Trong Dialogues des vivants – một tập tiểu luận viết theo thể đối thoại đưa ra một quan điểm rồi một bên bênh một bênh bác – André Maurois nêu ra vấn đề hôn nhân có thích hợp với công việc của nghệ sĩ không, nghĩa là nó có làm cho tài năng của nghệ sĩ nảy nở thêm không, hay chỉ làm cho nó thui chột đi. Cũng như đa số các vấn đề khác bàn trong tập đó, vấn đề này không thể giải quyết được. Ông chỉ kể trường hợp một số nghệ sĩ độc thân như Voltaire, Stendhal, Faubert, Proust và trường hợp một số nghệ sĩ khác lập gia đình mà vẫn sáng tác mạnh như Tolstoi, Hugo, Lamartine, Virgny, Coventry Patmore (ông có kể thêm trường hợp của chính mình nữa) rồi bỏ lửng, chẳng khẳng định gì cả. Khôn.
Không ai biết rõ thiên tài là cái gì. Các nhà tâm lí học đã nghiên cứu trí thông minh, tình cảm, ý lực mà chưa hề nghiên cứu tài năng, không biết nó tùy thuộc vào yếu tố nào, nảy nở ra sao, cơ hồ như không coi nó là một cơ năng như tình cảm, trí tuệ chẳng hạn, cho nên không bàn tới. Nó thật lạ lùng, có vô số hình thức, không một nghệ sĩ nào giống nghệ sĩ nào. Sáng sủa như Voltaire là một thiên tài mà tối tăm như Mallarmé cũng là một thiên tài; lập luận xác đáng, chặt chẽ là có tài mà chỉ tán dóc lập dị cũng được xem là có tài – tôi không mỉa mai chút nào đâu mà cũng chẳng ám chỉ ai cả. Sự nảy nở của nó không theo một qui luật nào cả: hạnh phúc có thể kích thích nó như Tolstoi khi viết Chiến tranh và Hòa bình mà đau khổ cũng kích thích nó như Victor Hugo khi viết Lá thu (Feuilles d’automne); lúc đó bà nhạt tình với ông mà mặn tình với Sainte Beuve, bạn thân của ông; khỏe mạnh thì sáng tác mạnh như Alexandre Dumas-cha, mà bệnh tật như Proust, sáng tác cũng vẫn mạnh; có kẻ bị cảnh túng bấn, nợ nần hối thúc, càng viết mau như Balzac; có kẻ càng phong lưu càng viết nhiều như Maugham, Maurois; mà có gia đình hay cô độc thì sáng tác vẫn được, thậm chí như Tchékov, gần suốt đời chẳng được người đàn bà nào yêu mà nghệ thuật rất cao; tội nghiệp ông ta phàn nàn rằng giá đánh đổi tất cả sự nghiệp của ông để được một người đàn bà lo ngại cho ông, sao tới bữa ăn mà chưa về thì ông sẳn lòng đổi liền!
Tài năng đã khó hiểu như vậy thì bàn nó chỉ là chuyện phiếm, đặt vấn đề hôn nhân với tài năng, lại càng phiếm nữa. Nên thu hẹp lại: Hôn nhân với nghề cầm viết.
**
*
Ngày xưa các cụ chúng ta viết văn chứ không làm nghề viết văn. Các cụ dạy học, làm quan, cày ruộng, có khi chẳng làm một việc gì cả, sống nhờ tài quán xuyến của vợ, rồi lúc nào cao hứng thì làm thơ, làm văn để tiêu khiển, bày tỏ nỗi lòng, để thù tạc, lưu danh, tuyệt nhiên không phải để kiếm tiền. Viết rồi ai muốn khắc và in thì in, chẳng phải trả tiền nhuận bút, cũng chẳng cần xin phép tác giả. Tác quyền là quan niệm của phương Tây, không phải của phương Đông. Cụ nào như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du bỏ ra chục năm biên khảo, sáng tác được vua biết tới, thưởng cho ít lạng bạc, mươi cây bút, mươi thỏi mực quí, đã cho là may mắn lắm rồi, không cần gì hơn. Tiền bạc nào bằng danh dự ấy?
Mãi tới cuối thế kỉ trước, mới có những nhà văn được hưởng tiền nhuận bút. Người đầu tiên có lẽ là Trương Vĩnh Ký. Nhưng sống bằng cây bút thì Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh mớ là người đi tiên phong.
Tuy nhiên tôi vẫn không muốn coi hai nhà ấy làm nghề viết văn, là nhà văn chuyên nghiệp vì họ vẫn còn kinh doanh: ra báo, mở nhà in cũng là kinh doanh, kinh doanh bằng bút mực. Làm nghề viết văn, thì chỉ sống bằng cây bút, không làm nghề gì khác, mà sống một cách độc lập , nghĩa là không lãnh lương đều đều hàng tháng của riêng một cơ quan, một nhà báo, một nhà xuất bản nào, tóm lại không phải là một thứ tư chức hay công chức. Có thể bỏ vốn ra in tác phẩm của mình rồi giao cho một nhà phát hành, nhưng không xuất bản của của người khác. Dĩ nhiên, nếu có dư tiền thì có thể mua cổ phần của một công ti, mua đất cát nhà cửa cho thuê, nhưng không điều khiển công việc ấy, mà lợi tức chính vẫn là do cây bút cung cấp. Có thể dạy đại học một hai khóa về môn sở trường của mình, nhưng không dạy năm này qua năm khác, không sống bằng lương giáo sư.
Ở Âu Mĩ, đa số nhà văn nỗi danh như Hugo, Balzac, Maugham, London, Maurois, Cronin, Steinbeck… đều như vậy. Ở nước ta đa số nhà văn chuyên nghiệp hiểu theo nghĩa hẹp ấy còn hiếm, cả nước không biết được năm, sáu người không, có lẽ vì thị trường sách vở còn hẹp, số độc giả ít, cây viết khó nuôi nỗi nhà văn, nhà văn nào cũng phải làm thêm một vài nghề khác mới đủ sống. Nhưng chỉ độ vài chục năm nữa, số đó sẽ khá đông, đủ họp thành một giới đặc biệt trong xã hội, có một lối sống riêng, một cách thức làm việc riêng; và cũng như trong mọi giới khác, đời sống gia đình phải thích hợp với sự phát triển của tài năng vì những lẽ đã trình bày ở trên, mà chỉ nghĩ tới sự thành công trong nghề thôi. Về phương diện này, địa vị của người đàn bà rất quan trọng: vợ giúp chồng được nhiều, không còn phải đặt vấn đề như Maurois nữa.
