Sau bữa cơm trưa, khí trời nặng nề, hết sức bức. Một bầu không khí oi ẩm, làm cho người ta cảm thấy khó chịu. Bình, một mình từ phía phòng ăn đi tới, nhìn thoáng ra phía vườn hoa: vườn hoa im phăng phắc, không một bóng người. Bình sẽ lén bước tới buồng giấy. Buồng giấy bây giờ cũng êm đềm, vắng vẻ. Biết rằng cụ Phác Viên đi vắng, Bình sẽ đi tới nơi cửa sổ, mở cửa nhìn bóng cây âm thầm ngoài vườn. Một lát sau, Bình huýt sáo theo một điệu là lạ. Trong lúc huýt sáo, xen vào hai ba tiếng gọi rất khẽ "Phượng". Một lát sau, xa xa nghe phảng phất có tiếng sáo giả nhời, mỗi lúc một gần thêm. Bình sẽ gọi thong thả một tiếng nữa: "Em Phượng ơi!". Ngoài cửa tiếng con gái: "Anh Bình đấy ư?" Bình liền đóng cửa sổ lại). (Phượng đi vào, bước rất nhanh, nhẹ)
Bình: (Nhìn ra cửa giữa, lối Phượng bước vào, nói khẽ) - Em Phượng. (Cầm tay Phượng). Phượng: - Khoan! (Gạt tay Bình) Khoan đã! Khoan đã! (Lắng tai nghe) Anh xem: có ai ở bên này ấy! Bình: - Không mà, Phượng ngồi xuống đây. (Kéo Phượng ngồi xuống chiếc xô-pha). Phượng: - Ông đâu? Bình: - Ông còn có khách mãi tận đằng phòng lớn kia. Phượng: (Ngồi xuống thở dài, nhìn quanh quất) - Cứ vụng vụng, lén lén, thế nào ấy! Bình: - A! Phượng: - Chỉ một việc gọi tên em mà anh chả dám gọi. Bình: - Bởi vậy, anh quyết tâm đi chỗ khác, không ở nhà nữa. Phượng: (Nghĩ ngợi) - Chao! Tội nghiệp cho bà; ông mới về đến nhà, vừa thấy mặt đã gắt om lên. Bình: - Ba xưa nay vẫn thế; nói câu gì là như đinh đóng vào cột ấy; mỗi một ý kiến của ba là một đạo luật! Phượng: (Sợ hãi) - Em... em sợ quá cơ!
Bình: - Sợ gì kia? Phượng: - Em sợ lỡ không may ông biết thì chết! Em sợ quá! Chẳng là hôm trước anh bảo rằng anh định đem câu chuyện chúng mình thưa lại cùng ông. Bình: (Lắc đầu ngồi nghĩ một chốc) - Đáng sợ là chỗ khác kia. Phượng: - Còn chuyện gì nữa cơ? Bình: - Em không nghe chuyện gì ư? Phượng: - Thế nào...? Em có nghe gì đâu? Bình: - Em không nghe chuyện gì về anh cả ư? Phượng: - Không... Sao anh hỏi thế? Bình: - Thế à? Thế thì... có gì đâu... Chả có gì hết! Phượng: - Anh Bình ạ, em tin lòng anh, em tin chắc chắn rằng không bao giờ anh lừa em. Thế là đủ... Vừa rồi, em nghe nói ngày mai anh định lên mỏ. Bình: - Tối hôm qua, anh chả nói cùng Phượng rồi là gì? Phượng: - Thế sao anh không đem em cùng đi? Bình: - Là vì rằng... (Cười) vì rằng anh không định đem em đi... Phượng: - Về đằng em ấy mà, sớm muộn thế nào em cũng phải về... Có lẽ trong ngày hôm nay, bà sẽ cho em nghỉ việc. Bình: (Bất ngờ) - Sao lại cho em nghỉ việc? Phượng: - Thôi anh đừng hỏi nữa! Bình: - Không; em phải nói cho anh rõ. Phượng: - Lẽ tự nhiên là em làm việc không trôi chảy, chứ còn gì nữa? Nhưng em nghĩ lại có lẽ em đoán nhầm cũng nên, chưa hẳn bà đã có ý định như vậy... Mà này, anh ạ, hay là anh đem em cùng đi? Bình: - Không! Phượng: (Nũng nịu) - Anh Bình ạ, em hết sức hầu hạ anh tử tế. Anh cần có một người trông nom anh. Em sẽ khâu vá, thổi cơm, làm thức ăn hầu anh. Em làm được tuốt, anh cứ cho em đi. Bình: (Không trả lời). Phượng: - Em biết một mình anh đi xa không ai chăm nom, không xong đâu! Bình: - Phượng này, em không biết ư? Trong tình thế ngày nay, anh đem em đi thế nào được?... Mà sao em cứ nói chuyện trẻ con thế? Phượng: - Không, anh Bình ạ, anh cho em đi cùng, em sẽ không phiền luỵ gì đâu mà anh sợ! Rồi nếu như vì em mà người ngoài nói nọ nói kia, chê cười anh, thì em sẽ lập tức đi ngay, anh đừng sợ, anh ạ. Bình: (Bực) - Phượng tưởng tôi ích kỷ đến thế ư? Phượng đừng nghĩ thế! Chao! Tôi sợ gì tiếng nọ tiếng kia! Mấy năm nay, lòng tôi hình như đã chết từ lâu rồi ấy. Tôi đã bực tức vì tôi nhiều nỗi. Bây giờ đây, quả tim tôi sống lại. Tôi có đủ can đảm yêu một người thiếu nữ... Thì tôi sợ gì ai bình phẩm, chê bai? Hừ! rồi đây kệ xác thiên hạ muốn nói gì thì nói! Có đứa sẽ thì thầm: "Cậu cả Bình mà đi khăng khít với một người ở trong nhà!" thì cũng mặc thây nó, anh chả sợ, anh yêu, anh cứ yêu. Phượng: (Yên tâm) - Anh ạ, anh đừng bực bội. Dầu anh có làm gì em cũng không oán anh cơ mà. (Nghĩ ngợi). Bình: (Bình tĩnh lại) - Phượng đang nghĩ chuyện gì đấy? Phượng: - Anh ấy lại vừa nhắc lại câu chuyện tháng trước cùng em xong... Bình: - Nó bảo nó yêu em à? Phượng: - Không, anh ấy hỏi có ưng lấy anh ấy không? Bình: - Thế Phượng trả lời thế nào? Phượng: - Em bảo anh ấy là em đã nhận lời người khác rồi. Bình: - Thế nó còn hỏi thêm gì nữa không? Phượng: - Không, anh ấy chỉ bảo rằng: anh ấy sẽ cấp tiền cho em đi học. Bình: - Đi học! (Cười sằng sặc) Thằng bé ngây thơ đến thế là cùng!... Nhưng biết đâu Phượng nghe Xung nói Phượng cũng không sung sướng hết sức? Ừ! Phượng ạ, anh... anh năm nay đã gần ba mươi tuổi đầu rồi mà Phượng thì mới có mười tám. Vả lại Xung ấy mà, nó có tương lai hơn anh nhiều... Còn một điều nữa: anh đã làm những việc mà anh ân hận vô cùng. Phượng: - Anh, anh đừng nghi nhảm cho em, nỗi lòng em bây giờ khó nói lắm. Anh nghĩ cho em thế nào: anh Hai thì trẻ con mà mình cứ giấu diếm anh ấy, cứ đối phó với anh ấy, em không thích tí nào. Một mặt nữa, anh lại không cho em nói cho anh ấy rõ. Bình: - Nào tôi có bảo Phượng đừng nói cho nó rõ đâu. Phượng: - Nhưng mỗi một lúc anh thấy em đứng nói chuyện với anh Hai thì em thấy anh có vẻ... Bình: - Những lúc ấy, thì cố nhiên là anh không có thể vui lòng được chứ sao? Phượng tính, mình thấy người yêu của mình chuyện trò thân mật với một người khác; - thì dẫu người đó là em ruột mình đi nữa, - mình cũng vẫn phải khó chịu chứ! Phượng: - Đấy, anh lại vờ những chuyện đâu đâu rồi! Thôi anh đừng vờ nữa! Hôm nay, em muốn hỏi anh một câu... là
thực tình anh đối với em thế nào, anh trả lời minh bạch cho em nghe đi? Bình: - Anh đối với em thế nào, (Bật cười, khó trả lời. Vì cũng nhận ra rằng đàn bà bao giờ cũng có những ý nghĩ vớ vẩn như thế, in tuồng đã có người nào cũng đã hỏi như vậy rồi ấy) anh phải nói minh bạch cùng em? Nhưng em bảo anh nói thế nào bây giờ? Phượng: (Buồn bã) - Anh, sao anh lại xử với em như thế? Anh cũng biết rằng: hiện giờ em là em của anh rồi! Sao anh... nỡ phụ em...! Bình: (Không vui lòng nghe Phượng giảng giải, và cũng cảm thấy Phượng không hiểu cho mình) - A! (Thở dài) Trời ơi! Phượng: - Anh ạ, cha em chỉ biết đi vòi tiền; anh Hải của em cơ hồ không muốn nhìn em nữa; anh ấy bảo em rằng: em là một đứa con gái không có một tí chí khí nào. Câu chuyện này nếu đẻ em biết ra, thì đẻ em chết tức đi với em được. Anh ơi! Cha em, đẻ em, anh em rồi đây có ngày cũng chả nhìn em nữa đâu. Anh đừng khinh rẻ em, anh đừng phụ em! Không có anh, em chết mất mà thôi! (Nức nở khóc). Bình: - Đừng! Đừng thế! Phượng ạ, Phượng đừng khóc, để anh nghĩ kỹ xem đã.. Phượng: - Đẻ em cưng em lắm cơ, đẻ em có bao giờ ưng cho em lên đây đi làm đâu! Em sợ rồi đây đẻ em biết rõ câu chuyện lăng líu nọ kia giữa anh cùng em... và anh lại không thực lòng cùng em thì thiệt là em giết đẻ em chứ chẳng không! (Khóc) Lại còn... Bình: (Đứng dậy) - Phượng đừng thế! Phượng đừng nghi Bình nữa mà tội. Anh van em,... rồi tối hôm nay thế nào anh cũng lại đằng nhà em. Phượng: - Không! đừng đấy! Hôm nay đẻ em vừa tới. Bình: - Thế thì chúng mình gặp nhau ở ngoài đường cũng được, chứ gì? Phượng: - Không được! Là vì thế nào em cũng phải ở nhà nói chuyện cùng đẻ em chứ! Bình: - Nhưng sáng mai, anh phải đi chuyến xe sớm kia mà. Phượng: - Thế anh nhất định không đem em cùng đi ư? Bình: - Em trẻ con quá! Cùng đi thế nào? Phượng: - Vậy thì anh... anh để em nghĩ xem. Bình: - Anh phải đi trước chứ! Ít lâu nữa anh sẽ liệu cách nói rõ đầu đuôi câu chuyện cùng ba, rồi đón em lên sau. Phượng: (Nhìn Bình) - Cũng được... Vậy thì tối hôm nay anh cũng hẵng cứ lại đằng nhà em đã. Có lẽ cha em cùng đẻ ngủ phòng ngoài, anh Hải thì anh ấy không ngủ ở nhà rồi. Chắc là cái phòng em chỉ có mình em ngủ. Bình: - Thế thì hay, khi nào anh đến anh sẽ huýt sáo nghe, Phượng nghe rõ chứ? Phượng: - Vâng. Khi ấy, nếu như em muốn cho anh vào thì trước cửa sổ em sẽ thắp một ngọn đèn. Nếu không thấy đèn, thì nhất định anh đừng vào đấy. Bình: - Sao lại đừng vào? Phượng: - Nghĩa là em không muốn anh vào nữa; là vì trong nhà còn nhiều người chứ sao? Bình: - Thế cũng được, mười một giờ tối nhé!
Phượng: - Vâng, mười một giờ. (Quý từ phía cửa giữa đi vào). Quý: - Kìa! Phượng, cha tìm con từ nãy đến giờ. (Hỏi Bình) Anh cả xơi cơm rồi ư? Phượng: - Cha tìm tôi làm gì? Quý: - Đẻ mày vừa tới xong. Phượng: - Đẻ đến rồi à? (Mừng rỡ) Thế đẻ ở đâu? Quý: - Đang ở ngoài cửa ấy. Vừa gặp anh mày, hai đẻ con đang còn nói chuyện. (Phượng đi ra phía cửa giữa) Bình: - Phượng, gặp bà cụ nhớ nói hộ tôi gửi lời thăm. Phượng: - Không dám ạ! Cám ơn anh cả. (Phượng ra) Chốc nữa lại gặp lại vậy. Quý: - Thưa anh cả, anh định ngày mai đi phải không? Bình: - Phải rồi. Quý: - Vậy để tôi đưa anh lên xe. Bình: - Cảm ơn, nhưng để tôi đi một mình cũng được. Quý: - Chao! Lâu nay anh ở nhà, bọn thầy tớ chúng tôi được nhờ nhiều bề. Rồi đây anh đi, tôi và cả tụi thầy tớ trong nhà sẽ nhớ quá đi mất! Bình: (Cười) - Cụ Quý lại hết tiền tiêu rồi phỏng? Quý: - Anh cả cứ cười tôi hoài! Rõ tội! Nhưng trong lòng tôi thế nào thì tôi nói ra thế ấy. Cháu Phượng nó cũng biết: những lúc vắng mặt anh cả, tôi đây vẫn nói tốt anh luôn luôn. Bình: - Thế thì hay lắm... Bây giờ cụ cần gì không? Quý: - Không mà, có việc gì đâu. Chẳng qua trước lúc anh cả lên đường, tôi muốn bàn cùng anh cả một vài việc vặt. Số là hôm nay đẻ con Phượng tới đây là vì bà chủ muốn gặp mặt... (Phồn Y ở đường cửa phòng ăn đi vào, Quý liếc thấy, bỏ dở câu chuyện không nói nữa). Quý: - Bẩm bà, bà đã xuống nhà, bà đã khoẻ hẳn chưa? (Phồn Y gật đầu) Bẩm... con vẫn luôn luôn hỏi thăm sức khoẻ bà. Phồn Y: - Cảm ơn, không có việc gì, cho bác ra.
