Những cử điệu đặt ly cà phê nơi góc bàn phía tay trái, ngồi xuống, và tay phải kéo bộ chữ máy điện toán dường như xảy ra cùng thời điểm. Vài tiếng lạch cạch khô khan vang lên nhịp nhàng theo chuyển động của mấy ngón tay, và màn ảnh nổi lên những câu Phúc Âm nói về lòng tin. Cha Hoàng đọc lại bản được in trước lễ, dùng bút đỏ ghi số những câu trùng hợp đoạn sắp xếp theo thứ tự nơi Phúc Âm Máthêu... Một bản khác được đẩy ra từ máy in; ngài cầm lên đọc... lòng dạ xốn xang...
"Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" (Mt. 8:13).
"Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22; Mc. 5:34; Lc. 8:48).
"Này bà, lòng tin của bà lớn thật! Bà muốn sao thì hãy được như vậy!" (Mt. 15:28).
"Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin bằng hạt cải, thì các ngươi có bảo núi này: Hãy bỏ đây qua đó, nó cũng sẽ chuyển qua, và các ngươi sẽ không bất lực trước một điều gì" (Mt. 17:20; Mc. 11:22).
"Quả thật, Ta bảo các ngươi, nếu các ngươi có lòng tin và không nghi ngại, thì các ngươi không chỉ làm được điều xảy ra cho cây vả, mà cho dù các ngươi có bảo núi này xê đi mà nhào xuống biển thì sự cũng sẽ xảy ra. Và mọi điều các ngươi lấy lòng tin mà cầu nguyện kêu xin, các ngươi sẽ được" (Mt. 21:21-22; Lc. 17:6).
"Đừng sợ, hãy tin mà thôi" (Mc. 5:36; Lc. 8:50).
"Hãy đi! Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Mc. 10:52; Lc. 7:49).
"Bởi thế, Ta bảo các ngươi, mọi điều các ngươi cầu nguyện kêu xin, các ngươi hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sự" (Mc. 11:24).
"Sao! Nếu có thể!... Mọi sự đều là có thể cho người tin!" (Mc. 9:23).
"Hãy chỗi dậy mà đi về; lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc. 17:19).
"Tuy vậy, Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" (Luca 18:8b).
"Ngươi hãy được thấy, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi" (Lc. 18:42).
"Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì có sự sống đời đời, và khỏi đến tòa phán xét, nhưng đã ngang qua sự chết mà vào sự sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Giờ sẽ đến - và là ngay bây giờ - các kẻ chết sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ sống" (Gioan 5:24-25).
"Phục sinh và sự sống chính là Tạ Ai tin vào Ta thì dẫu chết cũng sẽ sống; và mọi kẻ đang sống tin vào ta sẽ không phải chết bao giờ" (Gioan 11:25-26).
"Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12).
Chầm chậm đọc từng chữ, theo dõi ý tứ từng câu, cha Hoàng cảm thấy những hàng chữ nhảy múa tạo thành âm vang huyền hoặc nào đó dường như hét vào bên tai... Hãy mở mắt ra, mở lòng trí ra, hãy nhận định để so sánh lời Phúc Âm và đức tin... Hãy tin là đã được, và các ngươi sẽ thấy thành sư... Và mọi kẻ đang sống tin vào Ta sẽ không phải chết bao giờ... Kẻ tin vào Ta thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa... Cha Hoàng không tin vào mắt mình và nghi ngờ đã ghi sai... nên rở Kinh Thánh đối chiếu từng câu thêm một lần nữa... Lý do gì Phúc Âm được viết như thế? Những câu nói đầy vẻ không tưởng, hoang đường, nếu không muốn cho rằng huyền thoại hoặc thăng hoa lòng tin cho thêm vẻ quan trọng... Trận chiến đột nhiên bùng nổ nơi tâm trí... Phúc Âm đã được viết gần hai ngàn năm rồi tại sao không sách nào viết về lòng tin theo Phúc Âm? Phỏng các học giả Kinh Thánh đều cho rằng những câu nói này đều không thể thực hiện được? Điều gì đã che lấp sự tìm hiểu, so sánh những câu nói về lòng tin? Muốn nghiệm chứng phải thế nào? Cần những điều kiện gì? Phúc Âm có nói về điều kiện nghiệm chứng nào không? Cứ theo những lời này, lòng tin tự mang quyền lực và nếu có quyền lực này tất nhiên sẽ không bất lực trước một điều gì. Đây là lối diễn tả phóng đại hay Đức Kitô thực sự nói như thế? Phương pháp nào để đạt