Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21421 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ
Dương thu Hương

Chương 15

Khoảng một tuần sau, Vũ Sơn tới nhà tôi:
- Này cậu…
Anh nói ngay khi tôi vừa ló mặt khỏi cửa.
- Vợ cậu Dương đã đem người vào tận trong trường yêu đánh cô Hạnh, làm đơn kiện gửi lên khoa, chuyện lôi thôi lắm…
Tôi lẳng lặng dắt xe ra đường. Chúng tôi cùng đạp xe vào trường y. Chiếc bàn máy may của Hạnh trong khu nội trú phủ kín vải, trên đó đặt một chiếc hòm gỗ nhỏ và tất cả được chằng néo bằng những sợi dây thừng chắc chắn. Các cô bạn trong phòng bảo Hạnh vắng mặt đã ba hôm nay. Cô xin phép nhà trường về quê thăm bà mẹ ốm. Chúng tôi quay xe, lại đạp một mạch tới nhà Thanh Dương, suốc dọc đường chẳng ai nói với ai câu nào. Vợ Dương có nhà, chị ta đang nấu bún bung đãi bạn cùng cơ quan. Không đợi hỏi, chị ta té tát bảo chúng tôi:
- Thằng cha ấy biến rồi, biến rồi… Chẳng hiểu đi Sài Gòn hay Đà Nẵng.
Chúng tôi vừa định cất tiếng chào, người đàn bà đã xoay lưng vào. Vũ Sơn bật lời chửi tục:
- Cái con mẹ thần đanh đỏ mỏ. Ta đi đi thôi…
Dọc đường, anh hỏi:
- Cậu biết tại sao Thanh Dương đi miền Nam đột xuất thế không?… Cái thứ báo của cậu ta làm có yêu cầu khẩn thiết như vậy? Chẳng qua đây là mưu kế của anh chàng: Trong ba mươi sáu chước, chước chuồn là êm hơn cả… Thật khốn khổ: Người ta ý thức được sự hèn hạ nhưng vẫn cứ ứng xử một cách hèn hạ như thường. Tôi không biết sự việc tiến triển đến đâu, nhưng cậu sẽ thấy chẳng bao giờ cặp tình nhân này đi tới hôn nhân cả. Mơ ước và diễn đạt mơ ước là đặc tính chung của cả nhân loại, nhưng khả năng biến nó thành hiện thực thì chỉ có một số người. Dương không nằm trong con số đó. Bao giờ cậu ta cũng muốn có mọi thứ. Kẻ muốn có tất cả mà không chịu bị tước đoạt một điều gì thì suốt đời sẽ là kẻ trắng tay. Tôi xin lấy đầu tôi ra đánh cược…
Chúng tôi chia tay. Nhưng từ hôm ấy, tôi thắc thỏm về Hạnh. Hình ảnh cô buổi đầu tiên đã gieo cảm xúc dịu dàng, tươi mát và những cảm xúc ấy được vĩnh định trong tâm trí tôi. Tôi không thể, tôi không thể nào chịu được nếu như cô bất hạnh, lần thứ hai sự oan trái của số phận lặp lại với những người đàn bà đáng được hưởng niềm yêu mến trên cõi đời. Ý nghĩ về thiếu phụ má hồng trở lại ám ảnh, cùng với lo âu, và khát vọng.
