Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21419 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Các Vĩ Nhân Tỉnh Lẻ
Dương thu Hương

Chương 5

Vết rách ở đuôi mắt tôi đã thành sẹo. Tuy vậy, đôi khi, hình ảnh người thiếu phụ nhỏ bé có nước da ngà và cặp mắt đam mê luôn mở rộng, luôn nhìn đời như tìm kiếm hiện lên trong óc não tôi. Cứ mỗi lần ấy, tôi lại thấy chị mới lạ như từ một ngọn triều xa ngái trở về. Nhưng rạch cây, những vườn cà, vườn ớt, bờ đê dốc và dòng sông gào réo sủi bọt… tất cả tạo dựng lại khoảng không gian khoáng đạt, lồng lộng mây gió, mời gọi, xáo trộn, uy hiếp tâm hồn vốn dĩ bình lặng của tôi. Có một tiếng nức nở, yếu ớt, nhưng không thể dập xóa được cất lên dai dẳng trong đáy sâu trái tim thầm kín, không sao cắt nghĩa nổi nó từ đâu tới, không sao hiểu được nó sẽ đi về đâu như cơn mê triền miên ám ảnh. Giữa các cuộc chơi, giữa những buổi giao tiếp ồn ào, vui vẻ, tôi chợt nhớ tới lưỡi cát vàng, bờ đê nghiêng nghiêng, và ngọn núi in vẻ đẹp cô đơn xuống lòng hồ. Có lẽ, mình cần trở lại nơi đó một lần nữa chăng? Có lẽ, cảnh phố xá đông đúc muôn thuở đã gieo vào mình nỗi thèm khát thiên nhiên, và nỗi thèm khát ấy chưa thỏa?…
Một sáng, tôi đang ngồi rọc tờ báo mới cho bố, chợt có tiếng nói rụt rè:
- Em xin hỏi các bác, đây có phải nhà cậu Nam không ạ?
Tôi ngẩng lên, một bà già nhỏ bé đội thúng gạo nếp, tay xách nải đứng thập thò trước cửa.
- Cháu là Nam, xin mời bác vào.
Tôi đáp lời, đỡ thúng gạo trên đầu bà lão xuống. Bà đưa mắt rụt rè liếc quanh căn buồng, sờ lên mặt chiếc ghế mây như thử xem có chắc chắn không rồi mới ngồi lên. Tôi pha trà, rót mời bà. Bà bưng chén trà, đắn đo, rồi đặt xuống:
- Tôi là mẹ cháu Hồng - Bà tự giới thiệu với nỗi bối rối.
- Cái con bé bữa trước bị chồng đánh.
Thấy tôi à lên một tiếng, hai mang tai bà lão đỏ ửng, bà cúi mặt, nói tiếp:
- Tôi vừa ở đằng nhà báo Vũ Sơn lại đây. Anh ấy nói rằng cậu là người cứu cháu. Thằng chồng con bé đã đánh cậu rách mặt mà cậu không quản ngại… Chúng tôi có lỗi với cậu nhiều quá. Ở đời, con dại cái mang. Xin cậu cho hai chữ đại xá…
Chúng tôi có chút quà mọn, gọi là của bạc lòng thành…
Bà loay hoay cởi tay nải, lấy ra mấy khuôn bánh ngũ vị, một cân chè, một gói mứt sen và đặt tất cả lên thúng nếp:
- Thể nào cụ ông cụ bà cũng phải cúng hương hoa một tháng đôi lần, xin cậu vui lòng nhận.
Nói xong, bà lão ngước mắt nhìn tôi, van vỉ và buồn tủi như mắt kẻ tội đồ. Giây phút ấy, tôi chợt nghĩ rằng nếu tôi là con gái, tôi cũng trạc tuổi thiếu phụ kia, nếu sự bất hạnh rủi ro rơi vào số kiếp tôi, một ngày nào đấy mẹ tôi cũng sẽ phải bưng thúng gạo nếp và các thứ quà tặng kia tới nhà ai đó, nói với họ bằng giọng run rẩy, và ngước lên nhìn họ khẩn cầu. Sự liên tưởng ấy khiến tim tôi se lại. Tôi nói:
- Bác hãy coi đây là một hành động bình thường, cậu mọi người đàn ông.
