Nam Việt là một “tặng phẩm” của sông Cửu long. Hàng vạn năm trước là biển, sông Cửu long chở phù sa xuống, rồi lần lần mà thành đồng ruộng. Thời tiền chiến, tôi không nhớ rõ là năm một ngàn chín trăm ba mươi mấy, người ta đào được những đồng tiền vàng La Mã ở Óc eo (gần chân núi Ba thê), vậy thì vào khoảng đầu công nguyên, biển vô tới Óc eo hoặc cách Óc eo không bao xa, chỉ vài ba cây số. Hồi đó các núi ở Hà tiên, Ba hòn, Hòn trẹm chắc còn nằm ngoài biển, không biết từ thế kỷ thứ mấy, miền ấy mới được bồi xong. Ngày nay ai đi qua Ba hòn, còn thấy trên những núi đá vôi ở sát lộ Rạch giá – Hà tiên, có những ngấn nước cao hơn mặt đất khoảng một thước. Vậy thì vùng bờ biển đó chắc cũng đã được dâng lên nữa, ngoài hiện tượng được phù sa bồi.
Dãy núi từ Hà tiên tới Hòn trẹm ấy hiện nay nằm sát hoặc gần bờ biển, nhìn ra các hòn ngoài khơi: hòn Phụ tử, hòn Heo, hòn Ngang, hòn Một, hòn Phú Quốc… và quay lưng lại một cánh đồng bát ngát (xưa là rừng, nay vẫn còn đất phèn), xa xa vài chục cây số mới có dãy núi Thất sơn. Như vậy là Hà tiên là một miền hẻo lánh nơi chân trời góc biển. Trước năm 1930, khi chưa có con đường trải đá Rạch giá – Hà tiên thì thị trấn ấy gần như cô lập với các miền chung quanh: muốn xuống Rạch giá phải dùng đường biển, mất nữa ngày, mà muốn vô Châu đốc thì phải đi vòng lên biên giới, mượn một con đường trên phần đất Cao miên.
Nó đã cô lập mà lại kì đặc, không giống một miền nào khác. Thi sĩ Đông Hồ trong cuốn Văn học Hà tiên[1] đã tả nó như sau:
“Ở đó (Hà tiên), kỳ thú thay, như gồm hầu đủ hết.
Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giữa biển của Hạ long. Có một ít núi vôi ở Ninh bình, có một ít thạch thất sơn môn của Hương tích. Có một ít Tây hồ, một ít Hương giang. Có một ít chùa chiền của Bắc ninh, lăng tẩm của Thuận hóa. Có một ít Đồ sơn, Cửa tùng, có một ít Nha trang, Long hải.
Ở đây không có cảnh nào to lớn đầy đủ; ở đây chỉ nhỏ nhắn, xinh xinh, mà cảnh nào cũng có”.
Tóm lại, nó là một tiểu vũ trụ biệt lập, rất hợp cho kẻ nào có chí vẫy vùng, muốn nghênh ngang một cõi.
**
*
Họ Mạc
Kẻ đó là họ Mạc ở cuối thế kỷ XVII.
Cũng như Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu không chịu nhận chủ quyền Mãn Thanh, bỏ quê hương mà dắt bộ hạ xuống miền Nam Hải, nhưng Dương và Trần ghé vào Quảng nam (1679) qui phục chúa Nguyễn Phúc Tần, được chúa cho vào chiếm đất Đồng nai và Mĩ tho để tự kinh lí lấy mà lập nên một nơi buôn bán thịnh vượng là Cù lao Phố (Biên hòa); còn Mạc thì tiến xa hơn, tới địa phận Chân lạp (cũng gọi là Giản phố trại) – tức Cao miên, tức Campuchia – vào khoảng 1671 (theo Trần Kinh Hòa trong Hà tiên Mạc thị thế hệ khảo – Hoa Cương học báo) làm chức “ốc nha”, một chức quan lớn Chân lạp, năm 1700 xin vua Chân lạp ra khai khẩn miền Banteay Meas, tức Mang khảm, mới đầu mở sòng bạc, sau qui tụ các người Hoa, Việt, Miên, lập ấp, mở khẩu, thành lập một tiểu quốc, nhưng thường bị giặc Xiêm quấy nhiễu, nên năm 1708, nhận sự bảo hộ của chúa Nguyễn Phúc Chu. Mạng khảm từ đó đổi tên là Hà tiên, thành một cửa ngõ Chân lạp mà thuộc về Việt Nam, xuất cảng hầu hết các sản phẩm Chân lạp[2].