Cái thời còn nền văn minh nông nghiệp, nghĩa là ở Châu Âu từ cuối thế kỉ XVIII trở về trước, ở nước ta trước thế chiến vừa rồi, tám, chín chục phần trăm số người hoạt động trong nước chuyên về công việc canh tác, mục súc để lo thỏa mãn nhu cầu cấp thiết nhất là ăn; nhu cầu đó các nhà kinh tế học gọi là nhu cầu sơ đẳng và những hoạt động canh tác, mục súc gọi là hoạt động sơ đẳng. Trong nước chỉ có khoảng năm, mười phần trăm số người hoạt động để chế tạo đồ dùng như quần áo, con dao, lưỡi cày, cái giường, cái chén, và xây nhà cửa… mà các nhà kinh tế học gọi là hoạt động nhị đẳng. Sau cùng năm, mười phần trăm nữa lo thỏa mãn nhu cầu tinh thần của mọi người, gọi là nhu cầu tam đẳng, và những hoạt động của họ (trị dân, dạy học, phục vụ nghệ thuật…) gọi là hoạt động tam đẳng.
Ở Châu Âu, qua thế kỉ XIX, kỉ thuật tấn bộ mạnh, nhiều nơi sản xuất dư thực phẩm rồi, nghề nông không còn lợi nữa, công nhân hóa dư ở thôn quê, hoạt động của số dư đó chuyển qua nhị đẳng; đâu đâu cũng có cuộc di cư ra thành thị kiếm ăn, số người trong hoạt động sơ đẳng giảm đi, từ 80-90% xuống lần lần còn 40, 30, 20% tổng số người hoạt động, mà số công dân trong hoạt động nhị đẳng tăng từ 10% lên tới 30-40% tổng số người hoạt động trong nước; đồng thời số người hoạt động tam đẳng cũng tăng lên theo. Tới lúc đó loài người chuyển từ văn minh nông nghiệp qua văn minh kỉ nghệ (cũng gọi là văn minh cơ giới).
Ở nước ta, những người hiện nay trên dưới sáu mươi tuổi, được mục kích sự chuyển tiếp ấy. Nó gây rất nhiều xáo động về phong tục, lối sống, lối cảm xúc, suy tư, cả về giáo dục, văn hóa nữa. Tôi chỉ xin kể một thí dụ điển hình: ở nước ta vào khoảng 1930 trở đi, ở Trung Hoa sớm hơn mười năm, các nhà văn tấn bộ đả đảo chế độ đại gia đình, hô hào tự do luyến ái, đề cao cá nhân chủ nghĩa, đâu phải là vô cớ; nguyên do là chính do xã hội bắt đầu từ văn minh nông nghiệp bước qua văn minh kỉ nghệ, dân quê bắt đầu rời làng mạc, họ hàng, thửa ruộng, nắm mồ ông cha ra thành thị sinh nhai, làm việc trong các nhà máy, nhà buôn, xưởng công kỉ nghệ… Điểm đó tôi đã trình bày trong bộ Văn học sử Trung Quốc hiện đại 1898-1960, ở đây tôi chỉ xét hậu quả của nền văn minh cơ giới trong sự tiêu thụ, đặc biệt là sự tiêu thụ các sản phẩm văn chương.
**
*
Trong nền văn minh nông nghiệp, con người chỉ lo sao cho khỏi đói trước đã, vậy mà cũng không xong; cứ vài ba năm lại gặp hạn hán hoặt lụt và hằng ức, hàng triệu dân chết đói đến nỗi Tô Đông Pha có lần tủi hổ rằng đọc thiên kinh vạn quyển mà không tìm được cách cứu đói cho dân. Vì lo ăn trước đã, cho nên nhà cửa, quần áo, đồ dùng… phải tiết giảm đi, thứ nào cần thiết lắm mới sắm, mà sắm thì lựa thứ bền chắc nhất, không cần đẹp. Bền chắc là giá trị số 1.
Nhà cửa chẳng hạn, các cụ nếu có tiền thì lựa toàn là danh mộc, không bị mối bị mọt; đá gạch, hồ, vôi dùng thứ thật tốt vì các cụ định cất nhà để ở đời đời. Như ngôi nhà của cụ ngoại tôi ở Hà Nội, tôi không biết cất năm nào dưới triều Tự Đức, tới anh em chúng tôi đã bốn đời rồi mà xà, cột bằng gỗ vẫn còn tốt. Mười mấy năm nay tôi không được tin tức gì ngoài ấy, nhưng chắc nếu không bị bom thì nó vẫn chưa sập, mà hiện tôi đã có cháu nội, vậy thì ngôi nhà ấy có thể dùng được năm sáu đời, ít nhất là 100 năm.
Quần áo các cụ may ít thôi nhưng cũng dùng toàn những hàng, vãi thật bền: “ăn chắc, mặc bền”. Tôi còn nhớ năm 1924 hay 1925, một ngày đầu đông, cụ giáo Du dạy trường Yên Phụ mặc một chiếc the thâm lót nhiễu vàng, coi như mới tinh mà cụ bảo đã mặc được trên mười năm rồi. Cụ vào hạng phong lưu, nhưng chắc trong rương của cụ chắc chỉ có dăm ba bộ áo ấm, chứ không hơn. Và có rất nhiều gia đình thôn quê vào hạng khá giả giữ được chiếc áo the, chiếc quần hay váy sồi từ hồi cưới, chết thì liệm theo. Sồi hồi đó dầy gần như hàng “săng tung” của Pháp.
