Lá trung quân
Nguyễn Ngọc Tuyết
Hơn ba mươi năm chị mới có dịp trở lại căn cứ cũ. Nãy giờ đi cùng các bạn văn nghệ để thâm nhập thực tế sáng tác mà lòng chị cứ bồi hồi. Chị cố căng mắt để tìm lại những hình ảnh cũ, những dấu tích xưa của chiến khu, của Cục “R”, cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong chống Mỹ, cũng là nơi chị sống qua một thời tuổi trẻ khốc liệt mà đẹp đẽ của mình. Nhưng, dường như tất cả đều thay đổi. Từ con đường bon bon chạy vào rừng, từ những trảng rừng trống trải xe lướt ngang qua... đến mọi cảnh sắc chung quanh, chị vẫn chưa nhận ra vóc dáng, tiếng nói của rừng.
Có ai đó trong xe chợt la lên:
- Đường mòn! Đường mòn đi vào rừng kìa!
Vừa lúc chị cũng phát hiện ra những con đường nhỏ ấy hai bên con lộ xe. Đây rồi! Rừng của mình đây mà! Hình như rừng cũng đã nhận ra đứa con yêu của mình, rừng đang mở ra từng con đường mòn sau những tàn lá rậm rạp để đón chị trở về...
***
Mười ba tuổi, chị đã thoát ly gia đình theo cách mạng. Cái cơ duyên ấy chỉ từ một giọng hát.
- Con có chất giọng được lắm, có muốn theo bác không?
Và cái con bé nghèo khổ, thất học, da mốc cời của vùng đất Mỹ Tho ấy hí hửng cuốn đồ trốn nhà qua sông theo ông bác mà lúc đó nó cũng chưa biết tên, chỉ tin vào lời ông nói:
- Mình phải lên đường gấp. Rồi bác sẽ nói chuyện với ba con. Cũng người cách mạng cả mà!
Rồi cô bé vừa đi bộ theo bác, vừa được bác cõng trên lưng khi cô đã buồn ngủ nhíu cả mắt lại. Chừng thức dậy đã thấy mình nằm giữa một đám con nít trạc tuổi, chị chủ nhà đang lúi húi nấu cháo trắng ở góc nhà. Thế là bắt đầu cuộc sống tự lập.
Sau này, chị vẫn thấy mình may mắn. Nếu không có chất giọng “trời cho” làm sao chị được vào khu, được học hành, ca hát để thành nghệ sĩ như bây giờ. Và để mười sáu, mười bảy tuổi, chị đã được về đây, đã là thành viên Đoàn văn công Quân giải phóng.
Bước vào nhà truyền thống của Cục, đập vào mắt mọi người là tấm hình treo trên cao, ngay gian giữa. Chị bước lại gần, rưng rưng xúc động: Trời! Mình đó sao? Trong khuôn hình chính là chị, đứng hàng sau cùng các bạn trong đoàn văn công với đủ bộ kèn trống. Tấm hình như chứng tích của một thời. Ừ, khi chụp hình này mình bao nhiêu tuổi vậy kìa? Mười bảy hay mười tám?
Các bạn đồng hành xúm lại trầm trồ:
- Hình bấy nhiêu năm mà còn rõ quá! Nước thuốc tốt thiệt!
Còn chị, chị chăm chắm nhìn vào khuôn hình, tìm kiếm và đã thấy rồi. Anh vẫn ngồi đó, cây sáo đưa lên miệng, trẻ trung, mãi mãi tuổi hai mươi. Anh đó, mối tình đầu của chị, tuổi thanh xuân nồng nàn e ấp của chị, màu xanh bạt ngàn của rừng trong lòng chị... Tất cả, tất cả như ùa về, như chưa hề bị lãng quên...
