- Thế có khi nào chị tự hỏi tại sao mình theo đạo không?
- Lẽ đương nhiên, câu trả lời rõ ràng nhất là em theo đạo theo truyền thống; nói vậy không đúng, em theo đạo vì sợ thì đúng hơn. Anh thử nghĩ coi, thà rằng mình bỏ ra một tiếng hay hơn tiếng đồng hồ ngày Chủ Nhật tới nhà thờ như trả giá cho sự hưởng phúc sau này còn hơn bây giờ không đi lỡ sau khi chết có thiên đàng mà không được hưởng có phải ngu dại không! Nói theo tâm lý, thái độ này chỉ là ép mình chạy theo sự tin tưởng may rủi chẳng khác gì trả giá cho bảo hiểm tai nạn hay những gì chẳng may có thể xảy đến. Có thể nói là vị kỷ, hoặc e sợ, hoặc để tự an ủi mình thì tạm được gọi là khôn ngoan. Em không hiểu anh hay những người khác nghĩ gì về điều gọi là tin, nhưng em nghĩ, ai cũng là người nên ít nhất có những tâm tình và cảm ứng về thực tại giống nhau. Thực lòng mà nói, có lẽ bởi em dám suy nghĩ nên cảm thấy phiền nhiều hơn vì thà không biết gì cứ hùa theo người khác sống cho qua ngày đoạn tháng, được sinh ra thì phải sống như câu hát nào đó, " hãy cứ yêu người mà sống, lâu dần đời mình cũng qua" thì không có chuyện gì đáng nói. Thế nên, chính sự hiểu biết, dám đặt vấn đề về niềm tin nên đã chẳng biết bao nhiêu lần em cảm thấy Chúa, Phật, hình như chỉ được dùng như một mốc, cứ điểm cho mình lẩn trốn, hoặc đổ thừa để xoa dịu sự đau khổ mình phải đương đầu không đường trốn chạy. Nói rằng Trời định, Chúa định, hay phận số thì cũng thế thôi vì ý nghĩ này giúp mình rán sức chấp nhận sự việc không hài lòng xảy tới...
- Tôi có câu hỏi hơi nghịch nhĩ một chút chị có chấp nhận cho tôi nói không?
- Anh cứ việc nói, không có gì lạ đối với em đâu.
- Thế vậy ngày xưa chị học tới đâu?
- Ở Việt Nam em học xong hai năm luật, sang đây em học hai năm nghề điện tử để làm việc giúp gia đình...
- Hèn chi chị có những nhận định xác đáng về tâm lý... Mời chị nói tiếp...
- Tuy nhiên, thực thể nội tâm quá phức tạp. Nếu nói rằng sợ, ích kỷ, a dua theo truyền thống v.v... mà theo đạo thì cũng không đúng. Hình như mỗi người được sinh ra với một nỗi khát vọng sâu thẳm tìm về tâm linh mà nỗi khát vọng này không có gì trong cuộc đời xóa bỏ được. Đồng thời, theo em nghĩ có thể đúng có thể sai, hình như lương tâm, trí tuệ là phần nào hiện thể của khát vọng tâm linh. Em nghĩ rằng, tôn giáo là phương tiện, có thể cũng không phải, hoặc hình thức tỏ bày nỗi khát vọng này. Hoặc nói cách khác, theo đạo để phần nào kiện toàn ao ước thâm sâu tiềm ẩn nơi con người. Có điều, muốn tìm hiểu tại sao mình có nỗi ước ao mờ ảo đó thì cứ cảm thấy như rợ vào rừng, không biết đâu là đầu mối. Đi nhà thờ, nghe giảng giải, hoặc coi trên ti vi, các vị thuyết giáo chỉ nói đến Chúa như một thực thể được chấp nhận đến độ vô ý thức và dùng Chúa như ngọn roi răn đe hoặc khuyến khích người khác thực hiện những gì họ muốn hoặc cho là đúng. Em có đọc một số sách về các tôn giáo khác, chung qui, mọi tôn giáo dẫu có nói đến những điều nên sống thì cũng một cách nào đó dù rõ ràng hay không quảng bá những sự đau khổ mà không ai muốn chịu. Hình như các vị thuyết giáo rao giảng hình phạt nhiều hơn là tuyên truyền về niềm tin hay vị Thượng Đế của họ. Em nghĩ, nỗi khát vọng sâu thẳm tâm linh nơi con người chỉ là một mà lối diễn tả lại khác nhau nên phát sinh lắm thứ đạo, nhiều cách tỏ bày được gọi là tôn giáo hay sự thờ phượng. Hơn nữa, chẳng lẽ một Thượng Đế, một Thiên Chúa quyền năng lại thèm thuồng vài câu kinh, tiếng hát của tạo vật đã được dựng nên do chính quyền lực của Ngài? Đờn ca hát xướng như trong nhà thờ; chiêng trống, khánh mõ như ở chùa chiền làm sao sánh được với rừng thẳm núi cao muông chim đua hót hoặc mưa bão sất sét. Hình ảnh nào có thể đẹp đẽ, hùng vĩ hơn sông núi, trời mây, tinh tú... Đền đài to lớn sao có thể so sánh với dẫu chỉ trái đất cỏn con này giữa hơn mười tỷ giãi ngân hà... Thực ra, nói chuyện với anh cũng chỉ là mục đích mà em muốn thử xem những điều mình suy nghĩ bao lâu nay có thể chấp nhận bởi đầu óc con người được không. Có điều, sở dĩ nói với anh vì thấy kiểu nói phóng sinh, bất cần thiên hạ cho là đúng hoặc sai, và nếu khi phải giải thích thì anh thừa khả năng lý luận để minh chứng điều anh nói... Em nghĩ, chính ngay anh Lữ cũng khó thể cảm thông được với những suy luận này phương chi là những người khác, và như anh thấy, tại sao nói chuyện với anh thì cái miệng không ngừng mà nơi đô hội, em chỉ ngồi đó ậm ừ như ngậm hột thi... Bởi vậy, khi anh nói thử nghe dại anh chỉ tìm hiểu lòng tin, em có ý thử ngay nhưng đồng thời cảm thấy hình như anh đánh giá em quá thấp có lẽ bởi đã hơn hai năm, anh hay ghé lại nói chuyện với anh Lữ, không thấy em nói gì nên cho rằng em không biết gì chăng.