Bà lão lắc đầu:
- Không, không, cậu đừng từ chối. Cậu từ chối chúng tôi đau lòng lắm. Từ thuở nhỏ tới nay, tôi chưa ăn ở bạc ác với ai, sao số kiếp trớ trêu, oan uổng…
Hai giọt lệ mờ đục trào ra từ đôi mắt sâu, mí đã gấp nếp nhưng còn ánh lên vẻ đẹp của thời xa xôi. Rồi những giọt khác nối tiếp nhau lăn qua gò má dăn deo, chi chít vết thời gian đầy ải. Bà lão cởi tấm khăn vuông đội đầu xuống, chặm nước mắt, hỉ mũi, cố chặn lại tiếng nức nở.
Tôi khép cửa, ngồi xuống chờ đợi. Lát sau, khi những tiếng nức nở dịu dần, bà cụ bắt đầu kể chuyện.
Ở làng Mơ, gia đình bà vốn là một nhà trung lưu, nền nếp, được mọi người kính nể. Ông bà cụ khéo tính toán làm ăn nên đời sống khá dư dật. Những dịp giỗ tết, cưới cheo, đình đám… trong làng ngoài xã không ai dám buông một tiếng ỉ eo. Ông bà cụ có ba con: hai trai, một gái. Anh con cả là sĩ quan, cấp tá đóng tít tận miền Nam, thi thoảng mới về làng, đem theo một cô vợ Sài Gòn những ríu rít như tiếng chim, quần áo là lượt, môi son má phấn. Thoạt đầu, người làng đi theo chị xem hệt như xem người ngoại quốc. Sau ve dịu dàng lẫn tiếng cười hồn nhiên của chị chinh phục được họ. Hai đứa con trai chị cũng nói giọng miền Nam nhưng cực kỳ kháu khỉnh, lễ phép, gặp ông già bà cả chúng đều vòng tay cúi đầu chào, khiến ai nấy nức nở khen ngợi. Lũ trẻ mất dạy trong làng phát ghen lên vì những tấm sơ mi sạch bong, không dây vết mực, những đôi dép đế kếp, những chiếc quần Jin thứ thiệt của chúng. Tóm lại, gia đình người con cả tuy xa xôi nhưng luôn nuôi giữ cho hai ông bà mối hãnh diện với bà con xóm mạc. Anh con trai thứ hai dạy cấp hai ở một huyện cách làng vài chục cây số. Tuần một hai lần anh phóng xe máy về. Ông bà cụ đã cưới cho anh một cô dâu hiền lành đảm đang, làm trong ban quản trị hợp tác. Người con dâu thứ hai tuy có kém nhan sắc nhưng bù lại, chị rất khéo léo chiều bố mẹ chồng, lo từ chai rượu của ông bố tới miếng trầu, tấm áo cho bà mẹ. Vả lại, chị khỏe mạnh, ngay từ năm đầu tiên về làm dâu đã đẻ cho hai cụ một đứa cháu trai lọt lòng vừa đúng bốn cân. Việc nặng trong nhà, một tay chị quán xuyến. Trai làng, dẫu xốc vác, chưa chắc đã có nhiều người giúp sức, lo toan mọi sự trơn tru như chị. Quả tình, trời đã cho hai ông bà đứa con dâu ấy để làm cột trụ trong nhà, gánh vác gia cảnh lúc họ vào tuổi xế bóng. Ngày ngày, cứ bế đứa cháu to như chiếc cối đá, trắng phau phau họ đã nở nang gan ruột, chẳng cần phải mâm cao cỗ đầy. Cả cuộc đời cần cù làm lụng, ăn ở có nhân có đức với kẻ dưới người trên của họ được đền bù xứng đáng nếu không có người con gái út, cái cô Hồng đa đoan kia…