***
Hai người ngồi đối diện bên chiếc bàn vuông bằng cây tạp, ngọn đèn dầu nhỏ để ở giữa, xa một chút trong góc nhà có lúc là một cô bạn cùng đơn vị, lúc là một chị lớn tuổi hơn làm cấp dưỡng trong cứ. Thỉnh thoảng hai đứa mới được gặp riêng như thế này sau khi báo cáo đơn vị về tình cảm của mình. Luật trong cứ rất nghiêm, dù vẫn tập dượt, học hành, hát hò chung nhưng chuyện trai gái gặp gỡ riêng thì tuyệt đối không. Có vậy mới giữ được sự trong sáng, an toàn cho đồng đội và giữ tiếng cho cách mạng.
Vậy mà mỗi lần gặp là mỗi lần ngượng nghịu, bối rối làm sao. Anh nhìn chị, ấp úng:
- Nói gì thì nói đi!
Còn chị, cúi đầu, se se miết vạt áo bà ba:
- Biết gì mà nói. Anh nói trước đi!
Chỉ tội cho người ngồi canh, ngáp vắn, ngáp dài, trong bụng chắc cũng rủa thầm bọn trẻ bày đặt yêu đương. Có khi đang ngập ngừng ngắc ngứ vậy thì bom dội xuống đùng đùng, mạnh ai nấy nhảy xuống hầm, chừng hết bom lại nối tiếp câu chuyện không đầu không đũa mà vui sướng lâng lâng.
Chị lén lau một giọt nước mắt vừa ứa ra để nó khỏi chảy dài xuống má. Ngày anh hy sinh tại cứ này chị khóc đã nhiều vậy mà nhớ lại vẫn không cầm lòng được. Mười chín tuổi, mối tình son trẻ ấy làm sao quên, dù sau cuộc chiến chị đã có gia đình, con cháu đề huề, chồng chị cũng là một trong những đồng đội năm xưa.
Theo chân cậu hướng dẫn viên trẻ măng luồn sâu vào cứ, những giao thông hào quanh co hiện ra như người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Mọi thứ tuy có sửa sang, có phục chế nhưng vẫn giữ nét xưa từ mỗi căn nhà của từng vị bí thư Trung ương Cục cho đến chiếc bàn, chiếc ghế, chiếc giường ngủ trong nhà. Những căn nhà vẫn lợp một thứ lá trung quân trên mái như ngày nào. Ừ, lá trung quân! Chẳng biết ai đặt tên cho nó mà khi về đây chị đã quen tên. Trong hồi ức chị lại hiện ra hình ảnh mình và đám bạn, những thiếu nữ mười sáu, mười bảy tuổi hồn nhiên, tinh nghịch, tay hái lia lịa từng nắm lá rồi túm lại từng túm, giắt đầy vào sợi dây lác quấn ngang lưng để đem về chằm lại lợp nhà. Những chiếc lá suông dài, chi chít trên cây, nhiều không đếm xuể trong rừng già đã che mưa che nắng cho bao người trong chiến khu này. Loại lá lợp nhà này có chỗ rất hay là nếu bị bom lửa, lá chỉ ngún từ từ chứ không cháy bùng lên như lá dừa nước hay các loại lá khác ở đồng bằng quê chị. Trong lòng chị, trong lòng tất cả những ai từng sống ở chiến khu này thì mãi mãi đó vẫn là lá trung quân! Cái tên đẹp đẽ như tấm lòng trung với nước, với dân, với bạn bè đồng đội trong quân ngũ của “một thời khó quên”.
Chị cứ đi, cứ đi theo cậu hướng dẫn viên đang nhiệt tình thuyết minh về từng nơi bước qua. Qua cây vú sữa trước nhà đồng chí Phạm Hùng, qua cái hố bom nuôi cá của đồng chí Nguyễn Văn Linh, qua căn nhà có cái ban công nhô ra hơi đặc biệt của đồng chí Võ Văn Kiệt... và cặp theo con đường xi măng trơn láng hôm nay vẫn còn đó những giao thông hào với những ngách hầm, những ụ đất khoét sâu cho chiến sĩ ta vừa là hầm tránh bom vừa là ụ chiến đấu. Dù vậy, chị vẫn không thể nhận ra ở khúc đường nào sâu trong lòng đất này cô bạn thân nhất của mình đã hy sinh. Loạt bom nổ khi Hạnh chưa kịp nhảy xuống đã hất nó xuống giao thông hào, ngực đầy máu. Trong vòng tay chị nhỏ bạn chỉ kịp thì thào: “Mày ở lại, chiến đấu tốt nhé! Nhớ an ủi anh Văn giùm tao”.
