Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nghệ sĩ múa

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 340 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nghệ sĩ múa
Nguyễn Ngọc Tuyết

Những cánh tay bé nhỏ, vụng về đưa lên cao, hai bàn tay xòe ra như búp sen nở, từng thân hình nhón cao, chân run run chưa vững nhưng đều hết sức cố gắng. Cô giáo đứng đối diện, miệng cười thật tươi, tay cong vút:
- Nào, các con làm theo cô! Xòe tay ra, úp tay vào, thế, thế… được rồi.
Mấy em bé mắt đứa nào cũng hướng về cô, tròn xoe, những tóc đuôi gà, đuôi vịt cột đủ kiểu đủ màu cứ lắc lư lắc lư thật dễ thương. Cô thiếu nữ phụ tá chạy đầu này đầu kia, sửa từng động tác cho các em nhỏ, miệng cũng cười tươi, ngọt ngào. Đó là cô học trò thuộc lớp lớn đã thành tài, mỗi buổi đến cung văn hóa thiếu nhi này để giúp cô giáo dạy tiếp lớp đàn em.
Đó là công việc bận rộn cuối ngày của chị, cô diễn viên múa nổi tiếng một thời của thành phố này. Bây giờ chị không còn bay lướt, uốn mình trên sân khấu nữa. Tuổi tác không cho phép chị sống những giờ phút huy hoàng say đắm thuở nào. Nhưng từ trong máu thịt chị vẫn say lòng với nghề. Những buổi dạy múa cho lớp nhi đồng, rồi lớp thiếu nhi chính là giây phút thư giãn của chị. Chưa kể là từ những lớp múa xuyên suốt trong năm chị đã tuyển chọn và đào tạo bao lớp trẻ kế thừa, những diễn viên, những nhóm múa không làm hổ mặt cô giáo thân thương.
Lớp học tan, đám thiếu nhi ùa ra như ong vỡ tổ, sà vào vòng tay của mẹ, của bà, của chị bên ngoài rồi chạy xuống cầu thang. Cô học trò phụ tá cũng ra về, phòng múa lại trống trơn, mênh mông. Thỉnh thoảng, ở lại một mình, chị lại đi một vài động tác kỹ thuật để tránh xơ cứng, cũng để đỡ thèm cơn say múa trong lòng. Hôm nay thì không, con gái đang đợi chị ở nhà. Bé Trúc của chị thì quí hơn bất cứ thứ gì trên đời, chị không thể để con chờ đợi, mẹ con có được mấy khi ngồi ăn cơm cùng nhau, thường tối mịt chị mới về nhà, khi con bé đã đi học thêm. Những hôm có show diễn càng tệ hơn. Đôi khi nhìn cảnh phụ huynh đưa đón các bé đi học múa mà chị chạnh lòng. Con gái chị từ nhỏ đã “lưu diễn” theo mẹ, hai ba tuổi đã chuyền tay các cô chú để mẹ biểu diễn, lớn lên một chút thì tự lo học hành, mẹ liên miên đi dựng múa cho nơi này, nơi khác, thi thoảng lắm mới được ở nhà, nhưng cũng công việc túi bụi ở cơ quan; làm việc văn nghệ nào có giờ giấc gì, xong thì thôi.