Kính hơi bàng hoàng vì nhận định của chị Lữ về mình. Càng nói chuyện Kính càng ngạc nhiên vì thái độ đối nghịch của chị Lữ lúc nói chuyện với mình và khi ở chốn đô hội. Điều mà Kính không ngờ, chị Lữ có cả một khối óc suy tư và nhận định sắc sảo khó ai nhận biết được nhưng chẳng bao giờ tỏ lộ và nếu Kính không lầm thì đây là lần thứ nhất chị dám nói. Lý do tạo nên nhận xét này vì Kính thấy càng nói chị Lữ càng lưu loát và chính xác, hình như những gì chỉ vừa mới thoát khỏi cửa miệng lại trở thành kinh nghiệm thực tập cấp thời để diễn tả ý tưởng tiếp nối. Ngay buổi chiều bắt đầu tham gia nói chuyện, chị Lữ nói rất ngắn gọn, bất cứ câu nào cũng như mũi dùi đâm thẳng vào điểm muốn tới mà vấn đề bàn luận thì khô như ngói không mấy ai muốn đụng đến. Kính biết rất rõ về cái miệng của mình, những gì nói ra, anh tự cho rằng người nghe đương nhiên đã có trình độ tối thiểu nào đó nên bị gọi là ngang do những người đã chẳng hiểu điều vừa nghe có ý nghĩa gì nên thấy nghịch lỗ tai của họ. Tuy nhiên, đối với chị Lữ, càng nói chuyện, chị càng đi sâu vào những vấn đề khó nuốt khiến Kính ngạc nhiên. Sự thực mà nói, Kính ngạc nhiên vì dẫu đã nhận biết con người thường hay có những vẻ bên ngoài đối nghịch với nội tâm của họ nhưng cái miệng là khó giữ nhất vì nó đứng ở trung gian giữa thái độ và nội tâm. Dĩ nhiên, không nói không phải tại không biết nhưng biết mà không nói lại có lý do nào đó, hoặc là không thích nói những điều vô bổ, hoặc không gặp cơ hội thuận tiện để nói, hoặc không muốn cho ai biết mình nghĩ thế nào. Loại thứ ba này thuộc tính chất của những người thâm trầm nơi giới lãnh đạo có biệt tài vì họ được sinh ra để lãnh đạo. Nghĩ thế, Kính trả lời,
- Cái miệng của chị khiến tôi ngạc nhiên nên có thiên kiến mà hôm nọ tôi đã nói. Sở dĩ tôi đề nghị chị tìm hiểu về lòng tin vì chính tôi đã bị khốn khổ vì nó đã bao lâu nay do lòng khao khát tâm linh như chị vừa cho biết. Cuối cùng, tôi đã phải vật lộn với cuốn Kinh Thánh; đó cũng là lý do tại sao tôi có thể biết được một vài câu ở phần nào của Phúc Âm như chị thấy. Hơn nữa, thực ra, quyền lực của Thượng Đế ở mỗi người chúng ta; tất nhiên, tốt nhất cố gắng mở rộng lòng để chiêm ngưỡng những kỳ công Ngài đang thực hiện nơi loài người mới là điều nên. Nói như vậy đủ chứng tỏ tôi đã nghĩ gì. Chị còn nhớ câu lần trước chị nói: nhận định nhưng không nhận định? Dĩ nhiên, Kinh Thánh không có câu này nhưng nó cũng chẳng khác gì câu: "Không làm gì là làm tất cả."... Tôi chỉ biết nói vậy thôi, chị hiểu thế nào cũng nửa đúng nửa sai...
- Tại sao anh nói nửa đúng nửa sai?
- Đúng với chị vì chị biết chị nghĩ gì, sai với tôi vì tôi không phải là chị.
- Biết đâu em có thể nghĩ đúng điều anh nói.
- E rằng chính tôi cũng không hiểu mình nói gì sao chị có thể nghĩ được tôi nói gì!
- Giỏi, lý luận cũng hay... Em chỉ học kiểu nói của anh thôi nghen...
- Ban nãy chị nói tôn giáo là phương tiện hoặc hình thức tỏ bày nỗi khát vọng tâm linh nơi con người, điều này chẳng đúng, chẳng sai...
- Thì nửa đúng nửa sai...
- Nó vậy đó! Dẫu tôn giáo mang nhiệm vụ hướng dẫn con người tới bờ suối tâm linh như hôm nọ tôi nói, tính chất khác của tôn giáo là đem phần nào thành quả tâm linh giãi bày cho quần chúng. Đó là lý do tại sao có những điều luật tôn giáo. Thực ra, những điều luật này nói lên những gì ngăn cản bước tiến con người trong hành trình tâm linh, nhưng vì đường lối áp dụng để quảng bá tôn giáo chỉ mới tiến đến mức độ như ngày nay, chúng ta không thể và cũng không có quyền dùng bất cứ phương cách nào để bắt ép sự việc xảy ra theo ý mình. Đọc Phúc Âm chị thấy, đã có lần Đức Giêsu than lên, "Ôi! Thế hệ cứng tin và tà vạy! Cho đến bao giờ nữa, Ta sẽ ở với các ngươi, và phải chịu đựng các ngươi?" (Mt. 17:17; Lc. 9:41). Phúc Âm viết về Đức Giêsu quyền năng mà Ngài đã phải than lên như thế thì lấy lý do gì chị phải sốt ruột. Cháu nhỏ nhất của chị năm nay mười hai tuổi rồi phải không? Vậy lúc cháu mới được ba tháng chị có cho cháu ăn miếng bê thui chấm nước mắm gừng không? Hơn nữa, những người lãnh đạo tôn giáo thời đại nào cũng muốn cho tôn giáo mình được phát triển do đó cần có nhiều nhà truyền giáo. Dẫu muốn "Qúi hồ tinh bất quí hồ đa" đến mấy chăng nữa thì cũng chỉ có thể chọn lựa và huấn luyện đến một giới hạn nào đó chứ làm sao các tôn giáo có thể đào tạo được những người đồng loạt tương đương với vị sáng lập. Chị có lẽ nhớ câu "Môn đồ không lẽ hơn thầy, và tôi tớ hơn chủ" (Mt.10:24) trong Phúc Âm sao!