Người con gái út thông minh, nhanh nhẹn từ thuở nhỏ. Lên năm lên sáu, cô bé đã chỉ huy cả đám trẻ chăn trâu trong làng đánh trâu vượt đầm, vượt sông dăm bảy cây số tới bãi cỏ xã khác. Xã ấy, toàn dân buôn nên ruộng bỏ hoang, cỏ đồng tốt lút chuôi dao. Tuy vậy, thấy trâu làng khác tới ăn họ vẫn vác hèo ra đuổi. Cô bé Hồng bày ra đủ thứ trò tinh quái chống lũ người ích kỷ. Cuối cùng, lũ trẻ chăn trâu đủ nhẫn nại để thắng họ, và đàn trâu làng Mơ trở thành đàn trâu lý tưởng cho bất cứ hợp tác xã nào trong vùng. Lớn thêm một chút, Hồng đi học. Bao giờ cô bé cũng dẫn đầu lớp. Bọn con trai muốn nhờ cô giải toán hoặc làm văn hộ đều phải cõng cô qua ngòi, hoặc nộp những thứ quà mà chúng có trong túi: Từ quả nhót cho tới nắm xôi. Năm mười ba, sang tuổi dậy thì, Hồng lớn vùn vụt, và nhan sắc cũng biến đổi từng ngày. Chỉ một mùa hè, cô đã từ đứa bé trở thành một thiếu nữ má đỏ như gấc chín. Học ở đâu cũng thế, đám con trai lớn tuổi lẫn những ông thầy giáo trẻ quanh quẩn nhét thư vào túi áo hoặc kẹp giữa những trang sách của Hồng. Cô gái chưa yêu ai cả, suốt ngày chơi đùa với chúng bạn và cười như đứa trẻ.
Thế nhưng, nhan sắc lồng lộng của cô đã khiến bố mẹ cô lo lắng. Hồng nhan phải kiếp đa đoan, lời các cụ đã nhắc. Hai ông bà bàn tính, cố tránh cho con gái một số mệnh trầm luân nen buộc cô thôi học. Hai cụ nghĩ rằng sự nhiễu loạn do cô gái gây nên cho đám con trai ở bất cứ nơi nào cô đến sẽ là tai ương giáng xuống đầu họ. Tốt nhất cho cô ở nhà, làm hợp tác xã hoặc xin dạy mẫu giáo, kiếm một người chồng tử tế. Năm ấy, Hồng đang học lớp chín, chỉ một năm nữa, cô sẽ thi đại học. Việc bố mẹ bắt thôi học về dạy mẫu giáo làm cho cô choáng váng như sét đánh. Cô khóc lóc, van xin, kêu gào nhiều tuần lễ hỏi hai ông bà sắt đá không lay. Các bậc bố mẹ bao giờ cũng tin rằng mình đúng. Vốn sống trong gia đình nề nếp, cô gái nguôi dần, mặc dù cô không tin rằng bố mẹ đã tính xa hơn và chính xác hơn bản thân mình. Giấc mơ đại học nguôi đi trong cuộc sống mới. Lúc ấy, Lương xuất hiện. Anh ta vốn là bạn với anh trai thứ hai của Hồng, đi học trung cấp thủy lợi rồi ra làm việc ở tỉnh khác đã vài năm. Lương ít về quê. Vì cách sông cách đò, anh vắng mặt hơn một năm mới trở về thăm bố mẹ. Cô thiếu nữ xinh đẹp xuất hiện trước mặt anh ta như giấc mơ, bởi lần phép trước, anh mới chỉ thấy cô là một cô học trò kháu khỉnh. Lương đã si mê Hồng ngay tức khắc. Bố mẹ anh ta thúc giục con trai lấy vợ từ lâu mừng rơn, hối hả mở một chiến dịch, bao vây gia đình và bản thân cô gái bằng những quà tặng, những lời hứa hẹn êm dịu, những viễn ảnh tốt đẹp của cặp uyên ương. Về mặt gia cơ, hai gia đình cũng tương xứng. Bố mẹ Hồng chỉ đắn đo vì thấy Lương hiền lành, ít nói nhưng bà mẹ anh ta đáo để tai quái nổi tiếng trong