tới lòng tin? Tại sao Đức Kitô không nói tin vào Thiên Chúa thì Chúa cứu mà lòng tin cứu, lòng tin chữa? Lòng tin... lòng tin... Ông đã tin sao thì hãy được như vậy... Lòng tin của con đã cứu chữa con... Bà muốn sao thì hãy được như vậy... Hãy tin là đã được, và các ngươi đã thấy thành sư... Kẻ tin vào ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm... Đâu đây nơi tâm trí vang vọng, con chim hót vì nó có bài ca... Con người có thể suy nghĩ vì được sinh ra với khả năng suy nghĩ... Hãy tin là đã được... đây là ước muốn, ý định, ước mơ, lòng khát khao... Có câu Phúc Âm nào nói về quyền lực ý muốn, ý định... ? Cha Hoàng nhắm mắt cố moi trí nhớ... Ngài cảm thấy máu dồn lên đầu theo từng nhịp đập quả tim, hai đường gân sau gáy hơi mỏi kéo chằng lên hai bên thái dương... Đâu đây phảng phất câu "Điều tự người ta ra, điều đó làm cho người ta ra nhơ uế. Vì tự bên trong, tự lòng người ta mà xuất ra những suy tính xấu xa... " Màn ảnh máy điện toán được đổi sang bộ Kinh Thánh... và câu này ở Mác Cô đoạn 7 câu 21. Ngài lật sách kiếm phần ghi chú những câu tương tự thì gặp Mt. 6:23... Lật Phúc Âm Máthêu lại là "con mắt vạy vò"... Hơi mệt vì đầu óc làm việc quá độ, ngài ngơ ngơ lật nghịch chiều trang sách từ đoạn 6 về đoạn 5... thì gặp đề mục "Luật Mới và Luật Cũ" và đưa mắt dõi theo... "Các ngươi đã nghe bảo: chớ ngoại tình. Còn Ta, Ta bảo các ngươi: Phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng." Câu nói nghe hơi kỳ, cha Hoàng thầm nghĩ, ngoại tình trong lòng thì ơn ích gì mà đặt vấn đề! Nhưng tại sao Phúc Âm lại nói đến điều vô bổ này? Ngài đọc lại, "Phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục... " Như chạm phải luồng điện khiến ngài chợt bàng hoàng, đưa tay cầm ly cà phê và cạn luôn một nửa đoạn mồi điếu thuốc... Hơi thuốc dài vừa được thở ra thì cà phê lại được cạn... Nhìn người nữ để thỏa mãn lòng dục thì tất nhiên đã có ý định, ước muốn dục với người nữ... , ngài suy luận, ý định, ước muốn chẳng nên này tạo nên một thực thể được gọi là ngoại tình trong lòng... Ngài chợt nhận ra, đã bao lâu nay dẫu đọc Kinh Thánh nhưng không để ý đến Phúc Âm nói về trạng thái nào của con người, tâm linh, luân lý, hay tâm lý... Thế nên, ngài đọc lại từ câu 20 của đoạn 5 nơi Máthêu, "Phàm ai tức giận anh em mình thì sẽ can án... " Sự tức giận được so sánh ngang bằng sự giết người (Mt. 5:22). Nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình (#28). Tức giận là ý nghĩ, cảm nghĩ cũng mang quyền lực như ý định ước muốn... Tin sao thì hãy được như vậy; muốn sao thì hãy được như vậy... như thế điều được gọi là "tin" hoặc lòng tin trong Phúc Âm nhiều trường hợp có cùng một nghĩa, và tin vào Đức Kitô có nghĩa cảm nhận được điều Ngài nói... Con chim hót vì nó đã có sẵn bài ca, bởi nó được sinh ra với bài ca đó. Con gà gáy khi mặt trời sắp mọc nhưng không phải tiếng gáy của con gà kéo mặt trời lên... Đức Kitô nói về quyền lực sẵn có nơi con người được gọi lòng tin vì nếu con người không sẵn có thì dẫu Ngài nói mấy cũng không có... Thế nên "Kẻ nào tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm... " phải được hiểu là kẻ nào nghiệm xét, cảm nghiệm được điều ta nói, cảm nghiệm được quyền lực nơi mình thì sẽ làm được mọi việc Ta đã làm... Phỏng câu, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: mọi điều dưới đất các ngươi cầm buộc thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và mọi điều dưới đất các ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời" (Mt. 18:18) mang nghĩa chỉ về quyền lực của ý định, ước muốn ảnh hưởng nơi con người? Cha Hoàng sợ, sợ chính thành quả ý nghĩ, suy luận của mình... và đồng thời cũng sợ vì nhận ra mình đã không hiểu lòng tin như Phúc Âm được viết gần hai ngàn năm qua...