- Vậy tôn giáo sẽ đi đến đâu?
- Tôn giáo đi đến đâu không phải là chuyện của chị cũng như của tôi mà chị đi đến đâu, tôi đi đến đâu mới quan trọng.
- Anh muốn nhắc em nói trở lại vấn đề lòng tin phải không?
- Đó là câu trả lời đi đến đâu.
- Như anh đã nghe, đó là thực trạng đức tin và suy luận về tôn giáo nơi em. Riêng về đức tin, em tự hỏi, nếu thực sự có một Đấng cao cả quyền năng bao trùm vũ trụ này thì dầu tin hay không tin sự hiện hữu của Đấng ấy nào có khác chi đâu! Đấng ấy đã đang hiện hữu thì tin hay không vẫn hiện hữu. Thực tế mà nói, vấn đề của con người là cuộc sống. Chẳng lẽ mọi người nói tin thì Đấng ấy làm cho cả vũ trụ này thái hòa, mây luôn luôn bay tô điểm bầu trời, làm bớt nóng chỗ gắt nắng và giúp ấm cúng nơi lạnh lẽo, mưa thuận gió hòa và con người muốn gì được nấy? Và giả sử ai nói không tin có Đấng ấy thì làm ăn sẽ thua lỗ, đụng chuyện gì thất bại chuyện đó sao? Phỏng có phải cũng bởi tin vậy nên đã có chùa Bà Banh ở Việt Nam! Và thử hỏi nếu Đấng cao cả ấy nghe lời cầu xin của mọi người thì lúc nào chả có người cầu và rồi sao mà nghe. Ai xuống tàu đánh bài cũng cầu được ước thấy thì làm sao còn tàu đánh bài cho mà thắng? Anh thấy kiểu em nói ngang giống anh chưa? Tuy nhiên, đọc trong Phúc Âm thì Đức Giêsu nói đến một lòng tin khác biệt như chẳng có gì liên hệ đến đức tin mà em đã được dạy dỗ hoặc đức tin đang làm em khốn khổ. Đến đây em phải xác định, lòng tin chỉ điều Đức Giêsu nói, và đức tin là của em. Chẳng những thế, lòng tin và đức tin lại đối nghịch nhau như nước với lửa. Em thấy có đức tin kiểu này cũng được, không có cũng được nhưng miệng luôn luôn để ý lặp lại như chiếc máy cassett rằng tin... cái gì cũng tin... cho giống mọi người. Thế nên, bao nhiêu lần cầm đến cuốn Kinh Thánh thì bấy nhiêu lần ngại ngùng vì chỉ thấy những gì mình không thể chấp nhận đang xảy đến như mối đe dọa phải đối diện với thực trạng bối rối nội tâm. Em thử hỏi, làm sao có thể chấp nhận được một Thiên Chúa thiên vị như trong Cựu Ước, bênh một đám dân hoang đàng vì lỡ chọn nó làm con riêng mà đổ biết bao điều khốn khổ khốn nạn lên đầu những dân tộc khác. Ông Thiên Chúa của dân Do Thái này không thể chấp nhận được... em tự nghĩ. Được dạy dỗ Trời phù, Phật bi, và Thiên Chúa yêu thương, nghe giảng giải tình yêu Thiên Chúa, lòng thương xót Trời Phật, và đồng thời cũng bị nhồi nhét vào tai rằng Trời đày, Chúa phạt... Đến khổ! Em cảm thấy mình trở thành bãi chiến trường để cho hai đối thủ, tình yêu thương và hình phạt, chung đúc với nhau kiến tạo thành Trời, Phật, hoặc Thiên Chúa của những nhà giảng thuyết hùng hồn vung tay múa chân truyền bá những điều có lẽ chính họ cũng không hiểu. Em tự hỏi, không biết mấy nhà hùng biện tôn giáo ấy có nghĩ rằng tất cả những người đang nghe họ nói là ngu hết không? Và nếu họ không nghĩ thế, chắc chắn đã có những chuyện lớn lao xảy ra vì ít nhất cũng đã mấy ngàn năm qua với biết bao những vị thuyết giảng tôn giáo... có lẽ mồ hôi vì gắng sức cổ võ đến độ quên cả thân mình của họ đã tạo thành con sông lớn lao nào đó...
- Thế chị đã gặp được Đức Phật, Đức Chúa giảng thuyết bao giờ chưa?
- Em cũng tự hỏi phỏng trên thế giới này mấy tỷ người mà không có thể có được lấy một Đức Phật hoặc Đức Chúa hay sao mà không thấy ai nói; ngược lại chỉ thấy những người dùng Đức Phật, Đức Chúa như những bung xung để truyền bá tôn giáo của họ, và một khi ai đã lỡ lọt vào tròng rồi thì lại khốn khổ vì Phật đâu không thấy, Chúa đâu chẳng rõ, mà đang nhởn nhơ nhưng không bỗng vác vào cái ách ngập đầy những lề luật phải theo, hình phạt phải sợ. Đã có lần em tự đặt vấn đề, Đức Thích Ca có lập đạo không và Đức Giêsu có phải là người Công Giáo không! Câu trả lời rõ ràng không! Đức Thích Ca nói về giác ngộ, Đức Giêsu lên đền thờ Do Thái giảng trong hội đường. Thế ra, không Đức nào lập đạo mà chỉ hướng dẫn về hành trình tâm linh. Các vị thuyết giáo thì rao giảng về Chúa, về Phật mà quên mất mục tiêu giáo chủ mình đã đạt tới...
- Điều này chị nói hay họ nói?