Ngày lại ngày nối nhau qua. Thấm thoát đã nửa tháng tròn, một chiều thứ bảy, tôi tới rủ Vũ Sơn đi xem nhảy. Trong lúc trai thanh gái lịch thành phố đã đổi bao nhiêu đôi giày, tôi vẫn nguyên vẹn là một chàng quých. Không phải vì thân hình quá xấu xí, vụng về hoặc lỗ tai điếc nhạc, nhưng tôi luôn có mặc cảm về hình thức nghệ thuật mới du nhập này, nó xa lạ như cái nĩa, hoặc chiếc dao ăn đối với bữa cơm chan canh riêu cua, cà muối xổi của dân ta. Không tập nhảy, nhưng xem người khác nhảy tôi lại thích. Tối hôm đó tôi định bụng rủ Vũ Sơn tới một sàn nhảy ở phố H, nơi tụ tập của các tay chơi từ thời trước giải phóng Thủ đô. Họ đã ngoài năm mươi, nhưng ngọn lửa đam mê chưa tắt. Cả đàn ông lẫn đàn bà giàu ăn mặc cực kỳ lịch sự, khác hẳn lối trang phục thực dụng, ẩu tả của đám trai trẻ ngày nay. Các ông, đồng phục trắng, cra- vát đen. Các bà áo dài, quần trắng là khuôn hộp. Những đôi giày nhung cao gót cất kỹ bao năm trong rương giờ lại được đem ra, cả những chuỗi hạt trai hoặc những chiếc kiềng vàng chạm tinh xảo. Họ xuất hiện trên sàn nhảy, như một bó hoa lẫn mùi bụi thời gian. Đám trai trẻ đứng lặng đi mà ngắm họ dìu nhau trong các điệu van cổ, các điệu tăng- gô, Pa- đô- đốp và những bước nhảy tinh xảo khác. Vũ Sơn chưa bao giờ được chứng kiến cảnh ấy. Tôi bảo anh:
- Nhà báo mà thế thì lọ qua. Tôi sẽ đưa anh đi.
Anh đang trùm chăn đọc tiểu thuyết của Hen- rích Rơ- mác; lắc đầu chối đây đẩy:
- Thôi thôi, lọ cũng được. Ra ngoài bây giờ phải mặc quần áo, ngại lắm.
Tôi nhắc lại:
- Đi đi, buổi tối hôm nay sẽ có lợi cho nghề nghiệp của anh. Đêm về đọc Rơ mác càng thú.
Vũ Sơn ậm ừ một hồi rồi mới đứng dậy thay quần áo. Lúc anh choàng áo khoác và quấn phu- la xong, Hạnh xuất hiện. Cô khiến cả hai chúng tôi giật nảy lên:
- Các anh chuẩn bị đi đâu thế này?
Tiếng nói cô trầm, hơi khàn vì lạnh. Nó hoàn toàn khác biệt giọng nói trong veo của cô Thúy Hạnh giữa những chậu cảnh tỉnh lỵ Q. Mặt cô gầy hóp, gò má nhô lên, cặp mắt mênh mông, rực lửa như hai ngọn đèn.
Vũ Sơn đáp hối hả:
- Vào đây, vào đây đã…
Anh khép cửa lại cho đỡ lạnh rồi nói thêm: Cậu Nam rủ tôi đi xem thiên hạ nhảy. Chẳng là vô công rồi nghề thì đến đấy cho qua thì giờ. Nhưng cô đến, chúng tôi ở nhà thôi.
Nói rồi, anh kéo cô gái ngồi xuống ghế:
- Cô rửa mặt nhé, nước nóng trong phích đây.
Hạnh lắc đầu:
- Cảm ơn, em đã vào trường thay quần áo và tắm gội. Tàu đến ga từ lúc hai giờ chiều.
Im lặng vài giây, cô nói thêm:
- Các anh cũng đừng băn khoăn, trước khi tới đây em đã ăn no rồi.
