DÀN CẢNH- Buồng tiếp khách nhà Chu Phác Viên lúc 2 giờ sáng.
Màn mở, Chu Phác Viên ngồi một mình nơi chiếc xô-pha đọc báo, dưới ánh sáng ngọn đèn bàn giấy có chao đèn phủ trên. Trong phòng bốn bề tối sâm sẩm.
Bên ngoài phòng tiếng mưa nghe lách tách. Màn cửa sổ bỏ xuống, cửa giữa khép. Nhìn qua cửa kính cảnh vườn hoa chìm lỉm trong đêm tối. Thỉnh thoảng một luồng chớp nhoáng, dưới ánh sáng xanh sẫm, người ta thấy cột đèn điện và mấy gốc cây. Luồng chớp qua, đêm lại càng tối.
Phác Viên: (Buông tờ báo xuống, ngáp dài, uốn lưng có vẻ mệt mỏi) - Chúng mày đâu? (Bỏ kính, dụi mắt, gọi to hơn nữa) Chúng mày (Đứng dậy đi về phía buồng ăn, vừa đi vừa lau kính) có đứa nào ngoài ấy không? (Lại một luồng chớp nhoáng qua phía ngoài, Phác Viên đi tới chỗ tủ bên phải, bấm chuông. Trong lúc vô tình, nhìn thấy bức ảnh Thị Bình, Phác Viên liền cầm lấy, đeo kính vào xem. Một người đầy tớ đi vào). Người đầy tớ: - Cụ truyền gọi con? Phác Viên: - Tao gọi mày đã có nửa tiếng đồng hồ nay rồi. Người đầy tớ: - Bẩm ngoài kia mưa to, con chẳng nghe gì sốt. Phác Viên: (Chỉ vào cái đồng hồ quả lắc) - Đồng hồ sao chết rồi kia? Người đầy tớ: - Bẩm, mọi hôm có cô Phượng lên dây. Hôm nay, cô ấy về, chúng con quên mất. Phác Viên: - Mấy giờ rồi? Người đầy tớ: - Bẩm có lẽ hai giờ sáng. Phác Viên: - Hồi chiều tao bảo thầy ký kế toán gửi món tiền xuống Tế Nam, thầy ấy đã gửi chưa? Người đầy tớ: - Bẩm cụ truyền gửi tiền cho một người ở Tế Nam, người họ Lỗ thì phải... Phác Viên: - Phải rồi.
Người đầy tớ: - Đã gửi rồi đấy ạ. (Lại một luồng chớp nhoáng bên ngoài, Phác Viên nhìn ra phía vườn hoa.) Phác Viên: - Đoạn dây điện nơi vườn hoa, bà mày đã cho gọi người chữa lại chưa? Người đầy tớ: - Gọi rồi đấy ạ. Nhưng thợ điện người ta bảo trời mưa to quá, chưa có thể chữa. Ngày mai họ sẽ tới vậy. Phác Viên: - Thế không nguy hiểm ư? Người đầy tớ: - Bẩm có nguy hiểm lắm chứ ạ. Vừa rồi con chó anh cả con chạy qua chạm phải dây bị điện rút là chết tức tươi. Hiện giờ chỗ ấy đã chằng qua một sợi dây phía ngoài. Không ai đi vào đâu ạ. Phác Viên: - Ờ... ờ... ờ. Vừa rồi mày bảo mấy giờ rồi nhỉ? Người đầy tớ: - Gần hai giờ sáng rồi đấy ạ. Bẩm cụ định đi nghỉ? Phác Viên: - Mày lên mời bà xuống đây. Người đầy tớ: - Bà con ngủ yên giấc rồi ạ. Phác Viên: - Thế anh Hai đâu? Người đầy tớ : - Anh con cũng ngủ từ lâu rồi ạ. Phác Viên: - Thế mày tìm xem anh Cả ở đâu?
Người đầy tớ: - Anh con xơi cơm xong là đi ngay đến giờ chưa thấy về. (Im lặng trong một lát) Phác Viên: (Đi tới nơi chiếc xô pha ngồi xuống) - Làm sao không có một đứa nào trong phòng này cả, ấy nhỉ? Người đầy tớ: Bẩm vâng, không có ai hết, cả nhà đều đi ngủ cả rồi. Phác Viên: - Thế thì được rồi, cho mày đi ngủ đi. Người đầy tớ: - Bẩm cụ còn cần gì nữa không? Phác Viên: - Thôi tao chả cần gì nữa. (Người đầy tớ đi ra phía cửa giữa. Phác Viên đứng dậy đi qua lại mấy bước trong phòng, rồi đứng lại trước cái tủ gương bên phải, cầm chiếc ảnh Thị Bình vặn to đèn lên xem. Xung đi từ phía phòng ăn đi ra). Xung: (Không ngờ giờ này bố còn thức) - Ba! Phác Viên: (Mừng rỡ) - Kìa con... con chưa ngủ kia à? Xung: - Vâng, chưa ạ. Phác Viên: - Con tìm ba phải không? Xung: - Không ạ, con tưởng mợ con ở đây.
Phác Viên: (Có vẻ thất vọng) - A! Mợ mày trên gác kia. Xung: - Không thấy ạ, con gõ cửa mãi, nhưng cửa khoá... à! Mà có lẽ mợ con ở trong phòng cũng nên... Thưa ba, con đi vào. Phác Viên: - Này con, Xung. (Xung đứng lại) Con hẵng đứng đây tí đã. Xung: - Thưa ba có việc gì cần hỏi con? Phác Viên: - Không có việc gì đâu. Nhưng sao con còn chưa đi ngủ kia? Xung: - Vâng, hôm nay con thức khuya quá, con sẽ đi ngủ ngay. Phác Viên: - Hồi chiều, ăn cơm xong, con đã đưa thuốc ông đốc-tờ Kook cho mợ uống chưa? Xung: - Rồi đấy ạ. Phác Viên: - Con có quần vợt không? Xung: - Có đấy ạ. Phác Viên: - Thích chứ? Xung: - Vâng, thích ạ. Phác Viên: (Đứng dậy cầm lấy tay Xung) - Thế nào? Con sợ ba ư? Xung: - Ba, vâng.
Phác Viên: - Hình như con có điều gì không bằng lòng ba ấy, phải không? Xung: (ấp úng) - Ba... Con chẳng biết nói thế nào cả.
(Im lặng trong một chốc, Phác Viên đi tới nơi chiếc xô-pha, thở dài nhè nhẹ, ngoắc Xung tới gần). Phác Viên: (Buồn bã) - A... Hôm nay hình như ba thấy ba già hẳn đi... con có biết không? Xung: - Thưa ba, không. Phác Viên: - Thế con có sợ một ngày kia rồi ba sẽ chết và không ai chăm nom đến con, hay không? Xung: - Vâng, sợ. Phác Viên: - À! mà hồi sáng con bảo là muốn bớt tiền học của con để giúp cho đứa nào đi học ấy nhỉ? Con nói lại cho ba nghe. Để ba xem có nên cho con, thì ba sẽ cho. Xung: - Sáng ngày con nói nhảm đấy ạ; từ rày về sau con không vớ vẩn thế nữa. Phác Viên: - Ngày kia chúng ta dọn đến nhà mới ở, con thích chứ? Xung: - Vâng.
(Một lát im lặng). Phác Viên: (Vẻ thất vọng) - Sao con nói chuyện cùng ba ít ỏi quá thế? Xung: (ấp úng) - Vâng con... con nói không được. Chẳng là ngày thường hình như ba không thích gặp chúng con ấy... Sao hôm nay, ba có vẻ khác mọi hôm. Con... con... Phác Viên: - Ờ... ờ... Thôi con đi ngủ đi. Xung: - Vâng, thưa ba con đi ngủ. (Xung đi về phía phòng ăn, - Phác Viên buồn bã nhìn con đi vào, một lát sau, lại đứng dậy cầm ảnh Thị Bình ngắm, ngẩn cả người. Phồn Y im lặng đi từ phía cửa giữa vào, khoác chiếc áo mưa, ướt đầm đìa. Mái tóc ướt mất một phần, mặt trắng nhợt; đôi mắt có vẻ lạnh lùng, chán chường. - Nhìn thấy Phồn Y, Phác Viên có vẻ ngạc nhiên.) Phồn Y: (Đứng im chỗ cửa giữa, thấy vẻ mặt của chồng, nói rất bình tĩnh) - Chưa đi ngủ kia? Phác Viên: - Mợ đấy à? (Đi lại gần Phồn Y) Đi đâu về thế? Thằng Xung tìm mợ từ tối đến giờ. Phồn Y: - Tôi đi ra ngoài kia dạo chơi. Phác Viên: - Mưa to thế này mà đi dạo chơi thế nào? Phồn Y: - Phải rồi. (Nói thiệt nhanh) Tôi đau bệnh thần kinh. Phác Viên: - Tôi hỏi mợ, vừa rồi mợ đi đâu? Phồn Y: - Ông hỏi làm gì? Phác Viên: - Quần áo ướt hết cả thế kia, sao không đi thay đi? Phồn Y: - Lòng tôi nóng điên lên được, phải ra ngoài kia dầm mưa cho nó mát một tí. Phác Viên: - Đừng nói nhảm nữa! Nhưng vừa rồi mình đi đâu về? Phồn Y: (Nhìn Phác Viên nói dằn từng tiếng) - Ở trong nhà này, chả đi đâu hết. Phác Viên: - Ở trong nhà này ư? Phồn Y: - Vâng. Ngồi xem mưa ở ngoài vườn hoa ấy. Phác Viên: - Xem mưa, suốt một đêm? Phồn Y: - Vâng, dầm mưa suốt một đêm.
(Im lặng trong chốc lát, - Phồn Y vẫn đứng im giữa cửa, Phác Viên nhìn, vẻ sợ hãi, ngờ vực.) Phác Viên: - Này mợ, xem chừng mợ lên gác nghỉ một tí thì hơn. Phồn Y: (Lạnh lùng) - Không cần! Ông lại cầm cái gì kia? A! Lại vẫn cái ảnh cô gái ấy. (Giơ tay đòi xem ảnh) Phác Viên: - Mợ xem làm gì? Đẻ thằng Bình đấy mà. Phồn Y: (Giật lấy tấm ảnh, lại đứng xem, dưới ánh đèn) - Đẻ thằng Bình đẹp đấy chứ nhỉ? (Phác Viên ngồi xuống chiếc xô pha không giả nhời) Tôi hỏi cậu: có phải thế không? Phác Viên: - Phải. Phồn Y: - Nét mặt trông trung hậu lạ. Phác Viên: (Chỉ mơ màng nhìn về phía trước mặt). Phồn Y: - Và lại có vẻ thông minh lắm! Phác Viên: (Mơ màng) - Ừ ! Phồn Y: - Còn trẻ quá nhỉ? Phác Viên: (Vô ý thức) ừ ! Còn trẻ. Phồn Y: (Đặt tấm ảnh xuống) - Kỳ quá! Hình như tôi đã gặp đâu rồi ấy...
