Biết ngay mà, Kính thầm nghĩ. Nước Thiên Chúa, Nước Trời bị hiểu là nước thiên đàng nơi chốn tưởng tượng của những ước mơ thế tục nghịch lại những khổ ải cuộc sống hữu hình... Nói làm sao, dùng hình ảnh nào và lý luận ra sao... Nếu không, thiên đàng đâu chẳng thấy mà chỉ tuyên dương án phạt kề cổ... bởi sao có thể thực hiện lời Phúc Âm theo nghĩa đen...
- Dĩ nhiên sau khi chết hồn mình đâu cần ăn uống nên khỏi phải làm việc. Hồn mình lại vô hình do đó đâu cần quần áo che thân, và vì thế cũng không cần nhà cửa để ở thì tất nhiên chỉ luôn luôn hưởng phúc thanh nhàn... Còn vui vẻ vô cùng hay gì gì nữa thì không thấy nghe nói mấy bởi chỉ thấy người ta đồn thổi đôi khi rằng hồn người này nhập vào người kia xin giúp làm việc này, trả nợ nọ, hoặc gớm ghê hơn nữa thì ba trẻ Fatima nhìn thấy hỏa ngục mà chẳng ai nói rằng được nhìn thấy thiên đàng... Trong Phúc Âm cũng thế, chỉ có mỗi trường hợp nói về ông Lazarô ngồi trong cung lòng Abraham và người giàu bị thiêu đốt khát nước chứ không nói Lazarô ở trên thiên đàng hay nước trời hoặc nước Thiên Chúa. Tôi nghĩ, hãy để dành Nước Thiên Chúa sau này sẽ có lúc bàn luận, bây giờ trở lại vấn đề làm và không làm cho những người bé mọn nơi dụ ngôn cánh chung. Chỉ nhớ một điều, Phúc Âm khuyên chúng ta "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người... " (Mt. 6:33). Như vậy, thì làm những chuyện gì cho những người bé mọn phải là thứ nhì hoặc là thứ ba phải không? Vậy chị làm ơn đọc lại câu Phúc Âm về việc không làm cho người bé mọn xem nói thế nào.
- Phúc Âm Mathêu, đoạn 25, câu 45, đây rồi, chị Lữ vừa rở Kinh Thánh vừa nói... "Quả thật, Ta bảo các ngươi, những gì các ngươi đã không làm cho một người nào trong các kẻ hèn mọn nhất này, là các ngươi đã không làm cho chính mình Ta" (NTThuấn).
- Nếu cứ theo nghĩa đen của câu này để mà thực hiện thì chỉ có cách càng chết sớm ngày nào càng tốt vì chúng ta không thể nào giúp cho hết mọi kẻ khốn cùng được. Điều này có nghĩa, dù giúp được bao nhiêu người, nếu đem so sánh với tổng số những kẻ khốn cùng thì mình vẫn đã bị kết án, và do đó càng sống lâu càng không giúp nhiều người nên tội càng lớn lao, như vậy, chết sớm nhẹ tội hơn. Câu này tôi đã có lần mở năm bản dịch Kinh Thánh tiếng Anh gồm có The New Oxford Annotated Bible, The New American Bible, The New Jerusalem Bible, Holy Bible, The Word of God, và mấy bản dịch khác nhau của Tân Ước, trong đó chỉ có cuốn The New Jerusalem Bible cũng như trong cuốn bài đọc tiếng Mỹ của người Công Giáo dùng động từ "neglect" nơi câu này. Đại khái có nghĩa, những gì các ngươi biết và có thể giúp nhưng lờ đi không làm cho một trong những người bé mọn là các ngươi đã không làm cho chính Ta...
- Nếu vậy mới có lý, mới có thể giải thích được dụ ngôn cánh chung.
- Chị muốn nói thế nào?
- Dụ ngôn này không thể hiểu được đó là ngày sau hết hoặc ngày phán xét mà lại liên hệ với hai dụ ngôn được viết trước. Dụ ngôn trinh nữ lên án kẻ bảo sao làm vậy không ý thức. Dụ ngôn những nén vàng xét xử những kẻ sợ hãi sai lầm đến độ không dám làm gì, và dụ ngôn này lên án những kẻ biết những điều nên làm mà không thèm làm. À... à... em hiểu lý do tại sao anh nhắc tới câu "Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa... " Nếu vậy thì dụ ngôn thứ ba này lên án những ai không chịu tìm kiếm Nước Thiên Chúa... Nhưng như vậy cũng bù trớt vì có ai biết Nước Thiên Chúa thế nào đâu... Mà... thiên đàng... thì hai tiếng này không có trong Phúc Âm... Thế ra... không dám suy nghĩ cũng chẳng có gì lạ vì... lấy gì làm căn bản để suy nghĩ... Chị Lữ ngập ngừng vì lý luận đi vào ngõ cụt do thiếu kiến thức.
- Hình như tới giờ đi đón cháu nhỏ học giáo lý...
- Anh đi đón con dùm em, Phúc Âm viết kiểu này đọc chỉ ấm ức thêm. Chị Lữ nói vội như e phải bỏ dở cơ hội bàn luận.
- OK, anh Kính nói chuyện với nhà tôi để tôi đi đón cháu về...
- Có lẽ câu nói của anh Lữ "Muốn biết cứ Đức Kitô mà hỏi" đã đến lúc phải được áp dụng...
- Hỏi Đức Kitô cũng cần phải có kiến thức và sự suy nghĩ... mà kiến thức Kinh Thánh em đâu biết chi.
- Chị lại quên câu "Tìm sẽ gặp, gõ thì cửa sẽ được mở cho, và xin sẽ được." Yên chí đi, chị sẽ gặp và cửa sẽ mở cho chị. Chỉ một điều quan trọng là đừng bao giờ nghĩ rằng mình không có thể là đủ. Kiến thức cần thiết cho chị tìm hiểu Kinh Thánh sẽ đến đúng lúc nếu chị thực sự muốn biết vì lợi ích của sự thăng tiến tâm linh. Dứt khoát Thánh Thần sẽ phải làm việc; nói theo kiểu Kinh Thánh...