(Quý chào khúm núm và rón rén bước về phía cửa giữa để đi ra). Phồn Y: - ... Lại đi đằng nào rồi? Bình: (Không hiểu ý gì) Ai kia? Phồn Y: - Ba, ấy mà. Bình: - Ba còn bận có khách. Sắp ra đấy. Em Xung đâu rồi? Phồn Y: - Cái thằng ấy nó chỉ biết khóc sụt sùi cả ngày, chẳng biết là nó đi đâu rồi ấy! Bình: (Ngại phải nói chuyện với Phồn Y) - À! Tôi cũng phải về phòng sắp đặt đồ đạc. (Định đi về phía phòng ăn). Phồn Y: - Khoan, Bình hẵng ngồi lại đấy tí đã. (Bình đứng lại) Bình: - Việc gì kia? Phồn Y: (Âu sầu) - Có việc muốn nói. (Bình quay lại đứng im lặng) Phồn Y: - Tôi mong Bình hiểu cho câu chuyện hồi nãy, không phải chỉ ngày hôm nay mới xẩy ra sự tình như vậy. Bình: - Ba xưa nay vẫn thế: bảo thế nào là nhất định người ta phải nghe theo thế ấy.
Phồn Y: - Nhưng tôi không chịu được như vậy. Vì lẽ gì mà người ta nói thế nào là mình phải nghe theo thế ấy kia chứ? Bình: - Tôi hiểu rồi. (Cười gượng) Nếu vậy thì hay hơn hết là mợ đừng nghe lời ba. Phồn Y: - Bình ạ, tôi ước gì lòng Bình ngày nay cũng vẫn thành thực như ngày trước. Không nên tập thói thường ăn xổi ở thì của bọn thanh niên ngày nay... Bình cũng biết: vắng mặt Bình là tôi khổ lắm cơ! Bình: - Ấy cũng vì thế mà tôi phải bỏ nhà ra đi, để cho chúng ta đừng luôn luôn giáp mặt nhau, và đừng luôn luôn nhắc lại cùng nhau những sự tình đang làm cho chúng ta phải ăn năn. Phồn Y: - Tôi không ăn năn, tôi đã làm việc gì thì tôi không hề ăn năn bao giờ! Bình: (Bất đắc dĩ) - Thế mà tôi vẫn nghĩ rằng ý nghĩ của tôi hiện giờ thế nào mà mợ chả hiểu? ... Mấy ngày nay, tôi không muốn gặp mặt, thì tưởng lòng tôi mợ cũng đã rõ.
Phồn Y: - Hiểu lắm chứ. Bình: - Bây giờ tôi thấy rằng tôi là một người hồ đồ, ám muội hết sức. Tôi ăn năn vì đã làm một việc quá hư đốn! Tôi đã cư xử một cách không phải với tôi, không phải với em, nhất là không phải với ba. Phồn Y: (Âm thầm) - Và nhất là còn không phải với một người khác nữa, thế mà Bình quên mất!... Bình: - Với ai cơ? Phồn Y: - Chính đối với tôi đây này, Bình lại tệ hơn đối với ai hết. Là vì chính Bình đã dỗ dành dì ghẻ của Bình. Bình: (Sợ hãi) - Mợ điên hẳn? Phồn Y: - Bao nhiêu duyên nợ giữa chúng mình, thì Bình cũng phải nhận là Bình có trách nhiệm đối với tôi chứ. Lẽ nào ngày nay khi Bình nhìn thấy một cuộc đời mới, là Bình nỡ lòng bỏ tôi mà đi lấy một mình! Bình: - Tôi thấy bấy nhiêu chữ nghĩa dễ sợ quá đi mất. Những câu nói như vậy mợ không nên đem ra dùng trong gia
đình... trong một gia đình danh giá như gia đình của ba đây. Phồn Y: (Tức tối) - Ba! Ba! Thôi! Anh nói đến ba anh làm gì cho thêm phiền! Danh giá? Anh cũng nói đến danh giá kia à? (Cười nhạt) Này! Tôi sống trong cái gia đình danh giá này đã mười tám năm giời nay rồi. Bao nhiêu tội lỗi trong nhà họ Chu này, tôi đã biết tất, tôi đã thấy tất, tôi đã làm tất. Trước sau tôi vẫn không phải là người nhà họ Chu. Những việc tôi đã làm, tôi vui lòng nhận hết mọi trách nhiệm. Tôi không phải như ông anh, ông chú anh, cùng cả cái ông ba quý hoá của kia nữa; họ đã vụng vụng lén lén làm nên bao nhiêu việc xấu xa ghê tởm ấy thế mà bề ngoài vẫn mang một bộ mặt đạo đức, từ thiện của những nhân vật bậc nhất trong xã hội! Bình: - Trong một gia đình lớn thế nào mà chẳng có một vài người xấu. Nhưng trong chi họ nhà tôi đây, thì có lẽ chỉ có một mình tôi là người...
Phồn Y: - Thế tuốt! Nhất là ba anh lại là người giả dối hơn ai hết. Chẳng thế mà trước đây ông ấy đã quyến rũ một con hầu trong nhà. Bình: - Mợ không nên bịa chuyện nói nhảm như vậy. Phồn Y: - Này, chính Bình cũng chỉ là đứa con hoang của ba Bình đấy thôi. Bình: (Sợ hãi) - Nói nhảm nào! Mợ có chứng cớ gì không đã nào? Phồn Y: - Thì xin anh cứ hỏi ông ba danh giá của anh ấy. Đây là một câu chuyện mà mười lăm năm trước đây, ông ấy đã thốt ra cùng tôi, trong một buổi tối say rượu đấy chứ. (Chỉ vào cái ảnh trên bàn) Bình chính là con cái cô con gái này đây này! Chỉ vì ba anh bỏ mà cô ta đã nhảy xuống sông tự tử đấy. Bình: - Mợ... mợ thiệt... Nhưng thôi (Cười gượng) Nói thế thì tôi cũng vâng là thế. Bây giờ mợ định thế nào? Định bảo tôi những gì? Phồn Y: - Ba anh đối với tôi vẫn tệ như thế. Trước kia ông ấy đã dùng những thủ đoạn hèn mạt dỗ dành tôi về đây. Tôi
muốn thoát thân ra đi, cũng không thể được. Rồi đẻ ra thằng Xung. Đối với tôi, mười mấy năm nay, bao giờ cũng hung hãn như thế. Ngày đêm hành hạ tôi, làm cho tôi đã thành hẳn một người không hồn. Thế rồi đến năm Bình ở quê lên, Bình lại quyến dỗ tôi, đưa tôi đến địa vị một người kế mẫu không ra kế mẫu, nhân tình không ra nhân tình! Ấy chính là Bình dỗ dành tôi! Bình: - Quyến dỗ! Tôi xin mợ từ rày đừng dùng hai chữ ấy thì hơn. Mợ còn nhớ tình cảnh hồi ấy thế nào không? Phồn Y: - Bình quên rồi ư? Năm ấy, trong gian nhà này, lúc nửa đêm, khi tôi đang khóc nức nở, thì Bình thở than nói cùng tôi những gì? Có phải chính Bình nói rằng Bình ghét ba, Bình muốn cho ông ấy chết ngay đi, dầu có phải làm những việc thương luân bại lý, cũng không từ kia mà! Bình: - Mợ quên đi đấy. Hồi ấy là tôi còn trẻ tuổi, vì nóng nẩy quá nên mới nói ra những câu vớ vẩn như thế!
Phồn Y: - Nhưng Bình quên rằng, dầu tôi chỉ hơn Bình một vài tuổi thì hồi ấy tôi cũng vẫn là kế mẫu của Bình kia mà? Thì sao Bình lại đi nói những câu chuyện như vậy cùng tôi? Bình: - Nhưng một người thanh niên vớ vẩn, thì sao cho khỏi lầm lỗi.Nó lầm, thì cũng nên tha thứ cho nó chứ? Phồn Y: - Đây không phải là câu chuyện đáng tha thứ hay không đáng tha thứ! Lúc bấy giờ, tôi đang lặng lẽ ngồi chờ cái chết, thế rồi một người đã cứu tôi sống lại. Nhưng cứu tôi rồi lại bỏ tôi chết, chết gầy, chết mòn, chết khô, chết héo. Tôi hỏi Bình một người như tôi, nên làm thế nào? Bình: - Nên... làm thế nào? Thì bảo tôi biết thế nào được? Mợ cứ nói cho tôi nghe. Phồn Y: (Nói dằn từng tiếng một) - Tôi mong Bình cứ ở nhà, đừng đi đâu hết... Bình: - Thế nào? Mợ muốn tôi ở nhà cùng mợ, ngày đêm ra vào trong cái nhà này, luôn luôn nghĩ đến tội lỗi của mình, để
mà chết buồn chết rũ như thế này ư? Phồn Y: - Nếu Bình biết rằng sống trong cái nhà này, có thể chết buồn chết rũ đi được, thì sao Bình lại một mình ra đi, bỏ tôi lại đây? Bình: - Mợ không có quyền nói câu ấy. Mợ là mẹ em Xung kia mà! Phồn Y: - Không! Không! Tôi đã đem cả thân thế, danh dự của tôi phó thác cho Bình rồi! Từ hồi ấy đến giờ, tôi không cần gì nữa hết! Tôi không phải là mẹ thằng Xung! Không! Không! Tôi cũng không phải là vợ ông Chu Phác Viên! Bình: (Lạnh lùng) - Mợ không nhận mợ là vợ của ba, nhưng tôi thì tôi vẫn nhận tôi là con của ba kia mà! Phồn Y: (Không ngờ đến câu trả lời ấy. Ngồi ngẩn một lúc) - Ừ, Bình là con ba. Thảo nào, đã mấy tháng giời nay, Bình nhất thiết không hỏi han gì đến tôi. Bình lại sợ ông ba của Bình chứ gì? Bình: - Thì bảo là vì tôi sợ nên mới ăn ở như thế, thì cũng được thôi. Phồn Y: (Lạnh lùng) - Lần này Bình lên mỏ. Chắc rồi lại học được bộ điệu anh hùng của ông cụ và quên hẳn không thèm nghĩ gì đến người đàn bà đã hiểu Bình, đã yêu Bình nữa chứ gì? Bình: - Hiểu như vậy, thôi thì cũng chả sao. Phồn Y: (Lạnh lùng) - Có thế thì mới thiệt là con cha! (Cười) Con cha! Con cha! (Lại cười mỉa mai) Giời ôi! Nào nó có ra gì cái thứ người hèn nhát, vô dụng ấy! Hy sinh với con người như vậy, kể cũng hoài! Tôi chỉ tiếc là không hiểu cái con người ấy sớm hơn một tí. Bình: - Vậy thì bây giờ hiểu rồi đấy. Tôi thiệt tệ, tôi không hề giấu diếm tí gì nữa. Tôi chán chường lắm rồi. Tôi nói thiệt với mợ: tôi ghê tởm chán chường với mối tình không tự nhiên đó. Tôi ghê, tôi chán! Trách nhiệm tôi, tôi chịu, tôi thú thực là tôi đã làm một sự lầm lỗi. Nhưng sở dĩ tôi làm nên tội lỗi, là cũng có phần trách nhiệm người khác nữa. Tôi chắc rằng một người đàn bà rất thông minh, và thấu hiểu sự lẽ như mợ, thế nào cũng sẽ biết, sẽ hiểu cho tôi và rồi đây, sẽ không trách tôi nữa. Thái độ của tôi, rồi đây ai có bảo là vô tình cũng được, bảo là phụ bạc cũng được; nhưng tôi phải nói rằng: tôi trông mong nhất là lần này là lần trò chuyện cuối cùng giữa chúng ta. (Đi về phía phòng ăn). Phồn Y: - Khoan đã! (Bình đứng lại) Tôi cũng mong rằng Bình đừng cho mấy câu nói của tôi vừa rồi là những lời khẩn khoản, kêu van. Tôi mong rằng rồi đây Bình sẽ bình tĩnh ngồi nhớ lại bao nhiêu câu chuyện mà chúng mình đã nói cùng nhau trong căn phòng này. Bình phải biết, một người đàn bà không thể nào chịu để cho người ta khinh rẻ, lừa đảo mình luôn hai đời người. Bình nên nhớ lấy chừng ấy. Bình: - Cái ấy tôi hiểu rõ ràng hết sức! Tôi cũng chắc rằng mợ sẽ hiểu thấu cho mọi nỗi khổ tâm của tôi mấy hôm nay. Thôi bây giờ tôi phải đi đã. (Bình đi về phía phòng ăn. Phồn Y nước mắt lai láng, ngã gục hẳn xuống cái xô pha khóc nức nở. Lỗ Quý rón rén
đi từ phía cửa giữa vào, đứng nhìn bà chủ khóc). Quý: (Nói rất khẽ) - Bẩm bà... Phồn Y: (Đứng vụt dậy) - Bác vào làm gì? Quý: - Bẩm bà, nhà cháu đến ngoài kia từ hồi nãy. Phồn Y: - Ai kia? Ai tới từ hồi nãy? Quý: - Bẩm nhà cháu ấy mà. Chả hôm trước bà có truyền gọi nó lên hầu bà. Phồn Y: - Thế sao không nói cho tôi biết sớm một tí? Quý: (Cười nịnh) - B...ẩm... b...ẩm bà, con cũng tính vào thưa chuyện cùng bà ngay. Nhưng vừa rồi con (Nói khẽ hẳn xuống) con thấy bà cùng anh cả con nói chuyện, nên con không dám vào.