Vũ Sơn pha ấm trà mới. Tôi ngồi xuống bên anh, chờ đợi. Cả ba chúng tôi cùng uống trà, không nói gì thêm nữa. Hết tuần trà này tới tuần trà kia, cho tới khi ấm nước khô kiệt. Lúc ây, cô gái bắt đầu nói:
- Anh ấy đã bỏ trốn sau khi gửi cho em mấy dòng chữ báo tin bị biệt phái vào phía Nam. Lúc ấy, đột nhiên em thức tỉnh. Trước kia, em tin anh ấy hơn tin sự thật. Giá anh ấy có bảo: tất cả đồ vật và nhân loại tồn tại trên trái đất này chỉ là những bóng ma, chỉ riêng anh ấy là người, là một sinh linh thật sự có vui buồn, sướng khổ, em cũng sẽ tin điều ấy là chân lý. Nhưng, chính vào lúc nhận được mấy dòng chữ xiên lệch, hốt hoảng ấy, em đã thức tỉnh. Em hiểu mình rơi vào tình thế nào. Suốt ba đêm liền, em đã khóc tới mức không còn mở nổi hai mắt. Có lúc em nghĩ: cứ cho mình mù quách đi lại hay… Nhưng sau đó, em thấy ý nghĩ ấy mù lòa. Em nổi lên ham muốn nhìn thật rõ rành, nhìn đến chân tơ kẽ tóc con người mình đã từng si mê, thờ phụng. Có lần, bố em bảo: Trời sinh cho ta hai con mắt để nhìn, nhưng không phải chỉ một lần là thấy rõ mọi sự… Em nhớ tới câu nói của ông cụ, nhớ tới quãng thời gian cụ đau khổ và hiểu rằng em cũng phải trả giá cho sự thức tỉnh của chính mình. Em xin phép nghỉ, lẳng lặng thu xếp tiền nong, quần áo mua một chiếc vé xe lửa vào Đà Nẵng. Người bạn cùng cơ quan với anh ấy cho em địa chỉ của ban tuyên giáo tỉnh. Anh ta còn vẽ cả sơ đồ phòng làm việc và khu nhà khách. Ở phòng trực, em nói với bà già gác phòng rằng em là em gái của Dương, vào tìm anh đột xuất vì cha ốm nặng khó bề qua khỏi. Từ nhỏ tới lớn, dù khá tinh nhanh và có giọng hát tạm được nhưng em chưa bao giờ đóng kịch vì ghét sân khấu. Nhưng lúc đó, chắc em đóng vai khá đạt nên bà già trực phòng xuýt xoa tỏ vẻ cảm thông rồi dẫn em tới gặp cô quản lý. Cô này khoảng ngoài ba mươi tuổi, nói năng nhẹ nhõm nhưng cứng rắn. Cô ấy chỉ cho em nơi tắm giặt rồi bảo ra phòng khách ngồi chờ. Phòng khách rộng như một hội trường, các dãy ban ghế thênh thang chạy từ đầu nọ tới đầu kia. Không có ai nhưng quạt trần xoay vù vù. Em ngồi ghế, ngủ thiếp đi lúc nào không rõ. Khoảng chừng nửa giờ hoặc một giờ sau, có người đập nhẹ vào vai:
- Nè, dậy đi em.
Cô quản lý phòng cúi nhìn ái ngại:
- Thôi, tôi sẽ phá bỏ nguyên tắc kỳ này. Em vào phòng của anh Dương mà nghỉ tạm. Lát sau, ảnh về tôi sẽ bố trí phòng khác.
Cô ấy giao cho em chiếc chìa khóa lớn bằng đồng, đưa em tới tận cửa phòng số 38. Em đóng chặt cánh cửa, sau khi cảm ơn người đàn bà có giọng nói nhẹ như lông chim. Không còn buồn ngủ chút nào, em tới bàn làm việc, lật giở những tờ báo và những trang bản thảo. Trong đám giấy tờ, em tìm được hai lá thư này…
Hạnh ngừng lời. Cô kéo chiếc túi da roẹt một tiếng từ đầu bàn phía kia lại, mở khóa, rút ra hai tờ giấy rộng khổ, trắng như giấy cuốn thuốc lá, mỗi tờ gập làm tư. Thi sĩ thích dùng loại giấy đó, tôi đã được anh đọc thơ cho nghe vài ba lần, tôi nhớ nét chữ đều đặn, cực kỳ bay bướm cậu anh trên nền giấy lụa vừa mềm vừa trắng. Vũ Sơn mở ra: Hai lá thư được viết cầu kỳ, trang trọng. Lá nào cũng đặc kín từ đầu tới cuối trang giấy. Và thư nào cũng mở đầu bằng dòng chữ Em muôn vàn yêu thương…
Bức thứ nhất như sau: Em muôn vàn yêu thương.