Phác Viên: (Ngửng đầu lên, có vẻ ngờ vực) - Không lẽ nào!... Gặp ở đâu được mà gặp? Này! Thôi, mợ lên gác đi ngủ đi. (Đứng dậy cầm lấy tấm ảnh). Phồn Y: - Ông giữ tấm ảnh này làm gì cơ? (Phác Viên nhìn Phồn Y, không trả lời). Phồn Y: (Lại giật lấy tấm ảnh) - Để đấy vậy. (Cười, vẻ mặt kỳ quái) Không mất đâu! Để tôi giữ cô ả hộ cậu vậy. (Buông tấm ảnh xuống giữa bàn). Phác Viên: - Đừng vờ điên vờ khùng nữa, mợ cứ vớ vẩn! Phồn Y: - Tôi điên đấy. Ông để mặc tôi có được không? Phác Viên: - Được rồi. Lên gác đi ngủ đi. Để tôi nằm đây một mình nghỉ tí xem. Phồn Y: - Không! Tôi muốn nghỉ một mình ở đây kia, ông lên gác đi. Phác Viên: - Tôi bảo mình lên gác mà ngủ! Đi lên đi! Phồn Y: - Không, tôi không thích lên, tôi bảo cho ông biết, tôi không thích lên đâu! (Một lát) Phác Viên: (Thong thả và nói khẽ) - Mình giữ cẩn thận cái này này, (Chỉ lên đầu) Nhớ lấy lời ông đốc-tờ Kook, ông ấy bảo mình phải nằm nghỉ, nói chuyện in ít chứ. Ngày mai ông ấy sẽ tới nữa. Tôi đã mời ông ấy cho mình rồi đấy. Phồn Y: - Ngày mai... a! ngày mai!
(Bình cúi đầu đi từ phía phòng ăn ra, nét mặt buồn bã, đi vào phía phòng giấy). Phác Viên: - Bình đấy a, con? Bình: (Bình giật mình, ngửng đầu) - A! Ba còn chưa ngủ kia? Phác Viên: - Con đi đâu mãi bây giờ mới về? Bình: - Không ạ, con về những hồi nãy kia. Con vừa ra phố mua ít đồ dùng. Phác Viên: - Giờ con định đi đâu đấy? Bình: - Con định vào bàn giấy lấy bức thư giới thiệu của ba cho con. Phác Viên: - Sáng mai, mày đi chuyến xe sớm chứ? Bình: - Con sực nhớ tối nay có chuyến tầu hai rưỡi, con định đi ngay bây giờ. Phồn Y: (Giật mình) - Đi ngay bây giờ kia à? Bình: - Vâng.
Phồn Y: (Có vẻ sợ) - Bình định đi vội vàng thế kia ư? Bình: - Mợ, vâng. Phác Viên: (Ôn tồn) - Ngoài kia mưa to lắm con ạ, đi giữa đêm thế này có tiện không? Bình: - Con định đi ngay giờ, sáng mai đến sớm, dễ gặp người ta hơn. Phác Viên: - Thế thì thư đã viết xong, ba để ngay trên bàn trong phòng giấy ấy, con muốn đi ngay cũng được. (Bình gật đầu đi vào phía buồng giấy) Mà này! Con không phải đi (Bảo Phồn Y) Mợ đi vào trong ấy lấy cho nó. Phồn Y: (Nhìn Phác Viên có vẻ ngại) - V... âng! (Đi vào buồng). Phác Viên: (Nhìn theo Phồn Y, ra dáng lo) - Mợ con nhất định không chịu lên gác ngủ, chốc nữa con phải đưa mợ con lên và nhớ dặn mấy đứa hầu trông nom mợ ngủ cho cẩn thận nhé. Bình: (Bất đắc dĩ) - Thưa ba,... vâng! Phác Viên: (Vẻ lo lắng hơn) - Con lại đây! (Bình tới gần, Phác Viên nói khẽ) Con dặn chúng nó cẩn thận tí nhé (Buồn bã) Ngó bộ cái bệnh nó lại nặng thêm kia đấy: vừa rồi, một mình mợ mày đã đi ra mãi đâu ngoài kia mới về xong. Bình: - Đi đâu về ạ? Phác Viên: - Ừ... ngồi dầm mưa ngoài ấy một đêm ròng, đi về ướt đầm đìa, rồi nói những câu kỳ quái quá đi mất! Ba e có chuyện không hay... Ba già rồi, con ạ, ba chỉ muốn cho thế nào trong nhà được bình yên vô sự. Bình: (áy náy) - Con tưởng câu chuyện ấy ba cũng chẳng cần làm quá nghiêm trọng làm gì, để thế rồi nó cũng xong... Phác Viên: (Có vẻ sợ) - Không, không con ạ! Việc đời có nhiều điều mình không ngờ đến kia! Thì sao một ngày hôm nay làm cho ba sực nghĩ đến chuyện làm người quả thiệt... quả thiệt là một câu chuyện khó khăn, khó khăn hết sức! (Vẻ mệt mỏi) Bây giờ, con chịu lên mỏ làm việc, rèn luyện cho thành thân, ba rất vui lòng, con ạ. Có cái này, con nên mang theo (Dắt Bình tới nơi bànvuông, mở hé cái cặp da cho xem). Nhưng ba dặn con nhé: đây là đồ tuỳ thân, để mà tự vệ đấy nhé! Chớ có cẩu thả dùng nhảm, không khéo mà tai bay vạ gió đấy nhé. (Khoá cặp lại) Chìa khoá đây. Khi đi thì nhớ mang theo. Đừng có quên đấy! (Cầm phong thư vào) Phồn Y: (Tức tối) - Đây thư đây. Phác Viên: (Mơ màng, bảo Bình) - Ừ ! Thế con đi nhé. Ba cũng phải đi nghỉ đây. (Bảo Phồn Y) à! Mợ cũng cố gắng và nằm nghỉ tí đi. Phồn Y: - Vâng, được rồi. (Phác Viên đi vào buồng giấy) Phồn Y: (Đau đớn) - Thế là Bình nhất định đi đấy ư? Bình: - Phải. Phồn Y: - Vừa rồi ba nói gì cùng Bình đấy? Bình: - Ba dặn tôi phải đưa mợ lên gác, mời mợ đi nghỉ. Phồn Y: (Cười lạt) - Sao ông ấy không gọi mấy người khiêng xác tôi lên, khoá trái cửa lại có hơn không? Bình: - Mợ nói thế, là nghĩa làm sao? Phồn Y: - Bình dối tôi làm gì, tôi biết! Tôi biết tất! Ông ấy lại bảo tôi nào là bệnh thần kinh, nào là bệnh điên chứ gì! Tôi biết ông ấy muốn Bình cho tôi là điên, muốn mọi người đều cho tôi là điên hết! Bình: - Không đâu, mợ đừng nghĩ thế. Phồn Y: - Cả Bình nữa, Bình cũng định dối tôi à? (Giọng uất ức nói khẽ) Tôi nhìn con mắt các ngài cũng hiểu thôi mà! Hai bố con nhà anh bây giờ chỉ trông sao cho tôi hoá điên mau lên. Vắng mặt tôi, nhà các ngài, - cả hai bố con - thầm thầm lén lén, mỉa vụng tôi, nói tôi, cười tôi, bày mưu bày kế sau lưng tôi, để bẫy tôi chứ gì? Bình: - Mợ đừng nghĩ quá đi như vậy. Để tôi đưa mợ lên gác nghỉ nhé. Phồn Y: (To tiếng) - Tôi không cần Bình đưa, đi dịch ra! (Nói khẽ) Tôi không chịu được cái lối của ông ba Bình cứ thậm thì thậm thụt đằng sau lưng tôi, dặn Bình cẩn thận đưa cái con điên ấy lên gác!
Bình: - Thì mợ cho tôi cái thư để tôi đi vậy. Phồn Y: (Ngớ ngẩn) - Đi đâu kia? Bình: - Tôi phải lên tầu, phải sắp xếp đồ lề. Phồn Y: - Tôi hỏi Bình lúc ban tối, hồi nẫy, Bình đi đâu thế? Bình: - Hỏi làm gì? Mợ lại không biết thừa ra rồi! Phồn Y: - Thì lại đi đến nhà con bé ấy, chứ đi đâu nữa! (Nhìn vào mặt Bình, Bình cúi đầu). Bình: (Sau một chốc im lặng, bỗng quả quyết nói) - Ừ, tôi đến đằng ấy đấy, tôi đến đằng ấy đấy, làm gì tôi nào? Phồn Y: (Bỗng nhụt hẳn) - Chả làm gì hết! (Cười gượng) Mà Bình này, câu chuyện lúc chiều, tôi nói lỡ miệng đấy Bình ạ, Bình đừng giận tôi nhé; tôi chỉ hỏi Bình, sau lúc lên trên mỏ thì Bình định xử trí với con Phượng thế nào? Bình: - Lúc ấy ư?...(Bỗng nói nhanh) Thì tôi lấy nó làm vợ chứ gì nữa! Phồn Y: - Lấy nó thiệt ư? Bình: - Thiệt đấy. Phồn Y: - Thế ba thì sao?