- Vậy theo anh nghĩ, dụ ngôn thứ ba này chủ đích nói gì?
- Chị đã nói rồi, lên án những người không chịu tìm kiếm Nước Thiên Chúa, không chịu tìm sự công chính của Ngài vì biết những điều nên làm mà không thực hiện. Vấn đề áp dụng thế nào lại là chuyện khác do điều kiện thực tại và ý thức của con người...
- Nghĩ thì nghĩ vậy do suy luận mà ra, nhưng tại sao biết điều nên làm mà không làm lại bị lên án? Cuộc đời này thiếu gì việc nên làm nhưng em nghĩ thực sự không cần thiết phải thực hiện. Chẳng hạn tụi em nên có căn nhà khá hơn, rộng rãi hơn cho gia đình thoải mái; em nên làm việc nhiều hơn để có thể sống khá hơn và giúp được một vài người ở Việt Nam; chúng em nên mua chiếc mini van hàng tuần đưa gia đình đi hóng mát cho khỏe người. Đây chỉ là một vài thí dụ thấy tận mắt nên thực hiện mà đâu cần thiết. Phỏng không chịu khổ cực để làm như thế cũng bị lên án.
- Nếu chị đứng vào phe đấu lý đặt vấn đề với những tay hùng biện hộ giáo có lẽ chị thắng lớn bởi chị có sự suy luận liên kết những yếu tố khá nhanh và vững chắc. Điều này rất lợi, tôi bảo đảm chị sẽ có cái nhìn về Phúc Âm rất khác lạ mà lại cũng khó cho người đấu lý chống đỡ ngược lại. Những sự kiện thực tại được chị ráp nối hợp tình hợp lý khiến cho đối phương khó bề chống đỡ do sự tổng hợp xáo trộn giữa dữ kiện và ý thức tâm linh. Có lẽ bây giờ tôi hiểu được phần nào lý do chị dám đặt vấn đề về ba dụ ngôn mà xưa nay mọi người đều cảm thấy hiểu rất rõ ràng theo nghĩa đen nhưng ý chính lại chẳng giống một chữ nào như dụ ngôn được viết. Trở lại câu chị hỏi, chị có nhớ mang máng rằng trong Phúc Âm có câu: "Kẻ thảy bỏ Ta đi và không lĩnh chịu các lời của Ta, thì có người xét xử nó: ấy là lời Ta đã nói, chính lời ấy sẽ xét xử nó trong ngày sau hết."
- Hình như ở Gioan... câu này cũng kỳ cục, làm sao không chấp nhận lại bị xét xử... Đây, Gioan đoạn 12 câu 48... "Kẻ thảy bỏ... "
- Thực ra câu này được dịch hình như thừa một chữ. Tôi đọc bản dịch tiếng Anh có vẻ hợp lý hơn vì họ dịch đại khái "Kẻ nào từ chối và không lãnh nhận lời ta nói tự có sự xét xử; ấy là Lời ta đã nói... " Chị thấy, chẳng hạn như bữa ăn vừa qua, tiết canh, vịt ướp chao nhúng rau sống... Nếu chị ngồi trước bàn ăn thịnh soạn như thế mà không ăn thì sao?
- Anh muốn nói... Chị Lữ lộ vẻ đắn đo, anh muốn nói nếu mình không chịu tìm hiểu thì án phạt là sự dốt nát, mê muội.
- Đặt vấn đề như thế này có lẽ dễ hiểu hơn: không ăn thì đói, sự đói hành hạ nên tạm gọi là án phạt vì người không ăn phải chịu. Lời Phúc Âm nếu không được suy nghĩ cho am hiểu để thấm nhập vào mình thì mình cũng chỉ giống như một ống rỗng đối với thực phẩm, một thân xác bịnh hoạn, ăn không tiêu... Không hiểu Phúc Âm thì suốt đời trầm luân nơi mê muội, trong sự sai lầm chạy theo thế tục không thể thoát ra được. Án phạt này, chỉ những ai cảm nghiệm được mới hiểu thế nào... Chị thấy rõ, mới thử đặt vấn đề suy nghĩ chỉ ba dụ ngôn mà nhận thức của chị hầu như đổi mới không như xưa...
- Vậy tại sao cũng có câu... ta đến để xét xử thế gian... nghe ngang như cua vậy? Xin lỗi, em không có ý diễu anh đâu.
- Ha! Ha! Coi chừng chị còn ngang hơn tôi là cái chắc vì chị đã để ý đến những câu nói mới thoạt nghe đầy vẻ ngang ngược của Phúc Âm mà ít ai dám đặt vấn đề... Hình như câu này nơi Gioan đoạn 9 câu 39, 40 gì đó... Chị đọc lên coi.
- "Và Đức Giêsu nói: Chính để phán xét mà Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!" Đúng thật là câu nói ngang ngược... làm sao...
- Tôi nói trước, từ khi chị hiểu câu này nói gì, bảo đảm dần dần chị sẽ trở nên ngang như con cua lé nữa chứ đừng nói con cua bình thường. Tôi không ngờ có người dám nói Phúc Âm viết ngang ngược...
- Tại sao kẻ không thấy thì được thấy và kẻ thấy được lại hóa đui mù...
- Thì có sao đâu, người mù lòa có bác sĩ mổ mắt, kẻ có cặp mắt như hai chiếc đèn xe hơi lại đeo kiếng râm...
- Người mù mới đeo kiếng râm chứ... Anh không thấy mấy người mù... Không phải, nhưng sao thấy được lại hóa đui mù... chị Lữ đang nói câu nọ bỗng bắt qua câu kia... Anh giải thích được không? Câu nói gì mà kỳ cục...