Phồn Y: - À, thế hồi nãy bác... Quý: - Bẩm... bẩm con từ nãy vẫn đứng hầu cụ ông ngoài phòng khách kia. (Làm ra vẻ không biết gì) Chẳng hay bà có việc gì?... Phồn Y: - Không mà, thôi cho bác đi gọi u ấy vào đây. Quý: (Lại cười nịnh) - Bẩm bà, bà chẳng lạ gì: nhà cháu nó vốn quê mùa, ăn nói thô kệch, nên con phải xin bà tha thứ trước đi cho. Phồn Y: - Ai thì cũng là người cả chứ sao! Chẳng qua tôi muốn gặp u ấy để nói chuyện cho vui... Quý: - Không dám ạ, bẩm bà, thiệt là bà rủ lòng thương đến chúng con... ấy chết, vừa rồi cụ ông con truyền rằng: có lẽ ngày mai sẽ có cơn giông và cho con vào bẩm bà lục cho cụ con cái áo đi mưa cũ; Có lẽ cụ ông con định đi đâu ấy. Phồn Y: - Thế con Phượng nó vẫn sắp xếp áo quần cho ông, nó lấy cũng được chứ gì? Quý: - Vâng, con cũng bẩm với cụ con như thế rồi đấy ạ: vì là con thấy rằng bà chưa được khoẻ lắm. Nhưng cụ con lại dặn rằng đừng để con Phượng lấy, và phải xin bà kia! Phồn Y: - Ừ, cũng được. Chốc nữa tôi sẽ đưa ra vậy. Quý: - Bẩm cụ con dặn là cần ngay giờ đấy ạ. Có lẽ cụ định đi đâu ngay giờ thì phải...
Phồn Y: - Thế hả? Thì để tôi đi lấy ngay. Thôi bác cứ ra đưa u ấy vào chờ tôi ở đây một chốc vậy. Quý: - Bẩm bà vâng ạ. (Quý ra) Phồn Y: (Mở cửa sổ, thở một hơi dài, nói một mình) - Giời đất! Nóng oi quá! Bức đến chết người đi được! Sống những ngày thế này thì sống làm sao? (Mơ màng nhìn ra phía cửa sổ) Quý lại đi vào. Quý: - Bẩm bà, cụ con lại cho người xuống truyền lấy áo. Phồn Y: (Ngẩng đầu lên) - Được rồi. Bác cứ đi ra đi. Tôi sẽ giao cho u Trần đưa ra ngay. (Phồn Y đi vào phía phòng ăn. Quý đi ra lối cửa giữa. Một lát sau Lỗ Thị Bình - vợ Quý cùng Phượng đi vào).
Thị Bình tuổi trạc bốn mươi sáu, bốn mươi bảy. Đầu điểm hoa râm. Mặt trắng trẻo. Trông qua người ta có thể cho là Thị Bình tuổi cũng chỉ độ mới ba mươi tám, ba mươi chín gì thôi. Cặp mắt lờ đờ, có những lúc cứ mơ
màng đứng nhìn đăm đăm về phía trước. Nhưng dưới đường lông mi thanh tao, và trong quầng mắt to và tròn của bà ta, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy duyên dáng của thời kỳ tuổi trẻ. Thị Bình ăn vận giản dị, nhưng áo quần vẫn chỉnh tề, sạch sẽ hết sức. Người ta có thể đoán rằng bà ta là con nhà gia thế mới bị sa sút sau này. Thị Bình đầu trùm chiếc khăn bông mà bà ta đã trùm đầu để che bụi trong khi đi tầu. Khi trò chuyện bà ta vẫn thích cười tủm tỉm rất dịu dàng. Tiếng nói nhẹ nhàng và thâm trầm, nghe ra như tiếng người phương Nam đã xiêu bạt lên miền Bắc trong một thời gian khá lâu, nên thỉnh thoảng trong câu nói vẫn xen vào một vài tiếng miền Nam. Nhưng lời nói Thị Bình bao giờ cũng rành mạch. Hai hàm răng rất là đều đặn. Mỗi một lúc bà ta hé miệng cười, thì hai lúm đồng tiền lại lõm hẳn xuống bên mép.
Thị Bình dắt tay con gái đi vào. Phượng sung sướng nép vào bên cạnh mẹ, cùng vào phòng. Lỗ Quý mang một tay nải đã cũ đi theo sau. Phượng: - Bà đâu, cha? Quý: - Xuống ngay giờ đấy. Phượng: - Đẻ ngồi xuống đây. (Lỗ Thị Bình ngồi) Đẻ có mệt lắm không đẻ? Thị Bình: - Chẳng mệt. Phượng: (Niềm nở) - Đẻ ạ, đẻ ngồi đây đã. Con đi lấy cốc nước lọc ướp đá, đẻ uống nhá? Thị Bình: - Đừng, đừng lấy gì sốt, đẻ có khát đâu mà. Quý: - Phượng, mày đi xuống dưới kia, lấy ngay một chai nước chanh lên đây cho đẻ mày dùng xem nào! (Bảo vợ). Ở sở đây không thiếu thức gì sớt! Cứ mùa hè này là nào nước chanh, nước đá, nước dưa đỏ, nước quýt, chuối, vải ngâm đá, mình muốn dùng thức gì là có thức ấy. Thị Bình: - Đừng, đừng Phượng ạ! Cha mày bảo lấy gì đó, nhưng thôi! Của đấy là của người ta chứ phải đâu của mình mà mình dùng! Con cứ ở đây cùng đẻ chờ bà chủ xuống, hai đẻ con sẽ nói chuyện cùng bà. Ngồi với con, đẻ thích hơn là ăn uống gì hết. Quý: - Bà xuống ngay giờ đấy. Mà sao cái khăn trắng trùm đầu kia, đi đường thì chớ, vào đây cũng chưa chịu cởi ra! Thị Bình: (Cười dịu dàng) - Ừ nhỉ! Chuyện trò có nửa ngày trời quên bẵng đi mất! (Nhìn Phượng, cười) Phượng ạ, cái khăn bông trắng này, đẻ ngồi trên xe hoả trùm đầu mấy hôm nay vào đến đây vẫn để vậy (Định cởi khăn). Phượng, con nhìn xem mặt đẻ có bẩn lắm không? Chao! Trên tầu bụi chao là bụi...! Con xem lại hộ đẻ cái đầu, kẻo người ta cười chết! Phượng: - Không, không hề gì... Hai năm nay con không gặp đẻ, đẻ vẫn thế không hề khác tí nào đẻ ạ. Quý: - Hai đẻ con chúng mày, quê mùa hết chỗ nói! Tới một chỗ lâu đài trang hoàng, đồ sộ thế này cũng không biết đi ra ngoài kia xem người ta có sang trọng như thế nào, cứ đâm đầu vào xó tối mà chuyện vãn!... Này, con Phượng, mày hẵng đi lục hết bao nhiêu quần áo, đồ đạc mà mày đã sắm được trong hai năm lên làm ở đây, cho đẻ mày xem thử nào. Phượng: - Đẻ có thích gì những thứ ấy đâu mà! Quý: - Nhưng mày cũng có tư trang của mày chứ! Mày cứ lấy ra đây cho đẻ mày xem cho sáng mắt ra, cho đẻ mày nghĩ xem độ trước theo tao lên đây đi làm hơn, hay cứ chôn chân ở nhà quê hơn? Thị Bình: (Nói với Quý) - Thì lúc tôi bước chân ra đi làm, và hai năm nay mỗi lúc viết thư cho cha nó cũng vậy, bao giờ tôi chẳng nhắc đi nhắc lại câu chuyện đó! Trước sau tôi vẫn nói là tôi không thích cho con tôi đi hầu hạ nhà người ta, nhưng thế mà cha nó nhất định cứ... (Bỗng sực nhớ ra đây không phải là nơi nói chuyện nhà, ngoảnh lại nói với Phượng) à Phượng nhỉ, thế anh con? Phượng: - Không phải anh ấy còn chờ ta ngoài cửa ấy sao? Quý: - Chờ gì chúng mày? Cả lũ chúng nó còn chầu chực để vào hầu cụ chủ đấy chứ? (Nói với vợ) Năm ngoái, ta đã nhờ người viết thư về nói chuyện là thằng Hải đã tìm được việc làm trên mỏ; ấy cũng là nhờ có ta ở đây chu tuyền cho đấy chứ. Phượng: (Có vẻ chán nản với bộ điệu của Lỗ Quý) - Cha, hay cha đừng nói chuyện nữa. Để ra xem anh Hải làm gì ngoài ấy, có lẽ hơn. Quý: - Thiệt đấy nhỉ, con mẹ cái thằng này nữa! (Đi ra phía cửa giữa, còn ngoảnh lại nói thêm...) Thế thì hai đẻ con mày ngồi chờ đấy một lúc nhé, đừng ồn ào; bà chủ xuống giờ đấy (Quý đi ra, hai mẹ con nhìn theo, và nhìn nhau cười, có vẻ khoan khoái hẳn lên). Thị Bình: (Dang tay về phía Phượng) - Nào, con đẻ lại đây để cho đẻ nhìn kỹ xem. (Phượng chạy tới ngồi cạnh Thị Bình). Phượng: - Đẻ có giận con không hở đẻ?
Bình: - Không, đẻ không giận đâu, thế nào thì cũng là sự đã rồi. Nhưng sao mà hai năm nay, con cũng không hề viết cho đẻ một chữ nào? Mãi đến lúc đẻ về đến nhà, gặp thím Cả Trương thì mới biết là con lên làm trên này kia đấy. Phượng: - Vì con sợ đẻ bực, sợ đẻ phiền lòng, con không dám nói, đẻ ạ. Nhưng con nghĩ, nhà ta cũng chẳng giàu có gì, thôi thì đi làm cho người ta, kiếm thêm đồng tiền cũng chẳng hề gì. Thị Bình: - Không con ạ! đẻ có sợ nghèo đâu. Đẻ có bao giờ sợ người ta cười nhà mình nghèo đâu! Đẻ hiểu chứ! Nhưng này con, đẻ chỉ sợ con đầu xanh tuổi trẻ, không khéo thì hư hỏng mất! Nhưng thôi, ta nói chuyện khác vậy, (Đứng dậy) Mà bà chủ con cũng kỳ, sao lại nhất định gặp đẻ cho được? Phượng: - Vâng, lạ thiệt đấy! (Có vẻ sợ hãi, nhưng lại điềm tĩnh ngay) Nhưng không có gì đâu, đẻ ạ. Chẳng qua bà ấy ở đây không có bạn bè gì, và bà lại nghe nói đẻ cũng biết chữ cũng thông sách như bà ấy, cho nên muốn gặp đẻ chuyện trò cho vui đấy thôi. Thị Bình: - Thế hả?... (Nhìn qua trong phòng, chỉ vào cái tủ gương) Gian phòng này ngó bộ bài trí nhã lắm, nhưng sao mà đồ đạc có vẻ cũ ấy nhỉ? Phượng: - Đúng đấy! Tuyền là đồ đạc sắm đã ba mươi năm nay rồi đây mà! Thấy bảo xưa kia bà vợ trước của cụ chủ, bà mẹ sinh ra anh Cả ấy mà, thích cái tủ này lắm. Đẻ xem bao nhiêu là đồ đạc hồi ấy vẫn giữ y nguyên cả đấy. Thị Bình: (Lau mặt) - Lạ thật nhỉ? Mà sao cửa ngõ lại cứ đóng kín mít lại thế này? Phượng: - Lạ thật đấy, đẻ ạ, cụ chủ nhà này tính thế nào ấy! Giữa mùa hè mà cũng nhất định bắt đóng chặt cả cửa lại như thế đấy. Thị Bình: (Có vẻ sực nhớ lại một chuyện gì ngày trước) - Con ạ, hình như đẻ đã thấy cái phòng này một lần ở đâu rồi ấy? Phượng: (Cười) - Thiệt thế hở đẻ? Là vì đẻ đã tưởng nhớ đến con nhiều, nên đẻ đã đến cùng con ở đây trong chiêm bao, hẳn thôi!