Bình: - Rồi sẽ hay. Phồn Y: - Bình này, bây giờ tôi vẫn có thể giúp cho Bình một dịp tốt. Bình: - Thế nào? Phồn Y: - Nếu như Bình chịu khó ở lại nhà, hôm nay, thì tôi có thể giúp Bình về phía ba ấy mà. Bình: - Bất tất. Câu chuyện này tôi cho là một câu chuyện quang minh chính đại, có thể nói cùng mọi người. Phồn Y: - Bình ơi! Bình: - Gì kia? Phồn Y: - Bình biết rồi đấy, Bình đi, tôi sẽ thế nào không? Bình: - Tôi biết thế nào được, mà biết. Phồn Y: (Vẻ sợ hãi) - Bình nhìn thấy ba như thế mà Bình lại không biết kia ư? Bình: - Tôi chả hiểu mợ muốn nói gì gì nữa? Phồn Y: (Chỉ lên đầu) - Cái này này, Bình lại không hiểu ư? Bình: - Thế nào kia? Phồn Y: - Trước hết là cái lão đốc-tờ Kook rồi đây hằng ngày nó sẽ đến để nài tôi uống thuốc, ép tôi uống thuốc. "Uống thuốc đi! Uống thuốc đi! Uống thuốc đi!" Rồi dần dần người canh gác một lâu một nhiều vào để giam giữ tôi, như một con vật quái gở ấy! Chúng nó... sẽ. .. Bình: (Vẻ khó chịu) - Tôi khuyên mợ, mợ đừng nghĩ vớ nghĩ vẩn như vậy thì hơn. Phồn Y: - Chúng nó sẽ dần dần học lấy cái giọng của ba anh ấy mà: "Cẩn thận! Cẩn thận nhé! Bà ấy điên đấy!" Đấy là những câu mà chúng nó sẽ to nhỏ cùng nhau, nói vụng cùng nhau, sau lưng tôi. Thế là dần dần đứa nào đứa nấy cũng cẩn thận, cũng giữ gìn, không dám nhìn mặt tôi nữa! Rồi cuối cùng là một chuỗi dây xích sẽ khoá kín tôi lại ở trên kia. Thế mà bảo tôi không điên thật sự thế nào được? Bình: (Xem đồng hồ) - Ấy chết! Đến giờ rồi! Thôi mợ cho tôi cái thư vậy, tôi còn về sắp xếp đồ nữa. Phồn Y: (Giọng khẩn khoản) - Chắc đứt đi là thế rồi đó, Bình ạ! Bình nghĩ lại xem: Bình không động lòng tí nào, không thương xót tôi tí nào ư? Bình: - Mà... mợ cứ nhất định đâm đầu vào con đường ấy, thì bảo tôi biết làm thế nào được? Phồn Y: (Giận dữ) - Thế ư? Bình quên rằng đẻ Bình xưa kia cũng đã bị ba Bình bỏ nên rồi chết tức đi đấy à? Bình: - Đẻ tôi không như mợ đâu. Đẻ tôi hiểu ái tình là gì, đẻ tôi yêu con; đối với ba, đẻ tôi không bao giờ làm những việc không phải. Phồn Y: - Bình dám mở miệng nói những câu như thế kia ư! Bình quên bẵng rằng ba năm trước đây, trong gian phòng này, Bình là thế nào ư? Bình quên rằng chính Bình mới thiệt là người có tội, Bình quên rằng chúng mình... Nhưng thôi tôi chả nhắc lại câu chuyện cũ làm gì nữa. (Bình cúi đầu, rùng mình, ngồi xuống chiếc xô pha, tay sờ đằng trước bụng, gân mặt căng hẳn lên. Phồn Y nhìn Bình một cách thất vọng, vừa khóc vừa nói tiếp). Này Bình ơi, tôi van Bình một lần nữa, một lần cuối cùng nữa. - Bình cũng biết xưa nay tôi có hề chịu khổ khiếu cùng ai như thế này bao giờ đâu! Nhưng lần này, tôi van Bình thương lấy tôi, thương lấy tôi với, cái nhà này tôi không tài nào chịu nổi nữa rồi! Những nỗi tủi nhục của tôi ngày hôm nay, Bình cũng đã nhìn thấy cả đấy. Những tình cảm ấy rồi đây không phải là ngày một, ngày hai mà thôi đâu! Nó sẽ kéo dài hàng tháng, hàng năm, cho đến lúc tôi chết đi mới hết! Ba Bình chán tôi, ghét tôi, ông ấy lại sợ tôi vì tôi biết rõ những câu chuyện bí mật trong đời ông. Ông ấy chỉ mong sao cho người nào cũng xem tôi như một giống quái vật, một con điên, Bình ơi! Bình: - Thôi mợ đừng nói nữa! Phồn Y: - Bình ạ, tôi không còn một ai là bà con, thân thích, không còn người nào tin cậy được nữa! Bây giờ đây tôi xin Bình, tôi xin Bình hẵng khoan đi... Bình: - Không, không thể được!: - Bình ạ, tôi không còn một ai là bà con, thân thích, không còn người nào tin cậy được nữa! Bây giờ đây tôi xin Bình, tôi xin Bình hẵng khoan đi... Bình: - Không, không thể được!
Phồn Y: - Nếu như Bình nhất định đi, thì Bình đem tôi cùng đi, đi cho khỏi, cho xa cái nhà này. Bình: - Chết! Mợ nói nhảm nào! Phồn Y: - Không, không! Bình đưa tôi đi cùng... đưa tôi đi xa chỗ này đi!... Rồi, sau này, dầu khi Bình có muốn đón con Phượng về... cùng nhau ở chung, tôi cũng vâng! Tôi chỉ cần... chỉ cần... chỉ cần đừng xa Bình là được rồi. Bình: (Sợ hãi lùi hẳn lại đằng sau, một lát sau mới giả nhời, run cả tiếng) - Tôi... tôi cũng sợ mợ điên thiệt mất rồi! Phồn Y: (Giọng êm thấm) - Đừng, Bình ơi! Bình đừng nói thế, chỉ có tôi mới hiểu rõ Bình, tôi biết chỗ nhược điểm của Bình mà cũng chỉ có Bình là hiểu tôi. Tính tình Bình thế nào tôi biết hết! (Cười vẻ quyến rũ, dịch tới dang tay như muốn kéo Bình lại gần) Bình lại đây, Bình ơi,.. Bình sợ gì mà? Bình: (Nhìn Phồn Y nói ra vẻ hoảng) - Ấy! Mợ đừng cười như thế! Tôi không muốn mợ cười với tôi như thế! (Tay bóp đầu, vẻ khổ não) Chao! Tôi giận tôi quá đi mất! Tôi bực vì tôi đã thế này mà vẫn còn sống, còn sống làm gì nữa kia chứ! Phồn Y: Tôi làm Bình phiền lòng đến thế kia, hở Bình? Nhưng Bình ạ, tôi chẳng sống được bao lâu nữa đâu. Bình: (Đau đớn) - Thế dễ mợ không biết rằng: những mối ái tình như vậy bất kỳ người nào biết ra người ta cũng phải chán ghét ư? Phồn Y: - Tôi đã nói với Bình bao nhiêu lần rồi. Tôi không thấy thế, lương tâm tôi không bao giờ bực bội hết. Này Bình, lúc tối thiệt tôi có làm càn, nhưng nếu như Bình nghe lời tôi, ở nhà đừng đi đâu, thì tôi sẽ gọi con Phượng trở về. Bình: - Thế nào kia? Phồn Y: - Gọi nó về, vẫn còn được, không sao đâu mà? Bình: (Bước tới trước mặt Phồn Y nói thong thả) - Mợ đi đi! Phồn Y: - Thế nào? Bình: - Mợ bây giờ không phải là người sáng suốt nữa, mợ lên gác đi ngủ đi thôi!
Phồn Y: - Nếu thế thì không còn nói gì nữa. Bình: - Đúng rồi! Mợ lên gác đi! Phồn Y: (Tuyệt vọng nói rất uất ức) - Hồi chiều tôi vừa thấy Bình cùng con Phượng, ở đằng nhà Lỗ Quý ấy. Bình: (Thất kinh) - Thế nào? Hồi nẫy mợ vừa lại đằng ấy đấy ạ? Phồn Y: (Ngồi xuống) - Ừ, tôi đứng cạnh nhà ấy có nửa buổi. Bình: - Lúc nào kia? Phồn Y: (Cúi đầu) - Tôi thấy Bình trèo cửa sổ vào nhà nó đấy. Bình: - Rồi mợ làm gì nữa? Phồn Y: (Nhìn về phía trước mặt) - Tôi đứng chờ trước cửa sổ ấy. Bình: - Rồi mợ đứng đến lúc nào? Phồn Y: - Thì cũng đến lúc Bình ra, tôi mới về. Bình: (Đi lại cạnh Phồn Y) - Thế là chính mợ cài cái chốt ngoài cánh cửa sổ đấy phỏng? Phồn Y: - Phải rồi. Bình: (Căm giận) - Mợ thật là một giống quái vật, không thể ai tưởng tượng được! Phồn Y: (Ngửng hẳn đầu lên) - Cái gì kia? Bình: - Mợ quả là một con điên! Phồn Y: - Bình muốn thế nào? Bình: - Tôi muốn cho con người ấy chết ngay đi! (Bình đi về phía buồng ăn, cánh cửa đóng lại đánh sầm một tiếng). Phồn Y: (Ngồi ngẩn người, đưa mắt nhìn theo vào phía cửa buồng ăn một lúc, liếc thấy tấm ảnh Thị Bình cầm lấy nhìn một lát, đặt tấm ảnh xuống, rồi đứng dậy đi mấy bước) - Quái lạ! Biết làm sao bây giờ? (Cánh cửa giữa bỗng hé ra, Phồn Y ngoảnh đầu lại: Lỗ Quý rón rén bước vào). Quý: (Cúi khom lưng chào) - Bẩm bà, bà đã đỡ? Phồn Y: (Có vẻ sợ) - Bác đến làm gì? Quý: (Cười nịnh) - Con đến hầu thăm bà đấy thôi ạ. Con chờ mãi ngoài cửa phòng từ nẫy giờ đấy ạ. Phồn Y: (Cố giữ bình tĩnh) - A! Vừa rồi bác chờ
Phồn Y: - Thì bác nói đi, chắc thế nào tôi cũng có thể giúp đỡ bác được thôi. Quý: (Vẻ giảo quyệt) - Nếu như bà vui lòng dàn xếp cho để con không phải vào hầu cụ ông thêm phiền thì hay lắm. (Cười lạt) Thế thì đỡ phiền cho cả mọi người. Chẳng giấu gì bà, chúng con thì chỉ xin bữa ăn thôi mà. Phồn Y: (Vẻ không bằng lòng) - Bác tưởng rằng tôi... (Dịu giọng) Nhưng thôi, thế cũng chẳng hề gì. Quý: (Sung sướng) - Thiệt con đội ơn bà. Vậy con sẽ xin bà truyền cho con biết ngày nào chúng con có thể trở lại nhận việc. Phồn Y: - Ờ, thì ngày kia, hai bố con bác lại trở lại vậy. Quý: (Chắp tay vái) - Bẩm lạy bà, phúc đức bà ban cho, con xin đội ơn. à chết! Con còn quên: bẩm bà đã thấy anh Hai con về chưa? Phồn Y: - Chưa thấy đấy! Quý: - Bẩm hình như vừa rồi bà có truyền cho anh con đưa tới thưởng chúng con một trăm đồng bạc thì phải? Phồn Y: (Có vẻ chán) - ờ... Quý: - Bẩm... bẩm nhưng vừa lúc ấy thì thằng cả chúng con lại "hồi" món ấy đi. Phồn Y: - Thằng cả nào kia? Quý: - Bẩm là thằng Hải chúng con ấy mà... thằng chó chết ấy mà. Phồn Y: - Thế nào nữa? Quý: - Chẳng là mụ Thị Bình nhà con thực quả chưa biết rằng bà có ban cho con số tiền ấy. Phồn Y: (Giật mình như nói một mình) - Thị Bình?... (Vẻ suy nghĩ) Thị Bình là ai kia? (Cánh cửa giữa mở hé) Quý: (Ngoảnh cổ lại) - Ai đấy? (Hải đi vào, quần áo ướt sũng, nét mặt hầm hầm, mắt nhìn khắp bốn góc phòng có vẻ vừa mệt vừa giận. Phồn Y nhìn Hải ra dáng sợ hãi). Hải: (Hỏi Quý) - Dượng ở đây à? Quý: (Có vẻ tức) - Mày làm thế nào mà vào đây được?
Hải: - Cửa sắt to khoá rồi, tôi gọi chả được, tôi leo tường vào chứ làm sao? Quý: - Mày lên đây làm gì? Con Phượng thế nào rồi? Hải: (Lấy chiếc khăn lau nước mưa trên mặt) - Tìm mãi không thấy đâu cả. Đẻ còn chờ ngoài cửa ấy. Quý: - Không, tao chả thấy. Kệ nó, chốc nữa nó về giờ đấy. Thôi, mày về cùng tao vậy, Công việc ở đây tao thu xếp cũng ổn rồi. Thôi được, ta đi về. Hải: - Dượng khoan hẵng về. Dượng đi gọi hộ anh cả trong nhà ra đây, tôi tìm mãi chả được. Quý: (Ngần ngại) - Mày muốn gì nữa kia? Hải: - Không mà, tôi chả làm gì đâu, tôi muốn nói cùng nó mấy câu thôi. Quý: (Không tin) - Tao xem chừng mày, mày lại muốn... Hải: (Nhìn chằng chằng vào mặt Quý) - Có đi không thì bảo? Quý: (Sợ) - Mà... mà này... Tao vào mời anh ấy ra đây, rồi mày chỉ nói vài câu thôi nhé.
