Cảnh ban sáng một ngày hè, trong phòng khách của toà nhà họ Chu. Hai mé hai bên đều có cửa đi vào phía sau, một lối vào phòng ăn, một lối vào phòng giấy. Cửa to ở khoảng giữa mở rộng. Đằng sau có một tầng cửa bằng dây thép đan. Nhìn qua tầng cửa này, ta thấy rõ cây cối sau vườn xanh om, nghe có tiếng ve sầu kêu. Tủ áo lớn về phía tay phải, phủ một tấm vải vàng. Trên mặt tấm vải, có ít đồ trang trí. Người ta để ý ngay tới một tấm ảnh đã cũ, có vẻ lạc lõng giữa bấy nhiêu đồ trần thiết lộng lẫy. Trên lò sưởi phía tay phải treo một cái đồng hồ. Trên tường, một bức hoạ sơn dầu. Trước lò, hai chiếc ghế bành. Khoảng giữa xế về tay trái, một cái tủ gương bày la liệt những đồ cổ. Đằng trước, đặt một chiếc ghế nhỏ. Một chiếc ghế xô-pha kê về phía bên trái, trên phủ mấy cái gối mặt đoạn. Trên mặt bàn thấp, đặt chiếc xô-pha, có hộp đựng thuốc, diêm. Nhích về mé tay phải, có hai chiếc xô-pha bé với hai cái bàn tròn ở đằng trước. Trên mặt bàn một hộ xì gà, một chiếc quạt.
Bao nhiêu màn thêu đều mới toanh. Đồ đạc rất là sạch sẽ. Những chỗ có để ki khí đều toả ra những tia sáng chói lọi. Không khí rất nóng nực. Trong phòng hết sức oi ả. Bên ngoài không có ánh sáng. Gầm trời ảm đạm. Đây là bầu không khí lúc giời sắp đổ cơn giông.
Màn mở, Phượng đang đứng sắc siêu thuốc, nơi chiếc bàn dài, kề bức tường giữa, ngoảnh lưng về phía công chúng, thỉnh thoảng đưa tay gạt mồ hôi. Lỗ Quý - bố Phượng, đứng bên cạnh chiếc xô-pha, lau đồ vật trên bàn.
Phượng, trạc 17, 18 tuổi, má đỏ hồng hồng, là một cô gái chắc nịch, xinh xắn. Một pho thân thể nẩy nở với hai tay trắng và to. Khi Phượng bước chân đi thì hai núp vú núc ních dưới tầng áo. Phượng bận áo quần lụa mỏng, đi một đôi giầy đã cũ. Con người lịch sự, cử chỉ nhanh nhẹn.
Sau khi đã được rèn luyện hai năm ở nhà Chu Phác Viên, Phượng ăn nói rất chững chạc, nhanh nhẩu nhưng cũng rất mực thước. Cặp mắt lớn, đường lông mi dài và long lanh rất đẹp, nhưng Phượng cũng biết nhìn lim dim một cách trang nghiêm. Miệng rộng với cặp môi đỏ choé. Khi Phượng cười, miệng hé ra hai hàm răng rất xinh, và đồng thời hai núm đồng tiền cũng lộ ra bên miệng. Tuy vậy bộ mặt Phượng vẫn có vẻ thành thực, trang trọng. Da mặt không trắng lắm. Trời lại nóng nực. Đầu cuống mũi có mấy giọt mồ hôi lã nhã. Thỉnh thoảng Phượng lấy khăn mùi soa lau mặt. Phượng rất thích cười. Phượng biết mình có nhan sắc. Nhưng giờ này, đường mày cô bé còn đang cau hẳn lại.
Bố Phượng - Lỗ Quý - trạc ngoài 40 tuổi, mặt có vẻ đê tiện. Người ta để ý đặc biệt đến đường lông mày thô và rậm, với cặp mí mắt dầy của y. Đường môi quặp và quầng mắt thâm biểu thị sự phóng túng của Quý về phương diện nhục dục. Mình mẩy Quý béo mập, da mặt nhợt nhạt nhưng rất hay cười nịnh. Cũng như bọn đầy tớ các nhà sang, Lỗ Quý rất thạo việc, hết sức lễ phép. Lưng hơi gù, dường như luôn luôn sẵn sàng cúi cong xuống để "dạ!" ông chủ. Cặp mắt lanh lợi, thường hay liếc trộm một cách thèm thuồng như một con sói. Quý lại tính toán rất sõi. Quý ăn bận khá đẹp, nhưng không bao giờ được tề chỉnh. Giờ này, Quý đang cắp miếng giẻ, đưa tay sát lia lịa. Một chiếc giầy vừa đánh xong nằm dưới chân Quý. Quý sẽ đưa ngang ống tay áo lên lau mồ hôi trên mặt.
*
Quý: - Này, Phượng! (Phượng vẫn cúi đầu chao siêu thuốc, làm lơ như không nghe) Quý: - Phượng, Phượng này! Phượng: (Liếc qua phía Quý) - Chao! Nực quá đi mất! (Chạy lại nơi chiếc quầy phía bên phải, rút lấy một chiếc quạt, đưa tay quạt). Quý: (Dừng tay, nhìn Phượng) - Phượng này, mày có nghe không đấy? Phượng: (Lạnh lùng) - Cha bảo gì cơ? Quý: - Tao hỏi mày đã nghe rõ những điều tao bảo mày hồi nãy chưa?
Phượng: - Nghe rồi mà. Quý: (Bực dọc) - Con mẹ nó chứ!... Con mấy cái!... Phượng: (Quay mặt lại) - Thôi mà! Cha cứ nói những chuyện gì gì ấy! (Quạt, và thở dài) Chao, sao mà nực thế này! Lại đổ cơn giông ngay bây giờ cho mà xem! Mà cha đã đánh đôi giầy cho ông chủ xong chưa kia chứ? (Chạy lại cầm lấy chiếc giầy nhìn xem, vẻ rẻ rúng) Đánh thế này đây này! Bẹt vào hai ba bẹt kem, thế là xong đấy!... Ông ấy lại gắt om lên cho mà xem! Quý: (Giật lấy chiếc giầy) - Việc tao, kệ thây tao! Ai khiến mày!... Này tao bảo, tao nói lại với mày lần nữa! Chốc nữa ấy mà, đẻ mày đến, - nghe chửa? - nhớ đem bao nhiêu áo quần mới ra cho đẻ mày xem, nghe! Phượng: (Có vẻ khó chịu) - Được rồi! Quý: - Để cho đẻ mày xem! Để nó nghĩ lại xem độ trước tao xếp đặt đúng, hay đẻ mày đúng... Phượng: (Mỉa) - Bao giờ mà cha lại chả đúng! Quý: - Nhớ nói cả cho đẻ mày biết ở đây ăn ngon, uống ngon, và ban ngày hầu bà và anh Hai, nhưng tối lại vẫn theo ý đẻ mày, hôm nào cũng về nhà ngủ cả đấy! Phượng: - Không nói thì rồi đẻ cũng hỏi đến nơi. Quý: (Có vẻ đắc ý) - Lại còn... còn tiền (Vẻ thèm khát) mà này!... mày còn có khá nhiều tiền trong túi đấy nhé!
Phượng: - Tiền nào cơ? Quý: - Tiền nào nữa? Tiền công hai năm nay, tiền họ thưởng riêng cho mày. Rồi còn tiền vặt vãnh các anh ấy... Phượng: (Bực bội) - Thì được đồng nào là cha tiêu đồng ấy, uống rượu, đánh bạc hết nhẵn rồi, còn đâu nữa? Quý: - Kìa! Kìa! Con này lại hốt rồi! Hốt cái gì? Thì ai đã khảo tiền mày đâu nào! Tao bảo là tao bảo... (Nói rất khẽ)... thế này này... chả là anh... anh ấy vẫn thấy đưa tiền cho mày tiêu luôn đấy... Phượng: (Sợ hãi) - Anh nào cơ? Quý: - Anh cả ấy, chứ anh nào nữa? Phượng: (Đỏ mặt) - Ai bảo cha là anh cả cho tôi tiền đấy? Cha điên à? Cứ nói nhảm! Quý: - Ừ, ừ! thì ừ đấy! Anh ấy không, không bao giờ cho mày tiền cả? Thế nhưng tiền công hai năm nay, mày cũng còn ít nhiều chứ? ... Nào tao đã vòi tiền mày đâu mà!... Nhưng mày đừng lo! Tao bảo là tao bảo thế này này: chốc nữa ấy mà, đẻ mày tới, thì mày hẵng đưa tất cả tiền cho đẻ mày xem, cho đẻ mày sáng mắt ra một tí, nghe chửa?
Phượng: - Nhưng đẻ thì đã chẳng như cha ấy, cứ hễ thấy đồng tiền thì híp cả mắt lại. (Quay trở lại, chao siêu thuốc). Quý: (Ngồi chĩnh chện trên chiếc xô-pha) - Híp với họp gì! Mà tao hỏi mày: không có cha mày, thì mày có thành thân không đã? Hai năm nay, nếu cứ nghe lời con đẻ mày, nếu tao không đem mày lên đây hầu ông bà, thì ngày nay có đâu cơm trắng nước trong thế này, có đâu áo dài lụa, áo chẽn phin thế kia... Phượng: - H...ừ...m! Đẻ là người biết điều, đẻ biết chữ, đẻ có học, đẻ trọng danh giá, đẻ không muốn cho con đẻ đi làm tôi đòi người ta, để cho người ta hành hạ. Quý: - Danh mấy giá! Lại cứ cái giọng lưỡi con đẻ mày! Mày là thứ gì? Mày con ông gì, bà gì? Con mẹ mày! Cái thứ người mạt lưu xã hội ấy, mà hễ đi làm cho ai, là sợ mất danh giá. Danh mấy giá! Phượng: (Chán ngắt) - Mặt cha đầy cả vết kem kìa! Thôi, đánh kỹ giầy đi cho ông chủ cho rồi!
Quý: - Danh giá cái khỉ gì? Mày chỉ học giọng phong lưu xác của con đẻ mày. Mày không biết à? Danh giá! Thế sao đẻ mày cũng bỏ nhà dẫn xác đi kiếm ăn xa tận 800 cây số, để làm cu ly cho trường con gái? Tháng tám đồng bạc, một năm mới bén mảng về nhà được vài ngày; làm lụng khổ như con chó ấy, mà còn bảo là biết điều, là có học, còn chưa kiệt hơi! Phượng: (Điên tiết) - Cha dành lấy vài câu, để chốc nữa còn về nhà mà nói nữa chứ! Đây là nhà ông chủ! Quý: - Nhà ông chủ, mà tao dạy con tao không được à? Tao bảo mày: đẻ mày.. Phượng: (Dõng dạc) - Bây giờ thì tôi phải nói trước với cha một câu: đẻ chúng tôi một năm mới về nhà được một lần, không dễ dàng gì! Lần này đẻ về, là muốn nhìn một tí. Tôi đã đành, lại còn anh Hải nữa. Cha không để cho đẻ ăn ngồi cho yên, thì tôi mách anh Hải những việc cha làm trong hai năm nay, cho mà xem!