Hạnh của anh, khi em đọc những dòng chữ này chắc anh chỉ còn là bóng dáng vật vờ cậu sự sống. Nguồn sinh lực của đời anh khô cạn kể từ ngày anh đặt chân lên thang máy bay, bay vào vùng đất anh vốn ghét cay ghét đắng. Ở đây vừa nóng vừa hanh thời tiết lạ lùng, con người cằn cỗi. Bất cứ người đàn bà nào gặp trên đường phố cũng khiến anh phải quay mặt đi. Họ đen như những bắp ngô bị nướng sém, và họ khoác những tấm áo màu sặc sỡ như những mụ đàn bà xỏ lỗ mũi châu Phi. Càng nhìn họ, anh càng nhớ em, quý trọng và si mê em. Đời anh may mắn biết chừng nào, hạnh phúc biết chừng nào từ khi ta gặp nhau. Nếu tâm hồn anh, trái tim anh bị khô kiệt, bị cằn lụi đi trong quãng đời chung sống với người đàn bà cay độc và ích kỷ mà anh buộc phải gọi là vợ thì nó đã được tưới mát, hồi sinh lại trong tình yêu cao cả, của em. Những bài thơ anh như con suối đầy ắp. Những ý tưởng mới mẻ, táo bạo, tươi nhuần, dâng tràn như con lũ tràn qua bờ cát… Hạnh yêu thương, có lẽ chính em cũng không biết rằng em đã đem lại cho anh những gì?… Rằng trong anh, em cao lồng lộng như những đền đài linh hiển. Cả tâm hồn và thân xác anh tươi trẻ lại, biến đổi và trở nên thuần khiết trong mối tình ấp ủ của em. Em cho anh hạnh phúc, em còn gánh chịu khổ đau. Tại sao anh không thấu hiểu điều ấy? Anh chịu ơn em, đối với anh, trên cõi đời không có thánh thần tồn tại chỉ duy nhất một vị thần tình yêu đau khổ, đó chính là em. Anh hiểu rằng, dù em có oán trách, sỉ nhục anh vì những đau đớn oan nghiệt em phải chịu, anh vẫn chỉ có quyền yêu thương và thờ phụng em. Lòng khoan dung và vị tha của em còn lớn hơn thánh thần. Hoàn cảnh của chúng ta khắc nghiệt. Muốn tìm đến hạnh phúc, cả anh lẫn em còn phải trải qua một đoạn đường dài đầy thử thách. Đương nhiên, anh biết người chịu phần nặng nhọc hơn chính là em. Nhưng xin em kiên tâm, cho anh đủ thời gian để xóa bỏ cái quá khứ buồn bã và nhơ nhuốc của mình. Phải có thời gian, em thấu hiểu cho anh, vì còn quá nhiều mối dây ràng buộc phải tháo cởi, mà anh vốn là người nhân ái, không thể tàn nhẫn với bất kỳ ai…
Hạnh yêu thương của anh, từ ngày vào đây, hình ảnh em đêm ngày chế ngự anh. Anh đếm từng khắc trôi qua cùng với sự hao mòn thể lực của chính mình. Lúc này, nếu em ở đây chắc em se không nhận được người em yêu trong hình ảnh một bộ xương biết di động. Hãy viết thư cho anh Hạnh nhé, bởi vì chỉ một dòng chữ của em cũng sẽ đem cho anh bao nhiêu niềm vui sống.
Người yêu em hơn cả chính đời mình.
Thanh Dương
Bức thư thứ hai như sau: Em muôn vàn yêu thương.