Đứng dậy cầm chiếc ly mà ngài thấy tay mình run... Chuyện đâu còn đó, việc gì phải e ngại, ngài tự nhủ, trong khi ra nhà bếp lấy thêm cà phệ Thế nhưng, những câu hỏi cứ dồn dập tới... Vậy Đức Kitô đã rao giảng những gì? Lòng tin liên hệ thế nào với điều Ngài rao giảng? Nguồn gốc tự đâu con người được sinh ra với quyền lực lòng tin? Phương cách nào đạt tới lòng tin được nhắc đến nơi Phúc Âm? Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa phải hiểu theo nghĩa nào? Đức Kitô nói gì về Thiên Chúa và sự liên hệ giữa con người với Thiên Chúa ra sao? Xưa nay Thiên Chúa chỉ được tuyên xưng công bình, yêu thương; Nước Thiên Chúa là triều đại thái hòa theo ước mơ của con người nhưng đã không cần biết Đức Kitô nói gì... ngay cả Thiên Chúa là gì cũng chỉ được hiểu theo quan niệm nơi sách Sáng Thế Ký... tạo dựng muôn vật hữu hình và vô hình, thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ... Vậy lành dữ ở đâu rả Lý do gì có con rắn độc hại? Tại sao có những cây thuốc chữa lành bệnh và đồng thời cũng có cây mang chất độc giết người? Tại sao sư tử, hổ, không ăn cỏ mà cứ giết các con vật khác để ăn thịt? Loài voi, trâu, bò, đâu cần ăn thịt mà thân xác vẫn to, vẫn khỏe!... Cảm nghĩ mất gốc chợt tràn ngập tâm hồn người linh mục trẻ. Xưa nay, một Thiên Chúa chỉ được mơ hồ chấp nhận thiếu nghiệm xét. Một Đức Kitô được nhai lại bằng mớ kiến thức kinh viện với những môn Kitô Học, Lịch Sử Ơn Cứu Độ để rồi chấp nhận thiếu nghiệm xét và đem Ngài ráp vào cũng một Thiên Chúa duy lý của kinh viện. Phúc Âm nói gì? Đức Kitô trình bày Thiên Chúa ra sao? Và Nước Trời như thế nào? Muốn đạt Nước Trời cần điều kiện chỉ...