Quý: - Tao... tao làm những gì? (Sĩ diện) Gần năm chục tuổi trên đầu rồi, mày bảo tao không được ăn uống, cờ bạc, chơi bời tí chút hay sao? Thằng Hải cấm được tao à? Phượng: - Anh ấy thừa hơi mà đi cấm! Nhưng tiền anh ấy ở trên mỏ cứ tháng gửi về cho đẻ là cha tiêu vung hết! Anh ấy mà biết thì anh ấy chả nghe đâu! Quý: - Thì nó làm gì tao? (To tiếng) Mẹ nó lấy tao, - mày nghe chưa? - tao là bố nó! Phượng: - Khẽ mồm chứ! Chả có gì mà phải to tiếng! Quý: - H...ư...m!( Nói một thôi) Tao bảo cho mày biết: tao lấy đẻ mày thì chỉ tao đây là thiệt thòi; mày nghe không? Mày tính: con người lanh lợi như tao đây, thì mày cũng thấy chứ: mấy mươi mặt con người ta, từ nhà trên chí nhà dưới nhà cụ Chu Phác viên, có ai là không niềm nở với cụ Quý? Vào làm chưa được hai tháng, là con gái tao có ngay công việc ở đây nốt. Cho đến cả cái thằng anh mày nữa, không có tao thì dễ nó đã tìm được việc trên mỏ đấy à? Hỏi cái con đẻ mày xem: để cho nó, nó có làm được như vậy hay không? Thế mà thằng Hải với đẻ mày cứ luôn luôn trương gân cổ ra mà cãi với tao! Lần này, tao nói thiệt, con đẻ mày về, nếu cứ xì cái mặt mụ goá của nó xuống như mọi phen, thì nốt có cả cái mặt thằng Hải đây, tao sẽ không thèm nhìn đẻ mày làm vợ nữa! Chưa chừng tao ly dị cũng nên! Để xem chỉ tay đẻ mày nuôi mày rồi lại còn đắp điếm cho cả cái thằng "anh lạc nòi" của mày kia nữa, có trôi không đã! Phượng: - Cha nói gì chướng thế! Quý: - Hừ...m! Ai biết cái thằng con nuôi "oắng pát tàn"(1) ấy là thứ gì cơ chứ? Phượng: - Thì anh ấy có gì không phải với cha đâu nào! Cha mắng anh ấy như vậy mà làm gì? Quý: - Nó có gì không phải với tao à? Nó là thứ gì? Đi lính, kéo xe, làm thợ, đi học, đọc sách... thứ nó làm được gì? Xin cho được một chân thợ mỏ đã dễ dàng lắm đấy! Thế mà lại vào hùa với tụi thợ mỏ làm ỏm tỏi cả lên, rồi lại còn đi đánh người ta nữa chứ! Phượng: (Thận trọng) - Tôi nghe người ta nói là vì ông chủ nhà mình bảo bọn lính cảnh sát bắn vào thợ trước, nên anh em thợ mới xông vào đánh lại đấy chứ! Quý: - Thì cái thằng ôn con vẫn ăn mày cơ mà! Ăn lương, ăn tiền người ta thì phải vào khuôn phép người ta chứ! Thế mà động một tí là bãi công! ừ! chuyến này nó lại về đây, để tao vác cái đầu già này đi lên van lạy với ông chủ, xin tha cho nó chứ gì! Phượng: - Có lẽ cha nghe lầm đấy. Anh ấy bảo hôm nay anh ấy sẽ tự mình vào gặp ông chủ, chứ không phải là nhờ cha lên xin ông chủ đâu! Quý: (Lên mặt) - Nhưng ba quân thiên hạ người ta cứ gọi tao là bố nó kia mà! Thế mày bảo tao cứ để mặc nó được à?
Phượng: (Chán ngắt thở dài) - Thôi cha ngồi nghỉ hơi một tí đấy đã. Tôi đưa thuốc lên gác cho bà chủ đã. (Bưng chén thuốc, định đi về phía buồng ăn bên trái). Quý: - Rồi hẵng! Mày đứng đấy, để tao bảo câu này đã. Phượng: (Cắt lời) - Gần cơm trưa rồi đấy. Cha đã pha ấm trà Phổ Nhĩ cho ông chủ chưa? Quý: - Đã có tụi thằng nhỏ hầu, tao không biết. Phượng: - Thế thì... tôi lên gác đã. Quý: (Giữ lại) - Khoan đã nào! Tao còn câu chuyện cần phải bàn với mày đây. Phượng: - Chuyện gì kia? Quý: - Mày biết đấy chứ? Hôm qua là ngày sinh nhật ông chủ. Anh cả con ông nhà ta cũng có thưởng cho tao bốn đồng đấy. Phượng: - Phúc đức quá! (Nói nhanh) Tôi mà là anh ấy thì nửa trinh tôi cũng chẳng cho.
Quý: (Cười gượng) - Mày nói thế mà đúng! Bốn đồng bạc ăn thua gì! Trả được vài món nợ, là sạch sành sanh. Phượng: (Cười ranh mãnh) - Chốc nữa hỏi anh Hải xem... Quý: - Mày đừng nói nhảm!... Cha mượn thì cha giả chứ! Bây giờ cha hỏi đã này: còn bao nhiêu tiền đó, đưa cha giật bảy hay tám đồng đã nào. Phượng: - Tôi chả còn xu nào! (Dừng lại một lát) Cha giả nợ rồi thiệt à? Quý: - Thiệt hẳn chứ! (Thề) Tao nói dối mày thì tao là đồ ăn mày! Kể ra cũng chả trách được: hôm qua còn mấy đồng bạc lẻ, món to thì chả thấm vào đâu, món nhỏ thì trả lại còn thừa. Thế là tao nghĩ bụng mình đánh vài mồi chơi. Được lấy một hội, thì có phải trả được hết cả nợ to lẫn nợ nhỏ không! Ai ngờ xúi quẩy quá! Bạc khát nước, thua luôn mấy hội, thế là bao nhiêu tiền nướng sạch, lại còn nợ thêm ngót mười đồng nữa! (Phượng nhìn Lỗ Quý). Quý: - Cha nói thiệt tình đấy, chả sai nửa lời!
Phượng: - Nhưng tôi cũng nói thiệt tình: tôi chả còn xu nào sốt. (Nói xong lại bưng chén thuốc lên định đi). Quý: (Bức cấp) - Mày nỡ lòng ư, Phượng? Thế nào thì tao cũng sinh ra mày chứ! Phượng: - Vâng đấy! Con cha thì cũng chả tài nào giả nợ đậy cho cụ nhà nữa đâu! Quý: - Con này! Mày phải hiểu đẻ mày yêu mày là yêu đầu miệng đấy thôi! Còn tao thì khác, tao lo liệu cho mày từng ly, từng tí... Phượng: (Đoán biết ý) - Cha lại định bảo gì cơ? Quý: (Nhìn chung quanh mình rồi đi lại gần) - Tao bảo là tao bảo rằng: anh cả Bình ấy mà... anh ấy thường nói chuyện với tao... nói mày... anh ấy bảo rằng là... Phượng: (Khó chịu) - Anh cả! Anh cả! Cha điên à? Thôi tôi phải lên gác đã đây, bà đang gọi trên ấy... Quý: - Rồi hẵng, tao hỏi đã. Hôm trước đây, tao thấy cả Bình mua áo đồ... Phượng: (Sầm mặt lại) - Thế nào?
Quý: (Cân nhắc) - Hừ...m (Nhìn chòng chọc vào tay Phượng) Cái nhẫn này...(Cười) không phải là của anh ấy cho mày đây à? Phượng: - Cha nói kỳ quá đi mất! Quý: - Mày đừng gây chuyện vờ nữa! Thế nào thì tao cũng đương còn là bố mày! (Cười nhạt vẻ mặt thèm thuồng) Con đi làm với người ta, người ta cho đồ lề, cho tiền bạc, nhận lấy mà tiêu, thì cũng có gì là khó coi! Cần cóc gì! Tao thì tao biết hết. Phượng: - Thế thì cha cứ nói thẳng đi: cha cần bao nhiêu tiền nào? Quý: - Tao thì làm gì... nhiều! Ba chục đồng là đủ. Phượng: - Thế thôi à? Thế thì cha đi theo anh cả mà hỏi vậy. Quý: (Xấu hổ) - Con ranh! Mày tưởng tao giả vờ ngu đấy hẳn? Mày tưởng tao không biết câu chuyện mày với thằng cả ăn mày nhà này ấy ư? Phượng: (Cố giữ bình tĩnh) - Có ai cha lại đi nói cho con những chuyện như thế kia chứ? Thế mà cũng cha với con!
Quý: - Tao là bố mày! Tao phải trông nom mày! Tao hỏi mày, tối hôm vừa rồi... Phượng: - Tối hôm vừa rồi nào, thế nào? Quý: - Tao đi vắng, mà mày đến nửa đêm mới về là nghĩa làm sao? Từ đầu hôm đến nửa đêm mày đi đâu? Phượng: (Chống chế) - Đi lấy đồ cho bà chủ! Quý: - Đồ gì mà đến lúc ấy mới về? Phượng: (Vẻ khinh bỉ) - Cha với con! Tư cách như thế mà còn đi lục vấn! Quý: - Mày văn minh lắm! Nhưng mày cũng không dám nói cùng tao là hôm đó mày đi đâu chứ gì? Phượng: - Việc gì mà không dám? Quý: - Thì mày nói trắng ra cho tao biết là hôm ấy mày đi có việc gì đã nào? Phượng: - Việc bà chủ bảo ông chủ sắp về, tôi phải soạn áo quần cho ông. Quý: - Vâng! (Giọng doạ dẫm) Nhưng giời nửa đêm rồi, mà cái ông đưa mày về nhà là ông nào? Cái ông vặn ô tô, sặc sụa những mùi rượu và nói liến thoắng đi cùng mày những chuyện nhảm nhí gì gì ấy... là ông nào? (Cười đắc ý). Phượng: - Ông ấy là... là... Quý: (Cười to) - Thôi, con không cần phải nói nữa! Ông ấy là ông rể danh giá của nhà ta đấy, chứ còn ai nữa! Eo! Trước túp lều nát nhà ta mà một ông bạn trai, lái xe hơi, nghiễm nhiên dắt một con sen, con nhà mình đi về...(Gay gắt) Vậy tao hỏi mày: người ấy là người nào? Mày nói tao nghe: người nào thế? (Phượng đứng thừ người). Hải - anh Phượng, con chồng trước của thị Bình - đi vào, vóc người tầm thước, đường mày to mà đều, hai bên thái dương có phần lõm vào, cằm vuông, mắt sáng - tất cả bộ mặt đều biểu lộ một nhân cách rắn rỏi. Cặp môi của Hải mong mỏng, khác hẳn với cô em, môi hơi mỏng và đỏ, chan chứa nhiệt tình của miền Nam. Nói năng dường như cứ nhả từng tiếng một. Nhưng khi nhiệt tình bị kích thích, thì câu nói lại hết sức sắc sảo.
Hải vừa đi từ trên mỏ về đây, có 600 cây số đường. Trên mỏ đang bãi công. Anh ta là một tay trong bọn cầm đầu. Sau mấy tháng tinh thần căng thẳng Hải có phần mệt nhọc, râu ria bàm soàm, già hẳn đi, người ta có thể cho hắn ta là em Quý. Nhìn kỹ mới thấy rằng: tinh thần trong con mắt cũng như tiếng nói của hắn ta vẫn còn trẻ trung, nồng nhiệt như một quả núi lửa luôn luôn sẵn sàng bốc cháy, bùng nổ, chứa chan một tâm hồn đỏ ửng như cô em của anh ta. Hải bận một bộ quần áo thợ thuyền thô bố xanh, tay cầm chiếc mũ còn đầy những vết dầu, đi một đôi giầy đen, dây đứt chả biết từ lúc nào. Bước chân vào cửa. Hải có vẻ rầy rà trong người. Hải nói chuyện như cắt nhát gừng. Mặt ngoài rất lạnh lùng. Hải: - Phượng! Phượng: - Anh Hải. Quý: - Mày nói đi chứ, giả tảng câm mãi thôi! Phượng: (Nhìn Hải) - Anh!...
Quý: - Anh mày về đây thì về, mày cứ việc nói đi! Hải: - Chuyện gì thế? Quý: - Mày khoan hẵng! Phượng: - Không có việc gì cần đâu anh ạ. (Quay về phía Quý) Thôi thì để chốc nữa tôi sẽ bàn với cha vậy. Quý: - Chốc nữa bàn lại...(Gật đầu nhìn chăm chú vào mắt Phượng) - Ừ! Mày muốn vậy, thì cũng được (Quay lại nói với Hải, có vẻ cao đạo) - Mày sao dám tự tiện bước vào nhà người ta như vậy? Hải: - Tôi chờ mãi ngoài kia có nửa ngày trời rồi. Quý: - Hải, mày trở đi trở lại vẫn là một thằng thợ mỏ lỗ mãng, không hiểu một tí gì là lễ phép nhà sang trọng cả. Phượng: - Là vì anh ấy không phải là đầy tớ nhà này! Quý: - Thế nhưng cơm mày ăn trên mỏ, cũng là cơm nhà Chu Phác viên, chứ cơm ai?
Hải: - Nó đâu rồi?
