Đoàn người phóng ngựa rất nhanh vì Vệ Yên Hà sắp đến ngày khai hoa nở nhuỵ. Thấy Phiêu Trần không mở miệng, Tiêu Tương Thần Nữ nhân lúc mọi người đang ở phía trước, thò tay nhéo hông phu tướng, nũng nịu nói:
- Tướng công bỏ đi đâu biền biệt gần tháng nay, giờ gặp thê thiếp sao chẳng nói cười? Hay là chàng đã bị nữ nhân nào đó hớp hồn rồi phải không?
Phiêu Trần càu nhàu:
- Tiểu nha đầu có chịu bỏ tay ra khỏi người bần đạo hay không? Chờ Trần nhi về rồi người tha hồ nhõng nhẽo!
Giọng nói khàn khàn kia đúng là của Thiên Xảo Chân Nhân. Tư Đồ Lan thẹn chín người, ấp úng:
- Té ra ân sư! Thế Sở lang đâu?
Chân Nhân cười khanh khách:
- Chỉ vài ngày nữa là y về đến Trường Sa, đừng nóng ruột vô ích! Ta đã bảo Châu nhi đi gọi y rồi!
Đúng như lời Trang Thứ đoán, chỉ sáu ngày sau, Phiêu Trần, Tú Châu và hai lão nhân lạ mặt bước vào Sở Gia Trang!
Phiêu Trần hỏi ngay:
- Lan muội, Yên Hà đã sanh chưa?
Tư Đồ Lan cười đáp:
- Hà muội đang chờ tướng công đấy!
Chàng yên lòng giới thiệu Tỳ Bà Tú Sĩ và Độc Phụ Nhân với mọi người. Thiên Xảo Chân Nhân cười khanh khách:
- Hai ngươi gieo nhiều ác nghiệp nên chịu quả báo suốt ba mươi mấy năm. Nhưng nhờ có nhân lành kiếp trước nên sống thọ và cuối đời được an lạc. Hãy cố giúp Trần Nhi giáng ma vệ đạo, tạo phúc cho đời!
Giọng ông điềm đạm nhưng chất chứa đầy pháp lực, tựa những nhát tuệ kiếm vạch toang màn u linh trong tâm thức hai lão ác ma. Chỉ họ mới nhìn thấy ánh hào quang tỏa quanh gương mặt Thiên Xảo Chân Nhân.
Hai người quỳ sụp xuống:
- Đệ tử xin đa tạ Chân Nhân đã điểm hóa!
Phiêu Trần chạy vào hậu viên thăm Vệ Yên Hà. Nàng đang ngồi dựa đầu giường, hân hoan nói:
- Thiếp những tưởng con trẻ ra đời không được thấy mặt cha!
Chàng âu yếm xoa bụng nàng và hôn lên mắt lên môi người vợ hiền lành. Yên Hà thẹn thùng thỏ thẻ:
- Có mặt tướng công, thiếp thêm dũng khí, chẳng còn sợ hãi nữa! Thiếp nóng lòng muốn biết con mình là trai hay gái!
Phiêu Trần cười xòa:
- Nam nữ gì cũng tốt cả, nương tử chớ lo lắng!
Yên Hà hài lòng, nhìn chàng say đắm rồi nói:
- Tướng công, Tú Châu quả là người tuyệt diệu. Nhờ nàng ấy mà thị giác của thiếp đã hồi phục được chín phần rồi đấy!
Phiêu Trần đắc ý bảo:
- Hay lắm! Xem ra ta cũng tinh mắt đấy chứ!
* * *
Trong bữa tiệc tẩy trần chiều hôm ấy, Thiên Xảo Chân Nhân bị thúc ép phải nói ra bí ẩn của phép mầu Sách Khê Cốc. Từ hôm ấy đến nay, ông không hề giải thích, chỉ cười đắc ý mà thôi!
Hôm nay, đông dủ mọi người, Trang Thứ vui vẻ kể:
- Bần đạo không thể dùng kiếm chưởng đánh với Trương Tự Thanh nên đã nghĩ đến việc thủ hòa. Sau nửa tháng tìm hiểu địa hình Sách Khê Cốc, bần đạo phát giác ra rằng dưới đáy vực có một luồng gió rất mạnh, thổi ngược lên trên.
Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng đầu giờ Tỵ là quái phong nổi lên. Bần đạo đã buộc dây vào người, làm quen dần với luồng gió ấy, nên hôm phó ước mới bay lên được!
Cả nhà hết lòng thán phục vì phải có một bản lĩnh phi thường mới cỡi gió mà bốc lên cao hàng chục trượng như Trang Thứ đã làm!
Khi bàn đến cục diện võ lâm Tỳ Bà Tú Sĩ nói:
- Trần nhi hãy gọi dùm Khúc Mạc Sầu đến đây để sư đồ gặp gỡ, lão phu rất nhớ gã!
Phiêu Trần cười đáp:
- Phó lão bá yên tâm! Phỉ nhi quen với Cái Bang, sáng mai sẽ nhờ họ chuyển thư, chỉ vài ngày là Khúc đại ca có mặt ở đây!
Dạ Tri Thù Sách Siêu nghiêm giọng:
- Mấy tháng nay Tỳ Bà Sương tập hợp thủ hạ đánh phá, quẫy nhiễu tổng đàn Thần Kiếm Bang ở Bặc Sơn, khiến Bàng Tinh Hải tổn thất rất lớn. Chưa chắc Khúc Mạc Sầu đã rảnh rang để đến Trường Sa!
Tỳ Bà Tú Sĩ Phó Phúc Thuần kinh ngạc:
- Sao Sầu nhi lại đánh nhau với đệ tử của Hạc Lão nhân?
Phiêu Trần vội kể sơ qua việc Trương Tự Thanh và Bàng Tinh Hải ám hại Tỳ Bà Sương để đoạt phần họa đồ!
Độc Phụ Nhân mỉm cười:
- Không ngờ học trò của lão thân lại sớm hồi đầu, giao nộp phần họa đồ cho Công Tôn Chí! Ai bảo cây đắng không sánh được trái ngọt!
Kim Nhãn Điêu tủm tỉm hỏi:
- Đối với kho tàng ở Quảng Đông, nhị vị tính sao?
Tỳ Bà Tú Sĩ cắn môi suy nghĩ, lát sau hớn hở đáp:
- Lão phu nghĩ ra rồi! Chúng ta sẽ đi núi Thất Tinh vét sạch vàng bạc châu báu, chờ lúc bá tính gặp thiên tai, mua lương thực mà bố thí! Như thế cũng là chuộc lại phần nào tội lỗi ngày xưa!
Độc Phụ Nhân tán thành:
- Lão nói phải! Chúng ta đã có chốn dưỡng già, còn cần của cải làm gì nữa!
Cả nhà phá lên cười khiến hai lão nhân ngơ ngác. Thiên Xảo Chân Nhân nói:
- Buông đao đồ tể xuống là có thể thành phật! Ý nguyện của hai thí chủ đã được thực hiện rồi. Cuộc chẩn tế vùng Tây Bắc hạn hán mùa Hạ vừa qua có được là nhờ số tài sản ăn cướp của Tứ Ác Nhân đấy!
Độc Phụ Nhân cười toe toét:
- Thế thì lão thân cũng đỡ áy náy!
Phó Tú Sĩ nhăn mặt:
- Chết rồi! Chúng ta đã hẹn Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân đi núi Thất Tinh vào giữa tháng chín này, làm sao ăn nói đây!
Dạ Tri Thù lắc đầu:
- Nhị vị đừng lo! Khi hai người ấy gặp đệ tử của mình, tất không đến đấy đâu. Họ sẽ âm thầm đi Thiên Trụ Phong để độc chiếm kho tàng! Trương Tự Thanh đã có đủ bốn mảnh họa đồ, đâu cần đến nhị vị nữa!
Phó Phúc Thuần ôm bụng cười:
- Lão phu cũng mong như vậy! Nghĩ đến gương mặt méo mó của họ khi đứng trước kho tàng trống rỗng, lão phu thật khoan khoái!
Phỉ nhi từ ngoài chạy vào khoe:
- Phụ thân! Hài nhi mới bắt được chú dế rất kiên dũng ở ngoài vườn!
Tú Sĩ hăm hở nói ngay:
- Đâu! Cháu ngoan cho lão phu chơi với!
Thế là lão bỏ bàn tiệc, cùng Phỉ nhi ra vườn bắt thêm vài con dế, chơi trò đá dế.
Độc Phụ Nhân ngượng ngùng biện bạch:
- Ở vùng Thạch Sơn cũng có dế, chúng ta chẳng biết làm gì để khuây khoả nên chơi cho vui!
Nói xong, bà cũng đi ra để xem! Thiên Xảo Chân Nhân biết mọi người kinh ngạc, liền giải thích:
- Khi rơi vào hoàn cảnh tuyệt vọng, con người thường phản ứng bằng cách chết đi, hoặc mơ tưởng tới những kỷ niệm tươi đẹp đã qua. Tứ Ác Nhân suốt đời chém giết, cướp đoạt và lẩn trốn, nên chỉ có tuổi thơ là đáng nhớ nhất! Do vậy họ mới trở thành lũ tiểu đồng khi tuổi đã cao!
Chiều hôm sau, Vệ Yên Hà lâm bồn, sanh ra một nam hài kháu khỉnh, nặng đến sáu cân. Theo tục lệ Hồ Nam, phải chờ đến lễ thôi nôi mới đặt tên chính thức. Do vậy, cả nhà tạm gọi đứa bé là A Bảo!
Trong thời gian này, Thiên Xảo Chân Nhân tận lực chỉ dạy võ nghệ cho Phiêu Trần, bổ xuyến những gì còn thiếu sót, Trang Thứ nghiêm giọng:
- Trần nhi đã có sở học của phái Nga Mi nên bần đạo chỉ dạy cho ngươi ba chiêu kiếm và ba chiêu chưởng pháp. Nhưng đấy chính là tâm huyết một đời của bần đạo, tinh ảo hơn cả tuyệt học của Toàn Cơ Thượng Nhân. Nay con lại có thần kiếm trong tay, dù công lực không bằng Trương Tự Thanh nhưng chẳng đến nỗi thua thiệt đâu!