Từ ngày rời xa em và các con, anh gầy rộc đi vì mất ăn mất ngủ. Tâm trí anh như con thuyền lênh đênh không chèo lái, quay cuồng giữa cơn gió dữ. Nguyệt Nga yêu thương, giờ này em còn giận anh không? Anh xin em, ngàn lần xin em thông cảm và tha thứ. Trong đời người đàn ông, có những khoảnh khắc yếu đuối, những khoảnh khắc ma ám - như các cụ nói từ xưa - và chính lúc ấy họ thường mắc phải những sai lầm. Giống một cơn sốt, một trận say rượu, những tình cảm phù phiếm ấy sẽ qua đi. Dòng đời sẽ cuốn trôi mọi rác rưởi và bèo bọt. Nếu em là đàn ông, em sẽ hiểu rằng đối với họ, vợ cái con cột là ngôi đền linh thiêng nhất mà họ phải thờ phụng, là lâu đài duy nhất mà họ phải tu sửa và xây đắp. Không có thứ nhan sắc nào, không có sự mầu nhiệm nào của đức hạnh lẫn tài trí cuốn hút được người đàn ông rời khỏi ngôi đền linh thiêng, tòa lâu đài bền chặt ấy. Cho dù trong cơn hoảng loạn, họ có ra đi thì sẽ tới giây phút họ quay trở lại, phủ phục trước những bậc thềm, cầu nguyện cho một hạnh phúc êm ấm và trường cửu. Nguyệt Nga ơi, sao em có thể tin rằng anh toan tính bỏ em. Tình chồng vợ của ta lâu dài, hai đứa con ta đẹp như ngà như ngọc, và những mối tương giao khác đã kết chặt cuộc đời của anh và em thành một khối. Không sức mạnh nào chia cắt được? Cho dù Hạnh trẻ tuổi và xinh đẹp hơn em, nhưng người vợ phải là người cầm cân nảy mực trong gia đình mà cô ta vốn tính hoang tàng, sống ngày nay không biết tới ngày mai. Nhiều lần, khi Hạnh thịt gà, anh thấy cô ấy chặt phắt cái đầu và đôi chân ném sọt rác. Người đàn bà như thế khiến anh rùng mình ghê sợ. Không bao giờ anh nghĩ tới chuyện liên kết đời sống với Hạnh bởi cô ấy không phải sinh ra để làm vợ, một người vợ cần cù, tần tảo như em. Anh đã có em rồi, sao anh lại bỏ em như một gã điên khùng bỏ mồi bắt bóng. Nguyệt Nga yêu thương, đừng giày vò anh nữa, hãy tha thứ cho anh. Em hãy là người vợ cao cả và khoan dung của anh, người đã vun đắp sự nghiệp cho anh và ban phát cho anh hai thiên thần xinh đẹp. Dù đi tới đâu, lang bạt tới phương trời nào, anh cũng sẽ trở về neo nghỉ nơi bờ bến của em. Hãy viết thư cho anh Nguyệt Nga nhé, và bảo các con viết thư cho bố chúng nữa. Ở xứ này, không có thư của em và con, anh khô héo từng ngày.
Người chồng mãi mãi của em.
Thanh Dương.
Chúng tôi đọc lần lượt từng lá một, rồi xếp lại như cũ. Vũ Sơn cúi xuống gầm bàn, rút chiếc điếu cày lên, nạp thuốc rít ro ro. Rồi hóp hai má lại, anh thở khói đầy phòng. Một con muỗi đến tới đậu trên tay Vũ Sơn anh ngồi im chờ đợi, khi chú muỗi đã cắm vòi vào chích anh mới giơ tay kia đập bét một tiếng:
- Tiên sư mày!
Chú muỗi đói chết bẹp gí. Vũ Sơn chùi vào quần, rồi ngẩng lên:
- Sau, cậu ta có phát hiện ra việc cô đọc hai lá thư ấy không?
Hạnh gật đầu:
- Có. Năm giờ chiều anh ấy trở về, mặt đỏ lựng và miệng nồng nặc hơi bia. Thấy em ngồi trong phòng, anh ấy giật bắn người như bị điện giật. Rồi anh ấy lấy lại vẻ vui sướng rất mau lẹ, mau lẹ hơn tia chớp rạch qua bầu trời. Lúc đó, người em nổi gai ốc, em muốn khóc, muốn xỉu xuống và chìm vào một giấc ngủ vĩnh viễn. Rồi câu nói của bố em lại vang lên: Sự đời không chỉ nhìn một lần mà thấy được… Tới đó, ý chí tồn tại, lòng ham muốn được nhận biết đời sống mạnh hơn. Em nhìn Dương, thấy anh ấy như một thứ đồ vật mà em có nghĩa vụ phải khám phá cho tường tận, tuồng như cái tủ cần được kiểm tra xem có bao nhiêu lỗ mọt, như căn nhà đã bị hư nát bao nhiêu rường cột, một trái ổi cuối hè bị sâu khoét tới đâu… Ngày trước, bố em vẫn bảo với mọi người: Con Hạnh trán dô, bướng lắm, bướng nhất trong đám con gái họ Lê. Lúc ấy, em hiểu rằng bản tính ương bướng đã giúp em nghị lực để vượt qua đắng cay và tuyệt vọng. Em ghìm giữ nước mắt, mỉm cười và bảo Dương: Em vừa được đọc hai lá thư của anh, hay lắm… Nghe tới đó, Dương xô lại như muốn chụp giữ hai tờ giấy phản phúc. Nhưng khi biết điều đó vô vọng, anh nhún vai nói:
- Em xem cái trò nhảm nhí ấy làm gì? Người ta có thể viết đến một ngàn lá thư như thế mà chẳng có một ý tưởng thật trong đầu. Xưa nay đã có câu: Lời nói gió bay… Ngôn từ cuối cùng vẫn chỉ là ngôn từ đơn thuần và vô giá trị. Điều em cần nghĩ tới là tình yêu của anh, là niềm si mê của anh với em có đích thực hay không?