**
*
Người ta có thể cưới nhau vì cả trăm lí do: theo tôi không lí do nào phù phiếm bằng người mình yêu có tài văn nghệ. Có tài, đành rằng quí thật, nhưng phải có cái gì khác nữa, chứ nếu chỉ có cái tài không thôi mà gắn bó với nhau thì quả là dại dột.
Tài thì ai bằng Balzac, tiểu thuyết gia bậc nhất của nhân loại. Hồi danh ông đã vang lừng khắp Châu Âu, ông nhận được bức thư ngưỡng mộ của một người đàn bà kí tên là “người xa lạ”. Bà ta quả vừa xa vừa lạ: Ở Ba Lan, chồng bà là Hanski một nhà quí phái Nga rất giàu nhưng già. Bà không biết mặt Balzac, chỉ biết văn Balzac. Vậy mà bà yêu Balzac, hai người thư từ với nhau, hẹn hò với nhau rồi đi du lịch với nhau ở Thụy Sĩ, ở Đức. Balzac mong từng ngày bà ta thành quả phụ để có thể cưới được – cái mộng suốt đời ông là có vợ quí phái và giàu, không cần đẹp – nhưng khi ông Hanski chết, Balzac ngỏ lời rồi hối thúc thì bà ta do dự rất lâu, vì ngán tính tình kì cục, thái độ kém phong nhã của ông; sau cùng, mãi đến khi ông đau nặng mới vì thương hại mà chịu làm phép cưới để ít tháng sau thành quả phụ một lần nữa.
Nhưng họ chưa điên bằng một cặp nọ: chỉ đọc văn nhau, không cần biết mặt mũi nhau, chàng đòi cưới nàng và khi thấy mặt nàng thì đành ngậm bồ hòn mà rán giữ lời hứa. Dĩ nhiên chỉ giữ được ít năm rồi chàng phải kiếm người khác.
Tôi vẫn trọng tình cảm vì bao nhiêu cái đẹp ở đời đều do tình cảm tạo ra cả, và khi hai tay buông xuôi, cái quí nhất để lại cho đời là chút thiện cảm ở trong lòng những người đã biết mình. Nhưng trong cái việc hôn nhân, muốn cho tình được bền thì không thể coi thường lí trí được, nghĩa là phải sáng suốt chứ không thể bốc đồng.
Trong trường hợp muốn kết hôn với một nhà văn thì sáng suốt có nghĩa là phải nhận định được và chấp nhận tính tình cùng lối sống của người đó. Và nếu lỡ kết hôn ít lâu rồi ông chống mới “đổ đốn” thành nhà văn thì phải tìm cách thích ứng với tình trạng mới cho khỏi có sự đổ vỡ. Mà như tôi đã nói, hạng nhà văn chuyên nghiệp ở nước mình còn hiếm, mới xuất hiện trong xã hội, nên ít người biết được tính tình, nhu cầu, lối sống của họ; nhất là hạng phụ nữ lại càng ít hiểu họ, dễ thất vọng vì họ mà sinh ra chua chát.
**
*
Tôi không thuộc nòi nghệ sĩ như Baudelaire, nên không bi đát như ông mà tự nguyện rủa số phận của mình, khi ông viết trong bài Bénédicion:
Lorsque, par un décret des puissances suprêmes,
Le poète apparaît en ce monde ennuyé,
Sa mère épouvantée et pleine de blasphèmes,
Crispe ses poings vers Dieu, qui la prend en pitié.
Khi thi sĩ bị Trời đày đọa,
Xuất hiện trên cõi trần chán ngán này,
Thì bà mẹ kinh hoảng,
Đưa nắm tay lên thóa mạ trời, mà trời cũng mủi lòng.
Hay nhất là nửa câu cuối: qui la prend en pitié. Đời nhà văn chuyên nghiệp không đến nỗi thê thảm như vậy. Maugham, Maurois tuy chẳng là thi sĩ cũng là nghệ sĩ mà đời sướng hơn các ông hoàng; và các nhà văn nước ta dù chẳng được như hai nhà ấy thì nhiều lúc cũng có thể rung đùi tự hào rằng nếu vận tới thì “tôi làm trạng nguyên, anh làm tể tướng” không chừng, và vận chẳng tới thì mình cũng được độc lập, tự do chẳng phải ra luồn vào cúi, có thể khinh những ông tể tướng viết một câu không thành, khi mất chức rồi thì bị người đời nguyền rủa.
Nhưng cứ thực tế mà xét thì đời nhà văn chuyên nghiệp ở nước ta chưa có gì là tươi đẹp, ngay cả những người thành công cũng vậy. Những cái vui mới kể trên chỉ là một tâm trạng ngông thôi; cái vui chắc chắn hơn là cái vui sáng tác, cái vui được một số độc giả trung thành; những những cái vui này chỉ nhà văn mới cảm thấy, vợ con không cảm nổi. Chính sự nghèo túng mới là cái vợ con cảm thấy thấm thía!
Một số nhà văn thành công rực rỡ ngay từ buổi đầu như Tolstoi, Dostoievski, Jules Verne; đa số viết bốn năm năm rồi mới nổi tiếng, kiếm được tiền như Hugo, Dumas-cha, Balzac, G. Sand; một số khác phải tập viết mười năm như Maugham, Maurois. Maurois nhờ sinh vào một gia đình giàu có nên thời gian tập viết của ông rất ung dung. Maugham trái lại, có lúc phải chịu đói chịu lạnh, viết cả năm chẳng được đồng nào, có lẽ một phần vì vậy mà ông chua chát, không lạc quan khoáng đạt như Maurois.
