về đến quan thuộc tìm Ðằng Dực, bảo y sai người tìm ngay Hoàn Xỉ về Hàm Dương.
Nào ngờ Kinh Tuấn nghe tin thì đến, biết mình không có phần cùng đi nên một mực đòi Hạng Thiếu Long cho mình đi cùng Cuối cùng hai người Hạng, Ðằng cũng chấp nhận.
Hạng Thiếu Long vào cung gặp tiểu Bàn, xin phong cho Kinh Tuấn một chức phó tướng quân, còn quân đô ky giao lại cho Xương Bình quân, Triệu Ðại tạm thời phong làm phó thống lĩnh, đến đó chuyện này mới xong.
Tiếp theo là ra quân doanh trại ở ngoài thành, chọn lựa tinh binh, quân già yếu đều được trả về, còn tân binh thì giao cho Mông Võ, Mông Ðiềm huấn luyện.
Ðêm ấy Hoàn Xỉ về đến Hàm Dương cả ba huynh đệ cùng với Hoàn Xỉ và Ô Quả trải bản đồ ra, nghiên cứu chi tiết hành quân trong suốt một đêm.
Sáng sớm mọi người chỉ ngủ được một chốc rồi chia nhau hành sự.
Hạng Thiếu Long vào cung gặp tiểu Bàn để bàn bạc tiếp, ngoài Xương Bình quân, Lã Bất Vi, còn có Vương Quan, Lao ái và thái hậu Chu Cơ.
Lã Bất Vi tuy hận không thể giết chết Hạng Thiếu Long nhưng vì lợi ích của mình, nên cũng không muốn Hạng Thiếu Long thua trong trận này do đó tỏ ra hợp tác.
Cho tới lúc này, Hạng Thiếu Long mới biết nước Tần giàu mạnh đến mức nào, về mặt lương thảo, xe ngựa đều không có vấn đề gì cả, gã muốn bao nhiêu thì được cấp bấy nhiêu.
Bàn bạc xong, Lã Bất Vi, Chu Cơ, Lao ái quay về, còn Hạng Thiếu Long quay sang tiểu Bàn, Xương Bình quân và Vương Lăng mà nói rằng, „Giờ đây kẻ địch đánh thắng liên tục, năm nước đều đồng lòng, khí thế như cầu vồng, nếu vi thần quyết chiến với kẻ địch, thì chắc chắn sẽ bại. Cách duy nhất là, trước tiên khiến cho địch sinh lòng tự đại, rồi lại dụ vào sâu, lại còn dùng cách tiêu thổ, cho dân chúng rút khỏi những nơi ấy, đợi cho kẻ địch kéo quân cách xa căn cú của chúng, rồi mới lợi dụng sự hiểm hóc của rừng sâu núi cao, dùng ky binh đột kích, nếu thắng thì đuổi đánh đến cùng, đánh không được thì rút lui. Dùng cách này để làm hao nhuệ khí của quân địch để đến khi thời cơ chín muồi, thì lại quyết chiến với quân địch, nếu dùng cách này thì có thể nắm được chín phần chiến thắng."
Mắt ba người cùng đồng thời sáng lên.
Hạng Thiếu Long nói, „Trong số chủ tướng của quân địch, quá nửa là người quen của vi thần, biết vi thần trước nay dũng mãnh không sợ chết, lại nghe vi thần cầm binh thì sẽ đoán được thần lập tức khiêu chiến, do đó thần sẽ y theo suy nghĩ của họ, thua vài trận nhỏ rồi rút lui, giả vờ xây thành đắp lũy để cố thủ. Lúc này mùa hạ sắp hết, mùa thu đông sẽ đến, kẻ địch không muốn bỏ lỡ thời cơ sẽ tấn công mạnh mẽ. Trước khi mùa đông đến, thần sẽ sắp xếp mọi thứ ở Tối Thành, đợi bọn chúng đến. Chỉ cần có thể thắng được một trận, bọn chúng sẽ sợ mùa đông tuyết rơi khó đi mà bị cắt đứt hậu viện, cho nên lập tức rút lui, đó là cơ hội của chúng ta đuổi theo."
Vương Lăng than rằng, „Chả trách nào Lộc Công lúc còn sống đã đoán rằng Thiếu Long sẽ trở thành một mãnh tướng, chỉ nghe chiến thuật của ngươi nói thì đã biết ngươi dùng binh như dùng đao, biết người biết ta trăm trận không thua."