Quý: - "Nó" là ai kia? Hải: - Chủ mỏ chứ còn ai nữa? Quý: - Cụ chủ là cụ chủ! Chủ mỏ đâu thì mặc! Vào đây là phải gọi là cụ chủ! Hải: - Được rồi, nhưng dượng hẵng nói với ông ấy rằng có đại biểu thợ trên mỏ về muốn gặp ông ấy. Quý: - Tao xem chừng có lẽ mày cứ về nhà đi là tốt hơn. Câu chuyện trên mỏ có tao, tao sẽ sắp xếp... xong giờ đây. Về nhà nghỉ có đẻ, có em đó, ở lại với chúng nó vài ngày. Đẻ mày về, rồi hẵng lên mỏ. Có tao đây, chưa đến mất việc đâu mà sợ. Hải: - Công việc chúng tôi, dượng chẳng hiểu gì đâu! Thôi thì dượng đừng bàn tán làm gì. Phượng: (Chỉ mong Lỗ Quý đi ra) - Thì cha vào xem ông khách đã về chưa rồi đem anh vào gặp ông chủ đi. Quý: (Lắc đầu) - Sợ chưa chắc cụ đã cho phép mày vào hầu kia đấy! Hải: (Rắn rỏi) - Dượng cứ bảo ông ấy rằng: thằng Lỗ Đại Hải là đại biểu thợ trên mỏ về muốn gặp ông ấy. Chính ông ấy hẹn cơ mà! Hôm kia, chúng tôi đã gặp ông ấy ở công ty đây rồi. Quý: (Vẫn ngờ vực) - Nhưng cũng phải để tao vào bẩm với cụ trước đã. Phượng: - Ừ, thì cha vào đi. Quý: (Đi về phía phòng giấy mấy bước, rồi lại lui trở ra) - Này, nếu mà cụ cho phép vào, thì ăn nói phải từ tốn, lễ phép nghe không? (Đi vào phòng giấy, chân bước rất quan trọng - bước vào trong phòng). Hải: (Nhìn theo chân Quý) - Có cái thứ người lại quên hẳn rằng mình cũng là người nữa cơ! Phượng: (Vẻ trách móc) - Anh! (Nhìn Hải, có vẻ lo lắng) Anh nói khẽ chứ! Ông chủ ngồi ngay phòng bên cạnh này, đây này. Hải: (Nhìn em) - Được! Đẻ cũng sắp tới... Tao xem chừng mày cũng nên liệu giả công việc nhà người ta, đi cho người ta, rồi về với đẻ là hơn.
Phượng: (Giật mình) - Sao lại về? Hải: - Đây không phải là chỗ mày ở được. Phượng: - Sao lại thế? Hải: - Nhà này là một tụi đểu cáng hết sức! Hai năm giời, tao ở trên mỏ, tao biết! Tao biết cách ăn ở của chúng nó... Tao ghét chúng nó! Phượng: - Anh thấy thế nào? Hải: - Mày chỉ nhìn cái toà nhà dẫy ngang dẫy dọc này cũng đủ biết là nó làm bằng máu mủ, mồ hôi, nước mắt của bao nhiêu thợ thuyền chết mất xác trên mỏ ấy cả đấy! Phượng: - Đừng nói nhảm. Nghe nói trong nhà này có ma... Hải: (Sực nhớ lại) - Vừa rồi tao đi vào, thấy một thằng bé còn trẻ tuổi, nằm nghỉ nơi vườn hoa. Mặt xanh giợt ra, con mắt thì nhắm lại như người sắp chết ấy! Họ bảo là thằng con lão chủ nhà này... Nếu vậy thì có âm báo cũng chưa chừng! Phượng: (Có vẻ tức) - Anh...! Nhưng anh ấy ăn ở với người ta tốt lắm cơ, anh không biết à? Hải: - Bố nó làm giàu bằng mọi thủ đoạn xấu xa mà nó lại có thể tốt được ư? Phượng: (Nhìn Hải) - Anh bỏ nhà đi hai năm giời, bây giờ tính khí anh thế nào ấy! Hải: - Hai năm. Hai năm nay...(Đi hai bước, rồi quay lại nhìn Phượng) Tao thì tao lại thấy là mày đổi khác hẳn đi thì có!
(Lỗ Quý đi từ phía buồng giấy đi ra) Quý: (Bảo Hải) - Chờ mãi, ông khách kia vừa đi ra, tao tính vào, thì lại một ông khác tới. Thôi, ta xuống cả dưới kia ngồi chờ một lúc vậy. Hải: - Thế thì để tôi cứ vào nói chuyện cùng ông ấy vậy (Định đi vào). Quý: (Can lại) - Vào thế nào mà vào? Phượng: - Đừng! đừng! Anh hẵng chờ đây đã nào! Hải: - Ừ, thì thôi! Không thế, nói lại bảo là bọn thợ thuyền không biết gì lễ phép. Quý: - Mày liệu hồn mày đấy! Tao bảo chưa vào được, là chưa vào được! Thì xuống dưới nhà chờ đã, chứ sao? Bây giờ tao đem mày đi qua nhà người ta, nhà to, cửa lớn, toà ngang, dẫy dọc, đừng có ngơ ngác mà lạc lối, nghe không? (Đi ra còn ngoảnh lại nói với con gái): Phượng, mày về trước đi, tao về sau, nghe! Phượng: - Vâng, cha cứ đi
(Quý và Hải đi ra) (Phượng uể oải ngồi xuống nơi chiếc xô-pha). (Phía ngoài vườn hoa, bỗng nghe tiếng một thanh niên gọi "Phượng ơi!" tiếng gọi rất nhẹ nhàng, tiếng chân bước nhanh, đi vào cửa giữa)
Phượng: (Giật mình) - Ấy! Lại tiếng anh Hai! Tiếng Xung ngoài cửa gọi vào: - Phượng ơi! Phượng! (Phượng nấp vào sau cái xô-pha). Chu Xung - Con thứ hai của Chu Phác viên, mười bảy tuổi, bận áo trắng thể thao quần vợt, nách cắp chiếc vợt, vừa đi nhanh vào, vừa rút khăn laumồ hôi, mặt đỏ hồng, cặp mắt long lanh, đầy ảo tưởng). Xung: - Phượng ơi! Phượng! (Nhình chung quanh) Vừa đấy lại đâu rồi? (Chạy tới nơi cửa vào phòng ăn, mở hé cửa, gọi khẽ) Phượng ơi! Phượng ra đây, Xung nói cho mà nghe: hay lắm cơ! (Lại chạy qua phía cửa vào buồng giấy, gọi rất khẽ). Phượng ơi! Tiếng Chu Phác Viên: - Xung đấy hả, con? Xung: (Sợ hãi) - Vâng ạ! Thưa ba, con đây ạ! Phác Viên: - Mày làm gì ngoài ấy? Xung: - Con gọi con Phượng mà! Phác Viên: - Nó không có đây! Xung: (Thất vọng) - Quái!... (Lại chạy về bên phải, theo lối vào phòng ăn.) (Phượng chạy ra, thở dài một hơi). (Lỗ Quý đi từ cửa giữa vào). Quý: - Vừa rồi ai gọi mày thế? Phượng: - Anh Hải. Quý: - Anh ấy gọi mày làm gì?
Phượng: - Biết đâu đấy! Quý: - Sao anh ấy gọi mày, mà mày không thưa? Phượng: - Nhưng cha bảo tôi chờ đây kia mà. Cha định bảo tôi gì cơ? Quý: - Mày tính: vừa rồi tao ra ngoài kia, là mấy thằng chó đẻ chúng nó lại đi theo tiếp tục lấy mà gào nợ! Trước mặt bao nhiêu con người ta ở đấy, tao ngó bộ không có hai chục đồng bạc thì méo mặt với chúng, chứ chẳng... chơi! Phượng: (Lấy ra một nắm tiền) - Đây! Bao nhiêu tiền của tôi là đây cả rồi đấy! Tôi định đưa cho đẻ để đẻ may áo. Nhưng cha cần thì hẵng lấy tiền mà tiêu vậy! Quý: - Nhưng... thế này rồi... con còn tiền đâu mà tiêu vặt? Phượng: - Được rồi! Cha đừng làm khách nữa! Quý: (Cười híp mắt lại, cầm tiền đếm) - Có mười hai đồng thôi ư? Phượng: - Chỉ còn ngần ấy là hết nhẵn rồi đấy. Quý: (Cố làm ra vẻ khó nghĩ) - Nhưng còn mấy thằng nữa, chưa có giả cho nó, thì làm thế nào? Phượng: - Thì bảo người ta tối lại đằng nhà lấy vậy. Chốc nữa, đẻ đến hẵng liệu sau. Còn món tiền đó thì cha cứ giữ lấy mà tiêu đã vậy. Quý: - Ừ, thì tao tiêu vậy. Món tiền này là món tiền con hiếu cha đây, thiệt là đứa con thảo. Cha biết mày là con có hiếu với cha, mà lị! Phượng: - Bây giờ để tôi lên gác (Bưng chén thuốc). Quý: - Ừ! ừ! Con lên, ai giữ mày? Thôi! Con đi lên đi. Nhớ thưa với bà chủ là cha hỏi thăm bà có đỡ tí nào không!... Phượng: - Được rồi... Tôi sẽ nói. Quý: - Tốt lắm... à mà này Phượng! Còn quên! Cha còn câu chuyện này phải nói với mày. Phượng: - Thì để rồi hẵng nói vậy. Quý: (Ra hiệu) - Nhưng đây lại là câu chuyện có can hệ đến mày! (Cười vờ). Phượng: - Lại còn việc gì nữa kia? (Lại đặt chénthuốc xuống) Thì nói nốt đi hôm nay vậy! Quý: - Nhìn cái mặt kia!... Cứ nhặng cả lên!... Mai kia làm cô, làm bà, lại gắt gỏng ỏm tỏi và gọi dồn, gọi dập người làm cho mà xem! Phượng: - Thôi, cha nói nốt đi! Quý: - Này, con này, từ rày không nên thế nữa. (Vẻ nghiêm trọng) Tao bảo mày nên cẩn thận hơn lên một tí. Phượng: (Cười mũi) - Tiền tôi hết sạch sành sanh rồi, còn xu nào nữa đâu, mà bảo phải cẩn thận! Quý: - Tao bảo là tao bảo thế này này: bà chủ ấy mà, hai hôm nay xem nét mặt thế nào ấy...! Phượng: - Nét mặt bà ấy... thế nào, thì can hệ gì đến tôi? Quý: - Là tao bảo sợ bà ấy có chuyện gì phiền vì mày ấy kia chứ! Phượng: - Phiền gì mới được chứ? Quý: - Phiền gì? Để tao nói cho mày sáng mắt mày ra. Ông chủ thì già, bà chủ thì non! Bà chủ chả thích gì ông chủ đâu. Mà anh Cả nhà này cũng không phải là con bà này. Bà chủ với anh Cả có hơn kém nhau cũng chỉ vài tuổi là cùng. Phượng: - Thì tôi cũng biết thế. Quý: - Thế mày có biết vì sao cái phòng này này, cứ tối lại không ai được lai vãng; và lúc ông chủ lên mỏ thì ban ngày cũng chẳng ai được bén mảng tới đây, mày có hiểu vì sao không? Phượng: - Có phải vì tối lại ở đây có ma không? Quý: - Ma? Ừ thì có ma thiệt! Chính mắt tao cũng đã thấy ma rồi! Phượng: - Thế nào? Cha thấy rồi thiệt à? Quý: (Đắc ý) - Thì ma cũng là ma của cha mày làm ra, chứ ai vào đấy? Phượng: - Thế nào? Quý: - Hồi ấy mày còn chưa đến làm cơ! Ông chủ thì ở luôn trên mỏ, cái toà nhà rộng thênh thang và âm thầm này chỉ có anh Cả, anh Hai và bà chủ ở mà thôi ; ấy là lúc gian phòng bắt đầu có ma. Anh Hai hồi ấy còn bé, cứ sợ hết cả hồn vía, tối nào cũng gọi cho được tao vào nằm trước cửa phòng mới nghe. Một hôm... về tiết thu, lúc nửa đêm, anh Hai gọi tao dậy, nói là ngoài phòng khách lại có ma, và bảo tao ra xem. Tao thì cũng hơi rởn gáy. Nhưng mình vừa vào làm, người ta bảo thì cũng phải đi vậy. Phượng: - Thế cha có đi tới đó không? Quý: - Tao tu ngay hai ngụm rượu hấp, đi qua hồ sen, rồi rón rén đi tới cái hàng hiên này, chỗ cái cửa kia kìa... Tao lắng tai nghe: trong phòng có tiếng đàn bà sụt sịt khóc... Khóc rất nhỏ, nhưng nghe thảm thiết lắm kia! Tao mới đánh bạo làm dạn, ghé mắt vào nơi khe cửa nách, nhìn vào trong phòng... Phượng: (Lo lắng nhìn) - Cha thấy gì trong ấy? Quý: - Tao nhìn thấy, ngay trên cái bàn kia kìa, một ngọn nến hiu hắt, tắt không ra tắt, đỏ cũng không ra đỏ. Mơ màng, tao thấy hai con quỷ đen ngồi xổm ngay giữa đất, hình như một người đàn ông, một người đàn bà, cả hai đều quay lưng ra phía tao đứng. Mà con ma đàn bà ấy mà, nó cứ ôm chặt lấy con ma đàn ông khóc nức nở! Còn con ma đực kia thì chỉ cúi đầu xuống thở dài... Phượng: - Thiệt thế hả, cha? Quý: - Thiệt hẳn chứ! Nhân lúc hơi men đang nồng, thế là tao liều: ghé ngay miệng vào khe cửa, tao đằng hắng một tiếng... khe khẽ thôi. Tao thấy hai con ma buông ngay nhau ra, nhìn về phía mình! Thế là chúng nó ngoảnh mặt lại cả phía tao, và tao nhìn rõ bằng một mặt cả hai con ma... Phượng: - Nó thế nào? (Quý đứng lại nhìn quanh quất) Phượng: - Ai thế hả, cha? Quý: - Thế là tao thấy rõ con quỷ đàn bà (Ngoảnh lại, nói nhỏ)... Nó là bà chủ nhà này này! Phượng: - Bà chủ?
