Bông hồng muộn
Nguyễn Ngọc Tuyết
Buổi sáng chị vào trường, thấy cơ man là hoa. Hoa tươi trên các bàn giáo viên, hoa trên tay các em học sinh nam, hoa đầy sân trường và ngoài cổng trường. Đám sinh viên càng ngày càng biết cách làm ăn, không bỏ qua một ngày lễ nào, tiếp thị hoa hồng đến tận trường, thậm chí cả các trường cấp 2. Nào ngày Tết thầy cô 20-11, nào ngày lễ tình nhân 14-2 và hôm nay, đúng ngày quốc tế phụ nữ 8-3.
Nhìn những bó hoa, đa số là hoa hồng nhung trên tay các học sinh nam, chị không khỏi chạnh nghĩ đến những lớp học trò hàng mươi năm trước. Có đứa hái cho cô một vài cành bông bụp ở vườn nhà, có đứa gom góp đâu đó mấy chùm hoa dại nhưng rất đẹp tặng cô. Những cánh hoa ướt đẫm sương và tươi tắn như chính tâm hồn bọn trẻ khiến đêm về nhìn bình hoa đủ loại cô giáo cứ tủm tỉm cười một mình. Hồi ấy đám học trò của chị ngờ nghệch mà dễ thương làm sao! Giờ thì bọn chúng “điệu đàng” lắm rồi. Những bông hồng đỏ thắm đều được gói giấy thật đẹp, thật sang trọng. Mỗi bông hồng trong những ngày này có khi đến mươi, mười lăm ngàn đồng chứ ít đâu! Đúng là hình thức có tiến bộ hơn nhiều nhưng chả biết tấm lòng người trao tặng có tương xứng vậy không? Bởi “của cho không bằng cách cho” mà!
Vừa bước vào văn phòng, chị chủ tịch công đoàn đã chận lại hỏi:
- Sao, hôm qua em theo cô Thủy ra tòa thế nào rồi?
Chị lắc đầu, ngao ngán :
- Vẫn là chuyện muôn thuở đó mà. Anh quyết ly hôn, chị quyết không chịu. Hai bên kể xấu nhau nghe mà bắt mệt! Em không hiểu nhỏ Thủy nghĩ sao, thằng chồng “cạn tàu ráo máng” vậy mà nó cứ khư khư là còn thương!
- Đã bảo nó “tâm thần” mà. Chứ em không thấy chồng nó đưa lý do đó để xin ly dị sao ?
- Thì vậy. Em khuyên nó đồng ý thôi đi, nó lại bảo “Không muốn sau này chồng ân hận”. Mà ngó bộ thằng cha đó thì làm sao ân hận được. Thoát khỏi nhỏ Thủy và hai đứa con nó mừng còn không kịp. Nghe Thủy nói nó đã có sẵn người đàn bà khác rồi mà!
Chị chủ tịch công đoàn cũng lắc đầu:
- Thiệt, hết hiểu nổi mấy cô bây giờ! Cô Thủy mới ngoài ba mươi thôi, ráng chịu đau một lần, vẫn còn cả cuộc đời trước mặt. Hay nó muốn kéo nhùng nhằng cho đã nư?
Không dám lần chần ở những chuyện “rối như canh hẹ” này, chị bước ra ngoài, nhớ hôm nay mình còn rất nhiều chuyện phải làm. Là tổ trưởng nữ công trong ngôi trường có hàng trăm giáo viên mà hơn nửa là nữ, chị phải tổ chức, điều động biết bao thứ trong ngày lễ này. Mỗi năm phải đổi mới trò chơi, đổi mới hình thức đón mừng ngày phụ nữ. Đâu chỉ là những bó hoa được trao tặng cho các cô giáo và các nữ sinh mà còn là các cuộc thi nữ công gia chánh, thi cắm hoa, thi hùng biện hay giới thiệu tuyên truyền sách, có năm lại tổ chức diễn đàn về “tình bạn, tình yêu” cho học sinh, về “ứng xử trong gia đình” cho các chị em trong trường...
Đang đi dài theo hành lang bỗng có tiếng gọi giật ngược:
- Chị Nhân ơi!
Chị quay lại, một thầy giáo trẻ đang nhìn chị cười vui:
- Năm nay sao mình không tổ chức cho các thầy nấu ăn nữa hả chị?
Chị cũng cười, biết là anh chàng chỉ hỏi đùa thôi, chứ không thì mặt hắn ta đâu có tươi tỉnh thế kia.
- Thôi đi ông! Cho mấy ông làm bếp còn mệt hơn tụi tôi tự làm. Phục vụ gì mấy ông!