Còn bàn ghế trong nhà thì thứ nào cũng “lão” cả ba bốn chục tuổi thọ là ít. Vì cái gì cũng phải cho bền, nên thợ làm rất kỉ. Một ông bác tôi chỉ muốn đóng một chiếc bàn, bốn chiếc ghế, một cỗ thọ, mà không mướn thợ trong miền, nhắn cho một chú thợ cả già từ phủ khác tới, rồi cơm nuôi trong nhà cả tháng. Dĩ nhiên gỗ phải lựa cả năm trước (nhờ một môn sinh buôn cây tìm giùm) rồi ngâm, phơi cho khỏi mọt và thật khô.
Trong các hoạt động tinh thần, điển hình là công việc trứ tác, cổ nhân còn kĩ lưỡng hơn. Viết ít thôi, nhưng suy nghĩ, đẽo gọt rất lâu, năm lần bảy lượt hay hơn nữa. Ở Pháp thế kỉ XVII, La Bruyère, La Fontaine suốt đời chỉ viết vài cuốn. Vậy mà một người Anh, Barnaby Rich năm 1600 đã phàn nàn rằng:
“Một cái ung nhọt của thời này là có nhiều sách quá, không làm sao tiêu hóa hết được những chất vô giá trị được “đẻ” ra trong mỗi ngày và lan tràn khắp thế giới” [1].
Hai mươi tám năm sau, cũng một người Anh, Robert Burton viết:
“Chẳng bao lâu nữa chúng ta sẽ thấy một cảnh hỗn độn mênh mông về sách; chúng ta bị đề nghẹt, mắt ta nhức nhối vì đọc nhiều quá, ngón tay ta ngán không muốn lật trang nữa”[2].
Hai người đó nếu sinh ra sau hai thế kỉ sẽ hoảng hốt tới mức nào. Vì qua thế kỉ thứ XIX, người ta mới bắt đầu viết nhiều, nhiều nhất là Dumas-cha, Balzac, Hugo. Chateaubriand tuy cũng viết nhiều nhưng lại nói: “Tôi sợ nguời nào chỉ viết một cuốn sách” (Je crais l’homme d’un seuil livre) nghĩa là ông đã đẽo văn từ công phu mà vẫn ân hận rằng mình viết nhiều quá, vội quá.
Ở Trung Hoa, đời Tấn, Tả Tư bỏ ra mười năm chuốt bài Tam đô phú, đời Đường, Giả Đảo mừng rằng “ba năm làm được hai câu thơ, ngâm lên hai hàng lệ ròng ròng” (lưỡng cú tam niên đắc, nhất ngâm song lệ lưu). Viết nhiều nhất có lẽ là Tô Đông Pha đời Tống, nguồn hứng và sự học hỏi, từng trải của ông rất phong phú, mà toàn tập của ông cũng chỉ độ năm ngàn trang. Thời xưa người ta lo lưu danh thiên cổ, lo “vượt thời gian, mà muốn lưu danh, lượng không cần bằng phẩm. Lý Mật chỉ có một bài Trần tình biểu, Vương Hi Chi chỉ có một bài Lan Đình tập tự, Khổng Trĩ Khuê chỉ có một bài Bắc sơn di văn cũng đủ vượt thời gian và cả không gian; có nhà chỉ nhờ vài câu mà được mọi người biết danh, như Trương Tiên đời Tống làm chức lang trung được người đời thường gọi là “Lang trung đào lí giá xuân phong” vì thích câu “đào lí giá xuân phong”[3] của ông quá.
Ở nước ta, ngoài Lê Quí Đôn và Phan Huy Chú, hai bậc siêu nhân ấy lấy trứ tác làm lẽ sống còn thì mỗi nhà trung bình chỉ được vài ba tập mỏng. Mà công việc của hai họ Lê và Phan là công việc sưu tầm, biên khảo, không cần tô chuốt nên hai cụ mới viết cả vạn trang được.
Tới thời Nam Phong, nhờ ảnh hưởng của phương Tây, nhờ nghề in phát triển, các nhà văn bắt đầu coi cầm viết là một nghề, nên phải viết nhiều, nhưng viết chuyện và siêng nhất Phạm Quỳnh cũng chỉ được vài ba ngàn trang.
Tóm lại, trong thời văn minh nông nghiệp, hoạt động văn chương cũng theo cái luật chung của các hoạt động nhị đẳng và tam đẳng khác, nghĩa là rất hạn chế. Cái gì không nuôi sống con người thì đều là xa xỉ phẩm cả. Nhưng nhờ vậy mà việc trứ tác hóa nghiêm trang, cao quý, tuyệt nhiên không vụ lợi (dẫu có vụ thì cũng không sao có lợi được); người cầm bút nào cũng thận trọng, tác phẩm nào cũng đẽo gọt, mà địa vị họ được tôn trọng, sách của họ quí như bảo vật.
Quí vì hiếm. Hồi tôi còn để chỏm, nhà tôi không có tủ sách mà chỉ có hai cái cặp sách. Cặp sách chúng tôi cao độ tám tấc tới một thước, gồm bốn cái cọc, một tấm ván gọi là đế, bề mặt bằng khổ tờ giấy bản gấp đôi nghĩa là chiều dài độ ba tấc, chiều ngang độ hai tấc, đóng hai cái quai để treo lên, hoặc xách hoặc khiêng, thêm một tấm ván ở trên để dằn sách xuống. Khi đổi chỗ thì nguời ta gánh, y như trong truyện Kiều:
“Túi đàn, cặp sách đề huề dọn sang”.