Hải: - Tôi nói thiệt: tôi có định tới gây chuyện đâu mà! Phồn Y: - Bác Quý, bác cứ đi gọi nó ra. Có tôi ở đây, không hề gì đâu. Hải: - Ừ ! Dượng vào đi. Mà này: xem chừng đấy nhé! Vào trong ấy không gọi nó ra mà bỏ đi thẳng thì cẩn thận đấy nhé, về nhà tôi bảo cho! Và bảo chúng nó mở cửa cho đẻ vào với. Trời mưa to. Quý: - Được, được, được rồi! Mà xong là tao đi thôi đấy. (Nói nhỏ) Đồ chó đẻ! (Đi vào phía buồng ăn). Phồn Y: (Đứng lên) - Anh là ai? Hải: - Anh con Phượng! Phồn Y: (Dịu giọng) - Anh lại đây định gặp anh cả ư? Hải: - Phải. Phồn Y: - Có lẽ nó định lên tầu ngay bây giờ. Hải: - Thế nào kia? Phồn Y: - Ừ! Nó sắp đi ngay giờ đấy mà. Hải: - À! Nó sắp đi ngay giờ à? Phồn Y: - Phải rồi nó...
(Bình đi từ phòng ăn đi ra, nhìn thấy, nhìn thấy Hải có vẻ luống cuống, nhưng cũng miễn cưỡng gật đầu. Tiếng nói lúc đầu hơi run, dần dần cố trấn tĩnh lại) Bình: (Nhìn Hải) - A! Hải: - Hay lắm! Cậu cả còn chưa đi à? Này! Anh hẵng mời bà ấy đi vào đi; tôi có chuyện cần nói riêng với một mình anh. Bình: (Nhìn Phồn Y, Phồn Y vẫn đứng im, Bình sẽ đi đến bên cạnh, bảo Phồn Y) - Để mời mợ lên gác thì tiện hơn. Phồn Y: - Được rồi. (Phồn Y đi về phía phòng ăn. Hải nhìn Bình mặt có vẻ căm) Bình: (Run cả tiếng) - Đến giờ này mà anh vẫn còn đến đây cơ à? Hải: - Nghe nói cậu cả sắp đi? Bình: - Nhưng còn kịp chán, anh lại bây giờ cũng còn vừa, anh định làm gì kia? Tôi cũng vừa sửa soạn xong. Hải: (Tức tối) - Sửa soạn xong cả rồi kia à? Bình: - Phải.
Hải: (Tới sát mặt Bình) - Này! (Tát mạnh vào mặt Bình) Bình: (Mặt chảy máu nhưng vẫn cố nén lòng giận dữ) - Mày... mày (Thò tay lấy mùi soa lau máu trên má). Hải: (Nghiến răng) - Mày định đi nữa thôi? (Im lặng một chốc) Bình: (Cố nhịn) - Ấy là kế hoạch từ trước của tôi đấy. Hải: (Cười độc địa) - Kế hoạch từ trước kia đấy à? Bình: (Bình tĩnh) - Tôi thấy rằng giữa chúng mình, nhiều chỗ hiểu lầm nhau quá! Hải: - Hiểu lầm? (Nhìn thấy máu ở tay, lau ngay vào áo) Tôi không hiểu lầm anh, tôi biết anh là một thằng hèn, là đồ khốn nạn, chỉ lo làm những trò đểu giả! Bình: (Bình tĩnh) - Chúng mình gặp nhau hai lần đều là những lúc tôi hư thân bẳn tính, cho nên anh có thể coi tôi là người hư hỏng hết sức. Hải: - Chối làm gì! Anh là bọn cậu cả, tâm địa anh đểu cáng hết sức. Các ngài là bọn kiếm được miếng cơm quá dễ dàng, thừa hơi thừa sức không biết dùng làm gì, thế là đi dỗ dành con gái nhà nghèo, xong đó là thôi đấy, trách nhiệm để mặc ai cả thôi mà! Bình: (Vẻ thất vọng) - Bây giờ đây tôi biện bạch cùng anh cũng vô ích. Tôi biết, tôi biết rằng anh tới đây đã có mục đích sẵn. Thôi thì trong mình anh có khí giới giết người đấy, anh cứ đưa ra, tôi bằng lòng để cho anh kết liễu đời tôi đấy. Hải: (Khinh bỉ) - Cậu cả đang còn làm bộ khí khái đến thế kia! Này! Trong nhà anh ngó bộ anh còn là thông minh hơn cả đấy! Nhưng thôi! Thứ anh đáng gì mà tôi phải làm thế? Tôi dại gì mà đưa cái thân hữu dụng của tôi đi đổi lấy cái mạng chó chết của anh? Bình: (Nhìn thẳng vào mặt Hải) - Anh tưởng hiện giờ tôi sợ anh đấy hẳn? Không, anh lầm. Tôi sợ gì anh, tôi chỉ sợ tự tôi đây này; tôi đã lầm một lần rồi, tôi không muốn lầm một lần nữa. Hải: (Cười chế diễu) - Tôi thấy cái thứ người như anh, sống đã là lầm to rồi. Hồi nãy, nếu không có đẻ tôi, thì tôi đã thịt ngay anh rồi kia. Bây giờ đây, cái mạng anh vẫn còn trong tay tôi mà! Bình: - Chết đi là may mắn cho tôi chứ sao! (Chua chát) Anh tưởng tôi sợ chết, không, không đâu! Tôi chán sống lắm rồi! Tôi sống đủ lắm rồi! Tôi vui lòng chờ anh đấy: tôi là người không thích sống nữa. Hải: - A! Anh... không thích sống nữa? Nhưng anh còn quyến rũ con em của tôi, đi theo anh, theo hầu anh. Bình: (Cười gượng) - Anh tưởng tôi ích kỷ đến thế kia ư? Anh cho tôi là người không có một tí can trường, đi dỗ dành em anh, rồi bỏ rơi nó ư? Anh không hỏi em anh xem, nó biết tôi yêu nó đến chừng nào. Tôi nói thiệt cùng anh: chỉ nhờ có nó mà lâu nay, tôi còn chút hy vọng sống lại. Hải: - Anh nói khéo lắm!... Thế thì làm sao... làm sao anh không làm cho đường đường chính chính đi?
Bình: - Đó là câu chuyện đau lòng nhất của tôi. Trong một hoàn cảnh hư hỏng quá, anh tính gia đình của tôi có bao giờ vui lòng cho tôi làm như vậy được? Hải: (Gay gắt) - A! Bởi thế cho nên một mặt thì anh thực lòng yêu nó, cùng nó làm những việc xấu hổ đến đâu cũng làm, và một mặt nữa anh lại nghĩ đến gia đình anh, đến ông chủ mỏ, ba anh. Rồi đây, người nhà nhà anh sẽ bảo anh bỏ phăng nó đi, để lấy một cô tiểu thư nào môn đăng hộ đối chứ gì? Bình: - Thế sao anh không hỏi Phượng xem, em anh cũng biết rằng lần này, tôi sở dĩ bỏ nhà ra đi là cũng chỉ vì muốn xa hẳn ba tôi, muốn thoát ly gia đình để tìm dịp tốt mà kết hôn cùng Phượng đấy chứ! Hải: - Anh bao giờ cũng khéo chối. Vậy chứ vừa rồi nửa đêm trời tối, anh đi lại đằng nhà chúng tôi làm gì? Anh chối nữa thôi? Bình: (Tức tối) - Tôi không chối, tôi không cần gì chối với anh. Bây giờ đây tôi coi anh là anh của Phượng, cho nên tôi
mới nói như thế. Tôi yêu Phượng, Phượng cũng yêu tôi; chúng tôi đều thanh niên, chúng tôi đều là người. Hai đứa trai gái luôn luôn gần gũi cùng nhau, thế nào cho khỏi chuyện nọ chuyện kia. Nhưng tôi chắc rồi đây thế nào tôi cũng sẽ có thể đối đãi với Phượng hết sức tử tế, tôi sẽ lấy Phượng làm vợ, tôi sẽ không bao giờ ở tệ cùng Phượng. Hải: - Nếu vậy, anh nói cũng có lý. Nhưng ai tin được rằng cậu cả con cụ chủ nhà này rồi đây sẽ yêu mãi mãi em một thằng thợ, con mụ u già? Bình: - Cái ấy, cái ấy... Cái ấy tôi cũng có thể nói thiệt cho anh biết, là vì có người đàn bà đã bắt buộc tôi, ép uổng tôi phải làm thế. Hải: (Nói khẽ) - Thế nào? Lại còn người đàn bà khác nữa kia? Bình: - Ừ, chính là cái bà anh vừa thấy ở đây hồi nãy ấy. Hải: - Bà nào kia? Bình: (Khổ não) - Bà ấy chính là kế mẫu của tôi đấy!... A! Một câu chuyện tôi đã vùi lấp trong lòng mấy năm trời nay không hề dám nói cùng ai hết... Con người cũng thông sách vở, cũng có giáo dục, thế mà. .. vừa gặp nhau là bà ấy bỗng đeo đẳng mối tình, rồi nhất định... Kể ra trong câu chuyện này tôi cũng có một phần trách nhiệm. Hải: - Con Phượng có biết thế không? Bình: - Phượng biết chứ, tôi cũng biết là Phượng biết. (Buồn bã) Hồi ấy tôi vớ vẩn quá đi mất! Về sau, mình càng lầm lỗi lại càng sợ, càng bực, càng chán với mối tình không tự nhiên ấy, anh hiểu không? Tôi muốn xa người ta, nhưng người ta nhất định không buông tôi, nhất định bíu chặt lấy tôi. Thứ người ấy là ma, là quỷ gì ấy, tuyệt không e dè sợ hãi một tí nào? Anh có hiểu rõ không? Thiệt tôi chán chường quá đi mất! Rồi tôi say sưa nhảm nhí, tôi chỉ muốn bỏ đi, chết cũng cam lòng. Sau đó may tôi gặp được Phượng, Phượng làm cho tôi hiểu sự lẽ, cho nên một năm nay, tôi vẫn còn có sức để mà sống. Hải: - A!... Bình: - Bấy nhiêu câu chuyện mấy năm giời nay, tôi có dám nói cùng ai đâu, thế mà... (Nói thong thả) kể cũng lạ, hôm nay lại đi nói cùng anh! Hải: (Vẻ âm thầm) - Đây có lẽ là câu chuyện nghiệp báo của cha anh cũng nên! Bình: - Đừng, đừng nói nhảm!... Sở dĩ tôi đã nói cùng anh câu chuyện đó, là chỉ vì anh là anh ruột Phượng và tôi cũng muốn cho anh tin rằng tôi thực lòng, muốn anh tin là tôi không hề lừa dối Phượng mà thôi. Hải: - Vậy thì anh định lấy con Phượng thiệt phải không? Anh cũng biết nó là một đứa con gái đần hết sức, nó không thể lấy một người nào khác nữa đâu. Bình: - Ừ ! Hôm nay tôi đi, chừng vài tháng nữa tôi sẽ về đón Phượng lên. Hải: - Nói thế thì nói, chứ ai tin được miệng lưỡi các người, các người là con chủ mỏ!
