Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Con chó vàng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 6080 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Con chó vàng
Georges Simenon

9. Chiếc hộp khảm trai
Maigret đang trong tâm trạng vui vẻ nên ngày hôm sau trong khi thanh tra Leroy đi theo ông, anh mới dám mạnh dạn gợi chuyện. Anh đã đặt ra nhiều câu hỏi.
Kể ra không phải không có lý khi người ta nói vì sao sự nghỉ ngơi thư giãn lại có thể đem lại trạng thái vui vẻ. Điều ấy có lẽ cũng do thời tiết bất ngờ đẹp lên. không trung dường như được lau chùi sạch sẽ. Bầu trời lồng lộng một màu xanh phơn phớt, nhưng rung rinh, lấp lánh những làn mây nhẹ. Thực ra, chân trời mở ra rộng hơn như thể người ta đã đào hõm thêm vào cái chỏm trời hình bán cầu. Biển hoàn toàn phẳng lặng, lấp lánh, được cắm những cánh buồm nhỏ giống như những ngọn cờ đính.
Chỉ cần có một tia nắng mặt trời để làm biến đổi Concarneau, vì khi ấy những bức thành của thành phố cổ thảm thê, ảm đạm dưới mưa sẽ lấy lại màu trắng chói chang, rực rỡ.
Các nhà báo sau ba ngày qua bận rộn, chạy đi chảy lại mệt nhừ, bây giờ ngồi nhấm nháp tách cà phê và cùng nhau chuyện trò vui vẻ. Một trong số họ mặc quần áo ngủ, chân xỏ dép đi trong nhà, bước xuống.
Maigret bước vào phòng của Emma, đúng hơn là vào một kiểu tầng hầm có cửa sổ rất hẹp mở ra đường hẻm, còn trần thì dốc nghiêng, chỉ có ở giữa phòng mới có thể đứng thẳng người được. Cửa sổ vẫn mở. Không khí mát lạnh, nhưng ở đấy người ta cảm thấy được sự vuốt ve mơn trớn của mặt trời. Một người đàn bà lợi dụng ánh nắng để phơi quần áo lên cửa sổ ở phía bên kia ngõ hẻm. Trong một khoảnh sân của trường tiểu học, lên tiếng ồn ào của giờ ra chơi.
Và Leroy ngồi trên mép của chiếc giường nhỏ bằng sắt nhận xét:
- Tôi chưa hoàn toàn hiểu hết những phương pháp của ông, ông cảnh sát trưởng ạ, nhưng tôi tin rằng tôi đã bắt đầu đoán được…
Maigret nhìn anh bằng đôi mắt cười cợt, phả vào trong nắng một ngụm khói lớn.
- Anh gặp may đấy, anh bạn thân mến ạ! Nhất là đối với những gì liên quan đến việc này, trong ấy chẳng có phương pháp gì của tôi đâu… Nếu anh muốn có một lời khuyên tốt, nếu anh nắm chắc được tiến trình, thì nhất thiết anh đừng lấy theo khuôn mẫu của tôi, mà cũng đừng cố để rút ra những lý thuyết của những việc anh thấy tôi làm…
- Thế mà bây giờ tôi nhận thấy ông đang đạt tới những chỉ tiêu cụ thể, sau khi…
- Đúng, sau đấy! Sau hết! Nói cách khác tôi điều tra ngược lại những gì có thể không cản trở tôi tiến hành cuộc điều tra sắp tới ở nơi… Vấn đề là không khí. Vấn đề là những cái đầu. Khi tôi đến đây, tôi đã đụng phải một cái đầu mua chuộc tôi nhưng tôi đã không chịu thả lỏng cuộc điều tra này.
Nhưng ông không nói cái đầu ấy là của ai. Ông vén một tấm ga trải giường cũ che một cái giá treo áo. Trên giá có một bộ quần áo Bretague bằng nhung đen mà có lẽ Emma dành cho những ngày lễ.