- Chị có thể giải thích cho tôi điều gì đã che lấp sự nhận định của năm cô trinh nữ dại khờ, che luôn óc phán đoán người tôi tớ được cho một nén bạc, và che tất cả những người có cơ hội không làm cho người hèn mọn...
- Không dám suy nghĩ... thói quen... sự sợ hãi... sợ sai lầm... không để ý... không muốn bị phiền hà... ích kỷ... Chị Lữ ngồi bất động, đôi mắt nhìn như muốn xuyên qua khoảng tường trống trước mặt, miệng lẩm nhẩm như vị thiền sư tụng niệm... Đúng rồi, thói quen, không phải, quan niệm sống của mỗi người...
- Vậy tại sao chị phải suy nghĩ nhiều thế về mấy câu Phúc Âm ngang ngược này?
- Ngang nhưng có lý... Làm cho kẻ mù được sáng tức là giúp cho kẻ tìm tòi hiểu biết hơn. Làm cho kẻ thấy được lại hóa ra đui mù... có... nghĩa... khiến những kẻ cho rằng mình khôn ngoan, giỏi giang bận rộn với những chuyện sống hàng ngày không muốn biết thêm về tâm linh nên không hiểu được Phúc Âm thực sự muốn nói gì... Cũng có lý... Chị Lữ lại như người tụng niệm với những lời nói đứt quãng...
- Câu này gồm hai phần, phần đầu, khiến kẻ mù thấy được chỉ về thể xác, Đức Giêsu chữa lành người mù và cũng có thể áp dụng như chị vừa nói là giúp cho kẻ tìm tòi hiểu biết hơn. Phần tiếp theo, "Kẻ thấy được lại hóa ra đui mù" chỉ về những kẻ khôn ngoan, hiểu biết nhiều về cuộc sống vật chất hiện tại nên cho rằng cuộc sống chỉ là những thắng lợi và mãi lo theo đuổi do đó không đặt vấn đề tìm hiểu thêm về tâm linh nên trở thành mù tối đối với sự am hiểu Phúc Âm. Nhận định câu nói như thế, chị còn thấy Phúc Âm ngang ngược nữa không?
- Không thể ngờ được... "Ta đã đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù!" Đúng thật là câu nói ngang ngược... nhưng tuyệt vời. Vậy sao anh có thể nghĩ như thế? Đâu là căn bản đặt vấn đề tìm hiểu?
- Nơi Gioan đoạn 16 câu 12 có nói, "Ta còn lắm điều phải nói với các ngươi, nhưng hiện giờ, các ngươi không mang nổi. Song khi nào Ngài đến, vì là Thần Khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật... " Chị đừng vội vã, rồi chuyện đến sẽ đến... Và khi chuyện đến thì có lẽ lại nói ngang theo những câu Phúc Âm... Bây giờ trở lại vấn đề lòng tin được chưa?
- Chưa, vì còn mấy câu ngang ngang nữa em chưa để ý nhưng khó chấp nhận... Lòng tin thì đã sẵn sàng... Thế tại sao người giầu có khó vào nước trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim? Em không dám cho là ngang nữa nhưng không chấp nhận được.
- Chị đã bao giờ nghe người nào đó giải thích rằng nơi đền thờ Jerusalem có một chiếc cổng nhỏ, vì nó quá nhỏ nên người ta gọi lóng nó là cửa lỗ kim chưa, và như thế, ý nói con lạc đà khó mà đi qua được. Nếu không biết điều này, chúng ta cứ tưởng là lỗ kim khâu thực sư...
- Anh nói vậy thì con lạc đà vẫn không chui qua được vì cổng quá nhỏ và như thế thì chẳng lẽ người giầu có đều bị kết án hay sao. Một vợ chồng vua nước Pháp được phong thánh, họ giầu có, đầy uy quyền nữa, chẳng lẽ Giáo Hội Công Giáo phong thánh cho kẻ ở hỏa ngục vì khó vào được nước trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim, nói cách khác, không thể nào vào được. Hơn nữa, sự giầu có mang tính chất tương đối vì nếu đem so sánh một gia đình bình thường ở đây với cuộc sống nơi một nước nghèo thì mình quá giầu có. Phi lý, ai có thể chấp nhận được, cho dù lỗ kim ám chỉ cái gì.
- Thì tôi nói đúng theo những lời giải thích thường được nghe ở nhà thờ và đặc biệt hơn nữa là ghi chú nơi cuốn Kinh Thánh Tân Ước. Vậy nếu chị không chấp nhận được thì phải giải quyết ra sao?
- Em cảm thấy hình như có điều gì không ổn nơi câu này vì ý nghĩa rất rõ ràng nhưng lại nghịch thường với thực tế thành ra phi lý. Em chỉ đặt vấn đề, nói là giúp người nghèo khó, vậy ai có thể giúp? Tất nhiên chỉ những người ít nhất phải đủ ăn đủ mặc hoặc giầu có hơn. Đàng này, cứ theo câu nói Phúc Âm thì người giàu có cho dù làm việc phúc đức bao nhiêu chăng nữa cũng không thể nào được vào nước trời thì thực hiện điều tốt lành làm chi, giúp người khốn khó cũng chẳng ơn ích gì chẳng thà đem tiền của mình có ăn xài cho thoải mái cuộc sống hiện tại vì rốt cuộc rồi cũng lãnh đủ. Phỏng nếu áp dụng đúng nghĩa đen của câu này, Phúc Âm một cách nào đó xúi giục người ta làm bậy... Điều này em không thể chấp nhận do đó đành chờ may ra có lúc...
- Tất nhiên chị muốn nói "Tìm sẽ gặp?"
- Em hy vọng thế.
- Chị có nhớ câu, "Vì kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó" nơi Phúc Âm Mathêu đoạn mấy không?