- Anh muốn hỏi điều nào?
- Thuyết giáo và hướng dẫn.
- Em cảm thấy thế chứ họ đâu bảo em thế.
- Tại sao?
- Vì những điều họ nói chính họ cũng chưa đạt tới thì có phải là thuyết giáo không. Người nào đã đạt tới điều mình nói hoặc biết phương thức nào đạt tới đâu cần rao bán về ai mà nói và có thể chứng minh những điều mình nói là sự thực cho mọi người tai nghe mắt thấy.
Phải công nhận Thánh Thần làm việc quá bạo đối với những tâm hồn khát khao. Ít nhất cũng phải vậy... dám nhận xét về lời giảng của những nhà thuyết giáo rồi đem so sánh với Kinh Thánh và đưa ra nhận định đồng thời suy nghĩ để tìm đường hướng phải là một sự thức tỉnh lớn lao ngoài suy luận bình thường của con người. Dẫu người ngu đến mấy mà bị lừa vào vòng mù tối đến độ chịu đựng không nổi nữa thì tiếng kêu than cũng phải thấu tới trời... Không thế, nếu cứ để những thùng rỗng khua vang mãi, dân Chúa làm sao tránh thoát tình trạng điếc tai. Niềm vui nào đó rộn lên trong lòng Kính... Thần Khí của Đức Giêsu không lười nhưng chỉ chưa có những tâm hồn thực sự khát khao dám mở rộng để Ngài làm việc...
- Phỏng đó có thể là lý do tại sao chị muốn tìm hiểu về lòng tin trong Phúc Âm?
- Tất nhiên, nhất là bỗng dưng anh đưa ra đề nghị khác lạ em chưa bao giờ nghĩ tới.
- Thế sau khi tìm hiểu, chị đã có lòng tin chưa?
- Anh ngạo em đó phải không?
- Chị quên là Phúc Âm có lời chép, "Tìm sẽ gặp, hãy gõ, cửa sẽ mở cho, và xin thì sẽ được" ư!
- Ah! Anh nói đúng; em đã gặp, mà gặp cái rối không à!
- Ha! Ha! Biết được mình rối thì không rối vì nếu đã rối sao có thể biết! Và như thế, ít nhất trên đời này có được một kẻ không sợ sai lầm. Đức Giêsu cũng giỏi vì đã có thể khiến cho kẻ đầu đầy lý luận biết mình tăm tối... Ha! Ha! Ha!
- Anh ngạo em đó phải không?
- Tôi nào dám ngạo chị mà mừng thì đúng hơn vì nếu ai cho rằng mình cảm nhận được những điều Phúc Âm nói mà đồng thời không cảm nhận được Đức Giêsu nói những lời ngang ngược đối với lối nhìn thị dục thì chỉ là nói phét. Thế nên, có thực sự thấy mình tăm tối khi tìm hiểu về lòng tin mới phải bám víu vào Đức Giêsu để ăn vạ đòi Thánh Thần soi sáng. Hơn nữa, có điều kỳ lạ, Đức Giêsu thích làm cho những kẻ thực lòng muốn cảm nhận điều Ngài nói rối khùng lên giống như bị kẹt trong đường hầm tăm tối mới thèm xúi Thánh Thần nhá đèn. Có vậy mà không chịu hiểu lại dám nói tôi ngạo...
- Thì em đã có kinh nghiệm đâu mà biết.
- Vậy cái rối của chị như thế nào mà nói đã gặp...
- Sở dĩ mà em tìm hiểu lòng tin vì lần trước anh nói thử nghe dại anh chỉ tìm hiểu lòng tin thôi. Sau hai ngày suy gẫm về dụ ngôn thứ ba không đi đến đâu, em đọc qua một lượt bốn Phúc Âm và để ý đến những câu nói về lòng tin. Càng đọc em càng thấy Phúc Âm nói một lòng tin thật khác lạ xưa nay em chưa từng nghĩ đến mà có được nghe giảng về lòng tin thì chỉ có nghĩa cho rằng Thiên Chúa hiện hữu hoặc coi Phúc Âm như những bài học luân lý, tốt lành hơn nữa là sự khuyến khích lối sống theo tác phong đạo đức. Nhưng có một câu làm em ngơ ngác không biết nghĩ sao đó là câu 8 đoạn 18 của Phúc Âm Luca, "Tuy vậy Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" Thực ra, xưa nay, có lần nào vô tình cầm đến cuốn Kinh Thánh thì em cũng chỉ cầm cho qua vì chữ nhỏ li ti, nói toàn những chuyện như huyền thoại không thể áp dụng... Ngược lại, khi đọc và để ý về lòng tin, em thấy có điều gì khó mà tổng hợp. Bởi vậy, để có nhận xét rõ ràng hơn, em lấy giấy chép lại những câu nào có chữ tin thì được tất cả hơn kém một trăm mấy chục câu. Thế rồi lọc ra những câu cần thiết để mong có thể hiểu được định nghĩa lòng tin là gì, em lại càng cảm thấy bối rối.
- Chị thấy bối rối ra sao?
- Trước tiên, em cảm thấy lo sợ vì đã bao lâu nay, từ nhỏ đến lớn, nào học giáo lý, nào đi nhà thờ, nghe những lời giảng giải, nào tham gia đoàn thể nọ, đoàn thể kia ngoại trừ kỳ này em tạm nghỉ một thời gian, nào rước phách, làm tuần bẩy ngày, chín ngày, thôi thì đủ thứ... Đùng một cái, gần hai ngàn năm nay câu Phúc Âm vẫn nằm chình ình thách đố với lời nghi ngờ, "Tuy vậy Con Người đến sẽ còn gặp được lòng tin trên đất nữa không?" Vậy bao nhiêu Kitô hữu chẳng lẽ có thể bị tiêu diệt trước khi Đức Giêsu trở lại hay sao? Em tự đặt câu hỏi lý do gì Phúc Âm đưa lên câu này? Và lòng tin của mình ra sao? Tuy nhiên, em thấy Đức Giêsu nói về một lòng tin đã lắm, phê lắm, nhưng lại cũng ngang lắm, và đồng thời quyền lực lắm lắm...