Trên bàn trang điểm, có một chiếc lược đã gãy nhiều răng, những chiếc kẹp tóc và một hộp bột phấn hồng. Trong ngăn kéo, ông đã thấy được cái mà có lẽ
ông muốn tìm: một chiếc hộp khảm trai óng ánh mà người ta thường bán trong tất cả các cửa hàng tạp hoá ven biển. Chiếc hộp có thể đã được mười năm và nó đã chu du khắp nơi có mà Trời biết bằng con đường nào, được ghi những chữ:
"Kỷ niệm ở Ostende".
Từ trong đấy, bốc ra một mùi của bìa các-tông cũ, của bụi bặm, của chất thơm và của giấy đã vàng khè. Maigret ngồi ở mép giường gần người bạn đồng nghiệp, kiểm kê những vật nhỏ bé bằng những ngón tay dùi đục của mình.
Có một dây tràng hạt băng những viên thuỷ tinh xanh hình khối lục lăng xâu bằng sợi dây mảnh bằng bạc, một ảnh tượng trong lễ ban thánh thể đầu tiên, một lọ nước hoa đã dùng hết, có lẽ Emma giữ lại chỉ vì hình dáng của nó rất đẹp và có thể cô đã thấy nó trong phòng của một bà thuê nhà…
Một bông hoa bằng giấy, kỷ niệm của một buổi khiêu vũ hay một ngày lễ còn giữ được màu sắc đỏ tươi.
Bên cạnh, một cây thánh giá nhỏ bằng vàng là vật độc nhất ít nhiều có giá trị.
Trong đống bưu ảnh có một cái in hình một khách sạn lớn ở Cannes. Mặt sau có chữ viết của một người đàn bà:
Tốt nhất nà cô tến tây hơn nà cô ở nại trong cái nỗ bẩn thỉu của cô mà thời gian lào cũng có mưa. Chúng ta sẽ kiếm ra tiền. Chúng ta muốn ăn gì tuỳ thích, Tôi ôm hôn cô.
- Louise Maigret đưa tấm bưu thiếp cho viên tranh tra, rồi chăm chú nhìn một trong những bức ảnh của hội chợ mà người ta có được khi thi bắn bia trúng hồng tâm.
Qua việc tì khẩu súng các bin lên vai, người ta thấy người đàn ông nheo một bên mắt. Hắn có một khổ vai rộng, đội chiếc mũ lưỡi trai. Còn Emma thì mỉm cười nhìn về phía mục tiêu, công khai cầm lấy cánh tay hắn. Dưới tấm bưu ảnh, có ghi: Quimper.
Một bức thư bằng giấy nhàu nát, có lẽ cô đã đọc đi đọc lại nhiều lần:
Em yêu quý.
"Đã ước là được: anh đã có một con tàu rồi. Tên của nó sẽ là: Emma - xinh đẹ" . Cha xứ Quimper đã hứa với anh là làm lễ đặt tên cho nó vào tuần tới với nước thánh, những hạt lúa mì, muối và tất cả,và có cả sâm banh, vì anh muốn đấy là một cái lễ mà người ta nói đến mãi ở trong xứ.
Điều ấy lúc đầu sẽ hơi gay go là phải trả tiền bởi anh phải rót vào nhà băng mười lnghìn phơ răng một năm. Nhưng anh có ý định là phải chở đến một trăm cái nhào nhựa đường hình vuông bằng vải và bện cho nó mười cái nơ. Gần như chắc chắn trúng quả lớn khi chở hành tây đến nước Anh. Điều ấy nói cho em biết là chúng ta cần nhanh chóng cưới nhau. Anh đã tìm, được cách để chở chuyến hàng đầu tiên nhưng người ta đã lừa anh vì anh là người mới.
Bà chủ của em rất có thể nghĩ rằng em có hai ngày nghĩ cho lễ đặt tên bởi vì mọi người sẽ say sưa và em không thể trở về Concarneau. Anh đã phải, trả tiền những chầu đãi trong các tiệm cà phê vì lý do là con tàu đã ở trong cảng và nó có một lá cờ rất mới.
