Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Trà Hoa Nữ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 5407 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trà Hoa Nữ
Alexandre Dumas

Chương 2

Cuộc bán đấu giá được ấn định vào ngày 16.
Trước đó một ngày, người ta ngưng hẳn việc cho đến xem đồ đạc trong nhà, để những người thợ chuyên môn có đủ thời gian tháo gỡ rèm, màn xuống.
Những ngày ấy, tôi đi xa mới về. Theo lẽ thường người ta không cho tôi biết  về cái chết của Macgơrit như một trong những tin quan trọng mà bạn bè thường  báo lại cho bất cứ người nào từ xa trở về thủ đô được biết. Macgơrit thật xinh  đẹp. Nhưng nếu cuộc sống cầu kỳ của người đàn bà như thế gây tai tiếng nhiều  chừng nào, thì cái chết của họ ít gây xáo động chừng ấy. Đó là những lúc mặt  trời lặn, lúc lặn xuống cũng như lúc mọc lên không hề rực rỡ. Cái chết của họ,  nếu họ chết trẻ, thì tất cả những tình nhân họ được biét cùng một lúc. Bởi vì ở Paris, hầu hết những tình nhân của một cô gái tên tuổi đều rất quen biết nhau.  Một vài kỷ niệm chung được nhắc lại. Rồi sau đó, cuộc đời những người này và  những người khác vẫn cứ tiếp tục trôi đi, không hề để sự bất hạnh kia có thể khuấy động hay làm rơi một giọt nước mắt nào ở họ.
Ngày nay, khi người ta hai lăm tuổi, những giọt lệ trở nên quá khan hiếm.  Nhiều lắm, chỉ những người thân thuộc đã bỏ tiền ra thuê những người khóc  mướn mới phải nhỏ lệ vì số tiền đã bỏ ra mà thôi.
Còn tôi, tuy không hề có một kỷ niệm nào sâu nặng với Macgơrit, nhưng thật  lòng khoan dung do bản năng, tình thương xót tự nhiên mà tôi vừa thú nhận, đã  làm cho tôi suy nghĩ đến cái chết của cô có lẽ lâu hơn là cô xứng đáng được như vậy.
Nhớ lại, trước kia tôi thường gặp Macgơrit ở quảng trường Xăng Êlidê. Nàng thường đến nơi này, ngày nào cũng thế, trong một chiếc xe hai chỗ ngồi  màu xanh da trời, thắng hai con ngựa màu be đẹp đẽ. Và như thế, trông nàng có  một vẻ gì đó khác biệt hẳn với bạn bè của nàng. Sự khác biệt này càng nổi bật  nhờ một nhan sắc thật sự ngoại hạng của nàng.
Những con người đáng thương này, mỗi khi ra đường, luôn luôn có kẻ cắp đi  kèm.
Không một người đàn ông nào chịu để công chúng biết được những cuộc  tình tự ban đêm với các cô gái giang hồ. Và những cô gái này sợ sự cô đơn.  Các cô phải đem theo những người đàn bà khác, kém sung sướng hơn, không có  xe riêng, hoặc một vài người đàn bà sang trọng đã về già, nơi họ sự hào nhoáng  không còn lý do để tồn tại. Với những người đàn bà này, người ta có thể đến  làm quen nói chuyện một cách tự nhiên, khi người ta muốn biết một vài chi tiết  nào đó về cô gái mà các bà đi kèm.
Macgơrit thì khác hẳn. Cô đến quảng trường Xăng Êlidê bao giờ cũng đi một  mình, đi riêng và lánh mặt đến mức tối đa: mùa đông, trong một tấm áo choàng lớn; mùa hè, với những chiếc áo dài rất đơn giản. Nếu cô mỉm cười với những  người quen biết tình cờ gặp trên đường thì nụ cười riêng tư đó cũng rất kín đáo.  Một bà hoàng cũng có thể cười như thế.
Cô không đi dạo từ ngã tư đến cổng vào Xăng Êlidê, như những người bạn  cô vẫn đi từ xưa đến nay. Hai con ngựa nhanh chóng đưa cô đến khu rừng. Ở đó  cô bước xuống xe, chậm rãi đi bách bộ trong khoảng một giờ, rồi lại lên xe, trở về nhà, với đôi ngựa phi nước đại.