Trở về phòng làm việc, màn ảnh lại được chuyển sang bộ Kinh Thánh để rồi hiện lên bằng tiếng Anh theo thứ tự những ngôn từ "God," "Father," "Kingdom of God," "Reign of God"... Cha Hoàng cảm thấy sững sờ với câu, "Còn Ta, Ta bảo các ngươi: hãy mến yêu thù địch và khẩn cầu cho những người bắt bớ các ngươi; ngõ hầu các ngươi nên những người con của Cha các ngươi, Đấng ở trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác... Vậy các ngươi hãy nên trọn lành, như Cha các ngươi trên trời là Đấng trọn lành" (Mt. 5:44-45,48). Thế ra Thiên Chúa của Đức Kitô không phạt kẻ dữ, chẳng thưởng kẻ lành và đặc tính này được gọi là trọn lành nghịch hẳn với nhận xét bình thường của con người, tốt lành thì được thưởng mà làm điều không nên thì bị phạt. Nơi Luca cũng có câu: "Song các ngươi hãy mến yêu địch thù, và hãy thi ân, hãy cho vay mượn dù không trông báo đền. Và phần thưởng của các ngươi sẽ lớn lao. Và các ngươi sẽ là những người con của Đấng Tối cao, vì người nhân lành với những kẻ vô ơn và độc ác. Các ngươi hãy biết thương xót, như Cha các ngươi là Đấng thương xót" (6:35-36). Đức Kitô không rao giảng Thiên Chúa công bình mà trọn lành và thương xót. Như vậy, xưa nay mình đã nghĩ ngược lại Phúc Âm vì nếu thương xót thì sao có thể công bình theo khuôn mẫu ý nghĩ, quan niệm của con người! Hơn nữa, hãy nên trọn lành và biết thương xót như Cha các ngươi... Làm sao con người có thể nên trọn lành hoặc thương xót như Thiên Chúa nếu không có sự liên hệ nội tại nào với Thiên Chúa? Làm sao con khỉ cư xử, nói năng như người vì cho dù con người ngu nhất trần đời vẫn có thái độ của con người... Đâu là động lực hay quyền lực để con người có thể thương xót và trọn lành như Thiên Chúa? Con người liên hệ với Thiên Chúa thế nào?
Đâu đây vọng nơi tâm tưởng câu "Thần Khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì" (Gioan 6:63), cha Hoàng tự hỏi, Thần Khí được nói đến ra sao nơi Phúc Âm? Và màn ảnh lại nhảy, "Vì Ta, các ngươi sẽ bị điệu đến trước quan quyền và vua chúa để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại. Khi người ta nộp các ngươi, thì các ngươi đừng lo phải nói làm sao, hay nói gì: vì ngay giờ đó, sẽ cho các ngươi biết phải nói gì, vì không phải các ngươi nói, mà là Thần khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi" (Mt. 10:17-20; Mc. 13:9-11; Lc. 12:11). Thần Khí là quyền lực nơi con người nên mới có thể tác sinh... Phỏng Thần Khí được gọi là linh hồn? Như vậy, lòng tin là quyền lực của Thần Khí nơi con người... quyền lực của Thiên Chúa đã được Đức Kitô rao giảng... Thế ra xưa nay Thiên Chúa đã được quan niệm như một quyền lực tự trời cao, xa xôi thăm thẳm, luôn luôn theo dõi để thưởng kẻ lành, phạt kẻ dữ, đứng về phe của dân Do Thái và bênh vực họ để chứng tỏ uy quyền tối thượng... Đây là quan niệm theo lối nhìn Do Thái. Đức Kitô rao giảng một Thiên Chúa khác biệt, Quyền Lực ngự trị ngay tại cung lòng con người... do đó đã có câu diễn tả một sợi tóc trên đầu rớt xuống cũng không ngoài ý của Quyền Lực này... và Quyền Lực này cũng ở nơi tạo vật vì, "Hai con chim sẻ há không bán một đồng tiền sao? Thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Cha các ngươi!" (Mt. 10:29). Trở nên trọn lành, biết thương xót như Cha các ngươi Đấng ngự trên trời... ngôn từ trong cách diễn tả đã che mờ sự nghiệm xét... Trời, đất, cũng chỉ như vô hình và hữu hình... Lòng tin là quyền lực của ý định, ý muốn, ước mơ vô hình nơi con người thì tất nhiên cầu nguyện chỉ là tỏ rõ ý định của mình...
