Côn hớt hơ hớt hải chạy sang nhà Vũ :
- Vũ ơi, có người vừa chết đói ở cầu Kiến Xương. Tao nhìn thấy.
Vũ đang nằm đọc truyện, ngồi nhổm dậy :
- Mày nhìn thấy à ?
- Ừ. Ông ta ngã khụy, tay giơ lên cố bám lấy thành cầu mà không bám nổi. Tao về đem cơm ra cho ông ta thì ông đã chết rũ rồi.
Vũ khoe với dì nó :
- Dì ơi, ở cầu Kiến Xương có người chết đói.
Dì nó sợ hãi :
- Ba con nói năm nay chắc chết đói nhiều. Các con chớ gần xác chết nhé !
Vũ vâng dạ rối rít. Nó kéo Côn đi chơi. Giữa đường, hai đứa gặp Luyến và Lộc. Thằng Lộc nói hai người chết đói ở cổng Vọng Cung. Thằng Luyến bịt mũi nói ở ngã tư Vũ Tiên vô số người chết đói. Tin chết đói loan truyền thật nhanh. Thị xã ngập chìm trong sự lo âu. Người ta quên mọi chuyện, kể cả chuyện lính Nhật hung ác, mà chỉ nói chuyện chết đói. Tháng ba trời vẫn còn lạnh. Cá thi nhau chết lềnh bềnh trên mặt hồ, ao. Cá rô khỏe thế cũng chết cóng. Những hạt sương muối đọng trên ngọn cỏ sắc buốt như kim châm vào da thịt những bàn chân không giầy dép. Có lẽ, người nghèo vừa chết đói vừa chết rét. Họ không phải dân thị xã. Từ các làng quê mười hai phủ huyện, họ dắt díu nhau lên tỉnh, sang Nam Định. Họ bán lúa non cho người giầu. Tiền hết, không ai cho vay lúa, họ bán gia tài, bỏ làng đi kiếm sống. Người đủ sức, đủ tiền lê lết lên Hà Nội. Có khi mới đến Phủ Lý họ đã gục chết bên đường. Một vài người vừa thấy Hà Nội là lăn ra chết.
Thị xã làm gì có việc cho dân quê ra tỉnh. Họ đến chợ ngủ. Dần dần, dân quê xâm nhập thị xã khiến thị xã toàn ăn mày. Sự bố thí có giới hạn. Không nhà nào nấu cơm sẵn mỗi ngày cho hàng trăm người ăn mày. Họ ngồi ủ rũ dưới gốc cây, hiên nhà, sân đền, dưới tường nhà thương, trường học. Phú lít mặc họ vì đuổi không xuể. Những buổi trưa nắng, họ cởi áo ngồi bắt rận, bắt chấy cho vào miệng cắn đôm đốp rồi nuốt trửng. Chấy như một đàn kiến bò lổn ngổn trên tóc họ, bắt mãi chẳng hết. Họ sống nhờ của bố thí. Dân thị xã kinh tởm họ chứ không sợ hãi. Nhưng sáng nay, tin chết đói làm thị xã rụng rời. Chỉ nội buổi sáng, người ta phát giác mấy chục xác chết đói. Ty vệ sinh của thị xã lo ván chôn những xác chết vô thừa nhận. Nhật rửng rưng trước nạn chết đói. Không thấy Nhật lo phát chẩn như Tây thường phát chẩn cho dân nghèo.
Côn cắn môi :
- Ba thằng Vũ nói đúng quá.
Vũ vênh mặt :
- Ba tao nói cái gì cũng đúng.
Luyến hỏi :
- Ba mày biết tại sao chết đói nhiều không ?
Vũ chưa kịp trả lời thì Lộc vội đáp :
- Anh tao bảo tại Nhật bắt phá lúa trồng đay. Nhật nó thu hết thóc ở nhà quê rồi.
Mấy đứa trẻ nhìn nhau, kinh ngạc. Côn không quên câu chuyện tại nhà thằng Vọng. Nó cũng nhớ những ngọn lưỡi lê của lính Nhật lăm lăm chờ đâm dân thị xã hôm giỗ tổ Hùng Vương. Côn đã bưng mặt không dám nhìn báng súng Nhật đập vỡ mặt anh Đạo. Hai người nghèo khu Kỳ Bá ăn cắp thóc của ngựa lính Nhật bị chết treo ở đầu tỉnh còn là giấc mơ kinh hoàng của Côn. Nó buột miệng :
- Nhật đểu ghê !
Vũ nắm chặt bàn tay thành trái đấm :
- Tiên sư Nhật lùn !
Côn đá khẽ Vũ :
- Mày liệu hồn.
Vũ bĩu môi :
- Ở Hà Nội, người ta gọi Nhật là Nhật lùn. Tụi trọc đầu mắt một mí đểu thật. Ông “đét” sợ Nhật.
Côn bỗng lây sự cam đảm của Vũ. Nó nói :
- Thấy mình trở về, tụi Nhật bỏ cha chúng nó.
Ngay cái lúc hăng máu hiệp sĩ của Vũ và Côn thì một cái xe bò lọc cọc lê bánh trên đường phố. Hai anh Hướng Đạo đẩy, một anh quàng dây qua vai kéo, chở ba anh khác đứng trên xe. Chiếc loa thiếc “a lô, a lô” ầm ỹ. Vũ nheo mắt :
- Hướng Đạo đóng kịch, hở ?
Bốn đứa chăm chú nhìn.
- A lô, a lô … Lá lành đùm lá rách. Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Xin đồng bào hãy cứu giúp dân nghèo. A lô, a lô, xin đồng bào hãy bớt chút phần ăn cứu dân nghèo khỏi chết đói. A lô, a lô …
Côn mừng rỡ :
- Hướng Đạo quyên cơm phát chẩn, chúng mày ạ !