Quý: - Còn con ma đực ấy à? Nó chính là anh Cả! Phượng: - Anh Cả?... Quý: - Chính!... Chính anh ta cùng với bà dì anh ta đã hiện ra làm ma trong phòng này. Phượng: (Làm ra vẻ bình tĩnh) - Chả có lẽ. Nhất định là cha thấy lầm thế nào đấy! Quý: - Không có lầm! Thôi mày đừng tự lừa dối mày làm gì nữa! Cho nên, con ạ, cha bảo mày: giương con mắt ra với! Đừng vớ vẩn nữa! Nhà họ Chu này là thế đấy! Phượng: - Không có lẽ! Không có lẽ! Quý: - Mày quên rồi ư? Anh Cả với bà chủ sấp sỉ nhau chỉ sáu bảy tuổi thôi. Phượng: - Tôi không tin, chả có lẽ. Quý: - Được rồi! Tin hay không thì tuỳ mày. Chẳng qua là tao bảo cho mày biết là bà chủ mấy hôm gần đây xem bộ đối với mày không tốt như độ trước. Là... là... vì... vì mày với... Phượng: (Vờ nói qua chuyện khác) - Bà ấy biết cha đứng rình ở ngoài cửa, thì nhất định là bà ấy chẳng tha... Quý: - Thì đã hẳn! Tao toát cả mồ hôi, rồi tất tơi tất tả chạy về, không dám ngoảnh cổ lại nữa! Phượng: - Nhưng về sau bà chủ chắc cũng chửa chịu cho thế là thôi đâu. Quý: - Thì cố nhiên bà ấy cũng chẳng vừa: cứ dò la tao đến mười mấy lần ấy chứ! Nhưng tao không hề rỉ hơi. Có lẽ hai năm nay, bà ấy cũng vẫn ngờ là tối hôm đó quả có con ma thật đằng hắng ở ngoài cửa cũng nên.
Phượng: - Chẳng có lẽ, tôi thì tôi không tin... Quý: - Mày không tin? Thôi! Mày lại chiêm bao ban ngày rồi! Mày nghĩ xem: anh ấy là người thế nào? Mày người thế nào? Mày tính: nếu mày không có lão bố mày biết tử tế hầu hạ người ta, thì dễ người ta đã... Phượng: - Thôi! Cha đừng nói chuyện ấy nữa!...(Đứng dậy) Hôm nay đẻ tới đây, tôi vui sướng lắm! Cha cứ nói những chuyện nhảm nhí mãi thôi! Quý: - Mày xem chừng! Nói thiệt cho mà nghe, mà mở mắt ra một tí, lại cứ bướng bỉnh! (Ngạo nghễ nhìn Phượng, rồi đi lại nơi cái bàn con, rút luôn mấy điếu thuốc, bỏ vào hộp thuốc của mình, cử chỉ rất là tự nhiên, lanh lẹ như bọn ăn cắp đã quen tay). Phượng: (Nhìn Quý, nói lạnh lùng) - Thế là cha nói hết chuyện rồi chứ? Tôi đi đây đã. (Lại nâng chén thuốc, định đi ra). Quý: - Rồi hẵng! Tao đã nói hết đâu nào! Lát nữa, đẻ mày sẽ tới đây tìm mày đấy. Phượng: - Thế nào? Quý: - Đẻ mày xuống tàu là tới ngay đây. Phượng: - Đẻ không bao giờ bằng lòng cho tôi đi làm với các nhà sang trọng thế này; thì sao cha lại cứ bắt đẻ tới đây tìm tôi làm gì? Tối nào tôi cũng về nhà thì sẽ gặp đẻ, cần gì mà bắt đẻ phải tới đây mới được? Quý: - Không phải tao bắt đẻ mày, mà chính là bà chủ nhà này bảo tao mời cho được đẻ mày tới đây, nghe không? Phượng: - Bà chủ muốn đẻ tới đây à?
Quý: - Ừ mà!... (Vẻ bí mật) Thế có kỳ không? Có bà con quen biết gì với nhau đâu, thế mà nhất định mời đến nói chuyện cho kỳ được! Phượng: - Thì cha đừng có úp úp mở mở nữa là hơn! Quý: - Mày có biết vì lẽ gì bà ấy cứ một mình lập bệnh nằm trên gác nhất định không chịu xuống dưới này không? Phượng: - Thì xưa nay mỗi lúc ông chủ về là bà ấy vẫn thế... Quý: - Thế mà lần này không thế nữa cho mà xem. Phượng: - Thế à? Là vì sao? Quý: - Mày không biết gì cả à?... Anh Cả cũng không nói gì ư? Phượng: - Không! Sáu tháng nay, anh ấy rất ít khi trò chuyện cùng bà chủ. Quý: - Thiệt thế à? Thế bà ấy đối với mày thế nào? Phượng: - Mấy hôm nay có vẻ niềm nở hơn trước nhiều. Quý: - Thế thì đích đi rồi!... Tao bảo cho mày biết nhé: bà ấy biết rằng tao muốn cho mày có công ăn việc làm ở nhà này, đừng đi đâu sốt. Cho nên bà ấy mới triệu cho được đẻ mày lên đây, để bảo hai đẻ con đem nhau cuốn gói mà cút. Phượng: - Bà ấy muốn cho tôi ra khỏi nhà này?... Nhưng vì sao lại thế kia chứ? Quý: - Cái ấy thì mày cũng có thể hiểu lấy được! Phượng: (Nói khẽ) - Thế sao lại phải mời đẻ đến? Quý: - Để bà ấy nói chuyện với đẻ mày, chứ gì nữa? Phượng: (Hiểu ý Quý và nói ân cần) - A! Thế thì cha này, dầu thế nào thì câu chuyện tôi ở trong nhà này cha cũng đừng cho đẻ biết đấy. (Sợ hãi chảy nước mắt) Cha tính độ trước lúc tôi ở nhà bước chân ra đi, đẻ đã dặn dò là phải giữ tôi ở nhà, đừng cho đi làm với ai hết. Cha không chịu nghe cho, nhất định đem tôi đi. Đẻ yêu tôi, đẻ cưng tôi. Đẻ biết đâu sự tình ngày nay xẩy ra thế này. Thiệt chết thì chết tôi cũng không dám cho đẻ biết những câu chuyện này! (úp mặt vào bàn nước) Đẻ ơi! Quý: - Con này, (Vỗ về con) từ nay mày mới biết cha mày là tốt với mày nhé! Cha mày cưng mày, yêu mày! Con đừng sợ! đừng sợ nghe không? Bà ấy không dám làm gì đâu! Bà ấy không dám đuổi mày đâu! Trong nhà này, còn có kẻ bà ấy phải né! Phượng: - Bà ấy mà còn phải né ai cơ? Quý: - Né cha mày chứ né ai? Mày quên chuyện hai con ma tao vừa kể cho mày rồi à? Hôm qua lúc tao xin phép cho mày nghỉ, bà ấy dặn tao hễ đẻ mày đến thì thế nào cũng bảo đẻ lên đây. Tao xem nét mặt bà ấy hai hôm nay tao cũng đã đoán được một nửa câu chuyện rồi. Tao nhân dịp đem câu chuyện ma năm trước nói bóng nói gió mấy câu... Bà ta là người khôn khéo, thế nào mà chả hiểu? Hèm!... Nếu bà ấy định chơi khăm với tao, thì giờ đây ông chủ ở nhà, bà ấy có thể khó chịu với tao! Tao cũng biết bà ấy là người lợi hại, nhưng bất kỳ ai, hễ khinh rẻ con tao là tao không tha! Phượng: (Ngấc đầu lên) - Cha đừng khinh người... Quý: - Trong cái nhà này, trừ cái lão già ra, tao chẳng thèm đếm xỉa đến người thứ hai nào sốt! Đừng sợ! Đã có cha đây! Vả lại tao đoán nhầm cũng nên: chưa chắc hẳn bà ấy đã có ý bẩy mày ra. Số là ngoài mặt, lâu nay bà ấy chỉ nói rằng: nghe nói đẻ mày biết chữ và thông sách, cho nên muốn gặp đẻ mày nói chuyện. Phượng: (Giật mình lắng tai nghe) - Khoan đã, cha đừng nói nữa. In tuồng có ai đằng hắng phía buồng ăn ấy! Quý: (Lắng tai nghe) - Không phải bà chủ chứ? (Chạy lại phía phòng ăn, ghé mắt vào lỗ khoá cửa, nhìn vào phía trong, lật đật quay lại) Đích là bà chủ! Quái! Bà ấy lại xuống gác!... Nhưng con đừng sợ! Đừng sợ! Đừng sợ gì sốt! Cha đi đã đây! Phượng: (Lau nước mắt) - Khi nào đẻ đến, cha cho tôi biết trước, cha nhé!
Quý: - Được rồi! Gặp đẻ mày cứ làm như là mày không biết gì sốt! Nghe chưa! (Chạy ra cửa giữa, còn ngoảnh đầu lại) Và nhớ thưa với bà rằng: cha hỏi thăm bà, chúc bà chóng khoẻ nhé! (Vội vã đi ra).
(Phượng bưng chén thuốc đi về phía buồng ăn. Vừa tới cửa thì Phồn Y vào. Phồn Y là một người đàn bà can đảm, âm thầm. Nét mặt trắng nhợt, chỉ còn cặp môi hơi đỏ. Cặp mắt to và âu sầu, đường sống mũi cao thành ra bộ mặt khá đẹp nhưng cũng có vẻ dễ sợ. Dưới đường lông mi dài và âm u, người ta có thể đoán biết Phồn Y là một tâm hồn u uất. Cũng có lúc cặp mắt đang bị ngọn lửa lòng nung đốt ấy toả ra mấy tia sáng tràn trề những nỗi đau khổ, phiền não của một người đàn bà trẻ tuổi thất vọng. Khoé môi hơi cong về phía trên, biểu lộ tâm tình một người đàn bà uất ức mà vẫn cố gắng giữ cho được bình tĩnh. Khi Phồn Y ho thì hay đưa bàn tay nhỏ xíu và trắng ngần ép khẽ vào bộ ngực gầy yếu. Mãi đến khi thở dài ra được một hơi rồi thì mới đưa tay lên vuốt vào nơi cồn má đỏ hồng. Phồn Y là một người con gái Trung Quốc lối xưa, yếu đuối, sầu não, thông minh, thích văn thơ nhưng vẫn có ít nhiều chất dã man của con người nguyên thuỷ trong tâm hồn, trong gan ruột, trong tư tưởng điên cuồng của nàng và ngay cả trong lực lượng mà Phồn Y cảm thấy giữa những lúc không ngờ nữa. Xét về toàn thể, Phồn Y có vẻ giống như chất thuỷ tinh, chỉ có thể cung cấp cho tinh thần người đàn ông những niềm an ủi. Tảng trán sáng sủa biểu hiện một thứ lý tính thâm trầm, thế mà mỗi lúc Phồn Y sa ngã, đắm đuối vào cõi tưởng tượng mơ màng của tình cảm, là cô nàng bỗng cười lên sằng sặc một cách sung sướng. Khi Phồn Y gặp được điều vui thích và nỗi lòng sung sướng biểu lộ cả lên trên đôi má thì người ta cảm thấy ngay rằng Phồn Y là một người có thể bị yêu, một người đáng được yêu; người ta biết ngay rằng Phồn Y cũng là một người đàn bà như trăm nghìn người đàn bà khác; tình yêu của Phồn Y là khối lửa nồng nàn, tức giận của nàng cũng là một khối lửa có thể đốt cháy người. Thế nhưng bề ngoài Phồn Y vẫn có vẻ thâm trầm, lo âu, chẳng khác nào cảnh lá mùa thu rụng xuống bên mình chúng ta vào lúc chiều hôm. Phồn Y cũng cảm thấy mùa hè của nàng đã qua rồi và cái rán chiều của đời nàng đã bắt đầu rũ xuống. Phồn Y bận tuyền mầu đen, bộ áo thêu mấy cánh hoa, màu bạc nhợt; một chiếc quạt đeo vào nơi ngón tay. Bước chân vào, Phồn Y nhìn ngay vào Phượng, vẻ mặt hết sức tự nhiên).