xóm, ngoài làng. Đúng lúc hai ông bà đang chần chừ, bà nội của Lương ốm nặng. Anh ta đã vác bộ mặt sầu thảm tới gặp họ van vỉ. Khi hai ông bà mềm lòng, anh ta lại đến gặp Hồng xin cô thương cho cảnh sống đơn chiếc muộn màng của mình. Hồng đang lẻ loi, đám bạn cùng tuổi khá sắc sảo đã lên tỉnh học. Quanh quẩn trong làng chỉ còn các bà nạ dòng với các cô gái ít may mắn và cũng kém thông minh. Chuyện trò với họ hết ngày đến đêm chũng quanh quẩn những cơm áo, lúa mạ, việc cưới xin, ma chay, mảnh quần lụa đen lên giá bao nhiêu đồng hoặc sắm một tấm áo mùa đông hết bao nhiêu thúng thóc… Dẫu sao, Lương cũng có học và đang làm việc. Qua anh ta, cô thấy một thế giới rộng lớn hơn cái thế giới tủn mủn đang tù hãm mình. Vả chăng, cái mặt anh ta tuy không thật đẹp nhưng cũng dễ coi… Và, chỉ trong vài tuần, lễ cưới kèm theo sau lễ hỏi. Các gia đình trong họ, chưa kịp ăn hết cau sêu Tết lần trước đã nghe pháo đón dâu vang lên ngoài ngõ và thấy cô dâu Hồng, má đỏ, môi đỏ, mặc áo dài quần trắng như dân thị xã đi từ ngõ nhà mình tới ngõ nhà chồng, giữa một đoàn người huyên náo cười nói…
Cưới xong, những lời hứa hẹn tốt đẹp của ông bố bà mẹ chồng tan biến cùng khói thuốc. Họ chẳng cho Hồng nhà riêng, cũng chẳng cắt cho một nửa mảnh vườn, cũng chẳng mua cho cô chiếc xe đạp Thống Nhất nữ… Khi họ trắng trợn tuyên bố những điều đó, Hồng có thai hai tháng. Cô khóc ba đêm ngày rồi về nhà xin một đôi khuyên hai đồng cân. Bản năng người đàn bà, kẻ tạo dựng và kiến thiết thành lũy gia đình vụt trồi lên trong tâm hồn cô, với tất cả sức mạnh của thù hận, với sự tinh khôn và ý chí chiến thắng, cô đã tiêu diệt cô gái mơ mộng trong mình, lao vào cuộc vật lộn với đời sống, chỉ một mục đích làm giàu và khiến cả dòng họ nhà chồng phải nhục nhã về sự bội ước trắng trợn, đê hèn của họ…
Cô bỏ nghề dạy mẫu giáo, đi buôn. Từ những chuyến buôn vặt từ xã tới tỉnh lỵ, cô đã vượt sang những chuyến buôn đường xa từ tỉnh này qua tỉnh khác, tới cả thủ đô. Vốn liếng nhân lên rất nhanh, Hồng bắt đầu mua đất khi giá đất còn hạ. Cô làm ba gian nhà. Rồi vài năm sau, giá đất tăng vọt lên, cô cắt nửa mảnh đất cũ bán đi lấy tiền gây ngôi nhà mái bằng mới, biến ba gian nhà cũ thành nơi để hàng và đồ gia dụng. Đồng tiền trong tay cô xoay như con thò lò, sinh sôi nảy nở từng ngày từng tuần một. Làng Mơ vốn là làng nửa nông nửa thương từ xưa. Đám đàn bà đi buôn khá đông và khá sành sỏi nhưng chưa ai phất lên một cách kì lạ như Hồng. Người bảo cô mát tay buôn, người bảo đôi mắt mê hồn của cô hút thần Tài nên tiền bạc tuôn vào nhà cô như nước. Vốn thông minh, đi nhiều, Hồng đã đem lại cho gia đình cô những tiện nghi sinh hoạt mới nhất mà dân đô thị cũng