Nhìn anh bạn đồng nghiệp trẻ đi khuất sau dãy phòng lớp học, chị nhớ lại mấy năm trước mình đã vận động các thầy trong trường thi nấu ăn để mừng ngày 8-3. Thôi thì mỗi tổ đăng ký làm khéo một món, tổ chiên chả giò, tổ mì xào giòn, cá lóc nướng, gà rô ti... Các ông hăng hái lắm, thiện chí lắm nhưng cuối cùng vẫn là các cô trong tổ xúm nhau làm trước cả dù luật thi “cấm phụ nữ rớ vào”! Khổ nỗi đến cả việc sắp mâm, bày biện ra dĩa cũng phải các cô “cố vấn”. Thi xong, các tổ ngồi xuống liên hoan, các ông thầy hí hửng vênh váo còn các đồng nghiệp nữ, chủ nhân của ngày 8-3 thì phờ phạc, nuốt không vô. Các cô giáo khiếu nại:
- Thôi, không tổ chức kiểu này nữa nghe, mệt muốn chết!
Đúng là như câu hát đùa mấy anh chàng hay nghêu ngao:
Hôm nay ngày 8 tháng 3
Tui giặt dùm bà cái áo của tui. ..
Vậy mà họ còn bày đặt than phiền :
- Sao năm nào cũng có ngày 8-3 rộn ràng khí thế như vậy, còn bọn tôi sao không có ngày “Phụ nam” ?
Tuy biết chỉ là đùa vui nhưng đôi lúc chị cũng chạnh lòng. Cứ nghĩ giá như không còn ngày lễ phụ nữ này thì mới thực sự là nam nữ bình đẳng phải không? Cứ hô hào, cứ nhắc nhở để nhớ đến vai trò, vị trí người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội cũng chính vì họ chưa được coi trọng, chưa có chỗ đứng xứng đáng như lẽ ra phải có. Nghĩ vậy chỉ thêm buồn thôi! Nhớ có lần, cách đây lâu lắm rồi, khi còn đầy nhiệt huyết, chị đã phát biểu với các học trò nữ của mình trên một diễn đàn:
- Các em phải làm sao cho ngày nào cũng là ngày 8-3 chứ đừng để người ta tổ chức cho mình. Làm sao cho sự bình đẳng về giới tính phải trở thành chuyện tất yếu và bình thường. ..
Giờ nghĩ lại, chị mỉm cười, bâng khuâng tiếc nhớ một thời sôi nổi, tràn đầy khát vọng mà cũng thật đáng yêu. Cuộc sống đã mài giũa, gạn lọc và mở ra cho chị nhiều điều. Cái ông thầy thời gian ấy thật khắc nghiệt mà cũng thật sâu sắc làm sao!
*
* *
Căn phòng của câu lạc bộ nữ công đông nghẹt người, đa số là các cô giáo và các em nữ sinh tham gia cuộc thi làm thiệp, cắm hoa. Chị đi qua một vòng, nhìn từng chiếc bình hoa vừa hoàn tất đang đợi giám khảo chấm điểm. Đúng là sức sáng tạo của học trò thật phong phú. Mỗi bình hoa một chủ đề, một cách chưng cắm khác nhau. Có bình hoa như “Suối nguồn tuôn chảy” khắc ghi công ơn mẹ, có bình phơi phới vươn lên như “Tuổi thanh xuân”, có những bông hoa cắm trong cát, trong gai góc như tinh thần “vượt khó”, rồi tình yêu, tình bạn, tình thầy trò hòa quyện trong từng cách cắm, từng loại hoa, cành nhánh sử dụng. Rồi thiệp chúc nữa, muôn màu muôn vẻ từ bàn tay khéo léo của các em nữ. Có thiệp giấy, thiệp vải, thiệp tre trúc... Những bông hoa nhỏ xinh xinh, mấy chú bướm xòe cánh sặc sỡ, mấy cành thủy trúc cứng cáp, cành lan mềm mại, cành hồng kiêu sa... Hình như mỗi lần ngắm nhìn những công trình của học trò, người giáo viên trong chị lại thêm chút niềm tin. Tuổi trẻ vẫn còn đó, sự trong sáng vẫn còn đó trong tâm hồn học trò chị... Những bão giông, cuồng loạn dường như chưa thấm thấu sâu vào mái trường này? Chẳng biết chị có “lạc quan tếu” không đây!