Bình: (Rút trong túi ra một bức thư) - Anh chỉ đọc cái thư này thì rõ, tôi vừa mới viết cho Phượng mấy chữ này, để nói chuyện đó. Hải: - Đưa cho tôi làm gì? Tôi chả thừa hơi đọc những cái ấy rồi. Bình: (Nghĩ ngợi một chốc ngẩng đầu lên) - Thế thì bây giờ tôi cũng chẳng còn chứng cớ gì khác nữa. Nhưng trong cái túi rết của anh kia, đang còn khí giới giết người được đấy. Anh không tin tôi, thì đây, tôi vẫn còn ở trong tay anh. Hải: - Chao! Cậu Cả, cậu tưởng tôi đã tha cho cậu rồi đấy hẳn? Cậu tưởng như thế là thằng này đã hài lòng thật sự rồi đấy hẳn,(Rút khẩu súng ra). Bình: (Thất kinh) - Anh muốn gì kia? Hải: - Tôi muốn giết ngay anh chứ gì nữa! (Chĩa mũi súng vào Bình) Thứ người như anh thiệt không đáng sống tí nào. Bình: - Được rồi! anh cứ bắn đi! (Nhắm mắt). Hải: - Nhưng thôi!... (Thở dài đưa súng cho Bình) Cứ mở mắt ra mà nhìn!
Bình: - Thế nào? Hải: (Buồn bã) - Chả thế nào hết! Các cụ già bao giờ cũng lẩn thẩn. Tôi biết đẻ tôi, con Phượng là tính mạng của đẻ... Bây giờ tôi chỉ cần một điều là anh bảo con Phượng chăm nom lấy bà cụ; thì tôi sẽ tha chết cho anh. Có thế thôi! (Bình định nói nữa nhưng Hải gạt tay không nghe) Hải: - Bây giờ, thì anh hẵng vào gọi con Phượng ra đây hộ tôi. Bình: - Thế nào cơ? Hải: - Gọi con Phượng ra đây. Nhất định là nó còn ở trong nhà nhà anh chứ đâu. Bình: - Không, không! Phượng nó vẫn còn ở đằng nhà chứ? Hải: - Đâu? Đẻ tôi và tôi đi tìm nó giữa mưa giữa gió có ngót hai giờ đồng hồ mà chả thấy. Bởi vậy tôi mới nhất định là nó tới đây. Bình: - Thế là hai giờ nay, Phượng đi giữa cơn giông, nó... nó đi vào đâu mới được chứ?
Hải: - Nửa đêm trời tối nó vào đâu được? Bình: (Bỗng ra vẻ sợ hãi) - Chết rồi! Không khéo nó lại... Hải: - Anh cho là nó... không chả có lẽ. Không! Tôi chắc nó chả có gan ấy đâu! Bình: (Rùng mình) - Có thể lắm, chứ chả không đâu! Anh không hiểu Phượng. Nó trọng danh giá lắm kia! Mà nó lại to gan nữa. Nó... nhưng lẽ nào Phượng lại không gặp tôi đã, lẽ nào nó lại đi... liều mình như vậy? (Im lặng trong chốc lát) Hải: (Đột ngột) - Thôi! Anh đừng vờ nữa! Anh lại định dối tôi. Anh nói thiệt đi: nó ở trong nhà nhà anh, nó ở trong nhà nhà anh ấy! (Tiếng huýt sáo nho nhỏ bên ngoài) Bình: (Đưa tay bảo Hải đừng nói) - Im! Đừng ồn! (Tiếng huýt sáo nghe gần lại, Bình mừng rỡ) Phượng, Phượng đây rồi, tôi nghe rõ! Hải: - Thế nào? Bình: - Tiếng Phượng huýt sáo đấy. Mỗi lần chúng tôi gặp nhau đều huýt sáo như thế! Hải: - Nó đâu? Bình: - Chắc là ở trước vườn hoa ấy. (Bình hé cửa sổ, huýt sáo... tiếng huýt sáo bên ngoài nghe lại gần hơn) Bình: (Ngoảnh lại bảo Hải) - Đúng là Phượng rồi. (Tiếng gọi nơi cửa giữa) Bình: - Bây giờ anh hẵng lánh qua phòng này một chốc. Phượng nó không hề tưởng là anh ở đây. Đừng để nó thấy anh; nó sợ, tội nghiệp! (Đưa Hải đi về phía phòng ăn, Hải đi vào) Tiếng Phượng: (Phía bên ngoài nói rất khẽ) - Anh Bình! Anh Bình! Bình: (Chạy nhanh đến cửa giữa) - Phượng! (Mở cửa) Vào đây. (Phượng đi vào, đầu tóc tán loạn, áo quần ướt sạch, nước mắt lẫn nước mưa trên má, rét run cả mình, hàm răng đánh cầm cập, đứng ngẩn người nhìn Bình một lúc) Phượng: - Anh Bình ơi! Bình: (Cảm động) - Em Phượng! Phượng: (Vẻ sợ hãi) - Không có ai trong này chứ? Bình: (Vẻ thương xót) - Không ai hết! (Cầm tay Phượng). Phượng: - Anh ơi! (Ôm lấy Bình khóc nức nở) Bình: - Thế nào? Tại sao mà Phượng đến thế này hở Phượng? Sao Phượng lại tới đây tìm anh? Đi vào lối nào? Phượng: - Em đi vào lối cửa sau. Bình: - Tay em lạnh như giá ấy, em phải thay áo đi chứ. Phượng: - Không, anh ơi! (Khóc sùi sụt) Để em nhìn anh tí đã! Bình: (Đưa Phượng đến chiếc xô-pha, ngồi xuống một bên) - Em Phượng! Hồi nãy em đi đường nào? Phượng: (Nhìn Bình, nuốt nước mắt) - Anh Bình ơi! Anh đang còn ở đây, em tưởng chừng như em đã xa anh ngót một năm trời rồi. Bình: - Em Phượng tội nghiệp của anh, sao em lại điên thế? Em vừa đi đâu kia hở, em điên rồ của anh? Phượng: (Gạt nước mắt, cầm tay Bình) - Một mình em cứ thế chạy mãi giữa mưa, em chẳng biết đâu vào đâu cả. Trên đầu giời sấm sét, trước mặt em chỉ thấy tối mò mò một khối, em không nhớ gì nữa hết, mơ màng dường như có lúc em nghe đẻ em kêu đằng sau, nhưng em sợ quá, em cứ chạy liều mạng, em cứ nhất định tìm cho ra con sông ở trước cửa nhà ta mà nhảy xuống cho rồi! Bình: (Cầm tay Phượng) - Phượng! Phượng: - ... Thế mà chẳng biết vì sao tìm chẳng thấy con sông ở đâu cả! Bình: - A! Thiệt anh tệ với Phượng quá đi mất, Phượng tha lỗi cho anh nhé! Em tha lỗi cho anh, em đừng trách anh, em Phượng nhé! Phượng: - Anh ạ, em cứ lần mò đi như thế mà rồi rút cục lại đâm đầu vào đây; em chạy đến chỗ vườn hoa, nơi cột điện gẫy, em bỗng nghỉ đến chuyện chết quách cho xong. Em biết rằng, chỉ đụng vào nơi dây điện một tí thôi, là em có thể quên hết mọi sự. Nhưng rồi em lại thấy ngọn đèn trên cửa sổ buồng anh, thế là em chắc rằng anh còn ở nhà. Em lại nghĩ ngay rằng không nên chết như vậy, rằng em không thể chết một mình, em không xa anh được, em nghĩ rằng chúng ta có thể cùng nhau đi, chúng ta phải cùng nhau đi xa hẳn chốn này... Anh Bình ơi! Anh... Bình: (Nghĩ ngợi) - Phải! Chúng mình sẽ đi xa, xa hẳn chỗ này. Phượng: - Chỉ còn một đường ấy nữa thôi, anh ạ. Em bây giờ không có nhà cửa, anh em ghét em chết gan chết ruột, em cũng không mặt nào gặp lại đẻ em nữa. Bây giờ em không còn một tí gì trên đời này, không một ai là bà con, là bè bạn nữa. Em chỉ còn anh nữa thôi, anh Bình, thôi ngày mai anh đem em đi cùng nhé. Bình: (Nghĩ ngợi một lúc, lắc đầu) - Không!Không! Phượng: (Thất vọng) - Anh Bình ơi!... Bình: (Nhìn Phượng) - Không, không!... Chúng ta phải đi ngay bây giờ đi thôi. Phượng: (Ngờ vực) - Thế nào? Đi ngay bây giờ?... Bình: (Chứa chan ân ái) - Ừ. Trước kia anh định đi một mình lên trước đã, rồi sẽ đón em lên sau. Nhưng bây giờ không cần. Phượng: - Thiệt nhé! Cùng đi nhé! Bình: - Ừ, thiệt hẳn chứ! Phượng: (Sung sướng, đứng dậy cầm tay Bình hôn, gạt nước mắt) - Thiệt nhé! Thiệt nhé! Anh Bình nhé! Anh là người tốt lòng, anh là người tốt lòng nhất trong thiên hạ, anh là... anh của em, anh vừa cứu em sống. Bình: (Vẻ cảm động, lấy khăn lau nước mắt) - Phượng, từ nay về sau chúng mình sẽ mãi mãi ở cùng nhau một chỗ, không bao giờ xa nhau nữa. Phượng: - Ừ ! Thế thì chúng mình đi xa hẳn chỗ này, và sẽ cùng nhau ở chung mãi.
Bình: - Ừ, nhưng Phượng ạ, trước lúc đi, chúng mình hẵng gặp một người đã, xong ta hẵng đi. Phượng: - Người nào kia? Bình: - Anh Phượng ấy! Phượng: - Anh Hải ấy à? Bình: - Ừ, Hải tìm Phượng, Hải đang ngồi trong phòng ăn này. Phượng: (Sợ hãi) - Không, không! Anh đừng gặp anh ấy. Anh ấy giận anh lắm. Anh ấy có thể giết anh được kia! Thôi đi đi, chúng ta đi ngay đi! Bình: (An ủi) - Anh đã gặp Hải rồi... Thế nào chúng mình cũng phải gặp qua Hải một lần... Không có chúng mình đi cũng không lọt kia. Phượng: - Nhưng anh ạ; anh... (Bình chạy vào phía buồng ăn) Bình: - Anh Hải! Anh Hải đâu rồi!... Kìa! Vừa ở đây lại đi đâu rồi? Lạ quá! Có lẽ lại đi ra đằng cửa kia chắc! Phượng: (Chạy lại gần Bình khẩn khoản) - Thôi, kệ anh ấy, chúng mình đi đi thôi anh ạ! (Kéo Bình đi về phía cửa giữa) Chúng mình cứ thế này đi đi thôi!
(Phượng dắt Bình đi về phía cửa giữa, cửa giữa mở dần dần, Thị Bình và Hải đi vào).