Thị Bình: - Phải rồi! Hình như đẻ chiêm bao ấy... Kỳ quái thật! Cái phòng này sao mà đẻ trông thấy quen quen thế nào ấy con ạ! (Ngồi gục đầu xuống). Phượng: (Sợ hãi) - Đẻ, đẻ! Kìa! Đẻ mệt lắm hở đẻ? Đẻ lại cảm nhiệt hẳn thôi. Để con đi lấy cốc nước đá cho đẻ uống. Thị Bình: - Đừng, con đừng đi! Phượng: - Đẻ nghe trong người thế nào? Thị Bình: (Nhìn đồ đạc trong phòng, vẻ suy nghĩ) - Lạ quá đi mất! (Đưa tay nắm chặt lấy tay Phượng) Này, con, Phượng! Phượng: (Cầm tay Thị Bình) - Tay đẻ lạnh như giá ấy, đẻ ạ. Thị Bình: - Chả có gì đâu, đừng sợ con ạ. Đẻ chả thế nào hết. Chẳng qua vừa rồi không biết vì sao mà đẻ nhẹ cả người đi, phảng phất như hồn mình đã có lần tới chốn này rồi ấy! Phượng: - Thôi, đẻ đừng nói mê nữa. Đi tới đây thế nào được? Nhà người ta dời lên trên miền Bắc này, từ những hai mươi năm trước đây mà hồi ấy là hồi đẻ còn ở tận dưới miền Nam kia mà.
Thị Bình: - Thì đã hẳn! Nhưng nhất định là đẻ đã có tới đây rồi con ạ! Bấy nhiêu đồ đạc, giờ đẻ không nhớ rõ là đã thấy ở đâu, nhưng quả thực đẻ đã thấy ở chỗ nào rồi ấy, con ạ! Phượng: - Đẻ nhìn gì vậy? Thị Bình: - Cái tủ này, cái tủ này này! (Nói khẽ. Cố gắng nhớ lại). Phượng: - Đây là cái tủ của bà vợ trước cụ chủ đấy. Thị Bình: (Nói một mình) - Không có nhẽ!... Không có nhẽ!... Phượng: (Thương hại) - Đẻ ơi! Đẻ đừng nói nữa, đẻ hẵng ngồi nghỉ một lát đã vậy. Thị Bình: - Con đừng cuống quýt lên làm vậy... Nhà này... Vừa rồi đẻ ngồi chờ ngoài cửa, thấy họ bảo ông chủ nhà này có hai người con giai phải không? Phượng: - Vâng, hai anh ấy tốt cả hai. Cả nhà họ Chu này, người nào cũng hiền lành, dễ thương lạ. Thị Bình: - Thế nào? Họ Chu à? Phượng: - Hẳn chứ! Đẻ rõ vớ vẩn! Thì hồi nãy lúc đẻ hỏi thăm nhà vào đây, đẻ chẳng hỏi họ Chu là gì? Thế mà đã quên rồi! Đẻ ạ, con biết rồi: nhất định là đẻ đi đường vất vả cho nên lại cảm nhiệt, chẳng có gì sốt! Để con đi lấy cốc nước đẻ uống. Mà, đẻ này, đẻ hẵng xem tấm ảnh bà vợ trước của ông chủ con ở đây một chốc đã nhé. (Phượng lấy bức ảnh xuống rồi đứng sau lưng Thị Bình và trao cho mẹ xem.) Thị Bình: (Nhìn bức ảnh, bỗng đứng ngẩn người) - Ủa! Phượng: - Đẻ thấy bà ấy đẹp đấy chứ? Bà này là mẹ anh Cả đấy. Con người có duyên lạ nhỉ? Có người bảo bà ấy hơi giống con kia đấy. Tội nghiệp con người như thế mà chết non!... (Thị Bình cầm tấm ảnh vừa nhìn qua, đã run đây đẩy) Kìa đẻ, sao thế? Sao thế hở đẻ? Thị Bình: - Con cho đẻ ngụm nước uống đã đây. Phượng: - Thế để con dìu đẻ lại đằng này. (DìuThị Bình lại nơi chiếc xô-pha. Tay bà già vẫn cầm chặt lấy cái ảnh) Đẻ nằm đây nghỉ tí đã nhé: con đi lấy nước.
(Phượng chạy về phía buồng ăn)
Thị Bình: - Trời hỡi trời! Mình là người đã chết từ những bao giờ kia ư? Có thật thế không nhỉ? Bức ảnh này, bấy nhiêu đồ đạc kia? Cha mẹ ơi! Mặt đất, dưới gầm trời to thế này, thế thì sao đã mấy chục năm nay mà quanh đi quẩn lại, con bé con tội nghiệp của tôi bây giờ lại đâm đầu đến nhà họ! Trời hỡi trời! (Phượng đưa cốc nước vào) Phượng: - Đẻ uống đi một ngụm... Không, đẻ uống luôn mấy ngụm nữa đi... Đẻ đỡ chưa? Thị Bình: - Ừ, đỡ rồi. Con ạ, con thu xếp về nhà cùng đẻ đi.
Phượng: (Giật mình) - Đẻ, thế nào hở? (Sau phía buồng ăn, tiếng Phồn Y gọi: Phượng! Phượng ơi!) Thị Bình: - Ai gọi con kìa? Phượng: - Bà chủ đấy. TiếngPhồn Y: - Phượng ơi! Phượng: - Dạ! Tiếng Phồn Y: - Phượng ơi! Lên đây nhanh lên xem cái áo mưa của ông, mày xếp vào đâu? Phượng: (Nói to) - Vâng, thưa bà, con lên ngay giờ. (Nói với Thị Bình) Đẻ chờ con một tí, con xuống giờ đấy nhé. Thị Bình: - Ừ, con lên đi. (Phượng đi vào phía phòng ăn; Thị Bình nhìn xung quanh phòng rồi đi tới trước tủ áo. Bỗng nghe tiếng chân bước, Thị Bình vội ngoảnh lại: Quý từ cửa giữa đi vào). Quý: - Con Phượng đâu? Thị Bình: - Bà chủ vừa gọi nó. Quý: - Chốc nữa bà ấy xuống đây, nhớ bẩm lại với bà lục ngay cái áo cho ông cụ, cụ sẽ đi vào đây bận áo, và còn có chuyện gì nói với bà nữa đấy. Thị Bình: - Ông chủ sắp vào đây ư? Quý: - Ừ, mà lị! Nhớ bẩm với bà cho phân minh. Không có lỡ ra lúc cụ vào không thấy bà chủ, cụ ấy lại be rinh lên cho mà xem. Thị Bình: - Thôi, cha nó đứng đây mà nói lại với bà ấy vậy. Quý: - Thì bao nhiêu đầy tớ nhà trên nhà dưới ở đây, ta muốn sai ai mà chẳng được; nhưng hiện giờ ta bận, không chờ được chứ! Thị Bình: - Tôi đi về đây; tôi chả gặp bà chủ nữa đâu! Quý: - Về thế nào mà về? Bà ấy đã gọi lên đây, là chắc có chuyện gì cần nói với mình chứ! Thị Bình: - Tôi sẽ bảo con Phượng trả công việc đi cho người ta, rồi cùng về luôn thể. Quý: - Thế nào? Rõ cứ cái nết... (Phồn Y đi từ phía phòng ăn đi ra)
Quý: - Bẩm bà... Phồn Y: (Gọi vào trong nhà) - Phượng ơi, cứ đưa cả hai cái kia ra luôn thể; rồi ông dùng cái nào thì dùng (Tiếng vâng ở nhà trong) (Nói cùng Thị Bình) Bà là đẻ con Phượng phải không? Rõ tội, bà chờ lâu quá nhỉ? Quý: - Bẩm lâu gì! Nó phải chờ chứ. Được vào đây hầu thăm sức khoẻ bà là hân hạnh cho nhà con lắm rồi. (Phượng từ phòng ăn đi ra, tay cầm mấy chiếc áo mưa của chủ.) Phồn Y: - Bà già ngồi xuống đây, bà tới từ lâu phải không? (Thị Bình cứ đứng rụt rè không ngồi). Thị Bình: - Thưa bà, cũng chưa lâu đâu ạ. Phượng: - Thưa bà, bây giờ con đưa cả ba cái áo này qua bên kia cho ông con? Quý: - Không, cụ đã bảo cứ để đây rồi cụ sẽ vào. Và cụ con còn truyền con bẩm với bà chờ cụ con ở đây một chốc, cụ con cần nói việc gì ấy. Phồn Y: - Được rồi. (Bảo Phượng) Bây giờ Phượng xuống bếp xem cơm nước thế nào, bảo tụi dưới bếp một tí. Phượng: - Vâng. (Nhìn Quý rồi lại nhìn Phồn Y, có vẻ áy náy. Đi ra lối cửa giữa.) Phồn Y: - Bây giờ bác lên bẩm với ông nhé: tôi còn đương bận nói chuyện với đẻ con Phượng; vậy mời ông chốc nữa hẵng vào vậy.
Quý: - Bẩm bà, vâng ạ (Quý vẫn đứng đấy).
Phồn Y: (Thấy Quý chưa đi) - Bác còn muốn nói chuyện gì nữa không? Quý: - Bẩm bà, hồi sáng cụ con còn bảo rằng: lát nữa quan thầy thuốc người Đức là quan đốc - tờ Kook sẽ đến. Phồn Y: - Phải. Thằng Xung đã nói lại với tôi. Quý: - Cụ con dặn lúc nào quan đốc - tờ đến phải vào mời bà ra thăm bệnh ngay. Phồn Y: - Được rồi! Bác cứ việc ra ngoài kia. (Quý đi ra phía cửa giữa) Phồn Y: (Nói với Thị Bình) - Nào, bây giờ bà già ngồi xuống đây với tôi, ta nói chuyện. Đừng e lệ làm gì. (Ngồi xuống nơi chiếc xô-pha) Thị Bình: (Ngồi xuống nơi cái ghế cạnh chiếc xô-pha) - Thưa bà, cháu vừa xuống tầu, thấy bảo bà có dặn thế nào cũng lên hầu bà. Phồn Y: - Chả là tôi nghe con Phượng nói chuyện rằng: già xưa kia cũng con nhà gia thế, vả lại thông hiểu sách vở nữa. Thị Bình: (Không muốn nhắc chuyện ngày trước) - Cháu vẫn sợ con Phượng nó còn dại dột, không biết phép tắc gì. Hai năm nay nó lên làm trên này, e khi không được vừa ý bà. Phồn Y: - Không đâu! Con bé rất thông minh lanh lợi, tôi bằng lòng lắm. Cho nên tôi nghĩ rằng phải liệu thế nào cho nó để mai sau nó có thể thành thân con người thì hơn. Cứ để nó đi hầu hạ, làm tôi đòi thế này không nên. Thị Bình: - Thưa bà, vâng. Riêng về phần cháu, cháu vẫn không ưng cho nó bỏ nhà đi làm việc ngoài đâu ạ. Phồn Y: - Tôi hiểu lắm. Hôm nay tôi mới gặp bà già lần đầu, nhưng tôi vẫn biết già là con nhà thi lễ. Chỗ ta cùng ta, hai bên đều thực thà thì hơn. Cho nên tôi muốn nói ngay để già biết vì sao tôi muốn gặp mặt. Thị Bình: (Ngần ngại) - Thưa bà có lẽ con cháu ở đây, nết na, cử chỉ hằng ngày của nó có thể làm cho người ta chê cười gì chăng? Phồn Y: (Cười tỏ vẻ đồng ý) - Không, không phải thế đâu!
(Quý ở cửa giữa đi vào) Quý: - Bẩm bà... Phồn Y: - Gì kia? Quý: - Bẩm anh tài xế đã đánh xe đón quan đốc tờ về đây rồi, hiện giờ quan đốc tờ đang chờ ngoài phòng khách. Phồn Y: - Bảo tôi còn có khách. Quý: - Khách?... Bẩm... nhưng cụ cho con xuống mời bà lên ngay kia! Phồn Y: - Được rồi, bác cứ ra trước đi. (Quý đi ra) Phồn Y: (Nói cùng Thị Bình) - Để tôi nói ngay cho bà già rõ tình hình nhà tôi là thế nào đã. ở đây ấy mà, đàn bà con gái trong nhà này rất là ít. Thị Bình: - Thưa bà, vâng. Phồn Y: - Kể ra trên nhà chỉ có mình tôi và mụ u già là đàn bà; cùng với cụ ông và hai đứa cháu; dưới nhà dưới thì người làm toàn là đàn ông hết. Thị Bình: - Thưa bà, cháu hiểu. Phồn Y: - Con Phượng thì nó còn bé quá... Nó vừa 19 tuổi, phải không nhỉ?