Một cái cặp như vậy chứa tứ thư, ngũ kinh, bộ Bắc Sử (Sử Trung Hoa), bộ Khang Hi tự điển thì vừa đủ. Còn cái nữa chứa ít sách thuốc, địa lí (tức sách phong thủy) tử vi, bói; vài bộ ngoại thư như: Đường thi, Tình sử, Liêu trai, Văn tâm điêu long và ít cuốn truyện Nôm: Kiều, Hoa tiên…
Một ông bác tôi chỉ có hai cặp sách gồm sáu bảy chục cuốn mà đã là nhiều sách nhất tổng. Muốn mua sách thì có hai cách: xuống Hà Nôi, hoặc đợi các người gánh sách đi bán. Ở Hà Nội các tiệm sách của Hoa Kiều hàng Ngang, hàng Bồ chắc có nhiều sách, nhưng bác tôi chẳng bao giờ tới đó cả, hoặc là vì không tiền, hoặc là không cần dùng sách họ bán. Bác tôi chỉ lại các tiệm sách của mình ở hàng Gai. Tôi nhớ khoảng 1925 còn đâu được ba tiệm bày những sách in mộc bản ở trên một tấm phản kê hơi cao, chiếm gần hết cửa hàng. Có chừng trăm thứ sách rẻ tiền, thứ quí chắc cất riêng ở phía trong ai hỏi mới lấy ra. Rồi ít năm sau các tiệm ấy cũng dẹp luôn, thay vào những tiệm “bazar”[4].
Còn những người đi bán sách dạo thì tôi chỉ thấy được một hai lần. Họ gánh đôi bồ chứa sách, ghé ở nhà bác tôi ở quê. Có lẽ cả năm họ mới ghé một lần, bán sách thì ít mà đổi sách thì nhiều: đổi sách lấy giấy đã viết rồi để ra tỉnh bán lại cho những nhà làm lọng, làm quạt. Họ cũng như hạng người mua giấy báo cũ bây giờ. Về sau số người cần sách mỗi ngày một hiếm, họ không đổi sách mà đổi kẹo mạch nha lấy giấy rồi sau nữa, người học chữ Nho rất hiếm, giấy cũ cũng không có, nghề đó dẹp luôn. Sách hiếm như vậy cho nên một ông bạn của ông nội tôi làm Bố chánh[5], có được bộ Truyền kì mạn lục, hãnh diện lắm, gặp ai cũng khoe, nhưng không dám cho ai mượn. Nó quí cũng như lọ cổ đời Tống hay đời Minh.
Ngay đến sách quốc ngữ, hồi 1920 cũng rất ít. Tiệm Vinh Hưng Long của cụ Nguyễn Văn Ngọc hàng Đường chỉ bán dăm sáu chục thứ mà đa số là những truyện bằng thơ như Kiều, Nhị độ mai, Hoa tiên… của nhà in Xuân Lan và ít sách giáo khoa của nha Học Chánh. Tiểu thuyết hình như không có. Phải vào hạng giàu mới dám mua tiểu thuyết; muốn đọc truyện Tàu thì lại tiệm Cát Thành ở đầu đường hàng Gai mà thuê mỗi cuốn hai xu đọc trong ba ngày và phải kí quỹ ba hào. Ba hào hồi đó ít gì cũng bằng 500 đồng bây giờ.
**
*
Như trên tôi đã nói, đầu thế kỉ XIX, văn minh kỉ nghệ thay văn minh nông nghiệp. Đủ ăn rồi người ta nghĩ tới ăn cho ngon hơn, mặc cho đẹp hơn, ở cho thảnh thơi hơn, tiêu khiển nhiều hơn mà học hỏi cũng nhiều hơn.
Số người làm ruộng bớt đi, mà số thợ tăng lên. Các sáng chế, phát minh (như máy chạy bằng hơi nước, máy nổ, máy điện…) xuất hiện liên tiếp; rồi các kĩ sư các nhà kinh doanh một mặt tân thức hoá các dụng cụ sản xuất, một mặt tổ chức công việc, đầu tư thêm hoài để sản xuất mỗi ngày một nhanh, một nhiều.
Năng xuất tăng theo một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử. Chỉ từ 1900 đến 1955, năng suất về điện tăng gấp 37 lần, về xe đạp gắp 6 lần.
Sản xuất nhiều như vậy thì phải tìm cách tiêu thụ. Ngành quảng cảo xuất hiện. Nó tạo thêm nhu cầu cho con người. Nhu cầu của tôi ngày nay chắc nhiều gắp mười nhu cầu của ba tôi nửa thế kỉ trước. Ông cha chúng ta chỉ cần cơm ba bát, áo ba manh, bây giờ chúng ta cần có cơm, có sinh tố, sữa, kẹo; xà bông phải hai ba thứ, khăn có khăn mặt, khăn mùi xoa và khăn tắm, giày phải vài ba đôi, dép cũng vậy; nhà phải có bếp ga, tủ lạnh, có máy thu thanh, máy ti vi, tháng nào cũng phải mua dăm ba cuốn sách, chưa kể nhật báo, tuần báo, báo ta, báo Pháp, báo Mĩ… Toàn là nhu cầu khoa quảng cáo tạo ra cho ta hết: không uống sữa X thì không đủ chất bổ, không dùng dao cạo Y thì cạo không nhẵn, không hút thuốc X thì không lịch sự, vân vân… Từ khi Ford mở xưởng chế tạo xe hơi, ông ta tạo thêm một nhu cầu cho con người nữa, ông áp dụng phương pháp của Taylor và Fayol, chế tạo xe cho thật nhiều, thật rẻ để người nào cũng có thể mua được, mà sự thật hiện nay ở Mĩ đa số gia đình thợ thuyền đều có xe hơi cả. Ngay từ 1927 mà xưởng của ông ta cứ bảy giây đồng hồ đã sản xuất được một chiếc xe hơi.
