Lúc mười giờ ngày hôm sau, lão Vương chạy xe đến rước Phi tại y viện, Phi đem tất cả hành lý giao cho lão Vương, chàng nghĩ lại càng tức cười cho mình. Trông cho mau mãn hạn huấn luyện để trở về tiếp tục làm việc trong y viện, giờ lại bị đưa đi một nơi khác, ngoài ý nghĩ của mình.
Lúc chàng còn đi học, có lần cũng làm giáo sư dạy kèm cho một gia đình để kiếm thêm học phí. Nhưng đối với lần này thì khác. Lúc đó mỗi tuần chỉ dạy ba buổi, mỗi lần chỉ dạy hai tiếng đồng hồ, khi xong là rút lui. Không như lần này đến hẳn nhà người mà làm khách. Chàng chưa biết sự sinh hoạt có mới lạ gì không. Hay nó chẳng có một thích thú nào. Thôi thì sinh hoạt thế nào, cũng phải đến tận nơi nếm thử mới biết.
Trên đường đi, lão Vương bỗng nhiên hỏi:
- Cậu Lê, tại sao cậu lại ở tại y viện vậy?
Phi ngần ngại giây lát, chàng không ngờ lão Vương lại hỏi một câu đột ngột không biết ý nghĩa ra sao mà trả lời, chàng hỏi lại:
- Tại sao lại không ở y viện được?
- Không dối gì cậu, mỗi lần tôi đến y viện, là tôi sợ run mình. Sợ bất ngờ từ trong đó xông ra một tên điên, họ đánh mình không biết đường đâu mà tránh.
Phi cười cười biết đây là lời nói thật của lão. Nếu chàng không nói rõ thì ông ta sẽ hiểu lầm mãi. Chàng hỏi:
- Hiện giờ chú còn nghĩ như thế không?
Lão Vương lắc đầu nói:
- Hiện giờ thì tôi hơi nhẹ lo, biết rằng người điên họ chỉ ở trong phòng bịnh, nhưng cũng lo sợ phập phồng, e cho họ sẽ phá cửa mà ra.
Phi giải thích:
- Không phải mỗi người mắc chứng bịnh thần kinh đều là nguy hiểm hết. Họ có đánh người chăng nữa, chẳng qua là hành vi tự vệ. Họ không thích kẻ khác cho họ là người điên.
- Người điên là điên chớ gì. Sao lại không nguy hiểm? Có điều rất đáng thương là mọi người rất thích trông thấy họ, có lúc một số đông người bu quanh họ dùng đá và đất mà chọi họ.
Phi vẫn lắc đầu cho rằng không phải như lão nghĩ, chàng cũng đồng tình với lão đôi chút, vì lão không biết rõ. Chàng giải thích:
- Người mắc bịnh thần kinh họ không thích ai cho họ là người mắc bịnh, thật ra cũng là bịnh như những chứng bịnh khác. Có những chứng bịnh thật đáng thương, chúng ta cũng nên cảm thông cho họ.
Lão Vương gật đầu nói:
- Tôi đã hiểu. Chẳng qua mình chỉ sợ vu vơ đó thôi, có lúc cũng giựt mình, từ nay khi nghe nói đến người điên hay mang bịnh thần kinh thì phải sợ rồi.
Ph ithấy không thể giải thích cho lão Vương hiểu biết theo ý mình, chàng bèn thí dụ một cách khác:
- Theo ý chú, một người bị rắn cắn một lần, từ đó khi thấy sợi dây cũng cho là rắn. Vấn đề đó từ từ tập nó sẽ quen, đừng sợ hãi vô lý.
- Cậu Lê, cậu nói rất phải, nhưng không thể nào tôi tập cho quen được. Nếu tôi là cậu thì chẳng bao giờ tôi ở tại y viện đâu. Sao cậu không ở nhà viện trưởng? Nhà ông ta vừa rộng vừa sạch sẽ.