Vậy ta đừng nên hi vọng có thể như Tolstoi, mạnh bạo nhắc nhà báo về khoảng nhuận bút ngay từ tác phẩm đầu tay, cứ nên cầm bằng rằng phải tập viết từ năm tới mười năm mới kiếm được tiền. Và khi có chút ít tiếng tăm rồi thì cứ như hiện tình, cũng đừng mong có thể sống ung dung bằng cây viết, nếu muốn giữ nhân phẩm.
Điều đó nhà văn cần nhớ kĩ mà vợ con lại càng nhớ kĩ hơn nữa. Tôi nghĩ trong giai đoạn tập sự ấy, nếu không nhờ được của phụ ấm, hoặc nếu không có một nghề kiếm ăn nào khác thì đừng nên lập gia đình vội. Nếu đã có vợ con rồi mà bốc đồng đổi qua nghề viết văn thì nên thuyết phục vợ để vợ chồng cùng kiên nhẫn chịu đựng cảnh túng thiếu năm mười năm tới khi thành công. Vì khi đã coi viết văn là một nghề thì phải chuẩn bị một thời gian để có một số kiến thức rộng và vững, nắm được kĩ thuật, biết rõ thị trường văn chương và tập thói quen viết mỗi ngày một số trang nào đó chứ không thể tùy hứng được. Ở đời không có nghề nào tùy hứng cả.
Vợ nhà văn mà hiểu được điều đó thì giúp được chồng khá nhiều trên con đường sự nghiệp. Nếu lại đảm đang, biết mưu sinh trong giai đoạn tập sự ấy thì không có gì quí bằng, và sự nghiệp của chồng sẽ là công của vợ. Nhưng xã hội của ta hiện nay, có bao nhiêu đàn bà như vậy? Có bao nhiêu đàn bà không phàn nàn về cảnh thiếu thốn trong nhà vì ông chồng không có tài kiếm tiền như hàng xóm, hoặc như ông anh rễ; có bao nhiêu bà không quên rằng chồng mình làm nghề cầm bút, chứ không phải là dân biểu, thầu khoán hay nhà xuất nhập cảng.
Tôi có cảm tưởng rằng thời xưa các cụ không biết cái nghề viết văn, mà các cụ bà như bà Tú Xương lại chính là những bà vợ kiểu mẫu của nhà văn; còn thời nay, nhiều nhà văn cần có vợ như vậy thì lại không biết tìm kiếm hoặc tìm kiếm không ra.
**
*
Một nhà văn có một lối làm việc: người viết đứng như Hugo, kẻ viết nằm như Đông Hồ, đại đa số viết ngồi và sau này chắc các nhà văn của ta cũng sẽ đánh máy như các nhà văn phương Tây, một số sẽ đọc trước mày ghi âm, rồi có thư kí đánh máy lại; có nhà như Balzac được một nhà quí phái vẫy là bỏ hết công việc, nhảy qua Thụy Sĩ hay Ba Lan cả tháng, cả năm, về nhà lại cắm cổ viết, uống cà phê đặc quánh để viết mỗi ngày mười tám, hai mươi giờ, chân ngâm trong nước hột cải cho bớt nhức đầu; có nhà như Hugo sống rất chừng mực, viết điều mỗi sáng, buổi chiều nghỉ, lại nhà tình nhân. Lối nào cũng có kết quả, lối của Balzac tổn thọ hơn lối của Hugo. Nhưng dù sống rất chừng mực, làm việc đều đều như một công chức, nhà văn vẫn không phải là một công chức.
Họ khác nhau xa từ từ tính tình đến lối sống. Nhà văn sống một đời sống độc lập và tự lập: không nhận chỉ thị của ai, không chịu một kỉ luật nào trừ kỉ luật chính mình tự đặt cho mình; họ tự tạo lấy giá trị của mình chớ không phải nhờ một quyền uy nào cả, có khi từ chối cả những danh dự thế tục coi trọng nữa, cho nên tính thường ngang tàng, kì cục ít nhiều, bất chấp dư luận, thích cái gì thì làm cái đó, dù biết nó không có lợi về danh vọng, tiền bạc. Bà Tolstoi không hiểu tâm lí ấy của chồng nên phàn nàn rằng sao ông không chịu viết tiểu thuyết mà viết những sách tập nhăng nhít cho con nít; sao ông không nhận tiền đặt trước cả vạn rúp (Nga Kim) của các nhà xuất bản, mà đi viết những truyện bình dân bán ba xu một tập.
Một số nhà văn, nhất là các tiểu thuyết gia đại tài còn có tính tình kì cục này nữa là thay đổi như chong chóng, lúc muốn thế này, lúc muốn thế khác, tâm hồn đầy mâu thuẫn. Trường hợp điển hình nhất là Tolstoi: ông vừa muốn giữ những đặc quyền quí tộc của ông, mà lại muốn làm bình dân, ăn mặc như nông dân, muốn chia ruộng đất cho nông dân mà cứ lại tậu thêm điền trang; ham săn bắn mà lại muốn che chở cho loài vật; mạt sát đàn bà là gây tật xấu cho đàn ông mà xa vợ ít bữa thì chịu không nổi; thích ăn ngon mà lại hô hào cả nhà ăn chay…
Một số khác như Dostoievski, Maupassant… sau mỗi cơn bệnh thần kinh ý tưởng mới dồi dào, sâu sắc. Một phần kinh Coran là do Mohamed đọc để cho đệ tử chép sau những cơn động kinh của ông.
Những tật đó có lợi cho sự nghiệp của họ nhưng có hại cho hạnh phúc gia đình; nhà văn thường đau khổ, cô độc, nỗi đó người thân phải hiểu cho họ.