Nhu cầu lại tạo thêm nhu cầu. Chẳng hạn có xe hơi thì không dùng tới hai cẳng nữa, bắp chân bắp đùi tóp đi, thịt nhảo nhẹt, ta phải tạo ra một đồ thể thao: nằm ngửa ra, hai chân đạp như xe đạp để luyện bắp thịt ở chân. Có xe hơi thì không lẽ chỉ lái tới sở và từ sở lái về nhà. Phải đi du lịch, thế là thêm biết bao nhu cầu phụ thuộc vào du lịch. Nhất là phải bảo hiểm nhân mạng và bảo hiểm chiếc xe nữa. Nhiều xe quá đường phố mắc nghẽn, lại phải mở đường cho rộng, đặt đèn xanh đèn đỏ, xây những đường trên không (như chiếc cầu treo ở trước chợ Bến Thành)[6] và đường dưới hầm. Nếu mỗi nhu cầu chỉ tạo thêm hai nhu cầu khác thôi, thì trong nửa thế kỉ nhu cầu tăng theo cấp số nhân, gây ra biết bao nhiêu công việc cho nhân loại.
Vậy mà sức sản xuất cao hơn mức tiêu thụ, người ta phải nghĩ cách tăng sức tiêu thụ lên nữa, để cho xưởng khỏi phải đóng cửa, thợ khỏi phải thất nghiệp. Tiêu biết nhiêu tiền vào quảng cáo mà kết quả vẫn chưa như ý, người ta phải thay đổi lối sống, phải thay đổi quan niệm về tiêu thụ, mục đích của tiêu thụ. Xưa kia, bền bỉ là giá trị số một, ngày nay nó bị coi rẻ. Nếu một chiếc đồng hồ mà dùng được cả một đời người thì thợ đồng hồ thất nghiệp hết. Phải chế tạo rất nhiều kiểu, đành rồi, đồng hồ đeo tay, đồng hồ chuông, đồng hồ ngâm nước được khi tắm, đồng hồ chỉ một phần mười giây, đồng hồ chỉ ngày tháng…, mà rồi phải làm sao gây cho người ta cái ý nghĩ rằng đồng hồ chỉ để dùng được dăm ba năm thôi dù nó vẫn chạy thì cũng phải liệng đi. Giá trị số một ngày nay là mới, mỗi ngày mỗi mới: nhật nhật tân. Coi y phục các bà thì biết. Tóm lại, xưa người ta sản xuất để tiêu thụ, nay người ta tiêu thụ để có thể sản xuất. Xưa, thời văn minh nông nghiệp, tiết kiệm là một đức, thì nay, thời văn minh tiêu thụ, lãng phí mới là một đức, cũng như xưa có nhiều con là phước lớn, nay là đại hoạ. Rồi sự hạn chế sinh dục sẽ bắt buộc và sự phá thai sẽ được khuyến khích nữa. Giá trị đảo lộn hết.
Cụ ngoại tôi cất nhà để con cháu ở trong trăm năm; bây giờ con tôi cất nhà chỉ để ở trong ba chục năm vì sau ba chục năm nó hoá cổ lỗ, dù còn vững thì con tôi cũng phá đi cất lại theo kiểu khác, bằng những vật liệu khác; không vậy thì ít nhất cũng phải sửa chữa thật nhiều cho nó có vẻ hợp thời một chút; chưa biết chừng vài chục năm nữa, nó dùng toàn nhà tiền chế ở ít năm rồi bỏ, dùng kiểu nhà khác.
Cũng như xe hơi vậy, mỗi năm ra một kiểu mới mà hạng người gọi là sang trọng, có kiểu 1971 thì không dùng kiểu 1970 nữa; ở Mĩ, xe hơi bắt đầu hư bộ phận quan trọng nào là đem vô “nghĩa địa xe hơi”, không ai mà phí công sửa. Vã lại nhân công đắt quá, sửa cũng tốn gần bằng mua mua đồ mới.
Đã từ lâu, ở Mĩ người ta chế tạo đĩa chén bằng giấy, ống chích bằng nhựa, dùng một lần rồi liệng vào thùng rác, khỏi phải rửa, phải nấu; một thời ở Sàigòn đã có những thiếu nữ bận y phục bằng giấy, một hai lần rồi liệng đi, khỏi phải giặt.
Máy móc mỗi ngày một nhiều, sức sản xuất mỗi ngày một tăng thì chỉ có cách đó: tiêu thụ cho thật nhiều và thật mau, mới có đủ công việc cho nhà máy, cho thợ. Văn minh tiêu thụ là vậy.
Lối sản xuất cho thật nhiều đó phổ biến ở các nước kĩ nghệ, chưa lan vào nước ta, một phần vì mấy chục năm nay chúng ta bị cái nạn chiến tranh, một phần vì các nước đàn anh không muốn cho chúng ta tăng gia sản xuất mà cạnh tranh với họ; nhưng cái thói tiêu thụ cho thật nhiều đã xâm nhập trong mọi giới trong xã hội ta rồi; tủ áo bà nào cũng chứa vài chục cái, chưa cũ đã liệng đi, máy thu thanh kiểu 1955 như cái tủ con chưa hư mà cũng phải bỏ để thay vào một máy transitor; ngay giới thợ thuyền cũng vậy, đã biết sống kĩ nguyên tiêu thụ, có thứ hàng mới thì áo còn dư cũng mua về[7].