"Anh sẽ chụp ảnh và gửi cho em. Anh ôm hôn em vì anh rất yêu em trong khi chờ đợi em là vợ yêu quý của anh.
- Léon ***
Maigret bỏ lá thư vào trong túi, mơ màng nhìn số quần áo phơi ở phía bên kia ngõ cụt. Không còn gì nữa trong cái hộp khảm vỏ trai ngoại trừ một chiếc quản bút bằng xương cắt gọt đã tìm được trong một cái lăng trụ bằng thuỷ tinh, biểu trưng hầm mộ của Nhà thờ Đức bà ở Lourdes.
Người cảnh sát trưởng hỏi:
- Có ai trong căn phòng mà thường ngày tay bác sĩ chiếm giữ không?
- Tôi không nghĩ đến điều này. Các nhà báo đều ở trên lầu hai.
Ông cảnh sát trưởng còn tiếp tục lục tìm trong phòng lần nữa để khỏi áy náy nhưng chẳng thấy gì lý thú. Lát sau ông đã ở lầu một, đẩy cửa phòng số 3 là phòng có bao lơn nhô ra phía cảng và vũng tàu.
Chiếc giường gọn gàng, sàn đánh xi. Có những chiếc khăn sạch trên giá.
Viên thanh tra đưa mắt nhìn cấp trên của mình với một sự tò mò và hoài nghi. Trái lại, Maigret vừa huýt sáo vừa nhìn xung quanh, thấy một chiếc bàn con bằng gỗ sồi đặt trước cửa sổ, trên đấy có tấm lót tay và cái gạt tàn. Trên cái lót tay giấy trắng trên đầu in tiêu đề của khách sạn, và có một chiếc phong bì xanh cũng có dòng chữ như thế. Nhưng ở đấy cũng có hai tờ giấy thấm lớn, một tờ hầu như đen ngầu mực, tờ kia hơi lốm đốm chữ không rỏ.
- Anh bạn thân mến, hãy tìm cho tôi một cái gương soi.
- Cái lớn chứ?
- Sao cũng được! Một chiếc gương để tôi đặt lên bàn.
Khi viên thanh tra trở lại đã thấy Maigret đứng trên bao lơn, các ngón tay luồn qua vai áo gi-lê, đang hút tẩu thuốc lá có vẻ rất khoái chí.
- Cái này, được chứ?…
Cánh cửa sổ đóng lại. Maigret đặt đứng chiếc gương trên bàn và nhờ có hai cây nến nhặt được trên lò sưởi, ông dựng tờ giấy thấm trước mặt. Những chữ cái phản chiếu vào trong gương không phải là dễ đọc.
Những chữ, những từ bị thiếu, không nguyên vẹn, phải đoán mới biết được.
- Tôi hiểu rồi Leroy nói với một vẻ tinh ranh.
- Tốt! Vậy anh đến đề nghị với ông chủ mượn một cuốn sổ tay ghi chép của Emma hay bất cứ cái gì mà trên đấy có chữ của cô ấy…
Ông sao lại các từ bằng bút chì lên một tờ giấy… gặp anh… giờ… không có người ởtuyệt đối…
Khi viên thanh tra trở lại, ông cảnh sát trưởng đã phỏng chừng điền hết vào những chỗ để trống, khôi phục bản viết sau:
Em cần gặp anh. Ngày mai anh đến lúc mười một giờ trong ngôi nhà không có người ở nằm trên bãi chợ, hơi xa khách sạn. Em tuyệt đối tin tưởng vào anh.
Anh chỉ cần gõ cửa em khắc mở cho anh.
- Đây là cuốn sổ tay của chị thợ giặt mà Emma ghi cập nhật. Leroy nói.
- Tôi không cần đến nó nữa. Lá thư đã ký tên. Anh xem đây… mma - Nói cách khác là Emma. Và lá thư đã viết ra trong phòng này?
- Cô hầu phòng đã gặp lại người bác sĩ ở đâu? - Viên thanh tra hốt hoảng.