Dõi theo những hàng chữ từ Mt. 10:30, câu "Đừng tưởng Ta đến để đem lại bình an trên mặt đất; Ta đến không phải để đem lại bình an mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình; và kẻ thù của người ta là những người nhà mình" (Mt. 10:34-36), cha Hoàng cảm thấy ngại ngùng vì đã bao nhiêu lần đọc câu này mà không hiểu Đức Kitô nói gì. Tại sao chia rẽ? Chia rẽ để làm gì hoặc đem lại lợi ích gì? Lý do gì nói đến sự chia rẽ thân tộc? Sự gì thân thiết với con người hơn thân tộc? Để đó, ngài thầm nghĩ và đọc tiếp, "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Tạ Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Ta" (Mt. 10:37-38). Tại sao lại đặt vấn đề yêu cha mẹ và con cái hơn thì không xứng? Ngài chợt nhớ có câu truyện một người xin về chôn cất bố chết trước khi theo Đức Kitô và bị từ chối... Màn ảnh nhảy tới Luca 9:60 và câu tiếp theo, "Có người khác nói: Thưa Ngài, tôi xin theo ngài, nhưng cho phép tôi quay về trước đã để từ biệt người nhà tối. Nhưng Đức Giêsu bảo: Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa" (Lc. 9:61-62) lại càng khiến tâm trí ngài bị dồn vô vòng luẩn quẩn. Ngó lui sau để làm gì nếu đang cày? Ngó lui sau về phương diện nào? Tư tưởng, ý định, truyền thống, quan niệm... Đức Kitô rao giảng một Thiên Chúa không giống quan niệm của người Do Thái... , khác với quan niệm mọi người thường nghĩ về Thượng Đế... Rượu mới không đổ bì cũ... Không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ... Cầm cày không quay trở lại... Cha Hoàng lại thêm lần nữa chợt cảm thấy như ngồi trên lửa... Phải cắt đứt, phải dứt khoát với những quan niệm cũ, quan niệm cá nhân cũng như thành kiến, truyền thống, thói quen đã được học hỏi, thấm nhuần trong quá khứ mới có thể hiểu được những gì Phúc Âm nói... "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Tạ Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta, ắt không xứng với Tạ" Kẻ nào còn bám víu vào những gì đã biết sẵn không thể nào hiểu nổi Đức Kitô nói gì... "Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng." Ôi câu nói nghịch thường! "Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của người sống!" Những người còn cố bám víu vào quá khứ, kinh nghiệm, học thức cũ, truyền thống, thói quen... đều là kẻ chết đối với Phúc Âm... "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa"...
Mục đích, cũng như nhiệm vụ chính yếu của Đức Kitô là rao giảng Nước Trời, Nước Thiên Chúa... "Ta còn phải đem tin mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, chính vì thế mà Ta đã được sai đến" (Mc. 1:38; Lc. 4:43; Mt. 4:23; 9:35). Chẳng những thế, mục đích Ngài sai các môn đồ ra đi cũng chỉ để rao giảng tin mừng Nước Trời, "Và Ngài sai họ đi rao giảng Nước Thiên Chúa... họ ra đi rảo khắp các làng, loan báo Tin Mừng... " (Lc. 9:2-6). Vậy Tin Mừng Ngài rao giảng là gì? Nước Trời như thế nào? Tại sao Nước Trời lại được coi là điều quan trọng hơn cả những nhu cầu chính yếu của con người, "Hãy tìm kiếm Nước trước đã, và sự công chính của Người, và các điều ấy sẽ được ban thêm cho các ngươi" (Mt. 6:33)? Tại sao Phúc Âm được viết: "Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, người ta sẽ không nói được: này ở đây hay ở đó vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:20-21)? Nước Thiên Chúa có liên hệ gì với lòng tin? Quyền lực lòng tin nơi con người, quyền