- Có, hình như phần nói về kho tàng đích thực... Chị Lữ vừa nói vừa rở Kinh Thánh... Mathêu đoạn 6 câu 21...
- Chị có nghĩ rằng kho tàng, tiền bạc của chị Ở đâu thì lòng dạ chị cũng ở đó không?
- Tiền ở nhà băng, nhà cửa xe cộ nơi đây có gì mà phải đặt vấn đề lòng da...
- Thế lòng dạ của chị thường ở đâu?
- Anh muốn nói ý nghĩ, tư tưởng, ước mơ... Có lý, phải nói thế này, lòng dạ con người luôn luôn để ý đến ước muốn, những chuyện mình đang theo đuổi...
- Như vậy nếu đem áp dụng sự giải thích của chị vào câu Phúc Âm thì chị nghĩ thế nào.
- Kho tàng của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó... Chị Lữ đọc chầm chậm... có thể đổi thành vì ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó...
- Chị có thể chấp nhận lối ráp nối này không?
- Đúng, hợp lý và hợp tình... nhưng chẳng lẽ Phúc Âm viết phi lý?
- Không phi lý chút nào hết nhưng có thể không được dịch đúng nghĩa của lối dùng chữ ngày xưa.
- Cũng có thể... Nhưng tại sao anh đưa ra câu này?
- Chị thử ráp câu này với câu nói phi lý người giầu có coi sao... Hình như câu người giầu có ở cả ba Phúc Âm Mathêu, Mác cô và Lucạ Chị thử rở Mác cô đoạn 10 câu 20 đến 30 xem...
- Đây rồi, câu 25, "Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa." Anh muốn nói ráp thế nào?
- Ráp câu trước câu sau, thế nào cũng được.
- "Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa." "Vì kho tàng của ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó." Thế nghĩa là...
- Tôi muốn nói chị ráp với câu chị vừa giải thích về kho tàng và lòng da...
Chị Lữ lại lẩm nhẩm, Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người giàu có vào được Nước Thiên Chúa vì ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó... À, à... nếu vậy phải đổi luôn, không, không đổi nhưng phải thêm vào câu lạc đà... để trở thành: Lạc đà qua lỗ kim còn dễ hơn là người ước muốn giàu có vào được Nước Thiên Chúa vì ước muốn của ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Hợp lý... , nhưng tại sao anh dám nghĩ lung tung như thế này?
- Tôi dâu dám nghĩ lung tung, tôi chỉ không muốn bị lên án thôi. Chị thấy không, theo tôi nghĩ, hai câu Phúc Âm này phải được sắp xếp gần nhau và được viết lại thành "Lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn là người ước muốn giàu có của cải trần gian vào được Nước Thiên Chúa vì ước muốn của người ta ở đâu thì lòng họ cũng ở đó." Thế nên, câu Phúc Âm mới đọc thì tưởng rằng lên án người giầu, nhưng khi đặt vấn đề cho sáng tỏ lại trở thành lời khuyến cáo những người ham muốn trở nên giầu có. Và như vậy mới có lý, mới thuận tai, và mới có thể chấp nhận được vì nó không lên án ai, chỉ nói lên một thực thể. Bởi vậy, giầu nghèo gì mà ham muốn danh vọng, của cải thế tục, hoặc bất cứ gì để rồi bị chúng che mờ con đường tâm linh thì cũng suốt đời lội trong vũng lầy u mê... Trong mấy cuốn Kinh Thánh bản dịch tiếng Mỹ, độc nhất chỉ cuốn Holy Bible nơi Phúc Âm Mác cô có ghi thêm ba chữ "trust in riches" vào câu này. Đại khái có thể hiểu "Rất khó khăn cho những người tin tưởng nơi sự giầu có vào được Nước Trời." Tương đối, bản dịch này làm sáng nghĩa hơn nhưng tôi nghĩ vẫn chưa thể áp dụng vào thực tại cuộc sống con người dẫu trên phương diện luân lý hay tâm linh. Đồng ý rằng luân lý thay đổi, và Phúc Âm không viết theo nhận thức luân lý nên thường thì những câu nói đặt vào miệng Đức Giêsu rất nghịch với luân lý, tuy thế, khi xét theo khía cạnh tâm linh lại rất hợp lý hợp tình. Có lẽ bây giờ chị cảm thấy phần nào Phúc Âm nói vậy nhưng không phải vậy... nói theo kiểu chị tức là nói ngang...
- Đúng, làm cho kẻ mù được sáng và làm cho kẻ sáng suốt trở nên tối tăm... Bị cho rằng ngang cũng chẳng oan chút nào... Hèn chi người ta cho là anh ngang... lòng dạ của ngươi ở đâu thì ngươi mở miệng nói như thế ấy!
- Chị khen hay chê tôi vậy?
- Cả hai, khen một nửa, nói theo thiên hạ một nửa chứ em không dám chệ Nhưng tại sao anh không chịu nói cho người ta hiểu?
- Thì chị đi mà nói! Chưa có ý nói đã được gọi là ngang thì cố ý nói coi chừng chỉ đi làm thợ điện...
- Sao anh bảo phải đi làm thợ điện... Ah, em lại bị hố...
- Chị nói gì? Bị hố chuyện gì?
- Thợ điện, chị Lữ trả lời cụt ngủn mà tỏ ra vui vẻ, đắc ý như mới khám phá được điều gì mới la...
- Trong Phúc Âm còn mấy câu khác nữa cũng vậy, mới thoạt nghe hay đọc thì rất nghịch lý nhưng để ý suy nghĩ mới thấy quá thâm trầm...
- Có phải câu, ai yêu cha mẹ vợ con hơn ta thì không đáng là môn đệ của ta không? Em thấy cũng hơi kỳ kỳ vì sao có thể thực lòng mà nói em yêu Chúa hơn chồng con được!
- Và câu khác chẳng hạn, đừng tưởng ta đến để đem an bình mà là chia rẽ...