Hôm nay tổng kết năm học, con gái đạt danh hiệu học sinh giỏi, lý do thật chính đáng để hai mẹ con đi ăn cùng nhau. Nhìn con gái ăn ngon lành món mì xào giòn, món “hẩu” nhất của nó, mà chị nghe lòng ấm lại. Quả trời đã nhân từ khi cho chị mụn con gái này đây. Xinh đẹp, cao ráo như ba nhưng lại đa cảm như mẹ. Hình như con bé chỉ giống ba ở dáng vóc bên ngoài, mọi thứ còn lại đều rất “đồng điệu” với mẹ. Hai mẹ con có thể rủ rỉ cùng nhau suốt ngày, nếu có thời gian, mà buồn thay điều này rất hiếm khi! Có lẽ vì vậy chị quí những giây phút như thế này biết mấy.
Ăn uống no nê, hai mẹ con lại đánh một vòng ngắm thành phố vào đêm. Mải miết với công việc, ít khi chị có dịp tiếp cận với không gian thoáng đãng, với khung cảnh thật của thành phố quê nhà. Cuộc sống của chị thường tập trung vào những ánh đèn trên sàn diễn, vào những phông màn, đề co trên sân khấu hơn. Thỉnh thoảng lắm, những lúc đi cùng con gái như đêm nay chị mới trở về đời sống bình thường. Đôi khi chị cũng cảm thấy chút trống vắng của những quan hệ bạn bè thời con gái, nhưng công việc cứ cuốn chị đi, gánh nặng cơm áo cứ kéo chị trôi tuột vào vòng xoáy của nó, không còn kẽ hở để ngắm nghía lại mình…
Hơn mười giờ đêm hai mẹ con mới về đến nhà. Niềm vui như còn lẩn khuất đâu đó từ những mẩu chuyện đùa vui. Hình ảnh ông chồng nằm dang chân tay trên giường, nực nồng hơi rượu như gáo nước lạnh tạt vào lòng chị, làm tắt ngấm chút ấm áp của đêm. Nhìn dáng nằm đủ biết anh ta ngủ li bì từ lâu lắm và chẳng còn biết trời đất gì. Chị kéo chồng nằm lại ngay ngắn, lấy khăn ướt lau sơ mặt mũi cho anh rồi bước ra đóng cửa phòng, tắt ngọn đèn lớn giữa phòng. Mở cửa sổ cho chút gió lùa vào, chị lặng lẽ đứng đó, toàn thân lạnh ngắt trong đêm, đêm của thời gian đang trôi, hay đêm vô tận của cuộc đời chị?