Lúc đó, em đã nói:
- Cả hai lá đều đích thực: Tình yêu và sự phản bội. Dương bảo em cần phải tha thứ cho anh ấy, vì nếu không có những lời lẽ vuốt ve mơn trớn con quỷ cay độc kia (anh ấy thường gọi bà vợ như vậy) sẽ nổi cơn ghen tuông điên khùng, hành hạ em nhiều hơn nữa. Dương nói rằng chỉ vì em mà anh ấy viết những lời dối trá ghê tởm, người trọng danh dự phải hành động như thế là cực hình. Rằng kẻ đui mù cũng nhận thấy tình yêu và lòng ngưỡng mộ của anh ấy với em: Nào tuổi trẻ, nào nhan sắc, nào đức hạnh và kiến thức… tất cả những phẩm chất ấy không có người đàn bà thứ hai nào trong cõi đời sánh được…
Vũ Sơn bỗng nhiên bật cười khành khạch. Tôi bất giác cũng cười theo mặc dù đang nóng ruột muốn biết câu chuyện tới đâu. Hạnh chờ cho chúng tôi im lặng, kể tiếp:
- Cuối cùng, Dương tuyên bố rằng em đã cố tình không hiểu anh ấy, rằng em đã đẩy anh ấy tới một tình trạng tuyệt vọng không thể cứu gỡ: Thà cô cho tôi một liều thuốc ngủ vĩnh viễn còn hơn…
Vũ Sơn tủm tỉm cười:
- Lúc ấy, cô nói sao?
Hạnh đáp:
- Lúc đó, em điềm nhiên đáp: Em sẵn sàng giúp anh và móc trong túi gói thuốc độc bảng Anh đủ cho hai người chìm vào giấc ngủ ngàn năm. Kỳ thực, đã có lúc em định dùng tới nó, trong những đêm mất ngủ ở khu nội trú. Nhìn thấy gói thuốc, mặt Dương tái xanh. Anh ấy bảo: Tôi cần viết thư vĩnh biệt hai con trai tôi, chúng là những đứa trẻ vô tội. Em đáp: Hãy viết đi, em chờ anh. Và em ngồi chờ, gói thuốc trong tay…
- Khá thật…
Vũ Sơn bật kêu to và anh làm một cử chỉ đường đột mà tôi không ngờ: ôm đầu Hạnh, anh ghì vào ngực mình, kiểu như một người anh trai âu yếm cô em út.
- Cô khá hơn tôi tưởng. Anh nói thêm.
Tôi sốt ruột bảo Vũ Sơn:
- Lặng im đã. Rồi chuyện ra sao?
Hạnh kể tiếp:
- Viết thư xong, Dương đưa cho em đọc và anh ấy gục đầu xuống bàn, nức nở. Giá như trước đây, chắc chắn những giọt nước mắt ấy sẽ nhỏ vào tâm hồn em như những giọt cường toan. Nhưng lúc đó, trái tim em trơ lì, chai cứng tựa một mảnh da thuộc phơi khô. Những giọt nước mắt của Dương rơi xuống như những giọt mưa vuột qua lá khoai sọ, không mảy may dấu vết. Em đọc lá thư dài, sướt mướt, đau khổ. Những câu chữ đối với em vô giá trị vì chúng đã bị hủy hoại, chúng chỉ còn là một chút mực khô trên lớp giấy mỏng, vô hồn. Đọc xong, em trả cho Dương: Thư anh viết xúc động đấy, em sẽ đưa tận tay con trai lớn của anh. Và rồi, em tới bên bày tự tay rót đầy một cốc nước: Bây giờ, anh hãy uống đi…
Hạnh ngừng lại, cô chìa tay ra hiệu bảo tôi rót cho cô một chén nước. Sau khi uống cạn chén nước ấy, cô bật hỏi:
- Em đố các anh, Dương đã làm gì?