Hạng Thiếu Long cười gượng nói, „Nói ra thì dễ, nhưng lúc thực hành phải cẩn thận không thể để xảy ra sai lầm.
May mà chủ soái của liên quân không phải là Lý Mục, nếu không sẽ không bao giờ trúng kế được."
Tiểu Bàn vui mừng nói, „Nếu so với Lý Mục ta thấy thái phó cũng không kém bao nhiêu, đêm nay quả nhân chắc sẽ ngủ ngon lắm đây."
Xương Bình quân nói, „Thiếu Long khải hoàn quay về, ta sẽ bày tiệc rượu tại Túy Phong lâu để chúc mừng."
Cười nói một hồi Hạng Thiếu Long mới quay về quan thuộc, ngạc nhiên thấy Hạng Bảo Nhi đang chơi đùa cùng bọn đô ky trong quảng trường, bọn thê tử cũng từ mục trường quay về, lại còn có cả Châu Lương. Thấy gã thì liền quỳ xuống cao giọng nói, „Châu Lương may mắn không nhục mệnh, đã đem ưng vương trở về."
Hạng Thiếu Long cả mừng kêu lên, „ưng vương ở đâu."
Châu Lương hân hoan đứng dậy chu mồm huýt mấy tiếng sáo. Một tiếng gió vút đến.
Hạng Thiếu Long giật mình ngửa mặt lên nhìn, chỉ thấy có một con chim ưng màu xám đen giang cánh ra khoảng năm xích, từ trên bổ xuống, đậu ngay trên vai Châu Lương, đôi mắt sáng quắc nhìn mọi người chung quanh Châu Lương.
Hạng Thiếu Long hít một hơi dài nói, „ưng vương không cần dùng vuốt sắt hay sao?"
"Ðương nhiên không cần nếu không làm sao được gọi là vua của loài ưng? Tiểu nhân mất một năm mới có thể tìm được nó lại mất thêm hai năm để huấn luyện mới có thể đem về gặp Hạng gia. Vừa rồi nghe nói Hạng gia ngày mốt sẽ cầm quân ra cửa Hàm Cốc. Châu Lương muốn đi theo Hạng gia dùng ưng vương để dò thám tình hình cho Hạng gia đảm bảo có thể lập được kỳ công."
Ô Ðình Phương kéo Châu Vi đến bên Hạng Thiếu Long, cười nói, „ưng vương này rất có linh tính, hình như hiểu được lời của Châu Lương nói. Bọn thiếp vừa rồi dù nấp ở đâu cũng bị nó tìm ra ngay, cả nấp trong nhà nó cũng biết thò đầu vào trong cửa để tìm, thật là thú vị."
Hạng Thiếu Long nghĩ ưng vương này quả là một vệ tinh gián điệp có thể dò thám tình hình quân địch từ trên cao, cười lớn, „Ðã có ưng vương nhất định trận này sẽ không thua."
Châu Lương kêu lớn một tiếng, ưng vương đập cánh bay vút lên trời cao, trong chốc lát đã biến thành một chấm đen nhỏ ưng vương trên bầu trời trong mảnh rừng phía dưới là đại quân nước Tần.
Binh chủng của nước Tần chủ yếu được phân thành lục quân và thủy quân. Thủy quân thì không bằng lục quân.
Lục quân lại chia thành xa binh, ky binh và bộ binh.
Xa binh trong thời Chiến Quốc có tác dụng kém hơn thời Xuân Thu, nhưng khi đánh nhau ở vùng bình nguyên bằng phẳng thì tác dụng ấy vẫn còn lớn, ví dụ như xông vào quân địch, làm rối loạn hàng ngũ quân địch hoặc làm thành hàng lũy, ngăn cản sự tấn công của quân địch.
Xong từ Hàm Cốc đến Hàm Dương toàn là núi non, bản thân của Hạng Thiếu Long lại không giỏi dùng xa binh nên lần xuất chinh này không cần dùng xa binh nữa, chủ yếu chỉ dùng bộ binh và ky binh.
Từ ngày Hạng Thiếu Long phát minh ra được cây Bách Chiến bảo đao, tiểu Bàn đã sai người theo mẫu sản xuất ra rất nhiều, rèn một loại trường đao có sống dày, tuy không bằng cây Bách Chiến bảo đảm nhưng cũng giúp ky binh của quân Tần trở nên lợi hại hơn nhiều, đây là lần đầu tiên được đem ra dùng.