- Thế anh đã nghĩ ra chưa vì khi đọc hai câu này em cảm thấy hình như cũng có ẩn ý chi đó mà khó có thể nhất thời giải thích.
- Anh chị lập gia đình bao lâu rồi vậy?
- Tính đến nay mười tám năm rồi đó. Con trai lớn của em mười sáu tuổi, to hơn bố nó rồi.
- Ủa, vậy chị lập gia đình từ khi mới biết chạy?
- Thế tại sao anh chưa có vợ?
- Tôi đang hỏi về chị mà!
- Anh nịnh đầm giỏi vậy mà chưa có vợ kể cũng lạ.
- Cuộc đời này có người thông minh hơn tôi có thể tưởng tượng...
- Có lẽ bị ảnh hưởng lối nói của anh hơi nhiều rồi nên sinh ra thông minh. Vậy có phải khó có người bắt được ý anh muốn nói nên anh còn đang tìm kiếm phải không?
- Đúng một nửa! Thật ra, sống độc thân quen rồi nên tôi sợ khó có người chấp nhận nổi tính chất hoang đàng của tôi. Tôi muốn nói hoang đàng nơi tư tưởng bởi không nghĩ giống những người chung quanh... Vậy có khi nào anh chị bất hòa không? Tôi muốn nói chẳng hạn cãi lộn lung tung thôi.
- Nhiều chứ, cuộc sống gia đình thì cũng phải có lúc chén bát đụng nhau cho thêm mắm muối cuộc đời...
- Thế chị có biết lý do tại sao hai người cãi nhau không?
- Thì người ý này, kẻ muốn thế kia có chi lạ đâu, riết rồi trở thành bình thường.
- Nghĩa là bất đồng ý kiến, hoặc là ai cũng chỉ cho rằng ý mình là đúng, là hơn.
- Dĩ nhiên, nếu không vậy sao phải bực mình rồi mới nhận ra sự phi lý rởm...
- Hèn chi chị dám mổ xẻ Phúc Âm kỹ vậy. Nhưng anh chị có thực sự yêu thương nhau không? Phỏng vắng anh ấy mấy hôm chị cảm thấy thế nào?
- Anh hỏi chi kỹ vậy, vợ chồng thì nhớ nhau chứ, chẳng thế mà được gọi là quen hơi...
- Tôi chỉ muốn hỏi về tình cảm; chị có thực sự thương anh ấy hơn hết mọi sự khác không?
- Chắc chắn như một cộng với một là hai. Có thế mới đặt vấn đề trung thành được.
- Thế mà khi hai người cãi lộn tất nhiên ai cũng cho rằng mình là đúng... Điều này nói lên, dẫu vợ chồng thực sự thương nhau cách mấy, đôi khi vẫn không thân thiết bằng tư tưởng hay ý nghĩ đối với mình. Vậy nếu thương vợ hay thương chồng mình hơn ý nghĩ, tất nhiên sẽ chẳng có chuyện cãi lộn cãi lạo giữa hai vợ chồng xảy ra phải không?
- Đó là chuyện đương nhiên, và đa số hai người cãi nhau do nguyên nhân bất đồng ý kiến... bởi ai cũng cho mình là phải...
- Vậy thì có thể nói được rằng mình thân thiết với ý nghĩ, quan niệm, hay tư tưởng của mình hơn với vợ hay với chồng...
- Tại sao anh lại so sánh tư tưởng, quan niệm, với con người...
- Câu 37 đoạn 10 nơi Phúc Âm Mathêu được viết "Kẻ yêu cha mẹ hơn Ta ắt không xứng với Tạ Kẻ yêu con trai con gái hơn Ta ắt không xứng với Ta," nếu đem thay thế quan niệm, ý nghĩ, ý muốn vào cha mẹ, con trai con gái chị sẽ thấy tại sao tôi hỏi về chuyện anh chị cưới nhau bao lâu. Theo tôi nghĩ, cha mẹ, vợ con, anh em họ hàng là những người thân thiết được dùng để ám chỉ những gì ngăn cản sự tìm hiểu Phúc Âm mà thôi. Như vậy, câu này có nghĩa kẻ nào còn thấy tư tưởng, ý định, ý nghĩ của mình quan trọng hơn những gì ta nói thì không thể nào hiểu được ta nói gì, sao có thể đáng là môn đệ của tạ Tôi nghĩ điều này được trình bày rõ ràng hơn nơi câu nói không lấy mụn vải sống vá nơi áo cũ cũng như không thể lấy bì cũ để đựng rượu mới.
- Hình như anh dám tách rời những câu nói Phúc Âm và xếp sao cho thuận với lý luận, ý nghĩ trong diễn tiến suy tư...
- Chị nói đúng, bởi như vậy còn hơn cố chấp giữ nguyên vị trí để rồi không hiểu gì. Vấn đề này khá dài dòng vì nói tóm lại về lịch trình thành hình của bộ Kinh Thánh thì Phúc Âm cũng đã được sắp xếp những câu nói cho hợp lý và thuận chiều diễn giảng. Thực ra, ở vào thời điểm mười mấy thế kỷ trước đây, sự sắp xếp này đã được chấp thuận và hội đồng gồm có bẩy mươi học giả Kinh Thánh nên đã được gọi bản có lối xếp đặt mà chúng ta đang dùng là bản bẩy mươi.
- Hỏi câu này có vẻ ngoài vấn đề nhưng em hơi ngạc nhiên tại sao câu nói Phúc Âm Mác cô chỉ nói đến kẻ yêu cha mẹ, con trai, con gái, mà không nhắc đến yêu vợ hay yêu chồng?
