Sau những ngày đảo chính, tỉnh lỵ náo nức nhộn nhịp. Vẻ buồn thoang thoảng của nó biến đâu mất. Đảo chính ví như một lớp phấn hồng nhạt đánh phớt trên khuôn mặt lười trang điểm của cô gái tỉnh nhỏ. Đâu đâu người ta cũng nói chuyện độc lập và khối Đại Đông Á. Bài hát “Tiếng gọi sinh viên” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được người lớn và trẻ con thị xã Thái Bình học hát một cách say sưa.
Này sinh viên ơi, quốc gia đến ngày giải phóng. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống. Vì tương lai quốc dân, cùng xông pha khói tên, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền. Dù cho thây phơi trên gươm giáo. Thù nước lấy máu đào đem báo …
Thằng Vọng đứng giữa sân trường, bắt nhịp và dạy bạn bè hát. Khắp sân trường, học trò tụm năm túm ba tập hát “Tiếng gọi sinh viên”. Các lớp đóng cửa im ỉm. Học trò tới trường để hát và bàn tán chuyện độc lập. Vọng tiếc rẻ không có con nhà Vũ thổi ác mô ni ca. Nó hát khản cả tiếng, hát vang lừng như thể cả đời nó chưa bao giờ được hát.
“Sinh viên ơi !
May hiến thân dưới cờ
Sinh viên ơi !
Mau làm cho cõi bờ
thoát cơn tàn phá, vẻ vang đời sống, xứng danh ngàn năm dòng giống Lạc Hồng ”.
Người lớn gặp nhau ngoài đường, nắm trái đấm giơ lên cao chào nhau. Trẻ con cũng giơ nắm đấm chào nhau. Đưa đám ma một nhân vật của thị xã, người ta theo quan tài hát bài “Tiếng gọi sinh viên”. Một cơn gió mới lùa vào tâm hồn Côn cùng với niềm hân hoan của dân tộc. Bản nhạc “Tiếng gọi sinh viên” đã dạy Côn lớn lên, khôn ra. Nó mới hiểu yêu nước là phải “xông pha khói tên, làm sao cho núi sông từ nay luôn vững bền”. Côn nhìn lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phơ bay trên ngọn cột cờ trường học. Phải hiến thân dưới lá cờ đó. Thầy Đàn đã hiến thân dưới cờ, thầy đã ra đi lấy máu đào đền nợ nước. Côn muốn gặp thầy Đàn để ôm chặt thầy. Nó thương thầy gấp bội. Nó hãnh diện là học trò thầy Đàn như Vọng hãnh diện là học trò thầy Hoan.
Niềm hân hoan của dân thị xã bộc lộ rõ rệt nhất trong ngày giỗ tổ Hùng Vương. Học trò thành chung và học trò tiểu học áo dài đen, quần chúc bâu trắng, đội mũ trắng, xếp hàng đi trước, dân chúng theo sau từ trường tiểu học tiến đến sân vận động. Tất cả hướng mặt về câu lạc bộ. Nơi đó một bàn thờ trải cờ Việt Nam và một đỉnh hương trầm nghi ngút. Đội kèn “bú rích” của lính khố xanh nay giọ là An Vệ Dân thổi bài “Tiếng gọi sinh viên”. Trống đồng đánh thình thình nghe oai vệ lắm. Học trò dở nón úp vào bụng. Thằng Vọng được đứng với đội kèn “bú rích”. Nó lấy giọng, bắt nhịp. Học trò đồng ca :
“Bốn nghìn năm văn hiến, nước Nam khang cường. Là nhờ công đức ngàn xưa. Văn hóa như sông rừng, cùng nâng dắt nhau tô vào ngàn muôn sắc hoa … Đời đời nhờ Hùng Vương đã vì quốc dân, lập nên nước này … Cúi đầu xin ban phúc giúp cho con Rồng, từ này thôi hết lầm than …”
Năm nào, dân thị xã cũng giỗ tổ Hùng Vương nghiêm trang. Nhưng năm nay, nghiêm trang và phấn khởi hơn. Quan đầu tỉnh người Việt đọc diễn văn nhắc nhở công đức tổ Hùng Vương. Trên hàng ghế danh dự không còn quan công sứ Tây nữa mà chỉ có mấy vị sĩ quan Nhật ngực đeo huy chương, lưng dắt kiếm dài. Buổi lễ chấm dứt, dân chúng tuần hành khắp phố. Những thông ngôn Nhật dặn dân thị xã rằng : khi nào họ hô “đả đảo thực dân Pháp” thì tất cả giơ tay hô “đả đảo”.