Trong số mười lăm vạn quân, ky binh chiếm hơn ba vạn, có cả quân đô ky và quân tốc viện, ngoài ra có một ngàn tinh binh của Ô gia. Ðội ky binh này chính là lực lượng chinh chiến chủ yếu của Hạng Thiếu Long.
Bộ binh chia làm hai loại là bộ binh nhẹ và bộ binh nặng. Bọn họ đều là quân chính quy đã được huấn luyện ở quân, huyện.
Bộ binh nhẹ không mặc áo giáp sắt, sử dụng vũ khí như cung, nỏ, khi đánh nhau thì dàn quân ở phía trước, chuyên giết địch ở cự ly xa.
Bộ binh nặng mặc áo giáp sắt dùng các loại vũ khí như qua, mâu, búa, mâu dài để chiến đấu xáp lá cà với quân địch.
Trong đội binh của Hạng Thiếu Long, bộ binh nhẹ có ba vạn người, còn bộ binh nặng chiếm đến bốn vạn người.
Trong thời đại này, sự thắng bại ngoài yếu tố vận dụng các sách lược chỉnh thể, thì phải xem tướng soái phát huy các sở trường của binh chủng và sự phối hợp hài hòa giữa các binh chủng như thế nào.
Còn về biên chế quân đội thì đại khái chia như sau, năm người gọi là một ngũ, năm mươi người gọi là một đồn, tù năm mươi người trở lên đến năm ngàn người gọi là một khúc, năm khúc là một bộ, cho nên một bộ là hai vạn năm nghìn người. Thực lực của Hạng Thiếu Long có được bốn bộ.
Theo như quy chế của nước Tần, các cấp quân tướng đều có thể quân thuộc về mình, thông thường thì có thể chiếm được một phần mười, cũng giống như Hạng Thiếu Long trước kia có ba ngàn tinh binh, giờ đây đã tăng lên một vạn người.
Vì chiến sự khẩn cấp như hiện nay, Mông Ngao và Vương Hột dù có đem binh về triều đình thì vẫn không giải tán quân riêng của mình, bởi vì số quân này có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho thống soái, cho nên Mông Ngao năm xưa có thể sai người đột kích mục trường.
Vì vậy một khi đã trở thành một đại tướng cầm quân, không những địa vị trong tay tăng lên mà thực lực trong tay cũng nhiều lên.
Tri thức quân sự của Hạng Thiếu Long chủ yếu là thế kỷ hai mươi mốt, tuy đã nghiên cứu xong Mạc Tử binh pháp nhưng vẫn không giữ theo, mà chia binh chủng hỗn hợp ra cùng với Kinh Tuấn, Ðằng Dực đem ky binh đi trước, Hoàn Xỉ đem ky binh đi ở phía sau, tiếp theo là Ô Quả nắm giữ đoàn ngựa la, chở các vật nặng.
Vì gã có ý dụ địch về sau, quân chủ lực của Hoàn Xỉ và Ô Quả đến Tối Thành thì dừng lại, một mặt phòng thủ kiên cố, sắp đặt cạm bẫy, một mặt thì do Hoàn Xỉ huấn luyện cho binh lính quen với địa hình ở đây để tránh hành quân xa mệt nhọc, lại có thể giúp đỡ dân chúng ở trong vùng dời đến ở phía sau như Cao Lăng, Chỉ Dương.
Hành quân vốn là chuyện lớn trong chiến tranh. May mà trên đường đi đến tiền tuyến đều là đường quan đạo rất an toàn trong biên giới nước Tần, lại thêm có ưng vương dẫn đầu, cho nên rất mau chóng.
Năm ngày sau, ky binh của Hạng Thiếu Long dừng lại ở Tối Thành, phía bên phải là những dãy núi lớn như Lệ sơn, Trúc sơn, phía trước là Hoa sơn, địa thế nhấp nhô không bằng phẳng. Hạng Thiếu Long vì muốn giữ thực lực cho quân mình, nên mỗi ngày đều xuất phát từ lúc sáng sớm đến sau giờ ngọ thì cắm trại nghỉ ngơi, cho nên dĩ tốt không hề mệt mỏi.
Từ Tối Thành đi về phía đông mười ngày nữa, cuối cùng đã đến Hoa sơn.
Nếu đây là một cuộc du ngoạn thì trên đường có rất nhiều cảnh đẹp. Lúc này mùa hạ nóng bức, cây cối xanh tươi.
