Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Hai Chị Em

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 33348 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Hai Chị Em
Cung Thị Lan

Chương Mười Ba

      Tiếng pháo nổ dòn giã trước nhà bác Cả khiến hai chị em con nhỏ chạy đến cửa ra vào thò đầu ra nhìn về phía cổng trước ngôi nhà lớn. Hôm nay là mùng một âm lịch, và hai bác Cả đang đốt pháo đón mừng năm mới. Tiếng nói cười vui nhộn trước ngôi nhà lớn thu hút hai đứa nhỏ đến xem. Chúng hăm hở định mang dép chạy về phía cổng trước, bà mẹ đã ngăn lại:
- Hai đứa không được chạy vô đó!
Con em nhìn mẹ, ngạc nhiên:
- Sao vậy má?
- Hôm nay là ngày mùng một; đến nhà ai trước là đạp đất nhà người đó đó!
Con em bướng bỉnh:
- Con mang dép. Con không “đạp đất” nhà bác Cả đâu!
- Đạp đất không phải là đạp đất nhà người ta với chân trần hay dùng chân trần đạp trên nhà người ta. Đạp đất nghĩa là mình là người đầu tiên đến nhà người nào đó và đặt bàn chân đầu tiên của mình vào nhà người ấy.
Con chị thắc mắc:
- Vì sao người ta không cho mình tới nhà họ trước vậy má?
- Không ai cấm mình vào nhà họ sớm hay trễ cả nhưng mà bởi vì người ta tin người đầu tiên vào nhà họ quyết định một năm của họ thành công hay thất bại cho nên mình phải biết thông lệ mà giữ kẽ! Má đã giải thích nhiều lần về chuyện đạp đất đầu năm cho các con rồi mà các con không nhớ gì cả!
Con em ngồi bệt trên bậc tam cấp, lảm nhảm:
- Con đâu có “tính” vô nhà bác Cả đâu! Con chỉ đến trước sân nhà để lượm pháo thôi!
Con chị ngồi xuống cạnh em, thở dài. Cũng như con em, nó muốn vào nhà bác Cả ngay để lượm mấy viên pháo để đốt chơi, nhưng nó hiểu là không thể  nào đến ngôi nhà lớn trước khi gia đình cô Mỹ  hay con cháu bác Cả “đạp đất” ngôi nhà lớn ấy. Mẹ nó luôn giải thích cho chị em nó hiểu rằng không ai muốn những người nghèo bước đến nhà trong ngày mùng một bởi vì  đa số mọi người đều tin dị đoan rằng những người nghèo thường có khuôn mặt buồn bã, hãm tài  nên thường đem những điều xui xẻo và nghèo khó suốt cả năm. Qua những lời căn dặn của mẹ, nó mơ hồ hiểu vị trí của chị em nó ở đâu và chị em nó là ai trong khuôn viên đại gia đình. Suy nghĩ một lúc nó cất giọng người lớn nói với con em:
- Chút nữa tụi mình lượm cũng được Vy! Khi nào má dẫn mình đi chùa, ngang nhà bác Cả thì mình lượm.
Con em nhăn mặt, càu nhàu:
- Chút nữa mấy đứa con của cô chú Bảy Mỹ và con của anh Ký, chị Trịnh đến lượm hết cho coi!
Bà mẹ hắng giọng, vẻ không vui:
- Hai đứa ra sân rửa mặt mũi tay chân rồi vào thay quần áo mới, chải đầu chải tóc cho đàng hoàng, tươi tắn lên đi. Đầu năm mà ngồi giữa nhà ụt mặt như vậy sao làm ăn được chớ? Không nên ngồi đưa mặt hãm tài trước cửa nhà như vậy! Ở nhà mà đầu năm có cái mặt hãm tài như vậy làm ăn không nên nổi huống hồ tới nhà ai!