Phượng: - Thưa bà, bà xuống gác làm gì? Con đang tính đưa thuốc lên bà xơi đây. Phồn Y: - Ông có trong phòng giấy không? Phượng: - Có đấy ạ. Ông con đang tiếp khách. Phồn Y: - Ai trong này cơ? Phượng: - Thưa: ông cảnh sát trưởng vừa ra. Giờ không biết có ông nào mới tới nữa ấy. Bà định gặp ông con? Phồn Y: - Không đâu! (Nhìn quanh) Hai tuần nay không xuống dưới này, nhà cửa hôm nay đã lạ lùng chưa? Phượng: - Thưa bà, ông con bảo là bày như mọi hôm không đẹp, cho nên ông con đã cho chuyển bao nhiêu đồ bà mới sắm lại đằng kia... Đây là ông con truyền cho sắp lại thế này đấy. Phồn Y: (Nhìn về phía tủ áo) - Kìa! Cái tủ áo cũ ấy bây giờ lại đưa lại đây rồi. (Ho, - ngồi xuống, có vẻ mệt). Phượng: - Thưa bà, bà còn sốt, má còn đỏ hồng lên thế kia, để xin bà lên gác nghỉ ngơi tí thì hơn. Phồn Y: - Không, trên ấy nóng quá! (Ho). Phượng: - Ông con bảo là bà còn mệt và dặn chúng con mời bà cứ nghỉ trên gác, đừng xuống dưới này làm gì. Phồn Y: - Nằm dài cả ngày trên giường ai mà chịu được? à... Tao quên hẳn: ông ở mỏ về hôm nào ấy nhỉ? Phượng: - Chiều hôm kia đấy ạ. Lúc ông con về, thấy bà sốt nặng, ông con bảo để bà nghỉ. Rồi ông con xuống nhà dưới ngủ. Phồn Y: - Thế nhưng suốt ngày hôm qua đến giờ, hình như tao cũng chả thấy ông đâu cả. Phượng: - Vâng, hai hôm nay ông con luôn luôn bận việc, phải đi họp hội đồng tỉnh. Mãi đến tối, mới lên gác thăm bà. Nhưng bà đã đóng cửa đi ngủ rồi. Phồn Y: (Không để ý) - Thế à?... Sao mà dưới này cũng oi thế này? Phượng: - Vâng, hôm nay bức quá kia! Từ sáng đến giờ, mây đen nghịt cả trời, không khéo hôm nay lại có cơn giông.
Phồn Y: - Mày tìm cho tao một chiếc quạt cho to một tí. Nực quá, in tuồng tao thở không ra hơi nữa. (Phượng đưa một chiếc quạt khác lại, Phồn Y nhìn Phượng, rồi cố ý quay đầu đi). Phồn Y: - Sao hai hôm nay tao chả thấy anh Cả đâu ấy nhỉ? Phượng: - Có lẽ anh Cả con cũng bận. Phồn Y: - Hình như anh ấy cũng định lên mỏ, phải không?
Phượng: - Con không được biết mà. Phồn Y: - Mày không nghe nói gì à?
Phượng: - Không mà! Con chỉ thấy hai hôm nay, u Trương hầu anh con ấy mà, luôn luôn sắp xếp áo quần cho anh. Phồn Y: - Thế cha mày làm gì? Phượng: - Con không biết mà!... Cha con có bảo con thưa cùng bà rằng: cha con gởi lời hầu thăm sức khoẻ bà. Phồn Y: - Cha mày thế mà còn nhớ hỏi thăm. (Ngồi nghĩ một lúc) Anh ấy bây giờ còn ngủ chưa dậy kia à? Phượng: - Ai kia ạ? Phồn Y: - À!...(Không ngờ Phượng hỏi lại như vậy. Vội vã nói nốt) Anh Cả ấy mà. Phượng: - Con không biết mà! Phồn Y: (Liếc nhìn Phượng)- Thế à? Phượng: - Vâng. Con không hề thấy anh ấy. Phồn Y: - Tối hôm qua, đến mấy giờ anh ấy mới về nhỉ? Phượng: (Đỏ mặt) - Thưa bà, tối nào con cũng về nhà ngủ, con có biết đâu. Phồn Y: (Bị động) - Ừ nhỉ! Hôm nào mày cũng về nhà ngủ kia mà! (Thấy mình nhỡ nhời) Nhưng Phượng này, ông ở trên mỏ về, chẳng có ai hầu hạ mà hôm nào mày cũng về nhà như vậy thì thế nào cho tiện? Phượng: - Thưa bà, chẳng là bà vẫn bảo con tối nào cũng cho con về nhà ngủ mà! Phồn Y: - Ấy là những hôm ông đi vắng kia chứ. Phượng: - Vả lại con thấy ông con ăn chay, niệm phật, cho nên con chắc rằng ông con không thích chúng con ở lại hầu. Phồn Y: (Bỗng ngấc đầu lên) à, cứ như thế thì chỉ vài hôm nữa là anh ấy đi rồi... anh ấy sẽ đi đâu ấy nhỉ? Phượng: (Sợ hãi) - Bà bảo anh Cả con ấy, phải không ạ? Phồn Y: (Chăm chú nhìn Phượng) - Ừ ! Phượng: - Con không được biết. (ấp úng) Anh... anh ấy thường thường cứ ba bốn giờ sáng mới về. Sáng nay, nghe cha con nói mang máng đâu rằng tối hôm vừa rồi mãi đến quá nửa đêm mới về, chính cha con mở cửa cho anh vào. Phồn Y: - Anh ấy lại cũng vẫn say ư? Phượng: - Con không biết được mà... (Tìm cách nói sang chuyện khác) Thưa bà, để bà xơi thuốc. Phồn Y: - Ai bảo tao phải uống thuốc? Phượng: - Ông con dặn đấy ạ. Phồn Y: - Tao có mời đốc tờ đâu!... Thuốc đâu thế này? Phượng: - Ông con bảo là bà đau gan, sáng hôm nay ông con nhớ lại cái đơn thuốc bà uống độ trước, liền cho người đi bốc về; ông còn dặn sắc xong, lúc nào bà dậy, sẽ đưa lên. Phồn Y: - Thế sắc xong chưa? Phượng: - Rồi đấy ạ. Con chờ đã nửa buổi nay, bây giờ thuốc đã nguội...(Đưa chén thuốc lại) Để xin mời bà uống...
Phồn Y: (Uống một ngụm) - Đắng chết cha người ta đi được! Ai sắc thế này? Phượng: - Con sắc đấy mà! Phồn Y: - Không tài nào uống được! Mày đổ đi cho tao thôi. Phượng: - Đổ đi sao ạ! Phồn Y: (Sực nhớ lại bộ mặt dữ tợn của ông chồng) Hẵng để đấy vậy. (Nghĩ ngợi)... Nhưng thôi, mày cứ đổ quách đi! Phượng: (Ngần ngại) Thưa bà... Phồn Y: - Cái thang thuốc đắng chết người đi thế này, mấy năm nay uống mãi, uống hoài như vậy mà còn chưa vừa cơ à? Phượng: (Lại bưng chén thuốc lên) - Thưa bà, bà chịu khó tí vậy, bà cố uống, thuốc đắng cũng là thuốc hay. Phồn Y: (Phát bẳn) - Ai khiến mày nào? Đổ đi cho tao!...(Thấy vừa cáu vô lý) Nghe nói lần này ông về gầy đi nhiều, u già bảo thế, có phải không? Phượng: - Vâng, ông gầy và đen hẳn đi. Thấy nói thợ trên mỏ đình công, ông có vẻ lo. Phồn Y: - Ông bực mình lắm à? Phượng: - Con thì con thấy ông vẫn thế. Lúc nào không tiếp khách là ông ngồi im, chả nói gì sốt. Phồn Y: - Ông cũng chẳng chuyện trò gì với các anh ấy à? Phượng: - Thỉnh thoảng thấy anh Cả, ông con chỉ gật đầu, không nói gì. Nhưng gặp anh Hai, thì vẫn hỏi ở trường học
hành thế nào... à! Mà thưa bà, sáng nay anh Hai con có lên gác thăm bà đấy ạ. Phồn Y: - Mày cứ bảo nó rằng tao đã đỡ nhiều... à, và nhớ bảo thầy ký kế toán lấy bốn mươi đồng đưa cho nó, nó cần tiền mua sách. Phượng: - Nhưng anh ấy lại muốn được gặp bà kia ạ. Phồn Y: - Thế thì bảo nó lên gác vậy. (Đứng dậy, bước đi mấy bước). Chao! Cái phòng này cứ luôn luôn oi bức thế này, đồ đạc trong ngoài in tuồng mốc hết! Phượng: - Thưa bà, hôm nay con định xin phép bà ở nhà một hôm. Phồn Y: - Thế đẻ mày ở Tế Nam lên rồi đấy à? Ừ nhỉ, cha mày vừa nói cho tao biết. (Tiếng Xung lại từ ngoài gọi vào: Phượng! Phượng!) Phồn Y: - Mày ra xem anh Hai gọi gì. (Xung vẫn gọi Phượng) Phượng: - Ở trong này kia.
(Xung đi vào). Xung: (Chưa nhìn thấy Phồn Y) - Phượng ơi! Tôi tìm Phượng cả sáng hôm nay. (Thấy Phồn Y) Mợ! Mợ xuống nhà làm gì? Phồn Y: - Sao mặt mồ hôi mồ kê đầy lên thế hả, Xung? Xung: - Con vừa quần vợt với thằng bạn con. (Nũng nịu) Mà mợ ạ, con đang muốn thưa với mợ nhiều chuyện lắm kia, mợ có bớt không? (Ngồi xuống bên cạnh Phồn Y) Hai hôm nay con luôn luôn lên gác thăm mợ, sao mợ cứ khoá kín cửa làm vậy? Phồn Y: - Mợ cần được yên lặng một tí! Con xem mợ hôm nay khí sắc thế nào? À Phượng đi lấy cho anh Hai một cốc nước chanh đây. Mặt con đỏ thông hồng lên thế kia! (Phượng đi ra) Xung: (Vui vẻ) - Mợ để con nhìn mợ tí đã. Con thấy mợ khoẻ đấy chứ! Có bệnh gì đâu, sao người ta cứ bảo mợ đau? Thế rồi mợ cũng cứ nằm cả ngày trên phòng. Ba về nhà ba ngày nay, mợ cũng chưa hề gặp. Phồn Y: (Có vẻ u uất) - Mợ thấy uất ức trong lòng lắm cơ! Này Xung, con năm nay mười bảy rồi đấy nhỉ? Xung: - Ấy! Mợ quên cả tuổi con, con lại giận ngay bây giờ cho mà xem! Phồn Y: (Cười) - Mợ con hư lắm nhỉ! Nhưng có lúc mợ quên, quên bẵng không biết mình ở chỗ nào nữa kia, con ạ. ừ, mà con mợ năm nay mười tám rồi kia ư? Thế con xem ăn ở trong cái nhà này bấy nhiêu lâu, mợ có già đi nhiều không? Xung: - Không đâu, mợ nghĩ những gì gì thế! Phồn Y: - Nào mợ có nghĩ gì đâu! (Phượng đưa nước chanh vào) Phượng: - Này, anh Hai... Xung: (Đứng dậy) - Cám ơn Phượng. (Phượng đỏ mặt, rót nước chanh) Xung: - Phượng lấy một cái cốc nữa cho bà đi, Phượng nhé. (Phượng đi ra).