Phiêu Trần băn khoăn:
- Nhưng đệ tử chỉ sống được đến mùa Hạ sang năm, sợ không có thời gian để tiêu diệt lão họ Trương!
Chân Nhân dùng phép Thái tố chẩn mạch Phiêu Trần. Ông cười ha hả:
- Bần đạo cam đoan Trần nhi sẽ thọ đến trăm tuổi!
Phiêu Trần mừng rỡ ôm lấy Chân Nhân:
- Ân sư quả là bậc thần tiên, đã chỉ giáo phương hướng giải nạn cho Trần nhi.
Trang Thứ tư lự:
- Theo lời con kể lại thì có thể chính nọc độc của loài Kim Tuyến Xà, hoặc Hồng Điểm Hắc Xà đã trung hòa độc tính của Tam Sắc Bích Hổ!
Phiêu Trần tán thành và xin phép được đem pho Huyền Huyền Ảo Bộ truyền lại cho Phỉ nhi và thê thiếp. Chân Nhân đồng ý:
- Phỉ nhi căn cơ rất khá, sau này sẽ là một bậc anh hùng. Nhưng Diệp Tú Châu mới là cánh tay phải của con đấy!
Giữa tháng chín, Tỳ Bà Sương Khúc Mạc Sầu tìm đến Sở Gia Trang. Tỳ Bà Tú Sĩ ôm lấy đồ đệ khóc như mưa.
Yến tiệc lại được bày ra để chiêu đãi khách. Tỳ Bà Sương khoan khoái kể lại cuộc chiến với Thần Kiếm Bang. Bằng chiến thuật du kích, lão và thủ hạ đã tiêu diệt được khá nhiều bang chúng của Bàng Tinh Hải. Hồi cuối tháng tám vừa rồi, nhân lúc họ Bàng đi núi Vũ Lăng xem cuộc phó ước giữa Phiêu Trần và Trương Tự Thanh. Tỳ Bà Sương đã ám tập Bặc Sơn, thiêu hủy tổng đàn Thần Kiếm Bang. Vì vậy, hiện nay Bàng Tinh Hải đã phải dời về Nam Dương, sát nhập với Khổng Tuớc Bang. Không còn Thần Kiếm, họ Bàng đành phải nhận chức phó bang chủ Khổng Tước Bang!
Tỳ Bà Tú Sĩ hỏi ngay:
- Thế Sầu nhi có biết Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân hiện đang ở đâu không?
Họ Khúc nhíu mày đáp:
- Bẩm ân sư! Trinh sát của đồ nhi ở quanh Kiếm Bảo đã phát hiện có hai lão nhân lạ mặt đi vào tổng đàn Khổng Tước Bang, hôm hai mươi sáu tháng tám. Theo sự mô tả thì có lẽ là Thần Ma và Hạc Lão Nhân, vì trên cổ họ còn lòng thòng đoạn xích sắt!
Độc Phụ Nhân Đỗ Thuyên thương hại hai ông chồng cũ, thở dài bảo:
- Trần nhi, rằm này, nếu họ đến đây thì ngươi hãy cắt giùm thiết luyện ra. Mang thứ của nợ ấy quả là một cực hình!
Bà tháo giải khăn quanh cổ cho mọi người xem những vết sẹo đỏ hỏn. Ai cũng rùng mình và nẩy sinh cảm giác bất nhân!
Tỳ Bà Tú Sĩ kể lại:
- Năm xưa, Sa Mạc Chi Vương đã đánh thuốc mê bọn ta rồi cho thợ rèn gài mắt xích cuối cùng vào. Cổ chúng ta bị phỏng nặng, hơn tháng sau mới lành hẳn! Nay muốn chặt ra lại càng khó hơn, vì dây xích sát da cổ, không thể dùng lửa mà nung được. May mà Trần Nhi có được thần binh, nếu không cũng phải bó tay thôi!
Độc Phụ Nhân bâng khuâng nói:
- Xuân rồi, Sa Mạc Chi Vương Kim Mãn Lộ có đến thăm mỏ vàng. Trong bữa tiệc với thủ hạ, họ Kim say sưa nói rằng sẽ có ngày vào Trung Thổ, dựng cơ đồ ở vùng Tây Bắc, tranh hùng với các phái võ lâm. Không chừng chúng ta còn gặp lại lão ta đấy!
Thiên Xảo Chân Nhân nhắm mắt lại, nửa khắc sau mới mở ra. Ông nghiêm giọng:
- Đỗ thí chủ nói không sai! Chỉ vài tháng nữa con người nguy hiểm và đầy dã tâm ấy sẽ bỏ sa mạc vào đất Thiểm Tây! Nếu để Kim Mãn Lộ bành trướng ở Tây Bắc, quân Mông Cổ sẽ theo chân hắn tràn vào! Bần đạo sẽ phải đi ngay Trường An mới được!
Chân Nhân xách tay nải nhỏ, lên ngựa rời Sở gia trang với dáng điệu hấp tấp ít khi có ở ông. Điều này chứng tỏ Sa Mạc Chi Vương là mầm họa to lớn, hơn hẳn Khổng Tước Bang!
Tỳ Bà Sương nán lại Trường Sa vài ngày. Quả nhiên rằm tháng chín trôi qua mà Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân không thấy đến. Độc Phụ Nhân hết lời chửi rủa hai lão chồng bạc bẽo phản phúc.
Trưa mười chín, Dạ Tri Thù Sách Siêu từ Triệu Khánh, Quảng Đông trở về. Lão đã đi núi Thất Tinh để xem Khổng Tước Bang tầm bảo.
Tỳ Bà Tú Sĩ hỏi ngay:
- Sách lão đệ! Bọn họ có đến không?
Sách Siêu ngồi xuống, tủm tỉm cười kể lại:
- Sáng mười hai, lão phu đến ẩn mình trên sườn núi Thiên Trụ. Chỉ lát sau, lực lượng của Khổng Tước Bang đến nơi, có cả Thần Ma và Hạc lão Nhân! Thấy Thạch trận trước của hang đã bị phá hủy, bọn họ tái mặt. Bốn thầy trò thay phiên ngậm Tỵ Độc Châu, tiến vào hang, chỉ lát sau đã trở ra, chửi rủa um sùm. Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân khóc như cha chết, trách móc hai đồ đệ đã lấy kho tàng mà còn giả đò chưa! Trương Tự Thanh và Bàng Tinh Hải phải giải thích mãi họ mới chịu thôi. Nhưng điều quan trọng nhất là đối phương hoàn toàn không nghi ngờ gì chúng ta.
Phiêu Trần cười nghi hoặc:
- Trước sau gì họ cũng đoán ra thôi! Cả vùng Tây Bắc đều biết người đứng ra cứu tế là Nga Mi Đại Kiếm Khách và Tam Tuyệt Đồng Tử.
Cả nhà đều dồn nhãn quang vào Sở phỉ. Cái tật háo danh của cậu bé này quả là tai hại!
Phỉ nhi xanh mặt, cúi đầu run rẩy. Phiêu Trần nghiêm giọng:
- Phỉ nhi! Người họ Sở không biết sợ chết nhưng cũng không tự cao tự đại, kể lể công ơn với thiên hạ. Lần này phụ thân bỏ qua, nhưng nếu còn tái phạm thì ngươi hãy trở về Kỳ Liên Sơn!
Phỉ nhi thất kinh hồn vía quì xuống khóc:
- Hài nhi đã biết lỗi, thề bỏ tật háo danh! Xin phụ thân đừng đuổi hài nhi đi!
Tư Đồ Lan đỡ cậu bé lên, an ủi:
- Cha ngươi nói lần sau chứ đâu phải lần này mà ngươi khóc ròng như vậy!
Phỉ nhi mếu máo đứng lên, tự tát bôm bốp vào má mình:
- Cái miệng thối tha này đã hại tiểu gia, thực đáng đánh đòn!
Cả nhà cười vang, chẳng còn ai giận nữa!
Hôm sau, Tỳ Bà Sương và hai lão nhân lên đường đi Hứa Xương. Họ đến thăm cơ ngơi của Khúc Mạc Sầu, và sẽ giúp họ Khúc đối phó với Khổng Tước Bang!
Sách Siêu cũng đi Mã Sơn để điều tra lai lịch Tào Tử Viên, nhân vật quan trọng trong vụ án mười tám năm trước.
Vệ Yên Hà mới sanh nên Phiêu Trần phải ở lại với thê tử, chẳng thể bỏ đi ngay được!
Bình Nam Vương và Tiểu Quận Chúa thường xuyên sang thăm cháu chắt và tặng rất nhiều gấm lụa.
Hà Vân Bích vẫn gởi đến Phiêu Trần những ánh mắt ai oán và tràn đầy ân ái, khiến chàng vô cùng bối rối!
Trong những cuộc đàm đạo, Kim Nhân Điêu Sở Quyền đã nói rõ rằng Đại Quận Chúa Hà Tường Anh còn sống, hiện là vợ Trương Tự Thanh và cư trú ở Nam Dương, thế mà Hà Vương Gia vẫn thản nhiên, không nói gì đến việc đi thăm, hay gọi trưởng nữ về!
Sở Quyền nghi hoặc hỏi:
- Vì sao Vương gia lại có vẻ dửng dưng với Đại Quận Chúa như vậy?
Hà Hiến Trung cười nhạt:
- Năm xưa, Anh nhi bỏ nhà trốn đi khiến vợ chồng bổn Vương nhục nhã và đau đớn. Nay nó còn sống sao không biết tự về chịu tội, hà tất bổn Vương phải đi tìm?
Sắc mặt ông rất thê lương, khiến Phiêu Trần hổ thẹn cho cha mẹ mình, chàng ứa lệ thưa rằng:
- Ngoại tổ! Tiểu tôn chịu tội thay cho huyện đường!
Kim Nhãn Điêu chính sắc:
- Bẩm Vương gia! Lão phu định để Bảo nhi mang họ Hà, nối dõi tông đường Vương phủ!
Hà Hiến Trung hờ hững từ chối:
- Bất tất phải làm thế! Bổn vương sẽ để cho con trai Tiểu Quận Chúa thừa tự họ Hà!
Vân Bích thẹn thùng liếc Phiêu Trần rồi nói:
- Hài nhi đã quyết nương vào cửa phật, vương phụ đừng mong đợi uổng công!
Hà Vương gia cười mát:
- Ta sẽ gả con cho người mà con không thể từ chối được!