**
*
Nhưng dù tâm trạng họ có bình thường thì họ cũng có một lối sống khác các giới công chức hay kinh doanh. Những nhà viết tiểu thuyết, nhất là viết báo phải du lịch nhiều, giao thiệp rộng để kiếm đề tài; những lúc nghỉ ngơi họ cũng thích tán dóc và nếu gặp bạn tri kỉ trong giới của họ thì có thể hết đêm mà chưa hết chuyện; nhưng xét chung họ không ưa xã giao, mất thì giờ vào những chuyện mưa nắng, vớ vẫn của những kẻ mà Montherlant gọi là Chronophage (ăn thì giờ).
Maurois đã mấy lần mạt sát bọn Chronophage ấy mà lần mạnh nhất là trong cuốn Lettres à l’inconnue[1]. Con người phong nhã đó mà phải thốt những lời căm tức, hằn học như vầy:
“Con vật đó – tức bọn ăn thì giờ của người khác – cả gan một cách không tưởng tượng nổi. Nó dám viết thư cho các tác giả nó không quen, buộc người ta phải trả lời ngay; nó tàn nhẫn tới cái mức gởi kèm theo một con cò làm cho người nào lương thiện nhận được thư đâm ra khó xử. Chẳng có việc gì cả nó cũng xin được hội kiến và nếu cho nó hội kiến thì thật là tai hại, nó cứ đeo dính cho tới lúc chủ nhân bực mình không còn giữ lễ độ được nữa (…) Nó y như một con chó mà thực khách đã dại dột liệng cho nó miếng thịt gà thì nó không chịu rời ra nữa, ngước mắt lên năn nỉ, lấy chân cào cào đòi cho được miếng khác (…)”.
Và ông khuyên ta phải “tàn nhẫn với bọn đó, diệt chúng chớ đừng thương hại”, vì “đời sống của ta là gì, nếu không phải là thì giờ?”.
Nhà văn chuyên nghiệp nào thì cũng rất ít thì giờ và được phút nào rảnh thì họ thích sống với thiên nhiên, với sách vở, tâm tư hơn là với hạng người tào lao. Nhất là trong khi làm việc, họ không muốn bị quấy rầy. Ở nước ta chắc ít nhà văn cương quyết như Maurois mà dù cương quyết cũng không sao tránh hết được bọn phá quấy ấy nếu không được “che chở” một cách hiệu nghiệm. Ở phương Tây, các nhà văn có tên tuổi thường mướn thơ kí. Khách tới, cô thơ kí tùy từng người, xét xem có nên cho vô hội kiến hay không; cô trả lời điện thoại (điện thoại là cách xâm nhập nhà người khác mà không báo trước), trả lời cả những bức thư không quan trọng hoặc liệng vào sọt rác những bức hư dài dòng, vớ vẩn; tóm lại là làm nhiệm vụ “che chở” nhà văn nếu không thì nhà văn không còn phút nào để viết nữa.
Ở nước ta, chưa có nhà văn nào mướn nổi thơ kí thì vợ hoặc con phải đảm nhiệm công việc ấy. Có người treo một dấu hiệu riêng ở cửa, bạn thân nhìn dấu hiệu mà biết chủ nhân có nhà hay không, nếu có thì cứ việc vô; còn người lạ tới thì luôn luôn có người ra đáp rằng chủ nhân đi vắng.
Công việc tiếp khách lạ ấy rất tế nhị, phải là người đàn bà thông minh, nhã nhặn thì mới làm thay chồng được. Một số người không hiểu nổi đời viết văn, đã không “che chở” cho chồng mà còn bắt chồng tiếp tất cả bạn bè, họ hàng của mình; muốn được tiếng có chồng lịch thiệp thì tốt hơn nên kiếm một nhà kinh doanh hoặc một dân biểu.
Còn cái việc đọc thư và trả lời thư độc giả tôi chắc nhà văn nào của mình cũng phải làm lấy. Nhiều ông còn không dám để địa chỉ ở nhà nữa mà mượn địa chỉ của sở hoặc tòa soạn một tờ bào, sợ các bà ghen.
Tôi không “làm luân lí”, chỉ xin trình bày ít nhận xét khi đọc ttiểu sử các văn nhân đông tây. Xét chung, các nhà nghiên cứu về biên khảo thường có một đời sống đứng đắng. Nhà văn kiểu mẫu của phương Đông về phương diện tình ái là Tư Mã Quang; sử gia đời Tống đó đã bỏ ra hai mươi năm soạn bộ Tư tri thông giám, mỗi ngày cặm cụi ghi chép tài liệu đặc ba mét rưởi giấy, tới nỗi bản thảo của ông chứa đầy hai phòng. Hồi ông mới làm một chức quan nhỏ, thấy vợ chồng ăn ở với nhau mấy năm mà chưa có con, bà tự ý kiếm cho ông một nàng hầu mà ông không hay. Ông không hề để ý tới thiếu nữ đó, cơ hồ như không biết nàng có trong nhà nữa. Vợ tưởng chồng còn ngượng vì mình, một buổi tối xin phép chồng đi đâu đó và dặn nàng hầu trang điểm xong thì vô ngay phòng ông. Khi Tư Mã Quang thấy nàng vô ngạc nhiên hỏi: “Bà đi vắng, sao đám vô đây?” Rồi đuổi nàng ra. Tội nghiệp cho nàng, vừa sợ, vừa bẽn lẽn, riu ríu bước ra liền.
Khi ông đã vang danh trong nước mà vẫn nghèo, có người tên là Lưu Mông ngưỡng mộ ông, bán cả ruộng đất được năm chục vạn đồng tiền, tặng ông hết “để ông mua một nàng hầu châm thuốc mài mực cho ông”, ông viết một bức thư rất cảm động để tạ lòng và nhất định từ chối. Có thể gọi ông là Liễu Hạ Huệ đời Tống.
Các học giả của ta như Lê Quí Đôn, Phan Huy Chú, của Tây như Michelet, Renan, Bergson, ngay cả Maurois nữa, nếu không được cái đức như Tư Mã Quang thì đó cũng là những người nghiêm trang, được vợ tin cậy.