- Chị định nói tiếng lạ hay sao mà cứ lắm lắm như người nói lặp vậy?
- Sao anh vội thế, hãy để Thánh Thần làm việc coi... Lắm lắm hay lặp cũng thế thôi nào có chi lạ lùng... Ah! Đúng, lòng tin Đức Giêsu nói lạ lùng mới đúng chứ không phải như mấy nhà thuyết giáo hô hào phải tin thế này, phải tin thế kia. Anh hãy nghe này, chị Lữ lật tờ giấy, đặt ngón tay dõi theo những hàng chữ, nơi Mathêu 8:13, Đức Giêsu nói: "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" khi viên bách quản gặp Ngài về việc người đầy tớ bị bịnh. Ngài không bảo phải tin như thế nào, Ngài không nói Chúa mấy ngôi, Phật mấy tính, hoặc ông ta theo đạo nào, thờ ai, có được lên thiên đàng, niết bàn, hay phải luân hồi làm con bọ chét, hoặt bị đày ải thiêu đốt dưới hỏa ngục hay không mà rất rõ ràng, "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy." Anh thử nghĩ xem, xưa nay có ai dám nói kiểu này đâu, thật là quá sức tưởng tượng của loài người nếu không muốn nói là không tưởng hay nói dóc. "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" phỏng mang ý bảo ông đã có sẵn quyền năng, chẳng cần phải làm gì hết, chỉ muốn là được giống như quyền năng của Thiên Chúa vậy, hãy phán một lời thì mọi sự sẽ xảy ra theo ý muốn. Thấy chưa, không đã, không ngang, không lạ lùng lắm lắm đối với con mắt loài người thì là thế nào?
- Như vậy theo chị viên bách quản đã có sẵn quyền năng như Thiên Chúa?
- Em không nói thế, em muốn nói viên bách quản cũng chỉ là người như mọi người và Đức Giêsu không đưa ra sự phân biệt ông ta theo đạo nào, làm gì, mà chỉ cần tin rằng chuyện gì xảy ra thì sẽ được như thế. Từ đó suy ra, nơi mỗi người, bất kỳ là ai, đã có sẵn một quyền lực nơi mình và quyền lực này biến điều mình thực sự tin thành sự kiện.
- Thế thực sự tin là làm sao?
- "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy," chị Lữ lẩm nhẩm. Lúc mới đọc câu truyện, chữ tin trong câu này có nghĩa điều gì Đức Giêsu muốn thì sẽ xảy ra bởi ông ta đã nêu lên vai trò của ông khi ra mệnh lệnh cho những người thuộc hạ để so sánh với ý nghĩ về quyền lực của Đức Giêsụ Tuy nhiên, câu trả lời của Đức Giêsu chỉ thu gọn, "Ông đã tin sao thì hãy được như vậy" chứ Phúc Âm không ghi ông đã tin vào tôi có thể làm chuyện đó thì được như vậy, hoặc ông đã tin tôi làm được thì tôi làm như vậy. Thế nên, em nghĩ, chữ tin ở đây chỉ ước muốn của viên bách quản cho người đầy tớ được khỏi bệnh. Như vậy, thực sự tin là thực sự ước ao điều mình muốn xảy đến.
- Nói như thế có nghĩa cứ muốn là được? Thế đã bao nhiêu điều chị ước muốn trong cuộc đời phỏng đã đạt được hết?
- Đây mới là lần đầu em suy nghĩ về câu Phúc Âm này và thấy như vậy chứ từ trước tới giờ em đâu để ý về ước muốn. Mà thật ra, em nghĩ, mình chỉ ước muốn những gì không cần thiết không à! Những gì thực sự cần thiết cho cuộc sống thì mình đã có không những đủ mà có lẽ thừa thãi nữa là đàng khác.
- Chị muốn nói theo ý nghĩa nào?
- Anh thấy không, nhịp đập con tim là cần thiết nhất, lá phổi thở... những sự tối quan hệ như thế nào có ai để ý mà chỉ nào là quần áo cho đẹp, nhà cho sang, cho hơn những người chung quanh hoặc khỏi bị chê là dổm, xe nọ pháo kia v.v... Đến khi dư ăn dư mặc có tí tiền trong nhà băng thì ra bộ ta đây, xốn lên nào thế này, nào thế nọ, đánh bài đánh bạc, mất tầu, mất nhà, mất cả vợ con... Những sự nguy hại bởi của cải không cần thiết cho sự sống thì làm sao con người thực sự muốn, mà thật ra, có được cũng chỉ khốn khổ thêm. Sự cần thiết cho sự sống là những gì không có không thể được thì mình đã có tất cả. Em nghĩ, đó là lý do tại sao có câu, "Hãy coi chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào lẫm, mà Cha các ngươi, Đấng ở trên trời nuôi nấng chúng! Các ngươi không hơn chúng sao?" (Mt. 6:26).
- Tôi thấy chị có rối chút nào đâu, ngược lại có vẻ vào phe với Phúc Âm!
- Phúc Âm đâu đơn giản chỉ có thế mà Đức Giêsu còn nói hơn nữa trong trường hợp người phụ nữ bị băng huyết: "Lòng tin của con đã cứu chữa con" (Mt. 9:22). Em chưa từng thấy bất cứ một vị thuyết giáo nào dám nói đến câu này mà chỉ thấy nói Trời giúp, Phật phù hộ, và Chúa cứu. Anh thấy không, chỉ có Đức Giêsu nói điều lạ lùng khiến em đã không tin vào mắt mình. Đọc qua hai Phúc Âm khác cũng thế; nơi Mác cô 5:34 ghi rằng: "Ngài nói với bà: Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con; hãy đi bằng yên và lành hẳn tật nguyền của con." Phúc Âm Luca đoạn 8 câu 48 ghi gọn hơn: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con, hãy đi bằng yên." Tại sao Phúc Âm không ghi rằng, vì con đã tin vào ta thì ta cứu chữa con, hoặc vì con đã tin vào Thiên Chúa nên Chúa cứu chữa con. Như vậy, cứ theo ba câu Phúc Âm này thì chính lòng tin nơi người phụ nữ bị băng huyết chữa lành bệnh của bà ta chứ Đức Giêsu không chữa. Anh nghĩ thế nào, có phải Đức Giêsu nói rằng có quyền lực nào đó được gọi là lòng tin nơi con người chữa lành được các bệnh tật không. Đức Giêsu không đặt điều kiện gì, không đòi hỏi thế này thế kia, không nói rằng vì bà ta đã tập luyện thiền hay zen được những bao lâu, hoặc theo phe phái nào từ xưa tới giờ, chẳng cần công phu công phụ gì ráo trọi mà chỉ nói đến lòng tin cứu chữa. Như vậy, phỏng có phải lòng tin là quyền lực nào đó nơi mọi người mà không ai nhận biết nên chẳng biết xử dụng.