Bây giờ đứng trên đường nhìn xuống từng đoạn giao thông hào, chị như sống lại nỗi đau xé lòng ngày đó, như thấy những giọt máu của bạn mình đang nhỏ xuống đỏ cả một vệt đất. Năm ấy Hạnh cũng mới mười chín tuổi!
Có lẽ vì lời nhắn gởi thiêng liêng đó mà chị đã đến với Văn, người yêu của Hạnh. Từng đau nỗi đau mất mát người yêu, hai người rất dễ cảm thông cho nhau bởi họ có bạn chung, kỷ niệm chung và cả một thời tuổi trẻ đầy lý tưởng sáng trong, nhiệt thành. Sau này sống cùng Văn những ngày hòa bình, rồi có con, có cháu, chị biết tình yêu mình vẫn dành cho người nằm xuống đất rừng này. Giữa họ, sợi dây cột chặt của tình đồng chí đồng đội còn chắc hơn, bền vững hơn tình nghĩa vợ chồng.
Cuối cùng rồi anh cũng đã rời bỏ chị và con. Cái mảnh đạn trong đầu đã thôi hành hạ anh những lúc trái gió trở trời. Chị đón nhận sự mất mát lần này có bình thản hơn, êm ả hơn chứ không bất ngờ thảng thốt như thời thiếu nữ. Có điều sự trống vắng, hụt hẫng không vì vậy mà nhẹ bớt. Tự nãy giờ, hình như chị không chỉ trở lại cứ cũ một mình. Hình như có chồng chị, có cô bạn, có người yêu năm xưa cùng ngắm nhìn mọi thứ cùng chị. Cảm giác vừa bâng khuâng, ngậm ngùi lại vừa ấm áp cả lòng.
Ra khỏi bìa rừng, đột nhiên nghe râm ran tiếng ve. Có lẽ nắng ấm đã hong khô những cặp cánh mỏng ướt sương của chúng. Lâu lắm rồi chị mới nghe inh ỏi tiếng ve như vậy. Âm thanh cứ rền khắp, vang vang như muốn níu chân người ở lại với rừng già, với cứ cũ, với những cây cổ thụ hàng chục người ôm không hết...
Đến trạm kiểm soát bên ngoài, cậu hướng dẫn viên theo tiễn đoàn chợt chỉ lên mái nhà, tươi cười:
- Các cô chú có thấy mái lợp ở đây không? Lá trung quân nhân tạo đó. Giống như thật vậy phải không? Nghe nói sắp tới sẽ nhân ra ở các mái lá trung quân phía trong cứ để tiện việc bảo quản.
Chị cảm nhận một sự lặng lẽ trùm lên cả đoàn. Rất lâu, rất lâu, một chú cựu chiến binh luống tuổi, mặt đầy vết nhăn thốt ra một câu:
- Sao vậy hả cháu? Cái gì cũng có thể giả nhưng lá trung quân thì không cần giả cháu à!
Ngồi trên xe, ngang qua tấm bia lớn dựng đầu ngõ vào “Di tích Lịch sử Văn hóa, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam”, câu nói của người cựu chiến binh già cứ vang mãi trong đầu chị. Ừ, trung quân làm sao mà giả được! Rồi chị lại bồi hồi. Trong số bạn bè mình năm ấy, ai còn, ai mất? Còn ai về thăm cứ cũ và giữ mãi trong lòng mình hình ảnh lá trung quân?