- Ồ, tôi biết nhưng không để ý. Câu hỏi chị nêu lên có giá trị về văn hóa của nó. Người Do Thái và hầu như các dân tộc Trung Đông, Á Đông, ngày xưa không coi người vợ có giá trị ngang hàng. Chẳng hạn như câu nói "Nhất nam viết hữu" chị thừa biết. Dân Do Thái ngày xưa quan niệm rằng nữ giới là mầm mống gây nên tội lỗi, không xứng đáng được coi ngang hàng với nam giới, nên ra ngoài đường phải lấy vải che đầu, che mặt đi. Đó cũng là lý do tại sao ngày nay coi trên TV chị thấy họ che đầu và có thể coi như thói tục còn sót lại bởi quan niệm nam trọng hơn nữ. Từ quan niệm cổ xưa ấy phát sinh ra thứ thời trang khác đó là chiếc núp đội đầu của các nữ tụ Có lần tôi định hỏi một chị nữ tu xem đối với họ chiếc núp có ý nghĩa gì. Thế nhưng tôi hơi e ngại vì đôi khi câu hỏi đơn sơ bởi lòng thành của mình bị coi là thắc mắc hay chế nhạo coi chừng chỉ thêm phiền. Có thể tôi sai nhưng thật ra, con người mang một năng lực sáng tạo rất lớn mà cho tới nay người ta chỉ mới chớm nhận ra như đã có người nói "Suy nghĩ là kiến tạo và người suy nghĩ là đấng tạo dựng." Câu nói này có vẻ còn quá mới; tuy nhiên, càng tìm hiểu về Phúc Âm bao nhiêu, tôi càng nhận ra giá trị và vị thế của con người cao trọng bấy nhiêu. Thực sự, có thể rằng nếu tôi dám nói thẳng ngay bây giờ chị sẽ lên án tôi. Nhưng tôi nhận thấy có lẽ chẳng bao lâu chị cũng sẽ chẳng có thể ngờ về chính chị nếu sự phỏng đoán của tôi không lầm.
- Ý nghĩ gì mà có vẻ ghê gớm như vậy.
- Không ghê gớm đâu, nhưng phạm thượng thì đúng hơn. Thôi, chị đừng bắt tôi phải nói vì tôi e chưa tới lúc...
- Bộ anh cho rằng em chưa đủ khả năng để hiểu...
- Đức Giêsu hai ngàn năm trước đây đã nói mà nào ai để ý. Chị đừng nôn nóng làm chi thêm phiền bởi có thể chỉ bất lợi. Tôi thử hỏi chị, vậy lý do gì Phúc Âm có câu: "Kẻ nào cầm cày mà còn quay trở lại thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa?" Nếu mà chị trả lời được, tôi bảo đảm chị thừa khả năng giải thích hầu hết mọi vấn đề nơi Phúc Âm. Nhưng nếu chị không tự trả lời được, đừng đụng chạm đến điều chưa nên của tôi. Nào, mời chị giải thích.
- Anh nhớ câu này ở đâu không?
- Hình như Luca, cuối đoạn 9, nói về điều kiện để xứng đáng làm môn đồ Đức Giêsu.
- Đoạn 9 câu 61; "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa." Câu này trả lời cho người xin về từ biệt người nhà để theo Đức Giêsu mà! Thì ý nghĩa cũng gần giống như câu ai yêu mến cha mẹ vợ con hơn ta không xứng đáng là môn đệ của tạ Nhưng tại sao lại đặt vấn đề còn quay trở lại lúc cầm cày trong khi sự yêu cầu chỉ là từ biệt thân nhân. Đối với thân nhân ruột thịt, ai cũng nhung nhớ... Chị Lữ nhìn nơi trang Kinh Thánh mà miệng lại thốt lên những lời nói ráp nối của suy luận. Cầm cày... quay trở lại... bất kham... không xứng đáng... không hợp... Anh có nghĩ là có sự liên hệ của câu này với hai câu mà anh mới nói về rượu mới bì cũ, vải mới áo cũ không? Chị Lữ thử đặt mối liên hệ.
- Đồng loại nhưng không cùng giống, nửa trúng nửa không.
- Vậy theo kinh nghiệm uống rượu của anh thế nào?
Chị Lữ hỏi một câu bâng quơ khó xác định, nhưng Kính hiểu chị đang dò dẫm mối liên kết ý tưởng của hai câu Phúc Âm. Đang từ người cầm cày mà bỏ lững suy nghĩ về rượu... để tìm kiếm... Phải công nhận chị Lữ khá thông minh, Kính thầm nghĩ, nên trả lời bằng cách hỏi ngược để phân tích,
- Chị muốn hỏi về vấn đề gì của uống rượu. Rượu nào say hơn, ngon hơn, hoặc mắc hơn, dễ uống hơn, hoặc nhiều người thích hơn...
- Em nuốt hết ý tưởng, xin lỗi anh. Em muốn nói rượu cũ và rượu mới người ta thích rượu nào hơn?
- Rượu cũ uống êm hơn nên dễ uống hơn do đó thường thì người ta thích uống rượu cũ hơn...
- Rượu cũ không đổ vào bì mới và rượu mới đổ vào bì cũ sẽ phá bể bì. Tại sao rượu có thể phá bể được bì?
- Chữ bì đây là bong bóng của các con vật ngày xưa được rửa sạch để đựng rượu...
- Như vậy là có sự dứt khoát, không thể dây dưa, chung đụng. Vải mới vá áo cũ không được; rượu mới đổ bì cũ không được; kẻ cầm cày quay lui trở lại là bất kham trong khi chỉ xin cho về từ giã. Câu này có nghĩa người nào muốn biết về Nước Thiên Chúa, muốn theo Đức Giêsu phải dứt khoát với tất cả những gì thân thiết nhất đối với mình... Khoan, khoan, em muốn nói... Đúng là nói chuyện với Kính không khùng là hãy còn may mắn vì anh dồn người đối thoại phải vận dụng tất cả năng lực nhận định. Chị Lữ nhắm mắt chống cằm lên hai tay bất động... Chừng hơn phút sau chị lên tiếng: Người nào muốn hiểu được Phúc Âm, muốn theo Đức Giêsu, chị nói chầm chậm từng lời rõ ràng, phải biết dứt khoát với tất cả những quan niệm, kinh nghiệm, cũng như học thức, tất cả mọi hiểu biết đã qua phải bỏ đi hết không tiếc nuối hay bám víu... Nhưng làm sao bỏ, làm sao có thể vứt hết những gì đã biết... Có phải cách đây ba tuần anh nói về tự do tư tưởng là nhận thức để vứt bỏ hết những ước muốn bình thường của mọi người?