Phồn Y: - Sao con lại khách sáo như thế? Xung: (Uống nước chanh) - Mợ ạ, con định thưa với mợ một chuyện. Số là... (Phượng lại trở vào) Thôi để lát nữa con sẽ nói... Phòng này sao hôm nay oi thế này nhỉ? Phồn Y: - Chả là bao nhiêu cửa đều đóng cả lại. Xung: - Để con đi mở ra vậy. Phượng: - Ông dặn đừng mở ra, và ông bảo là bên ngoài phòng còn nóng hơn bên trong nữa kia! Phồn Y: - Không hề gì. Mày cứ đi mở ra! Ông thì ông đi chỗ này chỗ kia, hàng năm không về nhà, ông biết đâu không khí nhà này nặng nề chết người đi được! (Phượng dang tay kéo mấy tấm màn cửa) Xung: (Thấy Phượng ráng hết hơi hết sức để khiêng cái bồn hoa) - Thôi! Phượng để mặc tôi. Phồn Y: (Quay lại bảo Phượng) - Phượng, mày hẵng xuống bếp xem chúng nó dưới ấy đã làm gì để chốc nữa ông dùng cơm.
(Phượng đi ra) Phồn Y: - Này, Xung! (Xung lại gần) Bây giờ con ngồi xuống nói cho mợ nghe. Xung: (Nhìn Phồn Y, sung sướng và chứa chan hy vọng) - Mợ ạ, hai hôm nay con sung sướng lắm kia! Phồn Y: - Sống trong cái nhà này, mà con sung sướng được thì thiệt là một điều rất hay. Xung: - Mợ ạ, con chả có gì là giấu mợ hết. Mợ không phải là một bà mẹ tầm thường: mợ can đảm, mợ rất giàu tưởng tượng và bao giờ mợ cũng hiểu lòng con cả. Phồn Y: - Thế ư? Xung: - Mợ ạ, con muốn thưa với mợ một việc... Không phải! Nghĩa là con muốn thảo luận với mợ một việc...
Phồn Y: - Thì con nói ngay đi cho mợ nghe. Xung: (Có vẻ bí mật) - Mợ... nhưng rồi mợ có nói gì con không? Phồn Y: - Mợ không nói gì đâu. Con cứ nói đi. Xung: (Vui vẻ) - Mợ ạ (Bỗng ngừng lại) Không,... không,... con chả nói!
Phồn Y: - Sao con lại không nói (Cười) nữa? Xung: - Con... sợ mợ mắng!... Con nói mợ nghe, rồi mợ cũng vẫn yêu con như thế này chứ? Phồn Y: - Con mợ ngốc! Bao giờ mợ chả yêu con? Xung: (Cười) - Mợ con tốt quá! Thiệt nhé, mợ vẫn yêu con, mợ nhé! Mợ không mắng con chứ? Phồn Y: - Ừ mà! Con cứ nói đi, mợ nghe. Xung: - Nhưng con nói, rồi mợ cũng không được cười con cơ! Phồn Y: - Mợ không cười đâu mà! Xung: - Thật nhé! Phồn Y: - Thật hẳn chứ! Xung: - Mợ ạ, con bắt đầu yêu một người... Phồn Y: (Ra vẻ sợ) - Thế nào? Xung: (Nhìn vào mặt Phồn Y) - Kìa, xem sắc mặt mợ, con thấy hình như mợ đã có ý bảo con không nên làm như thế rồi đấy! Phồn Y: (Lắc đầu) - Không đâu mà! Không đâu... Con cứ nói đi, người ấy là ai? Xung: (Say sưa) - Người ấy là một người rất là, rất là...(Nhìn Phồn Y) Quả tình, mợ ạ, con thấy người con gái ấy là người con cho là hoàn toàn hết sức. Một người đơn giản, hiểu thế nào là hạnh phúc sự sống, một người con gái rất giàu thiện cảm, và đồng thời hiểu thấu ý nghĩa lao động... Hơn nữa cô ta không phải là một người sinh trưởng trong khuê các, đào luyện ở trong đám tiểu thư... Phồn Y: (Ra vẻ không để ý) - Nhưng con thì con thích người có học kia mà? Thế người ấy học hành thế nào? Xung: - Cố nhiên là cô ta chưa hề đi học. Ấy là chỗ khuyết điểm duy nhất của người ta, nhưng con thì con cũng không trách. Phồn Y: (Dim mắt xuống, hết sức quan tâm) - À! con nói đó là con Phượng hẳn thôi! Xung: - Vâng! Mợ ạ, con cũng biết là người ngoài thì thế nào họ cũng cười con; nhưng con tin rằng: mợ thì mợ sẽ đồng ý cùng con. Phồn Y: (Thất kinh, như nói một mình) - Làm sao mà con mình cũng... Câu chuyện kể cũng kỳ quái! Xung: - Mợ không bằng lòng hả mợ? Mợ cho là con tầm bậy chắc? Phồn Y: - Không! Không phải thế, chẳng qua mợ sợ rằng một người đàn bà như con bé ấy khó lòng mà làm cho con sung sướng. Xung: - Không phải đâu! Phượng nó thông minh, nhiều tình cảm; lại hiểu được con nữa. Phồn Y: - Thế ba không bằng lòng thì thế nào? Xung: - Câu chuyện này là chuyện riêng của con chứ? Phồn Y: - Người ngoài biết thì người ta cười chết. Xung: - Cái ấy con chả cần. Phồn Y: - Thế thì con cũng thiệt là con mợ. Nhưng mợ chỉ sợ con không nghĩ đến nơi đến chốn, trước hết, dầu thế nào, con Phượng cũng chỉ là một con ở, nó chưa hề được một chút giáo dục nào. Kể ra, con yêu nó, thì cũng là phúc nhà nó rồi đấy.
Xung: - Mợ, mợ đừng nghĩ rằng Phượng nó bằng lòng ngay đâu. Phồn Y: - Mợ thấy đối với người nào con cũng quá trọng người ta. Xung: - Nhưng câu nói của mợ nói về Phượng thì không đúng. Phượng là một người hết sức thanh khiết, hết sức vững vàng. Hôm qua con đã ngỏ ý muốn "cầu hôn"... Phồn Y: (Giật mình) - Thế nào? Cầu hôn, là thế nào? (Bật cười) Mày đã định xin cưới rồi kia à? Xung: (Trịnh trọng) - Mợ đừng cười, Phượng nó đã cự tuyệt câu chuyện ấy rồi. Nhưng con thì con vẫn thích, vẫn vui lòng. Càng như thế, Phượng đối với con lại càng cao quý. Nó bảo nó không ưng lấy con. Phồn Y: - Thế kia à? Ừ, mợ hiểu rồi. Xung: - Mợ đừng nghĩ rằng Phượng nó làm bộ với con. Không phải đâu! Phượng bảo con rằng Phượng đã yêu một người khác rồi. Phồn Y: - Yêu ai cơ? Nó bảo con thế nào?
Xung: - Con không hỏi. Thì chắc lại một người láng giềng nào hàng ngày nó vẫn quen biết ấy chứ gì. Nhưng xưa nay những mối ái tình chân chính bao giờ chả gặp những bước trắc trở. Con yêu Phượng, rồi đây Phượng sẽ hiểu con, sẽ yêu con. Phồn Y: (Không làm thinh được nữa) - Nhưng con mợ dầu muốn lấy nó cũng không lấy được kia. Xung: (Lạ lùng) - Sao mợ lại nói thế hở mợ? Phượng nó tốt lắm. Không những trước mặt mợ mà thôi, những lúc mợ vắng cũng vậy, bao giờ nó cũng cảm phục mợ, và kính trọng mợ lắm kia. Phồn Y: - Thế thì bây giờ con định thế nào? Xung: - Con định thưa để ba rõ bấy nhiêu ý nghĩ của con. Phồn Y: - Con không biết ba con là người thế nào ư? Xung: - Con biết lắm chứ! Nhưng con nhất định sẽ nói cho ba biết. Rồi đây, dầu con không kết duyên được với Phượng đi nữa, con cũng chả cần kia mà. Dầu Phượng không ưng con, thì con cũng sẽ yêu quý Phượng, giúp đỡ Phượng. Nhưng hiện giờ con chỉ ước ao sao Phượng được đi học, và con sẽ xin với ba đem số tiền học phí của con, chia ra một nửa, cho Phượng đi học. Phồn Y: - Thằng này đến trẻ con! Xung: (Không bằng lòng) - Con không trẻ con, mợ ạ! Con không trẻ con đâu! Phồn Y: - Rồi mày xem, ba mày chỉ nói cho một câu, là bấy nhiêu mơ mộng của mày sẽ tan tành! Xung: - Con chắc là không... Nhưng thôi, mợ ạ, ta nói chuyện khác vậy. Hôm qua ấy mà, con vừa gặp anh Bình. Anh ấy bảo con rằng: anh ấy sẽ lên mỏ làm việc; ngày mai anh ấy đi. Anh ấy nói bận quá, và anh ấy nhờ con thưa lại với mợ rằng anh ấy không thể lên hầu mợ được, xin mợ đừng giận. Phồn Y: - Giận thế nào! Sao lại giận? Xung: - Nhưng con vẫn thấy rằng độ này mợ đối với anh ấy có khác hồi trước. Mợ ạ, anh ấy từ lúc bé không có mẹ, thành ra tính khí có nhiều lúc khó chịu. Nhưng con vẫn chắc rằng mẹ anh ấy xưa kia cũng là một người đàn bà nhiều tình cảm, cho nên anh ấy cũng giàu tình cảm lắm đấy, mợ ạ. Phồn Y: - Hôm nay, ba mày về nhà rồi. Mày đừng có nhắc đến chuyện mẹ anh Bình làm gì. Không khéo ba mày lại đổ bẩn, cả nhà không ai ngồi ăn được đâu! Xung: - Nhưng mợ ạ, anh ấy lâu nay thế nào ấy! Con thấy anh ấy cứ rượu chè be bét, động một tí là gắt điên lên. Hôm vừa rồi, anh ấy uống rượu say tuý luý. Anh ấy cầm lấy tay con, kể lể cùng con, anh ấy bảo anh ấy chỉ tức bực vì anh ấy, và nói những câu gì gì, con chả hiểu thế nào cả. Phồn Y: - Thế à? Xung: - Sau đó, anh ấy bảo con rằng: độ trước anh ấy đã yêu một người mà đáng lý anh ấy không nên yêu. Phồn Y: (Nói một mình) - Độ trước?... Xung: - Nói xong câu nói là khóc nức nở, và lập tức anh ấy bảo con đi ra khỏi phòng anh ấy.