Phi thấy lão Vương chưa biết mình đang theo ngành y khoa, chàng cười cười nói:
- Chú Vương, chú không biết tôi đang mắc bịnh thần kinh hay sao?
Nghe chàng nói, lão Vương kinh sợ thất thần, dường như lão muốn đụng xe vào một căn phố. Lão mới trấn tĩnh lại, vừa thở vừa nói:
- Cậu Lê, đừng nói giỡn với tôi cậu, tôi sợ thật mà.
Phi thấy dáng điệu của lão, chàng cảm thấy ăn năn lời nói của mình, thiếu chút nữa lão đã gây nên họa, chàng tiếp:
- Ở tại y viện tuy khó chịu, nhưng gần biển nên được hưởng không khí rất tốt...
Lão Vương dường như đã hiểu biết đôi phần:
- À, phải rồi. Bởi cậu là một nhà văn, nên ở tại đây có nhiều tài liệu để viết văn chứ gì.
Phi cảm thấy hứng thú hỏi:
- Chú nghe ai nói tôi là nhà văn?
- Cô Tố Tố, sáng hôm nay cô ấy đã nói cho tôi biết. Lúc sáu giờ sáng là cô thức dậy sớm bảo tôi đi rước cậu. Hơn mấy tháng nay chưa một ngày nào tôi thấy cô ấy vui vẻ như hôm nay.
- Cô Tố Tố còn nói gì với chú nữa không?
- Cô nói, cậu đến để dạy Anh văn cho cô.
- Chắc cô ấy thích Anh văn?
- Cô ấy thích đi ngoại quốc. Bà chủ nói: Cậu Lục Cơ Thực đã đi Mỹ rồi. À, cậu Lê, chắc cậu đã biết, không thể cho cô ấy biết là cậu Cơ Thực đã chết.
- Hùng xưởng trưởng đã nói cho tôi biết điều đó.
Phi nghĩ thầm, vấn đề đó không biết sau nầy nó sẽ biến chuyển ra sao? Có một ngày nào đó nó sẽ lột trần sự thật, chưa biết Tố Tố sẽ ra sao? Nhưng tư tưởng của chàng không giống với những người khác, chàng có ý nghĩ nên cho Tố Tố biết rõ sự thật để nàng không còn tưởng đến những chuyện siêu thực ấy nữa. Có thể nàng bị kích thích rất nặng, nhưng tâm bịnh của nàng nhờ đó mới có thể trừ tuyệt được căn.
Tuy nghĩ vậy, nhưng tạm thời chàng vẫn giữ bí mật, chờ có cơ hội tốt, chàng nhất định sẽ tiến hành giải pháp đó. Chàng không cam chịu thúc thủ để làm một giáo sư gia đình, mà phải quyết tâm trị bịnh thần kinh của nàng cho dứt tuyệt.
Xe vừa đến gần nhà họ Hùng, chưa rẽ vào nhà hai người đã nhìn thấy Tố Tố đang đứng trông. Chàng thấy nàng ăn mặc tuy bình thường, nhưng phong thái của nàng rất quý phái, trông nàng như một bức họa tuyệt mỹ.
Lão Vương ngừng xe lại, Hùng Tố Tố nhìn Phi dùng Anh văn nói:
- A, ông thầy, được mạnh giỏi.
Phi đưa tay bắt tay Tố Tố:
- Cám ơn cô đến tiếp rước tôi.
Lão Vương mở cửa cho Phi xuống, nàng nói:
- Chúng ta xuống đi một vòng chơi được không?
- Được chớ.
Phi vừa lên tiếng vừa bước xuống xe. Lão Vương lui xe lại chạy vào nhà xe. Phi vừa đi bên nàng vừa hỏi:
- Sao cô biết bữa nay tôi đến mà đón rước?
Tố Tố nhìn chàng tỏ vẻ hờn dỗi:
- Ba tôi cho biết. Tôi đón anh trọn buổi sớm mai vậy đó.
- Xin lỗi, tôi không biết cô đón tôi.