(Sau hai giờ chạy tìm con giữa mưa, Thị Bình đã khác hẳn người hồi nãy, quầng mắt sâu hóp hẳn vào, Thị Bình chỉ đứng nhìn xuống, vẻ đau khổ và thất vọng, mái tóc vẫn còn ướt nhiều chỗ, tay run, đi chậm chạp; khi nói tiếng khản hẳn đi). Phượng: (Sợ hãi) - Ấy, đẻ! (Rụt rè) (Thị Bình nhìn con rất đau đớn) Thị Bình: (Đưa tay vẫy con) - Phượng ơi! Con đi tới đây. Phượng: - Đẻ ơi! đẻ ơi! (Chạy tới, quỳ xuống ôm lấy gối Thị Bình) Thị Bình: (Vuốt đầu Phượng) - Con, con tội nghiệp của đẻ ơi! Phượng: (Khóc thất thanh) - Đẻ ơi! Đẻ tha thứ cho con, đẻ tha thứ cho con, đẻ nhé! Thị Bình: (Dìu Phượng dậy) - Sao con không nói cho đẻ rõ từ trước hở con?
Phượng: (Cúi đầu) - Con yêu đẻ, con sợ, con không muốn làm đẻ phiền lòng, con sợ đẻ mắng, con không dám nói cùng đẻ. Thị Bình: (Đau đớn, vẻ mặt âm thầm) - Thôi thì cũng chỉ vì đẻ con vớ vẩn; lẽ ra đẻ phải nghĩ đến sự tình này từ trước thì hơn. Nhưng nào đẻ có ngờ đây là lại có những câu chuyện thế này; là con cái tôi lại vập lấy cảnh éo le thế này! Con ạ, cái kiếp đẻ con khổ quá, nhưng các con... Hải: - Thôi đẻ ạ, đi về đi, Phượng, mày cũng hẵng cùng về một thể đã... Con đã (Chỉ vào Bình) bàn cùng Bình rồi. Bình sẽ đi trước, rồi đón Phượng lên sau. Thị Bình: (Mơ màng) - Chết! Ai bảo thế? Ai bảo thế? Hải: - Đẻ ạ, con hiểu ý đẻ, Nhưng cũng chẳng có thể làm thế nào khác. Thôi thì để cho chúng nó cùng đi đi thôi, đẻ ạ. Thị Bình: (Ngớ ngẩn ngồi xuống) - Thế nào? Để cho chúng nó đi thế nào?
Bình: (ấp úng) - Già, xin già cứ tin tôi. Tôi sẽ không bao giờ bạc với Phượng. Chúng tôi đã định đi ngay bây giờ. Thị Bình: (Run cầm cập, cầm tay Phượng) - Phượng, thế con... con định đi cùng nó ư? Phượng: (Cúi đầu, nắm chặt tay Thị Bình) - Đẻ, thì con cũng đành phải đi xa chỗ này đi thôi. Biết thế nào bây giờ? Thị Bình: - Chúng con cùng nhau ăn, ở một chỗ thế nào được? Hải: - Đẻ, sao thế hở đẻ? Thị Bình: - Không, không được mà! Phượng: (Khẩn khoản) - Đẻ ơi! Thị Bình: (Kéo Phượng đi) - Thôi, đi về thôi, con ạ! (Bảo Hải) Con đi ra gọi cái xe, con Phượng chắc là bước không được nữa, chúng ta đi về, đi về thôi, nhanh lên, con! Phượng: - Đẻ ơi, đẻ nỡ lòng nào! Thị Bình: - Không, không xong, đi về, đi về nhà thôi, con ạ! Phượng: - Đẻ ơi! Đẻ nhất định muốn cho con chết ngay trước mắt đẻ sao? Bình: - Thưa với già, tôi biết tôi không phải với già nhiều. Nhưng tôi sẽ xin cố gắng hết sức để chuộc lại tội lỗi. Bây giờ sự tình đã đến thế này thôi thì... Hải: - Đẻ, thiệt con chẳng hiểu vì sao mà lần này đẻ... Thị Bình: (Gắt) - Con đi ra thuê xe cho đẻ đi! (Bảo Phượng) Này, Phượng này, con nghe đây: thà đẻ không có con nữa còn hơn là đẻ để cho con cùng nó ăn ở một chỗ... Thôi ta đi về, đi về... (Hải vừa ra tới cửa, Phượng la lên một tiếng) Phượng: - Trời ơi! Đẻ ơi! Đẻ ơi! (Ngất đi, ngã vào lòng Thị Bình). Thị Bình: (Ôm lấy Phượng) - Con tôi ơi! Con... Bình: - Phượng bị ngất rồi! (Thị Bình sờ trán con, gọi khẽ: "Phượng! Phượng ơi!" khóc nức nở, Bình chạy vào phía buồng ăn), Hải: - Không cần... không cần phải đi đâu làm gì, có tí nước lã là được rồi, từ bé nó vẫn thế. (Bình lấy nước lã dấp vào mặt Phượng, Phượng tỉnh dần dần) Thị Bình: (ép nước lã vào mặt Phượng) - Phượng ơi! Con đẻ ơi! con tỉnh lại, con tỉnh lại đi! Phượng: (Mở mắt dần dần, thở ra một hơi dài) - A! Đẻ ơi! Thị Bình: - Này con đẻ, con đừng trách đẻ nhẫn tâm; đẻ khổ, đẻ không thể nói ra được. Phượng: (Thở dài) - Đẻ... Thị Bình: - Thế nào con, Phượng? Phượng: (Bảo Bình) - Em phải nói hết cùng anh, để anh rõ. Bình: - Phượng đỡ tí nào không hở Phượng? Phượng: - Anh Bình, lâu nay em vẫn giấu anh, em không muốn nói cùng anh... (Nhìn Thị Bình vẻ xin tha thứ) Đẻ ơi! đẻ, con không tài nào mở miệng nói cùng đẻ được! Thị Bình: - Thế nào, con nói đi! Phượng: (Sụt sùi) - Con, con... con hiện đã có... (Khóc nức nở).
Thị Bình: (Sợ hãi) - Thế nào? Con bảo con đã... Bình: (Cầm tay Phượng) - Thế nào? Em Phượng, thiệt thế ư? Em... Phượng: (Khóc nức nở) - Vâng. Bình: - Từ bao giờ kia? Từ bao giờ kia? Phượng: - Có lẽ đã ba tháng rồi. Bình: - Vậy sao Phượng không cho anh biết hở Phượng? Phượng của anh?... Thị Bình: (Nói khẽ) - Giời hỡi giời! Bình: (Tới trước mặt Thị Bình) - Thôi tôi xin già, trăm sự đều tự tôi, thôi thì già đừng cố chấp làm gì nữa, tôi van già!...(Quỳ sụp xuống) Tôi van già, cho Phượng đi cùng tôi vậy. Tôi thề rằng: sau này tôi sẽ không bao giờ tệ bạc cùng Phượng, sẽ không bao giờ phụ lòng già. Phượng: (Cũng quỳ xuống một bên Thị Bình) - Đẻ ơi! Đẻ thương... thương lấy chúng con cùng. Đẻ ừ đi một tiếng, cho chúng con đi vậy. Thị Bình: (Ngồi xuống như dại như si, im lặng trong một chốc) - Thiệt chẳng khác nào chuyện chiêm bao! Con gái của tôi...con gái tự mình sinh ra... Trời đất ơi! Ba mươi năm nay, tôi vất vả, khó nhọc... (úp mặt khóc xua tay) Thôi các con đi đi, từ nay đẻ không nhìn được các con nữa rồi. (Ngoảnh đầu vào phía tường). Bình: - Thế thì...(Đứng dậy) Phượng ơi! Chúng ta đi đi. (Phượng đứng dậy). Thị Bình: (Bỗng quay đầu lại) - Không, không thể được! (Phượng lại quỳ xuống). Phượng: - Đẻ ơi, đẻ lại nghĩ thế nào? Lòng con thì nhất định thế rồi, đẻ ạ. Con quyết tâm lắm rồi: bất kỳ là anh ấy đi đến đâu, thế nào hết, con cũng chỉ quyết lấy anh ấy thôi. Bình là người đầu tiên con yêu, con chỉ có thể yêu Bình. Đẻ ơi, bây giờ đã đến nông nỗi này, thì anh ấy đi đâu là con đi đấy, anh ấy ra thế nào, con cũng sẽ ra thế ấy. Đẻ ơi! đẻ cũng biết rằng: hiện giờ con...
Thị Bình: (Đưa tay bảo Phượng đừng nói nữa) - Thôi, con ơi! Con đừng nói nữa. Hải: - Đẻ ạ, bây giờ, sự tình đã đến thế này thì đẻ cho nó đi, đi đi là hơn.
Bình: - Thưa với già, dầu già nhất định không bao giờ cho Phượng đi cùng tôi, thì chúng tôi cũng sẽ phải buộc lòng làm trái ý già, và trốn ra đi mà thôi. Phượng ơi! Phượng: (Lắc đầu) - Không đâu! Anh Bình ạ! (Nhìn Thị Bình) Đẻ, đẻ ơi! Thị Bình: (Nói khẽ giọng rất âm thầm đau đớn) - A! Chỉ có giời biết ai là kẻ có tội, ai đã gây nên nghiệp chướng này!... Hai đứa chúng nó chỉ là hai đứa trẻ đáng thương. Nào chúng nó có biết là chúng làm những gì đâu! Giời ơi! Nếu như giời có muốn làm tôi thôi thì trị một mình tôi là đủ rồi. Chỉ một mình tôi là kẻ đã làm nên tội lỗi. Chính tôi là người đã lỡ bước đầu tiên. (Thảm thiết) Chúng nó là lũ trẻ ngây thơ, trong trẻo của tôi, chúng nó xứng đáng được sống mãi, được sống sung sướng mãi. Bao nhiêu oan nghiệp, đều tại lòng tôi cả, thôi thì bao nhiêu nỗi khổ, xin dành lại cho một mình tôi gánh cũng đủ rồi (Đứng dậy nhìn trời). Tối hôm nay đây,cũng chính tôi đã cho chúng nó đi cùng nhau. Tôi biết tội tôi, nhưng bây giờ tôi vui lòng vì chúng nó mà gánh hết mọi tội lỗi. Bao nhiêu ác nghiệt chỉ một mình tôi gây nên. Con cái tôi còn đầu non tuổi trẻ, lòng nó còn trong sạch... Giời đất ơi! Dầu thiệt có thế nào nữa, thôi thì cũng cho một mình tôi gánh thay cho chúng nó vậy. (Ngoảnh đầu lại) Này Phượng!... Phượng: (Bối rối) - Đẻ ơi! Đẻ thế nào? Đẻ vừa nói những gì kia? Thị Bình: (Bình tĩnh) - Không gì đâu, con ạ. Thôi các con cùng nhau đi vậy. Phượng: (Cảm động ôm lấy Thị Bình) - Đẻ ơi! Bình: - Thôi chúng ta đi ngay đi. (Xem đồng hồ) Chỉ còn hai mươi nhăm phút nữa là tầu chạy rồi, để anh đi gọi chúng nó đánh xe ra, chúng ta đi nhé. Thị Bình: - Không, Phượng này, các con đi lần này, phải âm thầm trong bóng tối mà đi, chớ làm để ai kinh động. (Bảo Hải) Hải, con ra gọi chiếc xe cho đẻ về trước, rồi con đưa hai đứa chúng nó lên tầu sau. Hải: - Vâng. (Hải đi ra phía cửa giữa) Thị Bình: (Bảo Phượng) - Con đẻ lại đây đẻ yêu con một tí đã. (Phượng đi tới ôm lấy Thị Bình, Thị Bình nói cùng Bình) Con cũng lại đây, để đẻ nhìn con một tí xem. (Bình đi đến, cúi đầu, Thị Bình gạt nước mắt) Thôi các con đi nhé!... Đẻ chỉ xin các con trước lúc đi phải thề cùng đẻ một điều. Bình: - Đẻ cứ nói đi! Thị Bình: - Các con không bằng lòng, thì đẻ quyết không cho con Phượng đi đâu. Phượng: - Đẻ cứ nói đi, con xin vâng. Thị Bình: (Nhìn Phượng và Bình) - Các con ra đi lần này, thì phải đi cho thiệt xa, đi mãi, đi mãi, không được trở về. Hôm nay là ngày xa nhau, dầu sống, dầu chết, từ rày các con nhất định không được gặp mặt đẻ nữa. Phượng: (Khó chịu) - Đẻ ơi, không thể thế... Bình: (Nháy mắt nói khẽ) - Hiện giờ đẻ còn bực bội, đẻ nói vậy, sau này đẻ thế nào cũng nghĩ lại chứ! Phượng: - Thế thì vâng. Cũng được... Đẻ ơi, chúng con đi đẻ nhé? (Phượng quỳ xuống, chảy nước mắt, cúi đầu lạy Thị Bình, Thị Bình cố nín khóc) Thị Bình: (Xua tay) - Thôi các con đi đi! Bình: - Chúng mình đi về phía phòng ăn đi ra vậy, anh còn ít đồ lề trong kia. (Bình, Phượng, Thị Bình đi về phía phòng ăn vừa đến cửa thì cánh cửa hé mở, Phồn Y đi ra, ba người đều giật mình đứng lại nhìn) Phượng: (Thất thanh) - Kìa bà! Phồn Y: - Ấy, đi đâu vội thế? Ngoài kia giời còn sấm sét đùng đùng kia kìa! Bình: (Bảo Phồn Y) - Một mình đứng ngoài nghe trộm chuyện người ta là nghĩa làm sao? Phồn Y: - Ấy! Không phải một mình, còn người nữa kia! (Gọi vào phía buồng ăn) Ra đây, con!