lực này tại sao có nếu không bởi quyền lực của Đấng Toàn Năng nơi con người. Quyền lực này giúp con người có thể trở nên trọn lành và thương xót... quyền lực của Thần Khí, quyền lực của Thiên Chúa mà Đức Kitô gọi là Cha, quyền lực này nơi tạo vật, quyền lực hiện hữu... Sự gì có thể minh chứng rõ ràng quyền lực này? Trí khôn, suy tư, sự sống, nhịp tim đập... Cha Hoàng cảm thấy chẳng ngờ... Con tim đập tự nó; lá phổi thở tự nó; hàng tỉ tế bào cấu tạo thành thân xác con người đang tự chúng lớn lên, phân chia sinh sản, và chết đi... Quyền lực sự sống, quyền lực hiện hữu, quyền lực hòa hợp, nối kết những thực thể sinh động tràn ngập mọi nơi, mọi chốn mà không được để ý. Quyền lực này cũng ở nơi ý nghĩ, ước muốn nên gọi là lòng tin... Phúc Âm nói gì? Đoạn nào? Câu nào? Có câu nào nói về điểm này rõ hơn ý nghĩa câu "Thần khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi" không? Phỏng Tin Mừng Nước Trời chính là "Nước Thiên Chúa ở trong các ông"? Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống, sự hiện hữu... Nước Thiên Chúa là chính Ngài... Nếu thế cần gì phải nói "Hãy tìm kiếm Nước trước đã!" Phỏng vì không ai nhận ra nên phải tìm kiếm? Tìm kiếm ở đâu? Tin Mừng đã được rao giảng tại sao lại còn phải tìm kiếm... "Nước Thiên Chúa ở trong các ông," "Nước Thiên Chúa ở trong các ông," cha Hoàng thầm lặp đi lặp lại câu nói... Nước Thiên Chúa là chính Ngài; phỏng câu "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" có nghĩa Thiên Chúa ở trong các ông!... Ngài chợt như muốn nhảy nhổm lên... vì tâm trí vừa được gợi về chữ Emmanuel! Màn ảnh lại đổi và lời Phúc Âm hiện lên rõ ràng: "Này, nữ trinh sẽ thụ thai và sinh con và người ta sẽ gọi tên Ngài là Emmanuel, dịch được là Thiên Chúa ở cùng chúng tôi." Đây là tên người ta gọi Đức Kitô... danh hiệu của Ngài... Vậy Tin Mừng mà Đức Kitô rao giảng là "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi"... Ngài bị đóng đinh là phải... Thiên Chúa làm người... Thiên Chúa ở nơi mọi người... Rượu mới không đổ bì cũ... ; vải mới không vá áo cũ... ; cầm cày quay trở lại là bất kham! Tin Mừng Nước Trời, Thiên Chúa ở cùng chúng tôi! Phúc Âm viết kiểu này chẳng khác gì "ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!" Càng ỷ mình biết nhiều bao nhiêu, càng trở nên mù tối đối với Phúc Âm bấy nhiêu! Hèn chi có câu nói "Để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng." Cha Hoàng cảm thấy như bị lọt vào một cánh rừng rậm bát ngát, cành lá, cây cỏ chằng chịt che lấp hết ánh mặt trời khiến không biết lối nào định phương hướng... Tâm trí ngài lại chẳng khác gì đám mây mù được cấu tạo bằng những câu Phúc Âm đang lao xao chuyển động, câu nọ xuyên câu kia không thứ tư... Quay, chúng quay với vận tốc kinh khủng chung quanh tâm điểm "Thiên Chúa ở cùng chúng tôi!" Hèn chi có câu nói, "Quả thật, Ta bảo các ngươi: ai không đón nhận lấy Nước Thiên Chúa như một trẻ nhỏ thì sẽ không vào được trong đó!" (Mc. 10:15; Lc. 18:17)... Phúc Âm viết ngược với sự thông thái thế tục nên làm cho những đầu óc kinh viện trở thành mù tối, ngài thầm nghĩ, bởi vậy mới có thể ứng nghiệm, "Hết thảy chúng sẽ là môn sinh của Thiên Chúa. Phàm ai nghe và học nơi Cha thì sẽ đến với Ta" (Gioan 6:45)... "Ai tin thì sống đời đời" (Gn. 6:47). Câu nói vậy nhưng không phải vậy! Nói rằng tin nhưng không hiểu tin là gì cũng chỉ là mù tối... !