Maigret hiểu được sự ghê tởm của anh phải thừa nhận giả thiết này, nhất là sau khi chứng kiến tấn tuồng của đêm hôm trước.
- Trong trường hợp này thì chính cô ấy đã… ?
- Thong thả! Thong thả thôi, chú bé! Đừng kết luận vội vàng,Và nhất là đừng suy diễn!… Mấy giờ thì chuyến tàu đến, có lẽ sẽ đem Jean Goyard về cho chúng ta?
Mười một giờ ba hai phút…
- Đấy là điều anh sẽ làm, anh bạn thân mến! Trước tiên anh nói với hai đồng nghiệp đi kèm theo hắn, dẫn anh chàng đến sở mật thám cho tôi. Vậy là đến giữa trưa hắn sẽ đến đấy. Anh sẽ gọi điện thoại cho ông thị trưởng rằng tôi sẽ sung sướng được gặp ông ấy cùng giờ và cùng địa điểm ấy! Hãy chờ tí đã…
Cũng với lời truyền đạt như vậy. Và anh nhớ gọi điện thoại cho bà Michoux.
Cuối cùng, có khả năng lát nữa các nhân viên cảnh sát hoặc lính mật vụ sẽ dẫn Emma và gả người yêu của ả đến cho anh… Cùng nơi, cùng giờ! Tôi có sót ai không nhỉ?… Tốt! Còn một điều cần dặn thêm, không hỏi gì Emma khi không có tôi. Hãy ngăn cô ta lại, không để cho cô ta nói.
- Người nhân viên hải quan thì sao?
- Tôi không cần đến ông ta.
- Ông Mostaguen…
- Ờ! Không! Thế thôi.
Trong quầy cà phê, Maigret gọi một ly rượu địa phương, rồi nhấm nháp với vẻ khoái trá. Ông nói với các nhà báo:
- Việc xong rồi đấy, các ông ạ! Tối nay các ông có thể đi Paris.
***
Cuộc đi dạo qua các đường phố ngoắt ngoéo của thành phố cổ làm tăng thêm tâm trạng vui vẻ của ông. Và, khi đến trước cổng của sở mật thám, trên cao có lá cờ rực rỡ của nước Pháp, ông nhận thấy rằng do sự thần diệu của mặt trời, của ba màu sắc, của bức tường tràn trề ánh sáng, bầu không khí đã rộn lên sự hoan hỉ của ngày quốc khánh.
Một người lính già ngồi trên một chiếc ghế tựa ở phía trên cửa ngầm đang đọc một tờ báo vui. Mảnh sân với tất cả những viên gạch lát nhỏ, cách biệt nhau bởi những đường chỉ bằng rêu xanh; nó có vẻ vắng lặng của một tu viện.
- Ông đội trưởng đâu?
- Tất cả đã lên đường rồi, ông đội phó, ông đội trưởng như ông biết đấy, tất tật những người đàn ông đang truy lùng tên du đãng…
- Người bác sĩ không động đậy gì à?
Người đàn ông mỉm cười nhìn tấm cửa sổ có lưới sắt của nhà giam.
- Chẳng thấy có gì là nguy hiểm cả!
- Ông mở cửa ra cho tôi, đồng ý chứ?
Thế là khi những chốt cửa được kéo ra, ông thốt lên thân mật, vui vẻ:
- Chào bác sĩ!… Ông ngủ được chứ, ít ra là như thế?
Nhưng ông chỉ nhìn thấy một khuôn mặt xanh xao như lưỡi dao trên chiếc giường dã chiến, nhô lên một tấm chăn màu tro. Đôi đồng tử có vẻ vì lo lắng mà lỏm sâu vào hai hố mắt.
- Sao thế? Không được khỏe à?
- Rất đau - Michoux nói và ngồi dậy trên giường kèm theo cái thở dài - Đấy là quả thận của tôi, nó…
- Tôi mong người ta cấp cho anh những cái anh cần, được không?
- Được, ông thật là tử tế.