Cũng giống như bây giờ vậy, nhìn mấy cô giáo đang tíu tít ngắm nghía, chấm điểm từng tác phẩm, cô nào cũng hân hoan cười cười nói nói, ai biết được trong lòng họ giấu kín bao nỗi buồn đau, vật vã. Như cô Hạnh, cô giáo dạy nữ công gia chánh đó, cô vừa chia tay với ông chồng tệ bạc, ôm hai đứa con còn trong độ tuổi tiểu học lầm lũi đi về trong căn nhà nhỏ. Đứng kế bên là cô Lan, một cô giáo lớn tuổi sắp hưu, năm vừa qua cô đã phải “đầu bạc khóc đầu xanh” khi thằng con trai gặp tai nạn xe cộ. Còn cô giáo xinh xắn, nhanh nhẩu như lẫn vào đám học sinh nữ kia là cô Thoa, vui vẻ, nhí nhảnh vậy nhưng về nhà là tất bật với bà mẹ nằm liệt giường suốt mấy năm nay, phải gởi hàng xóm trông chừng mỗi khi đi làm... Mỗi người một cảnh đời, một nỗi lo toan phiền muộn mà chị, người tổ trưởng nữ công phải nắm rõ để sẻ chia, an ủi, giúp đỡ. Gánh nặng công việc quả nhiều lúc khiến chị oằn vai, muốn vứt bỏ nhưng lại không đành, bởi suy cho cùng, chị có khác gì đâu!
*
* *
Mãi đến tối mịt chị mới về nhà. Dư vị của buổi tiệc còn đọng trên môi và nỗi mệt mỏi càng lúc càng lan dần lan dần khiến chị lơ mơ, ngớ ngẩn thế nào. Cổng nhà đã khóa, thằng con trai chắc đang say giấc nồng. Chị mở cửa phòng, nhè nhẹ bước vào. Mình thật tệ, bận đến nỗi không hỏi được con trai coi hôm nay nó tặng hoa cho ai? Nó đã kết thân với bạn gái nào chưa? Năm nay nó đã 19 tuổi rồi chứ nhỏ nhít gì đâu. Vậy mà...
Nỗi áy náy, ray rứt càng rõ hơn khi chị bước vào phòng mình. Trên bàn làm việc của chị, một đóa hồng vàng trong chiếc bình nhỏ đang nhìn chị, thoang thoảng hương. Ôi chao, lại bông hồng vàng! Sao mà thằng nhỏ hiểu ý mẹ đến vậy! Chị cúi nhìn bông hồng vàng trong tay mình, bông hồng chị vừa ghé mua ở đầu chợ. Không năm nào chị mang những bó hoa của học trò tặng về nhà. Ở trường suốt cả ngày, sợ hoa héo khô nên chị thường gởi cho các cô khác mang về cắm hộ. Năm nào chị cũng tự mua cho mình một cành hoa hồng vàng cắm vào bình bởi người đàn ông có thể tặng hoa cho chị đã ở một phương trời xa lắc. Ôi, người đàn ông của đời chị! Hình như đã lâu lắm rồi từ khi anh trao cho chị cành hoa hồng vàng cuối cùng, để sau đó chị chỉ cắm toàn hoa hồng vàng trong chiếc bình hoa nhỏ của mình.
Chị khẽ khàng cắm bông hồng vàng mới mua vào bình hoa, cạnh bông hồng của con trai, lòng nhẹ tênh. Bao nỗi nhọc mệt trong ngày như tan biến hết. Đêm nay, người phụ nữ đã có đến hai đóa hoa hồng vàng. Và những đêm của năm tới, năm tới nữa, đóa hồng vàng trong chiếc bình hoa nhỏ sẽ không còn đứng lặng lẽ, cô đơn. Mặc cho ai đó cho rằng màu vàng là màu của sự phản bội trong tình yêu, chị vẫn yêu thích, vẫn trung thành với nó từ khi đọc truyện “Bông hồng vàng” của nhà văn Nga K.Pau-xtop-xki. Bông hồng vàng của người hốt rác già Samet với ước mơ hạnh phúc cho nàng Suzanne yêu thương, bông hồng vàng từ những nhà văn biết bòn đãi những hạt rất nhỏ của bụi vàng để làm thành tác phẩm của mình, “Bông hồng vàng” của truyện, của thơ...
Và, chị đã từng có những ngày hạnh phúc rạng ngời như chính những bông hồng vàng chị từng chắt chiu. Một bông, rồi hai bông, ba bông... Bao nhiêu đóa hoa anh chiều theo ý thích của người yêu trao tặng chị trong ngày lễ tình nhân, ngày tôn vinh phụ nữ, ngày sinh nhật và... bao nhiêu ngày khác nữa, những ngày chị đắm say trong “Hoa vàng mấy độ” ấy. Lâu lắm rồi chị không muốn nhớ, không muốn ngoái đầu nhìn lại. Vậy sao đêm nay, từ một bông hồng muộn màng khuya khoắt chị lại ngậm ngùi xao xuyến thế kia?
Người phụ nữ lặng lẽ thay quần áo, mở ngọn đèn ngủ màu xanh nhạt rồi lên giường nằm, thao thức bồi hồi như cô gái trẻ thuở nào xa. Trong bóng đêm, hai đóa hồng vàng trong chiếc bình nhỏ vẫn lung linh, lung linh như một điểm sáng nồng ấm, thân thuộc đưa chị vào giấc ngủ an lành.