Ngại tiếng đằng hắng, con chị nhanh nhảu đứng lên, giục em:
- Lẹ đi Vy! Để má la đầu năm là cả năm bị la hoài cho coi! Rửa mặt, chải đầu xong mình thay áo quần để đi chúc Tết và lãnh tiền lì xì!
Bà mẹ ngắt lời:
- Chưa vào nhà nội được thì chưa chúc Tết ai cả! Sửa soạn xong, hai đứa lấy giấy viết ra viết vài chữ cho má. Đầu năm viết vài chữ để cả năm học giỏi!
Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn vào bếp lấy bàn chải đánh răng rồi bước đến lu nước. Cái lu đầy ắp nước!
Ngày Tết Nguyên Đán, ngày đầu năm, nào cũng vậy chúng không những bị cấm đạp đất mà còn bị cấm động giếng. Người trong khuôn viên nhà nội chỉ được phép xách nước giếng sau khi bà nội cúng thần giếng xong, cho nên mẹ chúng đã chuẩn bị một lu nước đầy để dùng cho cả ngày mùng một.
Con em vừa đánh răng, vừa nói lơ lớ :
- Em mặc áo đầm chứ không mặc áo dài đâu!
Con chị không đáp lại. Nó hiểu chắc chắn rằng, khi con em thích mặc áo đầm thì mẹ nó cũng bắt nó mặc áo đầm theo để cho hai chị em ăn mặc giống nhau khi đi ra đường. Nghĩ đến những chiếc áo mới của ngày tết, nó thấy lòng chùng xuống. Cả chiếc áo dài mơ ước và cái áo đầm cô Sáu mua cho đều không làm nó vừa ý. Chiếc áo dài mà ông thợ may may cho nó rộng đến nỗi nó tưởng chừng mình đang bơi trong ấy. Mặc dù nó cố mặc cái áo lót dày thật dày bên trong cũng không thể nào vừa cái độ rộng mà ông thợ may trừ hao. Khi nó mặc chiếc áo dài tơ vào, thân hình cao lêu nghêu của nó tựa như cái cọ rửa chai đang lắc lư, kỳ cọ lớp trong cái chai rỗng là lớp vải lụa phất phơ, lụng thụng. Cái áo đầm cô Sáu mua cho nó chẳng khá gì hơn. Nó dài tận mắt cá chân. Với lập luận con nít mau lớn, cô Sáu đã mua trừ hao cho nó gấp hai lần kích thước thật của nó, và khi nó mặc vào, nó trông giống như mặc áo bính của ai.

Không nghe chị trả lời, con em nhắc lại lần nữa:
- Em không mặc áo dài. Em mặc áo đầm đó chị Hạ!
Con chị vào bếp đặt chiếc bàn chải đánh răng vào cái lon, rồi bước lên nhà, cũng không thèm trả lời. Con em đi sau nhì nhằng nói tiếp:
- Hôm nay tới phiên chị Hạ mặc ríp-pông đó! Chị mặc áo đầm với em nghe chị Hạ!
- Ừ, nhưng mà chị sẽ mặc áo đầm cũ chứ không mặc áo mới đâu!
Con em tròn mắt:
- Sao vậy?
- Vì không có cái áo mới nào vừa với chị cả!
- Em cũng vậy!
- Vậy hai chị em mình cùng mặc áo cũ đi nghe!
Bà mẹ rầy:
- Đầu năm không nên mặc áo cũ!  Có áo mới là quý lắm rồi còn mong chi? Người lớn cho cái gì lấy cái đó không được khen chê. Không mặc áo của mấy cô cho là tụi bây phụ lòng các cô đó! Người lớn kiếm tiền cực khổ mới có của mà cho tụi bây, còn nhỏ mà bày đặt khen chê, đòi cái nọ, cái kia không tốt đâu. Thay đồ lè lẹ rồi ra viết vài chữ lấy hên!