Phồn Y: - Thế sau đó, nó còn nói gì nữa không? Xung: - Không. Anh ấy buồn quá đi mất! Con thấy mà thương hại. Vì sao anh ấy không lấy vợ đi mợ nhỉ? Phồn Y: - Ai biết đâu đấy? Ai biết đâu đấy! Xung: (Nghe có tiếng giầy từ phía ngoài đi vào, ngoảnh cổ lại nhìn) - A kìa, anh Bình vào đây rồi! (Bình xô cửa đi vào). (Bình tuổi trạc hai mươi tám, hai mươi chín. Bình cao hơn Xung một ít. Mặt mũi trắng trẻo, có thể nói là đẹp. Nhưng cái "đẹp" của Bình không phải là cái đẹp có thể làm cho đàn bà hễ bắt gặp là phải mê mẩn. Đường mày rộng và đen, vành tai dầy, bàn tay thô. Nhìn qua một lần, người ta có cảm giác rằng anh chàng này có phần nghệch ngạc. Nhưng nếu anh ngồi chuyện trò với hắn ta một hồi, anh sẽ thấy ngay rằng hắn ta không phải là chất phác dễ yêu như anh đã tưởng. Đằng sau cặp mắt bàng bạc của Bình, anh có thể nhận thấy một tâm hồn xốp nổi, do dự, ươn hèn và luôn luôn tự mình mâu thuẫn với mình. Khoé môi thường thường trễ xuống. Mỗi một khi hơi mỏi mệt một tí, là con ngươi có vẻ lờ đờ, ngớ ngẩn. Anh biết ngay rằng: con người đó không bao giờ làm chủ được mình, và suốt đời hắn ta chả bao giờ làm được một việc gì cho ngăn nắp, mực thước. Bình cũng biết khuyết điểm đó của hắn ta. Và cũng cố công sửa chữa. Có lẽ nói là cố sửa chữa thì cũng không đúng hẳn đâu. Nói cho đúng thì suốt đời hắn chỉ luôn luôn hối hận với những lỗi lầm hắn ta vừa phạm phải. Mỗi một lúc hắn ta bị xúc động thì bao nhiêu nhiệt tình, bao nhiêu dục vọng của hắn ta tràn lan như những lớp thuỷ triều lồng lên, làm cho hắn ta chìm lỉm xuống. Chút lý trí leo lét của hắn ta sẽ quằn quại như một cành cây gẫy giữa làn nước xoáy. Rồi cứ thế, hắn ta sẽ sa ngã từ lầm lỗi này đến lầm lỗi khác, đến một lầm lỗi to hơn cái lầm lỗi lần trước nữa. Bình cho là Bình cũng có biết đạo đức, cũng có tình cảm. Rồi Bình đau khổ. Hắn ta bực bội với tự mình hắn ta. Bình cảm phục, hâm mộ những con người dám làm những việc hư hốt mà không hề e ngại, hối hận. Bình càng phục những con người có chí khí, có thể ôm ấp lấy một cái hoài bão rồi cứ thế, theo đúng khuôn phép của cái mà người đời vẫn gọi là đạo đức; để suốt đời xây dựng một sự nghiệp, làm một người công dân kiểu mẫu, làm một người gia trưởng kiểu mẫu. Cho nên Bình rất phục ông bố của hắn ta. Theo nhận xét của hắn ta thì ông cụ nhà, (tuy tính cách có phần bướng bỉnh, lạnh lùng quá, nhưng đó lại là cái mà hắn ta rất lấy làm phục, vì hắn ta thiếu hẳn hai nét cá tính ấy) trừ hai khuyết điểm đó ra, thì là một người đàn ông hết sức đúng đắn. Bình cảm thấy rằng lừa dối ông bố là một điều sai lầm lớn. Bình cố gắng để tự mình "cứu vớt" lấy mình. Bình thấy cần có một "lực lượng" bên ngoài nào tới cứu vớt cho hắn ta, bất kỳ từ đâu tới cũng được, miễn là có thể giúp đỡ hắn, vớt hắn ra khỏi cái bể khổ đầy mâu thuẫn ấy, là hay rồi. Bình đã cố tìm. Bình đã tìm được Phượng. Bình phát hiện ra rằng: cái mà Bình cần hơn hết mọi sự chính là cái lực lượng chan chứa tràn trề, trong Phượng. Phượng là "xuân xanh". Phượng là "đẹp". Phượng giàu nhiệt tình. Cố nhiên Bình cũng cảm thấy Phượng có phần thô kệch, nhưng giờ đây Bình lại thấy rằng chính cái thô kệch đó cũng là cái mà Bình đang cần hết sức. Giờ đây, Bình đang chán ghét vô cùng tâm trạng những người đàn bà âu sầu, u uất, cũng như những người đàn bà có những tình tự tế nhị. Thế nhưng bao nhiêu làn sóng của một thứ cảm tình không hề được thoả mãn vẫn lẩn lút vồ vập vào buồng tim của anh chàng. Rồi khi Bình nhận ra rằng Phượng tuy vậy, nhưng cũng khó mà hiểu được Bình, khó mà an ủi được Bình, thì Bình lại không tài nào làm chủ được tự thân hắn ta, rồi hắn ta rượu chè, chơi bời như điên như cuồng, chìm đắm trong mọi lực lượng kích thích của bên ngoài. Rồi Bình lại càng chán chường, và tâm hồn không tài nào ổn định được nữa. Giờ nay, Bình mặc bộ áo quần tây, màu xanh, giầy da, ăn bận hết sức sơ sài, không có gì là chải chuốt. Bình vừa đi vào, vừa ngáp dài. Xung: - Mợ em đau đấy, anh có biết không? Phồn Y: - Mợ đau thì đau, chứ anh con quan tâm đến làm gì? Xung: - Kìa! Mợ! Bình: - Mợ đã bớt chưa? Phồn Y: - Cám ơn, sáng nay đã xuống nhà được. Bình: - Thế thì hay, ngày mai tôi đi lên mỏ. Phồn Y: - Thế ư? Hay lắm! Nhưng bao giờ mới trở về? Bình: - Cũng chưa nhất định. Hai năm nữa cũng nên. Cũng có thể là ba năm nữa. Chao! Sao phòng hôm nay oi thế này? Xung: - Ấy là em mới mở toang cả cửa ra đấy. Xem chừng sắp có cơn giông. Phồn Y: - Thế anh Bình định lên mỏ làm gì? Xung: - Mợ, mợ quên rồi ư? Chả là anh con học chuyên môn về khoa mỏ mà. Phồn Y: (Hỏi Bình) - Có phải vì thế mà Bình lên mỏ không? Bình: (Cầm lấy tờ báo giữa bàn đọc) - Kể cũng khó nói: một phần cũng là vì ở nhà lâu ngày nên thấy chan chán thế nào ấy... Phồn Y: (Cười) - Tôi e rằng chỉ là vì Bình nhát gan. Bình: - Thế nào kia? Phồn Y: - Phòng này có ma, Bình quên rồi ư? Bình: - Không đâu ạ! Nhưng ở nhà lâu ngày sinh chán, lại muốn đi. Phồn Y: - Nếu tôi là Bình (Cười) và người chung quanh đều làm cho tôi chán, thì tôi cũng sẽ bỏ cái chỗ chết này mà đi cho rảnh thôi. Xung: - Mợ! Mợ đừng nói thế... Bình: (Bực bội) - Ui chao! Tôi thì chỉ tự mình chán với mình chứ còn nói gì đến chuyện chán với ai? (Thở dài) Thôi, em ngồi đây, anh trở về phòng đã (Đứng dậy).
(Cửa buồng hé mở) Xung: - Anh hẵng khoan, có lẽ ba đã ra đấy. Tiếng Chu Phác Viên: - Tôi thì tôi quyết định như thế rồi đấy. Không phải bàn bạc gì nữa. Vâng, chào ngài, ngài về... (Cửa mở toang. Chu Phác Viên đi vào, tuổi trạc sáu mươi. Tóc đã lâm râm bạc. Mắt đeo kính hình bầu dục, gọng vàng. Sau cặp kính, tròng con mắt long lanh có vẻ thâm trầm, dữ tợn. Cũng như tất cả những người đã một tay xây dựng nên cơ đồ, Phác Viên hết sức oai nghiêm khi đứng trước con cháu. Phác Viên bận một bộ đồ sang trọng theo kiểu hai mươi năm trước đây: Chiếc áo dài mỏng bằng sa hoa, áo chẽn lụa trắng, cổ áo dài không cài cúc, để lộ cả một tảng thịt nơi cổ. Bộ áo quần mỏng manh dán lên mình Phác Viên theo những nếp hết sức dịu dàng, sạch tinh, không một tí bụi bặm. Phác Viên hơi béo, lưng đã bắt đầu còm, hai má trễ xuống. Quầng con mắt dầy, nhưng con ngươi sáng quắc. Trên mặt ông già, người ta đã thấy ít nhiều dấu vết của mấy chục năm vật lộn với phong trần. Qua tia sáng lạnh lùng của đôi mắt, qua nụ cười bất đắc dĩ trên môi của Chu Phác Viên, người ta thấy cả một con người quật cường, ngoan cố, và chuyên chế quen thói. Bao nhiêu dục vọng của lứa tuổi thanh niên, hồi này, đã lẩn lút cả sau những nét dăn trên cặp má, không còn vết tích rõ rệt nào nữa. Nhưng phong thái ngày xưa vẫn ít nhiều lảng vảng trên bộ đầu tóc hoa râm của ông cụ già đỏm dáng với một đường ngôi khá rõ rệt, láng xầy. Dưới ánh sáng ban mai, mặt Chu Phác Viên trắng toát mầu bạc. Rồi có người cho đó là "quỷ tướng". Chẳng thế mà làm chủ cả một vùng mỏ mênh mông như thế kia! Bình và Xung: - Ba. Phác Viên: (Gật đầu, lại gần Phồn Y) - Hôm nay sao mợ xuống đây? Đỡ hẳn chưa? Phồn Y: - Đau xoàng thôi, có gì đâu! ở mỏ về có khoẻ không? Phác Viên: - Vẫn thường... Mợ nên lên gác mà nghỉ. Xung, mày xem khí sắc mợ mày hôm nay so với độ trước, thế nào? Xung: - Mợ con vẫn thế có đau gì đâu ạ. Phác Viên: (Không bằng lòng) - Ai bảo mày thế? Lúc ba vắng nhà, mày có năng lên thăm mợ không? (Ngồi xuống nơi chiếc xô-pha). Phồn Y: (Sợ ông chồng lại "lên lớp") - Tôi xem cậu gầy đi kia đấy... à nghe nói trên mỏ thợ đình công, câu chuyện thế nào rồi? Phác Viên: - Chuyện yên rồi. Sáng hôm qua, chúng nó đã đi làm cả. Xung: - Thế sao anh Hải còn chờ ba ngoài kia làm gì? Phác Viên: - Anh Hải là ai kia? Xung: - Con cụ Quý ấy mà. Năm ngoái cụ ấy xin cho anh ta vào làm. Vừa rồi Hải làm đại biểu thợ về đây... Phác Viên: - Thằng ấy à? Nó còn có vấn đề. Đằng xưởng người ta đã cạch tên nó rồi. Xung: - Cạch tên rồi kia! Thưa ba, con thấy anh ta có vẻ thông minh, lanh lợi. Hồi nãy con vừa nói chuyện với anh ta một lúc. Con tưởng dầu anh ta có làm đại biểu cho thợ đình công, cũng chưa nên vội đuổi anh ta. Phác Viên: - Chao! Bọn thanh niên chúng mày ngày nay, gặp một thằng thợ, nói vài ba câu chuyện chưa đâu vào đâu là đã ngứa mỡ nói những đồng tâm và thiện cảm, ỏm tỏi cả lên! Hình như là cái "mốt" của bọn chúng mày ấy! Xung: - Con vẫn nghĩ rằng: những người đó họ tranh đấu cho tất cả anh em thợ thuyền, thì chúng ta cũng nên biểu đồng tình với họ. Vả lại nhà mình giàu có, sung sướng thế này, cần gì đi cướp cơm của họ. Đây không phải là chuyện "mốt" hay "không mốt". Phác Viên: (Trợn mắt lên) - Mày biết xã hội là cái gì không đã nào? Mày đọc được mấy bản sách nói về xã hội học, về kinh tế học rồi? Ngày xưa, lúc đi du học bên Đức, tao đã nghiên cứu xã hội chủ nghĩa kỹ càng bằng mấy chúng mày bây giờ ấy! Xung: (Bị chèn, bực) - Thưa ba, con nghe nói lần này trên mỏ có mấy người thợ bị thương mà không được một đồng xu phụ cấp nào cả.
Phác Viên: - Xung! Tao thấy rằng hôm nay mày nhiều lời lắm! (Nói với Phồn Y) Năm ngoái đến giờ, cái thằng Xung này cũng học được mợ rồi đấy. (Xem đồng hồ). Nào, bây giờ mợ và thằng Bình, thằng Xung còn muốn nói gì việc nhà không nào? Chỉ mười phút nữa là tôi lại có khách rồi đấy. Bình: - Thưa ba, con đang định vào hầu ba. Phác Viên: - Thế à? Có việc gì đấy? Bình: - Con định ngày mai lên mỏ. Phác Viên: - Công việc đằng công ty, con đã bàn giao xong với người ta chưa?... Bình: - Gần xong rồi. Con muốn xin ba cho con một việc gì thiết thực mà làm thì hơn. Con không thích chỉ dạo đi dạo lại và nhìn qua một tí là xong cả công việc. Phác Viên: - Nhưng những công việc nặng nề thì con làm thế nào? Nếu có định làm gì thì làm cho đến nơi đến chốn. Tao không muốn rằng chúng mày bỏ bê công việc cho người ta nói ra nói vào. Bình: - Hai năm nay ở nhà, làm việc nhàn nhã quá đi mất. Bây giờ con muốn đi lên mỏ, lên chỗ rừng núi xem thế nào. Phác Viên: - Ừ, nhưng để tao còn nghĩ xem... Ngày mai mày cứ lên trước đi. Bao nhiêu công việc, ba sẽ đánh điện lên sau. (Phượng bưng khay chè Phổ Nhĩ đi từ phía phòng ăn đi ra). Xung: (Rụt rè) - Thưa ba... Phác Viên: - À, còn mày nữa, mày muốn gì kia? Xung: - Con muốn bàn với ba một việc khá quan trọng... Phác Viên: - Thế nào? Xung: (Cúi mặt) - Con muốn đem một phần tiền học phí của ba cho con để... Phác Viên: - Để làm gì? Xung: (Tập trung hết can đảm) - Con định đưa một phần tiền học phí của con cho... (Phượng rót trà đưa tới chỗ Chu Phác Viên).