Tôi lắc đầu, còn Vũ Sơn lại cất tiếng cười khành khạch. Rồi anh nạp mồi thuốc lào, hút ro ro. Đám khói mù mịt mà anh phả ra khiến cả hai chúng tôi đều ngộp thở. Hạnh cất tiếng ho trước tôi sau. Dăm phút sau, làn khói tan loãng, không khí trong phòng trở lại bình thường, Hạnh kể tiếp:
- Dương òa khóc, vừa đấm ngực vừa nói: Đời sống đối với tôi chẳng có giá trị gì. Tất cả đã chấm hết. Nhưng còn thơ ca, sự nghiệp của tôi, tôi không thể từ bỏ nó. Ba nhà xuất bản đang in thơ tôi, giải thưởng thơ quốc gia năm nay sẽ không rơi vào tay ai khác ngoài thi sĩ Thanh Dương, lá cờ đầu của phong trào thơ trẻ sẽ không còn ai cầm giữ nếu tôi từ bỏ… Không, tôi không thể tìm cho một lối thoát nhẹ nhàng mà phải nghĩ tới sự nghiệp chung. Một nghệ sĩ đích thực không được quyền sống ích kỷ.
Vũ Sơn hỏi:
- Lúc ấy, cô nói sao?
Hạnh đáp:
- Em đã phá lên cười, cười sặc sụa như một con điên…
Nói tới đó, nước mắt cô bỗng tràn qua mi ròng ròng chảy. Gương mặt cô, luôn giữ vẻ rắn rỏi giờ đau đớn, nhợt nhạt xen lẫn nét ngơ ngác chỉ có được ở những con người chưa hết dò tìm đời sống. Những cơn nức nở ập tới, mỗi lúc mỗi dồn dập. Lời nói của người con gái bị ngắt ra từng đoạn ngắn, lộn xộn và rối loạn:
- Em không ngờ… Không ngờ được… Giá như anh ấy đủ can đảm uống thuốc, chắc chắn không ai nỡ để cho anh ấy chết. Em sẽ còn giữ lại được lòng tin và sự quý trọng… Nhưng anh ấy đã quá…
Vũ Sơn cất tiếng quát:
- Thôi đi, đừng khóc nữa. Nó đã đóng trò, thì nó phải biết hạ màn đúng chỗ. Dại gì đổi mạng sống để thêm vào một lớp tuồng hay. Hóa ra cô vẫn là đồ ngớ ngẩn… Nhưng này…
Anh vỗ vai Hạnh, nâng gương mặt đầm đìa nước mắt của cô lên:
- Đừng buồn. Cô phải cảm ơn Dương vì nhờ cậy ấy, cô có thêm một kinh nghiệm lý thú trong đời sống. Vì nhờ tình yêu của cậu ấy, cô đã từ bỏ tỉnh lỵ trở lại trường y theo học. Cần phải công bằng với mọi giá trị lịch sử. Hãy coi cậu ấy như một chất xúc tác để sự va đập giữa cô với đời sống xảy ra mau lẹ hơn, mạnh mẽ hơn. Không một cá nhân nào đủ cho ta thất vọng cả, cô bé ạ. Bởi vì đời sống là một toàn thể hùng vĩ, luôn chuyển động và tự hoàn thiện trong từng phút, từng giờ. Cần phải biết đêm đen tới đâu để hưởng thụ được mỗi tia mặt trời rọi trên mặt đất. Cần phải biết cái phần tăm tối của con người để xây dựng một nhân cách bền chặt trong cõi đời… Đừng có khóc, tôi muốn cô phải cười, cô bé tỉnh lỵ, cười lên…

<< Chương 14 | Chương 16 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 408

Return to top