 Vâng lời mẹ, hai đứa chải đầu, mặc áo đầm mới và lấy giấy viết ra ngồi trên chiếc bàn cạnh cửa sổ. Ngồi bên nhau, trước hai tờ giấy trắng, chúng cắn bút nặn óc suy nghĩ sẽ phải viết chữ gì và câu văn nào sao cho có ý nghĩa, đó là một cực hình đối với chúng. Mẹ hai đứa luôn luôn tin rằng nếu hai đứa con bà viết một vài câu văn câu thơ gì đó gọi là khai bút đầu năm, thì văn chương chữ nghĩa chúng sẽ thông suốt, và chúng sẽ học hành giỏi giang suốt năm, cho nên bà thường đánh thức chúng dậy khi tiếng pháo giao thừa bắt đầu nổ. Năm nay bà mẹ ngủ quên. Bà đã không đón giao thừa cũng không kêu hai đứa nhỏ thức dậy lúc giữa đêm, và hai đứa nhỏ tưởng đâu đã thoát lệ khai bút đầu năm, nào ngờ mẹ chúng không quên tập tục này.
Ngần ngừ một lúc, hai con nhỏ viết tên chúng trên hai tờ giấy rồi in đậm những nét chữ. Không biết viết gì thêm, chúng đưa mắt nhìn nhau rồi cùng bật cười khanh khách. Con em vừa nói, vừa cười ngặt nghẽo:
- Chị Hạ mặc áo đầm mới thấy lạ quá hà!
Con chị vừa nguýt em, vừa cười khì khì:
- Em cũng vậy chứ bộ! Có đẹp gì đâu!
Bà mẹ nhắc chúng:
- Viết văn thơ gì thì viết đi, đừng cười giỡn nữa!
Con chị than vãn:
- Con không biết viết gì! Con không biết làm thơ mà cũng không thích viết luận văn đâu!
- Viết cái gì cũng được, không cần phải thơ văn gì cả. Viết vài chữ để lấy hên ngày đầu năm thôi.
Con chị tiếp tục than vãn và phản đối:
- Nhưng con đâu biết viết gì? Ngày lễ sao không được nghỉ mà còn phải viết chứ?
Bà mẹ đằng hắng, nghiêm giọng:
- Con học đến lớp nhì mà không biết một cái gì để viết sao? Ngày đầu năm nào cũng phải viết, sao còn làm bộ hỏi tới hỏi lui hoài vậy? Viết mấy chữ trong ngày đầu năm để học giỏi cả năm. Học giỏi cho con, không phải học giỏi cho má!
Ngẫm nghĩ một lúc, con chị hỏi mẹ:
- Vậy con viết bài Học Thuộc Lòng được không?
- Được! Viết đi!
Con em hỏi mẹ:
 - Con có thể chép lại bài của chị Hạ được không má?
Bà mẹ gật đầu:
- Cũng được. Miễn là có viết là tốt rồi!
Con chị chấm ngòi viết lá tre vào hũ mực tím. Nó viết học thuộc lòng mà nó thích nhất:
                    Bà ơi cháu rất yêu bà
Đi đâu bà cũng mua quà về cho
                   Hôm qua có chiếc bánh bò
     Bà chia cho cháu phần to nhất nhà.
                   Mỗi lần cháu chạy chơi xa
Mẹ cháu có đánh thì bà lại bênh.
                   Cháu không nói bậy, nói càn


         Bà xoa đầu cháu khen ngoan nhất nhà.