Thị Bình: - Chưa đến đâu ạ, cháu nó mới mười tám thôi. Phồn Y: - Thế hở? à! tôi cứ nhớ rằng hình như nó hơn thằng cháu của tôi đây một tuổi. Phượng nó còn ít tuổi như vậy mà đi làm, xa nhà xa cửa, cũng chưa hẳn là tốt... Nó lại mặt mũi cũng khá xinh xắn kia. Thị Bình: - Thưa bà nếu như cháu Phượng ăn ở trên này có lầm lỗi điều gì, thì cháu xin bà cứ cho biết sự thật là hơn. Phồn Y: - Không phải thế đâu! (Lại cười) Con bé ngoan, tôi nói là tôi nói qua tình hình trong nhà cho bà biết đấy thôi! Thằng cháu đầu lòng của tôi năm nay cũng đã mười bảy tuổi. Vừa rồi, bà đi qua vườn hoa, hẳn cũng đã thấy nó, - Thằng bé còn dại lắm kia. (Quý đi từ phía phòng giấy ra) Quý: - B...ẩm; b...ẩm bà, cụ con cho con vào mời bà ra thăm bệnh ngay. Phồn Y: - Có ai ở ngoài ấy tiếp chuyện ông đốc-tơ một chốc không?
Quý: - Bẩm... bẩm ông Ký Trương vừa đi đâu ấy, cụ con phải tự mình ra tiếp. Phồn Y: - Bác ra thưa cùng ông rằng... Tôi chả có bệnh gì, tôi có bảo ai mời đốc-tơ đâu! Quý: - Bẩm bà, vâng (Quý vẫn đứng đấy) Phồn Y: (Nhìn Quý) - Bác còn đứng đây làm gì nữa? Quý: - Bẩm con chờ xem bà có truyền gì nữa không? Phồn Y: - A! Suýt nữa quên! Bác ra bẩm với ông, xong rồi, đi gọi ngay cho tôi người thợ điện. Vừa rồi chúng nó bảo chỗ dàn hoa ấy mà, có một đoạn dây điện đứt. Phải gọi người chữa ngay đi, lỡ không may nó giật chết người thì khổ. (Quý đi ra phía cửa giữa) Phồn Y: (Thấy Thị Bình đứng dậy) - Kìa, bà già ngồi đấy tí đã. Chao! Trong phòng vẫn oi quá đi mất! (Chạy tới mở cửa sổ, rồi trở lại ngồi) Câu chuyện là thế này này: chẳng giấu già làm gì, mấy hôm nay, tôi thấy thằng bé nó thế nào ấy, thế rồi nó lại vừa cho tôi biết là nó yêu con cháu Phượng nhà bà nữa. Thị Bình: (Giật mình) - Bà, thế nào kia? Phồn Y: - Nó còn định bớt ra nửa phần tiền học phí của nó để cho con Phượng đi học kia đấy? Nó còn bảo là (Cười) nó định đi hỏi cho được con Phượng cơ đấy! Thằng trẻ con quá
Thị Bình: - Thưa bà, bà không cần dạy nữa, cháu hiểu cả rồi. Phồn Y: - Con Phượng thì nó lớn hơn thằng cháu Xung một tuổi; nó lại thông minh lanh lợi, thế rồi chẳng biết là... Thị Bình: (Không thích lối nói úp mở ấy) - Thưa bà, con tôi, tôi vẫn tin rằng nó biết phải trái và hiểu luân thường đạo lý. Nào tôi có ưng cho nó đi tìm việc ở đâu đâu! Nhưng tôi vẫn chắc rằng: hai năm nay cháu lên hầu ông bà trên này, nó chẳng làm việc gì hồ đồ, ám muội. Phồn Y: - Già này, tôi vẫn biết lắm chứ: con Phượng là một đứa bé tử tế, chính đính hết sức. Nhưng chẳng may việc đã xẩy ra như vậy, tôi nghĩ lại, người ngoài có thể hiểu lầm.
Thị Bình: (Thở dài) - Thật là một việc cháu không hề bao giờ tưởng rằng có thể xẩy ra được. Bây giờ cháu đã lên đây, thì để cháu sẽ xin đưa nó cùng về luôn. Vậy, từ hôm nay, xin bà cho cháu nó nghỉ việc nốt. Phồn Y: - Ừ. Già nghĩ thế, tôi cũng cho là phải! Nhưng còn một nỗi, tôi vẫn sợ, là cái thằng cháu Xung ấy đến mà, nó dở dại, dở không, rồi mai kia nó lại đằng nhà gặp cho được con Phượng mới nghe, cũng chưa biết chừng... Thị Bình: - Thưa bà, xin bà yên tâm. Cháu đã ăn năn lắm rồi. Lẽ ra cháu không nên cho nó đi theo cha nó kia! Sáng sớm ngày mai, cháu sẽ về quê, hai đẻ con cùng nhau đi xa hẳn chỗ này và sẽ không bao giờ trở lại đây làm gì nữa. Thôi thì cháu xin phép bà cho con Phượng về đằng nhà cùng cháu ngay bây giờ. Phồn Y: - Thế cũng được. Tôi sẽ gọi ngay thầy ký kế toán lên đây, tính tiền nong của nó, rồi tôi sẽ bảo người mang lại đằng nhà cho. Tôi cũng còn một hòm quần áo cũ, để tôi bảo người đưa cho nó luôn, mai kia nó mang theo về nhà mà dùng. Thị Bình: (Nói một mình) - Con cái, thiệt khổ quá đi mất! Phồn Y: (Lại gần bên Thị Bình) - Bà già này, bà đừng buồn bực quá như vậy! Nếu như về chuyện tiền nong rồi đây có túng thiếu chút ít, thì già cứ cho biết, tôi sẽ cố giúp, thế nào cũng được việc. Bây giờ bà cứ đem cháu về nhà tử tế. Có mẹ kèm cặp lấy con, thế nào cũng tốt hơn. Phác Viên: (Đi từ phía phòng giấy ra, vừa đi vừa gọi) - Mình! (Phồn Y ngẩng đầu lên. Thị Bình đứng dậy vội vã lánh ra một bên). Sao vẫn ngồi đấy không chịu ra? Phồn Y: (Vẻ bướng bỉnh) - Ra đâu kia? Phác Viên: - Kìa! Ông đốc-tờ Kook chờ ngoài kia, mình cũng biết rồi chứ? Phồn Y: - Đốc-tờ Kook! Đốc-tơ Kook nào kia? Phác Viên: - Thì là ông đốc-tờ Kook lâu nay vẫn khám bệnh cho mình, chứ đốc tờ nào nữa!
Phồn Y: - Tôi chả đau gì sốt. Phác Viên: (Khó chịu) - Ông đốc-tờ Kook, mình nghe không, là bạn chí thiết của tôi, quen tôi từ lúc tôi còn du học bên Đức kia. Ông ấy chuyên môn chữa bệnh thần kinh, mà mình thì bộ thần kinh không được tốt. Thế nào ông ấy cũng chữa cho mình khỏi. Phồn Y: - Ai bảo tôi đau bệnh thần kinh kia? Mà làm sao các ngài lại rủa tôi kia chứ? Tôi không đau, tôi không đau gì hết, tôi nói thực cho ông biết, tôi không đau! Phác Viên: (Nói thong thả và gắt gao) - Mình đứng trước mặt người ta, động một tí, là kêu la om sòm, mình mang bệnh trong người, mà cứ đây đẩy không nhận là mình đau; không chịu uống thuốc; không cho thầy thuốc chữa, như thế mà không phải đau thần kinh thì còn là gì nữa kia chứ? Phồn Y: - Hèm! Dầu tôi có bệnh ấy thì thầy thuốc chữa cũng chẳng được nào! (Đi vào phía buồng ăn). Phác Viên: (To tiếng) - Đứng lại đấy! Mình định đi đâu?
Phồn Y: - Đi lên gác. Phác Viên: - Đứng lại đấy, tôi bảo đã! Phồn Y: - Gì kia? (Dừng lại) Ông quên ông là người thế nào rồi hẳn! (Đi vào phía phòng ăn). Phác Viên: (Gọi to) - Chúng mày có đứa nào ngoài ấy vào đây! (Một người đầy tớ chạy lên). Người đầy tớ: - Bẩm cụ truyền...
Phác Viên: - Bà mày vừa mới lên gác, mày ra gọi anh Cả mời ông đốc-tờ lên trên ấy, thăm bệnh cho bà. Người đầy tớ: - Bẩm vâng. Phác Viên: - Bảo anh ấy rằng: thưa cùng quan đốc-tờ là ta hơi mệt, không thể hầu chuyện ngài được, nghe không?
Người đầy tớ: - Bẩm cụ, vâng. (Người đầy tớ đi ra, Phác Viên châm một điếu xì gà hút, và nhìn cái áo mưa trên bàn.) Phác Viên: (Hỏi Thị Bình) - Đây là áo mưa bà đưa xuống đấy à?
Thị Bình: (Nhìn Phác Viên) - Có lẽ đấy ạ. Phác Viên: (Cầm áo xem) - Không phải mấy cái này! Đây là áo mới cả đây kia mà. Đi lên bẩm ngay với bà: ta cần cái áo cũ kia! Thị Bình: - Vâng. Phác Viên: (Thấy Thị Bình vẫn đứng đấy) - Cái phòng này ta đã bảo bao nhiêu đầy tớ dưới nhà kia, không được đạp chân lên đây, u có biết không? Thị Bình: (Nhìn vào Phác Viên) - Thưa tôi không được biết đấy ạ. Phác Viên: - U là người mới vào làm phải không? Thị Bình: - Không phải, tôi đến tìm con tôi mà. Phác Viên: - Con già là ai? Thị Bình: - Con Phượng. Phác Viên: - Thế thì già đi lầm phòng rồi đấy! Thị Bình: - Vâng, cụ căn dặn gì nữa không? Phác Viên: (Chỉ vào cửa sổ) - Ai mở toang cửa ra thế kia? Thị Bình: - À... (Đi thong thả lại đóng cửa sổ rồi nhẹ nhàng bước ra).
Phác Viên: (Nhìn theo Thị Bình bỗng có vẻ lạ lùng) - Bà già đứng lại đây tí đã! (Thị Bình đứng lại) Bà... tên họ bà là gì? Thị Bình: - Cháu họ Lỗ.
Phác Viên: - Họ Lỗ?... Tôi nghe tiếng già nói không giống tiếng người trên miền Bắc này... Thị Bình: - Phải đấy ạ, cháu người mãi dưới vùng Giang Tô kia. Phác Viên: - Giọng nói có vẻ giống giọng miền Vô Tích ấy nhỉ? Thị Bình: - Hồi bé cháu đã ở Vô Tích khá lâu. Phác Viên: (Nghĩ ngợi) - Vô Tích... à huyện Vô Tích... Vậy chứ bà ở huyện Vô Tích từ hồi nào? Thị Bình: - Năm ấy là năm Quang Tự nhị thập (1) ba mươi năm nay rồi. Phác Viên: - Thế hả? Cách đây ba mươi năm bà còn ở Vô Tích? Thị Bình: - Vâng, hồi ấy cháu còn nhớ, ở Vô Tích còn chưa có điện dùng kia.
Phác Viên: (Nghĩ ngợi) - Phải rồi cách đây ba mươi năm... khá lâu rồi đấy nhỉ. Để tôi nhớ lại xem nào... hồi bấy giờ tôi mới hai mươi tuổi. ừ! Hồi ấy tôi cũng ở Vô Tích. Thị Bình: - Cụ người ở miền nào ấy nhỉ? Phác Viên: - Ở,... ở... ở... Vô Tích khá vui kia! Thị Bình: - Vâng, vui lắm. Phác Viên: - Thế là ba mươi năm trước đây, bà cũng ở Vô Tích? Thị Bình: - Vâng. Phác Viên: - Cách đây ba mươi năm, ở vùng Vô Tích có một câu chuyện khá ồn.. Thị Bình: (Ngập ngừng) - À... à... Phác Viên: - Bà có biết không? Thị Bình: - Có lẽ có kia đấy. Nhưng không biết cụ định nói chuyện gì? Phác Viên: - Câu chuyện đã khá lâu... Nhắc lại hồi này có lẽ không mấy ai nhớ. Thị Bình: - Có lẽ may ra tôi còn nhớ cũng nên. Phác Viên: - Tôi đã hỏi dò nhiều người hồi bấy giờ đã sống ở Vô Tích, tôi cũng đã cho người về tận nơi dò la, cố hỏi thăm cho ra manh mối, nhưng những người ở Vô Tích hồi ấy ngày nay có kẻ đã già, kẻ thì chết rồi; những người còn sống phần nhiều không biết đến, hoặc giả họ đã quên bẵng đi. Nhưng có lẽ... may ra, già đây còn biết mối manh gì chăng? Già có biết là, cách đây ba mươi năm, ở vùng Vô Tích, có nhà họ Mai... Thị Bình: - Họ Mai, vâng có. Phác Viên: - Nhà ấy có một cô tiểu thư tuổi còn bé và hiền lành, thông minh lại nết na lắm kia. Thế mà có một đêm cô ta bỗng nhẩy xuống sông tự tử... Rồi về sau... bà có nghe thế nào không? Thị Bình: - Tôi không dám nói đến chuyện ấy. Phác Viên: - Thế nào? Thị Bình: - Tôi thì tôi có quen một cô con gái tuổi trẻ nhà họ Mai thiệt. Phác Viên: - Thế nào kia? Nói lại cho tôi nghe. Thị Bình: - Nhưng cô ta không phải là tiểu thư, mà cũng chẳng thông minh, hiền lành gì cho lắm,... lại nghe nói cô ta cũng chẳng nề nếp, nết na gì.