Ðáng tiếc là mọi người không có lòng thưởng thức, trên đường đi chốc chốc có một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu vạn trượng, dòng Thủy Ðức xa xa đang chảy, chỉ đành cẩn thận nếu không sẽ té xuống như chơi.
Châu Lương trở thành tùy tùng bên cạnh Hạng Thiếu Long. ưng vương chốc chốc lại bay về đậu trên lưng y. Sự khăng khít giữa người và vật khiến cho Hạng Thiếu Long cảm thấy rất hâm mộ.
Gã giờ đây đã hiểu người Tần đánh sáu nước phía đông thì dễ, mà sáu nước đánh Tần thì khó hơn lên trời. Nước Tần nhờ có thiên nhiên hiểm trở mà giờ này gã có thể sử dụng diệu kế, cũng chính nhờ vào địa thế này.
Năm nước thực ra cũng đang trong tình trạng chiến tranh nghi ngờ lẫn nhau. Chỉ vì người Tần quá mạnh nên tạm thời ngưng chiến, liên kết lại để đánh Tần. Sự hợp tác đó sẽ không thể nào kéo dài được.
Cho nên nếu gã là Bàng Noãn, thì gã sẽ đánh vào Hàm Dương để tránh đêm dài lắm mộng.
Cho nên gã cùng không lo Bàng Noãn không trúng kế.
Ði được năm ngày đường núi thì đến đoạn đường tương đối bằng phẳng, cuối cùng đã gặp được Mông Ngao đang dắt thân binh của mình về lại Hoa sơn.
Hạng Thiếu Long, Ðằng Dực, Kinh Tuấn và Mông Ngao cử hành nghi thức trao binh phù trong trướng.
Mông Ngao kể tường tận tình thế giữa địch và ta ở tiền tuyến, lời nói không lạc quan.
Cuối cùng thì kết luận rằng, „Bàng Noãn không hổ là tướng nổi tiếng ở các nước phía đông, giờ đây đóng quân ở Hàm Cốc rõ ràng là chờ đại quân của chúng ta đến rồi quét sạch một mẻ thừa thế tấn công đến Hàm Dương, nay thấy Thiếu Long đến đây bằng khinh kỳ thì ta thấy Thiếu Long nhìn thấu được tâm ý của Bàng Noãn, không giao phong toàn diện với y nữa, lão phu thật là vui mừng."
Hạng Thiếu Long thầm khen y là danh tướng mới nhìn đã thấy được tâm ý của gã, chỉ mỉm cười chứ không nói gì.
Mông Ngao thở dài hạ giọng nói, „Ta có thể nói vài lời với Thiếu Long chăng."
Bọn Ðằng Dực hiểu ý vội vàng đi ra khỏi trướng.
Mông Ngao ngửa mặt nhìn lên, có vẻ như khó mở lời, một lát sau mới thở nữa nói, „Ta chưa bao giờ hạ mình cầu xin kẻ khác, nên trước nay không được lòng người Tần, may được trọng phụ đề bạt, nên mới có cơ hội thi triển tung hoành nơi sa trường, nam chinh bắc phạt, xây dựng nên nghiệp lớn."
"Mọi người đều có lập trường của mình, điều này tại hạ hiểu, „ Hạng Thiếu Long gật đầu nói.
Mông Ngao nhìn gã rồi nói, „Mông Ngao này đã có hai đứa con, Thiếu Long từng cứu chúng một lần, lão phu hy vọng rằng Thiếu Long đừng bỏ chúng, lão phu sau này sẽ báo đáp."
Hạng Thiếu Long chột dạ, hiểu y đã biết Mông Võ và Mông Ðiềm đi theo mình.
Mông Ngao cười khổ não, „Lã Bất Vi sau cùng cũng không đấu lại Hạng Thiếu Long, Bàng Noãn lần này cũng không làm được trò trống gì, nhưng Thiếu Long cẩn thận Lý Mục. Kẻ này rất giỏi, trăm trận trăm thắng. Dù nước Triệu thua trận Trường Bình, chúng ta cũng không dám đánh Triệu, bởi vì kẻ này vẫn còn. Nếu như Thiếu Long thắng trận này, bị quân sẽ giao trọng trách đánh Triệu, khi gặp người này thì phải vạn lần cẩn thận."
Hạng Thiếu Long cảm thấy lo lắng, Vương Hột cũng nói như vậy, giờ đây Mông Ngao cũng nói như thế, sau khi về Hàm Dương bảo tiểu Bàn lập tức triệu Vương Tiễn về, như vậy mình không phải đối mặt với Lý Mục trên chiến trường.