Những cảnh ấy, mà đôi khi tôi được chứng kiến, giờ lại hiện ra trước mắt tôi.  Tôi thương xót cái chết của người con gái đó, không khác nào người ta thương  tiếc sự tàn phá hoàn toàn một công trình tuyệt đẹp.
Thực vậy, không dễ gì có thể tìm thấy được một sắc đẹp mê hồn như sắc đẹp  của Macgơrit. người cô cao và mảnh dẻ, gần như hơi thái quá. Nhưng cô đã nắm  được cái nghệ thuật tuyệt vời để làm tan biến những sơ sót của tạo hoá bằng sự sắp xếp giản dị tuyệt vời những thứ được dùng làm trang sức cho một người đàn  bà. Tấm áo choàng Casơmia rộng buông gần chấm đất, để lộ mỗi bên một cái  vạt rộng của chiếc áo đầm dài bằng lụa. Đôi găng tay che kín hai bàn tay áp sát  vào ngực, để lộ những nếp nhăn rất khéo sắp xếp đến mức những con mắt khó  tính đến mấy cũng không thể chỉ trích những đường nét chìm nổi.
Cái đầu tuyệt vời của nàng thật sự là một kỳ quan. Đầu nàng bé nhỏ, và nói  như Mútxê, mẹ nàng đã tạo ra nó như thế để nắn nót nó chu đáo hơn.
Trên khuôn mặt trái xoan duyên dáng không thể tả, bạn hãy đặt lên đó một  cặp mắt đen long lanh dưới đôi lông mày vòng cung, nét sắc như vẽ. Hãy giảm  nhẹ sóng mắt bằng những hàng mi dài; và những hàng mi này, mỗi khi hạ xuống, toả râm phơn phớt trên sắc hồng của đôi má. Hãy vẽ một cái mũi thon nhỏ, thẳng nét, thông minh, với lỗ mũi hơi nở nang như để thu hút sức nồng  cháy của cuộc sống nhục dục. Hãy hình dung một cái miệng đều đặn, với đôi  môi duyên dáng nở trên những chiếc răng trắng như sữa. Hãy tô màu da với  những sợi tơ nhung, thứ tơ nhung trông thấy trên một trái đào mà chưa một bàn tay nào động đến. Và như thế, bạn sẽ ý thức được toàn thể cái đầu duyên dáng  sang trọng đó.
Tóc nàng đen huyền, gợn sóng tự nhiên, toả ra trên trán thành hai dải nhỏ rồi  vòng ra phủ kín phía sau, trọn vẹn, chỉ đủ hé cho thấy hai viên kim cương lấp  lánh nơi tai. Mỗi viên trị giá từ bốn đến năm ngàn frăng. Vì sao cuộc sống dữ dội của Macgơrit lại để lại trên khuôn mặt nàng cái ánh  sáng trinh trắng, thơ ngây đến như thế? Đó chính là điều chúng ta bắt buộc phải  nhìn nhận mà không thể giải thích được.
Macgơrit có một chân dung tuyệt đẹp của chính mình, do Vidal vẽ. Đó là  một người độc nhất có thể tạo lại nàng giống như nàng. Tôi có giữ được bức  chân dung này trong vài ngày, sau khi nàng chết. Bức chân dung quả giống nàng đến lạ lùng, đủ để gợi lại cho tôi những chi tiết mà trí nhớ tôi không còn  giữ được.
Trong số những chi tiết mà tôi mô tả ở trong chương này, một vài chi tiết  mãi sau này mới đến với tôi. Nhưng tôi cần viết ngay, để khỏi phải trở lại khi  bắt đầu câu chuyện kể về người đàn bà này.
Macgơrit dự tất cả các buổi trình diễn đầu tiên của các vở. Tối nào nàng  cũng có mặt ở rạp hát hay ở vũ trường. Mỗi khi người ta cho trình bày một vở diễn mới, chắc chắn nàng sẽ có mặt, với ba vật bất ly thân luôn luôn đặt ở phía  trước lô riêng của nàng tại tầng trệt; một ống nhòm, một túi kẹo và một bó hoa  trà. Đều đặn mỗi tháng hai mươi lăm ngày hoa trà trắng, và năm ngày hoa trà  đỏ. Người ta không biết lý do của sự đổi thay màu sắc này. Tôi nhận thấy điều  đó, nhưng cũng không giải thích được. Những người thường đi xem ở các rạp  nàng thường đến và các bạn nàng cũng nhận thấy điều đó như tôi.