Văn chương cũng theo luật sản xuất cho nhiều và tiêu thụ cho mạnh: cái thời của các “tác giả một cuốn sách” đã thuộc vào thời hồng hoang. Mới ngày nào người ta còn ngưỡng một những tác giả viết được năm ngàn trang sách, bây giờ một người sống bằng nghề cầm bút mà suốt đời chỉ viết được năm ngàn trang thì có thể chết đói. Balzac, Hugo hay Maurois, mỗi ngày đều đều viết từ ba tới năm trang, không đáng làm gương cho người ta soi nữa; vì kí giả nào thời này cũng phải sản xuất ít nhất bấy nhiêu trang mới tạm đủ sống – nếu độc thân. Cứ cho mỗi ngày họ viết năm trang đánh máy thôi (nghe nói có người viết gấp năm vì phải cung cấp mười (?) truyện feuilleton cho mười tờ báo!) mỗi tháng cũng đã được 125 trang rồi, một năm 45.000 trang và nếu họ viết từ hồi ba chục tuổi tới hồi sáu chục tuổi thì được 45.000 trang. Vậy kỉ nguyên tiêu thụ của chúng ta là kỉ nguyên của các cây viết năm vạn trang chứ không phải năm ngàn trang.
Muốn viết được bấy nhiêu, phải có một kĩ thuật. Kĩ thuật đó là kĩ thuật của các nhà làm báo Âu, Mĩ. Họ tạo ra lối văn mà họ gọi là style standard: rất sáng sủa, ai đọc cũng hiểu, không rườm rà, đôi khi dí dỏm, nhất là không lưu một chút dấu vết cá tính của người viết, có vậy mới thành standard (tiêu chuẩn), thành thử đọc chục bài của mười người người khác nhau viết về một vấn đề ta vẫn tưởng như một người viết. Họ thấy một cuốn sách hay nhưng dài hoặc rườm rà, họ xin phép viết lại, theo style standard của họ; bạn gởi tới cho họ một bài, họ cũng viết lại mà chẳng cần xin phép; họ chuyên làm cái nghề viết lại, nên người ta gọi là rewriter (người viết lại). Có những trường dạy làm báo và cả những trường hàm thụ dạy viết văn, chuyên đào tạo hạng rewriter. Viết đã trở thành một kĩ nghệ như kĩ nghệ xe hơi, kĩ nghệ đồng hồ, hoặc nói như Tản Đà, nó đã thành một nghề bửa củi: mỗi ngày phải viết bao nhiêu trang cũng như thợ bửa củi phải bửa bao nhiêu khúc. Không còn nhởn nhơ, tuỳ hứng được nữa, và tối kị cái việc đẽo gọt. Vì văn chương trong kỉ nguyên tiêu thụ này sản xuất để tiêu thụ như Coca-cola, ni-lông, chứ không phải để thưởng thức.
Một anh bạn tôi viết tiểu thuyết mới đây phàn nàn rằng thời nay tiểu thuyết gia nào may mắn lắm cũng chỉ nổi danh được trong dăm năm rồi thì chìm, không ai được như Nhất Linh hoặc Khái Hưng giữ tiếng tăm và địa vị cho tới khi chết, mà kĩ thuật của họ đâu phải kém Nhất Linh và Khái Hưng.
Tôi đáp:
- Anh xét đúng lắm. Nhưng thời nay viết tiểu thuyết để tiêu thụ, nghĩa là để bán, chứ đâu phải để cầu danh, lưu danh. Ở Pháp, từ năm 1893, anh em nhà Goncourt cũng đã phàn nàn: “Ngày nay phải sản xuất một kiệt tác mỗi năm thì người ta mới khỏi quên mình”. Cái quan niệm viết để “vượt thời gian và không gian” đã hoá lỗi thời; vượt không gian thì tương đối dễ, chỉ cần đập vào tính hiếu kì của người ngoại quốc là có thể vượt không gian được, nhưng như vậy không nhất định đã là tài; còn vượt thời gian thì không khác gì nhà kĩ nghệ muốn sản xuất một kiểu xe hơi để dùng vài ba thế hệ.
Mà lời hô hào của các nhà văn phải có hùng tâm làm cái công tác mở đường, tự tạo cho mình một chỗ đứng cũng thật là quá thừa. Ai cầm viết mà chẳng muốn mở đường, và thời này lại có một lớp nhà văn ráng mở đường[8]. Phái tân tiểu thuyết ở Pháp đã một thời rầm rộ mở đường đấy nhưng con đường đó, cỏ gai nay đã phủ hết. Còn cá nhân thì vừa mở xong một con đường, tưởng là mới, đã có người mở con đường khác rồi. Vì số nhà văn ngày nay đông quá. Một nhân vật trong cuốn Khu ung thư của Soljenitsyne đã phàn nàn:
“Thế kỉ trước (ở Nga) chỉ có mười nhà văn đều là nhà văn lớn cả. Và bây giờ thì có hàng ngàn; chỉ đổi một chữ cái trong tên bất kì một nhà nào là được tên một nhà văn khác. Chẳng hạn có nhà văn Safronov mà lại có nhà văn Safonov (…). Người ta thấy lần lượt xuất hiện những nhà văn không ai biết tên, họ được những giải Staline rồi thì chìm luôn. Mỗi cuốn chỉ hơi dầy một chút, xuất bản năm trước là năm sau được giải thưởng, và mỗi năm có từ 40 đến 59 giải thưởng”.