Trái lại, các nghệ sĩ Đông cũng như Tây, xưa cũng như nay, đều không ít thì nhiều, có máu… “nghệ sĩ” cả. Tư Mã Tương Như, Lý Thương Ẩn, ngay cả Tô Đông Pha cũng yêu thanh sắc. Hai lần làm quan ở Hàng Châu, nơi mà cảnh và người đẹp mê hồn, Tô thường dắt theo một ca nhi (ngày nay ta gọi là ca sĩ) dạo cảnh Tây Hồ mà ông ví với nàng Tây Thi, khi vui đã đẹp, lúc buồn cũng đẹp. Ông làm những bài từ cho họ hát, có khi dắt họ vào chùa để phá các vị hòa thượng. Nhưng ông không đam mê như Đỗ Mục, và cứ xét bề ngoài thì các nghệ sĩ phương Đông chúng ta thời xưa không quá phóng túng như các nghệ sĩ phương Tây thế kỉ thứ XIX. Đọc tiểu sử của Balzac, Dumas-cha, Goethe, v.v… ta có cảm tưởng đời họ chỉ có hai việc chính là viết lách và “làm ái tình”, lúc nào buồn thì làm thêm chính trị. Vị nào cũng có hai ba cô nường một lúc, có vị như Hugo còn cẩn thận ghi vào nhật kí tên những nường – dĩ nhiên là ghi sao cho vợ không đọc ra được – đã ái ân với mình: trước sau chắc tới con số trăm. Còn Tolstoi thì tự sỉ vả mình hoài về cái tật đó.
Bản tính họ như vậy, họ khác hẳn hạng đạo mạo ở trên như trâu khác với dê, và các bà các cô có giỏi lắm thì chỉ ngăn cản họ được tí tí thôi. Ta nên cho đó là chuyện thường tình, chỉ khi nào loài dê mà khoát áo thầy tu (coi trong Histoires d’amour de l’Histoire de France), ta mới thấy tởm.
Khi gặp phải ông chồng có nghệ sĩ tính, đàn bà phương Đông thời xưa có thái độ an phận, hi sinh, chẳng hạn bà Tô (Đông Pha) mặc cho ông Tô dạo cảnh Tây Hồ với ca nhi, mà còn cưới cho ông nàng Triệu Vân mới tới tuổi trăng tròn khi ông tứ tuần có lẻ. Còn người đàn bà phương Tây thì như G. Sand hô hào thuyết nam nữ bình quyền về ái tình, nói nôm na là thuyết “ông ăn chả, bà ăn nem”; hoặc như bà Hugo, chẳng tốn công lí thuyết, cứ lặng lẽ thực hành, hẹn hò với Saint Beuve, khiến cho Hugo phải than thở về tình bạn và vợ và sáng tác được tập thơ bất hủ Lá thu; bà Tolstoi, trắng trợn hơn nữa, ve vãn một thầy đờn đáng tuổi em út mình và ngay trong nhà mình, tới nỗi chính thầy đờn đó phát ngượng, mắng cho bà một trận.
Tôi noi gương Maurois, chỉ trình bày một số trường hợp như vậy, chứ không kết luận.
Về thái độ đối với tiền bạc, giới cầm bút như các giới khác có hai hạng người: hạng căn cơ và hạng phá của.
Căn cơ như Goethe và Hugo. Goethe hồi độc thân cũng như hồi có vợ, giữ sổ sách chi tiêu rất cẩn thận. Về già, khi danh ông vang khắp châu Âu, bán tác phẩm nào cũng được triệu bạc mà còn làm đơn xin triều đình Weimar giảm thuế cho, lấy lẽ rằng ông nhận được quá nhiều thư từ, hồi âm rất tốn kém. Nhà vua Charles Auguste, bạn thân của ông, mỉm cười chấp nhận.
Goethe còn thua Hugo xa. Hugo bao một đào hát là Juliette Drouet, cấm ngặt cô không được tiếp một người đàn ông nào khác mà chỉ thí cho cô một số tiền vừa đủ để khỏi chết đói, đến nỗi cô phải bán hết tư trang rồi bận áo vá, không dám xin tiền ông may áo mới. Ông đưa cho cô đồng nào thì bắt cô ghi ngay vào sổ, và tiêu món tiền nào dù chỉ một vài xu, cũng phải biên sổ cho ông soát. Tôi nghiệp, có lần cô phàn nàn kiếp mình không bằng kiếp con “ki ki” bị nhốt cũi, mỗi ngày được một dĩa sữa và được chủ cầm dây xích dắt đi dạo phố một vòng. Maurois bảo tại hồi trẻ Hugo nghèo, chỉ có vài cái áo sơ mi và hai xu mỗi ngày, nên khi kiếm được nhiều tiền vẫn quen tính cần kiệm.
Nhưng Dumas-cha hồi trẻ cũng rất nghèo, khi lên Paris kiếm việc chỉ có vài chục quan trong túi, mà sao[2] coi tiền như rác. Ông bỏ ra năm sáu trăm ngàn quan[3] cất một lâu đài lố lăng đặt tên là Monte Cristo, khách khứa dù quen hay không quen, cứ lại nhà ông mà ăn dằm nằm dề, thiếu tiền tiêu thì ông cung cấp cho. Dĩ nhiên chỉ được một năm, phải bán lâu đài và chỉ thu được hai trăm ngàn.
Tolstoi, Dostoievski đều có hồi đam mê cờ bạc, một đêm nướng cả ngàn rúp. Balzac không cờ bạc thì ham mua ngựa, mua xe, may những bộ đồ rất sang để ra vẻ quí phái, đeo kim cương, ngọc thạch, sắm đủ thứ các đồ đồng đồ bạc bày chật cả nhà, cho nên tuy kiếm được rất nhiều tiền mà suốt đời phải trốn nợ, có lần suýt bị ngồi tù vì nợ.
Xét chung thì hạng nghệ sĩ thường có tật phung phí. Thực may cho họ nếu vợ họ biết ngăn họ lại. Nhưng cũng nên vừa phải thôi kẻo mà bị một ông chồng như Tolstoi sỉ vả chỉ ham bạc cắc. Hai đại văn hào bậc nhất của Nga, Tolstoi và Dostoievski giống nhau ở điểm cả hai đều có vợ rất đảm đang: bà Dostoievski tự xuất bản lấy sách của chồng và chỉ để cho nhà sách có 5% huê hồng; bà Tolstoi học được kinh nghiệm đó, cũng mở nhà xuất bản riêng, mặc dù công việc quản lí điền trang cũng đã bận lắm rồi.