- Lão Vương hư quá đi, tôi tính tự mình lái xe đi rước anh, lão không chịu, nói xe đã hư rồi, phải đi sửa lại.
Phi hơi lấy làm lạ, chàng nghĩ: có lẽ Hùng xưởng trưởng đã giới thiệu mình cho nàng biết rồi. Bằng không, sao nàng biết mình ở tại đó mà đi rước? Tuy nhiên chàng giả vờ hỏi:
- Cô biết tôi ở đâu mà rước?
- Tôi hổng biết, mà lão Vương cũng không cho tôi biết.
Phi cảm thấy an lòng, chàng tính đến đây gạt nàng, bây giờ thì khỏi cần nữa. Nhưng chàng không dám nói thật với nàng.
- Tôi ở đậu với một người bạn, cô có đi đến thì cũng hơi khó, do đó mà lão Vương chẳng muốn cho cô đi đến đó chớ.
- Anh ở chung với anh Hoàng Thiên Phú phải không?
Phi cố ý cười cười hỏi:
- Cô nghĩ như vậy?
Nàng ngừng lại giây lát nói:
- Theo tôi nghĩ, nếu anh cùng ở chung với anh Phú, thì tôi không tiện rước.
Phi nghi rằng, nàng cho Hoàng Thiên Phú là y sĩ, nên nàng không muốn gặp:
- Tại sao vậy cô?
Tố Tố nói thẳng:
- Tôi không thích anh ấy.
- Lý do nào mà cô không thích, xin cho tôi biết với?
Tố Tố lắc đầu, nàng ngừng lại giây lát nói:
- Tôi cũng không biết tại sao? Có lẽ tại trực giác của mình không thuận mắt vậy thôi.
Phi cười lớn nói:
- Lý do đó cũng khá hay chớ?
- Anh cho là sai lầm chớ gì?
- Không đúng như cô tưởng. Thực ra tánh ý anh ta rất ngang tàng, rất nhiệt tâm, rất vui tánh có mặt anh không bao giờ buồn chán.
- Tôi tin lời nói của anh. Nhưng tâm tánh tôi lắm khi trái ngược lại, khi có ấn tượng về một người nào đó, tôi vẫn căn cứ theo trực giác.
- Lần đầu tiên cô gặp anh Phú, cô có ấn tượng thế nào?
- Ấn tượng thứ nhất của tôi chắc anh tức cười lắm.
- Vì lẽ gì mà đáng tức cười chớ? Tôi cũng có nhiều lúc có ấn tượng như cô vậy.
- Anh nói thật đó chớ?
- Tôi gạt cô để làm gì? Nếu mình muốn hiểu người đó thế nào, phải tiếp xúc và xem xét họ cho kỹ lưỡng, mới phán đoán họ được. Tôi với anh Phú sống gần nhau nhiều năm, tôi hiểu rõ anh ấy hơn ai hết.
Tố Tố suy nghĩ giây lát nói:
- Căn cứ theo lời anh, tôi có đôi chút cảm tình với anh Phú. Ngày hôm đó nếu chỉ một mình anh ấy, tôi sẽ không đồng ý ảnh đưa tôi về nhà.
- Thế là tôi phải cám ơn cô đã vui lòng để tôi đưa cô về nhà.
- Tôi cám ơn anh mới phải chớ, tại sao anh lại cám ơn tôi? Tôi rất vui vẻ hôm ấy được gặp lại anh. Thứ nhất là anh gây cho tôi yên tâm đi về nhà, thứ nhì là, khi biết được anh, sau này sẽ nhờ anh dạy thêm Anh văn cho tôi.
- Khuyên cô khoan cám ơn tôi. Hôm qua tôi đã nói với Hùng xưởng trưởng, cô là một sinh viên tài cao về phân khoa văn học, có thể về sinh ngữ tôi còn phải học với cô là khác.
Nàng nguýt chàng và nũng nịu:
- Cái gì mà cao tài thấp tài, khó nghe chết đi được.
