- Nãy giờ ông ở đâu?
- Trong phòng bệnh nhân.
- Phòng nào?
- Phòng sáu trăm lẻ một, tức phòng của Đzyunko Hanađzyô, - người đàn ông trả lời rành mạch, vẻ thản nhiên, không hề có chút nào lúng túng.
Kôbasi bất giác nháy mắt.
- Thế ông làm gì ở đấy? - Anh hỏi, giọng rất đanh.
- Chẳng có gì đáng kể. Nghe nhạc, nói chuyện.
- Thế à? Chỉ có thế thôi à?
Tanimotô chỉ khẽ cười một tiếng. Gương mặt hắn lúc này trông rất thật thà.
- Rất tiếc là tôi không thể nói thêm gì nữa.
- Thế à?
- Nói chung, tôi không có nhiệm vụ phải báo cáo chi tiết. - Tanimôtô lại cười.
Akikô và Kaôru nhìn hắn như thể bị thôi miên.
- Ông biết rằng Hanađzyô vừa qua một phẫu thuật chứ? Ông nghĩ thế nào, quấy rầy một người bệnh như thế có tốt không?
- Chính cô ấy yêu cầu tôi đến.
- Buổi tối à?
- Không, chẳng qua giờ này tôi rỗi.
- Theo tôi, bất kỳ ai cũng có thể hiểu được rằng ngồi lỳ trong phòng riêng của một người đàn bà cho đến tận đêm khuya là rất chướng.
- Tôi xin lỗi. Tôi không biết có thể ở lại phòng bệnh nhân cho đến mấy giờ. - Tanimôtô cúi đầu có vẻ cam phận.
- Đây là bệnh viện chứ không phải là hộp đêm. - Cái vẻ xuề xòa và cái bề ngòai trau chuốt của người đàn ông làm cho Kôbasi mỗi lúc một thêm khó chịu. - Mà ông là ai mới được chứ ! Không phải chồng, cũng chẳng phải vị hôn phu... Thật là trân tráo lạ lùng!
- Xin ông tha lỗi.
- Tôi có bổn phận phải ghi lại việc này trong sổ trực. Ông đã có mặt vào lúc đêm khuya trong phòng một nữ bệnh nhân. Tôi không biết ai có lỗi, Hanađzyô hay là ông, nhưng tôi nhất định sẽ thông báo việc này cho bác sĩ trưởng.
- Thế rồi sao nữa ạ?
- Có thể là chúng tôi buộc lòng phải yêu cầu Hanađzyô ra khỏi bệnh viện.
- Xin lỗi, tôi không có ý muốn hỏi về cô ấy...Như tôi thì cái vị có thể cho tôi ra khỏi đây không?
Không hề che dấu ác cảm. Kôbasi một lần nữa nhìn Tanimôtô từ đầu đến chân.
- Địa chỉ? Mục đích đến bệnh viện?
Tanimôtô trả lời một cách sốt sắng.
Kôbasi ghi lại những câu trả lời trong sổ trực, ở mục "biến cố".
- Phải... Tôi đã thấy rõ là không có gì có thể làm ông nao núng được.
- Một lần nữa tôi xin bác sĩ thứ lỗi cho. - Tanimôtô xử sự như thể hắn không cảm thấy Kôbasi có ác cảm với mình.
- Cho ông ta ra. - Kôbasi quay ngoắt lưng lại. Khi Tanimôtô đã ra ngòai anh càu nhàu. - Chỉ nói chuyện với hắn thôi cũng đã thấy tởm. Một thằng xỏ lá!
- Một người đàn ông thực sực ! - Mắt vẫn nhìn cái khung cửa mà Tanimôtô vừa đi ra, Akikô thở dài mơ mộng.
- Cô thích những thằng ngu vậy à ?
- Ngu hay không thì cũng chưa biết. Nhưng đẹp trai quá chừng...
- Mai tôi sẽ nói hết với Naôê.
Cố trấn áp nỗi bực tức, Kôbasi rít mạnh điếu thuốc lá.