Phác Viên: - Phượng này! (Bảo Xung) Mày chờ một tí rồi hẵng nói. (Nói với Phượng) Chén thuốc bảo mày sắc cho bà đâu? Phượng: - Sắc rồi đấy ạ. Phác Viên: - Sao mày không bưng lên? (Phượng đứng nhìn Phồn Y không trả lời). Phồn Y: (Cảm thấy sắp có chuyện) - Vừa rồi nó đã rót ra cho tôi nhưng tôi không uống. Phác Viên: - Sao lại không uống? (Hỏi Phượng) Thuốc đâu? Phồn Y: (Nói thật nhanh) - Đổ đi rồi, tôi bảo con Phượng đổ đi đấy. Phác Viên: - Đổ đi rồi à? Đổ đi rồi! (Hỏi Phượng) Còn thuốc nữa không? Phượng: - Trong siêu còn in ít thôi ạ. Phác Viên: - Rót ra đây, xem! Phồn Y: - Tôi không thích uống thuốc đắng như thế. Phác Viên: (Gắt, bảo Phượng) - Rót thuốc ra đây! (Phượng chạy tới rót thuốc) Xung: - Ba, mợ con không thích uống, thì ba ép làm gì? Phác Viên: - Mợ mày cũng như mày nốt; đau cũng không biết là đau! (Nói khẽ với Phồn Y) Mợ uống đi xem nào, có uống thuốc, bệnh mới khỏi chứ! (Nhìn thấy Phượng còn do dự, chỉ vào chén thuốc) Bảo mày đưa chén thuốc lại cho bà mà! Phồn Y: - Thôi được, để đấy đã. (Phượng đặt chén thuốc xuống) Phác Viên: - Không, mợ uống ngay đi là hơn. Phồn Y: - Phượng, mày cất đi cho tao! Phác Viên: (Vẻ nghiêm nghị) - Không! Uống đi mà! Đừng trẻ con nữa! Chừng ấy tuổi đầu rồi, thơ ấu gì nữa! Phồn Y: (Run cả tiếng) - Tôi không uống đâu! Phác Viên: - Xung, mày đưa chén thuốc lại cho mợ mày uống đi, xem nào. Xung: (Giọng phản đối) - Ba! Phác Viên: (Nhìn giận dữ) - Đưa tới ngay! (Xung phải bưng chén thuốc tới chỗ Phồn Y ngồi) Phác Viên: - Nói lên: mời mợ xơi thuốc, xem nào!
Xung: (Bưng chén thuốc, tay run, còn ngoảnh đầu lại, nói to) - Ba, hà tất ba phải làm thế làm gì? Phác Viên: - Mày nói thế nào? Bình: (Đi đến chỗ Xung, ghé miệng nói nhỏ) - Ba bảo thế nào em làm thế ấy cho xong đi. Tính ba em cũng biết chứ. Xung: (Nói với Phồn Y, nước mắt lưng tròng) - Thôi mợ uống đi, mợ uống cho con một ngụm... Mợ không uống, ba còn gắt nữa kia! Phồn Y: (Khẩn khoản) - Thôi cậu để đến tối, tôi uống cũng được mà. Phác Viên: (Lạnh lùng) - Mợ là một người đàn bà, mợ là một bà mẹ, mợ cũng phải nghĩ đến con cái với chứ! Dầu mợ không quý gì cái thân mợ đi nữa, thì cũng phải tập cho con cái biết vâng lời chứ! Phồn Y: (Nhìn quanh quất, nhìn Phác Viên, rồi nhìn qua Bình, cầm lấy chén thuốc, nước mắt lai láng, lại đặt thuốc xuống) - Giời ôi! Tôi không tài nào mà nuốt được. Phác Viên: - Bình! Mày tới mời mợ mày uống đi.
Bình: - Thưa ba, con... Phác Viên: - Bảo mày đi tới mà! Đi tới, rồi quỳ xuống, khuyên mợ mày uống đi tao xem! Bình: (Chạy tới trước mặt Phồn Y, còn ngoảnh lại nhìn Phác Viên) - Chao! Ba! Phác Viên: - Quỳ xuống! Tao bảo mày quỳ xuống! (Bình nhìn Phồn Y, Phồn Y khóc nức nở. Xung tức, run đây đẩy). Phồn Y: (Nhìn Bình, không đợi Bình quỳ, nói lật đật) - Thế thì tôi uống, để tôi uống! (Cầm chén thuốc uống được hai ngụm, lại khóc, nhưng thấy bộ Phác Viên dữ tợn và thấy vẻ mặt khổ não của Bình, lại vội vàng nén mọi bực tức, cố uống hết chén thuốc) Giời ôi!... (Vừa khóc, vừa đi về phía phòng ăn). (Một lát) Phác Viên: (Xem đồng hồ) - Còn ba phút nữa (Bảo Xung) Vừa rồi mày định nói gì kia? Xung: (Ngửng mặt lên) - Ba bảo gì kia! Phác Viên: - Hồi nãy mày bảo lấy một nửa tiền học tao cho mày... ừ,. .. mày nói thế nào? Xung: - Thôi ạ, bây giờ con không có gì muốn nói nữa. Phác Viên: - Thế là không có vấn đề gì mới nữa, phải không? Xung: (Vừa nói vừa khóc) - Không, không ạ! (Đi về phía buồng ăn) Mợ nói thế mà đúng!... Phác Viên: - Xung, mày đi đâu kia? Xung: - Đi lên gác cùng mợ con. Phác Viên: - Mày đi thế đấy ư? Xung: (Bất đắc dĩ, trở lại) - Vâng, con định lên phòng mợ con. Ba có dặn gì không? Phác Viên: - Được, đi lên đi. (Xung đi về phòng ăn) À! mà khoan hẵng!... Lại đây đã! Xung: - Ba dặn gì ạ? Phác Viên: - Thưa với mợ mày rằng tao vừa cho mời ông đốc-tờ Đức là ông Kook đến thăm bệnh cho mợ mày rồi đấy. Xung: - Nhưng mợ con cũng vừa uống thuốc rồi đấy, chứ. Phác Viên: - Tao xem tinh thần mợ mày có vẻ thất thường lắm, có lẽ bệnh khá nặng kia đấy! (Ngoảnh lại nói với Bình) Cả mày nữa, mày cũng thế. Bình: - Con muốn trở về phòng nằm nghỉ một chốc. Phác Viên: - Khoan đã, mày hẵng ngồi lại. Tao còn có chuyện muốn hỏi mày. (Bảo Xung) Thưa với mợ mày rằng: ông đốc tờ... Kook là một nhà chuyên môn về bệnh thần kinh, tao biết ông ấy từ hồi du học bên Đức kia. Chốc nữa, ông ấy lại đây, thế nào mợ mày cũng phải xuống để ông ấy khám cho xem thế nào! Nghe không? Xung: - Vâng, con nghe rồi ạ; ba còn dặn gì nữa thôi? Phác Viên: - Thôi mày lên gác đi. (Xung đi về phía phòng ăn) Phác Viên: (Nói với Phượng) - Phượng, in tuồng tao đã dặn mày rằng: khi nào công việc làm xong là mày được về nhà. Phượng: - Vâng, lạy ông ạ. (Phượng đi về phía phòng ăn). (Quý từ phía bàn giấy đi tới, thấy ông chủ, líu cả miệng).
Quý: - B...ẩm. B...ẩm... B...ẩm... cụ, ô...ng khách vừa tới trên kia. Phác Viên: - Ừ! Mời ông ấy vào phòng khách. Quý: - Bẩm vâng... ạ (Đi ra). Phác Viên: - Đứa nào lại mở cả cửa sổ ra thế này? Bình: - Em Xung vừa mới mở ra cho con đấy ạ. Phác Viên: - Đóng lại đi. (Lau nhỡn kính) Cái nhà này, thầy tớ trong nhà đừng cho nó tự tiện vào. Tao định thỉnh thoảng vào đây nằm nghỉ một mình cho yên tĩnh tí. Bình: - Vâng. Phác Viên: (Lau kính, nhìn đồ đạc trong phòng) - Bấy nhiêu đồ đạc tuyền là đồ đẻ mày xưa kia rất thích cả đấy. Từ lúc tao ở miền Nam dời nhà lên trên này, đổi chỗ ở có mấy lần, nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn (Đeo kính vào, ho khẽ). Cho đến cả cách bài trí cũng vậy: tao vẫn sắp đặt in như ba mươi năm về trước, lúc còn đẻ mày. Để lúc nào nhìn qua thì trong lòng cũng thư thái được một tí. (Bước tới cái bàn con, cầm lấy bức ảnh và ngắm) Đẻ mày ngày xưa kia cứ đến tiết hè là thích đóng kín cửa lại. Bình: (Cười gượng) - Nhưng con tưởng ba muốn kỷ niệm đẻ con thì cũng hà tất phải... Phác Viên: (Bỗng ngửng đầu lên) - Nhưng tao nghe người ta nói rằng là lâu nay mày đã làm một điều rất xấu hổ. Bình: (Giật mình) - Con... có làm gì đâu ạ! Phác Viên: (Đi tới trước mặt Bình nói khẽ) - Cái việc mày làm đó, đối với ba, rất là không phải, mày biết không! Và (Ngừng lại một lát) cả đối với đẻ mày cũng không phải... Bình: (Có vẻ lúng túng) - Thưa ba... Phác Viên: (Cầm tay Bình, nói rất hiền từ) - Mày là con cả của ba, ba không muốn nói chuyện ấy trước mặt người khác...(Dừng một chốc lại nói, có vẻ nghiêm nghị) Tao thấy người ta nói hai năm nay, thường khi tao đi vắng, mày ở nhà sống không có quy củ gì sốt! Bình: (Càng sợ) - Thưa ba, con có làm gì... có làm gì đâu... Phác Viên: - Làm con người, mình đã có gan làm, phải có gan chịu trách nhiệm. Bình: (Xanh mặt) - Thưa ba... Phác Viên: - Các người đằng công ty bảo rằng mày cứ ngày đêm mê mệt với tiệm nhảy. Nhất là hai ba tháng nay, rượu chè be bét, cờ bạc thâu đêm, nhiều hôm không về nhà ngủ. Bình: (Thở ra một hơi, nhẹ hẳn người) - Ba bảo rằng... Phác Viên: - Có thực thế không? (Một chốc) mày nói thiệt đi! Bình: (Đỏ mặt) - Thưa ba: có, thiệt đấy à. Phác Viên: - Đã gần ba mươi tuổi đầu thì cũng phải biết tự trọng với. Mày còn nhớ vì sao tên mày gọi là Bình không? Bình: - Vẫn nhớ đấy ạ. Phác Viên: - Mày nhắc lại xem... Bình: - Vì rằng: đẻ con xưa kia tên là Thị Bình. Lúc đẻ con sắp chết, đẻ mới lấy chữ Bình đặt tên cho con. Phác Viên: - Vậy thì tao xin mày từ rầy về sau, hẵng luôn luôn nhớ lấy đẻ mày, mà sửa đổi hạnh kiểm lại.
Bình: - Thưa ba vâng ạ. thiệt con đã lầm lỗi, sa đà trong mấy lâu. (Lỗ Quý đi ra về phòng giấy) Quý: - B...ẩm... Bẩm cụ, ông khách đang chờ... chờ... chờ trên phòng khách đã khá lâu. Phác Viên: - Được rồi! (Lỗ Quý ra). Phác Viên: - Gia đình của tao, tao chắc là một gia đình hết sức tốt đẹp; có trật tự hơn nhà ai hết; con tao, tao chắc là tử tế, nết na hơn con ai hết. Tao đã dạy dỗ chúng mày, tao nhất định không muốn để cho người ta chê bai chúng mày một tí gì! Bình: - Thưa ba, vâng.
Phác Viên: - À! Chúng mày có đứa nào ngoài ấy không? (Nói một mình) Ái! Tao lại nghe khó chịu rồi (Bình dìu Phác Viên đến cái xô-pha). (Lỗ Quý vào)
Quý: - Bẩm... cụ... cụ truyền con... Phác Viên: - Mời ông khách vào đây. Quý: - Bẩm cụ, vâng. Bình: - Thưa ba, ba ngồi nghỉ một chốc đã. Phác Viên: - Không, không cần. (Bảo Quý) Quý ra mời ông ấy vào đây. Quý: - Dạ, bẩm cụ vâng. (Lỗ Quý ra, Phác Viên lấy một điếu xì-gà. Bình quẹt diêm, Phác Viên ngồi chỉnh chện, từ từ hút thuốc).