Người ta không bao giờ thấy ở Macgơrit loại hoa nào khác ngoài hoa trà. Bởi  thế, ở cửa hàng hoa bà Bacdông, nơi nàng thường đến mua hoa người ta gọi  nàng bằng biệt danh “Trà hoa nữ”. Biệt danh này đã tồn tại. Tôi biết, cũng như tất cả những người sống trong một thế giới nào đó ở Paris, Macgơrit xưa kia đã  là tình nhân của những chàng trai sang trọng hào nhoáng bậc nhất. Điều này  nàng công nhiên nhìn nhận và những chàng trai kia cũng hãnh diện khoe khoang. Sự việc trên chứng tỏ họ rất ăn ý với nhau.
Tuy nhiên, người ta bảo rằng khoảng ba năm nay, từ sau chuyến đi Banhêe  về, nàng chỉ sống với một ông quận công già nước ngoài, giàu kếch xù. Ông này  đang cố gắng đưa nàng ra khỏi cuộc đời quá khứ. Điều này hình như được nàng  chấp nhận khá dễ dàng.
Sau đây là những gì tôi được nghe người khác kể lại.
Mùa xuân, năm 1842, Macgơrit rất suy nhược. Các thầy thuốc buộc nàng phải đi chữa trị bằng nước suối và vì thế, nàng đến Banhêe.
Ở đó, trong số những người bệnh, có cô con gái ông quận công. Cô này  không những có cùng bệnh trạng như nàng, mà còn có khuôn mặt giống  Macgơrit đến nỗi nhiều người khác phải nhầm là hai chị em. Chỉ có điều, cô  tiểu thư quận công trẻ tuổi này đã bị chứng lao phổi ở thời kỳ thứ ba, và đã từ trần sau khi Macgơrit đến được vài ngày.
Một buổi sáng, ông quận công – lúc đó còn lưu lại Banhêe như một người  phải ở lại trên mảnh đất đã chôn vùi một phần trái tim mình - chợt bắt gặp  Macgơrit trên đường đi tại một khúc quanh.
Như bắt gặp hình bóng cô gái mình đang đi qua, ông vội tiến đến gần  Macgơrit, nắm tay nàng, rồi ôm choàng lấy nàng mà khóc. Và không cần hỏi  nàng là ai, ông đã van nài xin được phép thường xuyên gặp nàng, được thương  yêu nàng như thương yêu hình ảnh sống động của đứa con đã chết.
Macgơrit đang một mình ở Banhêe với một bà hầu phòng, lại không phải lo  bị thiệt thòi chút nào trong việc ấy nên đã nhận lời.
Ở Banhêe có những người biết rõ nàng và đã công khai đến gặp ông quận  công, cho ông biết hoàn cảnh thực của Gôchiê. Thật là một đòn khá mạnh đối  với ông già, vì ông không còn thấy rằng người con gái này là hình ảnh của cô  con gái mình nữa. Nhưng việc đã quá muộn! Người đàn bà trẻ đã trở thành một  nhu cầu của tâm hồn ông và đó là cái cớ độc nhất, lý do duy nhất để ông có thể tiếp tục sống.
Ông không hề có một lời nào nặng nề với Macgơrit Gochiê. Ông không có  quyền. Ông chỉ yêu cầu nàng, nếu có thể, hãy thay đổi cách sống. Để đền bù lại  sự hy sinh đó, ông sẽ tạo cho nàng tất cả những gì nàng muốn. Và nàng đã nhận  lời.
Phải nói vào thời kỳ đó, Macgơrit, bản chất vốn nồng nhiệt, nhưng đang  trong bệnh hoạn. Quá khứ đối với nàng như một trong những nguyên nhân  chính của bệnh trạng và một thứ mê tín nào đó đã làm nàng hy vọng rằng  Thượng Đế sẽ cho phép nàng giữ lại sắc đẹp và sức khoẻ, nếu nàng biết hối lỗi  và trở về với chúa.