Đức Kitô rao giảng Tin Mừng và đó là Thiên Chúa ở cùng chúng ta; vậy "Nước Thiên Chúa ở trong các ông" (Lc. 17:20-21) có ý nghĩa gì mà lại có những câu nghe đầy vẻ lạ kỳ: "Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng" (Mc. 1:15); gần bên mang nghĩa gì? Tại sao lại nói "... Còn các ngươi thì bị đuổi ra bên ngoài. Và người ta sẽ từ phương Đông phương Tây, từ phương Bắc phương Nam mà đến và được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và này có những người cuối hết sẽ nên đầu hết, và có những kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết" (Lc. 13:29-30)? Tại sao "Quân thu thuế, lũ đàng điếm qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa (Mt. 21:31)? Tại sao Nước Thiên Chúa lại được ví như sự lớn lên của hạt cải (Lc. 13:19) hoặc men dậy bột (Lc. 13:21) hoặc những hạt giống (Mt. 13:18-23; Lc. 8:11-15)? Tại sao "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giầu có được vào nước Trời" (Mt. 19:24; Mc. 10:25; Lc. 18:25)? Cứ theo những kiểu nói này, Nước Thiên Chúa đã bao lâu nay bị hiểu lầm là thiên đàng, nơi chốn ước mơ của những lối nhìn thế tục... Vì Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Nước Thiên Chúa ở trong các ông, tất nhiên, sự vào ra, trước sau phải là sự nhận biết hay không! Phỏng đây là trạng thái sự nhận biết, thức ngộ? Lý do gì khiến con người không nhận biết? Đức Kitô nói với các vị thượng tế và hàng niên trưởng, "Quân thu thuế, lũ đàng điếm qua trước các ông mà vào Nước Thiên Chúa;" Ngài nói về một thực thể đối nghịch với quan niệm luân lý... Dám đem quân thu thuế và lũ đàng điếm, hạng người ai cũng khinh bỉ vào thời đó mà so sánh với các thượng tế và niên trưởng, những người được coi là đạo đức, gương mẫu, và cầm cân nảy mực cho dân chúng... như vậy, Đức Kitô không thèm đếm xỉa gì tới thứ đạo đức theo khuôn mẫu thế tục! Phỏng quân thu thuế và lũ đàng điếm qua trước những người được trọng vọng nơi dân chúng vì những người này lệ thuộc tổ chức thế tục không chấp nhận những điều Ngài rao giảng? Tại sao họ không chấp nhận? Họ có cả một truyền thống, luật lệ vững chắc làm khuôn mẫu từ bao đời trước để lại; chính những truyền thống, tập tục, và quan niệm tạo thành căn bản nhận thức đã khiến họ mù lòa đối với Tin Mừng Đức Kitô rao giảng. Câu trả lời khiến cha Hoàng cảm thấy khó nghĩ. Mình thì sao? Hèn chi hai ngàn năm trôi qua, Phúc Âm vẫn còn được coi như những bài học luân lý về Nước Trời... Hèn chi đem tin mừng cho người nghèo khó vẫn còn là một sự khó thể hiểu nổi. Có thể đây là nguyên nhân khiến người ta đã đuổi Ngài ra khỏi hội đường và định xô Ngài xuống triền núi (Lc. 4:29). Nước Thiên Chúa, sự thức ngộ tâm linh, đã bị những nhận thức, truyền thống, luân lý, quan niệm của lối nhìn thế tục che lấp. Thế nên, chẳng lạ gì, "Họ nhìn lấy nhìn để mà không thấy, họ nghe lấy nghe để mà không hiểu, kẻo họ trở lại mà được thứ tha" (Mc. 4:12; Lc. 8:10). Thứ tha hay mất những gì được coi là quí báu theo con mắt thế tục thì cũng cùng một nghĩa, cha Hoàng thầm nghĩ và cảm thấy lòng ngài chùng xuống! Thánh Thần chẳng kiên nhẫn cũng chẳng được vì nếu đập bể con đò nơi dòng sông, chắc chắn người trên đò phải lội nước!