- Kể như đã có câu trả lời. Chị nói đúng và suy luận sự liên kết của mấy câu Phúc Âm rất đúng với ý nghĩa chúng muốn nói lên. Tôi nghĩ, điều mà tôi không muốn nói nhưng sau lại dùng nó để thách đố chị chưa chắc đã có thể làm chị ngạc nhiên chứ không nói đến có thể mang lại bất cứ gì bất lợi cho chị, có chăng, chỉ giúp chị tìm hiểu mau hơn. Đó là, quyền năng của Thượng Đế ở ngay nơi mỗi người nhưng con người chưa biết xử dụng.
- Anh nói gì, có phải anh muốn nói con người có quyền năng như Thượng Đế?
- Không, tôi chỉ nói quyền năng của Thượng Đế ở ngay chính mình mà chúng ta không nhận ra. Quyền năng này nơi chị, nơi tôi, nơi anh Lữ, nơi mọi người. Chị muốn hiểu sao thì hiểu. Và như thế tôi đã thi hành đúng điều giao ước của tôi. Nhưng tôi muốn chị tự nhắc lại ý nghĩa của người cầm cày một lần nữa xem có khác hơn không.
- "Kẻ vừa tra tay cầm cày vừa ngó lui sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa" nếu đem so sánh tổng hợp với những câu áo và rượu cũng như sự lưu luyến cha mẹ con cái, mang nghĩa tuyệt đối dứt khoát với những gì mình đã được học hỏi, dạy dỗ từ xưa tới giờ. Sự dứt khoát này bao gồm tất cả kinh nghiệm cũng như quan niệm và ý thức cũ để có lối nhìn hoàn toàn đổi mới mà nhận định về Phúc Âm thì mới có thể am hiểu được. Tóm lại, có thể nói là phải đổi mới não trạng, cần được tẩy não. Anh thấy em thuộc bài chưa... Tuy nhiên, quan niệm và ý thức cũ chẳng khác gì tình máu mủ ruột thịt gia đình, hấp dẫn tựa rượu để lâu năm đối với kẻ thích uống rượu như anh. Thế nên, cần phải có một phương pháp nào đó gột rửa để đổi mới thì em chưa biết...
- Chị có thể nghĩ đến câu Phúc Âm nào ngoài mấy câu vừa rồi để minh chứng cần phải đổi mới não trạng?
- Đây là lần đầu tiên em suy nghĩ dẫn tới kết luận này; thật lòng mà nói, chưa bao giờ em dám đặt vấn đề về Phúc Âm mà chỉ nghe giảng, nói cho đúng, có nghe cũng như không. Điều gì có vẻ mới lạ hoặc chướng tai, bàn qua tán lại với ai đó đôi câu rồi cũng coi như không có chi xảy đến.
- Nơi Phúc Âm Mác Cô đoạn 1 câu 15 được viết: "Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! hãy hối cải và tin vào Tin Mừng." Cuốn Kinh Thánh Tân Ước có ghi phụ chú: "Từ Hy lạp metanoia theo nghĩa gốc là nghĩ khác trước, đổi ý, đổi tâm tình, đổi não trạng, hối tiếc, hối hận" (KTTƯ Giáo Phận TP. HCM; VN; 1994; tr. 184). Văn từ "gần bên" hay "đến gần" được dùng 18 lần nơi Phúc Âm nhất lãm để chỉ tính chất thời gian của Nước Thiên Chúa bắt đầu được rao giảng bởi Gioan Tẩy Giả và sau đó được đặt vào miệng Đức Giêsu trong những lần công bố, rao giảng. Tuy nhiên những khi Phúc Âm dùng câu trả lời về thời điểm của Nước Thiên Chúa thì Phúc Âm lại nói Nước Thiên Chúa đã đến (Mt. 12:29; Lc. 11:20). Nơi Luca 17:21 còn ghi rõ, "Nước Thiên Chúa không đến một cách nhãn tiền, người ta sẽ không nói được này ở đấy hay ở đó , vì này Nước Thiên Chúa ở trong các ông." Xét thế, hình như văn từ được dùng khác nhau trong 21 lần nói về thực thể Nước Trời để chỉ cùng một ý niệm thời điểm và khi dịch thuật, tôi nghĩ, người dịch vì quá chú trọng đến văn từ hoặc đã không hiểu lối nói thời Phúc Âm được viết. Thí dụ điển hình, người Mỹ nói "eat like horse" trong khi ngôn ngữ Việt diễn tả "ăn như hổ". Từ nhận xét này, tôi nghĩ, những lối nói "đã đến" hoặc "đã đến gần," hoặc "ở giữa các ông" đều mang cùng một ý nghĩa nhất là khi đặt vấn đề về ý niệm thời gian đối với ý thức hiện hữu. Từ nhận định này, câu "Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên! hãy hối cải và tin vào Tin Mừng" đem hợp với phụ chú có thể xếp thành: Nước Thiên Chúa ở trong các ông, hãy đổi não trạng, và tin vào Tin Mừng. Xét theo cơ cấu, câu nói gồm hai phần; phần đầu tuyên bố, rao giảng; phần thứ nhì đưa lên điều kiện để dẫn tới hành động. Vậy hai chữ Tin Mừng ở đây chính là phần đầu: Nước Thiên Chúa ở trong các ông. Đây chính là lời rao giảng của Đức Giêsu, là Tin Mừng Đức Giêsu công bố, nhưng thường bị hiểu lệch theo nghĩa khác vì không ai dám đặt vấn đề đổi não trạng nhưng vẫn cứ cầm cày và quay trở lại, vẫn dùng rượu mới đổ bì cũ vì rượu cũ đã xỉn thấm vào tim vào máu rồi. Vấn đề chị đặt ra là phương pháp nào để gột rửa cho sự đổi mới thì chỉ có một con đường đó là nhận thức về lòng tin...