- Tôi nghe chị nói giống như một nhà hộ giáo, nói như vậy không đúng, chị đang diễn giảng Phúc Âm. Có lẽ, chị nên lên toà giảng để giải thích Phúc Âm về lòng tin cho mọi người mới đúng.
- Anh chưa nghe hết đã dám kết luận em diễn giảng Phúc Âm. Không phải vậy đâu mà em đang nhận thấy Phúc Âm nói về một lòng tin đối nghịch với đức tin mà em được dạy dỗ từ bao lâu naỵ Chẳng những thế, lòng tin Đức Giêsu nói đến không những khác hẳn mà hoàn toàn ngược lại những gì các nhà thuyết giáo hô hào rao giảng nơi hội đường hoặc trên ti vị Chính điều này làm em bối rối.
- Tại sao lại bối rối phi lý như vậy? Họ nói điều họ cho là đúng theo sự suy nghĩ của họ; chị đọc Phúc Âm nhận thấy sao thì tùy ý, nào ai bắt chị phải nghĩ giống họ đâu! Chẳng lẽ khi chị coi ti vi, trong đó có ông nào đang thuyết giảng mà chị nghĩ khác, ông ấy có thể nhảy ra khỏi màn ảnh ti vi bắt chị phải tin theo những điều ông ta nói?
- Em không nói về ai bắt em phải tin giống họ mà em bối rối vì nhận ra Phúc Âm nói về một lòng tin không giống bất cứ ai rao giảng cả! Phỏng em sai hay họ sai?
- Có lẽ họ cho rằng mình ngu như chị đã đặt vấn đề lúc nãy; để tôi nhắc lại lời chị nói, "Không biết mấy nhà hùng biện tôn giáo ấy có nghĩ rằng tất cả những người đang nghe họ nói là ngu hết không?" Thế thì bối rối chi cho mệt...
- Anh nhắc lại thì anh nhớ chứ em cũng chẳng biết mình đã nói gì!
- Ha! Ha! Lời Phúc Âm đã ứng nghiệm, "Song khi nào Ngài đến, vì là Thần khí sự thật, Ngài sẽ đưa các ngươi vào tất cả sự thật; vì không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói ra, và Ngài sẽ loan báo cho các ngươi những điều sẽ đến" (Gioan 16:13), "Vì không phải các ngươi nói, mà là Thần Khí của Cha các ngươi sẽ nói trong các ngươi" (Mt. 10:20). Chính chị nói mà không nhớ mình nói gì thì chỉ còn cách đổ lỗi cho Thần Khí...
- Anh muốn biến em thành kẻ kiêu ngạo không đó?
Chị tưởng tôi trích câu Phúc Âm nhạo chơi? Không phải đâu, thế chị không nhớ có lần tôi đã nói là mình được sinh ra với tất cả những sự cần biết, không ai học từ nơi ai cả. Mọi người chung quanh, sách vở, những sự kiện xảy đến, tất cả chỉ là phương tiện để cho một người tỉnh thức mà nhận ra những gì mình đã có sẵn. Ngược lại, những gì mình đã không có thì đến muôn đời một người cũng chẳng thể biết được. Chị đã có sẵn lòng tin nên vào thời điểm này, Phúc Âm trở thành phương tiện hay cơ hội cho chị nhận thức về lòng tin nơi chị mà thôi. Có lẽ chị chưa bao giờ đọc câu trong sách tiên tri Yêrêmia: "Ta sẽ đặt luật của Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ viết trên tim lòng chúng... Chúng sẽ không còn, mỗi người, phải dạy bảo nhau... Vì hết thảy chúng đều biết Ta, từ kẻ bé đến người lớn... " (Yêr. 31:33-34). Hoặc câu khác nơi sách tiên tri Joel: "Ta sẽ đổ Thần khí của Ta trên mọi xác phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ tuyên sấm. Kẻ già nua sẽ chiêm điềm mộng. Trai tráng các ngươi sẽ thấy thị kiến... " (3:1). Sẽ còn nhiều chuyện lạ lùng xảy đến chứ bối rối chỉ là bước khởi đầu. Có vậy, chị mới cảm thông được với Đức Giêsu do các môn đồ không nhận biết những gì Ngài rao giảng đến nỗi Ngài đã phải than lên "Ôi thế hệ cứng tin... " Có hiểu cóc gì lời Ngài nói đâu mà tin với không... Ngài nói phải bỏ hết những lối nhìn cũ, những tư tưởng Chúa phạt, Chúa đứng về phe người Do Thái, Chúa thưởng kẻ lành, Chúa thế nọ, Chúa thế kia... Bộ tự nhiên mà chị có thể nhận ra được chị trở thành bãi chiến trường cho hai đối thủ yêu thương và án phạt của những nhà thuyết giảng tôn giáo vung tay múa chân rao truyền sao? Mỗi sự vật, sự kiện, có lý riêng của nó. Nếu chị chấp nhận được ông Thượng Đế thiên vị theo lối nhìn của dân Do Thái sao chị có thể chấp nhận được Thiên Chúa mà Đức Giêsu rao giảng, sao chị có thể cuống lên vì lòng tin, sao chị có thể bỏ thời giờ ngồi chép lại những câu Phúc Âm nghe đến chối tai, được in với loại chữ nhỏ vừa bằng cái mắt muỗi. Những sự kiện đó xảy đến với chị ngoài ý muốn nhưng cần biết mọi việc có lý riêng của nó... Phải là con người đầy đủ tính chất như chị, phải trải qua cuộc đời của chị, và phải đến thời điểm này sự suy tư Phúc Âm mới có thể xảy đến khiến cho chị khùng lên. Mà nếu chị đã không khùng lên vì những gì được nghe, được dạy dỗ, chị không thể nào có được năng lực tìm hiểu lòng tin. Suy luận như thế nhưng Kính chỉ trả lời,
- Tôi không muốn chị trở thành gì hết, cứ hãy là chị, thế thôi. Hai mươi thế kỷ qua, lời Phúc Âm vẫn còn là một thách đố... Thiên Chúa Đức Giêsu rao giảng vẫn chưa được nhận biết. Chị có hiểu tại sao chị nhận ra người ta đã chỉ nhìn vào Phúc Âm như những bài học luân lý hay đạo đức? Tại sao chị không chấp nhận như mọi người... Giỏi, chị không chấp nhận Lời Chúa như mọi người nên bịt cái miệng luôn, ai nói, ai hỏi gì cũng ậm ừ... Đến lúc này... bộ chị tưởng chị đang nói đấy ư? Không đâu, đừng nghĩ thế mà lầm... Chúng ta chỉ tưởng tượng mình suy nghĩ, nhưng thực ra, chính Thượng Đế đang suy nghĩ nơi chúng tạ Bởi vậy, những gì chị có thể hiểu biết thì chị đã có sẵn. Nếu ai nhận chân được thực thể này, chẳng còn gì đáng nói...