Hai người vừa đi vừa nói chuyện, họ đến nhà rất mau. Tố Tố về đến nhà trước, dắt chàng vào nhà khách, một người đàn bà khoảng năm, sáu mươi tuổi đứng đón họ trước cửa.
Phi nhìn thấy thì đoán người đàn bà ấy là má của Tố Tố, tuổi của bà đã già, nhưng nét đẹp của thời son trẻ vẫn còn phảng phất trong tư thái của bà. Tố Tố bước đến trước, ôm bà và giới thiệu cho Phi biết.
Phi khép nép cúi thân hình xuống thưa bác. Bà Hùng lộ vẻ vui cười nói:
- Chào mừng cậu Lê.
Tố Tố chau mày nói:
- Má, anh này tên Lê Dịch Phi, má nên gọi ảnh bằng tên nghe nó có vẻ thân thiện hơn.
Bà Hùng tỏ vẻ hiền dịu ôm con gái vào lòng nói:
- Này, cậu Phi xem, có phải Tố Tố nó kêu hỗn không? Ai đời dám gọi thầy bằng tên tộc.
- Thưa bác, chúng cháu là bạn học với nhau, cháu chỉ lớn hơn Tố Tố chừng một tuổi thôi, làm thế nào làm thầy cô Tố Tố được? Chỉ tuân theo lời bác trai muốn cháu đến giúp đỡ cho Tố Tố, có thể trong vài ba hôm trong gia đình không vừa ý cháu cũng chưa biết chừng.
Bà Hùng mời Phi ngồi xuống và nói:
- Cậu đừng quá ngại ngùng, chúng ta đều là người trong gia đình với nhau, ông nhà tôi xét và chọn rất kỹ, mới mời cậu đến giúp đỡ, gia đình tôi cám ơn cậu vô cùng.
Phi vẫn biết lời của bà Hùng là lời xã giao bên ngoài, nhưng chàng gật đầu nói:
- Bác yên lòng, cháu sẽ nguyện tận lực với sức mình.
Lão Vương mang hành lý của chàng vào, Phi đứng dậy để nhận những vật dụng của chàng, Tố Tố bước đến trước cản trở:
- Anh để tôi đi sắp đặt chỗ ở cho.
Nàng nói xong, bèn hướng dẫn lão Vương đi vào phía sau. Bà Hùng nhìn theo bóng con gái, trên môi bà nở nụ cười thỏa mãn. Bà khẽ nói:
- Nhờ hôm nay cậu đến, nên con Tố Tố nó vui vẻ đáo để.
- Tố Tố sống rất lạnh lùng, bác cũng nên tìm người bầu bạn với cô.
- Trước đây có con chị em bạn dì với nó đến bầu bạn ít hôm, nhưng tối ngày chị em nó không nói chuyện với nhau một tiếng nào, Tố Tố không mấy thích cô em bạn dì, nên con nhỏ lặng lẽ ra về. Ngày hôm kia tôi có viết thư mời đến, cũng không được tin trả lời. Theo tôi thấy Tố Tố nó rất mến cậu, cậu mới đến mà tinh thần của nó vui hơn trước nhiều.
- Cô Tố Tố không thích y sinh, tôi chỉ sợ e...
Bà Hùng đoán biết Phi sắp nói gì, bà nói trước:
- Tạm thời đừng cho nó biết, sau này thân thiện nhau, chừng đó nó có biết cũng không sao.
Phi gật đầu tỏ vẻ đồng ý. Bà Hùng thở dài và lắc đầu nói tiếp:
- Tôi chỉ có mình nó là gái, năm qua dự tính sau khi nó tốt nghiệp sẽ cho nó xuất ngoại du học. Cũng không yên lòng cho một mình nó sống ở nước ngoài, vì từ nhỏ đến lớn nó chưa hề rời khỏi gia đình. Sau đó nó gặp Cơ Thực. Tôi không hề biết chúng nó bàn chuyện yêu đương những gì, nó cũng chưa từng dắt bạn trai nó về nhà cho cha mẹ biết, cũng không nói với tôi là chúng đã yêu nhau. Sau nầy tôi biết được thì không đồng ý, có nhiều lần rầy la nó, thành ra tình mẹ con bớt đi trìu mến. Ông nhà tôi thì khuyên đừng ràng buộc việc hôn nhân của con cái, bởi nó đã thành niên rồi, thì để tự nó chọn lấy bạn trăm năm. Kế đến, thằng Cơ Thực, xẩy ra chuyện không may đó.