Nước Nga rộng lớn như vậy, trên hai trăm triệu dân, mà chỉ có “hàng ngàn” nhà văn thôi ư? Ở miền Nam nước mình hiện nay cũng tròm trèm con số đó rồi. Ở Mĩ thì phải hàng vạn, hàng chục vạn. Đông nghẹt như vậy làm sao có đủ chỗ đứng cho cho mọi người? Cho nên người nào mới chen được một chỗ đứng thì người sau đã lại lấn mất. Họ mới nổi thì đã chìm, chìm luôn. Muốn khỏi chìm thì chỉ có cách đừng nổi, nghĩa là viết lối văn standard, vô thưởng vô phạt, không ai khen, không ai chê, mà ai cũng đọc được. Dĩ nhiên đọc rồi thì liệng đi. Tiểu thuyết “feuilleton” chỉ sống một ngày vì báo in chỉ đọc một ngày. Tiểu thuyết in thành sách sống lâu hơn, có thể sống được dăm ba năm; nhưng ở Âu, Mĩ có khi chỉ sống được vài ngày; loại sách bỏ túi bên đó rẻ quá, người ta đem ra bãi biển đọc xong rồi liệng xuống biển. Ở nước ta vài chục năm nữa sẽ tới giai đoạn đó. Tóm lại văn ngày nay, ai cũng đọc, ai cũng viết, không còn là của một thiểu số may mắn nữa. Người đọc muốn mới hoài, nên tiểu thuyết không thể thọ như xưa nữa.
Từ thời Tư lực văn đoàn tới nay chỉ mới có hơn một thế hệ mà đã cách nhau như hai thời đại, hai thế giới: trước viết tiểu thuyết là làm một công trình nghệ thuật, trịnh trọng như dệt một tấm gấm để mặc cả chục năm, nay chỉ sản xuất như một thứ hàng ni lông. Mỗi khi tàu tới có cả chục kiểu hàng mới và thiếu nữ nào cũng may cả chục chiếc áo mới để mặc đến mùa sau là bỏ; thì mỗi năm cũng phải có chục tiểu-thuyết-gia-mới viết cả trăm tiểu thuyết để người ta đọc xong rồi bỏ.
Thơ không chắc đã thọ hơn. Những thể thơ cũ như thơ luật, thơ lục bát, ngay cả “thơ mới” thời tiền chiến ngày nay cũng rất ít người làm vì nó tốn công quá. Phải làm thơ tự do để được mau và nhiều. Tại thơ khó bán nên các nhà thơ tự do hiện nay sản xuất còn thấp lắm; mỗi năm trung bình một tập, nếu để bán người ta đủ sức sản xuất mỗi tháng một tập, vì không cần vần, không cần nhạc, chỉ tốn công hơn văn xuôi một chút thôi. Tới khi sản xuất được tới các mức đó thì người mua về đọc xong cũng liệng đi. Hiện nay cả trăm bài thơ đăng báo trên các báo mỗi ngày, có bao nhiêu bài được độc giả cắt giữ lại? Đa số cũng chịu cái số phận của tờ báo, chỉ sống được 24 giờ. Đúng là một loài hoa sớm nở tối tàn.
Loại biên khảo và phổ thông kiến thức bây giờ ít năm phải viết lại, nếu không thì hoá cổ lỗ: vậy tuổi thọ của nó nhiều lắm là mười năm. Năm nào ở Pháp người ta cũng cho ra cả chục cuốn về Trung Cộng, về Iraël, và hễ có sách 1968 thì ai mua sách 1967. Hai xứ đó đương biến chuyển mạnh, như vậy là phải; nhưng ngay về lịch sử thế giới, về học thuyết Freud, triết lí Nietzsche… từ trước đến nay đã có bao người viết mà cứ vài ba năm lại có một cuốn mới. Sách về lịch sử thế giới nhiều vô số kể. Năm 1948 nhà Payol (Pháp) dịch bộ Esquisse de l’Histoire Universellecủa H.G Wells báo chí khen rần rộ, bây giờ ít còn ai mở bộ đó ra đọc nữa mà tìm bộ Histoire de la Civilisation của Will Durant.
Ngay học thuyết các đại tư tưởng gia cũng không thoát được luật đào thải tốc độ mỗi ngày mỗi tăng đó. Các thế kỉ trước, mỗi thế kỉ sản xuất được vài nhà lập ngôn làm thay đổi cục diện thế giới, như thế kỉ XVII có Descartes, Bacon, thế kỉ XVIII có Darwin, Newton, cuối thế kỉ XIX có Karl Marx, Nietzsche; qua thế kỉ XX, học thuyết phát sinh như nắm mùa mưa: Freud, Bergson, Einstein và vô số các nhà khoa học khác; Heidegger, Sartre… Sartre mới nổi danh từ sau thế chiến thứ nhì thì bây giờ đã chìm rồi. Triết lí hiện sinh đã hoá cổ lỗ, học thuyết cơ cấu[9] lên như diều gặp gió, nhưng cũng đã muốn đứt dây. Thọ mạng của các học thuyết thời xưa có thể được vài ba thế kỉ, ngày nay chỉ vài ba chục năm. Một học thuyết mới thành hình, được một số nhà phê bình hoan nghênh rầm rộ; kế đó cả trăm nhà phổ thông kiến thức gắng sức giới thiệu trên báo, trong sách; khi hạng trung nhân biết sơ sơ mặt mũi nó ra sao thì lúc đó nó đã hoá lão vì khi người ta hiểu hoặc tưởng đã hiểu được nó rồi thì nó hết hấp dẫn. Tới thần Isis[10] kia mà để cho tín đồ vén bức màn che mặt lên rồi thì cũng hết thiêng, huống hồ là các nhà tư tưởng. Cho nên muốn cho học thuyết của mình thọ thêm được một chút thì cứ viết thêm cho khó hiểu, như Foucault, tác giả cuốn Les mots et les choses.