phải mơ ước. Chiếc máy thu hình đầu tiên trong tỉnh là máy của cô chứ không phải của dân thị xã. Và suốt ba tháng, từng đoàn trai gái từ tỉnh lỵ men theo hồ tới làng Mơ xem nhờ màn ảnh nhỏ. Chỉ một điều lạ, khác hẳn những người đàn bà trong làng, Hồng không thu vén cho cái tiểu gia đình của mình. Tất cả những thứ tài sản có giá trị nhất cô đều cho bố mẹ: từ máy thu hình tới ra- đi- ô cát- sét, từ quạt để bàn tới tủ lạnh hoặc sa- lông. Gia đình bên chồng căm tức, lồng lộn. Họ chửi cạnh khóe đủ điều nhưng Hồng chỉ cười nhạt. Cô trở nên một đối tượng để họ vừa thù ghét vừa sợ hãi…
Khi Hồng có đứa con thứ hai, Lương gặp tai nạn sụt xương sống. Anh về mất sức, mở hiệu thợ may. Vợ anh đã lo đủ tiền gửi anh học nghề thợ may sáu tháng ở thị xã và cất công xuống tận Hải Phòng mua cho chồng một chiếc máy khâu Con Bướm nguyên hộp. Nhưng Lương vốn bạc nhược. Anh ta không có sự tinh tế lẫ đức cần cù để trở thành một người thợ may giỏi. Ỷ lại vào tài kiếm tiền của vợ, Lương rong chơi suốt ngày. Trong các cuộc rượu la cà, anh nghe lời xúc xiểm của họ hàng gia quyến rằng Hồng thu vén cho bố mẹ đẻ cô, rằng sự thu vén đó xâm phạm vào quyền lợi và lòng tự trọng của anh, rằng anh không thể tha thứ cho cô mà phải chứng tỏ uy lực của mình. Hết cuộc rượu, anh chồng hùng hổ về nhà, co chân đập cửa và bắt đầu chửi vợ.
Thoạt đầu, Hồng im lặng chịu đựng. Sau, cô nhắc cho Lương hiểu rằng anh không có quyền đòi hỏi những gì anh không gặt hái được. Rằng cho tới tận lúc này anh cũng chỉ là một kẻ sống thừa, dựa trên những giọt mồ hôi của cô. Sự bất lực và nỗi nhục nhã khiến Lương càng điên khùng hơn, anh ta đập phá đồ đạc hành hạ con cái, và cuối cùng đánh vợ. Đúng lúc đó, người đàn ông thứ hai xuất hiện. Anh là một thiếu úy giải ngũ, cũng ở cùng xã nhưng mới rời khu trại về làng. Cùng tuổi với Hồng, anh ta cường tráng, dẻo dai và hấp dẫn bất kỳ người nào nói chuyện với anh bằng sự cởi mở, thân thiện. Hồi chiến tranh, anh đã ở chiến trường miền Nam vài năm, rồi đóng quân ở Cam Ranh, Đà Nẵng, sau rối về Hải Phòng trước khi giải ngũ. Bố mẹ anh dạm hỏi cho anh một cô gái ở xóm Trại khi anh vắng nhà, và làm lễ cưới trong tuần anh về phép. Anh đẻ với cô một đứa con trai nhưng thẳng thắn tuyên bố rằng không hợp nên hai người khó có thể sống lâu dài…
Tôi hỏi bà già:
- Anh thiếu úy ấy có dám tuyên bố công khai rằng yêu cô Hồng không bác?
Bà già đáp:
- Có, nó ngỗ ngược như thế mới khổ cho chúng tôi. Ba năm nay, gia cảnh nhà tôi như địa ngục. Cứ mỗi bận chúng nó đi với nhau, thằng Lương lại đánh con cháu Hồng thừa sống thiếu chết. Rồi tới khi nó biết, nó lại trả thù anh em nhà Lương. Tay chủ tịch xã dọa nạt mãi cung không nổi.