Tiểu Quận chúa hiếu kỳ hỏi!
- Ai vậy vương phụ!
Vương gia mỉm cười bí ẩn:
- Thánh Thượng đang lâm trọng bệnh nên ta chưa thể xúc tiến việc hôn lễ cho con được!
Mọi người đều nghĩ rằng lão sẽ gả Hà Vân Bích cho Thái tử!
Phỉ nhi nãy giờ nép sau lưng Sở Quyền để nghe lén, liền thò mặt ra cười khanh khách, vòng tay nói:
- Tiểu tôn xin chúc mừng Di Bà! Sau này mong Di Bà đưa vào cung chơi một chuyến! Tiểu tôn mơ ước được ngồi thử ngai vàng một lần cho biết!
Tiểu Quận chúa vừa giận vừa thẹn, trợn mắt quát:
- Tiểu tử đừng lắm lời, coi chừng ta đánh đòn bây giờ!
Phỉ nhi le lưỡi chạy mất. Thấy mặt Phiêu Trần có sắc giận, Hà Vương Gia cười bảo:
- Trần nhi đừng trách phạt thằng bé làm gì, y lớn lên nơi chốn núi rừng nên tâm tánh tự nhiên, phóng khoáng, nghĩ sao nói vậy!
Phiêu Trần vội hứa bỏ qua.
* * *
Giữa tháng mười, tin tức từ phía Bắc bay về. Thứ nhất là việc Tỳ Bà Sương đã liên thủ cùng Ma Giáo tấn công tổng đàn Khổng Tước Bang nhưng thất bại. Thứ hai, ở vùng giáp ranh ba phủ Hà Nam, Hồ Bắc, Thiểm Tây vừa xuất hiện một bang hội mới họ đặt trên sườn núi thấp Thiểm Sơn, chung quanh có đồi cao và rừng rậm, đầm lầy nên địa thế rất hiểm ác, dễ thủ khó công. Nghe đâu bang chúng Thần Võ đông đến hơn ngàn. Giỏi cả đao pháp lẫn thuật bắn cung. Bang chủ là ai không rõ. Nhưng quân sư lại chính là Mỹ Nhiêm Tú Tú Sĩ Uất Trì Thư, người đã từng giữ chức Phó bang chủ Thần Kiếm Bang!
Phiêu Trần đoán rằng Thiên Xảo Chân Nhân đã giả làm Mĩ Nhiệm Tú Sĩ, gia nhập dưới trướng Sa Mạc Chi Vương để dễ bề lũng đoạn!
Sanh ý của Sở Gia Đại Tửu Lâu không thịnh vượng bằng lúc trước, vì Phiêu Trần và mỹ nhân vắng bóng, giao mọi việc lại cho Sở Hoàng.
Đêm rằm tháng mười, Sở Hoàng về báo thêm tin tức mới. Đó là Thiếu Lâm Tự phát võ lâm thiếp mời anh hùng thiên hạ đến dự Đại Hội bầu Minh Chủ vào ngày mười tám tháng hai sang năm. Tin sau khiến cả nhà ngỡ ngàng, khi nghe nói Khổng Tước Bang đã đổi tên thành Toàn Cơ Bang.
Kim Nhãn Điêu Sở Quyền vuốt râu tư lự:
- Trương Tự Thanh sợ không tham gia cuộc tranh cử nên đổi tên bang phái, phủ nhận quan hệ với Khổng Tước Thần Ma. Vì theo qui củ giang hồ hậu duệ hoặc truyền nhân của công địch võ lâm, không có quyền thượng đài!
Diệp Tú Châu mỉm cười:
- Không hiểu Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân sẽ nghĩ sao đây, khi bị đồ đệ chối từ?
Sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm thấy sắc diện Sở Quyền buồn rầu và ánh mắt đầy vẻ ưu tư, Phiêu Trần vội hỏi:
- Phụ thân! Vì sao dung nhan người lại kém tươi như vậy?
Sở lão thở dài:
- Đêm qua ta nằm mộng thấy Sách nhị đệ toàn thân đẫm máu, rơi xuống khe núi Mã Sơn! Ta lo rằng Nhị thúc ngươi đã ngộ nạn!
Phiêu Trần cau mày!
- Hài nhi cũng cảm thấy lòng bất an, mỗi khi nghĩ đến nhị thúc. Nay đã có điềm bất thường như thế, hài nhi sẽ đi ngay Mã Sơn xem sao!
Phỉ nhi phụng phịu đòi theo, bị cha nuôi từ chối:
- Khi nào ngươi luyện pho Huyền Huyền Ảo Bộ đến lớp thứ tư, mới đủ sức theo ta. Nay Phỉ nhi khinh công kém cỏi, lúc biến sự chỉ làm vướng chân người khác mà thôi!
Giọng Phiêu Trần nghiêm khắc khiến cậu bé không dám cãi.
Ngay sau bữa ăn sáng, Phiêu Trần khởi hành đi Mã Sơn ngay. Chàng nương theo ánh trăng thu đi cả đêm, nghỉ ngơi rất ít, cố đến nơi càng sớm càng hay.
Sách Siêu ẵm bồng, dạy dỗ Phiêu Trần từ tấm bé nên tình thân như ruột thịt. Chàng kính yêu lão chẳng kém gì Sở Quyền.
Dong ruổi suốt mấy ngày đêm mà không thấy mệt mỏi, Phiêu Trần thầm cảm ơn trời xanh đã ưu ái đãi mình. Tam Sắc Bích Hổ là độc vật tuyệt thế nhưng cũng là kỳ trân quí giá. Sau khi được nọc của Hồng Điểm Hắc Xà trung hòa, dược tính cô đọng lại thành nội đan, hóa tán dần, bổ sung cho chân nguyên. Tú Châu đã khẳng định rằng ngày nào nội đan tan hết chàng sẽ có thêm công lực thâm hậu khôn lường!
Một mình với ánh trăng vàng, Phiêu Trần bỗng nhớ Du Huệ vô hạn. Ả Hồ Ly Tinh xinh đẹp và nồng nàn ấy vẫn nằm sâu trong trái tim chàng.
Phiêu Trần không hề cho ai biết về mối tình lãng mạng, hư ảo kia. Chàng ôm ấp nó như điều bí mật ngọt ngào của riêng mình. Thiên Xảo Chân Nhân là một hiện tượng siêu tự nhiên, vì vậy, chàng cũng chẳng nghi ngờ sự hiện hữu của một Hồ Ly Tinh trên thế gian này.
Có lần, vết sẹo trên vú trái của Tú Châu đã khiến chàng nghi hoặc vì vị trí hoàn toàn đúng với nốt ruồi son trên ngực Du Huệ. Nhân lúc Tú Châu ngủ say, Phiêu Trần quan sát rất kỹ gương mặt xầu xí kia. Nhưng đó lại là gương mặt thật, chẳng hề có dấu vết gì của một chiếc mặt nạ da người. Hơn nữa, Du Huệ có phong cách hiến dâng cuồng nhiệt chứ không e ấp như Diệp Tú Châu.
Sáu ngày sau, Phiêu Trần đến trấn Hoài Nam, ghé vào Dịch Trạm đổi ngựa. Trên nguyên tắc, những trạm dịch này chỉ phục vụ cho việc chuyển văn thư triều đình. Nhưng do quốc khố thiếu hụt, lương bổng đã kém lại còn về trễ, nên các dịch thừa, dịch tốt phải tự cứu lấy mình! Họ sẵn sàng cho lữ khách đổi ngựa để lấy vàng bạc. Tùy theo chất lượng tuấn mã của khách và trạm mà giá cả thay đổi từ vài lượng đến vài chục lượng.
Hệ thống dịch trạm được thiết lập từ thời nhà Chu, là phương tiện liên lạc, truyền tin và cũng là hình hức quán trọ cổ xưa nhất ở Trung Hoa.
Dịch trạm phát triển mạnh nhất vào thời nhà Nguyên. Trên các con đường chính, cứ cách sáu hoặc tám chục dặm lại có một dịch trạm kiến trúc đồ sộ, hoa lệ. Ngoài việc tiếp đãi sứ giả, bưu tốt, còn tiếp đám thương nhân quan lại, Vương Hầu Mông Cổ.
Thời Đường, dịch trạm được gọi là Dịch quán, do bộ Giá (bộ chủ quản xe cộ) quản lý. Thời Minh mới gọi là dịch trạm, thược Bộ binh.
Mỗi trạm có một diện thừa, một đầu bếp và chín trạm tốt. Tùy theo chức tước, dịch trạm cung ứng việc ăn nghỉ và phương tiện giao thông cho khách.
Cuối đời Minh, do tài chính Triều đình yếu kém nên các dịch trạm đều tiêu điều, thiếu thốn, đành phải sống dựa vào việc kiếm chác thêm bên ngoài.
Thấy Phiêu Trần dừng cương, gã Dịch Thừa mau mắn chạy ra:
- Phải chăng công tử muốn đổi ngựa?
Phiêu Trần gật đầu:
- Mong các hạ đổi cho một con ngựa thật tốt. Tại hạ còn phải đi rất xa!
Gã Dịch Thừa cười hì hì, liến thoắng đáp:
- Công tử thật là may mắn! Bổn trạm có một con tuấn mã thuộc loài Đại Uyển, sức đi ngàn dặm!
Phiếu Trần cười mát:
- Ngựa quí như vậy sao lại lọt vào tay chư vị được?
Gã Dịch thừa nói với giọng bí ẩn:
- Bẩm công tử, chẳng qua chỉ là sự tình cờ thôi! Hai tháng trước, có một hán tử người Mông ghé vào đây xin đổi ngựa. Tuấn mã của gã tuy quí nhưng vì vấp phải đá nên chân trước thọ thương không đi được nữa. Gã ta hẹn rằng sau một tháng sẽ quay về đổi lại nếu quá hạn thì Dịch trạm có toàn quyền quyết định! Nay đã hơn hai tháng tại hạ còn để lại làm gì nữa?
Phiêu Trần gật gù:
- Phiền túc hạ cho ta xem ngựa!
Gã Dịch thừa bảo một tên dịch tốt đưa tuấn mã ra! Phiêu Trần không sành tướng ngựa nên thấy con ngựa hồng cũng bình thường như bao con ngựa khác. Chàng cau mày hỏi:
- Túc hạ định giá bao nhiêu?