- Anh nói gì? Anh bảo không phải mình suy nghĩ mà chính Thượng Đế? Rồi gì nữa, Thiên Chúa Đức Giêsu rao giảng như thế nào? Bộ có hai Thiên Chúa sao? Và anh còn nói gì, mình được sinh ra với tất cả những sự cần biết?
Kính ngồi yên nhìn vẻ mặt thách đố của chị Lữ. Anh chờ chị nói tiếp, nhưng không, chị đang đợi câu trả lời.
- Tôi có ý chờ xem chị có đưa nhận xét cho rằng tôi nói đúng hay nói sai về mấy điểm chị hỏi... Thế ra tôi lại bị lầm thêm một lần nữa đó là tôi đã tưởng chị lên tiếng ráp nối cho rằng tôi đưa ra ý nghĩ mình nói là Chúa nói... Cũng giỏi, chị có bộ Óc suy luận nối kết tuyệt vời và cái miệng biết im đúng lúc. Thế chị có biết quyền lực nào khiến con tim chị đập ngoài ý muốn của mình, lá phổi thở tự nó, và hàng tỷ tế bào li ti tạo thành cơ thể mỗi người đang sinh động, lớn lên, sinh sản, và chết đi mặc dầu không bao giờ được nghĩ tới?
- Theo các bác sĩ, con tim đập do sự luân lưu của máu huyết nơi cơ thể.
- Vậy đã ai chế ra được con tim, hệ thống mạch máu nhân tạo chạy trong một cơ thể như người rồi cho nó luân lưu để tự tạo thành nhịp đập con tim chưa?
- Phi lý, vì năng lực hoàn lại bị mất đi, sao có thể tiếp tục đập tự nó được.
- Thế sao chị nói theo lời nhận định của các bác sĩ?
- Ừ nhỉ, phải có động lực đặc biệt bổ xung...
- Chị thấy không, khi ngủ, mình quên luôn cả thân xác của mình mà con tim cứ đập, phổi cứ thở, dẫu chẳng bao giờ để ý mà cứ bẩy năm cả tỉ tế bào tạo thành thân xác mình đổi mới. Quyền lực khiến con tim đập, phổi thở, và những tế bào sinh hoạt tự chúng nơi thân xác mình tôi gọi là Thượng Đế, hoặc là quyền lực hiện hữu. Thế nên, đối với tôi, Thượng Đế chính là Quyền Lực Hiện Hữu, nói cách khác, là cội nguồn của mọi sự hiện hữu, hữu hình cũng như vô hình. Tư tưởng là một sự hiện hữu nên Thượng Đế ở đó mà sự suy nghĩ của con người cũng là sự hiện hữu dù sự suy nghĩ đó thế nào chăng nữa, đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu... Thượng Đế ở tất cả.
- Như vậy làm sao giải thích những tư tưởng tội lỗi?
- Chị quên thực thể của sự vật và sự việc. Tất cả đều có hai mặt; những đối cực đều cùng một bản tánh nhưng khác độ mà thôi vì những cái cực đoan lại gặp nhau. Tất cả mọi chân lý đều là những chân lý một mặt nghĩa là không bao gồm tất cả. Cũng một sự kiện, đối với người này tốt, đối với người kia xấu thì tư tưởng tự nó vẫn đứng trung lập, được gọi là tốt lành hay tội lỗi không phải tự nó. Chị có nhớ chị đã nói về xăng chạy máy những chiếc xe gia đình cổ xưa không?
- Anh muốn nói tư tưởng tội lỗi chỉ do người tội lỗi tạo ra?