Ngày nay ở Âu Mĩ, các nhà văn có tên tuổi và viết nhiều, thường giao công việc thương lượng với các nhà xuất bản và thu tác quyền cho một người đại diện (agent). Chúng ta muốn xin dịch một tác phẩm của họ thì phải giao thiệp với đại diện của họ. Nếu những nhà văn đó có một người nội trợ biết giữ tiền và xuất phát thì họ không còn phải bận tâm về việc nong nữa, trí óc được thảnh thơi trứ tác.. Ở nước ta, có nhà văn nào có được hạnh phúc đó không? Dale Carnegie đã phàn nàn trong cuốn Quảng gánh lo đi rằng phụ nữ rất ít người biết giữ tiền. Phụ nữ mình về phương diện ấy có giỏi hơn phụ nữ phương Tây không? Tôi ngờ lắm. Đa số hoặc keo kiệt, hoặc huy hoắc quá, mà lại dễ tin người nên dễ bị lường gạt. Ôi! Giá khỏi phải lo việc tiền nong thì thú quá, nhất là trong thời buổi này, kẻ nghèo đã khổ, người có dư một chút cũng không an tâm mà kẻ có bạc tỉ thì lại càng lo ngay ngáy.
Nghệ sĩ và triết nhân như Tô Đông Pha cũng phải lo về việc tiền nong: mỗi tháng lãnh lương ông chia làm ba chục xâu, cột lại rồi treo lên xà nhà, mỗi ngày lấy xuống một xâu mà tiêu và rán để dư một chút phòng khi có khách khứa. Vậy mà có lần túng thiếu, thấy con nheo nhóc, ông rầu rỉ suốt ngày, bà Tô phải an ủi lấy ra một vò rượu cất từ hồi nào, rót mời ông một chén để ông tiêu sầu. Bà Tô thật là một bà vợ hiếm có.
**
*
Bà còn đáng quí ở chỗ biết phục tài của chồng, hãnh diện rằng chồng được tất cả dân Hàng Châu từ quan lại, tăng đồ, ca nhi tới nông phu ngưỡng mộ, và thỉnh thoảng khen ông kín đáo thôi, chứ không “trát từng bay” như Juliette Drouet.
Trong mấy chục năm, Juliette ngày nào cũng viết thư cho Hugo mặc dù ngày nào cũng gặp ông, và trong hai chục ngàn bức thư, bức nào cũng có lời như: “Anh vĩ đại nhất, anh đẹp nhất… Anh cưng, em xin lỗi anh nhé, sao mà em yêu anh thế… Được thấy anh tức là được sống, được hôn anh tức là được lên Thiên đường, vân vân…”. Tâm hồn chúng ta có thể khác tâm hồn của Hugo, không mấy ưa cái giọng đó lập đi lập lại hàng ngày, năm này qua năm khác, mà chính Hugo có lẽ nhiều hôm cũng bực mình, thấy nét chữ của Juliette là gạt qua một bên, mà tìm nét chữ quen thuộc của một nữ độc giả hâm mộ ông; nhưng được người thân nhận định đúng tài năng của mình, cả sở trường lẫn sở đoản, thì nhà văn phấn khởi hơn, đủ nghị lực để chịu đựng mọi khó khăn của nghề, mọi sự ghen ghét, phản bội nữa.
Vì thành công thì thế nào cũng có kẻ thù. Được nhiều người mến như Maurois mà cũng viết: “Có một hạng người phải chiến đấu, tức hạng nghệ sĩ, chính trị gia, ngày nào cũng cần một liều sinh tố trung tín, ngưỡng một”. Tôi đồng ý với ông ấy nhưng không ưa từ “sinh tố ngưỡng mộ”.
Hồi đầu thế chiến vừa rồi, thi sĩ Trần Huyền Trân có lần vô Saigon và cho tôi coi một tấm khăn lụa Hà Đông trên đó một nữ độc giả thêu một đoạn trong tiểu thuyết của ông để tặng ông. Công thêu mất mấy ngày, nhưng đoạn văn quả là tầm thường. Ngưỡng mộ đấy nhưng không phải tri kỉ. Cho nên tôi ưa hai chữ “tương tri” hơn. Đoán được dụng ý của nhau, cái “tại ngôn ngoại” của nhau, nhất là đoán được thái độ, hành động của nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó mới là tương tri. Cái đó mới là lạc sự ở đời, mà cái đó rất hiếm trong gia đình. Lạ thật, cơ hồ càng ở gần nhau người ta ít hiểu nhau. Ở nước ta tôi mới thấy người ta đồn rằng nhà văn Nguyễn Nhật Tiến được hưởng cái vui đó. Có một thông lệ, gần như luật thiên nhiên nữa, nhà văn viết để cho thiên hạ đọc, còn chính vợ con của họ thì chẳng baogiờ đọc cả. Chẳng đọc thì cũng chẳng sao, nhưng có bà còn khoe với bạn bè rằng “chẳng bao giờ tôi thèm đọc văn của ảnh”. Quí hóa thật!
Vì thiếu sự tương tri trong nhà, nên nhiều nhà văn phải tìm nó ở bốn phương, và gặp được thì không vui gì bằng. Juliette Drouet hồi trẻ gần như một ả điếm, mà khi gặp Hugo thì tính tình thay đổi hẳn, bỏ hết thói xa hoa, chia xẻ mọi nỗi cực khổ với ông trong cuộc cách mạng 1848 và trong thời lưu vong với ông. Nàng Triệu Vân khi làm thiếp của Tô Đông Pha, mới mười tám tuổi, bắt đầu học hành, sau theo gót lưu đày của ông trên mấy ngàn dậm, từ miến Bắc tới miền Nam Trung Hoa mà mất ở Huệ Châu (Quảng Đông); chẳng những Tô mà các bạn của Tô đều nhận nàng là một Phật bà giáng trần để an ủi ông trong những bước gian truân nhất đời ông. Hai người đàn bà đó chẳng cần trứ tác cũng lưu danh trong văn học sử. Tôi tự hỏi phải có thiên tài như Hugo, Tô Đông Pha mới gặp được Juliette, Triệu Vân; hay phải có tấm lòng như Juliette, Triệu Vân mới nhận được giá trị của Hugo, Tô Đông Pha. Và trong mỗi cặp, ai sướng hơn ai? Chẳng bù với các bà vợ hoạn nạn chỉ mới có thể tới gần thôi mà đã định cuốn gói thoát thân trước, mặc cho chồng ở lại một mình đối phó.