Gã Dịch thừa ngắm nhìn con ngựa của chàng rồi đáp:
- Ngựa của công tử cũng khá vì vậy, tại hạ chỉ xin tám trăm lượng mà thôi.
Phiêu Trần cười nhạt:
- Thần câu vốn vô giá, tại hạ đồng ý, nhưng nếu túc hạ giở trò lường gạt thì đừng mong sống sót! Chàng đặt tay lên cọc rào, vận công ấn mạnh chiếc cọc gỗ lún sâu xuống đất hơn gang. Gã dịch thừa sự chết khiếp, lắp bắp nói:
- Tiểu nhân tuyệt không hề dám dối gian. Đại hiệp cứ yên tâm!
Phiêu Trần trao ngân phiếu cho gã, tháo yên cương đưa sang, rồi hỏi:
- Túc hạ có nghe chủ cũ gọi con ngựa này thế nào không?
Gã Dịch thừa vội đáp:
- Bẩm đại hiêp! Người ấy bảo tuấn mã là Lặc nhi!
Phiêu Trần lên ngựa phi nước đại, nghe gió vù vù bên tai, lòng mừng rỡ vì mua được ngựa quí!
Ngay trưa hôm ấy, chàng vượt sông Hoài, đi lên hướng Bắc. Càng đến sông Hoàng Hà, tiết trời càng lạnh. Ở Giang Nam giờ mới là cuối Thu nhưng ở Hoa Bắc đã vào Đông, tuyết rơi cả nửa tháng nay!
Chiều ngày hai mươi lăm Phiêu Trần đến tiểu trấn Mã Sơn. Chàng vào quán trọ để dò la tung tích Sách Siêu. Trấn nhỏ nên chỉ có hai lữ điếm qui mô khiêm tốn, cơ ngơi xập xệ. Nhưng chẳng phải vì nghèo mà chủ nhân không có quyền đặt tên cơ sở của mình là Trạng Nguyên Điếm!
Phiêu Trần dừng cương, bước vào cái quán trọ có tên hay ho ấy. Lão chưởng quỷ đang ngái ngủ vì ế ẩm, tươi tỉnh hẳn lên, xum xoe chào đón:
- Mừng thiếu hiệp giá lâm tệ điếm, phải chăng người muốn nghỉ chân!
Phiêu Trần gật đầu và nói:
- Tại hạ sẽ trọ ở đây, nhưng xin các hạ cho biết tin tức về một người!
Chàng bèn miêu tả tên tuổi, dung mạo, hình dáng của Dạ Tri Thù cho lão ta nghe. Sắc mặt tái mét của lão chưởng quỷ đã tố cáo rằng Sách Siêu đã từng ở nơi này. Phiêu Trần trấn an:
- Người ấy là nhị thúc của tại hạ. Nếu ông ta có thiếu tiền trọ tại hạ xin trả đủ!
Lão chưởng quỉ, kiêm điếm chủ yên tâm đáp:
- Bẩm thiếu hiệp! Quả thực là Sách đại gia đã từng trọ trong bổn điếm. Nhưng mười một ngày trước đây, ông ta đi mà không thấy trở lại. Lão phu đành phải giữ hành lý và tuấn mã để trừ tiền trọ!
Phiêu Trần cố trấn tĩnh, móc ra đinh bạc hai mươi lượng, đặt lên quầy:
- Số bạc này có đủ chưa? Mong túc hạ cho ta nhận lại bọc hành lý của người thân, và mướn luôn cả phòng đó!
Lão già hớn hở cười:
- Sách đại gia chỉ thiếu lão phu có tám lượng, thiếu hiệp sẽ là thượng khách của bổn điếm!
Lão mau mắn mở cửa sổ, nhã nhặn nói:
- Lão phu là Đặng Nhất, dám hỏi đại danh của thiếu hiệp?
Chàng biết lão hỏi khéo thẻ đinh của mình, liền đưa ra. Đặng Thất gật gù:
- Phải rồi! Sách đại gia cũng là người Trường Sa!
Phiêu Trần nhận phòng, xem xét tay nải của Sách Siêu, thấy chỉ có vài bộ y phục sáng màu. Điều này chứng tỏ Dạ Tri Thù đã mặc bộ Hắc y và ra đi vào lúc nửa đêm. Lão mang theo cả túi ám khí Bát Túc Phi Tiền chắc là định do thám một nơi nguy hiểm!
Đặng chưởng quỉ gõ cửa hỏi:
- Sở thiếu hiệp có dùng cơm rượu gì không! Phạn điếm đối diện là của bào đệ lão phu, thức ăn nổi tiếng vùng này!
Phiêu Trần gật đầu:
- Phiền túc hạ đặt giùm một mâm thượng hạng. Nhưng tại hạ không quen độc ẩm. Phiền túc hạ cùng ăn có được chăng?
Đặng Thất cười toe toét:
- Lão phu rất vinh hạnh được hầu rượu quí khách!
Chỉ gần khắc sau, Phiêu Trần vừa tắm gội xong là tiểu nhị của Phạn điếm đã bưng mâm sang!
Đặng Thất chẳng tội gì hà tiện giùm kẻ khác, lão gọi toàn những món đắt tiền. Đến đầu canh hai, Đặng Thất say mèm, loạng choạng cáo từ. Phiêu Trần ngồi lại, suy nghĩ về những điều lão chưởng quỉ đã thổ lộ.
Thì ra Tào Tử Viên không phải là nhân sĩ đất này. Lão ta xuất hiện chỉ một thời gian ngắn, mướn nguyên tòa tiểu viện của Tô Viên Ngoại để ở và tiếp bằng hữu, sau đó biệt tăm!
Nhưng ngay sau khi Sách Siêu đến trấn Mã Sơn này, thì nửa đêm Tô gia trang bốc cháy, không một ai thoát chết cả. Có thể do tàn lửa bay xa nên hai chục căn nhà dân chúng quanh trang viện cũng cháy rụi.
Sáng ra, người ta phát hiện chủ hiệu tiệm thuốc bắc Tế An Đường chết cứng trên giường, dù trước đó lão ta hoàn toàn khoẻ mạnh!
Phiêu Trần toát mồ hôi, đoán rằng Trương Tự Thanh cho cao thủ đến đây giết người diệt khẩu, để mãi mãi giữ được lòng tin yêu của Đại Quận Chúa! Chàng rất lo lắng cho nhị thúc nhưng không biết phải tìm ở đâu. Cuối cùng, chàng nhớ lại giấc mơ của Kim Nhãn Điêu, quyết định lên núi Mã Sơn ngay.
Tuy không có chút cơ sở nào, nhưng chàng tin rằng Dạ Tri Thù và cha nuôi của mình tình thân như thủ túc biết đâu sẽ có sự tương thông tâm linh? Chẳng thà tin là có còn hơn không tin!
Phiêu Trần bảo tiểu nhị mua giùm dây chão và đuốc, rồi tức tốc trèo lên ngọn Mã Sơn.
Mấy khắc sau, Phiêu Trần đã có mặt trước căn nhà cũ của song thân. Sau mười tám năm, nơi chàng chào đời đã sụp đổ, cỏ mọc lẫn với gạch ngói!
Phiêu Trần đốt một lúc bốn cấy đuốc, xem xét nền đất trên bình đài, quả nhiên cỏ ở mảnh vườn phía sau nhà, cạnh phía khe sâu, bị dấu chân người dày xéo nhàu nát. Lại có cả dấu máu đen sẫm, nổi bật cạnh những mảng tuyết đầu mùa.
Chàng biết chắc nơi đây đã xảy ra cuộc chiến quyết liệt. Phiêu Trần ứa nước mắt, đến bên bờ vực khóc gọi:
- Nhị thúc! Hài nhi đã hại người rồi!
Nỗi thống khổ chợt biến thành cơn giận dữ. Phiêu Trần điên cuồng thét vang:
- Trương Tự Thanh! Sở mỗ thề sẽ phanh thây lão để báo thù!
Chàng đang tuyệt vọng thì nghe tiếng ai rất nhỏ:
- Trần nhi! Trần nhi!
Phiêu Trần vui mừng khôn xiết, cột dây vào gốc cây mép vực rồi tuột xuống rất nhanh. Chỉ lát sau chàng đã đến mỏm đá ở lưng chừng vách, nơi mà mười tám năm trước chàng đã rơi vào!
Sách Siêu chỉ còn da bọc xương, hơi thở yếu ớt như tơ nhện. Phiêu Trần nhét vào miệng lão sáu viên linh đan mà Tú Châu đã đưa lúc lên đường. Chàng bốc tuyết, vận công nung thành nước, giúp thuốc mau tan, trôi xuống cổ họng.
Luồng chân nguyên hùng hậu của Phiêu Trần cuồn cuộn trút vào người Sách Siêu, giúp lão hồi tỉnh! Lão mỉm cười mà như khóc:
- Ta đã ăn đến con nhện cuối cùng! May mà Trần nhi đến kịp!
Chàng sa lệ nói đùa:
- Biết thế ngày xưa Trần nhi chừa lại ít nấm Thiên Niên Thạch Nhỉ để nhị thúc lót dạ!
Nửa canh giờ sau, Phiêu Trần đã cõng Sách Siêu về đến Trạng Nguyên Điếm.
Lão chủ quán Đặng Thất nhận ra người khách mất tích, kinh hãi đến tỉnh cả cơn say rượu, hỏi Phiêu Trần:
- Công tử tìm thấy Sách đại gia ở đâu vậy?
Chàng vui vẻ đáp:
- Dưới khe núi Mã Sơn! Gia thúc đã nằm ở đấy mười một ngày đêm rồi!
Đặng Thất giật mình:
- Thế ông ta ăn gì để sống?
Sách Siêu bực bội đáp thay:
- Nhện độc!
Sau bảy ngày thuốc thang tĩnh dưỡng, và được Phiêu Trần truyền chân khí, Dạ Tri Thù đã hồi phục được bốn phần, có thể di chuyển bằng xe ngựa. Phiêu Trần bèn nhờ Đặng Thất mua giùm một cỗ xe độc mã, Chàng sẽ thắng con ngựa Lặc nhi vào và đánh xe chở họ Sách về Trường Sa!