- Chị đừng nối kết tư tưởng và con người dẫu tư tưởng từ con người phát sinh. Hãy xét tư tưởng tự nó vì nó cũng là một sự hiện hữu mà Thượng Đế là cội nguồn mọi sự hiện hữu thì Thượng Đế cũng ở đó. Tuy nhiên, ý niệm tội lỗi hay tốt lành tùy thuộc bảng giá trị của con người trong điều kiện và thời điểm cũng như nơi chốn ý niệm đó được phát sinh. Thí dụ, chị có ý làm thịt con gà chị nuôi để nấu bữa ăn thì ý nghĩ này là sự tốt lành theo nhận định của chị và của mọi người. Đàng khác, nếu chị có ý nghĩ làm thịt con gà của người khác ngoài sự đồng ý của họ thì chị thấy không ổn phải không? Cũng phải thêm rằng có thể chị chưa bao giờ nghĩ tới làm thịt con gà của hàng xóm. Chị thấy không, cũng chỉ là ý nghĩ hay ý định làm thịt một con gà như nhau nhưng vì điều kiện khác nhau, ý nghĩ đó trở thành nên hay không nên, nói cách khác, tội lỗi và tốt lành. Thế nên, tư tưởng không tốt lành, không xấu xa, nó đã có tức là nó hiện hữu dầu không nhìn thấy. Vì nó hiện hữu, Thượng Đế tất nhiên ở đó bởi Ngài là cội nguồn mọi sự hiện hữu.
- Thế theo anh, Thượng Đế là cội nguồn mọi sự hiện hữu hay là tất cả những sự hiện hữu góp chung lại?
- Tôi dùng danh từ Quyền Lực Hiện Hữu chỉ về Thượng Đế, Thiên Chúa để tránh ý niệm phân biệt chúng ta thường hay vấp phải nảy sinh cái tôi tách rời riêng biệt. Sự sống nơi chị và thân xác chị là hai thực thể hay là một? Chị lập gia đình với anh Lữ thì chị cưới thân xác anh ấy hay sự hiện hữu, cái hồn của anh ấy? Và giả sử có người nào yêu thương ai đó đến mức độ không thể có nhau không được, nhưng khi gần cưới, một trong hai người chẳng may chết, người còn sống phỏng chấp nhận cưới một xác chết? Thế quyền lực nào khiến cái xác sinh động. Quyền lực hiện hữu bao trùm tất cả muôn loài hữu hình cũng như vô hình, từ một nguyên tử nhỏ không thể nhìn thấy được đến vũ trụ hơn mười tỷ giãi ngân hà. Quyền lực này khiến một nguyên tử nhỏ như thế có cơ cấu chẳng khác gì cơ cấu của một hệ thống mặt trời, và lớn lao hơn, giãi ngân hà, hay cơ cấu vũ trụ. Chị có thể tưởng tượng nổi sự khôn ngoan nào đã dẫn đường chỉ lối cho những con cá hồi tìm về nơi chôn rau cắt rốn để sinh sản dẫu suốt cuộc đời nó lớn lên ở ngoài biển như chị đã thấy chiếu trên truyền hình băng tần Discoverỷ Cũng được chiếu nơi chương trình này, những con lươn biển gồm các loại khác nhau tùy thuộc nơi chốn chúng cư ngụ, nhưng đến thời kỳ sanh nở, qui tụ về quần đảo Bermuda sinh con và chết, và khi những con lươn con được sinh ra tại đây không biết gì về sinh quán của bố mẹ chúng mà vẫn trở về sinh sống và lớn lên. Quyền lực nào hướng dẫn những con lươn Mỹ không về Pháp và lươn Nhật không sống tại Việt Nam. Trong cuộc sống hữu hình này, loài nào giống nấy được xếp đặt theo một thứ tự không thể nào trí óc loài người hiểu nổi. Chị đã bao giờ gặp ai cặp mắt ở đàng sau, hoặc cái miệng bên trên cái mắt? Định luật thứ tự nào sắp xếp để cho trứng và tinh trùng nhỏ li ti nơi dạ con người đàn bà phát triển trở thành một con người với những bộ phận khác biệt mà vị trí cũng như công việc của chúng nơi nào vào chốn đó. Bộ Óc con người phỏng tự nhiên mà phát sinh những tư tưởng kiến tạo nhiều ngành nhiều loại... Câu hỏi được đặt ra là quyền lực nào ở nơi mọi sự mọi vật, quyền lực nào khiến các âm điện tử quay quanh dương điện tử? Tại sao có hấp lực, vậy quyền lực nào tạo nên và điều chỉnh hấp lực, thái dương, vũ trụ, sắp xếp nhiệm vụ của từng nhịp tim đập được chia thành những thời kỳ nghỉ ngơi, bơm máu, hút máu vào các ngăn? Như vậy, mọi thực thể này được hướng dẫn bởi quyền lực bao trùm tất cả mà tôi gọi là Quyền Lực Hiện Hữu hay là Trời, Thiên Chúa, Thượng Đế.
- Như vậy có nghĩa Thượng Đế luôn luôn thay đổi?
- Thế những tôm cá đang sinh sản, lớn lên và bị ăn thịt hay chết đi nơi biển cả, nghĩa là chúng đang thay đổi thì biển cả có biến thành cái ao nếu không có sự biến chuyển của mặt đất không?
- Tất nhiên là không?
- Và có thể dùng hình ảnh biển trong giới hạn thời gian không bị chuyển biến của mặt đất ảnh hưởng để nói rằng tôm cá trong biển thay đổi thì biển cũng thay đổi không?
- Nửa nọ nửa kia...
- Thượng Đế cũng thế thôi nhưng đừng so sánh, ráp nối, trong tư tưởng giới hạn vì Thượng Đế mà chúng ta có thể tưởng tượng hay hiểu được chỉ là sản phẩm của tưởng tượng mà thôi. Dùng hình ảnh để dẫn chứng về tính chất vô hình vô tướng không dễ chi vì dẫu sao vẫn bị giới hạn nhận định ngăn cách thực thể. Chính ngay cảm nghiệm của một người mà đã không có thể nào diễn giải cho kẻ khác cảm được một cách chính xác thì nói chi tới những hình ảnh nói về Thượng Đế. Kính cảm thấy e ngại, thầm kêu nài Đức Giêsu sai gấp Thần Khí... nếu không thì nguy...
- Như vậy, con người hoàn toàn ở trong Thượng Đế như cá ở trong biển?
- Hơn thế nữa, có thể một phần nào được biểu hiệu như ngọn sóng nhỏ bé với biển cả hay đường tan trong nước... Con người được ví như ngọn sóng bản chất là nước nơi biển cả. Ngọn sóng bùng lên vì sự biến chuyển của nước, và như vậy...