Vũ rủ rê :
- Chúng mình xuống đẩy xe bò đi !
Cả bọn chạy theo Hướng Đạo, đẩy xe đi “a lô” khắp thị xã.
- A lô, a lô … Xin đồng bào hãy đem cơm, bánh tới sân trường tiểu học để anh em Hướng Đạo đi phát cho dân nghèo. Lá lành đùm lá rách. A lô, a lô ! …
Bọn thằng Côn đẩy xe đến gần phố nhà chúng, bỏ về xin bố mẹ thổi thêm nồi cơm lớn. Ăn uống lấy lệ, chúng nó đổ cơm ra rá, đêm tới trường. Rồi nhập bọn cùng Hướng Đạo thị xã đi phân phát cho dân nghèo. Côn đứng nhìn những người đói ăn. Họ ăn rất nhanh. Đói ngấu, họ chẳng thèm nhai. Bỏ cơm vào miệng là họ nuốt trửng. Nhiều người vừa trông thấy rổ cơm đã ào tới, nằm rạp xuống bốc. Lắm người hục cả mặt hớp cơm nóng như lợn ăn cám. Cơm dính đầy đầu tóc. Họ vuốt mặt, đưa tay liếm từng hạt. Có người được phát bánh chưng, quên bóc vỏ. Họ cắn luôn lá bên ngoài, nhai nghiến, nuốt phùng cả cổ họng. Họ có thể ăn mãi nhưng mỗi người chỉ có phần mình. Mẹ nuốt cơm, con nhai vú sữa. Cảnh tượng thê lương chưa từng thấy trong một đời người. Tuy đã được cứu tế, hàng ngày vẫn chết đói rải rác khắp xó tỉnh.
Tuần lễ sau, Đoàn Khuất Thực Thị Xã ra đời. Hầu hết học trò thị xã đều tham gia Đoàn Khất Thực. Buổi lễ xuất phát thật cảm động. Người trưởng đoàn nước mắt dầm dề nói về ý nghĩa của sự thành lập Đoàn Khất Thực. Côn và Vũ đều rơm rớm nước mắt. Đoàn Khất Thực chia thành những toán nhỏ. Mỗi người đeo một cái bị đi xin cơm các nhà. Bọn thằng Côn đã trở thành những đứa bé ăn mày. Chúng nó vui vẻ đi ăn mày cơm, bánh tây, bánh chưng … Đó là những kẻ ăn mày áo lành, xông xáo khắp chốn, Luyến chống cái gậy. Nó giả vờ khòm lưng, lè nhè :
- “Ăn mày là ai, ăn mày là ta. Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày” …
Đến cửa nhà mình, Luyến gõ gậy, pha trò :
- Con lạy ông, lạy bà, lạy cô, lạy cậu, xin ông bà cô cậu bố thí cho con đồng cơm bát cháo …
Mẹ nó ôm bụng cười và đổ cơm đầy cái bị của nó. Luyến vẫn còn tinh nghịch. Đảo chính, chết đói không làm nó mất sự hồn nhiên. Luyến chả cần suy nghĩ chuyện độc lập, cách mạng. Có thằng Vũ, nó không thèm muốn giang hồ Hà Nội nữa. Vũ là Hà Nội của Côn. Nhưng, dường như, Vũ lây thằng Côn rồi. Nó thích nghe chuyện Nhật và chửi “tiên sư Nhật lùn”. Luyến không ghét ai cả, nó chỉ ghét những ngày mưa nằm bó cẳng không được đi bắn chim, bắn gà, bắn chó. Thị xã mới thêm trò ăn mày. Luyến lại thấy thị xã hết chật hẹp.
- Con cá nó sống vì nước, con sống vì ông bà. Xin ông bà cho con bát cơm.
Luyến thuộc lòng những câu của ăn mày để đi … ăn mày. Thế mà Vũ và Côn đã bị lây sự vui nhộn của Luyến. Chúng nó không tách rời sang các toán khác. Luyến, Côn, Vũ, Lộc, Long đi riêng một toán. Nhà nào đóng chặt cửa, Vũ bấm chuông điện kêu ầm ỹ. Chuông hỏng, chúng nó đập cổng thình thình. Hễ không mở, chúng nó réo tên pha trò. Luyến sẵn sàng súng cao su, bắn chó, bắng bóng đèn. Mở cửa mà không cho cơm Khất Thực, chúng nó mắng mỏ túi bụi. Vì chúng nó đâu phải là ăn mày, Côn thấy chỉ những nhà giầu không cho cơm Khất Thực thôi, còn ai cũng vui vẻ bố thí.
Nhờ Đoàn Khất Thực, Côn gặp Thúy luôn, chẳng cần kiếm cớ. Sáng sớm, Côn xách bị lại nhà Thúy xin cơm. Bác Thụy khen nó ngoan ngoãn, biết thương người nghèo. Con Thúy đổ cơm vào bị của Côn. Nó mỉm cười với Côn. Con nhà Côn đi ăn mày suốt ngày không mệt. Nhưng một buổi sáng, đúng rồi, một buổi sáng, Thúy hỏi Côn rằng tại sao thằng Vũ không đến nhà Thúy chơi. Côn ta bỗng buồn ghê gớm. Nó nhớ hôm Thúy khen Vũ phóng phi tiêu giỏi hơn Côn. Và Côn chẳng thích lại nhà Thúy xin cơm nữa. Côn tự nhủ sẽ không nói cho Vũ nghe chuyện này.