Trước khi họ rời Mã Sơn, Đặng Thất bày tiệc tống hành để tiễn thượng khách. Lão rất tò mò muốn biết chuyện đã xảy ra. Thế nào, và vì sao Sách Siêu không ăn hơn mười ngày mà vẫn sống?
Dạ Tri Thù khề khà kể:
- Lão phu đến đây ngày mười ba, chưa kịp điều tra gì thì bọn Khổng Tước Bang xuất hiện, phóng hỏa Tô gia trang. Lão phu điên tiết xông vào chém giết, đâu biết rằng trong đám người bịt mặt kia có cả Hắc Diêm La, Mục Phi Long và Linh Xà Lang Quân. Lão phu trúng một chưởng và hai kiếm của Mục Phi Long, vội đào tẩu. Tất nhiên bọn chúng đuổi theo sát nút. Trong lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, lão phu nhớ đến mõm đá đầy lá khô dưới khe núi Mã Sơn, Liền chạy lên, ba người kia cũng truy sát đến cùng. Đánh được vài chiêu, lão phu giả đò thất thế, rơi xuống vực. Nhưng chưởng lực của Mục Phi Long chứa âm độc nên khi phát tác làm chân tay lão phu tê cóng, không sao trở lên được nữa. Chẳng có gì ăn, lão phu gọi lũ nhện đến để làm thực phẩm. Nước uống là những bông tuyết đầu mùa. Sức lực ngày càng yếu đi, lão phu đang xuôi tay chờ chết thì Phiêu Trần xuất hiện!
Đặng chưởng quỉ ngà say, gật gù bảo:
- Té ra nhện cũng ăn được! Bữa nào lão phu thử xem sao.
* * *
Trưa mùng hai, Phiêu Trần đánh xe ngựa rời trấn Mã Sơn, Sách Siêu bỗng nói:
- Trần nhi! Hay là chúng ta đi Hứa Xương, ghé nhà Khúc Mạc Sầu để lão phu tĩnh dưỡng thêm vài hôm. Trong tình trạng này, nếu phải vượt hơn ngàn dặm đường để về Trường Sa, chỉ e ta không kham nổi. Từ đây đi Hứa Xương chỉ chừng hai trăm dặm thôi!
Phiêu Trần nghe hữu lý, tán thành ý kiến của nhị thúc, nhắm hướng Tây mà đi.
Xe chở người bệnh chẳng thể đi nhanh. Tuyết lại rơi mù mịt, khiến đường phủ băng trơn trượt nên cước trình bị hạn chế.
Mãi sẩm tối ngày mùng năm hai người mới đến Hứa Xương. Họ không vào Thành mà tìm đến Đông Môn Gia Trang ở cách cửa Đông thành hai dặm. Với vỏ bọc Tiếu Diện thư sinh Đông Môn Thức là nơi ẩn náu kín đáo của Tỳ Bà Sương.
Theo lời mô tả của Khúc Mạc Sầu thì Đông Môn gia trang nằm trên một khu đất cao ráo, chung quanh được vây kín bởi vườn cây xum xuê, mát mẻ. Cơ ngơi này nằm cách đường quan đạo một dặm nên rất yên tĩnh, vắng vẻ.
Nhưng giờ đây, tòa gia trang xinh đẹp ấy sáng rực đèn đuốc và vang rền những âm thanh của một cuộc chiến khốc liệt. Phiêu Trần kinh hãi gọi:
- Nhị thúc ra mà xem! Có lẽ Khổng Tước Bang đã phát hiện nơi đây là sào huyệt của Khúc Mạc Sầu nên đem đại quân đến tiêu diệt!
Sách Siêu thò ra quan sát, hậm hực nói:
- Trần nhi mau đánh xe vào rừng rồi đi giúp Tỳ Bà Sương một tay! Ta chỉ hận mình đang thọ thương không thể tham chiến được!
Phiêu Trần vội rẽ vào cánh rừng mé hữu để đảm bảo an toàn cho Sách Siêu, rồi xách kiếm lướt như bay.
Có lẽ gia trang có tường cao và hào nước bao bọc nên phe đối phương đánh thẳng vào cổng chính. Giờ đây cuộc chiến đang diễn ra trên khoảng sân cỏ rộng, phía trước tòa đại sảnh và các kiến trúc bên trong.
Tiếng gầm bi thương của Tỳ Bà Sương và giọng cười đắc thắng của Hoàng Long Động Chủ Bàng Tinh Hải đã biểu hiện được tình thế nguy ngập. Phiêu Trần nghiến răng rút kiếm đánh thốc vào.
Chàng dắt bao kiếm vào thắt lưng để tay tả rảnh rang mà xuất chưởng, hỗ trợ cho thần kiếm ở tay hữu.
Thanh vô danh kiếm rít lên vo vo, liên tiếp chặt phăng vũ khí, hay đâm vào cơ thể bọn môn đồ Khổng Tước Bang.
Có thần kiếm trong tay, Phiêu Trần như hổ thêm cánh, dũng mãnh tuyệt luân. Khi chàng vào đến giữa sân thì đã có hơn hai chục xác người nằm lại sau lưng. Tiếng rên la thảm khốc của những kẻ bị thương đã khiến đám cao thủ đầu não của Khổng Tước Bang giật mình quay lại nhìn.
Bọn họ gồm ba phó bang chủ: Bàng Tinh Hải, Hắc Diêm La Hân Tốn, Bạch Phán Quan Cát Dự. Và đặc biệt là có cả Khổng Tước Thần Ma Liên Tân Khai và Hạc Lão Nhân Lam Cương.
Hai lão già bất tử này dang đấu với Độc Phụ nhân Đỗ Thuyên và Tỳ Bà Tú Sĩ Phó Phúc Thuần. Bốn người bị xiềng chung với nhau hơn ba mươi năm, hàng ngày đánh nhau để giải khuây nên chẳng lạ gì sở học của nhau. Giờ đây, họ chẳng khác gì lũ trẻ con, đánh đấm thì ít, mà cãi cọ chửi bới thì nhiều.
Người lớn tiếng nhất chính là Đỗ Thuyên. Bà hết lời nguyền rủa hai lão chồng của mình và tấn công tới tấp. Thần Ma và Hạc Lão Nhân chẳng dám mở miệng hay phản kích, chỉ lo chống đỡ, tránh né mà thôi. Thỉnh thoảng họ cũng trúng đòn của bà vợ già, thét oai oái.
Tuy nhiên, bằng cách đó hai lão chết tiệt kia cũng cầm chân được Tỳ Bà Tú Sĩ và Độc Phụ Nhân, khiến Khúc Mạc Sầu, Vương giáo chủ và tứ Hộ Pháp Lôi Thủ Thiên Vương Thôi Quì phải chịu lép trước bọn Bàng Tinh Hải! Do vậy, ba người, đều đã thọ thương, máu ướt đầm y phục!
Phiêu Trần phân tích nhanh cục diện, lướt về phía trận địa của Tứ ác ma. Chàng vận công niệm chú, phát động cỗ trùng trong người Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân. Hai người này lập tức ôm đầu, ngã xuống đất lăn lộn, miệng kêu cha kêu mẹ:
- Ối chao! Sao đầu lão phu lại đau nhức thế này!
Tỳ Bà Tú Sĩ và Độc Phụ Nhân không bỏ lỡ cơ hội, điểm huyệt họ rồi chạy đến mừng Phiêu Trần. Đỗ Thuyên cười hỏi:
- Sao Trần nhi đến đúng lúc vậy? Là ngươi đã dùng thủ đoạn gì khiến hai lão chết tiệt kia phải đầu hàng?
Phiêu Trần vội nói:
- Đại Nương và lão bá mau đến hỗ trợ Khúc đại ca. Họ đã nguy lắm rồi!
Hai lão nhân sực nhớ ra, lướt đi ngay. Tú Châu đã thu hồi cổ trùng nên họ không bị ảnh hưởng bởi câu thần chú!
Sự tham gia của hai người này đã đảo lộn cán cân cuộc chiến. Tỳ Bà Tú Sĩ lao vào Bạch Phán Quan Cát Dự, song thủ chập chờn như bóng độc xà, bám lấy đối phương. Pho Tỳ Bà Thủ của Phó Phúc Thuần cũng lừng danh chẳng kém Linh Xà kiếm pháp đất Miêu Cương.
Phần Độc Phụ Nhân thì chọn Hắc Diêm La Hân Tốn. Bà sử dụng đôi đoản kiếm, chiêu thức cực kỳ độc ác và quỉ dị.
Đỗ Thuyên là người duy nhất trong võ lâm nắm được tinh túy của phép đánh song đoản kiếm. Vũ khí càng ngắn càng lợi hại khi áp sát được đối phương, mà thân pháp của Độc Phụ Nhân thì nhanh hơn hẳn Hắc Diêm La.
Sau nhiều năm bị đầy ải, sức lực của Tỳ Bà Tú Sĩ và Độc Phụ Nhân giảm đi chứ không tăng theo tuổi tác. Xem ra công lực họ chỉ ngang với đối phương, hoặc kém hơn một chút. Nhưng việc phân thắng bại cũng phải ngoài ba trăm chiêu.
Thời gian ấy cũng đủ để Hoàng Long Động Chủ Bàng Tinh Hải lâm nguy. Mình lão phải đối phó với ba cao thủ, quả là không dễ.
Tỳ Bà Sương phấn khởi quát vang:
- Sở hiền đệ hãy xem lão phu lấy mạng Bàng Tinh Hải!
Dứt lời, Khúc Mạc Sầu vỗ liền bốn chưởng và ập vào. Hai bàn tay lão chụm lại như đầu độc xà, mổ vào sáu đại huyệt trên ngực họ Bàng. Cùng lúc ấy, Giáo chủ Ma Giáo Vương Nam Điền cũng vung kiếm điểm nhanh vào mặt và thân tả đối phương. Còn Tứ Hộ Pháp Thôi Quì giăng lưỡi búa bao phủ thân sau Bàng Tinh Hải.
Ba mặt thọ địch, cái chết thấp thoáng khiến gương mặt không râu hồng hào của Bàng Tinh Hải tái xanh. Lão nghiến răng xuất chiêu Thủy Lãng Cưỡng Lưu, trong pho Thủy Lãng kiếm pháp của Giang Nam Quái Hiệp.