***

Cô diễn viên múa bao giờ cũng nhận được bó hoa hồng phai sau mỗi show diễn. Bó hoa được đặt mỗi đêm trong hậu đài quả có gợi chút hiếu kỳ trong lòng cô gái trẻ. Ai mà biết được sở thích đặc biệt của mình vậy kìa? Ngay từ nhỏ, cô đã thích những cánh hồng phớt nhẹ, gần như màu trắng này. Vốn lãng mạn, cô gái cứ thấy những đóa hồng phơn phớt có vẻ gì thanh khiết, quí phái, lại như có chút non tơ với mùi hương thoảng nhẹ. Chỉ những bạn bè thân thiết mới hay tặng cô những cánh hồng như vậy. Thế mà nhiều đóa hồng phai cứ đều đặn được gửi vào hậu đài khiến cô xao xuyến, bâng khuâng để cuối cùng phải đi tìm lời giải.
Chuyện tình bắt đầu như một tình tiết trong phim lãng mạn cổ điển như vậy mà lại đơm hoa kết quả, mà nên vợ nên chồng. Sau này nghĩ lại, cô cũng chẳng biết mình yêu những cánh hoa hồng hay choáng ngợp vì vẻ quyến rũ rất đàn ông của đức ông chồng. Thời gian đầu, cô chiều chuộng chồng hết mực bởi hình như cô có chút mặc cảm về hình dáng bé nhỏ của mình bên ông chồng cao to, đẹp như tượng thần Hi Lạp. Rồi cô sinh con gái trong niềm hạnh phúc tràn trề. Con cái và công việc cuốn hút mọi suy nghĩ, lo toan của cô. Một lúc nào đó, nhìn lại không thấy ông chồng đâu nữa. Cô nhớ lại những năm tháng luôn tất bật đó của mình:
- Anh ơi, em có show diễn ở Đà Lạt, con gửi mẹ vài ngày, anh nhớ qua thăm con nhé!
- Anh ơi, trường X nhờ dựng giùm tiết mục múa cho ngày 20-11, anh rước con ở nhà trẻ giùm em.
- Anh ơi, mẹ con em đi Đắc Lắc ít hôm dựng tiết mục, anh ăn đỡ cơm tiệm vậy nghe…
Hình như ông chồng không phản đối, cự nự lần nào, cũng không động viên, khuyến khích gì. Đôi lúc cô hơi áy náy nhưng đám bạn cùng ngành nói:
- Phụ nữ chỉ có một thời xuân sắc. Nghề tụi mình càng khắc nghiệt hơn. Mày mới sinh con một còn tàm tạm, sinh vài đứa nữa coi, “bye, bye” nghề sớm em ơi!
Mà cô thì rất say nghề. Hình như chỉ có trên sân khấu, bên những bạn múa cô mới sống thật, sống hết với mình. Theo từng động tác, từng cái uốn mình, tung chân, quay lốc đến bừng bừng da thịt, đến bốc tung thân xác, cô cảm thấy thỏa thuê, viên mãn từ trong tâm hồn, trí não. Cô chạy theo những show diễn, những tiết mục như thế suốt một thời gian dài, chừng mệt mỏi, dừng lại thở lấy hơi thì hạnh phúc cũng tuột khỏi tầm tay. Một lúc nào đó, cô giật mình nhìn lại, người chung chăn sẻ gối với mình chỉ còn “chung” một chỗ nằm ấy thôi, tâm hồn, cảm xúc của hai bên dường như đã chạy trên hai đường thẳng song song tự lúc nào rồi!
- Em đừng quan tâm. Em có công việc của em, anh cũng vậy, lo cho con là được rồi.
Đôi lúc chồng cô nói một cách bình thản như vậy rồi lại đi nhậu với bạn hàng, với những mối làm ăn, đêm về là say mèm, chẳng biết trời trăng gì. Từ ngày bỏ cơ quan nhà nước không biết anh kiếm được nhiều ít mà toàn để vợ lo mọi thứ trong nhà. Cô diễn viên múa biết sự tắc trách của mình nên lúc đầu cũng muốn níu kéo lại tình cảm, níu kéo lại hạnh phúc gia đình. Nhưng chồng cô đã lấy rượu làm bạn, lấy quán làm nhà rồi...
Mà sự chai cứng trong lòng anh thì đã vô phương cứu chữa! Anh ta đi đi về về như một cái bóng trong nhà, không gây gổ cự nự với vợ nhưng cũng chẳng thèm quan tâm đến cô. Ngoài rượu, điều duy nhất có ý nghĩa với anh có lẽ là đứa con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp chưa hề làm phiền lòng cha mẹ. Tội nghiệp con gái! Nó cứ hồn nhiên mà lớn lên, cắm cúi học hành, không trách móc gì ai trong căn nhà lạnh lẽo đến rợn người này…

***

Giờ thì chị cũng chẳng còn sức đâu mà níu kéo. Mà có thật chị muốn níu kéo nữa không? Bởi sau thời gian dài chung sống chị cũng không biết tại sao anh ta theo đuổi mình, và tại sao mình bằng lòng lấy anh? Ảo vọng, huyễn tưởng của thời con gái đó chăng?