Phác Viên: - Cũng có lẽ... Có lẽ già nghe lầm cũng nên. Nhưng già cứ nói xem. Thị Bình: - Và cô ta, độ ấy, một hôm giời tối, đã nhẩy xuống sông tự tử thiệt. Nhưng không phải cô ấy tự tử một mình cô ta đâu, tay cô ta lúc ấy còn bế theo một đứa con giai mới sinh được ba ngày. Nghe người ta nói thì con người ấy chẳng chính đính gì. Phác Viên: (Đau đớn) - A! Thị Bình: - Cô ta là một con sen, mà lại không biết giữ phận mình. Nghe đâu có nhấp nhem với người con ông chủ nhà họ Chu, rồi sinh được hai đứa con. Ba hôm sau khi ở cữ lần thứ hai, thì cậu kia bỏ cô ta. Đứa con cả thì nhà họ Chu nuôi, còn đứa con thứ hai thì chính tối hôm ba mươi tết, cô ta ẵm theo nhảy xuống sông tự tử. Phác Viên: (Mồ hôi đầm đìa) - À! à!... Thị Bình: - Cô ta không phải là tiểu thư, mà chỉ là con một u già, làm việc trong nhà họ Chu ở miền Vô Tích, tên cô ta là Thị Bình.
Phác Viên: - Thế... thế... già họ gì rồi kia nhỉ? (Ngẩng đầu lên). Thị Bình: - Cháu họ Lỗ đấy ạ. Phác Viên: (Thở dài, nghĩ ngợi) - Thị Bình, Thị Bình, đúng rồi. Mà cái xác người đàn bà ấy mà, nghe nói có một người ăn mày nào đã vớt được và mai táng tử tế. Giá có thể hỏi thăm ngôi mộ ấy bây giờ ở đâu không nhỉ? Thị Bình: - Cụ hỏi thăm những chuyện nhảm nhí ấy làm gì kia? Phác Viên: - Người ấy cùng chúng tôi đây có bà con. Thị Bình: - Bà con thế nào? Phác Viên: - Có bà con... Tôi chỉ muốn tu bổ ngôi mộ mà thôi. Thị Bình: - À... nếu thế thì lại chả cần! Phác Viên: - Thế nào kia? Thị Bình: - Người đó còn chưa chết. Phác Viên: (Giật mình) - Bà bảo thế nào? Thị Bình: - Người ấy hiện nay còn sống cơ. Phác Viên: - Còn sống thật à? Không có nhẽ! Tôi đã xem kỹ bộ áo cô ta cởi để trên bờ sông, trong bọc có một lá thư tuyệt mệnh. Thị Bình: - Có thế. Nhưng sau lúc nhảy xuống sông, cô ta lại được người cứu cho khỏi chết. Phác Viên: - Thiệt à, cứu được thiệt à? Thị Bình: - Cứu được, nhưng về sau người Vô Tích không gặp người đó nữa, nên ai cũng bảo rằng nó chết rồi. Phác Viên: - Vậy ư? Vậy người đàn bà ấy... Thị Bình: - Bây giờ đi làm ăn ở phương xa. Phác Viên: - Còn thằng bé con? Thị Bình: - Thằng bé cũng vẫn còn sống. Phác Viên: (Đứng vụt dậy) - Bà là ai? Thị Bình: - Tôi là đẻ con Phượng đây. Phác Viên: - À! Thị Bình: - Người đàn bà ấy bây giờ già rồi, và đã lấy một anh chồng cũng đi làm thuê. Lấy đời chồng sau này, sinh được một đứa con gái, vợ chồng làm ăn khá vất vả. Phác Viên: - Bà có biết bây giờ người ta ở đâu không?
Thị Bình: - Mấy hôm trước, cháu vẫn gặp đấy. Phác Viên: - Thế nào? Người ấy còn ở vùng này, hạt này à? Thị Bình: - Vâng, ở ngay đất này. Phác Viên: - A! Thị Bình: - Cụ có ưng gặp người ấy không? Phác Viên: - Không! Không! Không cần. Thị Bình: - Âu cũng là số kiếp người ta. Lúc người ấy bỏ nhà họ Chu ra đi, thì anh chàng họ Chu cưới ngay một bà vợ giàu có và lại là con nhà gia thế. Còn cô kia một mình tứ cố vô thân, rồi tay ẵm đứa con mọn, đi hết chỗ này đến chỗ kia, làm đủ mọi việc: nấu cơm, khâu vá, đi làm u già, hầu hạ học trò con gái... Phác Viên: - Thế mà vẫn không bao giờ đặt gói trở lại nhà họ Chu.
Thị Bình: - Chắc cô ta cũng chả muốn nào! Nhưng vì đứa con mọn ấy, mà sau này người đàn bà đó còn phải lấy hai đời chồng nữa. Phác Viên: - Thế hả? Về sau còn lấy hai đời chồng?...
Thị Bình: - Vâng, hai đời chồng sau đều là người làm thuê làm mướn, bây giờ cụ có muốn giúp gì cho người ấy không? Phác Viên: - Để... để tôi nghĩ lại một tí, bà cứ ra. Thị Bình: - Vâng, thế cụ không cần hỏi gì nữa? (Nhìn Phác Viên nước mắt lưng tròng). Phác Viên: - À! Tiện thể, bà bảo con Phượng mở cái hòm gỗ trắc, lấy cái áo tơi cũ hộ tôi. Và bảo nó luôn thể mở hòm xem lại hộ mấy cái áo chẽn cũ nốt. Thị Bình: - Áo chẽn cũ nào kia? Phác Viên: - Cứ bảo nó: những cái áo bằng đoạn cổ viền, ở trong cái hòm cũ ấy là được. Thị Bình: - Áo chẽn bằng đoạn cổ viền của cụ, hình như năm cái tất cả, lấy cái nào kia? Phác Viên: - Thế nào? Thị Bình: - Hình như mấy chiếc áo chẽn ấy có một chiếc cháy thủng mất một lỗ về bên ống tay phải, rồi mạng chỉ vàng, và ngay chỗ mạng có thêu một đoá hoa mai, phải không, lại còn một chiếc... Phác Viên: (Giật mình) - Thêu hoa mai?...
Thị Bình: - Và bên cạnh đoá hoa mai, còn thêu một chữ Bình. Phác Viên: (Từ từ đứng dậy) - A! Bà,... bà... là... Thị Bình: - Vâng tôi là người hầu hạ cụ ngày trước... Phác Viên: - Trời ơi! (Nói khẽ) Thị Bình! Sao mà gặp nhau ở đây hôm nay? Thị Bình: - Vâng. Hẳn là xưa kia có bao giờ ngài ngờ rằng mặt mũi người yêu, rồi cũng sẽ có một ngày già khác hẳn đi và ngài không tài nào nhận ra được nữa nhỉ? (Phác Viên vô ý thức nhìn lên chiếc ảnh trên tủ, rồi lại nhìn Thị Bình). (Một lát sau) Phác Viên: (Bỗng nói rắn rỏi) - Bà đến đây làm gì? Thị Bình: - Tôi chẳng bao giờ định trở lại nhà ông hết. Phác Viên: - Nhưng ai bảo nhà cho bà vào? Thị Bình: (Đau đớn; giận dữ) - Không ai hết! Số với mệnh mà thôi! Chỉ cái số mệnh ác nghiệt kia lại đem đường, chỉ lối đưa tôi vào đây! Phác Viên: (Lạnh lùng) - Chuyện cũ đã ba mươi năm trời rồi, bà còn tìm được đường tới đây. Thị Bình: (Ai oán) - Tôi không tìm ông, tôi không hề tìm ông! Tôi cũng vẫn chắc rằng ông đã chết những bao giờ rồi kia! Ngày hôm nay đây, tôi cũng chẳng định đến đây bao giờ, thế mà ông trời xui khiến, lại bắt tôi gặp ông ở đây! Phác Viên: - Bây giờ bà có thể bình tĩnh lại một tí thì hơn. Ngày nay chúng mình, con cái đều lớn tuổi rồi. Dầu trong lòng còn những nỗi éo le, thôi thì đã ngần này tuổi đầu bà cũng đừng khóc lóc, than vãn gì nữa. Thị Bình: - Khóc lóc! Than vãn! Chao! Nước mắt tôi khóc đã cạn khan tự những bao giờ rồi. Ngày nay, ông tính tôi còn nỉ non than vãn làm gì? Có chăng tôi chỉ đau đớn, chỉ ăn năn... vì ba mươi năm giời tôi đã đau đớn từ ngày nọ qua ngày kia. Ông thì hẳn là ông nhớ gì những việc ông đã làm ngày trước? Có lẽ ông cũng đã quên rằng ba mươi năm trước đây, ngay giữa tối hôm ba mươi tết, vì muốn cưới cho được một cô tiểu thư, con nhà dòng dõi, sẵn bạc, sẵn tiền, mà hai mẹ con nhà ông đã rượt tôi, đuổi tôi, bắt tôi ẵm cả một đứa con mới đẻ được ba ngày, đi ra khỏi nhà họ Chu, giữa lúc đêm đông giá rét, ngoài đường tuyết lạnh như cắt!... Phác Viên: - Thôi! Bao nhiêu ân tình, oán hận hồi đó... đã mấy chục năm rồi, bà nhắc lại làm gì! Thị Bình: - Ấy là lúc gia phong nhà họ Chu thuận buồm xuôi gió, thổi ông lên địa vị vẻ vang, làm một người thượng lưu bậc nhất trong xã hội. Còn tôi, lúc bị các ngài đuổi ra khỏi nhà, chết, trời cũng không cho chết. Bà mẹ già tôi thấy con dại mà chết tức vì tôi. Sinh ra hai đứa con, các ngài cũng đã định giữ lấy mà nuôi... Phác Viên: - Thì thằng thứ hai, hồi ấy, bà chẳng ẵm theo là gì? Thị Bình: - Ấy là cụ cố nhà ông nhìn qua thấy thằng bé khó sống được, cho nên mới bắt tôi ẵm đi đấy chứ! (Nói một mình) Giời đất! Tôi mơ màng như trong giấc chiêm bao!
Phác Viên: - Thôi, sự đã rồi đừng nhắc lại nữa thì hơn. Thị Bình: - Tôi phải nhắc, tôi phải nhắc lại. Tôi đau khổ đã ba mươi năm rồi. Ông cưới được vợ mới là dọn ngay nhà đi. Tôi cũng chắc chắn rằng từ đó về sau tôi có bao giờ gặp lại ông nữa. Ai biết đâu, ngày nay số mệnh lại xui khiến con tôi, dắt nó vào nhà này, làm những việc xưa kia tôi làm ở nhà ông! Phác Viên: - Thảo nào con Phượng nó giống bà thế. Thị Bình: - Xưa kia tôi hầu hạ ông. Bây giờ đây nó lại hầu hạ con ông! Thiệt rõ là cái nghiệp chướng, nghiệp chướng của tôi! Phác Viên: - Bà hẵng bình tĩnh để suy nghĩ cho tỉnh táo một tí. Đừng có cho tôi là người táng tận lương tâm đến thế đâu. Bà tính con người ta đã làm những việc quá nhẫn tâm, thì có muốn quên cũng chả được nào! Đấy kia, bao nhiêu đồ đạc lặt vặt mà ngày xưa mình thích, mấy chục năm nay tôi vẫn còn giữ lại cả đấy. Đó cũng là vì tôi muốn giữ lại một kỷ niệm.
Thị Bình: (Cúi đầu) - A! Phác Viên: - Ngày mười tám tháng tư là ngày sinh nhật của mình, có năm nào là năm tôi quên đâu! Năm nào cũng vậy, đến hôm ấy tôi cũng bày biện và cúng tế như là người vợ chính thức đã về làm dâu nhà họ Chu vậy. Lúc sinh thằng Bình ấy mà mình đau yếu, cửa ngõ bao giờ cũng bắt đóng kín mít, cho nên từ đó đến nay tôi cũng vẫn y theo lệ cũ, cái phòng không ai được mở cửa toang. Chẳng qua là vì tôi không quên được mình, cho nên mới ôm ấp lấy bấy nhiêu kỷ niệm gọi là ít nhiều chuộc lại bao nhiêu tội lỗi ngày xưa vậy.