Tuyệt học thời Bắc Tống quả lợi hại phi thường, đẩy lùi Vương giáo chủ, tạo khoảng trống cho họ Bàng lách sang mé hữu, tránh lưỡi búa sau lưng. Đông thời, tay tả của lão khoa nhanh, đỡ cú mổ của tay trái Tỳ Bà Sương.
Nhưng pho Tỳ Bà Thủ còn sử dụng song cước như những đòn quất đuôi của độc xà. Vì vậy, chân phải của Khúc Mạc Sầu đã bất ngờ chọc thẳng vào sườn trái của kể thù.
Bàng Tinh Hải rú lên vì rẻ sườn non gãy rụp, ép vào nội tạng. Lão lăn tròn trên mặt cỏ, tránh lưỡi búa khủng khiếp của Thôi Quì, nhưng lại bị Vương giáo chủ rạch một kiếm trên lưng.
Tỳ Bà Sương nhếch mép cười thù hận, tung mình lên giáng song chưởng xuống. Họ Bàng đâu dễ chịu chết ngay, buông kiếm vung song thủ đỡ chiêu, hai chân đạp mạng vào mặt đất, mượn lực phản chấn lướt đi trên cỏ, rời xa đấu trường.
Tiếc rằng Phiêu Trần đã chặn đầu vung kiếm chém. Bàng Tinh Hải kinh hãi múa chưởng vỗ liền. Lão thọ thương khá nặng, chân khí dồn lên tay chẳng được bao nhiêu, nên Vô Danh Kiếm dễ dàng xé nát chưởng kình và tiện phăng đôi tay họ Bàng.
Khúc Mạc Sầu chưa quên được những đòn tra tấn dã man của Hoàng Long Động Chủ nên nhảy đến bồi thêm hai chưởng vào hậu tâm Bàng Tinh Hải, lão ngã xấp xuống chết ngay, chẳng kịp trối trăn.
Bốn người rảnh tay, định đến hỗ trợ Tỳ Bà Tú Sĩ và Độc Phụ Nhân. Nhưng Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan đã khôn hồn đào tẩu. Đám thủ hạ Khổng Tước Bang cũng co giò chạy theo.
Bọ Tỳ Bà Sương truy đuổi đến tận quan đạo mới thu quân.
Phiêu Trần ghé vào rừng, đánh xe ngựa đưa Dạ Tri Thù vào Đông Môn gia trang.
Mọi người tay bắt mặt mừng rồi tiến hành việc trị thương cũng như dọn dẹp các tử thi.
Nhưng chỉ gần khắc sau, bọn đệ tử Ma Giáo cảnh giới bên ngoài hớt hải chạy vào báo:
- Bẩm giáo chủ! Có một đoàn nhân mã đông ước ba trăm tên đang tiến về phía chúng ta!
Phe Tỳ Bà Sương và Vương giáo chủ ở nơi đây chỉ độ hơn trăm, nên rất kém thế. Họ Vương lo lắng hỏi Tỳ Bà Sương:
- Khúc lão đệ tính sao?
Khúc Mạc Sầu là lão Hồ Ly đa mưu túc trí nên điềm tĩnh đáp:
- Đằng nào thi nơi đây cũng đã lộ, chúng ta sẽ theo đường ngầm thoát ra khu rừng phía sau. Giáo chủ cứ thống lĩnh thủ hạ di tản trước, bọn lão phu ở lại làm kế nghi bin rồi sẽ theo sau! Hẹn gặp nhau ở Lỗ gia trang cạnh chùa Bạch Mã, phía Đông thành Lạc Dương!
Vương giáo chủ cười mát:
- Lão phu tuy bị thương nhưng chưa đến nỗi nào. Để Tứ đệ đưa anh em đi là đủ!
Ông quay sang dặn dò Lôi Phủ Thiên Vương, Thôi Quì liển cõng Sách Siêu, dẫn quân xuống đường hầm. Khi đoàn người đông đảo của Khổng Tước Bang đến nơi thì Đông Môn gia trang tối om, chẳng một ánh đèn. Họ nghi ngại dừng lại, chảng dám tiến vào.
Người dẫn dầu chính là Khổng Tước Bang chủ Trương Tự Thanh, Cạnh lão có hộ pháp Mục Phi Long, Hắc Diêm La và Bạch Phán Quan.
Trương Tự Thanh ra lệnh cho thủ hạ đốt thêm đuốc rồi ngạo nghễ gọi lớn:
- Sở Phiêu Trần! Lão phu đã đến, sao không ra mà báo phụ thù?
Qua hai lão hung thần Phó bang chủ, họ Trương đã biết sự có mặt của Phiêu Trần.
Tỳ Bà Sương từ trong bóng tối nói vọng ra:
- Nếu lão không chịu rút quân thì ta sẽ giết Khổng Tước Thần Ma và Hạc Lão Nhân đấy.
Trương Tự Thanh cười khanh khách:
- Xin các hạ cứ tùy tiện! Đối với lão phu thì hai lão già ngớ ngẩn ấy chẳng có giá trị gì!
Trong này Thần Ma và Hạc Lão Nhân nghe rõ câu nói bạc bẽo của họ Trương, buồn bã cúi đầu. Độc Phụ Nhân đay nghiến:
- Hai lão đã thấy chưa? Trần nhi đã từng cảnh báo mà hai lão chẳng chịu nghe. Một kẻ dám hại cả cha mình thì nào có coi sư phụ ra gì?
Bà giải huyệt cho họ rồi bảo:
- Lão thân chẳng muốn nhìn thấy hai cái bản mặt đáng ghét này nữa, hãy về với Trương Tự Thanh đi.
- Vì tình phu thê! Mong bà cho bọn lão phu theo với!
Họ lại quy sang cầu xin Phiêu Trần:
- Trần nhi! Hãy thương bọn ta già cả, không nơi nương tựa mà thu nhận cho.
Phiêu Trần mỉm cười:
- Vãn bối luôn sẵn sàng nghệnh tiếp nhị vị!
Thần Ma cười toe toét:
- Lão phu sẽ giặt giũ quần áo, rửa đít cho con Trần nhi.
Phiêu Trần cố nín cười, nói với cả bọn:
- Tại hạ sẽ ra thử với Trương Tự Thanh vài chiêu! Khi thấy tại hạ bỏ chạy thì chư vị cũng phải rút đi bằng mật đạo.
Vương giáo chủ vội dặn dò:
- Hiền tế hãy tùy cơ ứng biến, đừng sính cường mà uổng mạng. Thù này để dịp khác báo cũng được.
Chàng cung kính hứa sẽ đào tẩu ngay khi thất thế!
Ngoài kia, Trương Tự Thanh khích bác:
- Phiêu Trần, ngươi sợ chết đến quên cả thù cha sao?
Phiêu Trần lẳng lặng bước ra, đứng cách đối phương ba trượng, chàng cười nhạt:
- Trương Tự Thanh! Lão định đơn đấu cùng ta hay quần công?
Họ Trương xuống ngựa, ngạo nghễ đáp:
- Chút trò tiểu xảo ở Sách Khê Cốc không dọa được lão phu đâu. Dẫu ngươi có bảo kiếm cũng đừng hòng thoát chết.
Dứt lời, lão rút phăng trường kiếm của mình ra khỏi vỏ. Thanh kiếm này có màu trắng đục, điểm ánh vàng, chẳng hiểu làm bằng kim loại gì! Tự Thanh vuốt ve lưỡi kiếm rồi nói:
- Đây là thanh Toàn Cơ Thần Kiếm, vũ khí tùy thân của Công Tôn Chí, nếu ngươi chặt gãy được thì lão phu nhận bại ngay.
Phiêu Trần lạnh lùng bảo:
- Ta chỉ muốn chặt đầu lão chứ chặt kiếm làm gì?
Chàng rút kiếm chỉ về phía trước, chân lướt đi như hoa trôi xuôi giòng. Trương Tự Thanh chẳng ngại ngùng thân phận hay tuổi tác, xuất thủ ngay để chiếm tiên cơ.
Lão xem Phiêu Trần là kình địch số một của mình, chiêu đầu đã dùng đến phép ngự kiếm.
Toàn Cơ là tên hai ngôi sao trong chùm sao Bắc Đẩu, nên không lạ gì khi kiếm quang đầy những chấm sáng như sao trời. Đám mây sao ấy chụp lấy đối phương với một sức mạnh vũ bảo của hàng trăm năm công lực.
Nhưng Phiêu Trần không có ý định liều mạng nên bốc thẳng lên không trung khi thép lạnh vừa chạm vào thân. Tuy mạo hiểm nhưng rất đắc dụng vì đối thủ sẽ không kịp biến chiêu. Khinh công là thứ duy nhất mà chàng hơn được kẻ thù.
Và từ trên không trung, chàng lao xuống, đánh chiêu Lạc Diệp Lạc Phi Thu. Đây là chiêu thứ hai trong ba chiêu tuyệt kiếm của Thiên Xảo Chân Nhân, chủ từ trên đánh xuống.
Trương Tự Thanh dường như đã tiên liệu trường hợp này, khi thấy mục tiêu biến mất, lập tức cử cao bảo kiếm, xuất chiêu thứ hai. Nếu không có công lực thâm hậu vô thượng, lão khó mà phản ứng thần tốc được như thế.
Toàn Cơ kiếm pháp danh bất hư truyền, chỉ vẽ nên bảy kiếm ảnh nhưng kiếm kình cuồn cuộn, và mũi kiếm xạ ra bảy tia kiếm khí dài hai gang. Thân hình họ Trương bay vút lên, đón lấy màn kiếm quang của Phiêu Trần.
Lão biết khinh công chàng trai này rất cao siêu nên quyết đánh đòn chớp nhoáng, không cho Phiêu Trần có cơ hội đào vong. Trong tư thế lao xuống, chàng bát buộc phải đổi đòn, không thể né tránh. Tu vi của lão thâm hậu gấp đôi Phiêu Trần, chẳng lo gì không đắc thủ.
Nhưng sở học của Thiên Xảo Chân Nhân chứa đựng huyền cơ của Phật môn và cả tinh túy đạo giáo nên có thể dĩ nhu thắng cương. Từ mũi kiếm của Phiêu Trần xạ ra một luồng lực đạo xoắn lấy vũ khí của họ Trương, đẩy lệch đi một chút. Và tất nhiên sơ hở lộ ra để kiếm của chàng xuyên qua.