Mông Ngao lại thở dài rồi mới bước ra khỏi trướng.
Hôm sau nhổ trại tiếp tục xuất phát, đến chỗ quân Tần lui binh năm mươi dặm. Hạng Thiếu Long ra lệnh hạ trại, đắp các công sự phòng ngự chặn lại con đường duy nhất đi ra phía tây.
Lúc này tướng giữ ở tiền tuyến là Trình Quân nghe tin thì đến bái kiến vị thống soái mới này.
Khi mọi người lên đỉnh đồi quan sát tình thế, Trình Quân báo cáo lại sự việc.
Hạng Thiếu Long nói, „Nếu chúng ta tính không lầm, thì liên quân sẽ tấn công mạnh mẽ khi chúng ta đến, có gắng phá hủy phòng ngự, đả kích sĩ khí của quân ta, cho nên các ngươi phải chia nhau ra mà rút lui."
Trình Quân lo lắng nói, „Vạn lần không thể, nếu quân ta rút lui thì sĩ khí sẽ giảm xuống, không ai muốn ở lại đây để chờ chết, chỉ cần quân địch tấn công nữa thì không đánh cũng tan rã. Vả lại khinh ky của kẻ địch rất nhanh nếu đuổi theo phía sau, chúng ta e rằng sẽ rất nguy hiểm."
Hạng Thiếu Long mỉm cười, „Lời này của Trình tướng quân rất phải, song ta muốn bọn chúng tưởng rằng kinh nghiệm của ta không đủ, khiến chúng phạm sai lầm chí mạng. Mà vấn đề lớn nhất là lui mà không loạn, lui mà không hao binh dũng tướng."
Khi Trình Quân đang ngạc nhiên, Ðằng Dực nói, „Toán quân rút lui thứ nhất của chúng ta là những binh sĩ già yếu bị thương, đồng thời tung tin ra rằng viện quân của chúng ta đã đến, lại thổi phồng lên là ba mươi vạn người do Vương Tiễn và Hạng đại tướng quân thống xuất, như thế có thể làm yên lòng quân không xảy ra tình trạng rối loạn."
Trình Quân nghe mà trố mắt ra, cho dù binh bất yếm trá, thường là gạt kẻ địch, còn cả người của mình cũng gạt, thì quả thật là hiếm có, nhưng cũng phải thừa nhận đây là cách hay nhất để làm yên lòng quân.
Hạng Thiếu Long là một nhân vật anh hùng mà ở đại Tần ai ai cũng biết, tuy chưa có quân công nhưng là thần tượng sùng bái của quân Tần, uy tín rất cao; mà Vương Tiễn thì có chiến công đầy mình, danh lừng khu vực biên cương tây bắc, nếu hai người này mà cùng cầm quân đến chi viện, sĩ khí sao không tăng cho được.
Hạng Thiếu Long cười nói, „Ta và Ðằng Dực tướng quân đưa Trình tướng quân về lại doanh trại trong đêm tối sắp xếp mọi thứ, Trình tướng quân và quý thuộc bộ cứ nghỉ ngơi, dưỡng đủ tinh thần để lát nữa hành sự."
Tướng quân đã hiểu vui mừng đi xuống.
Hai người Hạng Thiếu Long và Ðằng Dực dắt theo Châu Lương, mười tám thiết vệ và binh sĩ của Ô gia, phóng ra khỏi doanh trại nghiên cứu địa hình chung quanh, xem thử sẽ sắp xếp như thế nào để khi lui binh, thì có thể chặn đường truy kích của kẻ địch.
Ðến hoàng hôn mới quay về doanh trại, ăn cơm xong, lại cùng Trình Quân lẻn về phía trận tiền.
ưng vương bay lên trời cao quan sát trước tình hình của quân địch, khi phát hiện ra quân địch thì báo lại, nên họ đã tránh được.
Trình Quân chưa bao giờ thấy một thám tử như thế này, lúc đó nói lời bái phục không ngớt. Lúc này lòng tin đối với Hạng Thiếu Long càng tăng hơn.
Doanh trại của quân Tần đóng ở trên đồi cao, sát với con đường đi vào nước Tần, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra bình nguyên, chỉ thấy mười mấy dặm đèn đuốc sáng trưng như sao. Khắp nơi đều là trại của quân địch, khiến ai nấy cũng lo lắng.