Tâm hồn con người thật phức tạp, có thể tương tri ở khía cạnh này mà không tương tri ở khiá cạnh khác. Bà Tolstoi nhận định rất đúng tài năng của chồng, khen Chiến tranh và Hòa bình, Anna Karénine, Cái chết của Ivan Ilithch nhưng lại không hiểu được tâm trạng mâu thuẫn, day dứt bất tuyệt của ông, nên bi kịch mới xảy ra khiến bà ân hận suốt đời.
Khi đã về già mà không kiếm được bạn tương tri, Goethe đành phải tìm sự hi sinh và ngưỡng mộ: ông cưới một thiếu nữ quê mùa, dốt nát, đọc không thông, lại xấu xí, thô tục, chỉ được mỗi một đức là phục tòng ông rất mực và dám đưa thân hình vạm vỡ ra che chở ông khi quân Pháp muốn bắn ông. Các bạn bè, nhất là tình nhân cũ quí phái của ông tự lấy làm xấu hổ thay cho ông, tuy không tuyệt giao với ông, nhưng coi vợ ông như một con ở. Duy có bà mẹ triết gia Schopenhauer là chịu tiếp vợ ông: “Ông đã đem tên họ mình tặng cô ả được thì tại sao tôi lại không tặng cô một chén trà?” Goethe dại hay khôn?
**
*
Chồng viết văn có nên cưới vợ viết văn không? Cái đó còn tùy. Chồng có tài hơn vợ thì được, nếu vợ có tài hơn chồng thì hạnh phúc khó bền.
Aurore Dudevant (tức Geoge Sand) khinh chồng – Casmir – là cục mịch, không hiểu văn chương, hễ cầm cuốn sách là ngủ gục, xin li thân, rồi cùng với một thanh niên là Jules Sandeau nhỏ hơn nàng cả chục tuổi, dắt lên Paris tính mưu sinh bằng cây viết.
Chàng và nàng viết chung một tiểu thuyết nhan đề là Hồng và Bạch, kí tên là J. Sandeau. Rồi nàng viết tiếp một truyện khác, truyện Indiana, lần này viết một mình vì chàng đau, nghi là ho lao.
Đọc bản thảo Indiana, Sandeau thấy tài của nàng hơn mình quá nhiều, sinh ngượng, không chịu kí tên chung nữa, và nàng kí tên một mình, lấy bút hiệu Geoge Sand. Truyện Indiana làm cho bà nỗi danh liền: Sandeau không còn dám viết. Nàng khuyến khích rồi thúc giục . Chàng phát cáu: “Anh muốn anh viết ư? Anh cũng muốn viết lắm chứ, nhưng viết không được. Anh bẩm sinh không được như em, có cái lò xo bằng thép trong óc chỉ cần bấm nút là ý chí hoạt động liền”. Tới cái nước đó chỉ còn cách là xa nhau. George Sand tỏ ra rất cương quyết, xử sự như đàn ông, đoạn tuyệt một cái một. Nàng cho người khác mướn căn nhà Jules Sandeau đang ở, xin cho chàng một tờ thông hành qua Ý, đưa cho chàng một số tiền lộ phí. Thật là chu đáo!
Đàn bà có tài hơn đàn ông là chuyện thường, nhưng trong xã hội chúng ta hiện nay, chồng làm một nghề với vợ mà thua vợ thì tự cho là nhục. Vợ có thể rất tế nhị, tỏ vẻ khiêm tốn, nhường nhịn chồng, nhưng xã hội chỉ xét giá trị tác phẩm của họ thôi, mà kẻ độc miệng không phải là ít, nên người chồng không thể nào không ngượng được. Vô lí thật đấy, nhưng từ bao nhiêu thế kỉ nay đàn ông vẫn tự cho mình là hơn đàn bà, nay tự thấy thua ngay trên khu vực của mình thì làm sao lòng tự ái không bị thương tổn? Chẳng riêng gì về văn chương, về ngành kịch, ngành họa cũng vậy, chồng mà kém vợ nhiều quá thì gia đình khó hạnh phúc, trừ khi chồng hơn hẳn vợ về một điểm nào khác.