Thị Bình: - Bây giờ đây, chúng ta đã ngần này tuổi đầu rồi, những chuyện vớ vẩn ấy xin ông đừng nhắc lại là hơn. Phác Viên: - Ừ, đừng nhắc lại nữa là hơn, thôi thì ta hẵng bàn những chuyện thiết thực vậy. Thị Bình: - Nhưng tôi, thì tôi cũng chả có chuyện gì phải bàn hết. Phác Viên: - Còn nhiều chuyện nên nói lắm chứ. Tôi thấy tính tình bà ngày nay cũng không khác ngày xưa mấy... Nhưng lão Quý ấy mà, tôi xem chừng không được thiệt thà cho lắm. Thị Bình: - Cái ấy ông đừng lo. Lỗ Quý sẽ không bao giờ biết gì hết! Phác Viên: - Nếu thế thì về hai mặt ấy mọi sự đều ổn. Nhưng tôi còn muốn hỏi bà thằng bé con độ ấy, bây giờ ở đâu? Thị Bình: - Nó đang làm cu-li trên mỏ nhà ông ấy! Phác Viên: - Nhưng hiện giờ kia, sau cuộc bãi công lần này, nó ở đâu rồi? Thị Bình: - Hiện giờ nó còn đang đứng trước phòng giấy chực vào gặp ông đấy. Phác Viên: - Thế nào? Thằng Lỗ Đại Hải ấy à? Nó lại chính là con tôi? Thị Bình: - Nó chính là con ông đấy. Giờ đây thì nó cùng ông chả có gì dính dáng với nhau nữa rồi! Phác Viên: (Cười chua chát) - Hà! Thế là máu mủ ruột thịt của tôi lâu nay còn đang phản đối tôi, đang cổ động thợ làm reo trên mỏ! Thị Bình: - Ông đừng tưởng đến chuyện nó còn nhìn ông làm cha nữa. Phác Viên: - Thì thôi vậy. Nhưng bây giờ bà cần bao nhiêu tiền, cứ nói thiệt tình cho tôi biết. Thị Bình: - Ông bảo gì kia? Phác Viên: - Thì cũng cầm lấy một ít làm tiền dưỡng lão.
Thị Bình: (Cười cay đắng) - Thế ra ông vẫn nghĩ rằng: hôm nay tôi cố ý đến đây tống tiền ông hẳn? Phác Viên: - Ừ thì ta hãy gác câu chuyện ấy, khoan nói đến. Để tôi nói những ý nghĩ của tôi vậy. Bà biết rằng: tôi định cho Lỗ Quý nghỉ việc ngay từ hôm nay; mà con Phượng cũng định xin về nhà, nhưng mà... Thị Bình: - Cái ấy ông đừng lo. Tôi không bao giờ lại đi dùng những sự tình ấy, để làm thủ đoạn doạ ông đâu! Ông cứ yên tâm, tôi không phải là hạng người như thế. Sáng sớm ngày mai là tôi đem con Phượng về nhà quê. Câu chuyện hôm
nay chỉ là một giấc chiêm bao; tôi đã nhất định không ở lại chốn này làm gì. Phác Viên: - Hay lắm! Thế thì bao nhiêu tiền phí tổn đi đường tôi sẽ chịu hết. Thị Bình: - Thế nào? Phác Viên: - Có thế thì tôi mới yên tâm chút đỉnh. Thị Bình: - Ông yên tâm...(Cười chua xót) Ba mươi năm nay, một mình tôi đã chịu đựng hết mọi nỗi khổ sở. Bây giờ, còn tưởng đến tiền ông nữa kia? Phác Viên: - Thôi! thế thì thôi! Nhưng hiện giờ bà còn cần gì.. Thị Bình: (Ngập ngừng) - Tôi chỉ mong được... Phác Viên: - Gì kia? Cứ việc nói cho tôi nghe. Thị Bình: (Nước mắt lưng tròng) - Tôi... tôi chỉ... tôi chỉ muốn được nhìn lại thằng Bình một tí.
Phác Viên: - Muốn gặp thằng Bình? Thị Bình: - Nó đâu rồi? Phác Viên: - Nó đương còn ở trên gác trông nom thuốc thang cho mợ nó. Tôi sẽ cho gọi nó xuống để nó gặp bà. Nhưng bây giờ... đây thì nó lớn lắm rồi... Vả lại nó vẫn tưởng là mẹ nó chết đã lâu rồi. Thị Bình: - À! Ông lại sợ rằng tôi sẽ khóc lóc nức nở, và sụt sùi, gọi nó làm con hẳn! Tôi không ngốc đến thế đâu. Tôi lại không biết rằng một mụ mẹ như tôi đây, con nào còn dám nhìn, hay sao? Tôi biết lắm, ngày nay địa vị, gia giáo nhà nó có cho nó nhìn tôi nữa đâu. Mấy năm giời nay, tôi cũng biết chán ra rồi. Tôi chỉ muốn nhìn nó một tí thôi. Dầu thế nào, nó cũng là khúc ruột của tôi... Nhưng ông đừng sợ rằng tôi sẽ nói cho nó biết sự thật để làm cho nó phiền. Vả lại chính tự nó, cũng đã chắc gì nó sẽ chịu nhìn tôi là mẹ? Phác Viên: - Vậy thì ta xếp đặt như thế này: tôi sẽ gọi nó xuống đây cho bà nhìn một tí; rồi từ rày trở đi người đằng nhà họ Lỗ nhất định không ai được đặt chân trở lại nhà họ Chu này nữa. Thị Bình: - Được rồi. Tôi chỉ mong rằng trong kiếp này tôi sẽ không bao giờ gặp lại ông nữa.
Phác Viên: (Thò tay vào túi rút trong ví da ra một cái "séc" ký tên tử tế) - Thế thì hay! Đây là một tấm "séc" 5000$00 bà hẵng cầm lấy mà tiêu. Chẳng qua tôi muốn chuộc lại tội lỗi ngày xưa chút đỉnh mà thôi. Thị Bình: (Cầm lấy tấm séc) - Ơn lòng ông! (Từ từ xé nát cả tấm séc). Phác Viên: - Sao lại thế? Thị Bình: - Tôi cay đắng khổ sở mấy chục năm giời nay, bây giờ ông nghĩ rằng chỉ đưa bấy nhiêu tiền ra là tính toán xong phải không? Phác Viên: - Nhưng mà... (Tiếng ồn ào ở bên ngoài phòng. Tiếng Lỗ Đại Hải thét mắng inh ỏi: "Để tôi vào, thế nào cũng phải để tôi vào." Tiếng la của ba bốn người đầy tớ trai nhà họ Chu: "Không được, đã bảo không được mà! Cụ còn nghỉ trưa kia!". Ngoài cửa mỗi lúc một ồn ào hơn. Giọng Lỗ Đại Hải cùng bọn đầy tớ xô xát.) Phác Viên: (Chạy ra phía cửa giữa) - Những đứa nào ngoài ấy? (Một người đầy tớ đi vào) Đứa nào la ồn ngoài kia lắm vậy? Người đầy tớ: - Anh Hải đấy ạ. Anh Hải vừa ở trên mỏ về ấy mà. Người vô lý quá đi mất! Chúng con đã bảo mà bác ta nhất định không nghe; bảo là nhất định phải vào để gặp cụ ngay cơ! Phác Viên: - Thế thì... thế thì cứ cho nó vào đây!... Rồi mày lên luôn trên gác mời anh Cả xuống đây tao bảo. Người đầy tớ: - Bẩm cụ, vâng. (Người đầy tớ đi ra) Phác Viên: (Nói với Thị Bình) - Đằng bà... cũng đừng cố chấp quá làm gì! Cứ cầm lấy một ít tiền mà dùng sau này khỏi ăn năn. Thị Bình: (Nhìn Phác Viên không nói gì) (Bọn đầy tớ đưa Hải vào; Hải đứng về phía bên trái, ba bốn người đầy tớ kia, nép lại một bên.) Hải: (Nhìn thấy Thị Bình) - Đẻ còn ở đây kia à? Phác Viên: (Nhìn chăm chú vào Hải) - Mày là ai? Hải: - Chào cụ chủ, cụ vờ với cháu làm gì? Chẳng nhẽ cụ lại không biết cháu là ai? Phác Viên: - Ta chỉ biết mày là người đại biểu gào hăng nhất trong cuộc bãi công của bọn thợ mỏ mà thôi. Hải: - Vâng, đúng đấy, cụ không nhầm tí nào! Mà cũng vì vậy cho nên cháu về đây để gặp cụ hôm nay. Phác Viên: - Có việc gì kia? Hải: - Việc gì tưởng cụ cũng thừa biết rồi. Phác Viên: - Ta không biết mà! Hải: - Chúng tôi từ tận trên mỏ về đây, hôm nay lại đến chực ngoài cửa lớn suốt từ sáu giờ sáng cho đến giờ, là chỉ muốn hỏi thẳng cụ một câu: vậy bao nhiêu điều yêu cầu của bọn thợ chúng tôi, cụ có định nhượng bộ cho chúng tôi hay không? Phác Viên: - A!... Thế còn ba người đại biểu kia nữa đâu rồi? Hải: - Tôi nói thiệt tình cùng cụ vậy: chúng nó còn đang đi liên lạc với các công hội khác ở đây. Phác Viên: - A! Té ra chúng nó không hề nói gì với mày cả ư? Hải: - Nói hay không, cái đó chẳng can gì đến cụ... Tôi chỉ hỏi cụ một câu: Cụ định thế nào? Khi thì cụ mềm nhũn, khi thì sẵng, là lẽ làm sao?
(Bình từ phía phòng ăn ra, thấy có người, lại định trở vào) Phác Viên: (Nhìn Bình) - Bình, con cứ ra đây.(Liếc qua Thị Bình. Thị Bình biết đấy là con mình nhìn đăm đăm vào, rưng rưng nước mắt). Bình: - Vâng. Phác Viên: (Bảo Bình) - Con đứng đấy. (Bảo Hải) Mày chỉ hung hăng như thế mà bảo ai nói chuyện với mày được? Hải: - Giời! Thủ đoạn các ngài, ai còn lạ gì! Các ngài muốn kéo dài ngày giờ như vậy, chẳng qua là muốn ném tiền ra, đi mua chuộc một ít thợ ngu muội, hư hốt, và trong lúc đó hẵng cứ hãm chúng tôi ở dưới này đã... Phác Viên: - Mày nói thế mà đúng, cũng chưa biết chừng. Hải: - Nhưng phen này thì ông lầm to! Cuộc bãi công chúng tôi lần này có đoàn kết, có tổ chức. Bọn đại biểu chúng tôi về đây, lần này, không phải là về để xin xỏ cùng các ngài đâu! Cụ nghe rõ hộ tôi, không phải về đi xin xỏ các ngài! Các ngài nhượng bộ thì nhượng bộ đi, không nhượng bộ là chúng tôi đình công đến kỳ cùng. Chúng tôi biết chắc chắn rằng: chỉ trong vòng hai tháng, không hơn đâu! là xưởng của các ngài phải khoá trái cửa lại thôi! Phác Viên: - Thế mày còn tưởng bọn đại biểu chúng mày, các ông lãnh tụ chúng mày kia, là những người chắc chắn hoàn toàn đáng tin cậy cả đấy phỏng? Hải: - Ít ra còn chắc chắn hơn những hạng người chỉ nhìn thấy đồng tiền, chỉ thân thiện với nhau vì đồng tiền ngoại quốc như các người! Phác Viên: - Thế để tôi đưa cái này anh xem đã. (Phác Viên lục bức điện tín giữa bàn, người đầy tớ lật đật rút đưa cho chủ. Trong lúc ấy Xung lén bước đi từ phía bàn giấy ra, đứng nghe một bên.)
Phác Viên: (Đưa bức điện cho Hải) - Đây, dây thép ở mỏ đánh về hôm qua đây! Hải: (Đọc bức điện tín) - Thế nào? Chúng nó lại trở vào làm việc rồi? (Bỏ bức điện xuống bàn) Không có lẽ, không có lẽ! Phác Viên: - Thợ trên mỏ đã trở vào làm việc từ sáng hôm qua, anh làm đại biểu mà cũng không biết kia à? Hải: - Thế thì ba mươi mạng người bị lính bắn chết trên mỏ là chết oan uổng thôi ư? (Đọc lại bức điện bỗng bật cười) A! dây thép giả! Các ngài lại mạo dây thép để ly gián chúng tôi nữa kia, làm gì mà đê tiện đến thế! Bình: (Phát cáu) - Mày là cái thứ gì mà dám đến đây nói hỗn? Phác Viên: - Thằng Bình không được nói (Nói khẽ với Hải) Anh còn tin lòng mấy người lại biểu cùng nhau về đây lắm ư? Hải: - Cụ không cần nói, tôi hiểu ý cụ lắm rồi. Phác Viên: - Được để tôi đưa nốt cái tờ hợp đồng làm việc trở lại cho anh xem. Hải: - Cụ đừng lừa trẻ con làm gì. Tờ hợp đồng làm việc trở lại nếu không có chữ ký của đại biểu chúng tôi, thì cũng không giá trị gì kia mà! Phác Viên: - A (Hỏi người đầy tớ) Tờ hợp đồng đâu? (Người đầy tớ trao tờ hợp đồng) Anh xem chữ ký ba người kia đấy. Hải: (Đọc tờ hợp đồng, nói thong thả) - Thế nào? Ba thằng chúng nó ký tên mà không nói gì với mình cả, nghĩa làm sao? Thế nó không kể mình là gì nữa ư? Phác Viên: - Chính thế! Đồ ngốc! Không có chút kinh nghiệm chỉ biết la ó om sòm mà làm nên việc gì kia chứ? Hải: - Thế ba đứa chúng nó đâu rồi? Phác Viên: - Lên tầu trở về mỏ từ chuyến xe chiều hôm qua rồi, còn đâu! Hải: - Ba thằng ăn mày ấy, thế là nó lừa cả tôi và bán cả anh em trên mỏ nốt! A, các ngài chủ mỏ vô liêm sỉ, đồng tiền các ngài lần này vẫn còn thế lực!... Bình: - Mày hỗn! Phác Viên: - Thằng Bình im, không được nói! (Bảo Hải) Còn anh hiện giờ anh không còn tư cách gì mà thương lượng cùng tôi nữa đâu: trên mỏ đã khai trừ anh rồi!