***

Cô bé học múa ngước nhìn cô giáo, giọng háo hức:
- Cô ơi, con múa đẹp không? Con sẽ được vào đội tuyển hả cô?
Chị cười cười:
- Con múa đẹp rồi. Nhưng con cũng phải học cho đẹp nữa mới vào đội được chứ. Mẹ con nói con mê múa đến quên học đó!
- Dạ, con hiểu rồi.
Con bé gật đầu chào rồi vụt chạy đi, nhanh như một mũi tên. Chị đứng trong phòng quần áo kế bên phòng tập, nhìn cô bạn đang lúi húi xếp lại mấy chiếc áo đầm tối qua lũ trẻ mặc lên sân khấu, dạ bồi hồi. Cùng cô bạn thân thiết này đây, chị đã dựng hàng trăm tiết mục múa. Êkip hai người lần hồi nổi tiếng, nhiều cơ quan, xí nghiệp đến nhờ dàn dựng tiết mục. Rời sân khấu, công việc của người biên đạo múa như giúp chị thỏa mãn phần nào nỗi say nghề. Đêm đêm chị đứng sau cánh gà nhìn ra sân khấu, những bước chân uyển chuyển, những cánh tay nhịp nhàng trong nhịp điệu, tiết tấu bài múa của học trò đã có phần chị trong đó. Vui nhất là những lần bọn chúng được lĩnh giải, cái tên người dàn dựng, chỉ đạo múa được nêu lên, cặp bài trùng hai người vang lên quen thuộc trong ngành.
Phần thưởng của người thầy là vậy! Mấy ai biết được bao thứ việc không tên đằng sau. Như phòng quần áo ngổn ngang, chất đống này, công sức của cô bạn ngồi đó. Từng cái nơ cài đầu, chiếc váy xòe, dải ren kết trên áo… “Kinh phí hạn hẹp quá! Mấy cô chịu khó vậy” là câu trả lời quen thuộc của cán bộ chuyên ngành mà bọn chị thường nghe. Nhưng mặt khác thì “Đây là hoạt động, là mặt mũi của nhà văn hóa thiếu nhi thành phố, các cô phải làm sao coi được!”. Và để “coi cho được” là bao nhiêu chuyện bếp núc bộn bề, bao nhiêu đêm thức trắng để kịp show diễn, để các em, các cháu sáng ngời lấp lánh trong từng trang báo, từng thước phim truyền hình…
Cô bạn thân mãi đến giờ vẫn chưa lập gia đình, thường chống chế:
-Thấy cảnh nhỏ Lệ là ngán tận cổ rồi! Mà có chồng có con thì đói là cái chắc.
Nó nói vậy cũng hơi quá đáng thật. Bởi tay nghề của hai đứa cũng chạy show kiếm ăn được. Có điều cái hẹp của lòng người, sự thấp kém về trình độ của các vị quan chức nhiều lúc cứ như vòng kim cô thít chặt, trói buộc những khát vọng của đôi bạn. “Bù lại mình vẫn còn học trò” - chị vẫn tự an ủi bạn, động viên mình như vậy. Những lần dẫn các nhóm múa biểu diễn ở các tỉnh bạn, chẳng phải cô lẫn trò được ưu ái, chiều chuộng hết mực đó sao?
Mà các con, các cháu thì vui ơi là vui, giỏi ơi là giỏi, đến mức phụ huynh đi theo cũng không ngờ. Có gì đâu, giống như cô giáo bọn chúng cũng mê nghề, cũng “say” ánh đèn sân khấu đó thôi. Đứa nào bị bỏ lại vì học hành sa sút là mặt mày tiu nghỉu, rơm rớm nước mắt, thấy mà thương! Chị nghĩ có nghiêm khắc thế bọn trẻ mới “lớn” lên, mới đứng được với nghề mà không còn mặc cảm với cái thành kiến “xướng ca vô loài”. Có lẽ vậy mà lần hồi chị chỉ giữ lại niềm vui bên con mà quên dần bi kịch của vợ chồng mình. Không ai làm phiền ai, thế là được! Nhưng có được không? Mỗi lần nghĩ về nó, mỗi lần phải chứng kiến sự bệ rạc của người đầu ấp tay gối một thuở mặn nồng chị cứ vương vướng, nhói đau, chỉ muốn lẩn trốn vào công việc thôi.
- Mày định sống kiếp “lục bình trôi” này đến chừng nào đây? Phải biết nâng lên được thì buông xuống được cho cả hai được thở với chứ!
Bạn bè hay góp ý thẳng thừng như vậy. Nhưng làm thế nào... bước sang tuổi bốn mươi chị đâu có quyền chọn lựa nông nổi như ngày xưa !