Thật vậy, nước suối, những cuộc du ngoạn, sự mệt mỏi tự nhiên và sự nghỉ ngơi đã làm cho nàng gần như khoẻ hẳn vào cuối mùa hạ.
Ông quận công đưa Macgơrit trở về Paris. Ở đó, ông tiếp tục đến thăm nàng  thường xuyên, như ở Banhêe.
Sự giao hảo đó – mà người khác không biết rõ cội nguồn sâu xa, cũng không  biết rõ được lý do thật sự - đã gây ra nhiều tai tiếng. Bởi vì, ông quận công, vốn  nổi tiếng về gia tài kếch sù của mình, giờ đây lại nổi tiếng thêm về sự ăn tiêu hoang phí.
Người ta cho đó chẳng qua là sự phóng đãng rất thường gặp ở những ông già giàu có. Chính sự phóng đãng này đã làm cho ông quận công già và người đàn  bà trẻ kia gần gũi nhau. Người ta đặt ra đủ mọi giả thuyết, trừ sự thật diễn ra trước mắt.
Thực tế, tình cảm của người cha đó đối với Macgơrit rất trong sáng. Bất cứ một liên hệ nào ngoài những liên hệ thuần túy tâm hồn cô gái này, ông đều cho  là tội lỗi. Không bao giờ ông nói một lời nào để Macgơrit – con gái ông - cảm  thấy khó nghe.
Hãy miễn cho chúng tôi cái việc tạo cho vai chính của câu chuyện một điều  gì khác hơn là sự thật. Chúng tôi xin nói thẳng ngày nào nàng còn ở Banhêe, lời  hứa của nàng đối với ông quận công còn được thực hiện không gì khó khăn; và  nàng đã giữ đúng. Nhưng một khi trở về Paris, người con gái vốn trước đây đã  quen với cuộc sống phóng đãng ở những vũ trường, những chốn chè chén truỵ lạc, giờ lại phải sống cô đơn trừ những buổi viếng thăm thường lệ của ông quận công, cảm thấy có thể chết được vì buồn tẻ. Những sinh khí nóng bỏng của cuộc  đời sóng gió ngày trước lại ùn ùn trỗi dậy trong đầu óc nàng, trong trái tim  nàng.
Cũng nói thêm, Macgơrit trở về sau chuyến đi đó, lại xinh đẹp hơn trước rất  nhiều. Nàng đã hai mươi tuổi. Căn bệnh chỉ được ru ngủ, chứ không phải bị đánh bại, lại tiếp tục gây cho nàng những dục vọng sôi động. Đó là hậu quả gần  như thường xuyên của bệnh lao phổi. Những bạn thân của ông quận công không  ngừng rình mò để bắt quả tang tội lỗi của người đàn bà mà họ cho là ông đã lầm  để hại đến thanh danh của mình. Ông quận công đã đau khổ nhiều khi họ báo  thẳng và chứng minh cho ông biết rằng người đàn bà trẻ nàyđã dùng những giờ mà chắc chắn ông không đến để tiếp khách; và những cuộc tiếp khách này kéo  dài cho tới mãi sáng hôm sau.
Được chất vấn, Macgơrit thú nhận tất cả với ông quận công. Rồi không hề quanh co, nàng nói rằng ông đừng chăm sóc đến nàng nữa. Bởi nàng tự thấy  không đủ sức để giữ trọn những lời hứa trước đây và không muốn tiếp tục nhận  những ân huệ nơi một người mà nàng đã lừa dối.
Ông quận công, tám ngày liền không xuất hiện. Đó là tất cả những gì ông có  thể làm được. Và sau ngày thứ tám, ông đến năn nỉ Macgơrit hãy cứ nhìn nhận  ông. Ông sẵn sàng chấp nhận lối sống của nàng như nàng muốn, miễn là ông  vẫn được đến thăm nàng như trước. Ông thề rằng dù phải chết đi nữa, ông cũng  sẽ chẳng bao giờ đưa ra một lời phiền trách nàng.
Đó là tất cả những việc đã xảy ra trong ba tháng sau khi Macgơrit trở về Paris, nghĩa là vào khoảng tháng Mười Một hay tháng Mười Hai năm 1842.

<< Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 382

Return to top