- Đả đảo thực dân Pháp !
- Đả đảo …
- Đả đảo thực dân Pháp !
- Đả đảo …
Bọn thằng Côn hô to nhất. Nó hỏi Vọng :
- Đả đảo là gì hở, mày ?
Vọng nắm chặt trái đấm :
- Đả đảo là đánh cho Tây điên đảo, hạ quỵ Tây.
Những tiếng hô vang vọng khắp thị xã.
- Đả đảo thực dân Pháp !
- Đả đảo …
- Nhật hoàng vạn tuế !
Vạn tuế …
Việt Nam độc lập !
- Độc lập …
- Đại Đông Á đoàn kết !
- Đoàn kết …
- Đả đảo thực dân Pháp !
- Đả đảo …
Bỗng có người hô :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Dân chúng quen miệng hô theo :
- Đả đảo.
Lập tức, những người thông ngôn Nhật rút súng lục ra, lăm lăm trong tay. Một người bắn chỉ thiên ba phát. Lính Nhật theo đám tuần hành chạy rầm rập lên phía trước chận lại. Họ rút lưỡi lê cắm vào đầu súng và lên đạn lách cách. Những ngọn lưỡi lê chỉ chực đâm thủng da thịt. Dân chúng đứng im, mặt mày xám ngắt. Thông ngôn Nhật khám xét từng người lớn. Côn run sợ véo Vọng một cái. Nó nói nhỏ :
- Bỏ mẹ rồi, thằng nào bị bắt sẽ bị Nhật chém ngang thây.
Vọng nghiến răng cho hai hàm khỏi đánh nhịp. Nó thúc nhẹ vào mạng mỡ Côn :
- Câm mồm lại đi.
Sau nửa giờ khám xét thông ngôn Nhật tóm một người tình nghi, lôi ra. Vọng bật nói :
- Anh Đạo.
Ông Ban tát anh Đạo hai cái nẩy đom đóm mắt. Anh Đạo nhổ nước miếng trúng mặt ông Ban.
- Đồ Việt gian !
Lính Nhật thúc báng súng trường vào ngực anh Đạo. Anh ta trợn mắt nhìn mọi người, gầm lên :
- Đả đảo phát xít Nhật !
Một báng súng nữa đặp thẳng mặt anh Đạo. Máu anh ứa ra và anh rũ xuống cơ hồ một thân cây bị đốn ngã. Dân thị xã run bằn bặt. Côn úp tay che mặt. Nhưng thằng Vọng mở to mắt nhìn. Hàm răng nó không còn đánh nhịp. Nó nắm chặt hai nắm đấm, nghiến răng ken két. Luyến thấy đôi mắt Vọng long sòng sọc. Nhật ra lệnh giải tán đám tuần hành, người nào về nhà người ấy. Côn kéo tay Vọng và Luyến ra về. Đi được quãng xa, ngó lại không thấy lính Nhật và thông ngôn, Côn hỏi Vọng :
- Anh Đạo này đấy mày ?
- Anh ấy ở Đông Cao (#1), Tiền Hải.
- Mày quen anh ấy à ?
- Thầy Hoan bảo anh ấy tìm tao. Tối qua anh Đạo kể tội Nhật. Anh ấy nói sẽ xui dân thị xã chống phát xít Nhật. Giá anh Đạo không bị bắt, tao đã theo anh ấy đi rồi.
Luyến lè lưỡi :
- Ông sợ quá, ông chuồn đây.
Luyến co cẳng chạy. Côn không nói thêm gì với Vọng nữa. Tự đáy lòng nó vừa cuồn cuộn một nỗi đau thương. Côn đã nhìn rõ sự hung ác của Nhật. Nó nhìn Vọng. Thằng bạn nghèo khổ đang ứa nước mắt. Côn thấy nước mắt bạn không giống nước mắt những lần nó bị thằng Hách bắt nạt. Nó vươn tay khoác vai Vọng :
- Về nhà tao uống nước.
Chú thích:
(1-) Đông Cao, một làng cách mạng chống Pháp thuộc huyện Tiền Hải, gần bãi biển Đồng Châu. Pháp không đánh nổi phải dùng tầu bay thả bom tàn phá cả làng. Thủ lãnh Đông Cao chống Pháp là ông Ngô Duy Phớn.