Khổng Tước bang chủ hồn phi phách tán vung tả thủ vỗ liền một chưởng lôi đinh. Phản ứng của lão thật đáng khâm phục vì rất kịp thời.
Phiêu Trần cũng biến hóa không kém, gạt nhẹ cổ tay, đâm vào giữa lòng bàn tay họ Trương. Huyệt Lao Cung bị đâm thủng, phát chưởng đứt đoạn ngay.
Trương Tự Thanh đau đớn rút tay về, bị thần kiếm rọc đứt bàn tay, tiện luôn ngón út. Lão thoát chết, hạ thân xuống mặt cỏ, gầm gừ múa kiếm tấn công ngay.
Song phưong giáp chiến, liên tiếp tung ra những đòn như chớp giật, tiếng thép ngân dài trong đêm vắng.
Trương Tự Thanh biết chiêu kiếm thần kỳ lúc nãy không phải là của phái Nga Mi, tất Phiêu Trần chẳng học được nhiều. Lão dùng phép cận chiến để bắt đối thủ phải dùng đến sở học Nga Mi kiếm pháp. Năm xưa, Công Tôn Chí đã dùng Toàn Cơ kiếm pháp đả bại Kim Đính Thượng Nhân.
Họ Trương đã tính toán rất đúng. Sau trăm chiêu lão đã đâm trúng vai trái Phiêu Trần. Công lực lão quá cao cường nên chàng phải dồn hết chân khí vào tay phải để chống đỡ, tả thủ trờ thành vô dụng.
Phiêu Trần biết mình không địch lại đành tính kế rút lui. Chàng bất ngờ xuất chiêu kiếm Hải Cô Chu của Trang Thứ, kiếm kình cuồn cuộn xô đẩy đường kiếm của họ Trương tựa như từ thạch.
Trương Tự Thanh sợ hãi lùi mau nên chỉ bị hớt đứt miếng thịt cẳm cùng với chùm râu đẹp.
Phiêu Trần đải bộ lướt nhanh đến chân tường, tung mình lên đỉnh nhảy xuống, nương theo đêm tối mà biến mất.
Trương Tự Thanh điên cuồng gào thét, ra lệnh truy sát và thiêu hủy Đông Môn gia trang. Tất nhiên không còn ai trong ấy cả.
Khi những tên đốt nhà bỏ đi cả, Phiêu Trần nhảy xuống từ một tàn cây cao, cách tường trang viện vài trượng, chàng chạy nhanh vào khu vực cuối cùng, nơi không có nhà cửa mà chỉ toàn cây cối.
Chiếc xe ngựa nằm chỏng chơ một chỗ còn tuấn mã nòi Mông Cổ chẳng thấy đâu. Phiêu Trần thử huýt sáo gọi, con vật thông minh từ sau chòm cây rậm rạp đứng lên hí vang và chạy ra liếm mặt chủ nhân.
Chàng mừng rỡ ôm cổ con vật vỗ về khen ngợi, lấy bộ yên cương trong xe thắng vào tuấn mã.
Phiêu Trần từ nhỏ đã thấm nhuần tư tưởng từ bi hỉ xả của Phật môn, được Sở Quyền dạy ràng loài vật cũng là chúng sinh. Do vậy, chàng rất yêu thương loài vật, đối xử tử tế. Lặc nhi về với chủ mới luôn được ăn cỏ ngon và lúa mạch thượng hạng, được vuốt ve âu yếm nên rất mến Phiêu Trần.
Là khách giang hồ, quen vào sanh ra tử, những vật quý giá hoặc ngân phiếu luôn ở trong người, túi hành lý chỉ toàn y phục. Do vậy, dù không có tay nải, Phiêu Trần vẫn yên tâm lên đường.
Lúc trở ra, đi ngang đống tử thi, Phiêu Trần nhận ra xác của Bàng Tinh Hải vẫn còn đấy, mắt trợn trừng trông ghê rợn dưới ánh lửa sáng rực của đám cháy. Hơi nóng đã làm tan chảy những bông tuyết từ trên không rơi xuống.
Phiêu Trần bất nhẫn, đến bên vuốt mắt cho họ Bàng, quả nhiên lão yên tâm nhắm mắt. Chàng bỗng phát hiện có vật gì cồm cộm dưới lớp vải bụng, liền lấy ra. Không có Tỵ Độc Châu mà chỉ có quyển sách cũ kỹ nằm trong túi lụa dày và vài tấm ngân phiếu. Đây chính là quyển bí quyết Thủy Lãng Kiếm Phổ của Giang Nam Quái Hiệp.
Phiêu Trần là kiếm khách nên rất hoan hỉ khi có cơ hội tìm hiểu kiếm pháp của một danh thủ thời xưa. Chàng lên ngựa rời tòa gia trang rực lửa, đi vàơ thành Hứa Xương. Đây là nơi đô hội, sầm uất, khách thương qua lại tấp nập nên cửa thành mở cả đêm. Các lâu quán, kỹ viện, đỗ trường bên trong cũng tiếp khách đến tận sáng. Kinh đô nhà Ngụy thời Tam Quốc, giờ là chốn ăn chơi khét tiếng đất Hà Nam.
Hơi vàng đã xóa tan ánh mắt nghi kỵ của chưởng quầy Ức Khôi Đại lữ điếm, về những vết máu trên y phục Phiêu Trần. Vả lại, dung mạo của vị khách quý này chẳng có gì giống ăn cuớp cả.
Tắm gội, băng bó vết thương trên, vai xong, Phiêu Trần gọi một mâm cơm và nhờ tiểu nhị mua giùm vài bộ võ phục.
Ngay trong đêm ấy, Phiêu Trần nghiên cứu quyển kiếm phổ Thùy Lãng Chân Kinh. Bìa ngoài ướt đẫm vì máu của Bàng Tinh Hải, nhưng những trang bên trong còn nguyên vẹn, chỉ lấm tấm vài giọt. Phiêu Trần giật mình vì trang trong của bìa trước, bìa sau hiện lên những chữ màu trắng, nổi bật trên nền máu đỏ sẫm. Những chữ bí mật này có lẽ viết bằng một loại nhựa cây không thấm nước, nên khi bìa sách ướt liền hiện ra. Phiêu Trần hớn hở đọc:
“Sóng Trường Giang lớp lớp xô nhau xuôi về Đông, liên miên bất tuyệt và không danh tính thứ tự. Đấy chính là tinh thần tối cao của kiếm đạo. Thủy Lãng kiếm pháp tuy có mười tám chiêu riêng rẽ, nhưng thực ra có thể phối hợp thành ngàn chiêu kiếm khác nhau không dứt. Đặc biệt là khi dung hòa ba chiêu cách nhau sáu bậc, ví dụ: một, bảy, mười ba sẽ có thêm sáu chiêu uy lực tuyệt luân. Các hạ là người hữu duyên nên mới khám phá ra yếu quyết này, xin hãy dùng Thủy Lãng kiếm pháp trừ gian diệt bạo, tạo phúc cho lê thứ!
Giang Nam Quái Hiệp Hoàng Dương Thức cẩn bút.”
Trong bìa sau chỉ vẻn vẹn có hai câu thơ:
“Hoàng Long đắc kiếm phổ
Bồng Lai tầm thạch châu.”
Phiêu Trần cau mày suy nghĩ cố tìm hiểu ý nghĩa của câu thứ hai.
Núi Bồng Lai thuộc huyện Bồng Lai, nằm sát bờ biển của bán đảo Sơn Đông, nhìn ra Bột Hải. Trên mặt biển gần đấy thỉnh thoảng xuất hiện cảnh tượng kỳ lạ không kém Nga Mi Quang: lâu đài, thành quách tráng lệ, người ngựa xe cộ chen chúc, như cả một vùng đất phồn vinh trên mặt biển.
Tương truyền rằng Hán Vũ Đế đã từng trèo lên đỉnh núi Đơn Nhai chênh vênh, cố tìm ra Bồng Lai tiên cảnh trên mặt biển xa. Nhưng không thấy đâu nên ngài bèn đặt cho núi Đơn Nhai cái tên Bồng Lai Sơn.
Dân gian đều cho rằng cảnh tượng ấy biểu hiện cho thế giới thần tiên. Nhưng những bậc tài trí lại chỉ xem là hiện tượng của tự nhiên. Trong Mộng Khê Bút Đàn, nhà bác học thời Tống đã viết: “Khi nơi đó có vân khí, nhìn thấy rõ ràng cung thất, đền đài, thành quách, người vật…” nghĩa là cảnh Hải Thị Thần Lâu chỉ xuất hiện khi hội đủ điều kiện mây và ánh sáng!
Phiêu Trần doán rằng Thạch Châu trên núi Bồng Lai là một loại kỳ trân quý giá, có thể giúp mình tăng cường công lực. Chàng quyết đi Sơn Đông một chuyến xem sao. Vì với bản lãnh hiện nay, chàng không thể nào giết được Trương Tự Thanh.
Sáng hôm sau, Phiêu Trần viết hai phong thư, định đem đến hãng xe ngựa Hứa Xương lử vận hãng, nhờ chuyển thư đi Trường Sa và Lạc Dương.
Nghề chuyển thư tín dân gian đã có từ thời nhà Đường. Ở Trường An và Lãc Duơng có trạm chuyển thư bằng lừa gọi là Dịch Lữ, chủ yếu phục vụ cho thương nhân.
Đến thời nhà Minh, miền ven biển Đông Nam xuất hiện cục thư tín dân gian, nhận chuyển thư cho bá tính. Và ở các địa phương sầm uất, thuận đường giao thông thi các hảng xe, hãng thuyền đảm nhận việc này.
Trước khi đến hãng xe ngựa, Phiêu Trần phải đi ngang qua tòa Sơn Đông Hải Vị Đại Tửu Lâu. Phía trước cửa chính có dán một mành giấy hồng rất lớn, nội dung quảng cáo cho những món đặc sản của vùng biển Sơn Đông. Có cả những món điểm tâm nữa.
Phiêu Trần mỉm cười, ghé vào ăn sáng. Món ăn bữa chính không biết thế nào, chứ đồ điểm tâm chủ yếu là bánh bao, bánh hấp nhân tôm, hương vị chẳng hơn gì thức ăn sáng của Quảng Đông.