Độc giả luôn đòi hỏi những cái mới, mỗi ngày mỗi mới, nên các nhà văn hoá phải sản xuất hoài “nếu không thì sự đòi hỏi không có kết quả gì cả, như đập vào chỗ trống”. Cũng như trong trong ngành kỉ nghệ, giai đoạn đầu các nhà văn hoá sản xuất để độc giả tiêu thụ; rồi tới giai đoạn các độc giả phải tiêu thụ cho mau để các nhà văn hoá có thể sản xuất mà khỏi phải thất nghiệp. Đã có những sách dạy người ta đọc thật nhanh, mỗi phút một hai trang, không đọc ngang nữa mà đọc xéo, đúng hơn là đọc theo chữ chi[11], mỗi hàng đọc vài ba chữ. Tôi ngờ rằng sau này có một lối in sách mới mẻ: mỗi câu in đậm vài chữ quan trọng để độc giả chỉ đọc vài chữ đó cũng đoán được ý trong câu. Lúc đó các nhà văn hoá muốn khỏi thất nghiệp “phải đào sâu tới căn bản của mỗi hiện tượng, và đào sâu như vậy, thì hiện tượng sẽ tan ra hàng ngàn yếu tố, mỗi yếu tố thành vài vấn đề nữa, càng tìm cách giả quyết càng phát sinh ra nhiều vấn đề khác” (D.H. Lawrence). Nghĩa là phải chẻ cái tóc làm mười, làm trăm… tới các tế bào mà quên mất cái công dụng của sợi tóc. Đó là hạng người có tài. Hạng kém tài thì moi hết các sách cổ kim khắp thế giới ra mà nhào nặn, viết lại, mặc dù đã có cả ngàn cuốn về một vấn đề rồi, mặc dù chẳng thêm được ý gì mới thì cũng cứ mười năm viết lại một lần. Như André Maurois đã nói, họ sẽ chế tạo những cái máy “tự chỉnh lí sáng tạo” ghi tất cả các tác phẩm cũ, nhào đi nhào lại thành những tác phẩm mới, vì có bao nhiêu là cách kết hợp, không sao kể hết được. Vị nào có lương tâm không dùng phương pháp kết hợp ấy thì dùng phương pháp “ném cái nhìn mới” vào triết lí, văn học cổ, chẳng hạn đem tư tưởng của K. Marx, Sartre giọi vào Luận ngữ, truyện Kiều, rồi lại cho cả Khổng Tử lẫn Nguyễn Du là tổ sư của thuyết cơ cấu. Được lắm chứ, tại sao không? Cứ moi ra thì thấy. Nhiều khi cũng chẳng cần moi ra nữa, cứ lấy một bài viết từ ba mươi năm về trước, bao nhiêu tiếng bố cục, tình tiết, đổi ra thành cơ cấu, là có được bài mới rồi. Có vậy mới hấp dẫn, mới tiến bộ, hợp thời, có nhiều tiền. Ta tưởng tượng cứ mười năm có một học thuyết mới, như vậy lại phải “ném cái nhìn mới” vào cả ngàn tác phẩm cổ điển Đông Tây từ hai ba ngàn năm trước! Có biết bao việc để làm! Sẽ có cả vạn cuốn về mỗi nhà như Platon, Thích Ca, Shakespeare, Hồ Xuân Hương… muốn chứa cho hết các ấn phẩm thì tại Sàigòn diện tích để cất thư viện sẽ gấp mười các sòng bạc, sờ nách ba[12], nhà tắm hơi hiện nay, mặc dầu người ta sắp (hay đã?) tìm ra được cách thu một cuốn ngàn trang nhỏ lại chỉ bằng hộp quẹt.
Thời đại càng xáo trộn bao nhiêu, con người càng hoang mang bao nhiêu thì càng nuôi hi vọng ở tương lai bấy nhiêu. Những năm 1950-1954, các ông bà coi tướng số, chỉ tay, bói Dịch ngồi đầy đường Hàm Nghi. Các nhà bác học phương Tây cũng vậy, từ sau thế chiến đến nay đua nhau tiên đoán tương lai nhân loại; họ đăng báo, viết sách, diễn thuyết trong các hội nghị quốc tế, phác hoạ xã hội thế kỉ XXI: kinh tế ra sao, chính trị ra sao, các đô thị sẽ ra sao, sự giao thông ra sao, cả luân lí sẽ ra sao nữa… Tuy họ nói không có sách như các “mét” ở đường Hàm Nghi, nhưng họ “mách có chứng” và lí luận của họ hợp lô gích lắm.
Riêng Fourastié cũng đã đoán tương lai trong năm sáu cuốn: Le grand espoir du XXè siècle, Histoire du demain, Les 40.000 heures, Essai de morale prospective… Chắc sẽ còn nữa. Tư tưởng của học giả đó phong phú lạ lùng; những điều tiên đoán của ông dựa vào thống kê, có vẻ tin được một phần.
Trong Pourquoi nous travaillons "Tại sao chúng ta phải làm việc", ông bảo dân số hoạt động sơ đẳng (nông nghiệp) và nhị đẳng (kĩ nghệ) sẽ mỗi ngày mỗi giảm, vào khoảng năm 2100, mỗi ngành đó chỉ còn độ 10% tổng số dân hoạt động; còn về tam đẳng (dịch vụ), số người sẽ chiếm 80%.