- Nghe anh nói cũng có lý vì em thường tự hỏi câu "người nghèo khó được nghe báo Tin Mừng" có nghĩa gì, và Tin Mừng là gì. Người nghèo dĩ nhiên đang khát khao những điều cần thiết nhất cho sự sống hằng ngày, đàng này đem tin mừng đến để làm gì? Tin Mừng có xoa dịu được cái bụng đang đói của họ không? Có giúp họ cảm thấy ấm hơn khi đang rét run vì thiếu áo quần mặc không? Sở dĩ em thấy có lý vì qua những câu Phúc Âm nói về lòng tin suốt mấy tuần qua suy nghĩ, em cảm thấy có điều gì lạ mà xưa nay em chưa từng bao giờ nhận biết. Hình như có một quyền lực nào đó được gọi là lòng tin mà chưa được phanh phui, quyền lực này bao trùm và giải quyết được mọi sự thiết yếu nhất của con người. Thế nhưng, càng suy nghĩ, càng thử đặt vấn đề em càng cảm thấy e sợ, càng cảm thấy điều gì đó vừa khuyến khích lại vừa đe dọa, và hình như có một mãnh lực thúc đẩy và đòi hỏi nếu muốn cảm nghiệm thì đành phải liều... Em không diễn tả được thực sự cảm nghiệm này như thế nào nhưng nó thúc bách, nó làm cho mình xao xuyến thế nào ấy khiến mình trở nên ngơ ngơ ngáo ngáo không biết phải làm sao.
- Tôi hiểu chị muốn nói gì. Vậy từ xưa tới nay, theo chị nghĩ, lòng tin hay đức tin là gì?
- Xưa nay em được dạy về đức tin thì em cũng tin như mọi người chung quanh. Tin có ông Trời, nghĩa là tin có Thượng Đế, Đấng tạo nên mọi sự trên trời dưới đất. Em không đặt nặng vấn đề danh hiệu Trời hay Chúa nên gọi thế nào cũng được. Dĩ nhiên, trời đất, vạn vật này không thể tự dưng mà có nên phải có bàn tay quyền lực nào đó tác thành. Em cũng nghĩ có những quyền lực vô hình ảnh hưởng nơi cuộc sống mình vì nhiều khi có những chuyện xảy ra chẳng thể ngờ được. Thế nên, đành chấp nhận có những nguyên nhân mà mình vô tình hay không hiểu đã tạo ra sự kiện như thế. Hơn nữa, nhân nào quả nấy, mình sống tốt lành thì sẽ được hưởng kết quả tốt lành và mình làm những việc chẳng ra gì chắc chắn phải lãnh sự báo oán cho công bằng vì có làm, có bỏ công sức thì có ăn, không làm mà kiếm cách sao cho có ăn thì một là lạm dụng hai là thực hiện điều xấu xa... Riêng nói về tôn giáo, bởi theo đạo Công Giáo thì bảo tin thế nào em tin thế vậy, không bao giờ đặt vấn đề bởi đặt vấn đề cũng không được mà cũng chẳng lợi ích gì cho cuộc sống mình đang phải đối diện. Nói rằng tin Chúa ba ngôi, Cha, Con, Thánh Thần, hay nói không tin nào thấy gì hơn kém đâu! Ừ thì tin, em cũng thế, nhưng nói không tin sẽ bị người ta nói thế nọ thế kia, nào xuống hỏa ngục, nào rối đạo... thôi thì cứ xổ những lời giống họ đỡ bị phiền. Có thể nói, những điều được học về đạo Công Giáo chẳng giúp em gì nếu so với những người không Công Giáo mà có chăng chỉ bị phiền hơn. Thí dụ, phải ăn ngay ở lành, đạo nào không nói thế; chính những người không theo đạo nào, chỉ tin vào ông Trời và cúng vái hình tượng ông bà ông vải của họ cũng quan niệm "Ăn mặn nói ngay còn hơn ăn chay nói dối" thì xét về luân lý theo hay không theo đạo cũng như nhau; anh thấy đúng không? Nhưng thực tế cuộc sống thì những người có đạo bị phiền hà nhiều hơn. Nào lễ lạy, nào đoàn thể, nào rước phách, nào luật đi lễ ngày Chủ Nhật trong khi người không có đạo thảnh thơi ở nhà coi ti vi, ăn uống, đi chơi dễ chịu hơn; ấy là em không muốn nói đến những sự phiền hà xảy đến giữa chốn đô hội chẳng hạn những lời ong tiếng ve về cách ăn mặc, người này đẹp, người kia xấu... Em không được cao lắm cũng có kẻ phê bình là lùn tịt; mặc bộ đồ thích mắt mới mua có kẻ nói ra vẻ ta đây... Thực lòng mà nói, theo đạo khiến em bị phiền nhiều hơn không theo mà không đi nhà thờ cuối tuần lại sợ bị phạt xuống hỏa ngục, sợ người ta nói bê bối, lười. Xét thế, tin thì cũng như mọi người mà theo đạo chẳng có gì liên hệ với đức tin lại lắm phiền hà. Đã có nhiều lần suy nghĩ về câu nói đạo tại tâm, lại nghe người khác nói Phật tại tâm... em thấy, một nửa muốn bỏ đạo quách, một nửa sợ tội và sợ người chung quanh dị nghi...