Khi Hạng Thiếu Long đến nơi, Trình Quân cứ y như Hạng Thiếu Long mà tung tin ra quả nhiên sĩ khí tăng lên, ai nấy đều nóng lòng chuẩn bị phản công.
Lúc này Ðằng Dực và Châu Lương dắt theo một ngàn tinh binh của Ô gia, những người này rất giỏi leo trèo trên núi, chiến đấu trong đêm tối, ẩn vào trong sườn núi. Dựa vào đôi mắt tinh tường của ưng vương quét sạch thám tử kẻ địch, vượt núi băng rừng, tránh dò thám để tránh tiết lộ bí mật.
Hạng Thiếu Long triệu tập toàn bộ tướng lĩnh đến, khích lệ một phen rồi hạ lệnh đưa tất cả những người ốm yếu bị thương rút lui, mọi người còn tưởng rằng gã có lòng thương xót nên vui mừng nhận lệnh.
Ðến khi trời sáng, Hạng Thiếu Long đã đưa đi gần ba vạn người chỉ để lại mười hai vạn binh lính tương đối khỏe mạnh, giữ ở tuyến đầu.
Trình Quân cùng gã thị sát khắp nơi, cả hai cùng nhìn lên đồi quan sát chỉ thấy địch ta đều đặt trại ở trên cao, lợi dụng thế núi hiểm trở, ở bên ngoài các doanh trại đều có hàng rào bằng gỗ, đó là những công sự có thể chống được máy bắn đá, lại còn đào những con hào dài hàng mấy dặm, tạo thành thế đối địch.
Chỗ Mông Ngao chọn hạ trại rất có lợi, một bên là Hoàng Hà, lấy sông làm giới tuyến, một bên là vực sâu, chim trời cũng khó bay qua. ở gần đó là quả núi tạo thành hàng rào và hào sâu thiên nhiên, ở mỗi ngọn núi đều có đặt mộc trại, gần một trăm mộc trại, có thể tiếp ứng cho nhau, về mặt phòng thủ có thể nói là rất kín kẽ, chả trách nào có thể cầm cụ kẻ địch hơn một tháng.
Trình Quân chỉ hơn một chục chiếc thuyền đậu ở ven sông bên phía doanh trại kẻ địch, nói, „Ðó là thuyền của người Ngụy, chở lương thực, trang bị, binh sĩ đến, trong đó có những công cụ để phá trại, tình thế ở đây thật không hay."
Ðằng Dực nói, „Bọn chúng đã tấn công lớn bao nhiêu lần."
Trình Quân nói, „Lúc mới đầu đã tấn công lớn hai lần, nhưng đã bị chúng ta đẩy lùi, nhưng cả hai bên đều có thương vong rất nặng."
Hạng Thiếu Long đưa mắt nhìn khoảng bình nguyên xa xôi, khi nghĩ đến những trận chiến kịch liệt lại nhớ đến những người bạn cũ như Hàn Sấm, Từ Ấy Tắc cũng đang theo dõi phía bên mình, trong lòng trăm mối tơ vò.
Ðằng Dực nhìn thấy doanh trại dài dằng dặc và cờ quạt như biển của quân địch, hít một hơi nói, „Chả trách nào Mông đại tướng quân phải thua trận, chỉ nhìn cảnh bố trí doanh trại của kẻ địch thì cũng biết đến kẻ cầm đầu quân địch rất tinh thông binh pháp. Giờ đây binh lực của địch gấp năm lần chúng ta nếu dùng hỏa công và đánh úp trong đêm, không quá mười ngày thì có thể phá được trại của chúng ta. Ta thì đã biết bọn chúng án binh bất động, chỉ là chờ viện binh của chúng ta đến để khi người ngựa mệt mỏi, thì ra tay quét sạch chúng ta một lần!"
Khi Hạng Thiếu Long ngửa mặt lên trời nhìn ưng vương, Trình Quân đang chỉ trỏ sắp xếp binh lực của năm nước và cờ quạt của từng quân.
Hạng Thiếu Long hít một hơi, bỏ tất cả những ý nghĩ khiến gã buồn lòng, hạ lệnh, „Sự việc không thể chậm trễ, ngày mốt chúng ta hãy giả vờ đại quân vừa mới đến để dụ kẻ địch tới, đồng thời chất cỏ và củi khô trong trại, phóng hỏa đốt trại để cản kẻ địch, rồi chia nhau ra rút lui."
Hai người Ðằng, Trịnh nhận lệnh.