Trong cuốn Les 40.000 heures, ông lại bảo qua thế kỉ XXI, mỗi người sẽ chỉ làm việc mỗi tuần độ 30 giờ, suốt đời chỉ làm việc 40.000 giờ vì tuổi học tăng lên, số ngày nghỉ mỗi năm tăng lên mà tuổi hưu hạ xuống.
Lúc đó con người nhàn quá, mỗi ngày chỉ làm việc sáu giờ, năm ngày một tuần, biết làm gì cho hết ngày. “Làm ái tình”, như A. Maurois đã nói, sẽ mau chán và nguy cho sức khoẻ, du lịch hoài thì cũng hết thú, phải chơi thể thao, nghe nhạc, nhất là đọc sách. Người dân nào cũng có học lực cỡ tú tài ngày nay, cũng tập được thuật đọc xéo, sẽ mỗi ngày đọc trung bình ba cuốn sách; và để cung cấp món ăn tinh thần đó, số người cầm bút phải tăng lên kinh khủng, nếu chưa tạo được cái máy “tự chỉnh lí sáng tạo” của Maurois. Họ sẽ chiếm ít nhất là nửa số người hoạt động tam đẳng, nghĩa là 80% : 2 = 40% tổng số người hoạt động, còn bọn người hoạt động về nông nghiệp chỉ có 10%, bọn thợ thuyền, kĩ sư cũng vậy. Đó mới thực là thời “nhất sĩ”, nhất về số đông.
Họ sẽ đông như kiến cỏ. Người nào cũng phải tập thuật sản xuất của Edgar Wallace (1875-1932). Ông ta sản xuất cuốn Le traître dầy 450 trang có ba ngày rưỡi: ông tự giam mình trong một căn phòng đóng kín mít, ngồi trước một máy ghi âm, đọc hoài, suốt ngày đêm, hết cuộn băng này thay cuộn khác, không ăn mà cứ nửa giờ uống một chén trà đậm (mỗi ngày uống 40 chén) và hút luôn miệng (mỗi ngày 100 điếu). Đọc hết cuộn nào, ông đưa cho thư kí đánh máy liền và sửa những chỗ sơ sót cho ông (chẳng hạn cùng một nhân vật, chương trên gọi là Robert chương dưới gọi là Roger, hoặc một nhân vật chết rồi ông lại cho sống lại).
Nếu không được như vậy thì phải như George Simenon, tác giả 400 tiểu thuyết trinh thám, mỗi cuốn trên 200 trang (tổng cộng non 100 ngàn trang) viết trong một hai tuần, trung bình mỗi ngày 15 trang.
Sản xuất như vậy mới đủ sống vì sự tranh đấu sẽ rất gay go, mà nhà văn vốn có nhiều tinh thần tự do, ghét kỉ luật, không sao tổ chức thành nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi được. Có tổ chức nổi thì họ cũng sẽ xé rào như các nhà báo của ta ngày nay.
Sách vào thời đó sẽ rẻ mạt. Mỗi ngày xe hốt rác sẽ phải hốt nhiều sách hơn rác, vì đất đai đắt đỏ, nhà cửa chật hẹp, chỗ đâu mà chứa mỗi năm mấy ngàn cuốn sách (ông bà mỗi người một ngàn cuốn, không kể các cô các cậu). Sách càng nhiều thì càng mất giá, giữ làm gì cho thêm bực? Tôi đoán mỗi nhà sẽ chỉ giữ vài ba tác phẩm cổ điển của mỗi thế kỉ, nhiều lắm là trăm cuốn trở lại, như ông bác tôi hồi xưa. Giữ không phải lâu lâu đọc lại – cổ lỗ quá đọc sao nỗi – mà để khỏi thua ông bà hàng xóm. Bộ Truyền kì mạn lục chẳng hạn, lại sẽ xuất hiện trong mọi tủ sách và nhà nào giữ được bản của Trúc Khê[13] in trước thế chiến vừa rồi sẽ rất trân trọng, nâng niu như vị bố chánh, bạn của ông nội tôi thời trước. Nhất là những bản in bằng giấy làng Bưởi trong những năm 1941-45 sẽ có thể đặt trên bàn cân mà đổi lấy kim cương… nhân tạo.
Saigon 15.12.1972
Chú thích:
[1] Của Will Durant dẫn trong Lịch sử văn minh, cuốn 10, tiếng Pháp, chương III, trang 115.
[2] Cũng của Will Durant dẫn trong Lịch sử văn minh, cuốn 10, tiếng Pháp, chương III, trang 115.
[3] Đào lí giá xuân phong nghĩa là Đào mận gã gió xuân. Đây là một trong hai câu của Trương Tiên (990-1078) được cụ Nguyễn Hiến Lê trích dẫn trong bộ Đại cương văn học sử Trung quốc. Câu kia là: Vân phá nguyệt lai, hoa lộng ảnh (Mây phá, trăng ra, hoa giỡn bóng). [Goldfish]
[7] Gaston Bouthoul (Surpopulation – 1964) gọi là surpopulation psychologique vì một người ngày nay tiêu thụ gắp 10 người thời trước thì cũng như dân số tăng lên gắp 10.
[8] Có lẽ tác giả ám chỉ nhóm Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo (xem Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn hoá, trang 419). [Goldfish]
[9] Tức Structuralisme, có người dịch là thuyết cấu trúc. [Goldfish]
[10]Vị nữ thần trong thần thoại của Ai Cập. [Goldfish]