***

Chị đứng trong hậu đài, mắt nhìn đăm đắm ra sân khấu sáng rực ánh đèn. Con gái chị đang múa đôi với một bạn múa ngoài đó. Tiết mục “Tuổi thanh xuân” này chị đã chăm chút rất kỹ, dì Mai của bé Trúc cũng nâng niu từng dải ren, từng bông hoa hồng kết trên chiếc áo đầm dài phết gót thật trang nhã, sang trọng kia. Và hai cô gái trên sân khấu đúng là đang bay bổng trong tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời. Mỗi cánh tay đưa lên là một đóa hoa bung cánh, mỗi cái xoay mình uốn éo là dìu dặt âm hưởng xuân thì. Gương mặt tươi mát, áo đầm trắng muốt, trinh bạch, tinh khiết đến vô cùng trong điệu valse chập chờn như bướm lượn, như cơn gió phớt nhẹ trên môi trên má…
Chị biết tiết mục sẽ thành công bởi đây không chỉ là sự dàn dựng điêu luyện của một biên đạo múa. Đây còn là tâm huyết của người mẹ, là niềm say đắm của một diễn viên múa muốn một lần nữa thấy lại mình trên sàn diễn. Con gái chị đang thể hiện giùm chị cái khát vọng cháy bỏng ấy, khát vọng của một nghệ sĩ múa. Ôi, chị yêu thích cái tên gọi ấy biết bao. Nghệ sĩ múa! Múa chẳng phải là nghề, là mơ ước của chị suốt bao năm đó sao!
Niềm vui khiến má chị ươn ướt. Đêm nay, trong những giọt nước mắt ứa ra còn lẫn một chút chua xót, ngậm ngùi. Buổi sáng chị vừa cùng chồng ký vào đơn ly hôn. Cũng nhẹ nhàng thôi, chẳng điều tiếng gì như bao năm trời nay. Chỉ lạ là người khởi xướng chính là chị, con người rất ngại những thay đổi lớn trong cuộc sống. Chính con gái đã tiếp sức cho chị, nó bảo:
- Thôi mẹ đừng trốn tránh nữa đi. Hãy cho cả ba và mẹ một cơ hội đi. Mẹ không nhớ con sắp mười tám tuổi rồi sao?
Ôi con gái... Ở cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” này nó thật chững chạc, rạch ròi làm sao! Chị ước gì năm xưa mình cũng có được sự cứng cỏi ấy.
- Ba mẹ đừng lấy con làm cái cớ để kéo dài sự mòn mỏi của cả hai người, ba mẹ chỉ sống riêng thôi, chứ con vẫn là con mà. Có ai mất con đâu!
Bây giờ nhìn con gái múa lượn ngoài kia, chị hi vọng nó nói thật. Nếu không thì… Chị lắc đầu, không dám nghĩ tiếp.
Tiết mục ngoài sân khấu đã sắp kết thúc. Nhạc nhanh dần, dồn dập, khúc vĩ thanh réo rắt, du dương. Hai cô gái xoay tròn xoay tròn rồi chợt đứng phắt lại, tay đặt trên vòng lưng nhau ngả đầu sang hai phía, tay kia đưa cao như muốn níu cả bầu trời, miệng cười thật tươi trong tiếng vỗ tay vang dội…
Cô gái trẻ chạy ùa vào trong, ôm lấy mẹ, tim đập thình thịch. Và chị, người nghệ sĩ múa lừng danh ngày nào, cũng thấy tim mình thình thịch, thổn thức, xúc động vì hạnh phúc, vì con tim ấy như vừa cất được hòn đá nặng bấy lâu.
Chị cúi xuống, hôn lên mái tóc con gái rồi ôm chặt con vào lòng. Thình thịch! Thình thịch! Đấy, hãy lắng nghe, trái tim hai mẹ con đang hòa cùng một nhịp trong một niềm thanh thản, yên bình…
 



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 207

Return to top