Michoux mặc nguyên cả quần áo ngoài để ngủ. Anh để thò hai cẳng chân ra ngoài chăn, ngồi dậy, đưa tay lên trán. Còn Maigret ngay lúc ấy cưỡi ngựa trên chiếc ghế tựa, hai tay đặt trên lưng tựa, thái độ phấn chấn.
- Anh nói xem? Tôi thấy anh đã gọi rượu buốc-gôn rồi đấy.
- Đấy là hôm qua mẹ tôi đem đến cho tôi. Tôi đã muốn tránh cuộc thăm này biết chừng nào. ỏ Paris mẹ tôi chắc đã phong thanh nghe được chuyện gì… Bà đã trở về.
Đường viền quanh mi mắt làm sệ phần nửa má không cạo, làm cho chúng như hõm sâu hơn. Và sự vắng thiếu của chiếc cà vạt, cũng như bộ comple nhăn nheo mà anh đang mặc càng làm tăng thêm ấn tượng khốn quẫn toả ra từ con người ấy. Anh ngừng lại, hung hắng ho. Anh công khai khạc vào chiếc khăn tay và nhìn vào đấy như một người sợ ho lao và giử ý tứ một cách lo âu:
- Ông có gì mới không? Anh hỏi với một thái độ chán nản.
- Viên mật thám chắc đã nói cho anh biết thảm kịch của tối hôm qua rồi chứ?
- Chưa. Chuyện gì thế? Ai đã bị?
Anh nép mình vào tường như chính anh sợ bị tấn công.
- Quái thật! Một người qua đường bị dính đạn ở cẳng chân.
- Và người ta bắt được tên…tên giết người chứ? Tôi mệt mõi quá rồi, ông cảnh sát trưởng ạ. Ông có thừa nhận rằng, cứ như vậy người ta sẽ điên hết. Lại là một người khách của quầy cà phê Amiral phải không?… Chính chúng tôi mà người ta nhắm vào. Tôi đã bóp trán suy nghĩ, tại sao mà không nghĩ ra. Đúng, tại sao? Mostaguen, Le Pommeret, Goyard. Và thuốc độc đã giành cho tất cả chúng tôi… Ông sẽ thấy đấy, chung quy rồi chúng cũng nhằm vào tôi thôi!…
Nhưng, tại sao, ông nói đi nào?
Anh không còn xanh xao nữa, mà đã trở nên tím nhợt. Và anh làm ra vẻ đau nặng, hoảng hốt; trông anh càng thảm hại, đáng thương hơn.
- Tôi không dám ngủ. Cái cửa sổ kia, ông xem, có những thanh sắt nhưng có thể kéo ngang ra được…Ban đêm, người lính gác có thể ngủ quên, hay lại nghĩ ngợi đâu đâu. Tôi không phải sinh ra để có cuộc sống như thế. Hôm qua, tôi đã uống hết cả chai này để may ra có thể ngủ được nhưng vẫn không hề nhắm được mắt. Tôi đã ốm! Nếu ít ra người ta hạ được tên du côn ấy cùng với con chó vàng của hắn… Có phải người ta đã thấy nó rồi không, con chó ấy mà. Nó vẫn quanh quẫn ở quầy cà phê chứ? Tôi không hiểu sao người ta không cho nó và chủ của nó một viên đạn.
- Chủ của nó đã rời khỏi Concarneau đêm hôm qua rồi.
- Chà!
Người bác sĩ dường như khó tin điều ấy.
- Ngay sau… sau khi nó gây ra tội ác mới chứ?
- Trước đấy cơ!
- Nhưng thế nào? Không thể như thế được! Cần phải tin rằng…
- Đúng là như vậy đấy. Tôi đã nói điều ấy cho ông thị trưởng, đêm qua. Một ông lảo thật kỳ cục, giữa chúng tôi, ông thị trưởng là… Anh, nghĩ như thế nào về điều này?
- Tôi à? Tôi không biết… Tôi…
- À mà, ông ấy đã bán cho anh những miếng đất trong lô… Anh hợp với ông ấy. Anh và ông ấy có lẽ như người ta gọi là bạn bè với nhau.