Hải: - Khai trừ rồi? Xung: - Thưa ba, như thế là một việc không công bình! Phác Viên: (Bảo Xung) - Mày câm miệng! Cút ra ngay! (Xung vùng vằng đi ra). Hải: - Được lắm! (Nghiến răng) Được lắm! Thủ đoạn các ngài tôi còn lạ gì? Quý hồ được đồng tiền, các ngài chẳng từ gì hết! Ông đã đi gọi cảnh sát về bắn chết bao nhiêu thợ trên mỏ, bây giờ ông lại... Phác Viên: - Mày nói láo! Thị Bình: (Đến bên cạnh Hải) - Thôi con đừng nói nữa, đi về cùng đẻ. Hải: - Chao! Lai lịch nhà ông ai còn lạ gì! Hồi trước ở Cáp Nhĩ Tân ông thầu chữa cái cầu, ông đã cố ý làm cho con đê... vỡ... Phác Viên: (Gắt to tiếng) - Ra ngay lập tức! (Bọn đầy tớ chạy lại vừa kéo Hải vừa nói: "Thôi đi ra! đi ra!")
Hải: - Ông đã dụng tâm dìm chết hai nghìn hai trăm thợ. Tiền bồi thường cho mỗi người ông lại còn khấu mất 300đ. Ông Phác Viên, cái đó là tiền chôn con chôn cháu của ông đấy! Ngày nay ông lại còn muốn... Bình: (Điên tiết chạy tới đánh vào mặt Hải hai cái bạt tai) - Đồ ăn mày! (Hải muốn đánh lại nhưng bị mấy người đầy tớ giữ chặt) Đánh chết nó đi! Hải: (Nói với Bình) - Mày... mày... (Bọn đầy tớ đánh Hải không cho mắng Bình. Thấy đầu Hải bị thương, Thị Bình la to, ôm lấy con). Phác Viên: (Nói to) - Thôi không được đánh nó nữa! (Bọn đầy tớ dừng tay không đánh nữa, nhưng vẫn giữ Bình lại). Hải: - Cả lũ nhà chúng bay đồ ăn cướp! Có buông tao ra không? (Vùng vẫy) Bình: - Kéo họng nó ra ngoài kia! Thị Bình: (Khóc nức nở) - Thiệt là một lũ ăn cướp không sai! (Đi tới trước mặt Bình khóc sùi sụt) Mày là thằng Bình,... vì... vì... vì lẽ gì mày đánh con tao? Bình: - Bà là ai? Hải: - Đẻ ơi, đừng thèm nói với cái thứ người ấy nữa: chúng nó lại làm nhục cả đẻ nữa đấy! Thị Bình: (Vẫn đứng ngẩn người nhìn Bình, một chốc, - bỗng lại khóc) - Thôi, Hải ơi! đi ra, mẹ con ta đi về thôi. (Vừa đi vừa xoa chỗ bị thương trên đầu Hải, và khóc. Bọn đầy tớ dìu Hải ra, Thị Bình cũng đi theo). Bình: (Vẻ ăn năn) - Thưa ba... Phác Viên: - Mày lỗ mãng quá thể! Bình: - Nhưng con thấy nó hỗn xược, động đến danh giá của ba, con không nhịn được. (Im lặng trong nửa phút). Phác Viên: - Ông Đốc tờ Kook thăm bệnh cho mợ mày đã xong chưa? Bình: - Thăm rồi đấy ạ; ông ấy bảo không có gì. Phác Viên: - Thế hả? (Nghĩ ngợi) Chúng mày có đứa nào ngoài ấy không? (Một người đầy tớ đi vào). Phác Viên: - Mày đi lên bẩm cùng bà rằng: tao đã cho lão Quý và con Phượng nghỉ việc ngay từ hôm nay, vậy bà phải tính toán tiền công của chúng nó cho xong đi. Người đầy tớ: - Bẩm vâng. Bình: - Thế nào ạ? Ba đuổi cả hai cha con bác Quý ư? sao lại thế? Phác Viên: - Mày không biết, thằng Hải hồi nãy cũng người họ Lỗ đấy, nó chính là anh con Phượng. Bình: - A! Té ra nó là anh ruột Phượng... Nhưng thưa ba... Phác Viên: (Bảo người đầy tớ) - Mày bẩm với bà gọi thầy ký kế toán vào, trả thêm cho lão Quý và con Phượng mỗi đứa hai tháng tiền công và cho chúng nó nghỉ việc ngay từ hôm nay, nghe không? Mày đi lên đi. (Người đầy tớ đi lên). Bình: - Thưa ba, dầu thế nào mặc lòng, nhưng con thấy hai bố con nhà cụ Quý ở trong nhà có việc gì đâu! Hai bố con đều rất tử tế, thiệt thà. Phác Viên: (Ngáp dài) - Chao! Ba mệt quá! Ba phải vào phòng giấy nghỉ một lúc đã. Con bảo chúng nó đưa lên một ấm trà Phổ Nhĩ cho thiệt nóng, ba dùng nghe không? Bình: - Vâng. (Phác Viên đi vào phía phòng giấy) Bình: (Thở dài một hơi) - Ai chà! Xung: (Đi từ phía cửa giữa vào, hỏi Bình có vẻ cấp bức) - Anh, Phượng đâu anh? Bình: - Anh có biết đâu! Xung: - Có phải ba định cho Phượng nghỉ việc không? Bình: - Ừ, cả cụ Quý nữa! Xung: - Dầu anh nó có hỗn xược với ba nữa, thì chúng mình cũng vừa đánh người ta rồi. Sao lại còn đi hành hạ một người con gái làm gì? Bình: - Cái ấy em vào hỏi ba ấy. Xung: - Thiệt vô lý quá đi mất! Bình: - Anh cũng nghĩ thế. Xung: - Ba đâu?
Bình: - Trong phòng giấy. (Xung đi vào phía phòng giấy, Bình dạo đi dạo lại ở phòng ngoài, Phượng đi từ phía cửa giữa vào, mặt xanh ngắt, một giọt nước mắt rưng rưng nơi cuống mắt). Bình: (Vội vàng chạy đến chỗ Phượng) - Phượng, tôi tệ với Phượng quá! Nhưng thật tình tôi không biết Hải...
(Phượng chỉ xua tay ra vẻ khó nói hết nỗi uất ức) Bình: - Nhưng anh Phượng ăn nói cũng hỗn xược quá kia! Phượng: - Thôi, nói làm gì nữa thêm phiền! (Định đi về phía phòng ăn) Bình: - Phượng đi đâu đấy? Phượng: - Đi sắp xếp đồ lề. Thôi tôi đi, ngày mai anh cũng lên tầu, có lẽ tôi không có thể gặp lại anh. Bình: (Cản Phượng) - Phượng khoan hẵng đi. Phượng: - Không, không, buông tôi ra, anh không biết là ông chủ bà chủ đã cho tôi nghỉ việc rồi ư? Bình: - Phượng! Phượng! Phượng đừng giận anh nhé! Phượng: - Em cũng đã biết trước rằng một ngày kia thế nào rồi cũng phải đến thế này thôi! Nhưng tối hôm nay, anh đừng có lại tìm em ở đằng nhà đấy. Bình: - Thế nhưng sau này thì sao? Phượng: - Sau này... rồi hẵng hay vậy! Bình: - Không đâu, Phượng ạ, tôi phải gặp Phượng; thế nào tôi cũng phải gặp Phượng tối nay. Tôi còn nhiều chuyện phải nói với Phượng... Phượng: - Không! Bất luận thế nào, anh cũng chớ tới đằng nhà đấy! Bình: - Vậy thì Phượng phải tìm cách đến cùng tôi kia! Phượng: - Không có cách gì hết, anh không biết tình hình hiện giờ là thế nào ư? Bình: - Nếu vậy thì thế nào tôi cũng phải đến mới được. Phượng: - Không, không, anh đừng nói nhảm. Nhất định anh đừng...
(Phồn Y đi từ phía phòng ăn đi ra). Phượng: - Kìa, thưa bà...
Phồn Y: - Cả hai người ở đây à? (Bảo Phượng) Lát nữa, cha mày đi gọi thợ điện về, bao nhiêu đồ lề tao sẽ giao cho cha mày mang về hộ. Hay là tao bảo người đưa tới nhà cho cũng được. Nhà mày ở phố nào ấy nhỉ? Phượng: - Ở ngõ Hạnh Hoa, số 10, đấy ạ. Phồn Y: - Phượng đừng bực bội nhé. Khi rảnh việc, thỉnh thoảng đến đây thăm ta. Có bao nhiêu quần áo cho mày, ta sẽ bảo chúng nó đưa đến nhà cho: số 10 ngõ Hạnh Hoa đấy nhỉ? Phượng: - Vâng, cám ơn bà.
(Tiếng Thị Bình gọi ở phía ngoài: Phượng! Phượng ơi!) Phượng: - Con ở trong này kia, đẻ ạ. Thị Bình: (Từ phía cửa giữa đi vào) - Con thu xếp đồ vặt vãnh mau lên, chúng ta phải đi ngay. Cơn giông to sắp tới đấy.
(Tiếng gió; tiếng sấm ầm ầm) Phượng: - Thưa đẻ vâng. Thị Bình: (Nói với Phồn Y) - Thưa bà, đẻ con chúng cháu xin phép bà đi về nhà. (Bảo Phượng) Phượng, con chào bà đi. Phượng: (Chắp tay nói với Phồn Y) - Thôi, lạy bà ạ. (Nước mắt lai láng nhìn về phía Bình, Bình từ từ ngoảnh mặt... Thị Bình và Phượng đi ra phía cửa giữa, gió thổi vùn vụt và tiếng sấm mỗi lúc một to). Phồn Y: - Bình, vừa rồi Bình cùng con Phượng nói chuyện gì thế? Bình: - Cái ấy mợ không có quyền hỏi. Phồn Y: - Bình đừng tưởng rằng nó hiểu Bình đâu! Bình: - Mợ muốn nói gì cơ? Phồn Y: - Bình không phải dối tôi làm gì. Tôi hỏi: vừa rồi Bình bảo định đi đâu kia? Bình: - Cái ấy không can gì đến mợ mà mợ hỏi. Tôi xin mợ tự trọng lấy một tí. Phồn Y: - Bình vừa nói tối hôm nay định đi là đi đâu? Bình: - Tôi... tôi đi tìm con Phượng! Thì ai làm gì tôi nào? Phồn Y: - Bình cũng biết Bình là người thế nào, con Phượng là người thế nào chứ?
Bình: - Tôi không biết gì sốt, tôi chỉ biết hiện giờ tôi yêu nó, nó yêu tôi. Câu chuyện mấy tháng vừa rồi tôi cũng biết là mợ đã rõ hết đầu đuôi; câu chuyện ngày nay mợ đã muốn cho tôi nói trắng ra, thì tôi cũng chả giấu diếm làm gì. Phồn Y: - Anh là người có giáo dục, có học thức cao đẳng, mà lại đi lăng líu... cùng với một đứa đầy tớ. Nó chỉ là một con đòi hèn hạ.. Bình: - Nói nhảm; mợ không nên gọi nó là đồ hèn hạ! Không nên thế! Nó không phải như mợ, nó... Phồn Y: - Liệu đấy, không phải hành hạ một người đàn bà thất vọng làm gì! Một người đàn bà thất vọng không có việc gì là không làm được hết! Bình: - Cái ấy tôi thừa biết ra rồi. Phồn Y: - Được lắm, anh cứ việc đi... Liệu lấy đấy...(Nhìn ra ngoài cửa nói một mình) Cơn giông sắp đến rồi. Bình: - Cái ấy tôi biết lắm.
(Phác Viên ở trong buồng giấy đi ra)
Phác Viên: (Hỏi Bình) - Mợ con mày nói gì đấy? Bình: - Nói câu chuyện hồi nãy đấy mà. Phác Viên: - Chúng nó về rồi ư? Phồn Y: - Về cả rồi. Phác Viên: - Này mợ, thằng Xung lại vừa vào trong kia khóc lóc cùng tôi đấy! Mình gọi nó ra, dỗ nó một tí. Phồn Y: (Đi về phía phòng giấy, vừa đi vừa gọi) - Xung ơi! Xung! Ra đây với mợ con! (Không nghe tiếng trả lời, Phồn Y đi vào)
(Ngoài giời sấm sét dồn dập tới, mưa gió đổ ào ào) Phác Viên: (Đi đến trước cửa nhìn ra phía ngoài, cơn giông rất to, mấy bồn hoa rơi vỡ lung tung) - Con ơi! Bình! Gió đánh gẫy mấy cái giàn hoa rồi. Con gọi ngay chúng nó đóng lập tức tất cả bao nhiêu cửa lại. Cơn giông to sắp đến nơi rồi! Bình: - Thưa ba, vâng. (Đi về phía cửa giữa) (Phác Viên đứng nơi cửa sổ nhìn đường chớp loè lên bên ngoài).