- Tại sao bữa trước, gia đình bác không ai can thiệp?
- Ai dám can hở cậu? Con gái mình ngoại tình, họ có đánh chết cũng phải ngồi yên trong nhà mà nghiến răng lại. Cậu nghĩ xem, máy chảy ruột mềm, dù có hư đốn cũng là thịt mình dứt ra…
- Nếu cô Hồng không còn yêu anh Lương nữa, sao bác không cho họ ly hôn.
- Cậu ơi, ở nhà quê chúng tôi bỏ vợ bỏ chồng là việc điếm nhục gia phong… Mà chúng tôi có cho bỏ thằng chồng nó cũng không chịu ký. Ngày nào nó cũng uống nửa lít rượu, lại cờ bạc nữa, rời con bé Hồng thì biết móc ở đâu ra?…
Bà già nói những lời cuối với vẻ tuyệt vọng. Từ đôi mắt mờ đục, những giọt lệ lại trào ra. Vừa lau nước mắt bà vừa thu lượm đồ, rồi chào tôi ra về.
Tôi ngồi lặng hồi lâu, óc não xáo trộn. Một gương mặt đàn bà lạ lẫm nở rộng trước mặt tôi, biến thành đất đai, đồng ruộng. Đôi mắt sầu não như hai mảnh hồ và những dòng nước mắt trào ra bất tận như những con suối âm chú, đầy lá cây và xác thú thối rữa. Rồi phía sau gương mặt người đàn bà vô danh ấy, là thiếu phụ bữa trước, với đôi gò má ửng đỏ, cặp mắt đen mê đắm mở rộng luôn khơi mở một thế giới lạ lùng, cặp môi tròn trĩnh tựa trái cây chín lúc mùa thu… Tôi không còn phân biệt được những cảm xúc đang chen lấn trong mình. Xót xa, lo âu, thù ghét, nhớ nhung hay thương xót. Nhưng tôi không chịu nổi sự giằng xé của chúng. Tôi tới nhà Vũ Sơn.
Anh đang ngồi bó gối trước bàn, mắt đỏ dọc. Dưới nền nhà, cũng một thúng gạo nếp và những thứ đồ mà bà lão mang tới cho tôi. Thấy tôi, anh với điếu cày rít sòng sọc liền hai mồi thuốc. Đoạn, anh bỏ chiếc điếu cày vào chiếc ống đạn cối, bảo:
- Đi, tôi với cậu vào làng.
Anh dắt xe ra cửa, khóa cửa, nhét khóa vào lỗ thủng ở đầu hồi rồi cùng tôi đạp xe đi. Suốt quãng đường, chúng tôi cùng im lặng. Khi đã đi hết con đường tỉnh lộ, chúng tôi rẽ lên sống đê. Chỉ vài trăm thước sau, tôi đã nhìn thấy Thanh Dương ngồi với Hạnh dưới bóng cây gạo. Họ đang chụm đầu vào nhau trò chuyện nên không nhìn thấy chúng tôi. Tôi nói:
- Quay về đi anh Sơn, để ngày khác.
Vũ Sơn đang cắm cúi đạp, chợt ngẩng lên. Và anh vừa phanh vừa chống đôi chân dài nghêu xuống đường. Hai chúng tôi quay lại tỉnh lỵ. Vũ Sơn nhếch mép cười, rồi bảo:
- Cậu thấy không, cái mặt thật của đời bao giờ cũng nửa đen nửa trắng. Chuyện bi ai nhất ở sát cạnh những trò hài, tôi đánh cuộc cái đầu tôi với cậu: Dù có sống ba trăm tuổi, cậu cũng sẽ không bắt gặp một việc gì đó, chỉ đơn thuần đem tới nước mắt hay đem tới niềm vui…

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 396

Return to top