Bà Dale Carnegie viết quyển "How to help your husband to get ahead" đã phải dành phần riêng một Phần bàn về nghệ thuật nghe người vợ, khi nói chuyện để "giúp chồng thành công" (tên sách của Nguyễn Hiến Lê). Theo bà, khi nói chuyện, chẳng những phải nghe bằng tai, mà còn phải nghe bằng mắt, gương mặt và toàn thân nữa. Chỉ để giúp chồng thành công, mà người vợ khi nói chuyện còn tập thuật nghe như thế, thì riêng bạn, trên đường đời để làm nên, để được thiện cảm với nhiều người, còn phải luyện bí quyết "biết nghe" nữa.
Đã hơn một lần, chúng tôi bảo, bất cứ ai đều ham nói, nghĩa là ham được nghe. Và xin bạn để ý cho rằng đa số con người ta có tâm lí ấy. Người ta thích kể lể tâm sự, ưa quảng cáo tài đức, kinh nghiệm của mình. Người ta hay dạy đời, chỉ trích, cãi lí, mỉa mai, nói chuyện dông dài. Ai không nghe, người ta có ác cảm. Còn bạn muốn nên người nói chuyện có duyên, ai cũng mến thích và ham gặp như một tri âm thì, thưa bạn, xin bạn hãy biết nghe.
Nghe với toàn con người bạn!
Nghĩa là sao? Là bạn phải lắng nghe kẻ khác để tìm hiểu họ, coi họ muốn nói gì với bạn. Nếu người có tật nói rườm rà, bạn phải rút những đại ý, để rồi trả lời theo những điều họ hỏi, hay cắt nghĩa rộng ra những điều họ nói chưa hết ý. Nhờ bạn chăm chú nghe, khi nói bạn lặp lại ý họ, họ sung sướng vì được bạn hiểu, và có cảm tình nồng hậu với bạn.
Nghe bằng hai tai không đủ. Phải nghe bằng mắt nữa. Mắt bạn phải ngó ngay mắt của người nói, để thu hút những điều mà lời họ phô bày không hết. Bạn cứ bình tĩnh ngó ngay mặt người nói. Họ muốn như vậy, vì khi nói, họ không phải chỉ nói bằng miệng mà bằng đôi mắt nữa. Bạn dồn nhãn lực vào gương mặt họ, là mua được thiện cảm của họ ngay.
Bạn còn phải nghe bằng nét mặt nữa. Nếu bạn thuật cho tôi nỗi thống khổ của bạn khi bạn gặp nạn, mà mặt chúng tôi bình thản như bàn thạch, hay cười nữa, thì chắc chắn làm bạn bất mãn chúng tôi. Khi chúng tôi thuật lại cho bạn một tin mừng nào đó, mà mặt bạn sầu thảm, thì chắc chắn về sau, chúng tôi không thích báo tin mừng cho bạn nữa. Tâm lí của thiên hạ không khác bạn và tôi. Vậy khi nghe tùy tình tiết câu chuyện, bạn hãy đổi thay nét mặt để tỏ ra bạn thông cảm với người nói. Như vậy, họ thấy rằng, bạn quan tâm tới họ, "tri âm" với họ, họ dễ dàng có thiện cảm với bạn, dù mới gặp bạn lần đầu.
Bạn cũng có thể làm người nói thỏa dạ, bằng cách bạn nghe với những điệu bộ. Có khi bạn gật đầu, có khi bạn chống tay dưới cằm,... và khi làm những điệu bộ này, mắt bạn cứ gắn chặt vào tròng mắt họ, đồng thời tâm tình câu chuyện mà nhăn trán tỏ vẻ suy nghĩ, lo âu hay nở nụ cười để biểu lộ sự đồng tình.
Miệng dùng để nghe cũng được nữa. Nghe bằng miệng là trong khi kẻ khác nói, tùy ý nghĩa câu chuyện mà bạn buông ra tiếng "vâng, ừ, dạ, phải đấy, thật đấy,... " hay nói một vài câu tỏ ra bạn đồng ý với họ, khen lời nói của họ. Đôi khi, bạn ra những câu hỏi để gợi cho người đối thoại nói hết ý họ muốn nói. Có nhiều câu hỏi chận họng kẻ khác, thì cũng có nhiều câu hỏi làm họ hăng hái nói thao thao.
Nghe với tâm hồn quân tử: xã hội cấu thành, bởi nhiều phần tử bất đáng, thì câu chuyện cũng có nhiều lời làm bạn không vừa lòng. Người thì chỉ nói về bản ngã của mình. Kẻ khác hay chỉ trích. Kẻ nọ phán đoán theo thành kiến. Nhiều người nói tục. Xin bạn hãy bỏ quạ Coi những tiếng ấy như nước đổ đầu vịt vậy. Cười cười với họ, rồi gợi cho họ nói chuyện khác bổ ích hơn.
Nghe với tinh thần học hỏi. Khổng Tử nói: "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư: Ba người cùng đi ắt có một người làm thầy tạ" Chúng tôi có thể nói với bạn "Nói chuyện với ai cũng có thể học được điều hay, "ai" hiểu cả những tên trộm cướp nữa." Thật vậy. Trên đời này, ai mà không có tật xấu, ai mà nói ra không bao giờ lầm lẫn. Những gì xàm láp kẻ khác nói, ta hãy để ngoài tai. Thu hút những cái hay của họ. Cả những người nói bậy rất nhiều, vẫn dạy ta không ít. Họ không nói lời vàng ngọc, thì thấy gương họ, ta cố gắng tránh, để khi nói chuyện, đừng gây ác cảm như họ. Cái tệ của họ cho ta cái haỵ Trong trường hợp nhiều người hội lại nói những chuyện bá láp: ta vẫn học được điều bổ ích. Học tính tình con người. Lúc hội lại đông người ta ít tự chủ, bị ảnh hưởng của đoàn thể. Nhất là khi nói diễu cợt, họ nói với tất cả chân tướng của mình. Bạn hãy quan sát diện tướng của họ, nghe lời họ nói, để biết bề trái tâm lí của họ, để dò trình độ văn hóa và kinh nghiệm cuộc đời của họ để rút ra kinh nghiệm cho bản thân mình.
Khi có tinh thần học tập như vậy, tất nhiên bạn sẽ hứng thú nghe kẻ khác nói chuyện. Bạn tỏ vẻ ham mê, chú ý từng lời nói, từng điệu bộ của họ, nên họ thích mến bạn, vì thích bạn kính trọng và phục tài ăn nói của họ.
Vậy xin bạn khi nói chuyện với ai, đều chú ý nghe họ hơn là nói. Nghe bằng toàn thân, nghe với tâm hồn quân tử, nghe với hứng thú. Bàn chuyện với người, mà bạn nghe như vậy, chắc chắn họ coi bạn là tri kỉ. Họ coi bạn là người nói chuyện có duyên. Mà kì thực bạn nói có nhiều đâu. Chính họ nói nhiều chứ. Bạn nghe. Nói là phụ. Thế mà bạn thuyết phục được họ, éo le thay tâm lí của nói chuyện.