(Xung đi từ phía buồng ăn đi ra, bước ngập ngừng). Phượng: (Sợ hãi) - Kìa anh Hai! Xung: (Vẻ áy náy) - Phượng! Bình: (Buồn bã hỏi em) - Em Xung, sao em cũng vớ vẩn như vậy? Xung: - Mợ gọi em đến đấy chứ, em có biết gì đâu. Phồn Y: (Lạnh lùng) - Đấy, bây giờ thì mày biết rồi đấy! Bình: (Nóng mặt bảo Phồn Y) - Mợ định làm trò gì mới được chứ? Phồn Y: (Mỉa mai) - Làm gì đâu, cho em anh lại tiễn chân anh đấy thôi! Bình: (Tức tối) - Đê tiện đến thế là cùng! Xung: - Kìa anh! Bình: - Xin lỗi em... (Nhìn vào mặt Phồn Y) Nhưng thiệt trên đời này, không có một bà mẹ nào như thứ người ấy! Xung: (Ngớ ngẩn) - Mợ, việc gì thế này? Phồn Y: - Mày nhìn lấy đấy, thì biết. (Hỏi Phượng) Phượng định đi đâu kia?
Phượng: (ấp úng) - Con... con... Bình: - Không giấu diếm nửa lời! Cứ nói vào mặt cho người ta biết, nói toạc ra, cho người ta biết chúng mình sẽ cùng nhau đi! Xung: - Thế nào, Phượng, Phượng định đi cùng anh Cả ư? Phượng: - Vâng, anh Hai ạ, tôi, tôi đã... Xung: - Thế sao Phượng không cho tôi biết? Phượng: - Không phải tôi giấu anh. Tôi đã nói cùng anh rồi chứ. Tôi đã bảo anh rằng anh đừng đeo đẳng cùng tôi vì rằng tôi... tôi đã... Bình: (Bảo Phượng) - Tội gì mà Phượng phải nói thế? Cứ nói thẳng vào mặt cho chúng nó nghe! (Chỉ vào Phồn Y) Nói cho nó biết rằng Phượng sẽ lấy tôi! Xung: - Phượng ơi! Thế là Phượng... Phồn Y: (Bảo Xung) - Đấy, bây giờ mày biết rõ sự tình rồi đấy. (Xung cúi đầu). Bình: (Bảo Phồn Y) - Bà thiệt là một người đàn bà không còn một tí gì nhân tâm nữa! Bà tính là con bà sẽ vì bà mà... đi
phá đám chúng tôi chắc! (Bảo Xung) Em Xung, em nói đi, em nghĩ thế nào, em cứ nói cho anh nghe, em định làm gì anh, em nói đi cho anh nghe. (Xung nhìn Phồn Y, lại nhìn Phượng, rồi cúi đầu). Phồn Y: - Kìa, thằng Xung, mày nói đi chứ! Sao mày không nói một câu gì cả, hở Xung? Sao mày không hỏi xem? Sao mày không hơn ông anh mày xem... (Mọi người nhìn Xung. Xung chỉ đứng im) Xung, nói đi con! Mày thế nào kia? Mày chết hay mày còn sống? Hay là mày câm, mày si rồi? Mày thấy sự tình như vậy, mà mày đứng yên được, không há miệng nói nửa lời ư? Xung: (Ngẩng đầu lên) - Không, không đâu mợ ạ! (Nhìn Phượng, cúi đầu xuống) Cái ấy chỉ là tuỳ lòng Phượng, con không nói gì hết. Bình: (Đi tới gần Xung, cầm tay Xung) - Em Xung, tâm hồn của em bao giờ cũng trong trẻo, sáng sủa. Xung: - Không, không phải thế! Nhưng dường như giờ đây tôi mới hiểu rằng... là xưa kia có lẽ tôi không thiệt yêu Phượng... Lâu nay chẳng qua tôi... tôi... tôi nói nhảm mà thôi. (Nhìn Bình, thấy Bình nét mặt hớn hở, nói tiếp, rụt rè) Thôi thì, anh đem Phượng đi vậy, em chỉ mong anh bao giờ cũng sẽ rất tử tế với Phượng. Phồn Y: - A! Thứ mày, thứ mày nữa! Mày không phải là con tao! Mày không giống tao tí nào, Xung ạ! Mày không có một tí gì là chí khí làm trai hết! Tao mà là mày ấy à, thì tao sẽ đánh nó, sẽ thui nó, sẽ giết nó đi! Mày thiệt là thứ sâu bọ ngu si, không có lấy một tí gì chí khí nào hết! Tao lầm, tao đã xét lầm mày... Mày không phải là con tao sinh ra, mày không phải là con tao! Xung: (Đau đớn) - Mợ, mợ thế nào thế hở, mợ? Phồn Y: - Thôi, mày đừng nhận mợ mày là mẹ nữa? Mợ mày đã chết từ những bao giờ rồi kia! Mợ mày đã bị ba mày dầy vò chết, chết từ những bao giờ rồi kia! (Gạt nước mắt) Tôi đau, tôi khổ đã mấy năm giời nay rồi. Trong cái nhà chết người này, tôi hầu hạ một ông Diêm Vương đã mười tám năm giời nay. Mặc dầu, quả tim tôi vẫn chưa chết hẳn. Ông ấy chỉ trông sao cho tôi sinh ra thằng Xung, nhưng lòng tôi, đời người tôi vẫn là của tôi chứ! (Chỉ vào Bình) Chỉ có một mình nó là có thể yêu một người như tôi, nhưng bây giờ nó không yêu, nó không nghĩ gì đến tôi nữa! Xung: (Đau đớn) - Mợ ơi! Mợ yêu mến của con ơi, sao mà đến thế này, hở mợ? Bình: - Em để vậy, kệ bà ấy, lại lên cơn điên rồi đấy! Phồn Y: - Thôi, anh đừng học giọng nói của ba anh nữa. Đồ giả dối! Không điên!... Tôi không điên bao giờ! Tôi muốn Bình nói đi, tôi xin Bình hẵng nói trắng ra cho mọi người rõ... đây đã đến hơi thở cuối cùng của tôi rồi. Bình: - Mợ bảo tôi nói gì? Tôi xem chừng mợ nên lên gác nghỉ đi là hơn. Phồn Y: (Cười lạt) - Thôi, Bình đừng vờ nữa, Bình cứ nói trắng ra cho mọi người biết rằng tôi không phải kế mẫu của
Bình!... (mọi người đều tỏ vẻ lạ lùng kinh sợ). Xung: - Mợ ơi! Phồn Y: - Nói đi, nói cho mọi người biết đi, nói cùng con Phượng cho nó rõ với. Phượng: - Đẻ ơi! (Chạy sập vào lòng Thị Bình). Phồn Y: - Mày nhớ lấy, chính mày mới là người dối em mày... Mày đã dối tao, mày mới thiệt là người lừa dối ba mày! Bình: (Nói với Phượng) - Kệ thây bà ấy, cơn điên lại lên rồi! Thôi chúng mình đi ngay đi. Phồn Y: - Đi đằng nào? Cửa lớn khoá rồi. Ba anh xuống đây bây giờ đấy, tôi đã cho người đi mời rồi. Thị Bình: - Giời đất ơi! Giời đất! Bình: - Mợ định làm gì mới được? Phồn Y: (Lạnh lùng) - Chả làm gì sốt, chỉ để cho ba anh nhìn thấy nàng dâu chính đính của cụ, trước khi hai vợ chồng anh lên đường mà thôi! (La to) ông Phác Viên đâu rồi! ông Phác Viên ơi! Xung: - Mợ ơi! mợ đừng làm thế!
Bình: (Đi tới trước mặt Phồn Y, bộ dữ tợn) - Đồ con điên! Cứ thét to lên tôi bảo cho! (Phồn Y chạy về phía buồng giấy gọi to) Thị Bình: (Hoảng) - Phượng, Phượng ơi, ra ta về đi, con. Phồn Y: - Rồi hẵng! Ông ấy ra đây rồi. (Phác Viên từ phía buồng giấy đi ra, mọi người đứng im) Phác Viên: - Mợ la gì om sòm lên làm vậy? Khuya rồi còn chưa lên gác đi ngủ đi? Phồn Y: - Tôi mời ông ra tiếp bà con họ nhà gái. Phác Viên: (Thấy Thị Bình và Phượng, giật mình) - A! Mụ... Các người làm gì thế này? Phồn Y: (Kéo tay Phượng đến trước mặt Phác Viên) - Đây! Nàng dâu của ông đây, nhìn xem! (Chỉ Phác Viên, bảo Phượng) Chào ba đi chứ! (Chỉ Thị Bình, bảo Phác Viên) Bà cụ già này chắc ông cũng biết là ai rồi. Thị Bình: - Ấy! Bà... Phồn Y: - Và Bình cũng lại đây. Tiện có mặt ông cụ, Bình lễ bà nhạc đi! Bình: (Khổ sở) - Thưa ba con... con...