Phiêu Trần vừa ăn vừa ngắm bức họa lớn bằng mảnh chiếu trên tường trước mặt. Đó chính là cảnh ngọn Đơn Nhai và ảo ảnh thần tiên trên biển.
Chàng gọi lão chưởng quỹ đến và hỏi:
- Phải chăng lão trượng quê ở Đăng Châu?
Lão tươi cười đáp:
- Thưa phải! Nhà lão phu ở ngay sát chân núi Bồng Lai! Đã mấy lần được thưởng thức cảnh thần tiên giáng hạ.
Phiêu Trần hài lòng hỏi tiếp:
- Vậy chắc lão trượng rất thông thuộc địa hình của núi Bồng Lai?
Lão đắc ý đáp:
- Suốt thời trai trẻ, lão phu lên núi chặt củi và săn bắn nên không nơi nào không đặt chân đến.
- Thế lão trượng có biết nơi nào tên Thạch Châu không?
Lão vuốt râu suy nghĩ một lúc rồi đáp:
- Trên đỉnh núi có một tảng đá tròn vành vạnh, đường kính độ hai người ôm; chẳng biết đấy có phải là Thạch Châu hay không? Nhưng mùa Đông năm nay rất khắc nghiệt, băng đóng đầy, công tử chẳng thể lên được đâu.
Phiêu Trần cảm tạ và tiếp tục ăn. Ngoài đường có một phụ nhân địu con đi ngang qua. Đứa bé khóc oa oa khiến chàng nhớ con thơ, quyết định không đi Sơn Đông nữa! Vả lại thời tiết này, có đến được núi Bồng Lai cũng không lên nổi.
Tuyét rơi dày khiến không gian lạnh giá. Phiêu Trần khép áo lông, uống vài hớp rượu cho ấm áp.
Mái hiên của tửu lâu đưa ra khá xa nên tuyết không bay vào được đến ben trong, cửa mở toang quyến rũ khách đi đường. Tất nhiên khắp quán đều có những chậu than hồng đỏ rực để xua đuồi cái lạnh của mùa Đông.
Nhưng nhà quay về hướng Bắc đều phải đóng chặt cửa hay thả màn vải bạt.
Ngọn Bắc Phong bỗng mạnh lên và tuyết rơi mù mịt, báo hiệu một cơn bão tuyết nho nhỏ. Phiêu Trần thẫn thờ nhìn ra ngoài, nhớ đến những mùa Đông ấm áp ở Trường Sa. Nơi ấy tuyết rơi lất phất, điểm xuyết cho cảnh vật thêm hữu tình chứ không dữ dội, tàn nhẫn như vùng phương Bắc.
Chàng bỗng nhận ra có một chàng trai tuổi quá đôi mươi, trên người phong thanh bộ trường bào thư sinh, vai mang tay nải nhỏ, từ ngoài bước vào, nép bên cửa quán như muốn tìm chút hơi ấm.
Vẻ nghèo nàn của gã khiến tên tiểu nhị chán ghét, chạy ra xua đuổi:
- Mới sáng sớm mà ngươi đã đứng ám ngay trước cửa thì bổn điếm còn làm ăn gì nữa? Có tránh tuyết thì hãy dứng ra mé kia!
Đôi mắt chàng thư sinh lóe lên vẻ phẫn nộ nhưng chẳng dám cãi lại.
Phiêu Trần bất nhẫn gọi:
- Tiểu nhị, ngươi mời người ấy vào đây! Đấy là bằng hữu của ta!
Thế là gã tiểu nhị thay đổi sắc diện, tươi cười cúi mình mời chàng thư sinh vào, đưa đến bàn Phiêu Trần.
Chàng ta đã lột chiếc nón tre rộng vành, để lộ gương mặt dễ coi và có chút khách khí trượng phu.
Phiêu Trần đứng lên vòng tay cười bảo:
- Bao năm xa cách, không ngờ lại gặp nhau chốn này, tại hạ rất vui mừng!
Gã thư sinh ngơ ngác vì chưa gặp qua chàng kiếm sĩ trẻ tuồi và anh tuấn phi phàm này bao giờ. Bỗng gã nghe bên tai có tiếng người vo ve:
- Tại hạ là Sở Phiêu Trần. Xin các hạ đừng ngại. Tứ hải giai huynh đệ!
Chàng thư sinh hiểu ý đối phương không muốn người ngoài xem đây là bữa ăn bố thí, nên mới giả đò như vậy.
Dân gian có câu “Của cho không bằng cách cho.” Nay Phiêu Trần muốn giúp đỡ mà cố tránh cho nạn nhân cái tiếng cùng đường, để tỏ ý tôn trọng vậy!
Chàng thư sinh cảm kích đáp:
- Chu Thanh này cũng rất hoan hỉ được tái ngộ Sở túc hạ!
Phiêu Trần gọi thêm thức ăn và một bình rượu ngon. Nhìn họ Chu ăn ngon lành, chàng biết gã rất đói.
Thực khách trong quán đã thôi giương cặp mắt hiếu kỳ, vì tưởng hai người đúng là cố hửu.
Phiêu Trần nhấm nháp chung rượu và quan sát Chu Thanh. Cách ăn uống chậm rãi, ung dung của gã chứng tỏ bản thân được hưởng một nền giáo dục tốt. Có chút tôn nghiêm nào đó tỏa ra từ những cử chỉ của chàng thư sinh.
Ngay bộ áo học trò kia tuy cũ và có nhiều chỗ rách nhưng là loại gấm Hồ Châu hảo hạng.
Chờ Chu Thanh ăn xong, Phiêu Trần hỏi:
- Chu các hạ đi đâu mà lại ghé qua nơi này?
Họ Chu hạ giọng đáp:
- Tại hạ từ Vũ Xương trở về Bắc Kinh, nửa đường bị cường đạo cướp sạch tài sản, nên mới lâm vào cảnh khốn cùng.
Phiêu Trần lấy ra tấm ngân phiếu năm trăm lượng đẩy về phía gã:
- Chút lộ phí này, mong Chu các hạ nhận cho!
Chu Thanh sững người, không ngờ họ Sở lại rộng rãi đến mức khó tin như vậy. Gã cười mát:
- Chỉ vài lời sơ ngộ mà các hạ không chút nghi ngờ đại phương đến thế sao?
Phiêu Trần mỉm cười:
- Tại hạ là người giang hồ nên nhãn quang có khác thường nhân. Các hạ là người đọc sách, há chẳng nhớ chuyện Sở Vương đánh rơi cung hay sao?
Chu Thanh giật mình ngẫm nghĩ, lát sau cười ha hả:
- Đúng vậy! Cung rơi thì sẽ có người trong thiên hạ nhặt mà sử dụng, hà tất phải tiếc?
Họ Chu nghiêm giọng:
- Phải chăng các hạ chính là Nga Mi Đại Kiếm Khách, người đã đứng ra chẩn tế tai dân hạn hán vùng Tây Bắc? Và cũng là cháu ngoại của Bình Nam Vương Hà Hiến Trung?
Phiêu Trần nghi hoặc:
- Chu các hạ là văn nhân sao lại tỏ tường chuyện võ lâm như vậy?
Chu Thanh nghiêm giọng:
- Tại hạ mạo muội muốn với cao, muốn kết bằng hữu với các hạ!
Phiêu Trần chính sắc đáp:
- Tại hạ cũng mong như vậy! Có dịp, mời Chu huynh đến tệ xá ở Trường Sa.
Chu thanh gật gù, đứng lên:
- Xong việc ở Bắc Kinh, tại hạ sẽ đến quý trang quấy nhiễu một phen, xin cáo biệt!
Phiêu Trần vội ngăn lại, trao cho họ Chu một lọ sành:
- Đường xa ngàn dặm! Tiết tời lại rét cắt da thế này, Chu huynh cầm theo ít viên Bảo Mệnh Đan để phòng thân. Mỗi ngày uống một viên, thân thể sẽ khang kiện, ấm áp, không sợ tuyết sương.
Cử chỉ này của chàng biểu lộ mối quan tâm bè bạn, khiến Chu Thanh cảm động:
- Hảo bằng hữu! Chu mỗ sẽ suốt đời không quên các hạ!
Họ Chu đi rồi, lát sau Phiêu Trần rời quán, về khách điếm lấy ngựa và hành lý đi Lạc Dương ngay.
Chiều ngày mùng muời, chàng xuất hiện ở cửa Đông thành, hỏi thăm đường đến Bạch Mã Tự.
Chùa Bạch Mã là ngôi chùa Phật Giáo đầu tiên ở Trung Hoa, truớc đây có tên là Hồng Lư. Sau vua Hán Minh Đế đến viếng cảnh, đêm nằm mộng thấy ngựa trắng hiện ra nên đổi tên thành chùa Bạch Mã Tự. Vào thời nhà Đường, tăng nhân trong chùa lên đến hàng ngàn người.
Với kiến trúc hùng vĩ, gồm Thiên Vương Điện, Đại Hùng Điện, Thiên Phật Điện, Tiếp Dẫn Điện… và tháp Tế Lân cao gần tám trượng, cùng nhiều tượng Phật đẹp, Bạch Mã Tự đã trở thành di tích nổi tiếng của Lạc Dương.
Do vậy, khi nghe Phiêu Trần hỏi thăm, người đi đường mau mắn chỉ dẫn cho.
Lúc đến nơi, chàng kinh hãi nhận ra tòa Lỗ gia trang cạnh chùa đã cháy rụi và hoang vắng.
Lão già bán bánh bao hấp đi ngang qua thấy vẻ ngơ ngác của chàng liền giải thích:
- Ba ngày trước, nơi này đột nhiên bốc cháy nhưng không có xác chết nào cả! Mời công tử mua bánh hấp, trời lạnh thế này, ăn bánh nóng thì tuyệt lắm.
Phiêu Trần gượng cười móc ra đỉnh bạc nhỏ thưởng cho lão rồi bỏ đi.
Chàng không lo lắm vì biết cuộc hỏa hoạn xảy ra trước khi bọn Khúc Mạc Sầu về đến. Tính cước trình cũng biết họ không thể có mặt trước ngày hôm ấy.
Phiêu Trần tìm đến khách điếm gần đấy để trọ và lưu lại ít hôm xem họ Khúc có cho người đến liên lạc hay không?