- Chúng tôi có những quan hệ công việc với nhau và là xóm giềng tốt của nhau… ở nông thôn…
Maigret nhận thấy lời nói đã rắn rỏi, tự tin hơn và cái nhìn của người bác sĩ cũng kém mơ hồ hơn.
- Ông đã nói gì với ông ấy?
Maigret rút cuốn sổ tay trong túi ra.
- Tôi đã nói với ông ấy rằng hàng loạt tội ác hay mưu toan giết người không thể xảy ra lại không có dính dáng đến một người nào trong số những người hiện nay chúng tôi quen biết. Tôi sẽ không kể lại từng thảm kịch một. Tôi tóm tắt, nói một cách khách quan đấy, về phương diện của người chuyên môn đấy! Mà này, chắc chắn là đêm hôm qua, anh không thể nào bắn vào người nhân viên hải quan được, điều ấy đã đủ để đặt anh ra bên ngoài vòng truy tố… Le Pommeret cũng không thể bắn vì người ta sẽ chôn cất ông ấy vào sáng mai. Cũng không phải là Goyard; người ta vừa mới gặp anh ấy ở Paris! Người này cũng như người kia trong số ấy không thể có mặt trong đêm thứ Sáu vừa rồi ở sau thùng thư của ngôi nhà không người ở. Emma cũng không phải…
- Nhưng tên du đãng và con chó vàng thì sao?
- Tôi đã nghĩ đến điều ấy! Không những không phải hắn đã đầu độc Le Pommeret, mà đêm hôm ấy hắn ở xa nơi đã xảy ra thảm kịch khi ông Pommeret đã… Vì vậy mà tôi đã nói với ông thị trưởng về một người lạ mặt, một tên X bí
ẩn có thể đã phạm tội vào những tội ác ấy! ít ra là…
- Ít ra là thế nào?
- Ít ra vấn đề không phải là một loạt!… Đáng lẽ là một kiểu tấn công của một bên thì anh lại cho rằng có một cuộc chiến thực sự giữa hai nhóm người hay giữa hai cá thể…
- Nhưng rồi sao, ông cảnh sát trưởng, tôi sẽ như thế nào đây? Nếu có những kẻ thù lạ mặt lảng vảng… tôi…
Và khuôn mặt của anh lại mờ đi. Anh đưa hai tay lên ôm đầu.
- Khi tôi nghĩ rằng tôi ốm, thì các thầy thuốc khuyên bảo tôi càng phải triệt để yên tĩnh. Ôi! Không cần phải có một viên đạn, cũng không cần phải có thuốc độc, để tôi mới… Ông sẽ thấy rằng quả thận của tôi nó sẽ là sự cần thiết.
- Anh nghĩ gì về ông thị trưởng?
- Tôi không biết! Tôi không biết gì cả. Ông ấy thuộc một gia đình rất giàu có… Khi trẻ, ông ấy đã sống một cuộc sống phóng túng ở Paris. Ông ấy có chuồng ngựa đua. Rồi ông có cuộc sống ổn định hơn. Ông đã bảo toàn được cơ nghiệp của mình và đã đến cư ngụ ở đây, trong ngôi nhà ông nội của người cũng từng là thị trưởng của Concarneau. Ông đã bán cho tôi số đất của ông không dùng đến. Tôi nghĩ rằng ông muốn được bổ nhiệm là Tổng uỷ viên hội đồng để cuối cùng vào Thượng viện.
Người bác sĩ đã đứng lên, anh ta đã gầy bớt đi đến mười kilo. Anh khóc.
Không lấy gì làm lạ khi anh có vẻ căng thẳng, bực dọc.
- Ông muốn hiểu như thế nào. Và cái anh chàng Goyard ấy đang ở Paris khi người ta nghĩ rằng… Anh ấy có thể làm gì được ở đấy. Và tại sao?
- Chúng ta sẽ nhanh chóng biết việc ấy vì anh ta sắp đến Concarneau rồi. Dù sao anh ta phải đến vào giờ mà anh ta phải…
- Người ta đã bắt anh ấy?