 Vừa chấm dứt giòng thơ cuối cùng, con chị khoan khoái đặt bút xuống bàn nhìn em. Con em cầm nghiêng cây bút mực nắn nót viết từng nét một. Những chiếc bóng của lá dừa và nắng lung linh tên trang giấy trắng của nó như muốn in hình vào bài thơ mà con nhỏ em đang viết. Con chị bất chợt đưa mắt nhìn lên song cửa sổ. Ánh nắng đầy ắp trên các lá đừa cho biết mặt trời đã lên cao. Vài con chim cất tiếng hót líu lo như đang đón mừng nắng mới của mùa xuân. Những tiếng pháo nổ đì đùng từ xa như khơi động mạch xuân tràn chảy vào không gian. Bỗng dưng con chị nhận ra một điều lạ lẫm. Nó không nghe thấy tiếng gọi nhau ơi ới, nô đùa náo nhiệt thường ngày của bọn trẻ hàng xóm ngoài bức tường thành dài của khuôn viên nhà nội. Có lẽ bọn trẻ hàng xóm cũng bị cha mẹ giữ trong nhà để viết khai bút đầu năm như chị em nó? Nhà nội và bác Cả cũng có điều khác biệt, không có bóng dáng một ai cười cười nói nói trong sân và không có lấy một tiếng gõ của chiếc khoen cổng. Chỉ thấy những hàng hoa được cắt tỉa gọn gàng thẳng tắp làm nổi bật màu trắng mới của nước vôi, cái vòm hình vòng cung cao đài các ở hiên trước và vẻ nguy nga tráng lệ của ngôi nhà. Vào lúc này, không vang vọng tiếng pháo nổ, không xôn xao tiếng nói cười. Mọi vật dường như lắng chìm vào thế giới trầm lặng lạ thường của ngày đầu năm. Có lẽ vì mọi người, giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, đều sợ bị đổ thừa đạp đất nhà người khác nên chẳng có một ai ra đường. Và cũng có lẽ họ đang chờ người khác đạp đất xong mới đi viếng nhà nên mọi căn nhà và mọi con đường  trong thành phố vắng vẻ đến tận trưa. Con chị đưa mắt nhìn xa tận phía sân gạch sau ngôi nhà lớn, qua các hàng cây trong vườn, rồi đến cái giếng nước; đâu đâu chẳng thấy một bóng người. Giờ này có lẽ bà nội, hai bác Cả, hai cô đang ngồi trong phòng khách của ngôi nhà lớn để chờ con cháu về chúc Tết. Mỉm cười với không gian yên lặng, con chị cảm thấy như thiêu thiếu tiếng la hét thường ngày của cô Út. Nó đăm chiêu suy nghĩ và luyến tiếc nhớ những buổi chợ Tết và không khí của những ngày trước Tết. Những ngày trước Tết, người người đua nhau mua sắm tấp nập cho nên đâu đâu cũng nhộn nhịp và rộn ràng; trái lại, vào những ngày Tết như bấy giờ không gian gần như lắng trầm trong yên lặng nếu không có những loạt nổ đì đùng của những tràng pháo. Tết là dịp mọi người trong gia đình quây quần bên nhau để cúng kíến, chúc tụng, ăn uống, chơi cờ, hay đánh bạc. Ngày tết trong căn nhà nhỏ của ba mẹ con nó chẳng khác gì ngày thường bởi vì bà mẹ không thể sửa soạn mâm cao cỗ đầy, chẳng một ai trong ba người biết chơi cờ bạc và cũng chẳng bao giờ họ chúc tụng với nhau những lời khách sáo. Cả ba mẹ con cứ như là một; họ không bao giờ câu nệ, màu mè với nhau mà luôn luôn cùng nhau tuân theo những tập tục mà những người trong ngôi nhà lớn áp dụng. Và bởi vì cái khác nhau giữa sự thanh đạm, đơn giản trong gia đình riêng của ba mẹ con nó và cái sang trọng, kiểu cách của đại gia đình trong ngôi nhà lớn của nội mà nó cảm thấy sự xôn xao của Tết  và những ngày đầu xuân chỉ là lúc tất cả bà con của đại gia đình họ Hoàng họp mặt tại ngôi nhà lớn. Vào lúc ấy, tất cả những người họ hàng sẽ làm cho không khí trong nhà nội của chúng vui vẻ hơn và huyên náo hơn lên.