Nghe đến đây Phi hỏi:
- Anh Lục Cơ Thục chưa đến nhà bác lần nào?
Bà Hùng lắc đầu nói:
- Theo lời Tố Tố thì Cơ Thực rất bận nên không thể đến được, thường lái phi cơ bay đi các nước ngoài. Chỉ có một lần Cơ Thực mời vợ chồng tôi đến Đài Bắc đãi một bữa cơm, đối với Cơ Thực tôi cũng hài lòng, bởi Cơ Thực rất chững chạc và hiên ngang, xứng đáng một người thanh niên kiểu mẫu, Cơ Thực với Tố Tố rất khắng khít, tôi cũng được chút yên tâm nhưng lần gặp gỡ đó không quá một tháng sau...
Bà Hùng nói đến đây, đôi mắt của bà đỏ hoe lên. Trong lúc đó, lão Vương mang bao hành lý thứ hai của Phi vào. Tố Tố nhẩy nhót đến trước mặt Phi nói:
- Hoan nghinh cái phòng của anh, vào mà xem.
Phi vừa đứng lên, muốn nói những gì với bà Hùng, nhưng bà hướng sang Tố Tố nói:
- Con dắt anh Phi vào xem phòng đi, má xuống nhà bếp coi đầu bếp họ cho ăn gì đây.
- Thưa bác, xin bác chớ xem cháu như khách.
- Được rồi, cậu cũng đừng câu nệ lắm, xem nhà nầy như nhà cậu vậy. Bởi chúng ta không phải là người ngoài. Tố Tố với Bân Bân tụi nó cùng học chung lớp trung học, sau này mới chia tay nhau.
Tố Tố dắt Phi đến một gian phòng chót bên mặt. Nàng nói:
- Anh đừng lưu tâm đến má tôi cho lắm, ba mong cho khách đến nhà để bàn chuyện suốt ngày, việc của bà nói tối ngày cũng chưa hết nữa.
- Tôi rất vừa ý bác gái, căn cứ theo lời cô nói, có ấn tượng tốt hay không là gặp nhau trong lần thứ nhất. Bà thật là một bà mẹ tốt.
Tố Tố cười lớn lên, nàng rất thích nghe Phi khen mẹ. Hai người cùng đi đến cuối dẫy hành lang, nàng đưa tay đẩy cửa phòng, quay lại nói với Phi:
- Gian phòng này của anh đó.
Phi bước vào phòng, chàng có cảm giác rất thích hoàn cảnh này. Trong gian phòng có bẩy, tám vị trí, trừ chiếc giường một người nằm, còn có một bàn viết, một tủ sách lớn kê sát bên tường, phía sau là cánh cửa sổ lớn bằng kiếng, nhìn ra phía xa xa, khỏi vườn hoa là đến chân rặng núi xanh. Phía dưới cửa sổ có bộ ghế sofa và ghế mây.
Phi ngỏ lời khen ngợi:
- Cảnh này đẹp quá, chắc thư phòng của bác trai hả cô?
- Hổng phải đâu, phòng của anh cả tôi, khi ảnh xuất ngoại, lắm lúc ba tôi đến đây ngồi một mình nghĩ ngợi, ông không đọc sách cũng không viết lách gì cả.
Phi tỏ ra hiếu kỳ hỏi:
- Vậy bác làm gì ở đây?