- Người ta đã yêu cầu anh ta đi theo hai người đàn ông đến tận đây. Sự việc không hẳn là thế…
- Anh ấy đã nói gì?
- Không gì cả! Đúng ra là người ta không hỏi gì anh ta cả!
Thế là, bổng nhiên viên bác sĩ nhìn trực diện người cảnh sát trưởng. Chỉ chốc lát máu đã dồn lên gò má.
- Điều ấy có nghĩa là thế nào? Tôi có cảm giác là ai đấy đã phát điên mất rồi!
Ông vừa nói với tôi về ông thị trưởng, về Goyard. Và ông nghe đây, tôi cảm thấy rằng sắp tới tôi sẽ bị giết chết. Mặc dù những tranh cãi kia sẽ không cản trở được gì cả. Mặc dù có anh lính to lớn, ngu đần kia đứng gác trong sân. Nhưng tôi không muốn chết. Tôi không muốn. Mong sao, ít ra là người ta cho tôi một khẩu súng ngắn để tôi tự vệ. Hay là người ta nhốt hết những kẻ muốn ám sát tôi, những kẻ đã giết Le Pommeret, bỏ thuốc độc vào chai…
Anh run rẩy từ chân đến đầu.
- Tôi không phải là một anh hùng! Nghề nghiệp của tôi không phải là bất chấp cái chết. Tôi là một con người, một người ốm đau bệnh hoạn. Và tôi có bản lĩnh; để sống được, phải đấu tranh chống lại bệnh tật. Ông hãy nói đi! Ông nói đi!… Nhưng ông làm gì nào?
Anh nổi khùng, đập trán vào tường.
- Tất cả cái này giống như một sự đồng mưu. Ít ra, người ta muốn làm cho tôi phát điên. Đúng! Người ta muốn giam giữ tôi. Ai mà biết được. Phải chăng mẹ tôi đã chán ngấy rồi? Vì tôi vẫn bo bo giữ cái phần tài sản thuộc về tôi trong của thừa kế của cha tôi. Nhưng tôi không để cho ai làm gì thì làm.
Maigret không động đậy. Ông vẫn ở đấy, chính giữa phòng giam trắng toát, trong đấy một bức tường tràn ngập nắng, hai khuỷu tay đặt trên lưng tựa của chiếc ghế, cái tẩu vẫn ngậm giữa hai hàm răng.
Người bác sĩ đi đi lại lại, bị giày vò bởi sự bồn chồn gần như điên loạn.
Nhưng, bỗng nhiên có tiếng nói vui nhộn trong phòng gần như mỉa mai và ngân nga của trẻ con. Cúc cu!
Ernest Michoux giật mạnh nhìn khắp tứ phía trong phòng giam trước khi nhìn thẳng vào Maigret. Bây giờ anh mới trông thấy khuôn mặt của viên cảnh sát trưởng đã rút cái tẩu ra khỏi liệng đang liếc mắt đùa giỡn với anh. Có cái gì như một tiếng cạch. Michoux đứng bất động, nhũn ra, đờ đẫn, có vẻ như muốn tan ra cho đến khi trở thành một hình bóng phi thực, chóng bị xoá nhoà.
- Chính ông đã…
Tiếng nói giống như từ đâu vọng đến, trên trần nhà dội xuống, hay từ trong một chiếc lọ sứ bật ra. Đôi mắt của Maigret vẫn cười cợt trong khi ông đứng dậy và nói bằng một sự nghiêm trang khích lệ tương phản với sắc thái, diện mạo của ông.
Bình tỉnh lại đi, bác sĩ. Tôi nghe những bước chân ngoài sân. Trong vài khắc nữa kẻ giết người, chắc chắn sẽ ở giữa bốn bức tường này.
Người lính mật thám đã hướng dẫn ông thị trưởng vào đầu tiên. Nhưng còn nhiều tiếng ồn khác còn ở ngoài sân.

<< 8. Ai là thủ phạm | 10. Con tàu Emma xinh đẹp >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 876

Return to top