               Bất chợt, không gian trầm lặng đang vây quanh con chị bị khuấy động bởi tiếng đàn phong cầm ngân vang từ phía bên kia đường. Tiếng đàn réo rắc, lan tỏa khắp nơi trong xóm như muốn phả vào mùa xuân niềm vui sống. Mắt con chị sáng ngời sung sướng. Năm nào cũng vậy, ông láng giềng người Hoa trước nhà thường dạo phong cầm bài hát người con gái Trung Hoa xinh đẹp và những bài hát mùa xuân. Con chị rất thích nghe tiếng đàn du dương ngợi ca người con gái Trung Hoa xinh đẹp quen thuộc bởi vì khi nghe bài hát này, nó hiểu là ông người Hoa kia sẽ đàn những bài xuân Việt kế tiếp. Năm nay không hiểu lý do gì ông đã không chơi bài cô gái Trung Hoa xinh đẹp nào đó mà khởi đầu bằng khúc ca xuân của người Việt. Con chị hát thầm theo tiếng nhạc “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới. Lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi thắm. Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”
              Con em đặt dấu chấm cuối cùng cho bài thơ xong, quẳng bút trên bàn, reo:
- Em viết xong rồi!
Giật mình, con chị gắt to:
- Xong thì thôi, có gì la dữ vậy!
- Em mỏi tay quá! Nhưng mà em viết đẹp hơn chị đó!
Con chị chun mũi, hất mặt, nói móc:
- Giỏi sao không tự viết đi, chép của chị chi vậy?
Rồi nó lại lắc lư đầu và ngâm nga theo điệu nhạc của tiếng đàn. Nhìn điệu bộ của con chị, con em bắt chước lắc đầu qua lại và ngâm nga hát theo.
Bà mẹ nói:
- Ngồi đó mà hát hò! Viết xong rồi thì lo cất giấy tờ, viết mực gọn ghẽ để lấy chỗ mà tiếp khách!
Hai đứa nhỏ vừa đứng lên, tiếng khoen gỗ của chiếc cổng nhà bác Cả vang lên, cả hai vội vàng chồm người về phía trước, dí sát mắt vào song cửa.
Con em  reo lên mừng rỡ:
- Gia đình của anh Ký chị Trịnh đến rồi!
Con chị hòa theo em:
 - Ba đứa con trai lớn của anh chỉ cũng về nữa kìa! Minh Toàn nè, Minh Thành nè, Minh Trung nè, và ba đứa Thúy Phương, Thúy Phong, Thúy Phi nữa! Vui quá vui đi!
Tiếng sủa của hai con chó Kiki và Vàng dồn dập, tiếng người la chó, tiếng cười, tiếng nói lao xao trước cổng đã khiến cho ngôi nhà lớn trở nên rộn ràng, và nhộn nhịp hơn bất cứ ngày nào trong năm. Hai chị em con nhỏ cuống quýt chạy ù đến cửa ra vào để nhìn ra cổng trước rõ ràng hơn. Bà mẹ trách chúng:
- Không được đứng giữa cửa vào ngày đầu năm! Hai đứa trở vào dọn dẹp bàn mau lên đi!
Con em nấn ná nhìn ra ngoài cổng trước một lúc rồi nhảy cỡn lên:
- Có gia đình cô Bảy Mỹ đến nữa! Đông quá! Nhiều người đến vui ghê!
Bà mẹ nói:
- Bây giờ ba má con mình có thể vào nhà bà nội để chúc Tết được rồi. Các con dọn dẹp hết giấy viết trên bàn đi rồi đi!
      Con chị hối hả chạy đến bàn học, vừa cất giấy và viết vào cặp, vừa giục em:
- Vy dọn tờ giấy khai bút của em nè! Muốn đi nhanh mà cứ rề rà.
Con em nghe chị, nhét vội các thứ còn lại trên bàn vào cặp của nó rồi cùng chị đi lấy giày.
Trước khi bước ra khỏi nhà, bà mẹ căn dặn hai đứa nhỏ chuẩn bị những câu chúc Tết mà bà đã tập cho chúng tối hôm trước rồi dắt chúng đi về phía ngôi nhà lớn.

<< Chương Mười Hai | Chương Mười Bốn >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 796

Return to top