- Ba tôi cũng như tôi vậy, lại đây ngồi trên ghế xoay tới xoay lui chơi, ông nói nơi đây an nghỉ rất lý tưởng, nhưng tôi thì nghĩ khác, có lẽ ông đến đây để tránh nghe má tôi tụng kinh.
Phi cười cười nói:
- Cô quá võ đoán rồi đa, làm một vị xưởng trưởng đâu phải dễ, hằng ngày biết bao sự tình, tiếp xúc biết bao người để giải quyết chuyện khó khăn.
- Phải rồi, anh làm nam giới nên luôn luôn binh thuyết của phái nam.
- Chỉ nói chuyện công bình mà nghe vậy. Nhưng tôi tới đây chiếm căn phòng của bác trai, rồi phải làm sao đây?
- Tôi chẳng đã nói với anh, lắm khi ngẫu nhiên ba tôi đến đây ngồi chơi vậy thôi. Bình thường thì công việc của ông rất nhiều, lắm lúc đến nửa đêm mới về nhà.
Phi nhìn vào chiếc giường ngủ sửa soạn tươm tất, chàng tỏ ra không được yên lòng:
- Cám ơn cô lo lắng chỗ nghỉ ngơi của tôi rất chu đáo.
- Chỉ là lần đầu thôi, từ nay anh tự lo liệu lấy.
- Sợ một mình tôi không bao giờ lo được chu toàn như vầy chớ.
Tố Tố đứng dậy đến bàn viết:
- Tôi cũng chỉ làm siêng được một lần này, lọ hoa trên bàn viết cũng do tôi cắm vào đấy.
Trong lọ hoa có một bó hoa Mai Quế, gồm đủ màu sắc, Phi nhìn vào vườn hoa thấy hoa Mai Quế đang rộ nở màu sắc rực rỡ:
- Cám ơn cô, tôi nhìn vườn hoa đủ màu sắc tươi đẹp này cùng đủ rửa mắt rồi, từ nay cô khỏi bẻ nó mà cắm vào lọ.
Tố Tố cười cười nói:
- Thưa thầy, được rồi. Thầy hãy nghỉ đi. Có lẽ thầy còn lo sửa soạn thêm cho gian phòng được vừa ý. Nếu cần cứ gọi lão Vương đến để sai bảo lão làm giúp cho.
Phi liếc nàng và nói:
- Thôi, như vầy cũng quá tươm tất rồi. Cô sắp xếp rất vừa ý tôi.
Tố Tố bỗng nhiên mặt đỏ bừng, nàng muốn nói gì, nhưng không nói ra lời, nàng chỉ cười cười và đi thẳng ra cửa phòng, thuận tay khép cửa lại.
Phi bước lại cửa sổ nhìn màu sắc của vườn hoa, nhưng trong đầu chàng chỉ nghĩ đến tiếng nói giọng cười của Tố Tố. Nếu chàng không biết nàng có bịnh, chàng không bao giờ đoán được tinh thần nàng mất bình thường. Nàng đối xử với chàng rất đẹp, có lẽ từ nay căn bịnh của nàng sẽ dễ trị hơn.
Chàng cảm thấy vừa ý với hoàn cảnh mới này, cũng như ưa thích nơi trú ngụ này. Nhất là nơi đây tự học rất thích hợp, chàng có thể lợi dụng hoàn cảnh này để tự mình học thêm. Từ ngày nghe Khưu viện trưởng ngỏ lời, sẽ cho chàng học phí để xuất ngoại, trong lòng chàng luôn luôn nghĩ đến chuyện ngoại quốc xa xăm. Nếu chẳng phải vì hoàn cảnh thì mộng xuất ngoại của chàng đã thành tựu rồi. Nhưng chàng rất dè dặt, khi mình chưa thành công thì không bao giờ cho người ngoài biết. Sau khi chàng đến nhà họ Hùng, chàng rất cám ơn Khưu viện trưởng, trừ vấn đề trị bịnh cho Hùng Tố Tố ra, chàng cảm thấy là nơi thuận tiện cho việc học thêm.