Phác Viên: - Thế nào... (Bảo Thị Bình) Bà... Thị Bình, thế bà lại còn trở lại... Phồn Y: (Giật mình) - Chết! Thế nào cơ? Thị Bình: (Hoảng hốt) - Không, không phải mà, cụ nhớ nhầm rồi. Phác Viên: (Hối hận) - à! Bà Thị Bình, tôi cũng vẫn mong là bà sẽ trở lại một lần nữa. Thị Bình: - Không, không đâu. (Cúi đầu) A! Giời đất ơi! Phồn Y: (Ngạc nhiên) - Thị Bình? Thế nào, bà này tên là Thị Bình ư? Phác Viên: - Ừ, (Chán ngán) Thôi mợ đừng hỏi gạn làm gì nữa. Chính bà này là đẻ thằng Bình, là người đã chết ba mươi năm nay rồi đấy. Phác Viên: - A! Giời ơi! (Im lặng trong một lát, Phượng la lên một tiếng và nhìn Thị Bình. Thị Bình cúi đầu. Bình ngẩn người, bối rối đứng nhìn Phác Viên và Thị Bình, Phồn Y dường như cảm thấy rằng: ngoài bản thân mình còn có một số người khác mà vận mạng lúc này cũng đang bị đe doạ. Phồn Y đi dần dần đến bên Xungvà nhìn con một cách ân hận). Phác Viên: (Đau đớn) - Bình, con, con đi lại đây. Đẻ con vẫn chưa chết, đẻ con vẫn còn sống, còn sống đây. Bình: (Điên cả người) - Không phải! Ba, ba bảo con đi ba bảo con là không phải đẻ con đấy. Phác Viên: - Đồ hỗn! Bình! Không được nói nhảm. Dầu đẻ con có khổ sở một đời chăng nữa, thì cũng vẫn là đẻ của con. Bình: (Đau đớn) - Ba ơi! Giời ơi! Phác Viên: - Con hãy thấy rằng còn cùng con Phượng là cùng một mẹ mà lấy làm nhục. Con chớ quên nhân luân, thiên tính, con ạ. Phượng: (Đau đớn nói cùng Thị Bình) - Đẻ ơi! Phác Viên: - Bình, con đừng trách ba. Đây là cái tội lỗi rất lớn trong đời của ba. Nào ba có bao giờ ngờ rằng đẻ con ngày nay vẫn còn sống và hôm nay lại tìm đến đây! Thôi thì cũng chỉ có thể nói là giời xanh xui khiến... (Bảo Thị Bình). Bây giờ tôi già rồi. Hồi chiều, sau lúc tôi giục bà về Tế Nam, tôi lại lấy làm ăn năn. Cho nên tôi đã tính gửi theo cho bà số tiền hai vạn đồng. Bây giờ bà đã trở lại đây, tôi nghĩ lại, thằng Bình là một đứa con hiếu thảo chắc sau này nó sẽ biết hầu hạ đẻ nó đến nơi đến chốn. Thế nào nó cũng có thể chuộc những điều không phải của ba nó đối với đẻ nó ngày xưa. Bình: (Nói cùng Thị Bình) - Vậy, đẻ, đẻ là... Thị Bình: - Con ơi... (Khóc sùi sụt). Phác Viên: - Bình, con quỳ xuống lạy đẻ con đi. Con đừng tưởng là giấc chiêm bao, chính đẻ con đấy. Phượng: (Mê mẩn, hoảng hốt) - Đẻ ơi, lẽ nào lại thế hở đẻ? (Thị Bình không giả nhời chỉ nức nở khóc) Phồn Y: (Hối hận bảo Bình) - Bình, tôi... thiệt tôi không hề tưởng đến sự tình lại... lại ra thế này, Bình... Bình: (Nói cùng Phác Viên) - Ba! (Nhìn Thị Bình) Đẻ! Phượng: (Nhìn Bình) - Giời ơi! (Chạy ra phía cửa giữa, Bình ngồi sụp xuống chiếc xôpha, Thị Bình đứng ngẩn người). Phồn Y: (La to) - Phượng ơi! Phượng ơi! (Bảo Xung) Này con, xem bộ con Phượng nó có vẻ thế nào ấy, con chạy ra theo nó xem. (Xung chạy ra phía cửa giữa, vừa chạy vừa gọi Phượng) Phác Viên: (Đi đến trước mặt Bình) - Này con, Bình, câu chuyện là thế nào? Bình: - Ba, ba sinh ra con làm gì hở ba? (Xa xa nghe tiếng Phượng la ré thảm thiết, rồi nghe tiếng Xung gọi Phượng, cuối cùng tiếng Xung cũng hét lên nghe ghê người) Thị Bình: (Nói cùng một lúc với Phồn Y) - Phượng ơi! Con thế nào thế, hở con? Phồn Y: - Con tôi, con tôi đâu? Thằng Xung tôi đâu rồi? (Hai người cùng chạy ra phía cửa giữa). Phác Viên: (Lật đật chạy đến cửa sổ, vén màn cửa kính, nhìn ra ngoài, run cả tiếng) - Thế nào? Thế nào kia? (Một người đầy tớ chạy từ phía cửa giữa vào). Người đầy tớ: (Thở hồng hộc) - Bẩm cụ... Phác Viên: - Gì cơ? Nói nhanh lên! Người đầy tớ: (Thất thanh) - Bẩm... bẩm... cô Phượng... cô Phượng... chết rồi... Phác Viên: - Thế anh Hai đâu? Người đầy tớ: - Bẩm... bẩm... anh Hai cũng... mất rồi. Phác Viên: (Run tiếng) - Không... Không thể... không thể!... Thế nào? Người đầy tớ: - Bẩm... bẩm... Số là cô Phượng chạy vấp vào cái dây điện ngoài kia, anh Hai con không biết cũng chạy tiếp tục lại níu lấy cô Phượng, hai người cùng... bị điện giật chết cả hai. Phác Viên: (Cơ hồ ngất đi) - Lẽ nào!... Lẽ nào lại đến thế?... Không có thể, không thể thế được... (Phác Viên cùng người đầy tớ đi ra. Bình từ phía buồng ăn đi vào, mặt trắng nhợt nhưng có vẻ bình tĩnh, đi tới chỗ bàn, rút lấy khẩu súng trong cặp, rồi thong thả đi vào phía buồnggiấy. Ngoài kia, tiếng người ồn ào, tiếng khóc, tiếng la, tiếng gọi. Thị Bình đi từ phía cửa giữa vào, sắc mặt xang nhợt. Một người đầy tớ đi theo sau, tay cầm ống điện). Người đầy tớ: (Thấy Thị Bình đứng im phăng phắc, bảo Thị Bình) - Cụ già, sao cụ đứng ngẩn người ra làm vậy? Hỏng! Hỏng rồi! Cụ muốn khóc, cứ khóc đi, khóc to lên. Thị Bình: - Tôi không tài nào khóc được nữa! Người đầy tớ: - Đành thế, biết làm thế nào?... Nhưng bà muốn khóc thì cứ việc khóc. Thị Bình: - Không, không! Tôi... Tôi... (Cửa giữa mở to, nhiều người đầy tớ đi theo Phồn Y vào, mặt Phồn Y có vẻ cười dở, khóc dở) (Một người đầy tớ ở mé ngoài) - Bẩm bà, xin mời bà đi vào, bà đừng đứng nhìn nữa. Phồn Y: (Bị mấy người đầy tớ dẫn vào phía cửa giữa đứng tựa cửa nhìn ra, vẻ mặt rất quái gở) - Xung ơi! Con mợ ơi! Sao con lại há miệng ra thế kia, hở con? Làm sao mà con cứ nhìn trừng trừng vào mặt mợ mà cười làm vậy hở con?... Xung ơi! Con mợ ơi! Con ngớ ngẩn của mợ ơi! Phác Viên: (Đi từ phía cửa giữa vào, nước mắt lưng tròng) - Thôi! Mợ đi vào. Tay chân tôi rã rời ra cả rồi. Thôi mợ đừng nhìn nữa! (Một người đầy tớ già) - Thôi để mời bà đi vào nhà cho. Người bị điện giật cháy khô đi thế này không có cách nào nữa! Phồn Y: (Đi vào khóc khản cả tiếng) - Xung ơi! Con mợ ơi! Con yêu của mợ... Vừa hồi nãy đây, con đang sống đây kia mà, sao bây giờ con đã chết rồi, sao con chết được thảm thiết thế hở con? Phác Viên: - Mợ bình tĩnh lại một tí. (Lau nước mắt)
Phồn Y: (Vẻ mặt cười gằn) - Xung ơi! Con mợ ơi, con chết đi cũng phải. Con chết đi cũng phải! Mợ con hư hốt đến thế, con chết đi cũng phải? (Ngoài cửa tiếng mấy người đầy tớ giằng co cùng Hải)
Phác Viên: - Đứa nào đấy? Đứa nào mà lúc này còn gây bậy ngoài kia? (Người đầy tớ đi ra hỏi, ngay lúc ấy một người đầy tớ khác đi vào). Phác Viên: - Việc gì mà ngoài kia om sòm lên làm vậy? Người đầy tớ: - Bẩm cụ lại cái bác Hải hồi trưa ấy ạ! Hắn lại vừa đến gây chuyện với chúng con. Phác Viên: - Bảo nó vào đây. Người đầy tớ: - Bẩm cụ, nó đấm, nó đá chúng con. Bọn chúng con có mấy người vừa bị thương kia đấy ạ. Bây giờ nó nhẩy qua cửa sau đi mất rồi. Phác Viên: - Nó đi rồi ư? Người đầy tớ: - Bẩm cụ vâng. Phác Viên: (Ngẫm nghĩ một lúc) - Đuổi theo nó đi, đuổi theo gọi nó trở lại đây. Người đầy tớ: - Bẩm cụ, vâng. (Bọn đầy tớ cùng nhau đi ra, trong phòng chỉ còn Phác Viên, Thị Bình và Phồn Y). Phác Viên: (Đau đớn) - Ta bỏ mất một đứa con rồi, không thể bỏ nốt thằng nữa. (Cả ba người ngồi xuống). Thị Bình: - Thôi vậy, để cho nó đi vậy, nó đi đi là hơn. Tôi biết tính khí thằng Hải rồi; tôi biết nó căm ông lắm, nó không trở lại cùng ông nữa đâu. Phác Viên: (Cảm thấy lạnh lùng, tịch mịch) - Mới ngần ấy tuổi đầu, mà... thế là nó đi, đi trước cả bọn mình nữa... Bây giờ còn lại mấy mạng già này nữa thôi...(Giật mình) à! Thằng Bình đâu, thằng Cả đâu? Con ơi, Bình ơi! (Không thấy giả nhời) Chúng mày đâu? Chúng mày có đứa nào ngoài ấy không? (Vẫn không ai giả nhời) Chúng mày đi tìm hộ tao đi, tìm thằng Cả tao về đây cho tao! (Trong buồng giấy, một tiếng súng nổ, im phăng phắc ở phòng ngoài). Phồn Y: (Giật mình) - Trời ôi! (Chạy về phía buồng giấy. Phác Viên đứng ngẩn người một lát. Phồn Y chạy từ phía buồng giấy ra, la thất thanh) Bình... Bình... nó... Phác Viên: - Nó... Nó...
(Phác Viên cùng Phồn Y đều chạy về phía buồng giấy).