Ngược lại, nếu chồng có tài hơn vợ thì cả hai có thể làm nhà văn chuyên nghiệp, nhưng phải khéo tổ chức việc nhà thì đời sống mới bình thường được vì viết văn là một nghề dễ đam mê, mà đa số người viết văn ít quan tâm tới việc nhà. Cho nên giải pháp hay hơn cả là nếu cây bút của chồng đủ nuôi gia đình thì vợ chỉ nên tiếp tay với chồng thôi. Bà Tolstoi quản lí một điền trang mênh mông, chỉ huy hàng chục gia nhân và cả ngàn nông nô mà tối còn chép bản thảo Chiến tranh và Hòa bình cho chồng, có chương chép lại tới bảy lần! Juiliette Drouer theo Hugo trong thời lưu vong ở đảo Guernesey chép bản thảo Những kẻ khốn cùng, say mê tới nỗi hối Hugo viết cho mau để được biết em bé Cosette sau đó thoát khỏi nanh vuốt của mụ Thénardier không, hành tung của Jean Valjean có bị tên trùm Javert dò ra không…
Giúp chồng đắc lực hơn cả có lẽ là bà kế thất của của Maurois. Bà có của riêng, lại vốn dòng thư hương, là con nuôi của Anatole France, chơi thân với gia đình Marcel Proust. Đánh máy giỏi, lại chịu học thêm tốc kí Pháp và Anh – thời đó chưa có máy ghi âm – để làm thư kí cho chồng; bà có một thư phòng riêng ở sát thư phòng của ông, đánh máy bản thảo cho ông, tiếp khách khứa, trả lời thư từ của độc giả và kiếm tài liệu cho ông viết về Marcel Proust và về Balzac. Tôi chắc ông đã mang ơn bà rất nhiều. Trong cuốn Thư gởi người đàn bà không quen biết, ông nhận rằng ông quí vợ hơn những người đàn bà khác và đã tìm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. “Người đàn bà không quen biết” mỉa ông: “Thôi đi! Nên thành thực một chút nào! Những chùm nho kia xanh quá mà. Cụ thú thực đi, đôi khi cụ cũng tiếc những cuộc phiêu lưu mà cụ không dám (…) Có những những đàn bà trẻ đẹp hơn cụ bà mà”. Ông cãi bướng: “Mặc chứ! Tôi không ham các bà trẻ đẹp hơn. Thì cô làm gì được nào?” Sự thực, sau thế chiến vừa rồi, hồi ông vào khoảng lục tuần qua Nam Mĩ diễn thuyết đã không chống lại nỗi sức quyến rũ của một cô đào trẻ rất đẹp và cuộc tình duyên trong hai mươi ngày “đã làm cho ông trẻ lại” (lời của ông) đó là đề tài “tiểu thuyết” hay tự truyện – Những bông hồng tháng chín (Les rose de Septembre), những bông hồng cuối mùa.
Nói cho ngay, một phần cũng tại bà. Bà có tham vọng muốn chồng mình thành một văn hào, luôn được thiên hạ nhắc nhở tới, đề cao. Trước kia ông viết tài tử lâu lâu một cuốn, còn để thì giờ hưởng cuộc đời nghệ sĩ: dạo cảnh với mỹ nhân, đọc sách. Rồi từ khi cưới bà, bỗng nhiên ông viết mỗi năm hai cuốn và nhiều bài báo nhận được hết danh dự, này đến danh dự khác. Bà không muốn cho ông sống tà tà nữa, thúc đẩy ông, vận động cho các viện đại học mời ông diễn thuyết, các tạp chí xin ông bài, các nhà xuất bản com-măng ông tác phẩm, rốt cuộc ông phải làm việc như trâu.
Nhưng tham vọng của bà đã hại bà. Vì bà lập mưu để ông được mời qua Nam Mĩ diễn thuyết lần đó, không ngờ đẩy ông vào cánh tay nõn nà của một cô đào hát nhỏ hơn ông ba chục tuổi. Bà nổi ghen lên thì ông lại chọc tức bà thêm, chép lại truyện tình đó gọi là tiểu thuyết và gởi bà mấy hàng khiêu khích này ngay ở đầu truyện:
Nhắn em Simone,
“Tiểu thuyết này là một tiểu thuyết, những nhân vật này là những nhân vật tiểu thuyết. Ai muốn nhận ra ở đó những người có thực, đương sống hay đã chết, thì chỉ tỏ rằng mình chẳng hiểu tiểu thuyết và nhân vật tiểu thuyết là gì cả”.
Thì ra có một người vợ đắc lực quá đôi khi cũng là một cái tội.
Thực hợp tác với nhau, nghĩa là cùng viết, cùng kí tên chung một tác phẩm thì ở Việt Nam tôi mới thấy có ông bà Đông Hồ, ở Mĩ có ông bà Durant.
Thi sĩ Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết chỉ kí tên chung một tập mỏng: Hà Tiên thập cảnh, nhưng tôi chắc công của Đông Hồ trong cuốn tiểu thuyết Nàng Ái cơ trong chậu úp của Mộng Tuyết không phải là ít. Hai ông bà chắc tìm tài liệu với nhau, cùng xây dựng truyện với nhau nữa. Và ai đọc hai nhà đó cũng nhận thấy bút pháp giống nhau đến bảy tám phần mười.
Bà Ariel tuy không viết nhưng đã góp công với chồng, Will Durant, trong già nửa bộ Lịch sử văn minh… gồm ba mươi ba cuốn, mỗi cuốn trung bình 400 trang, bản tiếng Pháp của nhà Rencontre-Lausanne, Thụy sĩ. Hễ đọc xong tài liệu nào ông đưa cho bà đọc, rồi cả hai đều thảo luận với nhau, lập bố cục, sau cùng ông viết, bà đọc lại, thêm bớt. Cô con gái lãnh việc đánh máy, ghi xuất xứ. Cả một gia đình hợp tác với nhau trong mấy chục năm để phụng sự văn hóa, thật là hiếm có.
**
*
Đã được đọc khá nhiều đời sống văn nhân phương Tây, tôi chưa thấy cặp nào có hạnh phúc như cặp Bertrand Russell và Edith Russell.
Bertrand suốt đời đi “tìm tình yêu”. Vì ông cho nó là “niềm vui cực độ”, nó “giải thoát cho ông khỏi cảnh cô liêu” trên đời, nó là “cảnh thiên đường mà các vị thánh và các thi sĩ mơ tưởng”. Sau ba lần thất bại với ba bà vợ, tám mươi tuổi ông mới thành công, gặp bà Edith Finch nhỏ hơn ông ít nhất là hai chục tuổi. Bà không hiểu triết, không hiểu toán, tuy cũng giúp ông đọc thư, trả lời thư độc giả khắp nơi gởi về cả đống, tiếp khách hoặc đuổi khéo khách nữa, nhưng sự hợp tác về văn chương thật sự chẳng có gì, vậy mà ông cám ơn bà không biết bao nhiêu, bảo nhờ bà ông mới quên hết được những cảnh ghê tởm trên thế giới, hạnh phúc của ông mỗi ngày một tăng, “không đoán được tới đâu là cùng”; và khi in bộ Tự truyện[4] vài năm trước khi mất[5], ông đề tặng bà như sau: